Cuộc cờ tàn cho hai đảng anh em?
Published on June 2, 2014 · No Comments
Những tay cờ ngưu mã
Thế là đến hôm nay, 10 ngày sau nước cờ dí tốt, quan hệ giữa hai đảng “anh em như môi với răng” mà Trung Quốc là răng và Việt Nam là môi (thế nên răng cắn môi được còn môi chỉ kêu khóc được!) đã đi vào trạng thái bất hòa và xấu hơn bao giờ hết từ trước tới nay. Cuộc khẩu chiến trên truyền thông giữa hai bên vào đỉnh cao với những ngôn từ diễn đạt “bôi tro trét trấu” vào nhau khá nặng nề và hai bên đều gọi nhau bằng những từ ngữ “ngụy biện, dối trá…”
Truyền thông hai nước Việt Nam-Trung Quốc dưới chế độ cộng sản lãnh đạo thì từ lâu ai cũng biết là phải nói và viết theo tư tưởng chỉ đạo của trung ương chứ không phải căn cứ vào các lý lẽ tranh luận logic –khách quan thực tế. Thế nên đã từ lâu truyền thông hai nước dưới sự chi phối của hai ban tuyên truyền của hai nước đều có không ít những từ ngữ ngụy biện và dối trá dành cho nhau và dành cho dân chúng. Sai lầm của đảng cộng sản Việt Nam khi “gọi huynh xưng đệ” với cộng sản Trung Quốc là sai lầm về quy luật khách quan.
Ai cũng biết bản thân đảng cộng sản Trung Quốc cũng không tốt lành gì với chính dân chúng của họ và cả Trung Quốc cũng biết về phía Việt Nam cũng không khác. Thế nhưng từ sau hội nghị Thành Đô 1990 thì hai đảng gọi nhau là anh em, dùng những mỹ từ “16 vàng 4 tốt” để che đậy bản chất lợi dụng lẫn nhau để cùng chia chác trên lợi ích của hai quốc gia và hai dân tộc. Người ta nói “quan chi phụ mẫu”, quan là cha mẹ dân, quan hai nước đối xử với chính dân của mình còn không tốt, thì trông mong gì vào tình hữu nghị của hai “anh em kết nghĩa” trên những tờ giấy lộn và những cam kết lời nói gió bay. Quy luật hiển nhiên và rành rành như thế, nên hôm nay xem cuộc khẩu chiến truyền thông của hai nước gọi nhau là “xảo trá, ngụy biện” cũng không có gì đáng ngạc nhiên, cũng chỉ là hậu quả tất nhiên của “ngưu tầm ngưu- mã tầm mã” mà thôi.
Phía Trung Quốc thì ta không bàn, ta chỉ hỏi đảng cộng sản Việt Nam ngày hôm nay bị Trung Quốc dùng sự “xảo trá-ngụy biện” để đối xử, vậy đảng nghĩ gì khi đảng cũng đối xử như thế với nhân dân mình? Con chốt dàn khoan và sự trơ trẽn ngụy biện của tay cờ Trung Quốc hôm nay xuất hiện phải chăng bắt nguồn từ sai lầm của việc “chọn bạn mà chơi” của những tay cầm cờ Việt Nam trong quá khứ ?
Trong các lý luận của mình, đảng luôn gọi Mỹ là xấu xa, bóc lột, âm mưu này mưu đồ nọ…nhưng một sự thật hiển nhiên là Trung Quốc, trong tranh chấp bãi Cỏ Mây với Philippin, xét về bản chất cũng như tranh chấp Biển Đông với Việt Nam, nhưng lại chỉ dám cho đưa tàu hải giám đến căng dây thừng để thăm dò Philippin sau đó rút đi. Tại sao thế? Chính vì bên cạnh Philippin có một người bạn hùng mạnh và tử tế là Mỹ. So sánh quan hệ Philippin- Mỹ và Trung Quốc-Việt Nam, đảng hãy giải thích cho dân biết tại sao Trung Quốc không cắm dàn khoan ở bãi Cỏ Mây mà cắm ở quần đảo Hoàng Sa, và tại sao chưa bao giờ Philipin-Mỹ dùng những từ ngữ “trơ tráo-ngụy biện” để chỉ trích nhau như hai “anh em” Việt Nam-Trung Quốc?
Nói cho cùng thì cũng chỉ là “ngưu tầm ngưu, mã tầm mã”. Nếu đảng không có gì khuất tất thì sao lại kết tình anh em với một kẻ mà ngay chính con cái trong gia đình họ mà họ còn đối xử tệ bạc thì trông mong được gì ở tư thế một đàn em kết nghĩa như mình?
Vì sao chốt đầu tiến qua sông vào lúc này?
Hai đảng anh em hiện giờ đều đang lúng túng trong trạng thái sa lầy. Phải chăng ông anh phương Bắc, muốn “nắn gân” ông em khi thấy ông em mình đang có dấu hiệu lân la với Mỹ, nên đẩy chốt đầu qua như một đòn cảnh cáo. Nhưng ông anh phải chăng cũng chưa lường hết được cái tai hại của việc mất cả chì lẫn chài. Trước khi đi nước chốt đầu dàn khoan này, Trung Quốc cũng đi nhiều nước chốt biên như cắt cáp, bắt tàu cá…như những đòn thăm dò. Và phải nói lúc đó ông anh Trung Quốc khá hài lòng khi thấy tay cờ đàn em chỉ phản đối chiếu lệ, mà nói như quần chúng là phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Việt Nam lên tivi phản đối xong tắt tivi đi ngủ. Song song đó là ngành an ninh bảo vệ đảng quay qua bắt người dân trong nước phải im miệng.
Nhưng ông anh phương Bắc nắm không hết bàn cờ phía Việt Nam. Ngành an ninh bảo vệ đảng chỉ có thể bắt dân đen tức những con chốt nhỏ xíu trên bàn cờ im miệng khi những con chốt bé xíu này lên tiếng và biểu tình chỉ trích Trung Quốc. Khổ nỗi ngành an ninh bắt dân đen thì được chứ không dám bắt một tay cầm cờ bự khi tay cầm cờ bự đó thay vì dùng chữ “tàu lạ, nước lạ” như các cán bộ dưới quyền lại chỉ đích danh Trung Quốc là kẻ xâm lược trong diễn văn đọc năm 2012 trước Quốc hội và kêu gọi “lòng tin chiến lược” với các nước Phương Tây ở đối thoại Shangri-La.
Cho đến năm 2012, vì cam kết trong hội nghị Thành Đô 1990, ngành an ninh bảo vệ chế độ của Việt Nam có thể tạm thời ngăn cản những tiếng la ó phản đối của dân đen nhưng không thể ngăn cản tiếng la ó của một tay cầm cờ lãnh đạo. Thế là tay cờ Trung Quốc tác động vào các tay cờ lãnh đạo khác của Việt Nam do mình chi phối để tiến tới kỷ luật và làm mất uy tín “đồng chí X” với lý do là điều hành kinh tế yếu kém, và đưa ra các bê bối tham nhũng như đó là 1 kết quả điều hành kém cỏi của người đứng đầu chính phủ. Nhìn vào thực trạng kinh tế Việt Nam, ai cũng hiểu cỗ xe kinh tế rệu rã như thế nào từ hậu quả kéo dài từ 1975 đến nay, và toàn thể hệ thống bộ máy quan chức hành pháp từ trung ương đến địa phương đều là “những bầy sâu ăn hết phần của dân”. Giao cho đồng chí X một cổ xe tan nát như thế với một bầy sâu ăn hết phần của dân đeo bám, thế mà lại đem đồng chí X ra kỷ luật vì lý do cỗ xe chạy không tốt, liệu có hợp lý không? Ấy là chưa kể các nhân vật tham nhũng “nổi tiếng” đều do ban tổ chức trung ương đề xuất bổ nhiệm trước rồi bên chính phủ mới tiếp nhận sau.
Vậy động cơ đích thực của việc kỷ luật đồng chí X là gì nếu không phải kỷ luật vì cái tội dám “thoát Trung”? Và đồng chí X một lần nữa thoát hiểm, vì đơn giản là sau lưng đồng chí X có hình bóng của các tay cờ Phương Tây với bao dự án đầu tư hấp dẫn và hàng xấp dollar –euro dày cộm sẵn sàng bơm vào bàn cờ Việt Nam một khi tay cờ X “thoát Trung” thành công – cái lợi thế mà các tay cờ lãnh đạo đảng không có được, vì đơn giản là theo thông lệ, quốc tế chỉ chơi với chính phủ, chứ không chơi với riêng một đảng nào của một quốc gia. Và nhiều ủy viên trung ương ở hội nghị TW 7 năm 2012 bỏ phiếu không phê chuẩn kỷ luật đồng chí X theo đề xuất của các tay cầm cờ thân Trung Quốc cũng chính vì họ nhận ra đâu là lời giải cần thiết cho bàn cờ dân tộc, kể cả cho đảng cầm quyền, và cho quyền lợi của chính họ.
Có nhiều lý do để đưa đến việc con chốt đầu dàn khoan cắm ở Việt Nam vào đầu tháng 5/2014 mà nhiều người đã phân tích nên tôi không nhắc lại mà chỉ tiếp tục nhận định trong thế cờ Trung Quốc-Việt Nam còn 1 yếu tố khác nữa là nước cờ “nhân sự dự bị”. Có một điều mà dư luận và các nhà quan sát chính trị cần chú ý là Nguyễn Tấn Dũng đã “thắng thế” so với các tay cờ thân Trung Quốc khác khi đã thắng nước cờ chốt “người kế vị”. Như sự trông đợi lâu nay của các tay cờ Mỹ và Phương Tây (ngấm ngầm và công khai), Nguyễn Tấn Dũng đã đáp ứng được trong việc chuẩn bị môt dàn chơi cờ mới thuộc thế hệ trẻ hơn. Ông ta đã đưa được tay cờ dự bị khá có uy tín với quần chúng trong nước là Võ Văn Thưởng về ghế Phó Bí Thư Thường Trực Thành Ủy TpHCM, một vị trí trong tương lai cơ cấu vào ghế Bí Thư Thành Ủy, Ủy Viên Bộ Chính Trị, và có thể là ứng viên Thủ Tướng. Rất nhiều khả năng là Võ Văn Thưởng sẽ tiếp nối nước cờ “thoát Trung” mà tay cờ Võ Văn Kiệt và Nguyễn Tấn Dũng đã âm thầm chuẩn bị. Sự thay đổi nhân sự bất thường vào phút chót (loại Nguyễn Khắc Định trong danh sách đã được Ban Tổ chức công bố trước đó) làm Trung Quốc hiểu ra rằng bàn cờ Việt Nam có thể sẽ chính thức vuột khỏi sự chi phối của mình, nếu không nhanh tay hạ nước cờ độc.
Trung quốc vốn vẫn còn kỳ vọng cuối cùng là các tay cờ đàn em do mình chi phối sẽ nắm lại bàn cờ Việt Nam sau khi tay cờ Nguyễn Tấn Dũng hết nhiệm kỳ vào năm 2016. Nhưng rồi ngày 17/4/2014 đùng một cái Nguyễn Tấn Dũng thắng luôn nước cờ sắp xếp nhân sự. Thế là giọt nước tràn ly, Trung Quốc quyết định đẩy chốt qua sông. Ảnh hưởng chính trị với bàn cờ Việt Nam ngày một kém và dần dần vuột khỏi tầm kiểm soát cho đến sự hi vọng cuối cùng sẽ nắm lại tình thế khi Nguyễn Tấn Dũng thoái vị cũng mất nốt, thế là bạo lực dọa nạt răn đe thay thế cho các thương thảo ngấm ngầm. Và con chốt dàn khoan phải qua sông như một bước đi tất yếu.
Nước cờ sa lầy của hai đảng anh em
“Vật cực tất phản, sự cùng tất biến”, quy luật khách quan lại một lần nữa phát huy vai trò của nó. Mất quyền lợi chính trị ở Việt Nam thì ít nhất cũng phải có lợi ích kinh tế. Trung Quốc cũng không sợ hình ảnh của mình xấu xí hơn trong mắt quốc tế vì vốn dĩ thế giới đều biết tỏng chính quyền cộng sản Trung Quốc chẳng tốt đẹp gì. Trung Quốc thừa hiểu rằng sau nước cờ dàn khoan này thì có thể mất hẳn đảng cộng sản Việt Nam trong tư cách một đàn em chính trị vì ván cờ đã lật ngửa hết rồi. Nước đã đổ xuống đất có hốt lại cũng chẳng sạch như trước. Lợi ích chính trị đã không còn và không cần thiết nữa thì chú trọng đến lợi ích kinh tế.
Trung quốc nhận định tay cờ Nguyễn Tấn Dũng còn đang rối ren với khủng hoảng kinh tế bên trong, rồi sắp xếp nhân sự kế nhiệm…Bên cạnh đó, Trung Quốc còn một hy vọng nữa là các tay cờ đàn em bên trong Việt Nam của mình dù có thể thua trong chiến lược nhưng ít ra vẫn còn kiểm soát được chiến thuật vì còn giữ ghế. Nhiều tay có ghế rất to, mà bằng chứng rõ rệt là các tay cờ đàn em đó vẫn còn chi phối và lãnh đạo một phần hệ thống an ninh và quân đội bịt miệng người dân chống Trung Quốc. Các tay cờ đàn em đó đã và sẽ cản trở Nguyễn Tấn Dũng trong những phản ứng thái quá. Trong nhận định như thế, Trung Quốc chủ động đẩy chốt qua sông, nhưng hóa ra mưu sự tại nhân, mà thành bại lại tại thiên.
Bàn cờ Việt Nam dưới sự cầm nắm của Nguyễn Tấn Dũng lúc này không phải như lúc ông ta mới đăng nhiệm. Khối hành pháp đã vận hành suông sẽ, và 30 chiếc tàu Việt Nam bu quanh con chốt dàn khoan như những con xe pháo mã, dù có yếu lực một chút, nhưng đã phát huy tác dụng nhất định là thể hiện cho Trung Quốc thấy từ nay về sau Việt Nam không còn “dễ ăn” nữa. Con chốt dàn khoan tuy qua sông được nhưng không hoạt động ngang dọc dễ dàng được. Và hi vọng dùng con chốt này làm nội bộ Việt Nam xào xáo và dẹp bỏ nước cờ “thoát Trung” coi bộ càng xa vời hơn vì Việt Nam lúc này cần vào TPP hơn bao giờ hết, và quần chúng sẽ ủng hộ và bảo vệ nước cờ “thoát Trung thân Tây phương” do bất cứ lãnh đạo nào đưa ra và thực hiện được, dù là Nguyển Tấn Dũng bây giờ hay lớp lãnh đạo trẻ hơn, có học hơn như Võ Văn Thưởng, Nguyễn Thanh Nghị.
Đó là về phần Trung Quốc. Về phần đối nội và đối ngoại của Việt Nam, tay cầm cờ Nguyễn Tấn Dũng đã chứng minh cho dư luận quốc tế và quần chúng trong nước thấy và yên tâm là mình đã kiểm soát được tình hình tốt hơn. Tay cờ này ngày càng tỏ ra mạnh hơn, không nhu nhược như các tay cờ khác và cũng bắt đầu chi phối được vào chiến thuật sau một thời gian dài lo bày bình bố trận và chống đỡ nội bộ. Trong bối cảnh như thế, ta không lạ khi thấy cao tầng Trung Quốc “ngạc nhiên và sửng sốt” trước phản ứng của Việt Nam. Và ta cũng không lạ khi bộ trưởng ngoại giao Mỹ mời Phạm Bình Minh, Bộ trưởng ngoại giao Việt Nam, cánh tay phải của Nguyễn Tấn Dũng qua Mỹ, dự trù ngay sau hội nghị thượng đỉnh ASEAN. Và cũng không ngạc nhiên khi thấy, như nhiều đài báo phương Tây nhận xét, lần đầu tiên Việt Nam công khai lên án Trung quốc tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN mấy ngày qua. Quần chúng được thoái mái hơn khi đi biểu tình chống Trung Quốc nên cũng đã có một phần niềm tin vào tay cờ Ba Dũng. Thế thì liệu rằng Mỹ mời Việt Nam qua phải chăng như một sự minh xác lại về “lòng tin chiến lược” để cùng nhau sắp xếp các bước đi Việt-Mỹ cho giai đoạn tiếp theo?
Trong một diễn biến khác, đến nay đảng cộng sản Việt Nam hoàn toàn “sa lầy” với quần chúng trong nước cờ dàn khoan của Trung Quốc. Với uy tín bị bào mòn và thất thế sau việc kỷ luật đồng chí X không thành công cho đến nước cờ chót là thất bại trong việc sắp xếp “người kế vị”, đảng phải giữ im lặng là khôn ngoan nhất. Hội Nghị Trung Ương tới nay vẫn chưa lên tiếng gì về việc dàn khoan dù tình hình khá khẩn trương. Trước nước chốt đầu bị đàn anh vỗ mặt này, Đảng không thể lên tiếng phản đối Trung Quốc vì sợ Trung Quốc giật dây cho quần chúng Việt Nam chỉ trích đảng dữ dội hơn nữa thì đảng sẽ mất nốt những gì còn lại. Đảng cũng không thể lên tiếng trước dân là mình đã sai lầm khi chọn Trung Quốc “vừa là đồng chí vừa là anh em” ở hội nghị Thành Đô 1990. Chọn sự im lặng lúc này là hợp lý, đảng không dại gì ra mặt “lạy ông tôi ở bụi này” với khối quần chúng sôi sục ở khắp mọi miền đất nước đang xuống đường để xử lý cái hậu quả sai lầm về đường lối của đảng từ 1990 đến nay. Không dám công khai nhận lỗi và lên án đảng CS anh em, cũng không dám ngăn chặn thái độ chống “xâm lược” Bắc Kinh của quần chúng, đảng CSVN đang ở vào những năm tháng cuối cùng trong cương vị lãnh đạo đất nước –một cương vị tự phong bất chấp sự phản đối của dư luận quần chúng và giới thức giả trong nước và hải ngoại.
Trách nhiệm
Đã từ lâu đảng luôn giành vị trí độc tôn bày bố bàn cờ và lãnh đạo đất nước. Khởi đi từ việc chọn một ý thức hệ sai lầm, thôi giờ tạm chưa bàn đến. Hiến pháp 2013 quy định đảng là lực lượng lãnh đạo đất nước và chịu trách nhiệm về điều đó. Và khi ban hành hiến pháp 2013, đảng nói đó là sự đồng thuận của nhân dân. Đảng áp đặt điều 4 vào Hiến Pháp đi ngược lại ý nguyện nhân dân. Nhưng điều này nay lại trói buộc lại đảng. Căn cứ vào điều 4 Hiến pháp, đảng phải chịu trách nhiệm trước nhân dân. Vậy trong nước cờ dàn khoan này, an ninh quốc gia và danh dự quốc gia bị xúc phạm nghiêm trọng, vậy đảng sẽ chịu trách nhiệm gì và chịu sự chế tài nào trước nhân dân? Những ngày qua hội nghị Trung Ương 9 họp ở Hà Nội, có ai nhắc đến việc này không, và Trung Ương có thấy mình phải chịu trách nhiệm trước dân như thế nào hay chưa ? Hay đảng thấy mình chưa cần nhận trách nhiệm vì an ninh quốc gia và thể diện dân tộc chưa quan trọng bằng an ninh và quyền lợi của chính đảng ? Có Ủy viên TW nào tự hỏi nếu chính đảng không tự nhận trách nhiệm theo điều 4 HP thì có sợ chính nhân dân sẽ đứng lên mà hỏi tội đảng không?
Có một khía cạnh nhỏ mà tuần qua quần chúng lo đi biểu tình mà quên chú ý. Biển Đông thì mênh mông nhưng sao dàn khoan không cắm ở chỗ khác mà ngay khu vực quần đảo Hoàng Sa. Trung Quốc có cái lý gì mà “ngang ngược” như thế? Ít ai hỏi và tìm câu trả lời cho sự việc này chỉ vì ít ai chú ý đến thỏa thuận giữa hai đảng “vừa là đồng chí vừa là anh em” do Nguyễn Phú Trọng ký ngày 15 tháng 10 năm 2011. Thỏa thuận này được ký kết nhân chuyến thăm Trung quốc do Tổng Bí Thư Đảng Cộng Sản Việt Nam Nguyển Phú Trọng dẫn đầu, có tựa đề “Thỏa Thuận Về Những Nguyên Tắc Cơ Bản Chỉ Đạo Giải Quyết Vấn Đề Trên Biển Giữa Nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam và Nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa” (*). Trong thỏa thuận này có 1 nguyên tắc rất bất lợi cho Việt Nam, đó là “Đối với tranh chấp trên biển giữa Việt Nam-Trung Quốc, hai bên giải quyết thông qua đàm phán và hiệp thương hữu nghị.” Nguyên tắc này đã khóa tay Việ Nam khi có tranh chấp trong vùng Hoàng Sa. Nói theo dân gian là tay cờ trẻ con non nớt tự chui vào cái phòng khóa kín lại để đánh cờ và đàm phán với một tay cờ trưởng thành lão luyện. Rồi thất thế và thua thiệt sẽ thuộc về ai, và làm sao kêu ca người ngoài can thệp được? Ngươi cầm đầu đảng mà cũng là cầm đầu nước đã tự khóa tay mình. Giờ đây, dù dàn khoan đã vào trong vùng biển kinh tế của mình nhưng chỉ còn “thương lượng” với đàn anh vì đã thỏa thuận “chỉ đàm phán song phương” về khu vực Hoàng Sa rồi. Đã đặt nguyên tắc “song phương” thì quốc tế làm sao can thiệp? Mà song phương thì kẻ mạnh thắng.
Như vậy, biểu tình chống Trung Quốc thì quần chúng dĩ nhiên phải làm. Nhưng trị bệnh phải từ gốc, căn cứ vào điều 4 Hiến Pháp năm 2013, quần chúng có quyền yêu cầu đảng phải có trách nhiệm trước thiệt hại hôm nay mà dân tộc và quốc gia phải gánh chịu, vì chính như đảng nói, đảng lãnh đạo và chịu trách nhiệm vì sự lãnh đạo của mình. Trách nhiệm này trước hết thuộc về Nguyễn Phú Trọng, mà cũng thuộc về đảng. Đảng phải tự xử và tìm giải pháp thoát nước cờ chiếu bí hiện nay của kẻ địch trước khi bị nhân dân và lịch sử định tội.
THEO NGUYỄN AN DÂN
Read more: http://www.ttxva.net/cuoc-co-tan-cho-hai-dang-anh-em/#ixzz33TaeajzH
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét