Bài đăng phổ biến

Thứ Tư, 23 tháng 4, 2014

LƯỢC KHẢO...

Lược khảo những chủ thuyết chính trị lưu hành tại Việt Nam trong thế kỷ XX (1)

Published on September 20, 2013   ·   4 Comments
Trước nay đã có nhiều công trình nghiên cứu cũng như bài viết đề cập đến những chủ thuyết chính trị nảy sinh trong lịch sử thế giới, tuy nhiên, chưa có ai nhắc đến các chủ thuyết chính trị lưu hành tại Việt Nam, nếu có cũng chỉ mang tính chất đại khái. Đối với đại chúng Việt Nam, chính trị được xem là sự khó hiểu và mức độ quan tâm cũng không nhiều, nhưng gạt yếu tố chính trị bên lề đời sống là một sai lầm, bởi con người là một sinh vật có tính cách chính trị – chính trị là sản phẩm của nền văn minh. Chính trị chi phối hệ thống quản lý xã hội và xương sống của chính trị là các chủ thuyết liên quan. Bài viết này cố gắng liệt kê có sàng lọc những chủ thuyết quan trọng nhất từng được người Việt Nam sử dụng, bên cạnh đó cũng nhắc đến một số hệ quan điểm chính trị.


MeThaiBinh-luockhao
I. DẪN NHẬP :
1. Dẫn nhập lịch sử :
Từ thế kỷ XIX trở về trước, nước Việt Nam thuộc về không gian Á Đông, nằm ở nơi giao thoa của hai nền văn minh Trung Hoa – Ấn Độ, cho nên nền chính trị cũng như bản sắc văn hóa Việt Nam là sự tổng hòa của hai yếu tố Trung Hoa – Ấn Độ. Gần đây, khi xu hướng bài Hoa tăng mạnh sau những cuộc lấn áp chính trị – quân sự của chính phủ Trung Quốc, thì trong dư luận dấy lên ý thức tự chứng minh nguồn gốc khác Hán và đòi tẩy chay những thành tố Hán trong bản sắc văn hóa Việt Nam. Đứng về nhận thức khoa học (đặc biệt là chính trị học, văn hóa học, sử học) thì quan điểm đó hoàn toàn sai lầm, chỉ mang tính đối kháng nhất thời. Trong tiến trình hiện đại hóa toàn diện, người Việt Nam không hề chủ động bắt nhịp với xu thế thời đại mà chỉ thực sự hòa nhập với nền văn minh hiện đại khi mất chỗ dựa từ hai nền văn minh lớn : Trung Hoa – Ấn Độ. Từ thế kỷ XVIII, sau khi bình định xong châu Mỹ và châu Phi, các nước đế quốc thực dân Tây Âu bắt đầu xâm nhập vào thế giới Á Đông, bằng sức mạnh quân sự và khả năng thương mại nhạy bén, họ đã phá vỡ được hàng rào phong kiến Đông phương. Những quốc gia Á Đông “thuần khiết” tự vệ bằng những tập quán đã tồn tại hàng ngàn năm, dần dần bị buộc biến đổi. Nước Ấn Độ trở thành thuộc địa của các nước Tây Âu từ thế kỷ XVIII và nhanh chóng thuộc về quyền cai trị của Đế quốc Anh, nước Trung Hoa từ sau cuộc Chiến tranh Nha phiến (1840 – 1843, 1856 – 1860) thì hoàn toàn kiệt quệ và bị các đế quốc thực dân Tây Âu xâu xé. Một mặt, tổ chức chính trị – xã hội cổ truyền bị phá vỡ, một mặt, nó tạo tiền đề cho sự hiện đại hóa ở các nước này.
Trong bối cảnh rối ren của thời đại, triều Nguyễn (thành lập từ 1802) tự giam mình trong ý thức hệ Nho giáo, bất chấp sự xuống cấp của hệ thống giáo dục khoa cử cũng như tệ nhũng lạm trong giới quan lại. Mâu thuẫn giữa sĩ phu và thể chế, giữa dân chúng và nhà cầm quyền đã đẩy đất nước vào cảnh xung đột. Trong suốt từ 1802 đến 1858 (thời điểm người Pháp nổ súng tấn công Việt Nam), từ Bắc – Trung – Nam nổ ra hàng trăm cuộc nổi dậy lớn nhỏ, thu hút mọi thành phần xã hội tham gia, thậm chí cả giặc cướp từ Trung Hoa lũ lượt tràn sang ; cả xã hội dựa vào sức sản xuất nông nghiệp cũng bại hoại vì mất mùa triền miên. Triều đình không thể đương đầu nổi ! Tình thế hỗn loạn đã trói buộc nhu cầu cải cách toàn diện của triều Nguyễn, cho nên nước Việt Nam đã hoàn toàn bị động và tự nguyện buông vũ khí khi Đế quốc thực dân Pháp xâm nhập, mặc dù đội quân của họ là không đáng kể so với lực lượng quân sự Việt Nam. Cho nên, cuộc xâm nhập của người Pháp không những làm bộc lộ cái hiện trạng thối nát của xã hội phong kiến đã lỗi thời – Việt Nam, mà có ý nghĩa như sau :
- Thứ nhất, làm chấm dứt từ dần dần đến toàn bộ những mâu thuẫn quyền lực trong nội bộ chính trị Việt Nam
- Thứ hai, trực tiếp cắt đứt mối bang giao kiểu thiên triều – chư hầu, đồng thời cản trở việc tái sáp nhập Việt Nam vào Trung Hoa
- Thứ ba, mở lối cho sự xích lại gần nền văn minh đương đại của nền chính trị – xã hội Việt Nam
- Thứ tư, đem vào Việt Nam những tư tưởng Khai sáng châu Âu, giải thoát người Việt Nam khỏi những hủ tục dã man
- Thứ năm, tái thiết toàn diện nước Việt Nam vốn bị điêu tàn bởi nội chiến kéo dài
Cũng phải lưu ý rằng, không chỉ có Việt Nam, mà các nước Đông Nam Á đương thời cũng chung số phận, nhưng trong thực trạng bảo thủ, trì trệ của xã hội thì phải gây thức tỉnh bằng sự thúc bức.
Những căn cơ dẫn đến nhu cầu cải cách chính trị – xã hội Việt Nam và diễn biến cuộc xâm nhập của Đế quốc thực dân Pháp đã được học giả Tsuboi Yoshiharu tường thuật rất rõ trong cuốn sách Nước Đại Nam đối diện với Pháp và Trung Hoa. Cần phải nhận định rằng, nhu cầu đó, cuộc xâm nhập đó là tất yếu và nên diễn ra, là hệ quả của một tiến trình tự khai phóng của nhiều thế hệ nhân sĩ – trí thức Việt Nam !

Indochina_map_1886
Bản đồ bán đảo Trung Ấn năm 1886 – một năm trước khi Liên bang Đông Dương thành lập.

Lịch sử Việt Nam hiện đại bắt đầu từ năm 1900, khi đó Việt Nam bị chia thành ba tiểu vùng với quy chế chính trị khác nhau : Bắc Kỳ (xứ bảo hộ, đứng đầu là Thống sứ Pháp), Trung Kỳ (xứ bảo hộ, còn được gọi là Đại Nam Đế quốc, vẫn do triều Nguyễn quản lý, nhưng có sự giám sát của Khâm sứ Pháp), Nam Kỳ (xứ thuộc địa, đứng đầu là Thống đốc Pháp). Cả ba Kỳ cùng với hai nước Lào, Cao Miên và xứ Quảng Châu Loan nằm trong khối Liên bang Đông Dương (Union Indochinoise) trực thuộc Đế quốc thực dân Pháp (Empire Colonial Français).
Liên bang Đông Dương được duy trì từ 1887 đến 1953, đến năm 1945 trở đi thì chịu sự tác động của tình hình chính trị thế giới nên ít nhiều bị xáo trộn. Trong năm 1945, được sự yểm trợ của Đế quốc Nhật Bản, ngày 17 tháng 4 cùng năm, chính thể Việt Nam Đế quốc ra đời, nhưng sau biến cố 19 tháng 8 thì được thay thế bởi chính thể Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (quốc khánh là ngày 2 tháng 9). Do những mâu thuẫn giữa chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (một thành viên của Liên bang Đông Dương) và chính quốc Pháp, chính phủ Pháp đã đơn phương thành lập chính thể Cộng hòa tự trị Nam Kỳ, nhằm tách xứ Nam Kỳ khỏi nước Việt Nam thống nhất và đối kháng với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tuy nhiên, do không tạo ra được sự đồng thuận giữa các chính trị gia Việt Nam và Pháp, giữa dân chúng Nam Kỳ và chính phủ Pháp nên chính thể này chỉ tồn tại đến ngày 2 tháng 6 năm 1948. Ngày 14 tháng 6 năm 1949, chính thể Quốc gia Việt Nam do Pháp hậu thuẫn được thành lập tại Sài Gòn, gồm thâu cả ba Kỳ dưới một thể chế duy nhất. Trước đó, ngày 19 tháng 12 năm 1946, chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tuyên bố tình trạng chiến tranh với chính phủ Cộng hòa Pháp, sau hơn hai tháng giằng co tại Hà Nội, đến tháng 3 năm 1947 thì chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa giải tán, toàn thể ban lãnh đạo Mặt trận Việt Minh (tổ chức chính trị chi phối chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa) rút lên chiến khu Việt Bắc. Cho nên từ tháng 3 năm 1947, chính thể Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thực tế không tồn tại.
Từ 14 tháng 6 năm 1949 đến 21 tháng 7 năm 1954 (thời điểm Hiệp định Genève được ký kết), Quốc gia Việt Nam là chính thể duy nhất, có tính cách hợp pháp đại diện cho toàn thể quốc dân Việt Nam trước cộng đồng quốc tế. Sau khi chiến trận Điện Biên Phủ kết thúc với phần thắng thuộc về Mặt trận Việt Minh (7 tháng 5 năm 1954), Hiệp định Genève là dấu mốc cho sự phân chia lãnh thổ Việt Nam. Trưởng đoàn đại diện Quốc gia Việt Nam là ông Trần Văn Đỗ đã kịch liệt phản đối việc phân chia này, không đặt bút ký và cả đoàn rời bỏ Hội nghị, vì thế chính thể Quốc gia Việt Nam không phải căn nguyên dẫn tới hệ lụy chia cắt đất nước. Vị trí giao thoa giữa hai phe chính trị Xô-Mỹ đã buộc người Việt Nam phải lựa chọn theo bên này bỏ bên kia, sự chia rẽ trong nội bộ Việt Nam rõ ràng thể hiện sự thiếu đồng thuận vì một lý tưởng chung, cả đất nước phải chấp nhận làm quân tốt thí trên bàn cờ chính trị quốc tế.
Hiệp định Genève quy định sông Bến Hải là ranh giới tạm thời và dự định đến năm 1956 sẽ tiến hành Tổng tuyển cử thống nhất hai miền Việt Nam. Ở phía Bắc, chính thể Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được khôi phục vào ngày 10 tháng 10 năm 1954, đặt thủ phủ tại Hà Nội ; ở phía Nam, chính thể Quốc gia Việt Nam vẫn tồn tại. Nhưng sau cuộc trưng cầu dân ý năm 1955, chính thể Quốc gia Việt Nam giải tán (26 tháng 10 cùng năm), được thay thế bởi chính thể Việt Nam Cộng hòa. Quốc gia Việt Nam vốn là thể chế Đại nghị, Việt Nam Cộng hòa là thể chế Cộng hòa Tổng thống. Việt Nam Cộng hòa tồn tại từ 1955 đến 30 tháng 4 năm 1975 thì giải thể, do các biến cố chính trị – quân sự mà chia thành hai thời kỳ : Đệ nhất Cộng hòa (1955 – 1963), Đệ nhị Cộng hòa (1967 – 1975). Ngày 20 tháng 12 năm 1960, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam được thành lập tại chiến khu Tây Ninh, đây vốn là phân bộ phía Nam của Đảng Lao động Việt Nam, có lập trường phản đối sự hiện diện của Hoa Kỳ tại Việt Nam và phủ nhận chính thể Việt Nam Cộng hòa, đặt mục tiêu sáp nhập với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa bằng việc đánh đổ chính thể Việt Nam Cộng hòa.
http://images.danviet.vn/CMSImage/Resources/Uploaded/baogiay2/103_buc-anh-hai-nguoi-linh.jpg
Cuộc chiến tranh Đông Dương (1946 – 1975) hầu như đốt trụi thành quả kinh tế – xã hội được tạo dựng thời Liên bang Đông Dương và tước đi sinh mạng của hàng chục triệu người Việt Nam một cách vô nghĩa.

Về mặt thể chế, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là chính thể độc đảng (Đảng Lao động Việt Nam) – phương châm tiến lên xã hội xã hội chủ nghĩa bằng học thuyết Marx-Lenin, Việt Nam Cộng hòa là chính thể dân chủ đa nguyên. Sau Sự kiện Vịnh Bắc Bộ (khoảng đầu tháng 8 năm 1964), Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đặt trong tình trạng chiến tranh với Việt Nam Cộng hòa và Hoa Kỳ ; Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tuyên bố “giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc”, Việt Nam Cộng hòa kêu gọi “bảo vệ miền Nam thân yêu khỏi sự xâm lăng của Cộng sản”. Từ sau trận Tết Mậu Thân (1968), tình thế chiến sự trở nên khốc liệt buộc các giải pháp chính trị – quân sự phải đảm bảo tính chính danh hơn. Ngày 8 tháng 6 năm 1969, chính phủ lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam được thành lập tại chiến khu Tây Ninh, đây thực tế là giải pháp chính trị của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam cùng Liên minh các Lực lượng Dân tộc, Dân chủ và Hòa bình Việt Nam nhằm thu hút sự ủng hộ của dư luận quốc tế. Chính thể này tiếp quản miền Nam vào ngày 30 tháng 4 năm 1975 – thời điểm chính thể Việt Nam Cộng hòa giải tán. Ngày 25 tháng 4 năm 1976, cuộc tổng tuyển cử tái thống nhất được tổ chức trên quy mô cả nước. Từ ngày 24 tháng 6 đến ngày 3 tháng 7 năm 1976, Quốc hội nước Việt Nam thống nhất họp phiên đầu tiên đã công bố quốc hiệu Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thủ đô được đặt tại Hà Nội. Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam là chính thể độc đảng (Đảng Cộng sản Việt Nam), tiếp tục duy trì đường lối chính trị của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Thập niên 1980, do tình hình chính trị thế giới có nhiều biến động, khối Xã hội chủ nghĩa Đông Âu – đồng minh chính của Việt Nam – lâm vào khủng hoảng rồi sụp đổ khiến nền kinh tế Việt Nam không tránh khỏi khó khăn, chưa kể là cơ chế bao cấp và hệ học thuyết chính trị trở nên giáo điều, cứng nhắc đã tạo ra một xã hội khan hiếm vật chất, tình trạng thiếu đói có nguy cơ bùng nổ. Để giải tỏa sự bế tắc này, năm 1986, Hội nghị Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa VI họp đã thông qua chính sách Đổi Mới, thiết lập mô hình kinh tế thị trường định hướng Xã hội chủ nghĩa, tức chuyển hướng từ kinh tế bao cấp, tự túc sang thị trường tự do. Thực chất, việc làm này đã trực tiếp đánh dấu chấm hết cho hệ tư tưởng Marx-Lenin đã trở nên giáo điều, thoái hóa trong xu thế thời đại. Từ đó đến nay, chủ nghĩa Marx-Lenin chỉ được nhắc đến với tư cách hệ thống quan điểm kinh tế – chính trị có tính chất tham khảo, chứ không còn được áp dụng đại trà như trước. Từ 1990 đến 2007, nền kinh tế Việt Nam liên tục tăng trưởng, các chính sách quản trị xã hội cũng theo đà phát triển của kinh tế để trở nên cởi mở hơn, bớt đi những thành kiến cố hữu. Xã hội Việt Nam không còn rơi vào tình trạng khan hiếm nhu yếu phẩm nữa, tính chất “quân sự” trong thiết chế cũng bị thế chỗ bởi các giá trị tự do – dân chủ, phần nào bắt kịp xu thế toàn cầu. Tuy nhiên, bên cạnh sự tiến triển của nền kinh tế, những cạm bẫy đến từ nhu cầu chính trị hóa kinh tế đã tạo ra một thiết chế xã hội dung dưỡng tham nhũng, mọi giá trị văn hóa – xã hội bị chi phối bởi đồng tiền, chưa kể sự mâu thuẫn gay gắt giữa hệ thống giáo dục khuôn thước với nhu cầu tự do hóa của con người.

lamphat-khungkhoang

Tình trạng lạm phát và sự thất bại trong nỗ lực kiềm chế lạm phát của chính phủ đã đẩy xã hội Việt Nam vào tình thế lịch sử : hoặc duy trì sự hà khắc để nhìn nhau cùng chết, hoặc ra sức biến cải để tránh thảm kịch đổ vỡ. Lúc này, vấn đề chủ thuyết chính trị – xã hội được đặt ra gay gắt ; quan điểm “há miệng chờ sung”, “nằm co đợi thời” đồng nghĩa tô đậm bức tranh chính trị – xã hội Việt Nam đen tối, ảm đạm.
Cuộc khủng hoảng năng lượng năm 2007 đã giáng mạnh vào thiết chế xã hội mong manh ở Việt Nam. Những ung nhọt của một quốc gia bị thoái hóa bởi chính trị đã bung vỡ, lạm phát tăng cao và tình trạng tham nhũng lạm quyền có cơ hội xổ lồng. Mâu thuẫn giữa nhân phẩm và giá trị vật chất, giữa nhà cầm quyền độc đoán và công dân chịu sự độc đoán, giữa giá trị nhân văn truyền thống và làn sóng xâm lăng văn hóa, bên cạnh đó là sự gia tăng sức ép của Trung Quốc đối với vấn đề biển đảo đã đặt nước Việt Nam, toàn dân Việt Nam vào thế bị động đối phó. Những hiểm họa từ nền kinh tế bong bóng và sự mất nhân cách trong một xã hội tha hóa, sự chia rẽ dân chúng với nhà cầm quyền, thế đối lập của niềm tin chính trị với thực tế chính trị – những nguy cơ này trực tiếp là căn nguyên đẩy nước Việt Nam tới vực thẳm nội chiến, chia cắt, lệ thuộc trong tương lai gần. Lúc này, vấn đề đặt ra là phải tìm thấy một chủ thuyết chính trị – xã hội đủ sức gạt bỏ mọi mâu thuẫn lỗi thời và mở lối cho sự hồi sinh của đất nước – con người Việt Nam, thay vì giam hãm trong những thành kiến cố hữu hay thói quen trì trệ – như thế là tự kết liễu. Hãy chung tay hành động ngay !
2. Dẫn nhập quan điểm :
Quốc gia nào, thời đại nào cũng cần một hoặc nhiều tư tưởng để phát triển bền vững ; việc thiếu vắng một tư tưởng có tính chất thúc đẩy toàn diện đã khiến nước Việt Nam chìm đắm trong những mâu thuẫn cố hữu, con người Việt Nam hoàn toàn “chết ngộp” trong những toan tính vật chất và phải tự vệ bằng sự dối trá. Việt Nam vốn dĩ nằm trên tuyến đường luân chuyển dân cư – thương mại sôi động bậc nhất thế giới, con người Việt Nam luôn ở vị thế hội tụ các trào lưu chính trị – văn hóa ; là một quốc gia luôn dồi dào về nhân lực cũng như quan trọng về địa thế chiến lược, không lý do gì chúng ta cứ phải lẽo đẽo sau lưng những quốc gia vốn kém lợi thế hơn, như suốt mấy thập niên qua. Chiến tranh và hận thù ý thức hệ đã đưa Việt Nam quay về vạch xuất phát, từ một cường quốc kinh tế – quân sự lớn ở Đông Nam Á, đến nay tụt hậu trên mọi lĩnh vực, hai yếu tố trọng yếu của một nền văn minh bền vững là văn hóa và giáo dục thì bị chính trị làm cho nô dịch hóa. Tất cả công dân Việt Nam cũng như bất cứ ai tự coi mình là người Việt Nam phải nhăn trán tìm ra lối thoát cho Tổ quốc vươn lên, con người được phát triển hết tiềm năng.
Mục đích của bài viết là thống kê và đánh giá một cách khái quát những trào lưu chính trị lưu hành tại Việt Nam trong thế kỷ XX, bên cạnh đó, cố gắng lý giải sự thắng thế của chủ thuyết cộng sản trong cuộc tương tranh với các chủ thuyết khác. Những quan điểm mang tính phản biện, xin comment lịch thiệp ở bên dưới. Chân thành cảm ơn các bạn !
II. LƯỢC KHẢO :
Cuộc xâm nhập và hai lần tiến hành khai thác thuộc địa của Đế quốc thực dân Pháp ít nhiều gây biến đổi cấu trúc xã hội cổ truyền Việt Nam, đồng thời cải tạo nghiêm khắc hệ thống chính trị bản xứ đã trở nên giáo điều, lạc hậu. Những tư tưởng chính trị Tây Âu tràn vào Việt Nam, nhanh chóng đụng đầu hệ tư tưởng cố hữu, gây ra những đụng độ ý thức hệ gay gắt. Sự đổi thay và chấn hưng thần kỳ của thiết chế chính trị – xã hội Việt Nam đầu thế kỷ XX, nhờ phần lớn ở sức ảnh hưởng của trào lưu Khai sáng (Siècle des Lumières), tiếc rằng sau này, nó đã không được hậu thế hiểu đúng.
1. Nho giáo :
Sau khi triều Nam Minh sụp đổ (1661), một bộ phận dân Trung Hoa luân chuyển xuống khu vực Đông Nam Á, nhưng chủ yếu địa điểm dừng chân là Việt Nam – bởi sự gần gũi về thiết chế chính trị – văn hóa. Trong dòng chảy di dân đó có không ít các học giả, Nho sĩ, họ được giới quý tộc Việt Nam đón tiếp trọng thị và tiến cử lên các vua chúa. Kể từ giai đoạn đó, các triều đại Việt Nam (đặc biệt là triều Nguyễn) tự xưng mình là kẻ kế thừa chính thống của hệ phái Minh Nho, tỏ rõ sự khác biệt với triều Thanh – kẻ kế tục cai trị đất Trung Hoa nhưng xuất thân là bộ lạc nguyên thủy ở phía Bắc Sơn Hải Quan. Các Hoàng đế triều Nguyễn đặc biệt tôn sùng Nho giáo – điển hình là Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức – ra sức củng cố địa vị cai trị bằng học thuyết không có gì mới mẻ này. Nhưng trong bối cảnh xã hội Việt Nam chịu tác động sâu sắc của những biến loạn ở phía Nam Trung Hoa, cùng với sự lung lay dữ dội của hệ thống quân chủ chuyên chế Á Đông trước làn sóng thực dân, Nho giáo đã không tỏ ra là chính thuyết hữu dụng, thế vào đó là những quan điểm cứng nhắc, lạc hậu và chính sách cai trị hà khắc một cách không cần thiết. Thế kỷ XIX chứng kiến sự vỡ nát của nền chính trị – xã hội Việt Nam cổ truyền, ngay trong tầng lớp sĩ phu cũng phân chia thành nhiều hệ phái, bên cạnh Minh Nho còn có Hán Nho, Đường Nho, Tống Nho.
Hệ tư tưởng Nho giáo (còn gọi là Khổng giáo) chia xã hội thành ba hạng : thánh nhân (hoặc đại nhân), quân tửtiểu nhân. Trong quan niệm của Khổng Tử, “thánh nhân” là những bậc hiền giả, người thể hiện và chuyển giao minh triết – tóm lại là có học vấn và viễn kiến ; “quân tử” là người cao nhã, kẻ phấn đấu để làm điều chân chính – tóm lại là có địa vị xã hội, “tiểu nhân” là kẻ “hèn mọn”, hành động không màng tới đạo đức – cho nên có thể hiểu “tiểu nhân” là tầng lớp dân thường. Cũng theo Khổng Tử, người quân tử phải biết “tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ“, kẻ tiểu nhân phải biết tuân phục người chăn dắt ; ngũ luân (năm mối quan hệ vua tôi, cha con, vợ chồng, anh em, bè bạn) và ngũ thường (nhân, nghĩa, lễ, trí, tín) luôn xoay quanh con người (nhân). Ngoài ra Khổng Tử cũng đề ra thuyết Chính danh.
Nho giáo là học thuyết triết học – chính trị chủ yếu khai triển từ thế giới quan của Khổng Phu Tử, được các triều đại phong kiến Việt Nam tiếp nhận từ Trung Hoa, nhưng không có nhiều biến đổi cho phù hợp thực trạng bản địa. Bắt đầu từ triều Lê sơ (thành lập năm 1428), Nho giáo được suy tôn là học thuyết quản trị xã hội tiên quyết, được hỗ trợ bởi hệ thống pháp lý và khoa cử tương đối chặt chẽ. Nhưng có mấy đặc điểm sau :
Ưu điểm : Trải qua quá trình bồi đắp rất dài (khoảng hai ngàn năm), học thuyết Nho giáo là hệ thống lý luận triết học – chính trị có chiều sâu tư tưởng và cũng có độ bền về thời gian, tính chất đó ít nhiều tạo ra một thiết chế chính trị – xã hội có trật tự, định vị được mọi mối quan hệ xã hội, đặc biệt tránh cho cộng đồng áp dụng nó khỏi sự tan vỡ bởi mối nguy bên ngoài.
Nhược điểm : Nho giáo là một trong những học thuyết triết học – chính trị tồn tại rất lâu đời trên thế giới, nhưng do không biến đổi gì nhiều và những trật tự đầy nghiêm khắc, nó tạo ra tính chất khép kín và làm chững lại nền văn minh Á Đông. Cho nên, khi làn sóng xâm nhập đến từ cộng đồng có nền văn minh và ý thức triết học – chính trị cao hơn, thiết chế chính trị – xã hội Á Đông cổ truyền nhanh chóng tan rã. Luận thuyết này phân chia xã hội theo địa vị và của cải, cho nên trực tiếp tạo ra sự mất cân bằng quyền lợi giữa người với người, giữa quốc gia này với quốc gia khác ; bên cạnh đó, nó cũng phủ nhận tuyệt đối vai trò chính trị của người phụ nữ. Sâu xa hơn, chính vì sự thiếu công bằng đó mà trong suốt thời gian ngự trị của Nho giáo, xã hội Á Đông luôn nảy sinh những cuộc thoán đoạt quyền lực đẫm máu, chủ yếu là tranh chấp hoàng tộc và nông dân khởi nghĩa. Đó cũng là biểu hiện của những căng thẳng xã hội cần được giải tỏa.
http://a3.att.hudong.com/72/54/01200000012881119634549811827.jpg
Khổng Phu Tử – Đại biểu xuất sắc nhất của hệ tư tưởng Nho giáo.


Read more: http://www.ttxva.net/luoc-khao-nhung-chu-thuyet-chinh-tri-luu-hanh-tai-viet-nam-trong-the-ky-xx/#ixzz2zlYEneGG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét