Bài đăng phổ biến

Thứ Ba, 30 tháng 4, 2013

Nguyễn Thanh Giang - Thơ chính luận Trần Nhơn

Nguyễn Thanh Giang
Tiến sĩ Trần Nhơn
Sinh ngày: 10/4/1938
Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng
- 1961: Kỹ sư Thuỷ Lợi
- 1991: Tiến sĩ Kinh Tế
- 6/1972: Phó Cục trưởng Cục kiến thiết cơ bản - Bộ Thuỷ Lợi
- 1/1976: Trưởng ty (nay là Giám đốc Sở) Thuỷ Lợi tỉnh Đak Lak
- 1983: Vụ trưởng Vụ xây dựng cơ bản - Bộ Thuỷ Lợi
- 11/1983 - 1995: Thứ trưởng Bộ Thuỷ Lợi
12/1997 đến 9/2007: Chủ Tịch Hội Thủy Lợi Việt Nam
Từ tháng 7/2000 Tổng Giám đốc Công ty phát triển và hội nhập Toàn cầu
Chức vụ về Đảng:
- Tỉnh uỷ viên tỉnh uỷ Đak Lak
- Phó bí thư Đảng uỷ khối cơ quan nông nghiệp TW
- Uỷ viên thường vụ Đảng uỷ khối cơ quan kinh tế TW
- Đại biểu đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI.
- Đại biểu đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII
Qua lời tựa tập “Điêu tàn”, Chế Lan Viên đã ra một tuyên ngôn thơ nổi tiếng thời bấy giờ: “Hàn Mặc Tử nói: làm thơ tức là điên. Tôi nói thêm: làm thơ là sự phi thường. Thi sĩ không phải là người. Nó là người Mơ, người Say, người Điên. Nó là Tiên, là Ma, là Quỷ, là Tinh, là Yêu. Nó thoát hiện tại, nó xối trộn dĩ vãng. Nó ôm trùm tương lai”.
Sau Cách mạng Tháng Tám ông đã suy đi nghĩ lại về thơ rất nhiều (“Nghĩ suy 68”, “Nghĩ về thơ”, “nghĩ”...) để có lúc ông lại cho rằng “Thơ không chỉ đưa ru mà còn thức tỉnh, không chỉ “ơi hời” mà con đập bàn quát tháo lo toan,....”. Đến nỗi, ông còn không muốn làm “sự phi thường” đối với ngôn ngữ nữa mà trở về tập nói:
Xưa tôi hát mà bây giờ tôi tập nói
Chỉ nói thôi mới nói hết được đời
Bao giờ thuộc hết tiếng của đời, ta xin hát lại
Khúc hát hay đâu có lắm lời
(Sổ tay thơ)
Thế rồi, từ “Trường thơ loạn” với những “thơ điên”, “thơ thần bí” …, Chế Lan Viên làm “thơ thời sự”, “thơ chính trị”. Có tác giả xếp bài thơ “Calley Sơn Mỹ 3/68,” vào hàng “thơ chính luận” đặc sắc của Việt Nam.
Cùng trong thể loại thơ chính luận, người ta thường liên tưởng đến bài thơ “Đất nước” của Nguyễn Khoa Điềm.
Trong buổi Hội thảo tưởng niệm tướng Nguyễn Chánh (1) tại quê hương ông, có người còn vinh danh nhà quân sự này là “một nhà thơ chính luận”.
Một số bài thơ chính luận của vị tướng này được dẫn ra như sau:

CÁI CÙM

Cái cùm bay khoá chặt
Ta quyết đập tan ra
Đôi chân còn ràng buộc
Buộc sao nổi lòng ta.

KÊU GỌI LÍNH GÁC

Bạn ơi nghĩ lại đó mà coi
Rón bước đêm khuya gác giống nòi
Chung phận trâu cày và ngựa
Vui chi vác súng với cầm roi
Bể dâu tôi bạn cùng chung gót
Quyền lợi mình, ta quyết chí đòi
Quét sạch quân thù ra khỏi nước
Con đường cộng sản sáng gương soi.

VỊNH CON THỎ BẠCH

Di truyền tinh huyết của cha ông
Lông trắng, môi son, cặp mắt hồng
Khỏi kiếp trâu cày và ngựa cưỡi
Nào hơn cá chậu với chim lồng
Nên, hư trước mặt - ngừng tai ngóng
Hoạ phúc bên mình - nhường mắt trông
Sống - thác phó cho người ấn định
Cõi trần còn mấy, biết hay không
Chưa được biết định nghĩa thế nào là “thơ chính luận” nhưng tôi cứ cảm nghĩ rằng ghép hai chữ chính luận vào mấy bài thơ trên cũng như bài “Đất nước” hay bài “Calley Sơn Mỹ 3/68” đều không thỏa đáng lắm. Có chăng đấy chỉ là những bài tức sự chính trị hay cảm tác chính khí …
Trần Nhơn mới thực là người đã dùng thơ để luận bàn về chủ trương đường lối chính trị, luận bàn về tư tưởng chính trị, luận bàn về chính sự …
Phải chăng, có thể xem đây là “hiện tượng Trần Nhơn” trong thi ca Việt Nam?
Nhà thơ chính luận Trần Nhơn đã có một thời cuồng nhiệt đi theo những nhà cách mạng lớp trước như Trần Độ “những mong xóa ác ở trên đời/Ta phó thân ta với đất trời” (2). Tuy không vào tù ra tội, không rơi xương đổ máu, nhưng nhờ tài năng, lòng nhiệt thành và trí tuệ bậc cao ông đã trở thành tiến sỹ và được Đảng cất nhắc lên đển chức Thứ trưởng Bộ Thủy Lợi, nhưng cái thực tế trớ trêu “Tháng năm biến đổi, ác luân hồi” (2) trên đất nước này đã từng đầy đọa lương tri Trần Độ, nay lại vò xé lương tâm Trần Nhơn:
Một thời Đảng cuốn hút hồn tôi,
Đảng ấy dường như biến mất rồi!?
Dân chủ, tự do dìm xuống vực,
Độc tài toàn trị phất lên ngôi.
(Bão tố nổi lên rồi!)
Đảng xưa hội tụ lòng yêu nước,
Nay là nơi mua bán chức quyền (?!)
Thang giá trị, luân thường đảo ngược,
(Quốc sử “triều” ta)
Tuyên ngôn Độc lập mùa thu ấy,
Dân chủ, nhân quyền gió cuốn bay.
Chủ nhân ngập ngụa đời cua cáy,
Đầy tớ xông xênh bổng lộc dày.
(Văn hóa lâm nguy)
Đất nước bốn ngàn năm lịch sử
Bao giờ bi đát thế này chăng?
Rắn nhiều đầu ôm chân quỷ dữ,
Cầm tù lòng yêu nước nhân dân.
(Loạn luân chính trị)
Ông vò đầu suy nghĩ, cố tìm cho được cái nguyên nhân nào đã tạo sự xót xa cay đắng đẩy dân tộc mình vào bao nhiêu cuộc chiến để rồi:
Mười thập kỷ “thắng” trong đại bại,
Đất nước “trường tồn” trong đại vong!
(Chào Xuân Mới Nhâm Thìn)
Khác với nhiều người, trút hết tội lên đầu Các Mác, ông chỉ đích danh: Lênin mới chính là tội đồ, bởi vì:
Lê nin mượn Mác làm nền tảng,
Chế thành tà đạo phản nhân văn.
Cuồng say bạo lực, siêu quyền Đảng,
Xây nhà tù lớn nhốt nhân dân.
Dẹp quân chủ, xây nền đảng chủ,
Siêu quái thai lịch sử loài người.
Stalin, Mao Trạch Đông… đao phủ,
Hậu duệ Lênin tiếng để đời.
(Có chủ nghĩa Mác-Lênin?)
Đệ Nhất Quốc tế với sự tham gia của Mác qua năm kỳ đại hội vẫn chỉ thông qua các nghị quyết: tán thành bãi công, thành lập công đoàn, đấu tranh đòi ngày làm 8 giờ, đòi cải thiện đời sống công nhân. Nhưng đẩy Mác vào vòng máu lửa, Lênin thành lập Đệ Tam Quốc tế với cương lĩnh hoạt động là đấu tranh lật đổ chế độ tư bản chủ nghĩa, xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa, thiết lập chuyên chính vô sản, mà theo Trần Nhơn thì:
Quốc tế Ba quái thai chính trị,
Mưu toan nhuộm đỏ cả hành tinh.
Lò chuyên chính vô luân phi nghĩa
Chôn sâu rồi mùi vẫn hôi tanh!
(Đảng và cụ Hồ)
Nhìn lại một trăm năm “bách chiến”:
Lênin tà đạo thật kinh hoàng!
(Chào Xuân mới Nhâm Thìn)
Cho nên Trần Nhơn đã kết tội:
Lênin tội ác tày trời,
Kéo lùi lịch sử về thời dân nô.
(Chôn vùi đảng trị vững bền nước non)
Và lên án cái nhà nước chuyên chính vô sản của Lênin:
Lập nhà nước chuyên chính vô sản,
Thực chất là vô học vô luân.
Độc tôn chính đảng thành băng đảng,
Lùa dân vào “địa ngục dương trần”.
(Khi quốc sách chìm trong quốc nạn)
Chuyên chính vô sản dẫn dến đảng độc tôn, đảng toàn trị làm cho chính đảng trở thành băng đảng, nhốt nhân dân vào địa ngục ngay trên trần thế. Cho nên, là “đảng viên cỡ bự”, được quyền cùng đảng ăn trên ngồi trốc nhưng, hơn ai hết, Trần Nhơn vô cùng căm ghét “toàn trị”. Ông nắm cổ nó mà rủa xả đay nghiến, bằng những “điệp khúc thơ” (3) liên hồi, như muốn gi nát nó dưới chân:
Toàn trị - loài buôn xương bán máu,
“Nhất tướng công thành vạn cốt khô”.
Vắt chanh bỏ vỏ bầy nô cẩu,
Mặt nạ rơi, hiển diện tội đồ!
Toàn trị kiêu căng và hợm hĩnh,
Coi trời bằng ... khuy áo, đầu đinh.
Nhưng không dám cạnh tranh bình đẳng
Giữa nghị trường đa đảng văn minh. (2)
Toàn trị xây đời nô lệ mới,
Bốn ngàn năm văn hiến lụi tàn.
Công nông, trí thức thành “tôi mọi”
Phò “hôn quân tập thể”, gian thần.
Toàn trị đánh cắp lòng yêu nước,
Loại trừ các chính đảng đồng hành.
Nhập bọn cùng nội xâm, ngoại thuộc,
Ăn mày dĩ vãng, mãi hư danh.
Toàn trị - tập đoàn phi chính nghĩa,
Mị lừa dân cưỡng đoạt chính danh.
Là nỗi đau dài xuyên thế kỷ,
Chính quyền hay đạo tặc lộng hành?
Toàn trị chuyên ngón nghề tẩy não
Hiền tài thành bồi bút, văn nô.
Lời huyết lệ gửi vào di cảo,
Phẫn hận mang theo xuống đáy mồ.
Toàn trị giành độc quyền yêu nước,
I tờ nghề đối ngoại nhân dân.
Với chính sách lân bang khiếp nhược,
Được đằng đầu, lân tiếp đằng chân.
Toàn trị lún sâu vào tử huyệt,
Xây nhà tù lớn nhốt nhân dân.
Hình sự hóa ngàn lời tâm huyết,
Diệt ân công, bức hại trung thần.
Toàn trị đứng ngồi trên đống lửa,
Gã khổng lồ đầu rỗng, tim đen.
Chân đất sét, miệng hùm, gan sứa,
Sợ mặt trởi, chui rúc bóng đêm.
Toàn trị - Tổ quốc là phương tiện
Xây vương triều “còn Đảng còn mình”.
Bao giờ phận con giun, cái kiến
Dân lành nhìn ánh sáng văn minh?
(Toàn Trị – Một góc nhìn)
Ông gọi độc đảng, toàn trị là loạn luân chính trị:
Dân chủ, Cộng hòa hay Cộng sản...
Bất luận mang tên, nhãn mác gì,
Nếu xếp loại vào dòng độc đảng,
Ắt là loài toàn trị man di!
Toàn trị là loạn luân chính trị,
Đảng đè đầu, cưỡi cổ muôn dân.
Đè đầu Đảng – một vài “đồng chí”,
Đè lên “đồng chí” – lũ gian thần.
Đồng chí chỉ còn là... đồng lõa,
Gầm ghè, đấu đá, khử trừ nhau.
Rồi dàn xếp, điều đình, mặc cả,
Phân ngôi, chia ghế hưởng sang giàu.
Đảng? Nhà nước? - Chỉ là phương tiện
Xây vương triều chuyên chế độc tài.
Dân lành phận con giun, cái kiến
Trong “thiên đường nô lệ” tương lai.
(Loạn luân chính trị)
Cách mạng Tháng Tám thành công, ánh sáng nhân quyền mới ló rạng trong Tuyên ngôn Độc lập mồng 2 tháng 9 thì bóng đen toàn trị của ĐCSVN đã phủ đêm dày mịt mùng lên đất nước:
Nguồn ánh sáng nhân quyền Tháng Tám
Chìm trong đêm toàn trị mịt mùng.
(Bao giờ mới hết ngu lâu?)
Từ đấy:
Chuyên chính độc tài, kẹp kìm báo chí,
Nhất lập tam quyền, bóp nghẹt tự do.
Mặt nạ rơi, lãnh tụ hóa tội đồ,
Từ đấy:
Tám mươi triệu người chỉ viết lén, nói chay,
Chưa có nổi trong tay một tờ dân báo!
Mấy trăm lò “báo vẹt” như dàn đại pháo
Sẵn sàng khạc đạn vào công dân cô đơn.
Còng số tám (8), điều tám tám (88) chập chờn
Trong ác mộng, lúc trà dư, tửu hậu.
Chạy một vòng tròn bảy mươi năm tranh đấu,
Càng lùi xa vạch xuất phát ban đầu.
Báo tư nhân thời thuộc Pháp đa sắc màu:
Tiếng Dân, Ngày Nay, Nam Phong, Thanh Nghị;
Lục Tỉnh Tân Văn, Đông Dương Tạp Chí,
Tri Tân, Con Đường Chính, Khúc Tiêu Sầu
(Nỗi đau này ai có thẻ sẻ chia!)
Đánh đuổi thực dân Pháp để tròng lên cổ nhân dân Việt Nam một cái ách toàn trị còn hà khắc, nghiệt ngã hơn thực dân Pháp!
Đánh đuổi đế quốc nọ để lại rước con voi Đại Hán tàn tệ hơn kia về giầy mả tổ!
Thái thú đỏ độc quyền “yêu nước”,
Rước voi giày mả tổ cầu vinh.
(Khi quốc sách chìm trong quốc nạn)
Chui vào rọ bá quyền Bắc thuộc,
Bán lương tâm, phụ chính phù tà.
Phong thánh cho gian hùng mãi quốc,
(Quốc sử “triều” ta)
Đối ngoại nạm vàng mười sáu chữ,
Quỵ lụy, nâng bi, hiến đất đai.
Sa bẫy nên biến thành thái thú,
Hay cuồng si bám giữ ghế ngai?
(Chế độ nào giải Trung thoát Hán?)
Không đặng đừng được nữa với cái họa Bắc thuộc đã nhỡn tiền, Trần Nhơn khẩn thiết kêu gọi:
Phải bẻ gãy kim cô Bắc thuộc,
Độc tài toàn trị hậu Lê – Mao.
Tháo cạm bẫy “chữ vàng”, “bốn tốt”,
Đại quy Trí Dũng dẹp binh đao.
Không thể trông mong ở những người lãnh đạo trong sự nghiệp chống Bắc thuộc bảo vệ danh dự tổ quốc nữa rồi:
Đã trót "ngu lâu", sập bẫy rồi,
Tìm đường tháo gỡ thoát ra thôi!
Thành Đô (3) - cột mốc đen ô nhục,
Sử xanh còn lưu giữ muôn đời.
Phiêu, Mạnh cũng là Tổng... dở hơi,
(“U mê”, “thiển cận” tựa Linh, Mười)
Dại gái, tham quyền thay mốc giới,
Tây nguyên bô – xít tội tầy trời!
(4)
(Chào Xuân Mới Nhâm Thìn)
Là “mọt sách” Mác cùn Lê rỉ
Hững hờ với quốc nhục Thành Đô.
Câu Tiễn trường kỳ khổ nhục kế,
Hay “đầu sai” Mao Đặng Giang Hồ?
(Nghĩ về Nguyễn Tấn Dũng và... thời cuộc)
Ông kêu gọi phát động chiến tranh nhân dân để bảo vệ biển đảo:
Mở mặt trận chiến tranh nhân dân,
Mười vạn ngư thuyền cảm tử quân.
Bám biển giữ vẹn toàn lãnh hải,
Noi gương Tàu – Không - Số anh hùng.
Giặc “mười sáu chữ lừa, bốn đểu”
Đến biển nhà, ngư phủ ra tay.
Hợp đồng quân chính qui tinh nhuệ,
Ắt xua tan hải tặc cướp ngày!
(Chế độ nào giải Trung thoát Hán?)
Trước thảm cảnh nhân dân rên xiết mãi trong quốc nạn và ngoại tặc:
Đất nước chìm trong tổng khủng hoảng,
Chui sâu vào cạm bẫy Bắc Kinh.
Tham nhũng, quan liêu thành quốc nạn,
Bão lòng, bão giá, bão ...niềm tin.
(Ai tái cấu trúc ai?)
Trần Nhơn nén một tiếng thởi dài:
Sầu thế kỷ suốt đêm dài cay đắng,
Mỏi mòn trông, thăm thẳm ánh bình minh.
(Ai tái cấu rúc ai?)
Và ngóng đợi:
Xã hội vào thời “cùng tất biến”,
Đợi đến khi nào “biến tất thông”?
(Chế độ nào giải Trung thóat Hán?)
Trần Nhơn có bi lụy không?
Không, bởi vì ông đã nghe thấy và nhìn thấy:
Biển chỉ đường ở trong lòng ta đó,
Lời nước non giục giã: Dậy mà đi!
Khai trí, tu tâm, bắn phá sức ì,
Thôi khoác lác, lắng nghe lời bách tính.
(Sầu)
Ông cảnh báo và khuyên nhủ các nhà lãnh đạo:
Bớt vị kỷ, nâng tầm nhìn, bản lĩnh,
Hãy nói lời khôn trước lúc rớt đài,
(Sầu)
Cùng với Trần Nhơn, chúng ta tin rằng chế độ chính trị nào rồi cũng như chiếc áo cũ bục ra rơi xuống, chỉ còn lại nhân dân sẽ cường tráng và đẹp tươi hơn khi khoác lên mình tấm áo mới:
Chế độ ra đi, người ở lại:
Tầng lớp tinh hoa, biết dại khôn,
Trừ thiểu số “côn đồ chính trị”
Rước voi giày mả tổ cầu vinh,
“Người ở lại” đa mưu túc trí:
Chủ lực quân tái thiết “triều đình”.
(Chế độ nào giải Trung thoát Hán?)
Cũng như “Thơ Bút Tre”, “Hiện tượng Trần Nhơn” rồi sẽ được ghi nhận trong thi đàn Việt Nam. Và hơn thế, nỗi ưu thời mẫn thế vì đất nước, vì dân tộc tấu lên thành thơ của Trần Nhơn sẽ được tri ân.
Rút trong cuốn “ĐÊM DÀY LẤP LÁNH”
Nguyễn Thanh Giang
Mobi: 0984 724 165
Thư viện mạng: www.nguyenthanhgiang.com
Ghi chú:
(1) Tướng Nguyễn Chánh (1914 – 1957), người Quảng Ngãi, năm 1945 lãnh đạo đội du kích Ba Tơ. Năm 1954 là Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam.
(2) Thơ Trần Độ
(3) Không chỉ là nhà khoa học, nhà lãnh đạo, Trần Nhơn còn là nhạc sỹ có hạng với trên 30 ca khúc, trong đó nhiều ca khúc đã đi vào lòng người: Biển gọi hè về, Hà Nội mến yêu ơi, Khúc hát người xây dựng, Mùa xuân Tây Nguyên, Nhịp điệu Trị An, Nhớ về đất Tổ, Sông Đà mùa xuân …
Hồ Gươm gửi hôm Thứ Sáu, 14/12/2012
Không có nhận xét nào:

THỦ TƯỚNG NGUYỄN TẤN DŨNG SẼ CHỌN "GIẢI PHÁP THIÊN AN MÔN" HAY "GIẢI PHÁP DRESDEN" ?


Thời điểm năm 1989 tại Trung Quốc và Đức đã lần lượt nổ ra hai cuộc biểu tình chấn động thế giới với tên gọi Thiên An Môn (Trung Quốc) và Dresden (Đức).

Đầu tiên phải kể đến cuộc biểu tình đẫm máu nổ ra ở quảng trường Thiên An Môn, nguyên nhân là do bất bình về nạn tham nhũng của chính quyền nước này. Và để trấn áp đoàn người tham gia biểu tình, Chính phủ Trung Quốc đã sử dụng quân đội tàn sát thẳng tay vào các công nhân, sinh viên tham gia đoàn biểu tình, thậm chí còn đe dọa sẽ dạy bài học Thiên An Môn cho dân chúng. Hậu quả khiến 800 dân thường thiệt mạng, 10.000 người bị thương. Cuộc đàn áp bằng bạo lực này lập tức đã gây nên một làn sóng chỉ trích rộng rãi của quốc tế đối với Chính phủ Cộng hòa Nhân Dân Trung Quốc.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Ngược lại với vụ đàn áp kiểu Thiên An Môn khiến trời người cùng oán hận thì cuộc biểu tình ôn hòa ở Dresden lại được xem như một hình mẫu cho các phong trào biểu tình mà ở đó cả người tham gia biểu tình và chính quyền đều đồng thuận. Thay vì dùng vũ lực để đe dọa, đàn áp người tham gia biểu tình thì một người dân đã tách ra, tiến dần về phía công an, rồi hỏi có ai ra để nói chuyện hay không, lúc này một viên sĩ quan công an đã tiến đến, hai người nói chuyện giữa trận tiền, cuộc đối thoại kết thúc và cho ra quyết định là đoàn biểu tình giải tán và cử ra ngay 20 người đại diện, họ sẽ họp bàn với phía công an, và ngay tối đó sẽ công bố kết quả cuộc họp tại bốn nhà thờ. Biến cố này được gọi là “mô hình Dresden” sau này được đem ra làm mẫu ở các thành phố khác khi công an mật vụ đứng trước đoàn biểu tình mở cửa cho ngọn gió dân chủ nổi lên.
Biểu tình Thiên An Môn. Ảnh minh họa.
Rõ ràng, cùng một sự việc nhưng cách hành xử của chính quyền hai nước Trung Quốc và Đức hoàn toàn trái ngược nhau, việc dùng vũ lực, đàn áp đẫm máu người dân là cách hành xử tệ hại nhất trong lịch sử vì chẳng những không thể dập tắt được ngọn lửa căm phẫn trong lòng dân chúng mà còn khiến nó le lói, âm ỉ và có thể bùng cháy mạnh mẽ hơn bất cứ lúc nào. Ngược lại nếu hành động theo kiểu của chính quyền Đức tránh đổ máu, dựa trên phương châm “đem đại nghĩa để thắng hung tàn, lấy chí nhân thay cường bạo” lại là cách thu phục lòng người hữu hiệu nhất.
Biểu tình Dresden. Ảnh minh họa.
Tới đây chắc chắn nhiều người sẽ thắc mắc đặt câu hỏi, nếu đặt trường hợp sự việc trên xảy ra ở Việt Nam, thì Thủ tướng sẽ xử lý như thế nào? Liệu sẽ theo mô hình Thiên An Môn hay mô hình Dresden?
Có lẽ câu trả lời của Thủ tướng sẽ là Việt Nam không chọn mô hình nào hết. Lý do rất đơn giản, bởi thực tế Việt Nam trước giờ chưa từng xảy ra một cuộc bạo động nào lớn như thế cả. Có người sẽ thắc mắc tại sao không? Lý do có thể chúng ta chỉ nhìn thấy những cái trước mắt, những cái được phơi bày trên các phương tiện truyền thông còn đứng trên cương vị một lãnh đạo, Thủ tướng ắt hẳn phóng tầm nhìn xa hơn, tiên liệu vấn đề để xử lý ngăn chặn những cuộc bạo động ngay từ trong trứng nước, chứ không để xảy ra tình trạng việc đã rồi mới tìm phương hướng giải quyết, rồi đặt mình vào tình thế bắt buộc phải lựa chọn một trong hai mô hình trên.
Điều này được minh chứng rất rõ ràng qua hàng loạt các chỉ đạo, điều hành của Thủ tướng. Thường thì trước các dịp lễ lớn, kỳ họp quan trọng của đất nước, Chính phủ sẽ ban hành chỉ đạo nhằm tăng cường, đảm bảo tình hình an ninh khắp các tỉnh thành trong cả nước. Không chỉ bằng văn bản, chỉ thị mà trong mọi cuộc gặp làm việc với cán bộ chiến sĩ Công an, Thủ tướng đều nhấn mạnh rõ nhiệm vụ tiên phong của lực lượng Công an là phải nắm chắc tình hình, không để bị động bất ngờ và kiên quyết không để xảy ra khủng bố, gây rối, bạo loạn, lật đổ và hình thành các tổ chức đối lập.
Tại sao Việt Nam lại an toàn hơn?
Chính vì thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Chính phủ mà lực lượng an ninh của chúng ta đã kịp thời chặn đứng nhiều cuộc bạo động của các tổ chức phản động lưu vong nước ngoài được cài vào chống phá đất nước Việt Nam. Điển hình như sự việc Nguyễn Quốc Quân một thành viên của tổ chức Việt Tân đã xâm nhập vào Việt Nam để thực hiện mưu đồ khủng bố, phá hoại lễ kỷ niệm 30/4 và 1/5/2012 tại Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh khác. Tuy nhiên, âm mưu hiểm ác của Nguyễn Quốc Quân lập tức bị cơ quan an ninh Việt Nam phát hiện và hắn đã bị bắt ngay tại cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất.
Có thể nói các thế lực thù địch luôn tìm mọi cách để thực hiện dã tâm diễn biến hòa bình, gây xáo trộn trong xã hội Việt Nam. Vậy nên bất cứ khi nào Chính phủ cũng coi trọng việc bảo vệ ổn định chính trị trong nước nhằm bảo vệ an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự an toàn xã hội.
Bạch Dương
(Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả)
( Nguyentandung.org )

Thứ Hai, 29 tháng 4, 2013

Lại thơ Trần Nhơn - nhà thơ xung kích

HỒN TỔ TIÊN CHẲNG ĐƯỢC YÊN
Hồn tổ tiên chẳng được yên,
Đêm về báo mộng thiêng liêng dặn dò:
Các Chú đổi mới vòng vo,
Ngày càng siết chặt kim cô xích xiềng.
Lịch sử quần chúng làm nên,
Mác đã dạy, các chú quên mất rồi!
Độc chiêu Đảng cử dân bầu,
Cuồng si bám giữ ghế ngôi lâu dài.
Kỳ thị thức giả, hiền tài,
Độc quyền chiếm dụng báo, đài, thông tin.
Chú Linh hạn hẹp tầm nhìn,
Theo vết xe đổ Lê nin lỗi thời.
Bước qua cầu Thống nhất rồi,
"Xã hội", "Dân chủ" thả rơi giữa dòng.
Làm chính trị chẳng thủy chung,
Trả lời trí giả, cộng đồng sao đây?
Cùng có lỗi trong việc này,
Chú Mười không thể đứng ngoài vô can!
Chú Mạnh luồn cúi ngoại bang (?!)
Đi mây, về gió, diễn văn dông dài.
Mong Chú còn kịp sửa sai:
Mấy tháng cuối nhiệm kỳ Hai của mình,
Lắng nghe thức giả, lão thành,
Tháo xiềng toàn trị, hãm phanh độc tài.
Chú Dũng thường nghe một tai,
Nhiều dự án lớn quyết sai, vội vàng.
Cả tin ô lại tham quan,
Các nhóm lợi ích ngụy trang trá hình.
Đã lên tột đỉnh quang vinh,
Chuyển sang đối trọng: cứu tinh nước nhà.
Chú dám đột phá, xông pha,
Tháo gỡ nút thắt, mở ra tiền đồ.
Bẻ gãy xích xiềng kim cô,
Đắp bồi dân chủ, tự do, pháp quyền.
Chú Trọng hiểu hết sự tình,
Giả vờ "lú lẫn" dối mình, lừa dân.
Chuyên nghề tổng hợp, diễn văn,
Níu kéo học thuyết lai căng, lỗi thời:
Mô hình toàn trị Tháng Mười
Bóp ngặt dân chủ, cây đời héo khô.
Chú Rứa cũng rứa vậy thôi,
Rao giảng những lời chú chẳng hề tin!
Chú "phong Thánh" Hồ Chí Minh,
Dễ bề khỏa lấp "chuyện tình Trường Tô";
Bao che hủ hóa, tham ô,
Giữ gìn"thể diện" quan to Triều đình?
Lo sợ "diễn biến hòa bình",
Chú muốn "gây hấn chiến tranh" tương tàn?
Diễn biến: tất yếu khách quan
Hội nhập thế giới nhân văn, nhân quyền.
Không thể cam chịu ngồi yên
Chờ mùa sung rụng tháo xiềng kim cô!
Đổi thay: mở rộng tiền đồ,
Giải phóng dân chủ, tự do loài người.
Từ bỏ mô hình Tháng Mười:
Hợp thời cuộc, thuận ý trời, lòng dân.
Băng chiến tranh lạnh đã tan,
Sáng soi chân lý, rõ ràng đúng sai:
Văn minh dân chủ phương Tây,
Nhấn chìm đảng trị độc tài Stalin,
Kế thừa học thuyết Lê nin,
Siết chặt toàn trị nâng thành quái thai!
Chú Triết nói vo dông dài,
Tự ti cộng sản, hớ, sai nhiều điều.
Quên "phế binh Ngụy" đói nghèo,
Vỗ về tư bản Việt kiều đầu tư.
Hòa giải chỉ trên ngôn từ,
"Hoà hợp kẻ cả" bao giờ thực thi!
Cải cách tư pháp được gì?
Dường như chỉ thấy bước đi thụt lùi!
Chú Chi giả điếc, giả mù
Né tránh ô dù, chỉ "tắm từ mông".
Kiểm tra có cũng bằng không,
Oan sai chẳng cứu, gian hùng được tha (?!)
Để vụ việc vỡ lở ra,
Mới họp thẩm vấn, xét rà hồ sơ.
Tảng lờ ngõ hẻm, chợ trời,
Mua quan, bán chức giữa thời dân nô.
Vẫn còn "đảng trị kim cô",
"Đổi mới","cải cách" là trò mị dân!
Chú Việt sáng dạ, chuyên cần,
Am tường dân chủ, nhân văn, nhân quyền.
Trải nghiệm Quảng Ninh, Thái nguyên,
Chậu hoa, chim cảnh Thanh niên, Công đoàn.
Thấu hiểu toàn trị cực đoan,
Hiến chương 77 (1977) sổ vàng ghi công.
Tư duy toán học tinh thông
Giúp chú đồng cảm tiếng lòng nhân dân:
Vì sao Xô viết trường thành
Cùng số phận tường Béc lanh đổ nhào?
Đông Âu nhẹ nhõm thở phào,
Đảng trị Việt vẫn giảng rao suốt ngày?
Chú vờ không biết, không hay
Mặc cả mua bán trao tay chức quyền.
Dĩ hòa "ngậm miệng ăn tiền",
Hay tự lột xác vượt lên chính mình?
Con nhà dòng dõi, thông minh,
Truyền thống cách mạng, gia đình vẻ vang.
Đồng hành cùng với nhân dân,
Kích hoạt nội lực tự thân mỗi người.
Mọi "quy hoạch" thành trò cười,
Đo ván ngay giữa sân chơi công bằng!
Nhìn thảm họa đen rõ ràng,
Hãy nắm lấy thời cơ vàng cứu dân!
Dù phải vượt khó vạn lần,
Sức dân là chiếc gậy thần ngàn năm
Khi có lãnh đạo ngang tầm,
Quy tụ Trí, Dũng, Nhân, Tâm, Đức, Tài.
Tổ chức, nhân sự ngày nay
Chú để tụt hậu hơn vài thập niên.
Cộng thêm hệ số kim tiền
Thay đen, đổi trắng, loạn điên sắc màu.
Cắp sách sang học Đông Âu,
Đổi mới chính trị chiều sâu vừng bền.
Bàn tròn đối thoại bốn bên,
Khoan dung đa đảng, đa nguyên một nhà.
Những người cộng sản tinh hoa
Chẳng lo "tự sát" khi hòa vào dân,
Luôn nắm bắt cái dân cần:
Tự do dân chủ tinh thần Voltaire.
Ngày nay chẳng ai thắng ai,
Các bên cùng thắng: tranh tài vì dân.
Đa nguyên, đối trọng cân bằng,
Phát huy nội lực, tiềm năng nước nhà.
Trường đua đa đảng mở ra,
Cử tri bầu chọn tinh hoa hiền tài.
Dẹp bỏ Bệ Rồng không ngai,
Thượng tôn pháp luật, học bài "Vì Dân"!
Nhiều Chú "khai quốc công thần",
Tướng lĩnh ưu tú hiến dâng trọn đời,
Sao còn lặng tiếng im hơi,
Tôn thờ chữ Nhẫn, đứng ngồi đợi sung?
Xương máu chiến sĩ, anh hùng,
Chất thành núi, chảy thành sông phí hoài!
Hồn nước chưa thể nguôi ngoai
Giữa nhà tù lớn đóng cài tư duy.
Trường chinh thế kỷ ta đi,
Để lại cuộc sống những gì hôm nay?
Lai căng toàn trị độc tài,
Đổi mãi chẳng mới, dằng dai sức ì.
Sức ì chính ở tư duy,
Đeo bám đảng trị bước đi giật lùi.
Mở cửa kinh tế đã lâu,
Đóng cửa tư tưởng tìm đâu nhân tài?
Rút ngắn, bắt kịp tương lai,
Con người – yếu tố lâu dài, căn cơ.
Đổi mới tập tễnh, giả vờ,
Tấn tuồng kệch cỡm bao giờ đổi thay?
Hãy đứng lên! Nối vòng tay!
Đảng viên, quần chúng đêm ngày đợi trông.
Đa nguyên: truyền thống Lạc Hồng,
Bài học sáng tạo, thành công vĩnh hằng,
Phát huy nội lực, tiềm năng,
Từ bỏ toàn trị lai căng, độc tài!
***
Con đường đi tới tương lai,
Thời cơ có một không hai lúc này:
Đại hội Mười Một "giả cầy",
Hay là Đại hội dựng xây nước nhà:
Hai nghìn mười lăm nở hoa?
                                                                Tháng 10/2010
                                                                TS TRẦN NHƠN

PHI CÔNG NGUYỄN THÀNH TRUNG TIẾC ĐÃ KHÔNG ĐƯỢC CHẾT CHO HOÀNG SA


Trả lời phỏng vấn báo Sài gòn Tiếp thị, phi công Nguyễn Thành Trung cho biết năm 1974, sau khi Trung cộng chiếm Hoàng Sa, đã có 150 phi công Việt Nam Cộng Hòa của 6 phi đoàn F5 sẵn sàng bay ra Hoàng Sa dập tan nát bọn Tàu cộng xâm lăng. Nhưng...
SGTT: Đã quá cái tuổi lục thập nhi nhĩ thuận, còn điều gì ông thấy hối tiếc, hoặc món nợ nào ông chưa trả được?
Phi Công Nguyễn Thành Trung: Đến giờ này tôi vẫn ân hận, tiếc là không được chết vì Hoàng Sa. Ngày 18.1.1974, hải quân Trung Quốc đổ bộ lên chiếm đảo Hoàng Sa, phía Việt Nam Cộng hoà khi đó có một đại đội địa phương quân chốt trên đảo Phú Lâm. Hai bên đánh nhau, cùng có thương vong về con người nhưng quân số Trung Quốc đông quá, 51 lính địa phương quân của ta bị bắt đưa về Trung Quốc. Việt Nam Cộng hoà lên tiếng phản đối việc Trung Quốc dùng sức mạnh quân sự để chiếm đảo của Việt Nam một cách phi pháp. Đây là sự kiện lớn, dư luận thế giới cũng phản đối việc đó.
23 nhận xét:

Nguy cơ Lê Chiêu Thống hiện đại


Tiến sỹ Trần Nhơn – nguyên thứ trưởng Bộ Thủy Lợi lại vừa công bố một bài thơ chính luận dài 1020 câu mang tiêu đề “Nghĩ về Quốc hội, Đảng và ... thời cuộc” mà ông gọi là trường ca. Tôi thì gọi đây là bản “Diễn ca Việt Nam đương đại”

Bố cục không được chặt lắm song sức khái quát của bản diễn ca thật lớn.
Hãy nghe ông triết lý:

Trời đất không hài hòa âm dương,
Thế giới thiếu hội nhập đa phương,
Hành tinh mất cân bằng sinh thái,
Ắt là hậu quả sẽ khôn lường!

Thật là hàm súc. Chỉ với 4 câu văn vần, ông vừa trình bày được vũ trụ quan, nhân sinh quan, vừa lý giải, vừa cảnh tỉnh … (Cho nên tôi đã từng khẳng định Trần Nhơn là nhà thơ chính luận số một của Việt Nam).

Từ triết luận đó, ông soi xét vấn đề chính trị:
Sự tồn tại thế lực đối lập
Giúp hệ thống chính trị cân bằng;
Tự vận động phát triển bền vững,
Thuận mệnh trời, hòa hợp nhân văn.

Một cách tài tình, ông hình tượng hóa “Hệ thống chính trị vắng đối lập” bằng một hình ảnh thật gớm ghiếc:

Hệ thống chính trị vắng đối lập
Như hình nhân tập tễnh chân què,

Trong khi báo, đài cứ xa xả nén vào óc người ta những điều dối trá: “Chưa có bao giờ đẹp như hôm nay” thì Trần Nhơn nói lên sự thật:

Đất nước một trăm năm nhìn lại,
Bao giờ khốn khổ thế này chăng?
Loạn xã hội, ngoại xâm, nội gián,
Từ cội nguồn “đảng chủ” lai căng!

Cái nguyên do “Đảng chủ” không những làm cho đất nước tụt hậu so với thế giới mà còn ngày càng suy nhược so với chính thời đại cha ông mình:

Ngàn năm minh triết vị nhân dân,
Khoan dung, bất khuất Lý, Lê, Trần...
Từ ngày “đảng chủ” thay quân chủ,
Mở kỷ nguyên quốc nhược dân bần!

Ông Hồ Chí Minh nhắc nhở bàn dân với giọng tự hào: “Các Vua Hùng đã có công giữ nước. Bác cháu ta phải cùng nhau giữ nước”. Thực ra lịch sử cho thấy, chỉ ngày xưa:

Quân chủ giữ vẹn toàn đất nước,
Không nhường một tấc đất cho Tàu.

Còn ngày nay thì:
“Đảng chủ” đuổi sói ra cổng trước,
Rước voi giày mả tổ vườn sau!
Những người lãnh đạo ĐCSVN ra sức níu kéo Điều 4 để duy trì thời đại “Đảng chủ” trong khi Trần Nhơn cho rằng:

Người cộng sản tâm tài trí dũng,
Coi Điều Bốn là sỉ nhục mình.
Đi đầu trong phong trào quần chúng,
Sao phải bám vào “phao cứu sinh”!

Chính Điều Bốn đang hủy hoại Đảng,
Chưa có nó Đảng đã hư rồi.
Quyết giữ nó sẽ là quốc nạn,
Đảng càng nhanh mục nát mà thôi!

Ông kêu gọi đương kim Tổng Bí thư:

Ông Trọng cần để lại dấu ấn,
Phế bỏ “đảng chủ” lập quyền dân.

Song, kêu gọi chỉ để mà kêu gọi, trông mong gì được ở cái con người

Chưa vượt chính mình – còn lú lẫn,
Lạc vào mê hồn trận “ngu quân”.

Chẳng những thế con người ấy còn tỏ ra rất non kém. Vì non kém, ông ta chỉ có thể thuyết giáo chung chung. Hoặc nói những điều vô thưởng vô phạt. Hoặc nói những điều cũ mèm lạc lõng, lạc hậu đến mức như là phản động.

Việc làm thì chẳng đâu vào đâu. Hồi làm Bí thư Thành ủy Hà Nội, Thủ đô rất trì trệ. Kém hẳn so với Đà Nẵng, Sài Gòn và nhiều thành phố khác. Đã thế còn tiếp tay cho Siputra lậu thuế một ngàn sáu trăm tỷ đồng để được hưởng một biệt thư trị giá một triệu đôla.

Hành động quyết liệt nhất trong đời NPT, sau này kể lại, chỉ có thể là hành động đã được ông biểu diễn trong Hội nghị Trung ương 4 vừa rồi. Thế mà, kết quả hành động này đã không chỉ mang lại thất bại cho cá nhân ông mà còn bôi nhọ cả “triều đình” ĐCSVN. Sau Hội nghị TW4, người ta rất dễ liên tưởng cái thiên triều trên tivi trong vở hài Táo quân Báo cáo vào dịp Tết năm nay với “triều đình” CSVN thời Nguyễn Phú Trọng. “Thường vụ Bộ Chính trị Thiên triều” gồm Ngoc hoàng, Bắc Đẩu, Nam Tào, Thiên Lôi mà có khác nào bầy thảo khấu. “Nội các thiên triều” thì bát nháo như một cái chợ trâu bò.

Những gì diễn ra trong Hội nghị TW4 không dấu nổi âm mưu sát phạt nhau giữa Nguyễn Phú Trọng với Nguyễn Tấn Dũng:

Cùng là thành viên Bộ Chính trị,
Ông rình lật cánh đánh phủ đầu!
……

Ông nghĩ mang Ba Dũng “tế thần”
Để Đảng tiếp tục đè đầu dân,
Là tính toán sai lầm chiến lược,
Nước cờ tàn “đảng chủ” di căn?

Nếu biện giải rằng hành động đó không do kèn cựa, không phải là xấu bụng mà chỉ xuất phát từ động cơ “vì Đảng” thì cái sự “vì Đảng” đó cũng thật là dại dột, dốt nát:

Tập trung chống tham nhũng? - Lạc hướng!
Dồn sức “đánh” Thủ tướng? - Lạc đề!
Căn nguyên: ý thức hệ tư tưởng,
Phải đâu vì Tư S, Ba D?

“Thanh toán” vài cán bộ ăn bẩn,
Đảng sẽ trong sạch và mạnh lên?
Hay mượn cớ tiêu diệt đối thủ,
Tổng Bí thư thâu tóm độc quyền?

Đó chính là cách làm thiển cận,
Đã và đang “chuốc oán gây thù”.

Cựu đại sứ Nguyễn Trung – nguyên cố vấn thủ tướng Võ Văn Kiệt cũng có chung nhận định. Trong “Thư ngỏ gửi Quốc hội, Đảng CS và Nhà nước Việt Nam”, Nguyễn Trung viết:

“Hội nghị Trung ương 5 và 6 lấy chống tham nhũng là mặt trận chính. Quyết định này sai lầm ở chỗ: (a) chủ yếu nhằm vào xử lý vụ việc, chứ không phải nhằm vào sửa lỗi hệ thống là chính, (b) đặt vấn đề chống tham nhũng lên trên mọi vấn đề cấp bách khác quan trọng hơn nhiều, nghĩa là rất cảm tính và thiên lệch … Với 2 sai lầm lớn như vậy trong việc đặt ra vấn đề chống tham nhũng, lại thực hiện trong tình trạng Đảng và toàn bộ hệ thống chính trị có quá nhiều tiêu cực và yếu kém, nên đến nay kết quả thực hiện các nghị quyết của các Hội nghị Trung ương 4, 5, 6 liên quan đến chủ đề này có nhiều biến tướng rất đáng lo ngại, đến nay có thể nói là thất bại. Chính đồng chí Tổng bí thư không dưới một lần gián tiếp nhưng đã phải công khai thừa nhận như vậy.
Hơn nữa, trong khi tập trung mũi nhọn vào chống tham nhũng một cách phiến diện như vậy, đã xảy ra một số sự việc, một số phát ngôn rất thiếu cân nhắc, thiếu trách nhiệm (đôi khi có cả thứ ngôn ngữ mang đặc tính “anh chị”) của một số người có trọng trách… Những hiện tượng này hình như cho thấy câu chuyện đang diễn ra không phải chỉ có việc chống tham nhũng, mà còn là biểu hiện bên trong của những động cơ, những hiện tượng “đánh nhau”, “đối phó với nhau”… không thèm đếm xỉa đến tác động như thế nào đối với kỷ cương, sự uy nghiêm và mối an/nguy của quốc gia. Những hiện tượng này hoàn toàn không được phép xảy ra với những chính khách chân chính!
Qua các Hội nghi Trung ương 4, 5 và 6, quyền lực của Đảng đang tự mình tiếp tục làm mất thêm uy tín của Đảng và gây thêm nhiều khó khăn nguy hiểm cho đất nước. Đơn giản bởi lẽ “nhóm” nào thắng thì đất nước cũng thua; vì hệ thống chính trị có quá nhiều sai lầm và quyền lực của nó vẫn được bảo toàn nguyên vẹn, thậm chí đang được “xiết” thêm”.

Nguy hiểm hơn triệu lần động cơ kèn cựạ cá nhân hay nhận thức phiến diện của bản thân ông Nguyễn Phú Trọng là điều nghi vấn: phải chăng NPT đang thực hiện sự chỉ đạo của “quan thầy” ngoại bang?

“Quan thầy” chỉ đao thế nào?

Hình như mật lệnh đã ban:

Một mặt, phải tuyên bố trước Quốc hội “Biển Đông không có gì mới. Chỉ có mấy hòn đảo thôi mà” (thật là … hết chỗ nói). Một mặt, phải sắn tay lên đánh nhau để toàn Đảng toàn dân chú tâm vào đó, đặng “quan thầy” rảnh tay xây thành đắp lũy ở Hoàng Sa, truy diệt những người Việt Nam nào dám đánh cá, dám tìm kiếm thăm dò tài nguyên trên Biển Đông.

Trong bài thơ dài của tiến sỹ Trần Nhơn tôi rất quan tâm đến khổ thơ này:

Đóng cửa, hiệp thương với “Cướp ngày”,
Giữa kỷ nguyên hội nhập Đông Tây.
Phải chăng hồn ma Lê Chiêu Thống
Nhập vào Nguyễn Phú Trọng hôm nay?!

Nhận mật lệnh, cái hồn ma kia đã chỉ đạo mọi cơ quan thông tấn báo chí phải dốc sức ca ngợi hết trận đánh B52 “Điện Biên phủ trên không” đến Cuộc Tấn công Tết Mậu Thân … ròng rã hàng tháng trời.
Khích lệ bắn B52 bây giờ để làm gì!
Trong khi TBT Nguyễn Phú Trọng nhiệt liệt biểu dương thành tích đợt tuyên truyền bắn B52 thì thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có lý hơn khi ông đến úy lạo Đoàn 681 Hải Quân với Tổ hợp tên lửa bờ Bastion có khả năng tấn công mục tiêu xa đến 300 km và bảo vệ một tuyến bờ biển chống tác chiến đổ bộ của đối phương lên đến 600 km.
Ít ra là phải thế chứ!

Gợi nhớ Mậu Thân để làm gì?

Để biểu dương hàng ngàn chiến sỹ ta bị hạ sát hay để hoan hô hàng ngàn đồng bào ta bị chính chiến sỹ ta tàn sát!.

Trong khi chỉ đạo khơi sâu Mậu Thân thì ông ta lú lẫn tảng lờ như không hề có chuyện hàng vạn chiến sỹ ta hy sinh, hàng vạn đồng bào ta bị Trung Quốc chặt đầu, mổ bụng, moi gan nhằm “dạy cho Việt Nam một bài học”. Tồi tệ hơn, khi các chí sỹ khả kính như Nguyễn Trọng Vĩnh, Nguyễn Trung, Nguyên Ngọc, Nguyễn Quang A …. cùng một số anh em trẻ đến đặt vòng hoa tại đài liệt sỹ trên đường Bắc Sơn để tưởng niệm ngày 17 tháng 02 năm 1979 cũng bị ngăn trở!

Giỗ trận Đống Đa năm nay không thấy vị lãnh đạo nào hiện diện!

Rõ ràng người ta không chỉ “hèn với giặc, ác với dân” mà đang thực hiện mệnh lệnh “quan thầy” đẩy xa Hoa Kỳ để ấn cổ đất nước lèn sâu vào thòng lọng Trung Quốc!

Ai cử Trần Đăng Thanh và ra lệnh triệu tập các thầy cô ở các trường đại học đến nghe ông này thuyết giảng phải tiếp tục coi Hoa Kỳ là kẻ thù, Trung Quốc là ân nhân.

(Cái anh chàng Phó Giáo sư – Tiến sỹ này mạt hạng đến mức dám trâng tráo dọa nạt các thầy cô phải trung với Đảng … nếu không muốn mất sổ hưu!)
Thật rất đáng ngờ. Thật là thậm nguy. Nhà thơ chính luận Trần Nhơn thì nhắc nhở Nguyễn Phú Trọng:

Ông có nghĩ phải sống giằn vặt
Những tháng năm khi đã về vườn.
Những giáo điều, sai lầm, tội ác,
Trước khi tìm đến gặp Diêm vương?

Song, chỉ lo trước khi ông ấy “tìm đến gặp Diêm vương” thì ách đô hộ toàn phần của Trung Quốc đã được đặt xong (bây giờ đã bán phần).

Cho nên phải khẩn trương

Tìm bọn “cõng rắn cắn gà nhà”,
Đưa chúng ra xét xử tại tòa.

Người viết bài này khẩn thiết kính mong Hội nghị Trung ương 7 nhóm họp vào tháng 5 này hãy sáng suốt đuổi ngay tên Lê Chiêu Thống hiện đại ra khỏi hàng ngũ lãnh đạo để cứu lấy đất nước.

Hà Nội 20 tháng 4 năm 2013
Nguyễn Thanh Giang
Mobi: 0984 724 165
Web: www.nguyenthanhgiang.com

Chủ Nhật, 28 tháng 4, 2013

NÔNG ĐỨC MẠNH: ÔNG LÀ AI ?



“… Mặc dù nhiều khuyết điểm, hạn chế có từ các khóa trước, nhưng với trách nhiệm chính trị của cơ quan lãnh đạo hiện nay,  Bộ Chính trị và từng Uỷ viên Bộ Chính trị tự nhận thấy sâu sắc trách nhiệm chính trị của mình trước những khuyết điểm, hạn chế đó…” 
(TBT Nguyễn Phú Trọng).

Hình ảnh
Tân Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhận hoa chúc mừng
 của người tiền nhiệm Nông Đức Mạnh. Ảnh: AFP
(Hưởng ứng lời yêu cầu của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang: Nhân dân cần phát huy dân chủ, nói thẳng nói thật để xây dựng Đảng)
Cứ tưởng sẽ không bao giờ phải nhìn một khuôn mặt phương phi cười cợt, như cố khoe hai hàm răng chắc khỏe dưới cái đầu láng mướt, cái cằm bạnh trên cái cổ áo thắt cà vạt đỏ chót.
Nhưng hôm kia tôi lại phải nhìn khuôn mặt ấy đi dự khánh thành nhà máy thủy điện Sơn La. Đấy là khuôn mặt “nhà cách mạng lão” Nông Đức Mạnh, nguyên Tổng bí thư đảng cộng sản Việt Nam.          
   Lịch sử Đảng cộng sản Việt Nam trải  hơn 82 năm có 9 người đã và đang làm Tổng bí thư.
               Ông Trần Phú chỉ làm TBT 314 ngày, nhưng đã  để lại bản “Luận cương chính trị” và lời nói bất hủ “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu!”.
              Ông Nguyễn Văn Cừ làm TBT gần hai năm, đã vạch ra quyết sách đúng đắn chống tả khuynh, đề phòng hữu khuynh, và mới 28 tuổi để lại tác phẩm “Tự chỉ trích” đáng nhớ.
               Ông Trường Chinh hai lần làm TBT, lần trước vạch đường lối cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trong tác phẩm “Kháng chiến nhất định thắng lợi”, lần thứ hai đặt nền móng cho công cuộc đổi mới.
               Ông Lê Duẩn làm TBT 16 năm 101 ngày, là cha đẻ của “Đề cương cách mạng miền Nam”, cũng là người cảnh báo kẻ thù lâu dài và nguy hiểm của Việt Nam là bá quyền Trung Quốc.
              Ông Nguyễn Văn Linh làm TBT một nhiệm kỳ 5 năm, đã có một vai trò sáng giá trong cuộc phá bỏ nền kinh tế kế hoạch quan liêu bao cấp, mở đầu kinh tế thị trường, có “Những việc cần làm ngay” tháo gỡ kho khăn, cởi trói trí thức.
              Ông Đỗ Mười làm TBT từ 1991- 1997,  một  quyền uy đủ sức răn  đe.
              Ông Lê Khả Phiêu làm TBT gần ba năm, làm được việc những người tiền nhiệm không muốn và không dám làm: dẹp bỏ một siêu cơ quan quyền lực là Ban cố vấn trung ương đảng, bớt đi một tầng nấc lãnh đạo quan liêu; ra được NQTW 6(2) chống tiêu cực, tham nhũng.
             
Bảy đời Tổng bí thư, bảy con người kể trên chưa ai hoàn hảo về tài năng, đức  độ và nhân cách, nhưng mỗi người đều ghi một dấu ấn trong một giai đoạn  lịch sử  nhất định, đề lại một chân dung đậm nét với tư cách  người “công dân số 1” của Việt Nam.
Ông Nông Đức Mạnh làm Tổng bí thư hai nhiệm kỳ 9 và 10, với thời gian 9 năm 272 ngày, đứng thứ 3 về thời gian sau Lê Duẩn, Trường Chinh. Ngày 12-1-2011 ông  đọc bài diễn văn cuối cùng, rồi 8 ngày sau đó ra về ,để lại một câu hỏi chưa có lời giải đáp: “Nông Đức Mạnh, ông là ai?”.
           
Ai cũng biết Nông Đức Mạnh không trải qua tù đày, chinh chiến, không phải trăn trở lo toan từ hạt gạo, hạt muối, manh áo, manh quần đến viên đạn cho người lính ngoài mặt trận, không phải nhọc lòng cúi mặt  ngửa tay xin từng đồng viện trợ của nước ngoài. Trong khi đó ông từ cửa rừng vọt thẳng lên quan lộ, lên Chủ tịch Quốc hội, rồi Tổng bí thư, giữa thời điểm nhiều thuận lợi, kinh tế Việt Nam đang kỳ sung mãn, chính thức bước vào sự nghiệp đổi mới toàn diện. Điều không may cho dân nước là sự mất cơ vận khi bước vào sự nghiệp đổi mới lại có một Tổng Bí thư không phát huy được vai trò đảng lãnh đạo, buông lỏng công tác Đảng, không tiếp nối được kinh nghiệm và thành của của các TBT tiền nhiệm. Ông nói nhiều  mà làm ít hoặc nói mà không làm. Đi đến đâu phát biểu của ông chủ yếu vẫn là nhắc lại nghị quyết và hô khẩu hiệu; thêm sự kém tâm, thấp tầm, lại bảo thủ và nhiều điểm yếu khác.
           
Khi Nông Đức Mạnh làm chủ tịch Quốc hội, ông khá đĩnh đạc trong những phiên họp Đại biểu quốc hội, đặc biệt là điều hành  những phiên chất vấn ở nghị trường. Bấy giờ nhiều người ca ngợi ông và loan truyền những tin đồn như  huyền thoại, có người không giấu giếm rằng đây chính là một  gương mặt kế thừa!? Chính vì thế  một nhà báo nước ngoài đã hỏi thẳng Nông Đức Mạnh: “Có phải ông là con Hồ Chí Minh?”.  Nông Đức Mạnh trả lời: “Ở Việt Nam ai cũng là con cháu Bác Hồ!”.  Cái cách trả lời nước đôi có ý “bắt quàng” như vậy càng đẩy sự đồn đại đa chiều, phức tạp thêm. Thà nói thẳng ra bố tôi là Nông X cũng được! Và, có lẽ đấy cũng là một yếu tổ để ông thong dong bước lên vị trí số một của Đảng cộng sản Việt Nam.
               
Từ khi làm Tổng bí thư, Nông Đức Mạnh đã đánh mất niềm tin mọi người dành cho ông.
              
Suốt hai nhiệm kỳ ông không  chủ động đưa ra được một chiến lược, sách lược kinh tế, chính trị, quân sự, ngoại giao, và không có một tác phẩm lý luận đúng tầm  mà với cương vị Tổng bí thư phải có. Ngược lại, chẳng những ông không sáng tạo mà không học thuộc bài của những người tiền nhiệm, cả về lý luận và thực tiễn.
              
Ông như một cái bóng mờ nhạt, có người gọi là “bù nhìn”, mọi việc khoán trắng cho Nhà nước, Chính phủ, còn ông đi thăm thú, điệu hạnh khắp nơi, chỗ nào cũng thuộc lòng để phát lên câu nói của Bác Hồ: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết; thành công, thành công đại thành công”. Câu nói đó từ trẻ học sinh lớp 1 đến ông già ai chẳng thuộc. Nhưng đoàn kết với ai, đoàn kết thế nào, làm gì để thành công? Thì Nông Đức Mạnh không đưa ra được kế sách, quyết đoán nào thể hiện rõ vai trò lãnh đạo của một đảng cầm quyền, thực thi dân chủ phát huy sức mạnh tòn dân tộc thế nào cũng mờ nhạt nhất so với 7 vị TBT tiền bối…Ngươi fta nói, suốt hai nhiệm kỳ Nông Đức Mạnh làm TBT, Chính phủ như phủ chúa Trịnh, còn Đảng như cung vua thời Lê mạt !
Vợ chồng nguyên TBT Nông Đức Mạnh - ĐB QH Đỗ Thị Huyền Tâm     
Tôi đã  sưu tầm sách báo cố tìm ra một nét riêng cựu TBT Nông Đức Mạnh, một lời nói thể hiện cái tâm cái tầm, một hành động thể hiện bản lĩnh để có thể tự hào về ông,  nhưng thất vọng. Đọc những  bài diễn văn, những lời phát biểu và ngay cả những bài báo ký tên ông  toàn thấy hình thức sáo rỗng, trùng lắp.
              
Nông Đức Mạnh  cứ nhắc đi nhắc lại phải học tập và làm theo Hồ Chủ tịch, nhưng hình như bản thân ông lại không thực hiện được những lời dạy của Hồ Chủ tịch.
            
Trong hai nhiệm kỳ của ông  để lại một “dấu ấn” rõ nhất là sự xuống cấp về đạo đức  của cán bộ lãnh đạo. Ông đã làm biến đổi chất lượng của một đảng cấm quyền. Việc mua quan bán chức, chạy quy hoạch cán bộ không còn là hiện tượng cá biệt mà trở thành phổ biến. Việc ban phát quyền lực theo kiểu “nhất thân nhì thế tam chế tứ tiền” trở thành cẩm nang hành động. Tiêu cực, tham nhũng nảy sinh và phát triển ngay ở thượng tầng kiến trúc và tạo thành một hệ thống che đậy cho nhau từ trên xuống dưới từ trong ra ngoài. Ai giới thiệu, ai nâng đỡ  những Bùi Tiến Dũng, Nguyễn Việt Tiến, những “con sâu” PMU 18? Chính là TBT Nông Đức Mạnh vào thời điểm xảy ra vụ việc đó. Ai tạo ra cái tiền lệ  con nối ngôi cha? Đó chính là TBT Nông Đức Mạnh. Ộng ta tìm mọi cách đưa Nông Quốc Tuấn, một người con chỉ có cái vốn kiến thức mấy năm đi hợp tác lao đông ở nước ngoài  vào Ban Thường vụ Trung ương đoàn, từ đó nhảy vùn vụt lên các nấc thang quyền lực. Phải nói thẳng, cái gọi là “một bộ phận không nhỏ, suy thoái về chính trị, tha hóa về đạo đức lối sống” mà Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nói, đã được hình thành và dung dưỡng suốt mười năm với hai nhiệm kỳ Tổng bí thư của ông Nông Đức Mạnh. Khi ông nhậm chức TBT, nghị quyết TW 6(2) đang triển khai rất hiệu quả, ông để chểnh mảng cho teo dần rồi coi như vứt sọt rác, Do đó, tham nhũng tiêu cực được “cơ” phát triển đến mức nghiêm trọng, buộc TBT Nguyễn Phú Trọng phải cấp thiết cho ra NQTW 4 khóa XI.
            
Từ tháng 10 – 2010, Trung tướng Nguyễn Hòa, nguyên Ủy viên Trung ương đảng khóa V-VI-VII đã viết đơn tố cáo những sai lầm và  suy thoái đạo đức của ông Nông Đức Mạnh, trong đó có đoạn: “Là người nắm chức vụ cao nhất trong đảng, nhưng đồng chí Nông Đức Mạnh đưa con của đồng chí không đủ tâm đủ tầm làm Chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên, và có ý định đưa làm Bí thư Thứ nhất Trung ương đoàn, vừa mưu cầu danh vọng vừa dụng ý gây dựng lực lượng của mình lâu dài”.
              
Không chỉ riêng Trung tướng Nguyễn Hòa, mà cả Đại tướng Võ Nguyên Giáp và nhiều người lên tiếng, tố cáo ông vụ “Sáu Sứ”, “Năm Cam”… nhưng tất cả đều chìm vào im lặng. Nông Đức Mạnh đã lấy quyền Tổng bí thư ém nhẹm đi.
               
Những người bị tố cáo chẳng những không bị điều tra, xử lý một cách nghiêm túc, dân chủ, công khai như điều lệ đảng mà trái lại, đươc trọng dụng. Vì dụ như  Nông Quốc Tuấn được làm Bí thư Tỉnh ủy trước thềm đại hội XI của đảng, rồi giành một suất cơ cấu Ủy viên Trung ương đảng,  mà dư luận cho rằng đó là sự mặc cả của Nông Đức Mạnh.
               
Người ngoài nói rất nhiều về sai trái, lỗi lầm của Nông Đức Mạnh đối với dân với nước, con ông lại “vạch áo cho người xem lưng” về nhân cách của một người cha, sự lừa đảo của bà dì là Đại biểu Quốc hội. Đọc lá thư của con gái ông gửi báo ‘Người cao tuổi’,  tôi thấy xấu hổ thay cho ông.
               
Tất cả những điều tôi viết trên đây có lẽ góp được một phần nhỏ để trả lời câu hỏi: Nông Đức Mạnh – ông là ai? Cái lớn hơn, chính tôi cũng đang tìm câu trả lời là: Phải chăng Nông Đức Mạnh là người đã có công tạo những thuận lợi cho Trung Quốc nhảy vào tận ngã ba biên giới Đông Dương chiếm vị trí “thượng phong” về quân sự cả vùng để…khai thác Bauxte Tây Nguyên? Cả những khu rừng rộng lớn ở Lạng Sơn cho Trung Quốc thuê 50 năm chẳng lẽ không phải “anh thợ rừng, đội phó đội khai thác gỗ  họ Nông” cho phép? Nhưng, từ 1991 váo Bộ Chính trị đến ngày 19-1-2011, suốt 20 năm hai khóa Chủ tịch Quốc hội, hai nhiệm kỳ Tổng bí thư, ông đã làm được những gì có giá trị và để lại dấu ấn cho dân cho nước. Nhất là việc buông lỏng vai trò lãnh đạo, làm mất sức chiến đầu và hạ uy tín Đảng nhanh như vậy, để rồi đến Đại hội XI phải chỉnh đốn, phải giải quyết hậu họa do hai khóa IX và X để lại, lo gạn đục khơi trong không xong, với vai trò người đứng đầu, do ông hay do ai? Câu hỏi đó ông Mạnh phải trả lời, ông không trả lời thì lịch sử sẽ trả lời thay ông.
                
Nhân dân khắp các vùng miền đều biết “công lao” của Tổng bí thư đời thứ 8 Nông Đức Mạnh là 10 năm đứng đầu vị trí lãnh đạo đảng cầm quyền đã kéo thụt lùi sự phát triển của đất nước cả trăm năm. Đến mức phát biểu bế mạc tại Hội nghị Trung ương 6 (khóa XI), Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói: “Mặc dù nhiều khuyết điểm, hạn chế có từ các khoá trước, nhưng với trách nhiệm chính trị của cơ quan lãnh đạo hiện nay, Bộ Chính trị và từng Uỷ viên Bộ Chính trị tự nhận thấy sâu sắc trách nhiệm chính trị của mình trước những khuyết điểm, hạn chế đó”.
               
Một điều người viết bài này cần phải rạch ròi với Nông Đức Mạnh: Khi trả lời phỏng vấn báo nước ngoài, ông nói:  “Ở Việt Nam ai cũng là con cháu Bác Hồ”, là một cách nói nước đôi, lấp lửng, không minh bạch và thiếu trung thực để ai hiểu thế nào thì hiểu, may có chút dính dáng trong dư luận nhằm phần nào đó giải quyết khâu oai chăng? Chẳng lẽ ông không biết cái cách trả lời lấp lửng thiếu trách nhiệm như thế với nhà báo nước ngoài vùa bất hiếu với ông bà, cha mẹ lại phạm thượng, công khai hạ uy tín Hồ Chủ tịch? Nhưng ông nói thế là không đúng. Tôi là một người Việt Nam, tôi khẳng định với ông rằng, tôi không phải là con cháu Bác Hồ. Tôi có ông bà cha mẹ đàng hoàng, sống trên mảnh đất Việt Nam,  khi chết tôi theo ông bà cha mẹ tôi. Đó là sự thật.
           
Khổng Tử nói “Tu thân-tề gia – trị quốc – bình thiên hạ”, Nông Đức Mạnh đến già chưa tu nổi cái thân mà giao cho ông ta những 20 năm trọng trách “trị quốc, bình thiên hạ” thì thật là sai lầm.
Minh Diện
26/12/2012
(Blog Bùi Văn Bồng)