Lăng Dinh Hương, thuộc làng Dinh Hương, xã Đức Thắng, huyện Hiệp Hoà, tỉnh Bắc Giang là một quần thể kiến trúc điêu khắc đá hoành tráng, độc đáo thời Hậu Lê, được công nhận di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia từ 1965.
Lăng Dinh Hương xây dựng từ năm 1727 (xuất hiện trước tất cả các lăng mộ vua Nguyễn ở Cố đô Huế). Trong lăng lưu giữ thi hài Quận công La Quý Hầu. Ông sinh năm 1688 ở tại địa phương. Năm 1730 triều đại Lê Duy Phường ông được cử làm dịch quân thị hầu, thị đội, rồi làm thái giám. Dưới triều đại Lê Y Tông ông được cử hai lần đi sứ phương Bắc vào năm 1735 và 1739. Sang năm 1740 triều đại Lê Hiển Tông, ông cầm quân đi dẹp loạn ở các vùng thuộc đạo Kinh Bắc, Sơn Nam, Hải Dương. Ông mất mùng 9 tháng 6 năm Kỷ Tỵ (1749), thọ 61 tuổi. Năm 1754 vua phong ông là Phúc thần trung cẩn đại vương. Lăng được chính Quận công xây dựng tại quê nhà khi còn sống. Lăng nằm trên một quả đồi hình tròn, rộng khoảng một ha, có tường gạch bao quanh (ngày xưa là tường đá ong bao quanh). Bố cục mặt bằng kiến trúc khu lăng gồm hai phần chính: phần mộ táng và phần thờ tự.
|
Võ quan dắt ngựa bên trái |
Phần mộ rộng khoảng 100 mét vuông xây đá ong hình vuông, phía trước khu mộ có hai quan hầu dắt ngựa đứng chầu đối diện nhau qua đường thần đạo. Cặp tượng quan hầu dắt ngựa được xem là những kiệt tác của nghệ thuật chạm khắc đá, tượng chú trọng vào cách tạo khối trên thân, khiến con vật trở nên đậm chất hiện thực. Một số mảng chạm tỷ mỷ và mang tính cách điệu cao như phần yên cương, bờm con ngựa. Võ quan đeo gươm dắt ngựa phía bên phải có mặt to, hàm rộng. Võ quan đeo gươm dắt ngựa phía bên trái có râu dài, mặt nhỏ. Phía trước cổng, xưa kia là một hồ nước rất lớn, nhưng nay diện tích hồ bị thu nhỏ lại.
|
Võ quan dắt ngựa bên phải |
Khu thờ tự cũng được xây vuông như phần mộ táng, tường vây bằng đá ong, phía trước xây bậc tam cấp, trên đặt sập đá, ngai thờ, hai bên có tượng hầu bê tráp và đôi nghê nằm phủ phục. Bên dưới ngai thờ là nhang án, bàn đá, đôi nghê ngồi châu đầu vào nhau qua đường thần đạo. Xa xa là đôi voi quỳ phủ phục chầu về. Phía bên phải khu mộ là nhà bia chổ 4 cửa quấn vòm, trong đặt bia đá ghi công trạng người được thờ. Dòng lạc khoản khắc ghi cho biết bia được tạo vào năm 1729. Nhìn tổng quan, chất liệu tạo dựng công trình kiến trúc nghệ thuật lăng Dinh Hương chủ yếu bằng đá xanh, được đục đẽo, tỉa tót tinh xảo với các hoạ tiết mây lửa, cụm xoắn ốc nổi cao, các dải hoa văn kỷ hà lồng móc vào nhau đăng đối. Độc đáo hơn cả ở công trình kiến trúc này là nghệ thuật chạm khắc tượng tròn theo lối tả thực với khuynh hướng tự nhiên hoá. Tượng người và thú vật tại lăng làm bằng đá xanh, được chạm khắc rất sống động. Tượng có kích thước lớn, hình khối mập, chắc và được tỉa công phu. Có thể nói đây là một công trình kiến trúc đồ sộ, được chạm khắc đá công phu với tài nghệ điêu luyện. Quần thể lăng mộ là công trình điêu khắc nghệ thuật đá tiêu biểu hạng nhất ở tỉnh Bắc Giang. Các cổ vật trong lăng được giữ gìn tương đối nguyên vẹn. Điểm nổi bật, độc đáo của lăng Dinh Hương là các bức tượng đồ sộ, to hơn hẳn ở các lăng mộ khác, được chạm khắc tinh tế. Theo thống kê, ở Bắc Giang đã phát hiện và công nhận 46 công trình kiến trúc đá cổ, chủ yếu là lăng đá. Hệ thống lăng đá là minh chứng của một nền nghệ thuật điêu khắc lăng mộ phát triển đến đỉnh cao và giữ vị trí quan trọng trong nền kiến trúc, điêu khắc đá cổ trong các lăng tẩm Việt Nam. Nét độc đáo nhất trong hệ thống các lăng đá ở Bắc Giang là nghệ thuật điêu khắc được thể hiện qua các bức tượng, các hiện vật đá… được các nghệ nhân dân gian xưa chế tác, mà lăng Dinh Hương là một điển hình. Đây thực sự là những tinh hoa của nghệ thuật điêu khắc cổ, với những nét tinh xảo được thể hiện trong từng đường nét trên các bức tượng. Những hiện vật, tượng đá cũng góp phần tăng thêm giá trị lịch sử, giá trị văn hoá nghệ thuật của các lăng đá cổ. Lăng đá Dinh Hương là nơi tôn vinh truyền thống kiến trúc điêu khắc đá của dân tộc, thể hiện rõ ở nghệ thuật điêu khắc tượng người hay linh thú cùng đồ thờ, cũng như trang trí kiến trúc phong phú với nhiều môtíp, đồ án hoa văn sinh động thực sự điển hình cho nghệ thuật điêu khắc đá cổ Việt Nam. Với những giá trị về lịch sử văn hoá và nghệ thuật kiến trúc tiêu biểu, lăng Dinh Hương đã và đang hấp dẫn du khách tới tham quan. |
Nguồn: Bắc Giang
“Khu lăng đá gần như một phế tích Dinh Hương vẫn là một bí ẩn lớn, chưa mấy ai biết tới. Vì sao một quần thể kiến trúc điêu khắc đá hoành tráng, độc đáo thời Hậu Lê lại đang bị xâm hại và vùi vào quên lãng như vậy?
Đó là lăng mộ một quan đại thần họ Nguyễn, mà dân địa phương vẫn quen gọi là La Quý Công (thời Lê Trung Hưng) đã tự xây dựng cho riêng mình một khu lăng mộ bằng đá từ năm 1729, phải nói là vô cùng hoành tráng. Quần thể lăng đá Dinh Hương rộng gần 3ha, gồm 2 phần chính là phần mộ táng và phần thờ tự. Phần mộ táng hình vuông, diện tích gần 100m2 có tường vây bằng đá ong cao 1,9m. Mặt trước trổ 3 cửa vòm cuốn tò vò. Trước mộ đặt hai võ sĩ dắt ngựa đứng chầu, đối diện nhau qua đường Thần Đạo. Hình ảnh những võ sĩ dắt ngựa oai nghiêm, phong thái như để xua đi bao tà ma bảo vệ giấc ngủ ngàn thu cho vị cố thần Lê triều . Hình ảnh đó cũng làm người ta liên tưởng tới những tượng người, ngựa bằng đất nung bên Trung Quốc thời Tần Thủy Hoàng.
Sang đến phần thờ tự, 7 bậc bằng đá ong cổ kính để lên ngai thờ bằng đá xanh rất đặc sắc. Phía sau ngai có hai dòng chữ Hán nhỏ đối nhau. Bên phải là : 羅貴公生於戊辰年十月十一日申時( La Quý Công, sinh ư mậu thìn niên, thập nguyệt, thập nhất nhật, dậu thời), bên trái là :卒 於己巳年六月初九日卯時壽終考葬在買後處 ( Tốt ư kỷ tỵ niên, lục nguyệt, sơ cửu nhật, mão thời, thọ chung khảo, táng tại Mãi Hậu xứ) Hai người hầu và hai con nghê chầu bằng đá, có kích thước nhỏ nhắn, hoa văn rất độc đáo. Một điểm nhấn tinh xảo khác của lăng đá này có thể nói đến nghệ thuật chạm khắc công phu hai con nghê đá, hai con voi đá cỡ lớn, phục đối diện nhau qua đường Thần Đạo.
Nghê được trạm trổ với những vẩy lớn xếp lợp lên nhau, trên nền vẩy cuộn những ngọn mây lửa, sống lưng có mép răng cưa, trên đó lại có những cụm xoắn ốc nổi cao. Gần đó còn có hai bàn thờ đá hình chữ nhật, cao khoảng gần 1 m, khối đặc, chạm trổ giả bàn thờ thật. Xung quanh mặt bàn khắc văn kỷ hà lồng móc vào nhau đăng đối. Một nét độc đáo của nghệ thuật chạm khắc ở Lăng Dinh Hương là tả thực với khuynh hướng tự nhiên hóa. Tượng có kích thước lớn, hình khối mập, chắc, cứng cáp, giống như thật và tỉa tót một cách công phu.
Trên khuôn mặt của một võ sĩ cầm dùi đồng đứng canh ngoài cổng đã xuất hiện một miếng xi-măng gắn vào, làm biến dạng hoàn toàn so với nét ban đầu. Theo người dân địa phương thì hiện tượng này đã xảy ra cách đây 5 năm, do một số kẻ xấu vào lăng phá phách. Đó cũng là kết quả của việc không có người trông coi thường xuyên và tường, cổng của lăng cũng chẳng có. Sau khi sự việc xảy ra, người dân chung quanh đã báo lên các cấp chính quyền. Nhưng sự việc đã được giải quyết hết sức qua loa. Người ta cảm thấy khuôn mặt võ sĩ đá này chẳng có ý nghĩa gì, nên đành gắn tạm một miếng xi-măng to tướng để thay thế.
Sau khi được đọc bài viết về tình trạng xuống cấp của khu lăng mộ Dinh Hương trên báo "Thể thao và văn hóa", hai kẻ dỗi hơi, đồng thời cũng là hai friends quyết định làm cuộc điền dã theo kiểu "Tây ba lô", nghĩa là, móc trộm "hầu bao" của các bà xã nổi tiếng là "thần giữ của", "ngự" lên con xe máy cà tàng, quyết định tìm đến tận "tổ con chuồn chuồn" để "mục sở thị". Quả thật là một công trình kiến trúc cổ kỳ vĩ ngoài sức tưởng tượng của con người, xuýt nữa nhà thơ "Chiều Chát" lên "cơn co giật" vì choáng. Vì là khách không mời, lại chẳng phải loại công chức nửa ăn hại nhà nước thực thi chuyên môn bằng tiền "chùa" mặc dù chỉ là cưỡi ngựa xem hoa, rất sợ các ngài lý dịch địa phương hoạnh họe theo kiểu " ....gà cậy chuồng", nên, vừa vào đến gia đình hậu duệ La quận công là ông Nguyễn Văn Viễn, hai gã lãng du đã trình ngay giấy chứng minh nhân dân và thẻ nhà văn do Hội Nhà văn Việt Nam cấp, đồng thời có ngay lời phi lộ " chúng tôi không phải dân săn tìm cổ vật...".
Thật may, vợ chồng chủ nhà vô cùng hiếu khách, ông Viễn chẳng những dẫn hai anh em ra thăm khu lăng, kiên nhẫn chờ chúng tôi gần hai tiếng đông hồ đọc từng dòng chữ Hán trên tấm bia cổ lập vào năm Vĩnh Khánh nguyên niên : 皇朝永慶萬萬年之元歲在己酉季冬轂日立碑( Hoàng triều Vĩnh khánh vạn vạn niên chi nguyên(1729), tuế tại kỷ dậu, quý đông, cốc nhật),”
Đặng Văn Sinh
1- Đặng Văn Sinh và ông Nguyễn Văn Viễn trước ngai thờ La quận côn.
2- Tác giả trước ngai thờ La quận công.
3-Tác giả và ông Nguyễn Văn Viễn, hậu duệ của La quận công trước án thờ.
4- Ông Nguyễn Văn Viễn bên cạnh voi đá ngựa đá.
5- Tác giả bên cạnh voi đá.
6- Tác giả bên cạnh ngựa đá.
7- Tác giả bên cạnh người hầu đá dắt ngựa đá.
8- Người hầu dắt ngựa đá.
9- Nhà thơ Nguyễn Đào Trường đọc tấm bia cổ.
10- Tác giả đọc tấm bia cổ.
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét