Ngày nay, dân chủ, độc lập dân tộc và tiến bộ xã hội là trào lưu nổi trội. Còn ý chí tự cường, đoàn kết quốc gia và đồng thuận xã hội là cội nguồn sức mạnh của mỗi nước. Phát huy sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại là phải kết hợp được nhuần nhuyễn các trào lưu phổ quát ấy.
Nguyên Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm
|
Nhân 40 năm ngày ký Hiệp định Paris về
Việt Nam (27.1.1973 – 27.1.2013), nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, phó Thủ
tướng kiêm Bộ trưởng bộ Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm đã phát biểu như trên
với nhóm phóng viên Tuần Việt Nam về quan điểm lịch sử khi đánh giá ý
nghĩa của Hiệp định và về những kinh nghiệm trong quan hệ với các cường
quốc tại hòa đàm Paris. Sau đây là nội dung cuộc trao đổi:
Lùi lại 40 năm sau sự kiện chấn động thế
giới, giờ đây các nhà nghiên cứu quốc tế, từ nhiều góc nhìn khác nhau,
nhận xét Hiệp định Paris về Việt Nam 1973 như một "tao đoạn kỳ lạ"
(strange interlude), một "cự ly an toàn" (decent interval) trong cuộc
chiến. Xin ông bình luận?
Ông Nguyễn Mạnh Cầm: Nhận xét Hiệp định
Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam như một
"strange interlude" là muốn nói tới "thời gian giải lao" giữa hai trận
đánh. Trên thực tế, các hoạt động quân sự và ngoại giao đâu có dừng lại
trong thời đoạn từ lúc ký Hiệp định cho đến khi tổng tấn công và nổi
dậy!
Còn "cự ly an toàn" là muốn nói về ý đồ
của Nixon vừa muốn tái cử, vừa muốn giữ Thiệu. Tuy nhiên, do chủ trương
tràn ngập lãnh thổ của Sài Gòn, nên cơ hội hòa hợp dân tộc bị bỏ lỡ.
Nhưng vượt lên các thuật ngữ ấy là vấn
đề triết lý lịch sử, nhất là khi chúng ta đã qua một thời gian khá dài,
lùi lại 40 năm như phóng viên vừa nói. Về phương pháp luận, phải biết
dựa vào những dữ kiện có thật, chứ không thể chỉ dựa vào cảm quan của
người viết.
Có thể có chút phóng đại, nhưng tôi chia sẻ với nhận xét, có một lịch sử như nó diễn ra và một lịch sử như nhà sử học viết ra...
Phương án đấu tranh ngoại giao
Hiệp định Paris về Việt Nam, ngay như
tên gọi đã có phần thiếu chính xác, một "misnomer" (gọi sai!). Tiếng là
Hiệp định hòa bình năm 1973, nhưng trên thực tế, mãi tới ngày cuối cùng
của tháng 4.1975, hòa bình thực sự mới được vãn hồi, nhưng nền hòa bình
ấy được lập lại không theo cách mà các điều khoản của Hiệp định quy
định. Ông bình luận như thế nào về nhận định này của GS Kolko, tác giả
một trong những cuốn sách "best seller" về sự nghiệp đấu tranh của nhân
dân ta, cuốn "Giải phẫu một cuộc chiến"?
Ông Nguyễn Mạnh Cầm: Hiệp định là phương
án đấu tranh ngoại giao để đi đến thực sự kết thúc chiến tranh và lập
lại hòa bình ở Việt Nam. Và như mọi dự án chính trị trong lịch sử, đó là
sự thỏa hiệp giữa các bên tham gia cuộc đàm phán ma-ra-tông. Phương án
này phản ánh so sánh thế và lực giữa các bên, phản ánh các tình huống
trong cuộc chiến vào thời điểm các bên quyết định ký kết để chấm dứt một
giai đoạn, phục vụ cho ý đồ chính trị, quân sự của giai đoạn tiếp theo.
Một trong những điểm mấu chốt là ý đồ
của các bên không giống nhau, thậm chí còn đối nghịch nhau. Cả bốn bên
đều ý thức rõ điều này khi chấp thuận đặt bút ký. Vì vậy mới có định
nghĩa kinh điển "ngoại giao là nghệ thuật của những điều không thể".
Việc lập lại hòa bình đã không diễn ra
như các điều khoản của Hiệp định không hề giảm giá trị đích thực của
Hiệp định, bởi vì lịch sử không bao giờ đứng yên. Lịch sử như một tiến
trình và khi tiến trình ấy vận động thì nó không phụ thuộc vào ý chí chủ
quan của bất cứ ai, mà tùy thuộc vào diễn tiến khách quan của nhiều
nhân tố. Bao giờ cũng có một giả thiết lịch sử và một thực tế lịch sử
như tôi đã nói ở trên; sự giao thoa giữ hai mảng này có thể nhiều hay ít
tùy thuộc vào tương quan lực lượng và tùy thuộc vào tương tác giữa các
nhân tố chủ đạo trong quá trình vận động. Trên thực tế, nội dung Hiệp
định đã mở ra nhiều "không gian trống" cho các tình huống về sau này...
Vâng, như chúng ta thấy, mặc dầu ký Hiệp
định, nhưng Nixon vẫn tuyên bố, Mỹ chỉ công nhận Việt Nam Cộng hòa do
Thiệu cầm đầu là chính phủ hợp pháp duy nhất. Điều này có nghĩa là Mỹ
chỉ ủng hộ những nội dung nào của Hiệp định có lợi cho Mỹ và bỏ qua
những phần còn lại.
Bốn bên đàm phán bàn tròn tại Paris vào tháng 1.1973 trước khi đi đến Hiệp định Paris
|
Đến lượt mình, chính quyền Thiệu cũng từ
chối công nhận chính quyền cách mạng và chỉ chịu ký một văn bản tách
rời, loại trừ mọi ám chỉ liên quan đến công nhận Chính phủ Cách mạng lâm
thời. Tại sao lại có sự tréo ngoe như thế?
Đấy là phương thức của thỏa hiệp, mà căn
cốt của vấn đề là ở chỗ phải tìm được lối thoát hợp lý, tại thời điểm
ấy, cho một tình huống bất thường, đó là có hai chính quyền không công
nhận nhau về mặt pháp lý, nhưng lại phải có chữ ký của cả bốn bên tham
gia đàm phán thì mới đi đến chung cuộc của quá trình hòa đàm. Chính
những tréo ngoe ấy đã tạo ra các "không gian trống" như tôi đã đề cập ở
trên.
Đến lượt mình, các "không gian trống" ấy
lại mở đường cho các biến cố lịch sử mà khi ký Hiệp định không phải tất
cả các bên đều trù liệu giống nhau, thậm chí như tôi đã nói, hoàn toàn
đối đầu nhau.
Vì các bên không công nhận nhau, đó là
cơ sở khách quan để chính quyền cách mạng chủ động thay đổi so sánh lực
lượng, tiến lên giành thắng lợi trên chiến trường về sau.
Quan hệ nước lớn với nước nhỏ
Ông đánh giá như thế nào về việc xử lý
các mối quan hệ giữa Việt Nam với các nước lớn liên quan đến quá trình
đàm phán Paris? Làm thế nào mà chúng ta vẫn đạt mục tiêu trong bối cảnh
có chia rẽ sâu sắc giữa Liên Xô và Trung Quốc?
Ông Nguyễn Mạnh Cầm: Đây là một chủ đề
lớn, phức tạp nhưng rất bổ ích, nó không chỉ liên quan đến hòa đàm
Paris, mà còn là "nguồn mạch chính" vận động hữu hình và vô hình trong
quan hệ quốc tế giữa nước lớn với các nước nhỏ nói chung, cũng như trong
toàn bộ tiến trình cách mạng Việt Nam nói riêng.
Với tư cách là một cán bộ ngoại giao
được chứng kiến sự chỉ đạo sát sao và trực tiếp của Bộ Chính trị, tôi
nhận thức được một số nguyên tắc cơ bản để xử lý mối quan hệ với các
nước lớn, dù đó là bạn bè, đồng minh hay đối thủ.
Ta đã giữ được quan hệ "cân bằng động"
giữa Liên Xô và Trung Quốc, tranh thủ tối đa sự ủng hộ tích cực của cả
hai đồng minh lớn, mặc dù mỗi nước giúp Việt Nam tùy thuộc vào khả năng
và xuất phát từ yêu cầu chiến lược của mình. Các đồng minh lớn của ta,
tuy bất đồng nhau, nhưng vẫn ủng hộ cuộc chiến đấu của nhân dân ta, vì
một lý do quan trọng mà cố Tổng bí thư Lê Duẩn có lần đã giải thích một
cách đơn giản: "Ta đánh là đánh cả cho Trung Quốc, cho Liên Xô!"
Với chính quyền Mỹ, ta đã chủ động có
các cuộc tiếp xúc, tìm hiểu, gián tiếp và trực tiếp, nắm được yếu điểm
cũng như điểm yếu chiến lược của siêu cường lúc bấy giờ để chuẩn bị các
phương án đấu tranh.
Thời kỳ khó khăn nhất là năm 1972, lúc
cả Trung Quốc và Liên Xô đều đi vào hòa hoãn với Mỹ, ta phải đối mặt với
sức ép từ nhiều phía khác nhau, nhưng rồi đều vượt lên được, nhờ đường
lối độc lập, tự chủ kết hợp với chủ trương đoàn kết quốc tế. Trong quá
trình đàm phán ta đã tối ưu hóa các phương thức tập hợp lực lượng quốc
tế, đồng thời tìm mọi cách tác động vào nội bộ đối phương, chuyển hóa
tương quan lực lượng theo hướng có lợi cho cách mạng.
Vấn đề tạo thời cơ và nắm bắt thời cơ là
bài học vô cùng quan trọng. Trong ngoại giao nói riêng và vận nước nói
chung, nếu ta để nhỡ thời cơ, có khi phải mất rất lâu, thời cơ mới xuất
hiện trở lại, hạn chế rất lớn đến lộ trình thực hiện các mục tiêu tổng
thể của cách mạng.
Và ngành ngoại giao đã có những đóng góp
như thế nào để phát huy mặt tích cực, hạn chế các tiêu cực của tình
hình quốc tế trong thời gian hòa đàm?
Ông Nguyễn Mạnh Cầm: Ngành ngoại giao đã
thực hiện tốt chức năng là "khớp nối mềm" giữa đất nước với thế giới,
đã thực hành tốt bài học lớn của cách mạng Việt Nam là "kết hợp sức mạnh
dân tộc và sức mạnh thời đại". Nhờ đó, chúng ta đã hình thành nên mặt
trận rộng lớn nhân dân thế giới ủng hộ Việt Nam.
Về nghiên cứu chiến lược, ngoại giao đã
đi trước một bước trong phân tích tình hình, đánh giá ý đồ của các bên
liên quan. Chúng ta đã phát huy được vai trò tích cực và chủ động của
ngoại giao, áp dụng phương thức vừa đánh vừa đàm. Biết người biết ta,
biết cách kết thúc chiến tranh, đó là những bài học không bao giờ cũ cả.
Dân tộc, thời đại bối cảnh mới
Ý ông muốn nói tới bài học thời sự của Hiệp định đối với hoạt động đối ngoại của ta hiện nay?
Ông Nguyễn Mạnh Cầm: Hoàn toàn chính xác!
Tâm thức nô dịch và bá quyền, chinh phục
và triều cống nhiều khi vẫn lấn lướt, tư duy "một mất một còn" vẫn nổi
trội trong các mối bang giao. Đấy chính là khởi nguồn đã gây ra bao
nghịch lý cho dân tộc Việt trong lịch sử, nay nếu ta không biết cách chế
ngự nó, tương lai có nhiều điều khó dự đoán!
Nguyên Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm nói.
|
Nhưng như tôi đã nói, lịch sử chuyển
động không ngừng, vì vậy, khi áp dụng các bài học trước đây phải luôn ý
thức được nội dung mới trong những khái niệm cũ. Nói kết hợp sức mạnh
dân tộc với sức mạnh thời đại thì giờ đây phải hiểu rằng cả hai vế trong
định đề ấy đã có nhiều thay đổi.
Ngày nay, dân chủ, độc lập dân tộc và
tiến bộ xã hội là trào lưu nổi trội. Còn ý chí tự cường, đoàn kết quốc
gia và đồng thuận xã hội là cội nguồn sức mạnh của mỗi nước. Phát huy
sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại là phải kết hợp được nhuần nhuyễn
các trào lưu phổ quát ấy. Có như vậy, mới có sức mạnh tổng hợp và vị
thế Việt Nam mới thực sự vững chắc.
Các quốc gia nói chung và các cường quốc
nói riêng đang rất thiếu nền tảng của văn hóa khoan dung. Cái tâm thức
nô dịch và bá quyền, chinh phục và triều cống nhiều khi vẫn lấn lướt, tư
duy "một mất một còn" vẫn nổi trội trong các mối bang giao. Đấy chính
là khởi nguồn đã gây ra bao nghịch lý cho dân tộc Việt trong lịch sử,
nay nếu ta không biết cách chế ngự nó, tương lai có nhiều điều khó dự
đoán!
Đấy cũng là căn nguyên của việc trước
đây các bên ký Hiệp định đã không tận dụng được tối đa cái cơ hội, cái
triết lý của Hiệp định đã mở ra.
Cơ hội bình thường hóa quan hệ giữa Việt Nam với Hoa Kỳ bị đẩy lùi hàng chục năm cũng là do tư duy đối đầu ấy gây ra!
Ngày nay, chúng ta đang thực thi chính
sách hội nhập toàn diện. Trong xu thế ấy, hẳn nhiên, một nền ngoại giao
hiện đại là một nền ngoại giao phải xuất phát từ tâm thức văn minh thời
đại, biết lấy các giá trị phổ quát làm động lực phát triển. Đó là cơ sở
để bảo vệ các lợi ích quốc gia một cách hiệu quả! Trong quá trình này,
vấn đề thời cơ, vấn đề tập hợp lực lượng, ngày nay ta gọi là xây dựng hệ
thống các quan hệ đối tác, là những vấn để cốt tử của cách mạng.
Hãy nhớ hai vế đối trên mộ Nguyễn Trường
Tộ: "Nhất thất túc thành thiên cổ hận / Tái hồi đầu thị bách niên cơ";
có thể hiểu là: "Một lần nhỡ thời cơ, hận muôn đời/ Khi quay đầu nhìn
lại, cơ đồ mất trăm năm!".
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét