Bài đăng phổ biến

Thứ Hai, 29 tháng 8, 2011

Dâng vẹt đỏ

"NƯỚC AN NAM VỪA DÂNG VẸT ĐỎ"


Chiều hôm qua, nămngoái, Hà Nội trời mưa. Cả buổi chiều ngồi nhà mở "Toàn Đường thi" (thạch bản) ra đọc trong mưa gió dặt dìu. Đọc được bài thơ này của Bạch Cư Dị - một trong ba nhà thơ nổi tiếng nhất thời Đường, Trung Quốc, xin chép tặng chư vị đọc chơi buổi tối.
白居易 安南遠進紅鸚鵡
色似桃花語似人
文章辯慧皆如此
籠檻何年出得身


Phiên âm: HỒNG ANH VŨ


An Nam viễn tiến hồng anh vũ

Sắc tự đào hoa, ngữ tự nhân.
Văn chương biện tuệ giai như thử,
Lung giám hà niên xuất đắc thân!

Dịch nghĩa:  
CHIM VẸT ĐỎ

An Nam xa xôi vừa dâng chim vẹt đỏ,

Màu lông giống tựa hoa đào, tiếng giống tiếng người.
Văn chương và học thuật nếu cũng đều như thế,
Vậy đến năm nào mới thoát khỏi kiếp chim lồng! 


Dịch thơ:   NGUYỄN ĐÀO TRƯỜNG

                  Dâng vẹt đỏ
 Nam Việt dâng chim vàng đỏ lông
Tiếng người thỏ thẻ nhốt đau lòng
Văn chương nghệ thuật đều như thế
Vây hãm mong chi thoát khỏi lồng.
                                   NĐT
 


The Red Cockatoo

Sent as a present from Annam

A red cockatoo.
Coloured like the peach-tree blossom,
...Speaking with the speech of men.
And they did to it what is always done
To the learned and eloquent.
They took a cage with stout bars
And shut it up inside.
(translated by Arthur Waley - bản dịch tiếng Anh của Arthur Waley, 
do Trang Hạ cung cấp).

Dịch thơ:
VẸT ĐỎ
 

Nước An Nam vừa dâng vẹt đỏ,
Nói tiếng người, lông tựa hoa đào.
Thông minh, văn vẻ vậy sao,
Kiếp chim lồng biết khi nào mới qua.

(Vũ Minh Tân dịch)

TIỂU SỬ NHÀ THƠ BẠCH CƯ DỊ 
 
Bạch Cư Dị (chữ Hán: 白居易) (772-846) tự là Lạc Thiên (樂天), hiệu là Hương Sơn cư sĩ là nhà thơ Trung Quốc nổi tiếng thời nhà Đường. Tác phẩm nổi tiếng của Bạch Cư Dị ở Việt Nam có lẽ là bài Tỳ bà hành, Trường Hận Ca.

Xuân Quỳnh - Lưu Qiang Vũ

TƯỞNG NHỚ GIA ĐÌNH LƯU QUANG VŨ - XUÂN QUỲNH


 
 Xuân Quỳnh - Lưu Quang Vũ trong ký ức hai con
(bài viết nhân 20 năm ngày mất của thi sĩ Xuân Quỳnh và nhà soạn kịch Lưu Quang Vũ, 

29/8/1988 - 29/8/2008)
 Đoan Trang

20 năm trôi qua không đủ để xóa hết nỗi đau trong lòng những người ở lại mỗi khi nhớ về đôi vợ chồng nghệ sĩ tài hoa bạc mệnh Xuân Quỳnh - Lưu Quang Vũ. Điều ấy càng hằn rõ với hai người con Lưu Tuấn Anh và Lưu Minh Vũ.

Lâu nay, cả Tuấn Anh và Minh Vũ đều không muốn nhắc lại chuyện của 20 năm về trước. Nhưng trong những ngày này, hai anh đã mở lòng để kể lại cho chúng tôi nghe về ký ức của “một thời rất đẹp”, trước ngày định mệnh 29 tháng 8 năm 1988.

Lưu Tuấn Anh là con trai của nhà thơ Xuân Quỳnh và người chồng trước của bà - nghệ sĩ violin Lưu Tuấn. Anh sinh năm 1966, lớn tuổi nhất trong ba người con trai của gia đình. Hiện anh là giám đốc kinh doanh của một công ty thiết kế đồ họa - in ấn - quảng cáo ở Hà Nội.

Lưu Minh Vũ (sinh năm 1970) có phần nổi tiếng hơn, anh là biên tập viên của kênh VTV3, Đài Truyền hình Việt Nam, cũng là MC chương trình Hãy chọn giá đúng. Minh Vũ là con của nhà biên kịch Lưu Quang Vũ và người vợ trước - diễn viên Tố Uyên.

Thời thơ ấu, họ cùng sống ở 96A phố Huế (Hà Nội), tập thể của Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật. Minh Vũ ở cùng mẹ và bố dượng tại tầng hai. Tuấn Anh và bố ở tầng bốn. Còn Xuân Quỳnh, Lưu Quang Vũ và con trai chung của hai người - Lưu Quỳnh Thơ (sinh năm 1975) - thì ở tầng ba. Tuy nhiên, ba anh em cực kỳ thân thiết, không khác nào anh em ruột thịt. Như Lưu Minh Vũ có nói, thời gian anh sống với “má Quỳnh” nhiều hơn thời gian anh sống với "mẹ Uyên". Nói về thời thơ ấu, anh có nhiều kỷ niệm với má Quỳnh hơn là với mẹ. Do nghệ sĩ Tố Uyên thường phải đi xa, bận bịu với công việc diễn xuất, việc chăm sóc Minh Vũ gần như do Xuân Quỳnh đảm nhận.

Ký ức thời thơ ấu của cả Tuấn Anh và Minh Vũ đều tràn ngập hình ảnh một gia đình hạnh phúc: Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh và ba con trai. Cả ba anh em cũng đã là khuôn mẫu ngoài đời cho rất nhiều nhân vật trong các truyện ngắn dành cho thiếu nhi của nhà thơ Xuân Quỳnh.
* * *
Lưu Minh Vũ: “Tại sao cuộc sống ngày ấy có thể thanh bình đến thế?”

Hồi ấy chúng tôi ở chung một tập thể với nhiều văn nghệ sĩ, như Nguyễn Văn Tý, Phan Huỳnh Điểu, Ngô Huỳnh… Ba anh em không cùng cha mẹ, đúng là một trường hợp điển hình “con anh, con tôi, con chúng ta” đấy, nhưng chúng tôi thân nhau như anh em ruột, do được dạy dỗ rất kỹ. Bố và má luôn giáo dục các con phải nhường nhịn, không được đánh nhau.

Ngày ấy cả xã hội đều nghèo, văn nghệ sĩ cũng vậy, vất vả lắm. Cũng phải tem phiếu, xếp hàng như ai. Bố tôi làm phóng viên cho tạp chí Sân Khấu, do không có bằng cấp gì nên xét theo bậc thì lương của ông chỉ hơn lao công. Thời gian đầu, ông còn không có lương, chỉ có nhuận bút. Sống bằng nhuận bút thì cực lắm, vì có phải lúc nào cũng viết ra bài đều chằn chặn như đan rổ đâu. Nhưng cũng thời gian làm phóng viên ấy khiến ông quen nhiều nghệ sĩ sân khấu và hiểu họ, hiểu tính cách, điệu bộ, kỹ thuật diễn và nói chung là cái “chất” của họ. Sau này, khi viết kịch, có những vở ông viết theo đơn đặt hàng, và các nhân vật gần như được ông thiết kế dành riêng cho một diễn viên nào đấy. Tôi lấy ví dụ như vai ông Quých trong "Tôi và chúng ta", ông viết gần như chỉ để cho diễn viên Trần Kiếm đóng. Sau này, không diễn viên nào thể hiện được cái chất Quých ấy nữa, vai đó đã được đo ni đóng giày cho Trần Kiếm rồi.

Nói riêng về vật chất thì chúng tôi đã sống một thời kỳ khó khăn, trong cái khó khăn chung của đất nước. Bữa cơm thường có những món rất “kinh điển” như lạc, nhộng. Có thịt thì quý lắm lắm. Về sau, bố tôi bắt đầu sáng tác kịch và nổi tiếng, cuộc sống khá hẳn lên. Thỉnh thoảng cả gia đình lại đưa nhau đi ăn tươi.

Bố tôi tính rộng rãi, thoáng đạt, thậm chí bốc đồng. Nhiều khi má nấu cơm rồi, thức ăn có rồi, nhưng ông lại hứng chí đi mua ít thịt gà cho con. Nhìn các con ăn là bố thấy hạnh phúc. Tôi nhớ mãi cái ngày ba anh em được đưa ra bến Phà Đen chơi. Hôm đó bố tôi vừa lĩnh một khoản nhuận bút lớn, khao cả nhà một bữa thịt chó ở phố Lê Quý Đôn. Tôi cầm nguyên cái đùi mà ăn, sung sướng lắm. Cả ba đứa đều sung sướng. Chi tiết xuống bến Phà Đen chơi được má tôi đưa vào truyện ngắn nổi tiếng của bà, “Bến tàu trong thành phố”. Nhân vật Trung Hà và Hưng là anh Tuấn Anh và tôi.

Bố má tôi thương con vô cùng, không bao giờ đánh con dù chỉ một lần. Bác Tuấn (nghệ sĩ violin Lưu Tuấn, bố đẻ Tuấn Anh - NV) cũng yêu quý thằng Mí (tên thân mật của Lưu Quỳnh Thơ - NV), coi nó như con ruột.

Bây giờ nghĩ lại, đó là khoảng thời gian đẹp nhất cuộc đời tôi. Tại sao ngày ấy cuộc sống lại có thể thanh bình đến thế? Yên ấm, đầy đủ, rất đầy đủ, không phải về vật chất mà là về tình cảm. Đùng một cái, việc dữ xảy ra. Bố má tôi và Mí đi chơi xa… rồi không bao giờ trở về nữa.

Tôi còn nhớ mấy ngày ấy trời Hà Nội cũng mưa nhiều. Tôi vừa có tin đỗ đại học (Minh Vũ học chuyên ngành quay phim, Đại học Sân khấu Điện ảnh - NV) với tổng điểm cao nhất trường, có chỉ tiêu du học. Bố, má và em đi chơi, tôi ở Hà Nội cũng đi chơi suốt ngày, vui lắm.

Tin báo về, tôi không hề biết vì lúc đó có ở nhà đâu. Buổi chiều tôi đi bộ ngang qua nhà diễn viên Kim Oanh ở phố Trần Nhân Tông, thấy cô Oanh chạy ra hốt hoảng hỏi: “Bố có bị làm sao không cháu?”. “Không, cháu chả biết”. Một cái gì đó như linh tính nổi lên, tôi ba chân bốn cẳng chạy về nhà. Nghe loáng thoáng có tiếng người bên đường bảo: “Thằng Kít (tên thân mật của Minh Vũ - NV) nó về rồi kia kìa”.

Tới nhà, tôi được báo tin bố má và em bị tai nạn, mà cũng chưa biết là cả ba đã mất. Tôi đòi xuống Hải Dương thăm, người nhà giữ lại không cho đi, ấn tôi ngồi xuống, bảo: “Kít ngồi đây. Không đi đâu cả!”. Lúc đó tôi mang máng hiểu. Từ phút ấy, tôi không nhớ gì nữa. Cả một cơn mê. Một cơn ác mộng.

Cuộc đời tôi thay đổi từ đó. Sau cái tang lớn, cả tôi và anh Tuấn Anh đều sa vào khủng hoảng. Ai cũng khuyên bảo tôi cố gắng lên, vực dậy đi, vươn lên mà sống, nhưng nghĩ lại, lúc đó tôi biết vươn lên kiểu gì? Cú sốc quá lớn.

Trước ngày ấy, cuộc sống của tôi như thể thiên đường. 18 tuổi, chuẩn bị đi học nước ngoài, bao nhiêu ước mơ sắp thực hiện – du học, trở thành nhà quay phim. Đời đẹp lắm. Thế rồi hẫng một cái. Tôi vẫn đi Nga, rồi sang Đức học, nhưng bị cảm giác chán chường đè nặng. Chán đến không chịu nổi. Được bốn năm, tức là đến năm 1993, tôi bỏ dở, quay về Việt Nam. Tôi không theo nghề quay phim nữa, chuyển sang học báo chí. Năm 1997, tôi ra trường và vào công tác tại Đài Truyền hình Việt Nam cho đến nay.

Nếu không có sự cố đó, chắc chắn cuộc đời tôi đã khác rất nhiều. Biết đâu tôi có thể ở lại nước ngoài chẳng hạn? Hay là tôi sẽ làm nghề khác chứ không làm MC và biên tập viên truyền hình. Điều chắc chắn là từ sau cú sốc ấy, tôi thay đổi nhiều về tính cách. Tôi không còn hồn nhiên và yêu đời được như xưa.

Đồng nghiệp có người bảo tôi lên hình trông buồn, ít cười quá. Không hiểu có phải mặt tôi đã buồn từ hồi bố má và em mất không. Cũng có thể do tôi không thích vừa nói vừa cười khi dẫn chương trình. Có lý do gì để cười nhỉ? Phụ nữ cười để cho xinh, chứ mình cười thì làm gì?

Bây giờ, tôi vẫn thỉnh thoảng mơ tới những ngày thơ ấu. Tôi mơ thấy bố, má tôi, thấy ngôi nhà 96A phố Huế. Tôi đã lấy vợ, sinh con, chuyển đến nhà mới 10 năm rồi, nhưng không một lần mơ thấy nhà mới. Tôi chỉ mơ thấy tập thể 96A phố Huế và ký ức thời xa xưa của tôi, lẫn lộn, mơ hồ, như một đám mây.

Lưu Tuấn Anh: “Mẹ mãi là người phụ nữ tuyệt vời nhất”

Tuổi thơ của tôi không thể gọi là yên bình vì tôi đã nghe tiếng bom gầm ở Hà Nội năm 1972, phải đi sơ tán và rồi chứng kiến bố mẹ tôi chia ly. Nhưng tôi lại không phải xa mẹ chút nào. Ngược lại, tôi có một gia đình thứ hai - gia đình mẹ và bố dượng tôi.

Tôi đã có những ngày thật đầm ấm bên mẹ, chú Vũ và các em. Tôi vẫn nhớ như in cái không khí của một gia đình tràn đầy tình yêu thương và nghệ thuật. Tôi nhớ ánh mắt mẹ và chú Vũ trìu mến khi thấy các con sum vầy. Tôi nhớ căn phòng của mẹ và bố dượng đầy sách, các bản thảo và các bức vẽ trên tường. Những bữa ăn có đủ cả nhà thì chẳng bao giờ thiếu chuyện, dẫu chỉ là cơm rau.

Còn những buổi tối cả nhà đi xem kịch của chú Vũ nữa, sao mà vui thế. Anh em chúng tôi luôn ríu rít bên nhau mặc dù không cùng cha cùng mẹ. Minh Vũ hồi đó béo tròn và rất thích chơi những trò tai quái. Tôi cũng nghịch ngợm chẳng kém, nhưng ít nói và lầm lì hơn.

Em trai út Lưu Quỳnh Thơ có tên ở nhà là Mí. Mí dễ thương lắm; da trắng, môi đỏ, mắt to mà tóc để dài như con gái. Mí rất thông minh, học cái gì cũng giỏi và nhanh tới mức kinh ngạc. Ở trường, nó thường ở trong nhóm 5 học sinh đứng đầu lớp.

Mí có năng khiếu bẩm sinh về hội họa. Trẻ ba tuổi thường cầm bút chưa vững, thế mà Mí đã vẽ thành thạo bằng cả bút chì lẫn màu nước. Ba tuổi rưỡi, nó được giải Nhì (không có giải Nhất) cuộc thi vẽ quốc tế do UNESCO tổ chức với chủ đề “Năm 2000 em sống như thế nào”. Nó vẽ một cậu bé cưỡi ngựa đang bồng bềnh trong một vườn hoa trông như cái hồ sen. Bức tranh ấy bây giờ Minh Vũ vẫn giữ. Trong số các cuốn thơ “Bầu trời trong quả trứng” của mẹ từng xuất bản, có một cuốn do Mí tự minh họa.

Mí ít tuổi như vậy nhưng nó sống tình cảm và và rất biết quan tâm tới bố mẹ và các anh. Hồi đó nhà tập thể tôi chỉ có nước máy ở tầng một. Tôi và Minh Vũ có nhiệm vụ xách nước lên tầng ba cho mẹ nấu cơm và rửa bát. Mí mới 10 tuổi không phải làm việc nặng nhưng lại tự xung phong xách nước cho mẹ. Nó thương mẹ, sợ mẹ phải xách nước khi các anh mải chơi mà không làm. Nghĩ lại cảnh Mí nhỏ vậy mà cố xách hai cái bình nước bằng nhựa lớn đi lên cầu thang là tôi lại xót xa.

Hồi đó, tôi còn trẻ con, rất vô tư, ham chơi và chẳng nghĩ gì nhiều về gia đình. Tôi thấy mọi người khen mẹ làm thơ hay nhưng chẳng bao giờ đọc kỹ một bài thơ của mẹ. Điều quan trọng nhất với tôi là được mẹ thương yêu, còn thơ của mẹ ra sao thì chẳng phải chuyện tôi quan tâm. Tôi được bao bọc trong tình thương của mẹ và gia đình.

Với niềm tin của một đứa trẻ, tôi cứ nghĩ những ngày đầm ấm đó sẽ kéo dài mãi. Thế rồi cái ngày 29 tháng 8 định mệnh đó đến, thế giới quanh tôi sụp đổ hoàn toàn. Bỗng chốc tôi không còn mẹ, không còn bố dượng và không còn đứa em út. Lúc đó tôi mới hiểu rằng chẳng có điều gì trên đời này là vĩnh cửu, kể cả người thân và những niềm hạnh phúc.

Tôi khi đó đã tốt nghiệp đại học và đang làm biên tập viên cho Thông tấn xã Việt Nam. Mang tiếng là người lớn và đã đi làm, nhưng tôi vẫn còn quá trẻ con để chịu đựng một sự mất mát nghiệt ngã như vậy. Sau cái ngày đó, tôi ốm và suy sụp hoàn toàn. Tôi thay đổi hẳn và không còn là tôi trước đó nữa. Sự vô tư trong con người tôi biến mất, thay vào đó là sự suy tư và bất cần. Mọi thứ với tôi đều trở nên trống rỗng và vô nghĩa. Lần đầu tiên trong đời, tôi đặt câu hỏi về ý nghĩa cuộc sống của mỗi con người.

Tôi ngơ ngác tự hỏi: “Cuộc sống tại sao lại bất công như vậy? Tại sao những người, tài năng, nhân hậu và có ích cho đời lại phải chết? Vậy thì ta phấn đấu vì những điều tốt đẹp để làm gì? Mất bao nhiêu năm tháng để một ngày lại ra đi vô lý như thế ư? Em Mí của tôi chỉ là một đứa trẻ. Nó có tội tình gì? Nó ngoan hiền thế mà trời nỡ lòng nào bắt nó đi?”.

Mất nhiều tháng sau, tôi sống trong tình trạng nửa mê nửa tỉnh với những ý nghĩ luẩn quẩn và bi quan. Tôi nghỉ làm, ở nhà giở thơ của mẹ và bố dượng và đọc từng bài. Đọc bằng hết, điều trước đây tôi chưa từng làm. Lúc đó tôi mới thực hiểu mẹ hiểu bố dượng và sự lớn lao trong tâm hồn của cả hai người. Mỗi lần đọc thơ là một lần tôi khóc. Tôi trách mình vô tâm với mẹ và chú Vũ quá và thật khó để tự tha thứ. Rồi sau bao dằn vặt, cũng đến lúc tôi tự nhủ mình: “Nếu mẹ, chú Vũ và em Mí còn sống, chắc chắn không ai muốn thấy mình chán nản và mất niềm tin như thế này”.

Vậy là tôi bắt đầu dùng lý trí để lấy lại thăng bằng. Tôi cố gắng sống vì mẹ tôi, bố dượng tôi, và em Mí. Tôi cố gắng sống vì những người thân yêu còn lại của tôi, trong đó có Minh Vũ - người bây giờ với tôi còn hơn em ruột. Tôi phục hồi dần dần.

Trong con mắt tôi, mẹ là một người phụ nữ vẹn toàn. Ngoài tài năng thơ, cho tới giờ mẹ tôi luôn là một hình mẫu sống cho tôi về lòng nhân ái và các giá trị làm người. Ngay từ những năm tôi còn rất bé, tôi đã nghe mẹ nói về trách nhiệm của người viết văn đối với xã hội. Mẹ nói với tôi rằng cuộc sống có cái thiện và cũng có nhiều cái ác. Nhưng mẹ chỉ viết về cái thiện mà tránh nói nhiều tới những điều xấu xa của cuộc sống.

Mẹ bảo tôi, một tác phẩm tốt phải khiến người đọc yêu và trân trọng cuộc sống hơn, hướng thiện hơn. Nếu đề cập quá nhiều tới những điều tiêu cực, kể cả đó là sự thật, nhà văn có thể làm người đọc mất niềm tin và nhìn đời một cách méo mó. Những truyện thiếu nhi của mẹ tôi thường có bóng dáng của ba anh em, như “Quà tặng chú hề” là về cu Mí đấy. Truyện nào cũng hướng tới giáo dục cho thiếu nhi tình yêu thương, bắt đầu từ yêu thương những người gần gũi nhất của các em trong gia đình là ông bà, bố mẹ hay anh em rồi tới bạn bè, hàng xóm, thầy cô giáo.

Thơ của mẹ tôi cũng phản ánh con người bà. Nó trong sáng, dung dị và chan chứa tình thương, tình yêu thiên nhiên, con người. Các bài thơ của mẹ có thể buồn nhưng không u ám, không bao giờ cay đắng và oán trách. Mẹ tôi là thế, hy sinh nhiều, chịu thiệt thòi rất nhiều nhưng tấm lòng vẫn luôn rộng mở và bao dung. Bởi bà có một niềm tin đặc biệt mãnh liệt vào những điều tốt đẹp trong cuộc sống và trong mỗi con người.
Thú thật, tôi không để ý nhiều tới ngôn từ trong các tác phẩm của mẹ hay số lượng tác phẩm. Tôi nghĩ cái quý giá hơn cả là những giá trị nhân văn mà mẹ tôi để lại trong các tác phẩm đó. Chưa nói tới tác động xã hội, mà những gì mẹ tôi viết ra có tác động ngay trong gia đình chúng tôi. Đọc truyện "Bến tàu trong thành phố", tôi suy nghĩ nhiều lắm. Tôi bắt đầu có ý thức làm anh rõ ràng hơn với các em và biết nhường nhịn các em hơn. Tôi hiểu qua câu chuyện ấy, mẹ tôi muốn anh em chúng tôi yêu mến và gắn bó với nhau.

Nói về chú Vũ thì phần nhiều công chúng biết chú ấy qua các vở kịch với tư cách là người viết kịch. Nhưng không phải ai cũng biết chú ấy là một nhà thơ tầm cỡ. Có một số người trong giới văn đánh giá chú là tài năng thơ lớn và thuộc loại hiếm. Tôi cho rằng họ nói như vậy là rất có cơ sở chứ không phóng đại. Vấn đề là thơ của chú Vũ kén độc giả và không phải ai đọc cũng hiểu. Có thể vì vậy mà nó không mang tính đại chúng cao. Để cảm nhận được thơ của chú ấy thì độc giả phải là người có nội tâm khá đặc biệt.

Tôi thích thơ của chú Vũ vì cái tính lạ lùng vừa phóng khoáng vừa sâu thẳm của nó. Bài thơ khiến tôi xúc động nhất và cũng ám ảnh tôi nhiều nhất là “Bài hát ấy vẫn còn là dang dở”. Đọc đi đọc lại, tôi có cảm giác nó dường như là linh cảm của chú Vũ về ngày từ biệt. Nó vừa da diết luyến tiếc cuộc sống quá ngắn ngủi vừa mang sự mãn nguyện của một người đã làm xong nhiều việc lớn.

"Nắng đã tắt dần trên lá im
Chiều đã xẫm màu xanh trong mắt tối
Đường đã hết trước biển cao vời vợi
Tay đã buông khi vừa dứt cung đàn
Gió đã dừng nơi cuối chót không gian
Mưa đã tạnh ở trong lòng đất thẳm
Người đã sống hết tận cùng năm tháng
Sau vô biên sẽ chỉ có vô biên..."

Chú Vũ ra đi khi đang sung sức sáng tác nhưng cũng đã kịp hoàn thành rất nhiều tác phẩm. Chú ấy đi trong mãn nguyện sau khi để lại cho đời rất nhiều, đúng như câu kết của bài thơ vậy: “Buồm đã tới và lúa đồng đã gặt”.

20 năm qua rồi. Tất cả những gì gợi nhớ chuyện ngày ấy đều làm cho tôi buồn. Tôi tránh đọc thơ và không muốn xem kịch, vì sợ những kỷ niệm ngày xưa quay về. Tôi không theo nghề báo mà đi làm công tác nhân đạo rồi chuyển sang kinh doanh. Cái thế giới thực tế của kinh doanh phần nào giúp tôi vượt qua cảm xúc của mình và vững vàng trong thực tại.

Tôi cũng đã có có gia đình yên ấm riêng của mình với nhiều niềm vui mới. Mỗi lần gia đình tôi và gia đình Minh Vũ tới thăm nhau, anh em tôi ngồi ngắm lũ trẻ chơi đùa trong cái cảm giác được chia sẻ và bù đắp. Nhưng sự thật là dù 20 năm có trôi qua và tôi đã có quá nhiều thay đổi, nỗi đau vẫn không mất đi. Mãi mãi không mất.

*Xin cảm ơn Nhà báo Đoan Trang đã vui lòng cho phép Nguyễn Xuân Diện-Blog đăng tải bài viết này tại đây.

Thời sinh viên, có đôi lần tôi đã đạp xe từ Thượng Đình (Ngã Tư Sở) xuống Văn Điển, để viếng mộ Nguyễn Tuân, Xuân Diệu và gia đình Lưu Quang Vũ. Từ đó đến nay, mỗi lần có dịp đến Văn Điển (viếng tang, viếng mộ, thanh minh) tôi đều đến bên mộ gia đình Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh - Lưu Quỳnh Thơ (riêng mộ Nguyễn Tuân, Xuân Diệu thì đã chuyển đi). Có khi đến viếng mà trên tay không mang theo hương hoa, nhưng tôi tin là gia đình họ đã chứng giám tấm lòng ngưỡng mộ và thương nhớ của tôi - dù chưa một lần gặp mặt. Mai là ngày 29 tháng 8, tôi đăng bài này, để chúng ta cùng tưởng nhớ họ!

Thứ Bảy, 27 tháng 8, 2011

TAI HỌA

                                                 Họa xâm lăng

Ai mang" Bốn tốt" về đây
Đất trời biển đảo vơi đầy hỡi ôi!
 Hoàng Sa mất hẳn lâu rồi
Cá Kình bỏ bạn chim Trời lạc nhau.

Dân chài thuyền nát lòng đau
Miếng cơm manh áo biết đâu kiếm tìm
Ra khơi Tầu Cộng húc chìm
Đáy sâu cuồn cuộn niềm tin vật vờ.

Lênh đênh trôi dạt ước mơ
Trời xanh im tiếng đất mờ ngóng trông
Bao đời sông với Biển Đông
Gần xa từng trải sâu nông tỏ tường.

Người vui" Mười sáu chữ vàng "
Dân đau thắt ruột lệ tràn Trường Sa
Máu xương đổ xuống năm qua
Bây giờ đất nước hóa ra mất dần.

Xâm lăng tai họa giáng gần
Quyền ai lẩy mực cầm cân tảng lờ.

Nguyễn Đào Trường 



Quân bài lật ngửa

Biển Đông: Quân bài lật ngữa

Hoàng Thanh Trúc (danlambao) Ngày 7/08/ 2011 Bộ Quốc phòng Trung Quốc điều động quân đội “Lưỡng Quảng” tổ chức tập trận dọc đường biên đối diện với một số tỉnh phía Bắc của Việt Nam. Trung quốc có chung đường biên giới với hơn mười quốc gia khác nhau, nhưng sao không là Tân Cương đang bất ổn, đối diện bên kia là Liên Xô, sao không là Nam Tây Tạng, đang canh chừng biên giới với Ấn Độ, sao không là sa mạc Gobi (Ngoại Mông) đang giằng co với Mông Cổ, mà lại áp sát biên giới Việt Nam?

Sự kiện này hiếm thấy ở các nước có cùng biên giới, có chung các hiệp ước hữu nghị trong thời bình. Những cuộc điều binh bất thường (dù Trung Quốc nói đây chỉ là hoạt động hàng năm), theo thông lệ quốc tế là động thái quân sự nhạy cảm thường phải được thông báo và đồng thuận với quốc gia láng giềng trước khi nó diễn ra, đó là mặc định tất yếu trong qui tắc ứng xử ngoại giao vì trách nhiệm với hòa bình thế giới. Việt Nam chỉ biết được điều này khi tiếng xích chiến xa TQ rầm rập sát nách biên giới mình – Nhưng tuyệt nhiên không nghe thấy tiếng oanh vàng thỏ thẻ phản đối từ Phương Nga, phát ngôn viên bộ ngoại giao VN? mà đây là phản xạ khôn ngoan thường thấy ở những trường hợp như thế trong đối ngoại song phương?

Dưới mắt những chiến lược gia,những nhà bình luận thời sự Châu Á thì động thái ấy của TQ không hề bình thường chút nào khi mà “tàu sân bay dầu khí” (nhật báo Mainichi Nhật Bản gọi như vậy) ám chỉ giàn khoan dầu trên biển “Hải dương 981” một công trình hiện đại khổng lồ của TQ sau khi hoàn tất thời gian hoạt động thử nghiệm đang chuẩn bị để được lai dắt vào biển Đông ở cuối thu hay đầu đông 2011.

Trong khi đó, trước việc chính phủ Philippines giới thiệu với các công ty quốc tế 15 gói thầu thăm dò khai thác dầu khí trị giá 7 tỷ usd trên thềm lãnh hải nước mình và tổng thống Phi cũng sửa soạn viếng thăm TQ theo lời mời của Hồ Cẩm Đào thì truyền thông Trung Quốc lại một lần nữa cảnh báo "một số nước" liên quan tranh chấp chủ quyền với mình tại Biển Đông rằng: "Đây là lãnh thổ truyền thống của Trung Quốc. Bất cứ quốc gia nào có sự nhìn nhận chiến lược sai lầm về chủ đề này chắc chắn sẽ phải trả giá đắt". Người ta buộc phải tự hỏi: Trung Quốc dựa vào đâu để tiếp tục ngạo mạn thái quá như thế?.

Mỹ và cả châu Âu đang khổ sở vì lạm phát, nợ công tăng cao, kinh tế suy thoái phải dè sẻn, cắt giảm mọi chi tiêu thì Trung Quốc đang thặng dư dự trữ hơn 3000 tỷ usd. Ngân sách quốc phòng tăng hai con số % trong chục năm liền, 2011 là hàng trăm tỷ usd (160 tỷ theo Bộ quốc phòng Mỹ đánh giá). Từ một anh nghèo đói khố rách áo ôm thoáng chốc thành kẻ lắm tiền, vũ khí lận lưng thường hay tự mãn, và càng tự đại hơn khi xung quanh có nhiều anh nhà giàu sa cơ lỡ vận cầu cạnh, có anh từng là “anh hùng cái thế” giờ cũng khép nép vì lỡ vay nợ ngập đầu chưa trả nổi…vì vậy TQ tự kiêu cũng dể hiểu thôi.

Tuy nhiên tự tin để phát ngôn kiểu “cả vú lấp miệng em” trong cái tư tưởng “Chưa đổ ông nghè đã đe hàng tổng” như thế, thường thì đó không phải nhân cách chính danh quân tử đúng tầm của một quốc gia giàu mạnh phát triển văn minh toàn diện. Không khó lắm để công luận quốc tế nhận định lời cảnh báo đó nhắm tới quốc gia nào.

Tranh chấp trên biển Đông với TQ gồm: Việt Nam, Philippines, Brunei, Malaysia, nhưng từ trước đến nay chỉ VN và philipines là gay gắt trực diện hơn cả, đơn giản, ranh giớí TQ đòi hỏi như rào chắn trước cửa hai nhà này. Nhìn vào bản đồ đường “lưỡi bò, chín khúc” mà TQ công bố chủ quyền, rất khó cho bất cứ ai (trừ TQ) có thể chấp nhận, đây là đường thủy ra vào, là ngư trường truyền thống gần như bất khả phân ly của ngư dân các nước quanh khu vực biển Đông, là hải lộ thông thương tấp nập quan trọng của Châu Á và thế giới bao đời nay. Vậy mà chỉ với mảnh giấy cỏn con tự vẽ, tự ước lượng những vùng đất, biển đảo, có quân Nhật đồn trú của Quốc Dân Đảng (Tưởng Giới Thạch) khi được đồng minh ủy quyền giải giới quân phiệt Nhật ở Đông Dương năm 1947 để coi đó là cơ sở lịch sử các đảo và biển đông nằm trong đường lưỡi bò là “ bờ cõi” ngày xưa của mình?

TQ đã bất chấp Công ước của Liên Hiệp Quốc về luật biển (UNCLOS), ngay cả tháng 11 năm 2002, trong một phiên họp cùng ASEAN, Trung Quốc đã thông qua bản Tuyên bố về ứng xử giữa các bên ở Biển Đông (DOC), vẫn chưa thấy TQ nói gì đến đường lưỡi bò chín khúc này, chỉ vài năm trở lại đây, khi nền kinh tế phình to khát năng lượng TQ mới quan tâm đến tài nguyên dầu khí trầm tích dưới biển Đông thì đường “chín khúc” có hình cái lưỡi (con bò điên) ấy mới chào đời. Và như một tay anh chị ít học nhưng tiền bạc rủng rĩnh quen thói côn đồ hành hiệp, sau hai lần cướp Hoàng Sa và một phần Trường Sa trên Biển Đông từ Việt Nam, không có đối thủ, thì hôm nay trong tình hình chính trị, kinh tế thế giới có chiều hướng bi quan hơn trước càng thuận lợi cho Trung Quốc tiến hành thực hiện tham vọng biến biển đông thành ao nhà để độc quyền khai thác năng lượng và thâu tóm các hải đảo làm chốt tiền tiêu cho chiến lược riêng mình thì không là điều khó hiểu.

Bản đồ biển đông và đường lưỡi bò do TQ tự vẽ

Với Philippines, trước đó, sau khi lời qua tiếng lại phản đối TQ xâm phạm lảnh hải dù Mỹ đã phái chiến hạm USS Chung Hoon đến tập trận cùng hải quân Phi và hiện nay hàng không mẫu hạm USS George Washington đang tuần tra trên biển Đông với nhiệm vụ là đảm bảo an ninh và ổn định phía tây Thái Bình Dương (biển đông) nhưng chừng này cũng chưa đủ cho “đại hán” hạ giọng.

Hình như những dữ liệu cô đọng đậm đặc của trung ương tình báo sở TQ cập nhật về tình hình thế giới đặt lên bàn nghị sự cơ yếu của các chiến lược gia TQ đủ để họ nhận định rằng khi mà tTheo phân tích của CBO) nợ công của Mỹ sẽ đạt xấp xỉ 70% GDP vào cuối năm 2011, mức cao nhất kể từ sau chiến tranh thế giới thứ 2. buộc các nhà lập pháp của Mỹ phải tìm mọi cách để cắt giảm thâm hụt và hướng đến việc cắt giảm ngân sách quốc phòng với đề xuất cao hơn so với dự định ban đầu của Tổng thống Obama ở mức 800 tỷ USD thậm chí lên tới 1000 tỷ USD trong 10 năm tới. Trước mắt, Nhà Trắng được yêu cầu phải cắt giảm chi phí quốc phòng gồm các chương trình đầu tư vũ khí và tăng quân để ngăn chặn nguy cơ ngân sách quốc phòng bị thâm hụt trầm trọng hơn.Theo đó, kế hoạch thắt chặt chi tiêu này bắt đầu bằng việc giảm 47.000 binh lính vào năm 2015, nhiều đề xuất tốn kém khác bị loại bỏ do vượt quá ngân sách như, kế hoạch tăng cường 573 tàu đổ bộ cho Hải quân Mỹ trị giá 14 tỷ USD, hệ thống tên lửa đất đối không Slamraam, bệ phóng tên lửa tự động NLOS-LS và dự án máy bay chiến đấu tàng hình F-35.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cho biết, chi phí cho chiến tranh hải ngoại củng buộc phải giảm sớm hơn kế hoạch, chủ yếu là ở Iraq và Afghanistan. Cuối năm nay quân đội Mỹ sẽ rút khỏi Iraq, và từ tháng 7/2011 quân đội Mỹ sẽ giảm dần số quân ở Afghanistan. Và ngay cả động tác can thiệp quân sự gần đây nhất ở Libya, Mỹ cũng phải bấm bụng từ bỏ vai trò lãnh đạo NATO và lùi lại phía sau (Mỹ luôn lãnh đạo trong quá khứ) để yểm trợ, và khi lưỡng viện Mỹ cùng “tằng hắng”, tổng thống Obama cũng phải rút hết máy bay về, chỉ duy trì phi cơ không thám. Rõ ràng chính phủ lẩn chính trường nước Mỹ hiện nay trước nền kinh tế suy thoái chưa có lối thoát và bên thềm cuộc bầu cử tổng thống nhiệm kỳ mới, không thể xem thường những biểu ngữ từ người dân mang lời cảnh báo: “một viên đạn = chục trứng và ổ sandwich Do đó, các nhà lãnh đạo TQ có một nhận định: Sức mạnh quân đội và hải quân Mỹ là đáng gờm vẫn nguyên giá trị, nhưng chính phủ Mỹ, tòa Bạch Ốc không còn đủ “năng lượng” để bơm cho Ngũ giác Đài mang sức mạnh ấy đi khắp năm châu bốn biển khoa trương quảng cáo thị uy như trước; Vì thế tham vọng “Biển Đông” của TQ nếu khéo léo dàn xếp không ảnh hưởng to lớn đến quyền lợi thiết thực của USA thì chưa chắc Mỹ “thọc gậy bánh xe” mà mục tiêu ban đầu,trước mắt của TQ là giàn khoan “Hải dương 981” phải an toàn đến đúng nơi mong muốn, tiếp theo là yêu sách đường lưỡi bò và các nhóm hải đảo; còn hải lộ quốc tế thông thương nhạy cảm trên biển Đông, TQ không đề cập, coi như bỏ ngỏ.

Mới đây như đáp trả lời ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton trong tuyên bố: “Mỹ có quyền lợi hàng hải mật thiết tại biển đông”, một quan chức cao cấp của quân đội Trung Quốc nói: tự do lưu thông chưa bao giờ gặp trở ngại trong vùng biển đông. Ông Wang Hanling, chuyên gia luật biển của Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Trung Quốc lập lại: Trung Quốc chưa bao giờ can thiệp vào các hoạt động bình thường của bất kỳ tàu nào đi qua Nam Hải (biển đông) hay bất kỳ máy bay nào bay qua vùng này, nhất là các tàu và máy bay thương mại. Đây có phải là lời trấn an cho phía Mỹ và thế giới? sau lời tuyên bố ngạo mạn nói trên.

Như ván bài “xì Phé” (xì tố) quân tẩy còn úp mặt nhưng người chơi có thể dự đoán được qua nước đi, hành động tập trận và hăm dọa nói trên, TQ như kẻ đang ưu tiên cầm bài “tố” một ván “thấu cáy” để nắm thóp, nắn gân đối phương yếu bóng vía chùn tay bỏ cuộc càng nhiều, càng sớm, càng tốt trong ván bài “biển Đông”. TQ và Philippines là thế, còn TQ với Việt Nam thì sao?

Không giống lãnh thổ như hải đảo Philippines, VN và TQ có cùng biên giới “sông biển đất trời” vì vậy tranh chấp biên cương cũng bao la phức tạp hơn. Không thấy phổ biến, nhưng dự đoán gần như chắc chắn vị trí giàn khoan “Hải dương 981” của TQ sẽ cố định ở phía dưới Tọa độ: 8°38′ Bắc – 111°55′ Đông ngang vĩ độ Cà Mau, nằm trên vùng chồng lấn ba nước Việt Nam, Brunei, Malaysia, bên rìa các vỉa dầu khí trù phú mà vương quốc Brunei đang khai thác (đại hán chủ định ăn ké cho giảm chi phí thăm dò).

TQ muốn tận dụng lợi thế giàn khoan dầu thế hệ mới, chuyên trị vùng nước sâu có bề đáy gập ghềnh ở biển đông, nó đứng vững trên 3000m chiều sâu nước và khoan giếng 12.000m. Có điều, vị trí này không xa quần đảo Trường Sa là mấy. Trong số 140 đảo, có khoảng 100 đảo nổi có diện tích đáng kể thì Việt Nam sở hữu nhiều nhất (25) số còn lại do TQ, Đài Loan và Philippines chiếm đóng. Đáng kể là đảo Trường Sa Lớn (sau đảo Ba Bình, Đài Loan chiếm giử) diện tích khoảng 0.2km vuông, mà VN đang xây dựng làm đơn vị hành chánh cấp huyện (cả tháng qua nhà nước và báo chí VN kêu gọi người dân và công ty xí nghiệp đóng góp mua đá từ đất liền mang ra xây dựng cũng cố phòng thủ trường sa?). Tại đây VN đã và đang xây dựng một đường băng dã chiến, cảng cá và đơn vị yểm trợ tiền tiêu hải quân. Đáng chú ý là Trường Sa lớn này cách sân bay và cảng Cam Ranh VN khoảng 450 km đường chim bay, cách điểm cực nam đảo Hải Nam TQ khoảng 1200 km. Điều này có nghĩa là phi cơ chiến đấu VN từ Cam Ranh bay ra Trường Sa có thể quay về, nhưng TQ bay từ đảo Hải Nam xuống nếu không được tiếp tế nhiên liệu trên không thì không thể bay về, mà nếu có điểm tiếp tế trên không cũng phức tạp vì phải hộ tống bảo vệ phi cơ chuyên chở nhiên liệu và chống lại phi cơ đối phương phục kích trên không, vì vậy TQ nỗ lực hoàn tất tàu sân bay phế thải “Thi Lang” để hy vọng khắc phục nhược điểm này.

Dưới mắt các nhà chiến lược quân sự TQ, Trường Sa Lớn của VN là cái gai rất khó chịu, cần phải dọn sạch nó hoặc thay đổi chủ. Việc này không khó lắm với khả năng quân sự của TQ nhưng cho gọn như Hoàng Sa và một phần Trường Sa trước kia, không gây nên di lụy, đó mới là cân nhắc thiệt hơn của TQ trong thời điểm này.

(Huyện đảo Trường Sa Lớn của VN - Ảnh: Đỗ Hùng)

Trung Quốc tập trận áp sát biên giới VN không hẳn là chuẩn bị chiến tranh, dưới mắt các chiến lược gia châu Á. Không giống như năm 1979 (TQ tấn công các tỉnh biên giới Bắc VN) khi đại quân VN tràn ngập Campuchia, không hẹn nhưng cùng gặp nhau ở một quan niệm, công luận thế giới đánh đồng: VN tấn công xứ chùa tháp không thông qua LHQ, Trung Quốc tấn công VN để giảm áp có thể chấp nhận được. Hiện nay điều kiện cần đó không có cho TQ. Khi trên đà phát triển mà sức đẩy nền kinh tế phụ thuộc rất nhiều nguồn lực đa phương bên ngoài thì một hành động phiêu lưu quân sự thiếu tính toán thiệt hơn sẽ chịu nhiều tổn thất to lớn chưa tiên liệu về ngoại giao kinh tế và chính trị với quốc tế, nhất là niềm tin với các nước Châu Á, chưa nói tới hậu quả chiến tranh dù thắng hay thua thì người sức trán cũng có kẻ u đầu, hơn 40.000 tử sĩ TQ ở chiến tranh biên giới Việt Trung năm 1979 bia mộ còn sờ sờ ra đó. Vì vậy nếu dự kiến chiến tranh tổng lực hải lục không quân với VN nếu có, có lẽ nó thuộc thì tương lai chứ không thể là gần.

Có những quan niệm cao hơn, xa hơn, cho một TQ khát vọng bành trướng ra toàn vùng Đông nam hoặc châu Á, nhưng nếu cẩn trọng đối chiếu thì điều này khó có thể hiện thực dù rằng cộng đồng Hoa Kiều lưu cư trong các quốc gia toàn vùng rất lớn nhưng không thể là tác nhân hay động lực hoặc chổ dựa làm đầu cầu chiến lược, bởi chưa bao giờ tinh thần chủ nghĩa dân tộc của các quốc gia độc lập trên thế giới dâng cao như lúc này. Liên bang CS Nga tan rã với 15 nước SNG tách ra độc lập. Mỹ và NATO đang cố rút chân ra khỏi vũng lầy nhầy nhụa Iraq và Afghanistan. Không một bước chân quân viễn chinh nào muốn bước vào Libya hay Syria. Chế độ chiếm hữu thực dân, thuộc địa không thể sống lại từ đầu thế kỷ này khi truyền thông đa phương tiện kéo thế giới gần lại dưới một mái nhà. Do đó, dù TQ có bò lên được nền kinh tế hàng đầu thế giới thì 100 Tần Thủy Hoàng có tái sinh cũng chẳng thể nào gom thiên hạ (Châu Á hay Thế Giới) về một mối như khát vọng “huyển hoặc” của đại hán. Tây Tạng còn đó, nuốt vào nhưng còn nằm khò khè nơi cuống họng, hơn nữa thế kỷ cố táp Đài Loan nhưng cứ nghe tiếng răng lốp cốp chứ có táp được đâu?.

Giàn khoan “Hải dương 981” (ảnh: China.org.cn)

Hiện nay trong tầm tay TQ là Biển Đông, nhưng muốn có nó đề an toàn định vị cho giàn khoan Hải Dương 981 hoạt động mà không vướng bận con mắt đáng ghét từ Trường Sa Lớn của VN gần đó thì có thể lý tưởng nhất cho TQ là một cuộc “ Chính biến” hay “Binh biến” trong lòng đảng CSVN hoặc xã hội chính trị VN, giống như tình hình bạo loạn bất ổn ở Libya hay Syria. Khi mà trong lòng dân tộc VN còn đó những hận thù tiềm ẩn do ý thức hệ Nam Bắc chưa hóa giải, lòng người ly tán bởi độc tài, tham ô,cường quyền bạo ngược thì một mồi lửa dân chủ tự do đúng lúc khởi đi từ nhân dân sẽ bùng lên bao phủ lấy đảng CSVN. Và một khi đảng độc tài quyền lực phải căng sức dùng công cụ quân đội, an ninh,sức mạnh của quốc gia bảo vệ chính thân thể mình thì phải hở sườn là tất yếu, như một cơ thể khi lên sốt cao độ não bộ sẽ hoàn toàn liệt kháng và lúc ấy có lẽ là cơ hội tốt nhất, với một lý do vụn vặt gây hấn nào đó Trung Quốc với chỉ một nửa các hạm đội hải quân của mình, một cuộc dọn bãi cấp tập như bão táp bằng tên lửa hành trình tầm trung và đại pháo, sau đó là một cuộc đổ bộ thủy binh sẽ không khó lắm để TQ đổi chủ Trường Sa như quá khứ trận hải chiến Hoàng Sa, trong khi dư luận thế giới đang tập trung vào điểm nóng nội địa VN. Nếu thực tế điều này xảy ra thì đây có lẽ là kịch bản hãi hùng cho đảng CS,và bất hạnh cho dân tộc VN khi trực diện đối mặt thù trong giặc ngoài.

Trong góc khuất đó của bộ chính trị CSVN, đôi khi – nếu dự đoán không lầm – đây lại là tử huyệt mà CSVN sợ nhất. Nếu Tình báo Sở TQ nhúng tay khuynh đảo nội tình nhà nước, chế độ CSVN, mặc cho nhân dân công luận trong, ngoài nước chê cười những động thái nhún nhường nhịn nhục tới dưới mức nhục nhã, CSVN cứ phải cố ngậm bồ hòn làm ngọt cố chịu đấm ăn xôi để cầu cạnh sự an toàn từ TQ để tồn tại – bởi hơn ai hết, CSVN biết rất rõ cái CNXH/CSVN không còn là chất keo kết dính với TQ vì thực trạng hiện nay TQ gần như chỉ còn cái khung sườn gọi là CS còn tất cả là tư bản nguyên hình. TQ không thể duy trì mãi một thể chế khắc nghiệt độc tài toàn trị quá nhiều tương phản bên cạnh một Ma Cao và Hồng Kông tự trị, tự do, thông thoáng như phương tây, một Đài Loan tự hào tự do dân chủ chưa thần phục lục địa và cái tư tưởng đang phổ thông “mèo đen hay trắng không quan trọng, miễn bắt được chuột” thì chắc không xa TQ không thể là một trong 5 nước Cộng Sản thiểu số còn sót lại của hơn 200 quốc gia tự do dân chủ trên thế giới và vì vậy bất cứ lúc nào TQ thấy cần cũng có thể dũ bỏ cái bảng hiệu 16 chữ vàng và 4 tốt với VN khi cần thiết mà không đắn đo, nhất là hiện nay Việt Nam như con kỳ đà cãn mũi TQ trên biển Đông. Không biết có phải vì vậy hay không mà mới đây người ta tự hỏi, có những thay đổi bất thường trong bộ chính trị đảng CSVN như tướng Nguyễn Chí Vịnh Ủ/V TW/ đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng , Tổng Cục trưởng Tổng Cục 2, đầy quyền lực được đánh giá sẽ là Bộ Trưởng Quốc Phòng, nhưng không biết có phải vì những tuyên bố như: “….Việt Nam chủ trương không quốc tế hóa vấn đề biển Đông mà giải quyết vấn đề biển Đông với những nước có liên quan trực tiếp như Trung Quốc, Malaysia, Indonesia, và….Chúng ta không lôi kéo nước khác vào cùng đàm phán hay làm trọng tài….hay ca ngợi “…..Bộ trưởng QP/TQ Lương Quang Liệt phát biểu tại Shangri-La rất tầm cỡ, rất hòa hiếu, thiện chí. Chúng ta chờ những hành động cụ thể thể hiện thiện chí đó…” – Có vẻ hơi nặng mùi thân TQ quá chăng? mà cuối cùng tướng Vịnh không có chân trong bộ CT và chìm lỉm mất tăm, rồi tướng Bộ trưởng CA Lê Hồng Anh vào ngồi thường trực ban bí thư/bộ CT thay bằng một tướng vô danh tiểu tốt Trần Đại Quang và điều động một loạt 4 tướng CA khác về làm bí thư đảng ở các tỉnh thành quan trọng?

Tóm lại, Trường Sa VN, khúc ruột ngàn dặm khơi của cha ông hiện nay như chỉ mành treo chuông, ngàn cân trên sợi tóc. Qua các lời tuyên bố trịch thượng của “đại hán” nó ẩn dụ ví như ván bài “xì phé” nói trên mà giờ đây TQ không cần dấu dím đã lật ngửa quân bài cho Philippines và Việt Nam thấy như đe dọa thách thức.

Philippines do có hiệp ước liên minh phòng thủ hổ tương với Mỹ nên Tổng Thống Phi không ngần ngại tuyên bố chắc nịch: “Thông điệp của chúng ta gửi cho thế giới rất rõ ràng. Cái gì của chúng ta là của chúng ta: đặt chân lên Recto Bank (một đảo của philippines ở biển đông) không khác gì đặt chân lên đại lộ Recto thủ đô Philippines và chính quyền Manila sẽ không cho phép các quốc gia khác áp đặt ý muốn chủ quyền của mình lên lãnh thổ của Philippines.”. Và Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton tuyên bố Hoa Kỳ cam kết bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của philippines như hiệp ước song phương đã có giữa hai nước.

Còn VN thì sao? Sau những xung đột căng thẳng trên biển Đông, Hồ Xuân Sơn, Thứ trưởng ngoại giao CSVN Nhận chỉ thị của Đảng và nước CSVN sang Bắc Kinh họp với Đới Bình Quốc, Ủy viên quốc vụ viện Trung Quốc hôm 25 tháng 6 để gọi là “giải quyết những bất đồng trên biển”.

Hồng Lỗi, phát ngôn viên Bộ ngoại giao Trung Quốc tiết lộ rằng qua cuộc gặp giữa Hồ Xuân Sơn và Đới Bình Quốc, hai phía Hà Nội và Bắc Kinh đã thống nhất giải quyết các tranh chấp thông qua một “Đồng Thuận Chung” trong hiệp thương hữu nghị. Hồng Lỗi còn tuyên bố rằng: “Bắc Kinh hy vọng là phía nhà nước CSVN sẽ thực hiện những đồng thuận chung này”. Câu hỏi đặt ra là “đồng thuận chung” gì, nội dung ra sao…?

Cho đến nay phía Đảng và nhà nước VN đã không có bất cứ tiếng nói nào để giải thích về điều mà Trung Quốc gọi là đồng thuận chung. Ngay cả việc 18 trí thức Việt Nam như Giáo sư Nguyễn Huệ Chi, Nhà văn Nguyên Ngọc, Tiến sĩ Nguyễn Quang A, Thiếu Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh… viết thư yêu cầu Hồ Xuân Sơn giải thích rỏ về nội dung cuộc họp này và những điều mà phía Đảng và nhà nướcVN thỏa thuận với Bắc Kinh; nhưng Hồ Xuân Sơn và Bộ ngoại giao VN im thin thít không trả lời.

Trong khi như trên đã thông tin, Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario trong chuyến thăm Trung Quốc mới đây đã yêu cầu Bắc Kinh đưa vấn đề tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông ra toà án quốc tế của Liên hiệp Quốc chứ dứt khoát không đàm phán song phương cùng TQ. (Trung Quốc cũng biết là họ rất yếu về pháp lý không thể nào thắng trong bàn hội nghị quốc tế đa phương và nếu để diển ra thì sẽ bất lợi hoàn toàn nên cương quyết bác bỏ) Và ngoại trưởng Phi sau cuộc họp đã như “ruột để ngoài da” công bố chi tiết cuộc họp cho quốc tế và nhân dân mình biết. Ngược lại thứ trưởng Hồ Xuân Sơn, bộ Ngoại Giao, nhà nước và Đảng CSVN thì cố tình dấu nhẹm như “ mèo dấu c..t ” nội dung cuộc họp song phương có sự “Đồng Thuận” với Trung Quốc về Biển Đông!!

Đồng thuận gì nữa đây? Đã đồng thuận “Công Hàm Ô Nhục Phạm Vạn Đồng ” – Đồng thuận Biên Giới “Phản Bội Tổ Tiên” – Đồng thuận im lặng để mất Hoàng Sa, giờ chắc đồng thuận “Vĩnh Biệt Trường Sa và Biển Đông” nữa chắc??

Với cặp búa liềm treo lủng lẳng trên đầu dân tộc, chưa bao giờ Việt Nam phải cô đơn chống chọi với TQ để bảo vệ chủ quyền quốc gia như lúc này. Với ASEAN là con số không tròn trịa, ngoài lợi ích kinh tế, không ai tha thiết với quyền lợi một nước CS nằm sát bên mình, tập đoàn dầu khí liên doanh VN và LB Nga (Việt Xô Petro) với nhiều giàn khoan đang khai thác ngoài khơi biển Vũng Tàu cùng chia lợi nhuận dầu khí hơn chục năm qua nhưng từ khi tranh chấp lãnh hải với TQ chưa hề thấy một tàu chiến Nga nào léo hánh vào Biển Đông gọi là đứng về phía VN bảo vệ lợi ích chung hai bên?

Nói đến điều này không khỏi chạnh lòng hoài niệm về một quá khứ “vàng son” của miền nam VN trong “Hiệp Ước Liên phòng Đông Nam Á” thành lập ngày 8 tháng 9 năm 1954 bao gồm: Mỹ, Anh,Australia, Newzealand và 11 nước ASAEN giống hệt như (SEATO: Southeast Asia Treaty Organization) thập niên 60 tại Đông Nam Á.

Lãnh đạo các quốc gia thành viên Liên Phòng Đông nam Á họp tại Manila - 1966
(Tướng Nguyễn Cao Kỳ bìa trái, Tướng Nguyễn Văn Thiệu thứ ba bên phải kề bên TT mỹ Lyndon Johnson)

Ngày đó quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc phía nam vĩ tuyến 17 do quân đội VNCH trấn giữ. Xuyên suốt hơn hai mươi năm, biển trời bờ cõi cha ông được bảo vệ chu đáo dưới hiệp ước hỗ tương phòng thủ Đông Nam Á,với lực lượng tiền phương hải quân Đệ thất hạm đội Thái bình dương Mỹ đồn trú cảng Cam Ranh, không một thế lực nào giám tranh chấp, cho đến khi CSVN phá vỡ hiệp ước Paris đánh đổi một phần biên cương phía Bắc lấy vũ khí Trung Quốc tiến đánh trên bộ chiếm đóng miền Nam giúp cho Trung Quốc thảnh thơi tiến xuống Biển Đông đánh chiếm Hoàng Sa trong tay QLVNCH - 1974 và tiếp theo đánh chiếm một phần Trường Sa ngay chính trong tay binh lính CSVN- 1988. Một sự kiện đau thương mà cả dân tộc VN phải nguyền rủa. Và hôm nay, Đảng + nhà nước CSVN tiếp tục trả giá cho những sai lầm cuồng tín trước kia, tiến thoái lưỡng nan trước thách thức TQ trên biển đông để bảo vệ bờ cõi Trường Sa.

Có bao giờ những người CSVN tự vấn lương tâm: Điều gì hiện hữu trên đất nước VN hiện nay nếu ông Hồ Chí Minh không xua quân vượt vĩ tuyến 17 theo chỉ thị của quốc tế CS? Rất rõ ràng cho bất cứ người VN nào cũng nhìn thấy được: Biên cương phía Bắc không hao hụt vì cầu cạnh vũ khí TQ, Hoàng Sa Trường Sa vẫn nguyên vẹn trong tay QLVNCH, Biển đông vẫn yên bình vì Hải Quân Mỹ vẫn có mặt tại cảng Cam Ranh và tuần tra lãnh hải VN để bảo vệ các căn cứ hải và không quân Mỹ tại VN. Nhưng quan trọng hơn cả là một thế hệ thanh niên VN không phơi thây hy sinh vô nghĩa oan uổng cho một cho một Chủ Nghĩa Cộng Sản khát máu mà giờ đây cả thế giới đang nguyền rũa lên án có tên ông Hồ Chí Minh đang đứng bên cạnh các “ đại đồ tể” Polpot, Mao, Stalin, Lenin trên Đài Kỷ Niệm: Tội Ác Cộng Sản Chống Nhân Loại giữa Washington DC...

Lịch sử sẽ công bằng trong quang minh chính trực – Cho dù hiện nay mỗi năm CSVN đều kỷ niệm vinh danh cho chiến thắng gọi là “Giải phóng miền nam thống nhất đất nước” ấy, trong lịch sử chiến tranh giữ nước tiền nhân chúng ta đều bảo toàn biên cương hoặc nới rộng cương thổ, chưa bao giờ phải hy sinh bờ cõi cho giặc với bất cứ lý do gì? Những người CSVN phải trả lời trước lịch sử: Chiến thắng ai? mà phải hao hụt máu xương, đất trời biển đảo?? Đế quốc Mỹ xâm lược ư? hãy nhìn Nhật Bản và Hàn Quốc, quân Mỹ còn ăn ngũ tại đó mà nền kinh tế tự do dân chủ gấp ngàn lần Việt Nam?? cả hai đang là chủ nợ của nhà nước CSVN này!

CSVN có thể bịp bợm lừa gạt một người, một nhóm người, nhưng không thể lừa gạt cả một dân tộc. Cho đến giời phút này CSVN đã lừa gạt hy sinh xương máu nhân dân, đất trời biển đảo cha ông, gần 70 năm đẩy cả dân tộc đi trên con đường XHCN vô định không có thật mà 200 quốc gia thế giới đã từ bỏ tránh xa, để đạt được những gì và cho ai?

Gần và dễ thấy nhất, hiện nay hầu như tất cả những người Cộng Sản có chức có quyền đều là những tên trọc phú, nhà cao cửa rộng con cháu giòng họ chia nhau các vị trí kinh tế tài chính để lợi dụng chức quyền bòn rút đất đai tài sản nhân dân, họ như say máu vì quyền lợi cá nhân bán rẻ môi trường, an ninh quốc gia, sẵn sàng toa rập bóp nghẹt những tiếng nói cảnh giác phản biện từ hàng loạt những nhân sĩ trí thức yêu nước lo lắng cho bờ cõi cha ông. Những bản án phi công lý trái pháp luật nối đuôi nhau đưa những người từng là đồng chí cộng sản của họ vào vòng lao lý bởi họ không thể chung một chiến hào với quyền lực độc tài chống lại nhân dân.

Khi một loạt chế độ độc tài tham nhũng Trung Đông Bắc Phi bị nhân dân vùng lên đập tan, nhà cầm quyền CSVN lo sợ cho sự tồn vong của chế độ, gia tăng đàn áp bắt giữ vô tội vạ những người biểu tình yêu nước, những thanh niên sinh viên trẻ cất tiếng nói vì khát vọng tự do nhân quyền công lý cho toàn dân.

Có thể vì mải mê săn lùng bắt giữ những người bất đồng chính kiến đôi khi nhà cầm quyền CSVN sẽ quên những điều khoản căn bản của HIẾN CHƯƠNG NHÂN QUYỀN LHQ mà mọi quốc gia văn minh dân chủ trên thế giới trong đó có VN là thành viên có nghĩa vụ phải tuân thủ, xin ghi lại như nhắc nhở Việt Nam cũng là một quốc gia văn minh có thừa “LỄ NGHĨA LIÊM SĨ” để hiểu được:

ĐIỀU 1: Tất cả mọi người sinh ra đều được tự do và bình đẳng về nhân phẩm và quyền. Mọi con người đều được tạo hoá ban cho lý trí và lương tâm và cần phải đối xử với nhau trong tình bằng hữu.

ĐIỀU 5: Không ai bị tra tấn hay bị đối xử, xử phạt một cách tàn bạo, vô nhân đạo hay hạ thấp nhân phẩm

ĐIỀU 9: Không ai bị bắt, giam giữ hay đày đi nơi khác một cách độc đoán.

ĐIỀU 11: Mọi người, nếu bị quy tội hình sự, đều có quyền được coi là vô tội cho đến khi một toà án công khai, nơi người đó đã có được tất cả những đảm bảo cần thiết để bào chữa cho mình, chứng minh được tội trạng của người đó dựa trên cơ sở luật pháp.

ĐIỀU 12: Không ai bị can thiệp một cách độc đoán đối với cuộc sống riêng tư, gia đình, nơi ở hay thư tín của cá nhân người đó cũng như không bị xâm phạm tới danh dự và uy tín. Mọi người đều được pháp luật bảo vệ chống lại những hành vi can thiệp hoặc xâm phạm như vậy.

ĐIỀU 19: Mọi người đều có quyền tự do ngôn luận và bầy tỏ quan điểm; kể cả tự do bảo lưu ý kiến không phụ thuộc vào bất cứ sự can thiệp nào, cũng như tự do tìm kiếm, thu nhận, tryền bá thông tin và ý kiến bằng bất cứ phương tiện thông tin đại chúng nào và không giới hạn về biên giới.

ĐIỀU 30: Không được phép diễn giải bất kỳ điều khoản nào trong Bản tuyên ngôn này theo hướng ngầm ý cho phép bất kỳ quốc gia, nhóm người hay cá nhân nào được quyền tham gia vào bất kỳ hoạt động nào hay thực hiện bất kỳ hành vi nào nhằm phá hoại bất kỳ quyền và tự do nào nêu trong Bản tuyên ngôn này.

Liên Hiệp Quốc, ngày 10 tháng 12 năm 1948

*

Stalin

26/08/2011

Stalin là người đã làm Liên Xô tan rã

Peter Rutland Philip Pomper
image Hai mươi năm sau cuộc đảo chính làm tan rã Liên Xô, cần phải trở lại với câu đố về sự cáo chung bất ngờ của nó. Nhân vật nào phải chịu trách nhiệm nhiều nhất về sự sụp đổ của Liên Xô? Câu trả lời thường là nhà lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev (đối với những người theo phái tự do) hay Tổng thống Mỹ Ronald Reagan (đối với những người bảo thủ). Nhưng trên thực tế, chỉ có một nhân vật xứng đáng được quan tâm mà thôi: đấy là Josef Stalin.
Stalin thường được người ta mô tả như là một thiên tài độc ác nham hiểm, người đã lợi dụng sự kém cỏi của phương Tây và sự hiện diện của Hồng quân ở Berlin vào năm 1945 nhằm mở rộng đế chế Xô Viết vào sâu trong lãnh thổ châu Âu.
Trên thực tế, sự phóng chiếu sức mạnh của Liên Xô vào Trung Âu là sai lầm chiến lược, đã đưa nhà nước Xô Viết đến chỗ diệt vong. Stalin chấp nhận hoàn toàn luận cứ của Vladimir Lenin, cho rằng chủ nghĩa đế quốc là “giai đoạn tột cùng của chủ nghĩa tư bản”.
Điều này có nghĩa là còn tồn tại thì chủ nghĩa tư bản còn tìm cách bành trướng bằng những cuộc chiến tranh đế quốc và chinh phục lãnh thổ. Để bảo vệ Liên Xô trước cuộc tấn công như thế, Stalin quyết định giữ lại những đội quân khổng lồ ngay cả trong thời bình và đầu tư nhằm bảo đảm an ninh cho một dải đất rộng lớn ở Đông Âu, coi đấy là vùng đệm trước những cuộc đột kích trong tương lai.
Nhưng tư duy chiến lược của Stalin là tư duy cổ lỗ. Trong những thập niên sau năm 1945 đã không hề có một cuộc tấn công đế quốc chủ nghĩa nào. Việc triển khai tên lửa đạn đạo xuyên đại dương có gắn đầu đạn hạt nhân làm cho chiến tranh giữa các siêu cường trở thành phi lý. Hơn nữa, não trạng đế quốc chủ nghĩa đã tự tan vỡ sau những vụ tắm máu liên tiếp trong Thế chiến I và Thế chiến II. Trong suốt thập kỷ sau năm 1945 các đế chế ở châu Âu rơi vào tình trạng phân rã, còn Mỹ thì không quan tâm tới việc xây dựng đế chế hay khởi sự những cuộc chiến lớn trên bộ nữa.
Như vậy là, Stalin đã bảo vệ mình trước mối đe dọa không tồn tại nữa và ông ta đã biến Liên Xô thành đế chế đa sắc tộc trong thời đại khi mà việc xây dựng đế chế đã trở thành lỗi thời và chủ nghĩa dân tộc đang ngày càng có thêm sức mạnh.
Những người bảo vệ Stalin - ở nước Nga đương đại hiện vẫn còn nhiều người như thế - mô tả ông ta là nhà lãnh đạo có con mắt nhìn xa trông rộng, người đã cứu Liên Xô khỏi cuộc tấn công của chủ nghĩa quốc xã. Họ biện hộ cho những đau khổ mà nhân dân Liên Xô phải chịu đựng dưới thời Stalin, coi đấy là giá phải trả cho quá trình công nghiệp hóa đất nước một cách nhanh chóng và bảo đảm an ninh cho quốc gia trước kẻ thù – hai điều kiện tiên quyết hằm bảo đảm cho các công dân một tương lai tươi sáng. Nhưng trên thực tế, Stalin đã rơi vào bẫy của những giả định cổ lỗ sỹ của thế kỷ XIX về tính chất của chiến tranh và bản chất của quyền lực trong hậu bán thế kỷ XX.
Trong khi tìm cách bảo vệ mình trước chủ nghĩa đế quốc phương Tây, Stalin lại đưa nước Nga vào con đường tự hủy diệt. Liên Xô đã è cổ gánh khoản ngân sách quân sự quá lớn, ngốn ít nhất cũng khoảng 25% GDP và phải triển khai mấy triệu binh sĩ để kiểm soát những khu vực thuộc địa ở Đông Âu.
Trước khi Thế chiến II kết thúc, Stalin đã sát nhập các nước vùng Baltic, Moldova và Tây Ukraine vào Liên Xô. Đa số tuyệt đối dân chúng những vùng lãnh thổ bị chiếm đóng này không muốn trở thành một phần của Liên Xô, thậm chí sau này những nhà lãnh đạo cộng sản của các nước đó cũng có những tình cảm như thế. Nếu Stalin không khăng khăng sát nhập các nước vùng Baltic mà để cho họ đi theo con đường của Phần Lan – tức là độc lập với Nga từ năm 1918 – thì có khả năng là những cố gắng cải cách của Gorbachev trong giai đoạn perestroika đã thu được thắng lợi rồi. Như đã thấy, công cuộc cải cách của ông ta đã chệch hướng vì những cuộc bạo loạn mang tinh thần dân tộc chủ nghĩa ở các nước vùng Baltic và khu vực Caucasus. Hơn thế nữa, việc Gorbachev sẵn sàng chấp nhận sử dụng bạo lực một cách có giới hạn nhằm đè bẹp những người có tinh thần dân tộc chủ nghĩa ở Liên Xô, từ Azerbaijan đến Lithuania, đã làm cho những lực lượng dân chủ ủng hộ Boris Yeltsin rời bỏ liên minh cải tổ.
Gorbachev được trao Huân chương Nobel Hòa bình vào năm 1990 vì ông đã tự nguyện lãnh đạo công cuộc giải tán đế chế Xô Viết ở Đông Âu một cách hòa bình. Nhưng quyết định quan trọng nhất về việc không sử dụng quân đội Liên Xô nhằm bảo vệ khối cộng sản thì không phải là của Gorbachev, được đưa ra vào năm 1988, mà là của Yury Andropov, được đưa ra vào năm 1981. Đối mặt với phong trào Đoàn Kết ở Ba Lan, chủ tịch KGB lúc đó là Andropov đã thuyết phục Tổng bí thư Đảng Leonid Brezhnev rằng đưa quân vào Ba Lan, tức là lặp lại các sự kiện ở Praha năm 1968, sẽ chỉ có hại cho Liên Xô – đấy là chưa kể quân đội đang bị sa lầy ở Afghanistan. Các lãnh tụ cộng sản Ba Lan phải tự giải quyết lấy công việc của mình – chủ yếu dựa vào thiết quân luật, điều này đã giúp họ giữ được chính quyền thêm vài năm nữa. Năm 1988 Gorbachev chỉ làm một việc là công khai tuyên bố chính sách đã có hiệu lực trên thực tế từ năm 1981 mà thôi.
Các cường quốc phải thích ứng với những đặc tính luôn thay đổi của hệ thống thế giới, đấy là nói nếu họ vẫn muốn dẫn đầu. Các nhà lãnh đạo phải lo trước thiên hạ chứ không thể chỉ dựa mãi vào những thành tích của quá khứ. Cả các chính khách lẫn các viên tướng đều không được đánh mãi cuộc chiến đã qua. Trong những lựa chọn chiến lược của mình, Stalin đã mắc chính cái sai lầm mà người ta thường mắc như thế. Ông ta tưởng là sẽ còn một Thế chiến II nữa và sẽ còn một hiệp đấu nữa trong trận xung đột mang tính đế quốc chủ nghĩa. Những người kế tục ông ta cũng như hai thế hệ người Nga đã phải trả giá quá đắt.
P.R. – P.P.
Peter Rutland là Giáo sư về Quản lý nhà nước của Đại học Wesleyan University ở Middletown, Connecticut. Philip Pomper là tác giả cuốn: Lenin’s Brother: The Origins of the October Revolution.”
Phạm Nguyên Trường dịch
Dịch giả gửi trực tiếp cho BVN.

Biển Đông

27/08/2011

Trung Quốc 'không đàm phán về Hoàng Sa'

BBC
clip_image002
Thượng nghị sĩ Jim Webb. Hình: www.senate.gov
Đối thoại song phương với Trung Quốc không giải quyết được tranh chấp Biển Đông
Đó là nhận định của Thượng nghị sĩ Mỹ Jim Webb phát biểu với báo giới ngày 24/8 từ Hà Nội nhân dịp ghé thăm Việt Nam trong chuyến công du Châu Á từ ngày 12 đến ngày 25 tháng này.
Thượng nghị sĩ Jim Webb thuộc đảng Dân chủ, Chủ tịch tiểu ban Đông Nam Á - Thái Bình Dương thuộc Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Hoa Kỳ, khẳng định căng thẳng ở Biển Đông sẽ không bao giờ giải quyết được qua các cuộc đàm phán tay đôi giữa Bắc Kinh với các nước láng giềng trong khu vực và các sự cố ở vùng biển tranh chấp sẽ tiếp diễn trừ phi đạt được một giải pháp đa phương, tất cả các bên có thể cùng làm việc với nhau.
Lý do được ông đưa ra là sự bất cân xứng quyền lực giữa Trung Quốc với các quốc gia Đông Nam Á và tính chất phức tạp của vấn đề.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trên toàn bộ Biển Đông và đề nghị giải quyết tranh chấp bằng các cuộc đàm phán song phương với từng quốc gia một, nhưng các nước khác e rằng phương pháp này sẽ khiến cho vị thế thương lượng của họ bị yếu thế.
Thượng nghị sĩ Jim Webb của Hoa Kỳ cho rằng thử thách chính là tìm ra một diễn đàn thích hợp để thảo luận vấn đề và đạt được sự nhất trí của Trung Quốc.
Hồi tháng 6, Thượng viện Hoa Kỳ thông qua nghị quyết do Thượng nghị sĩ Webb bảo trợ lên án Trung Quốc dùng võ lực trong tranh chấp Biển Đông và kêu gọi một giải pháp đa phương để giải quyết căng thẳng tại đây.
Các viên chức ngoại giao Việt Nam và Trung Quốc đang có những vòng đàm phán kín để giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông, tờ nhật báo tiếng Anh ‘Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng’ có trụ sở ở Hồng Kông đưa tin hôm thứ Tư ngày 24/8.
clip_image003
Bắc Kinh nói chủ quyền của Trung Quốc tại Hoàng Sa là 'không thể chối cãi'
Theo bài báo này, có tiêu đề là ‘Việt Nam không thành trong việc đưa Trung Quốc vào bàn đàm phán về Hoàng Sa’, tác giả cho biết Trung Quốc bác bỏ đề xuất của Việt Nam đưa Hoàng Sa thành một nội dung đàm phán về các bất đồng trên Biển Đông.
“Các cuộc đàm phán còn đang trong giai đoạn phôi thai, về mặt kỹ thuật là đang thiết lập một cơ chế với các nguyên tắc hướng dẫn đàm phán,” bài báo viết.
Bài báo cũng cho biết là ‘quần đảo Hoàng Sa là điểm khúc mắc chính vì Bắc Kinh thậm chí còn không chấp nhận là quần đảo này đang có tranh chấp'.
Việt Nam đã thừa nhận
“Không có gì để đàm phán cả,” bài báo dẫn lời TS Vương Hàn Lĩnh, một học giả nghiên cứu các vấn đề trên biển và luật pháp quốc tế tại Học viện Khoa học xã hội Bắc Kinh, nói.
“Chủ quyền của Trung Quốc đối với Tây Sa [Hoàng Sa] chưa bao giờ phải bàn cãi”, ông nói thêm.
Lập luận mà TS Vương đưa ra là ‘Chính phủ Việt Nam trước đây cũng đã từng thừa nhận [chủ quyền của Trung Quốc ở Hoàng Sa]’, với hàm ý nhắc đến công hàm của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký năm 1958 công nhận và tôn trọng quyết định về hải phận của Trung Quốc.
TS Vương nói rất dứt khoát là ‘đàm phán về các nỗ lực hợp tác – bảo vệ tài nguyên, tìm kiếm cứu nạn và những vấn đề khác – là một chuyện’, nhưng còn chủ quyền của Trung Quốc ‘lại là chuyện khác’.
"Chúng tôi đã nhiều lần nói rõ lập trường của mình là quần đảo Hoàng Sa phải là một trong những nội dung đàm phán giữa Việt Nam và Trung Quốc về các vấn đề trên biển"
Người phát ngôn Nguyễn Phương Nga
Tác giả bài báo kết luận: ‘Việt Nam có vẻ như là đã thất bại trong nỗ lực mới nhất nhằm thuyết phục Trung Quốc mở các vòng đàm phán về những tranh chấp lãnh thổ đang âm ỉ bấy lâu nay ở quần đảo Hoàng Sa’.
Tuy nhiên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nguyễn Phương Nga được dẫn lời nói: “Các cuộc đàm phán vẫn đang tiếp tục”.
“Chúng tôi đã nhiều lần nói rõ lập trường của mình là quần đảo Hoàng Sa phải là một trong những nội dung đàm phán giữa Việt Nam và Trung Quốc về các vấn đề trên biển,” bà Nga nói.
Bài báo cũng nói là sau vòng đàm phán mới đây nhất, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã có nhắc đến ‘những đồng thuận ban đầu về một số vấn đề’. Tuy nhiên dường như Hoàng Sa không nằm trong sự đồng thuận này.
Các quan chức Trung Quốc vẫn chưa có bình luận gì về chi tiết của các cuộc đàm phán mà hiện nay đã diễn ra đến vòng thứ tám. Tuy nhiên các nhà đàm phán và học giả của Trung Quốc đã nhắc đi nhắc lại rằng việc Trung Quốc chiếm giữ Hoàng Sa không phải là vấn đề để đàm phán với Hà Nội.
Bài báo cũng phân tích sự khác biệt trong cách tiếp cận đàm phán giữa Bắc Kinh và Hà Nội.
“Trong khi Bắc Kinh một mặt cam kết hợp tác với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam về Biển Đông, mặt khác họ vẫn luôn yêu cầu giải quyết những bất đồng cụ thể theo từng vấn đề một chứ không theo kiểu một gói giải pháp cho cả khu vực như Asean yêu cầu,” bài báo viết.
Trong khi đó, lập trường của Hà Nội là “đàm phán trực tiếp với Bắc Kinh về các tranh chấp cụ thể giữa hai bên và sẽ mở rộng đàm phán nếu tranh chấp có dính đến nhiều quốc gia khác nữa”.
“Vấn đề là có vẻ như họ [Việt Nam và Trung Quốc] không đi được xa lắm bất chấp những tiến bộ đã đạt được trước đây,” một nhà phân tích được dẫn lời nhận xét.
Về các vòng đàm phán hiện đang diễn ra giữa ‘hai người anh em cộng sản nếu không muốn nói là những người láng giềng không tin nhau’, bài báo cho biết chúng ‘diễn ra rất bí mật nhưng vẫn được khu vực theo dõi sát sao’.
Bài báo cũng nhắc lại là kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ vào năm 1991, Bắc Kinh và Hà Nội đã giải quyết thành công những tranh chấp ở đường biên giới trên bộ dài 1.400 cây số đi qua những khu vực nhiều đồi núi cũng như những tranh chấp ở Vịnh Bắc Bộ sau những vòng đàm phán kéo dài và hết sức khó khăn.
Tuy nhiên, kết quả của các vòng đàm phán biên giới trên bộ và vịnh Bắc Bộ này bị dư luận một số người Việt trong và ngoài nước cho rằng đã làm Việt Nam 'mất nhiều đất đai vào tay Trung Quốc'.
Nguồn: bbc.co.uk

Thứ Sáu, 26 tháng 8, 2011

Nhận ra bộ mặt hắn...

26/08/2011

Xã luận – Ta đã nhận ra bộ mặt hắn tự khi nào?

Phạm Toàn
Hà Nội có biểu tình lần thứ 10 vào ngày Chủ nhật 14-8-2011. Mãi đến ngày 19-08-2011 mấy cha Tuyên giáo Bắc Kinh nghĩ mãi mới rặn ra được bài báo “chỉ đạo tư tuởng” chẳng đánh lừa nổi ai đăng trên trang nhất Tuần báo Thế Giới Tân Văn (thuộc đài phát thanh quốc tế Trung Quốc). Chưa kể lũ ranh ma chúng mình thì còn thấy thương hại cho cái trí tưởng tượng tầm thường của những người đang định lãnh đạo và thiết lập chế độ thực dân mới trên phạm vi thế giới.
Chuyện đáng nói đối với từng cá nhân con người biết nghĩ là câu hỏi tự vấn này: “Ta đã nhận ra bộ mặt hắn tự khi nào”? Đây là vấn đề rất đáng đặt ra nhân có cái bài báo xưng xưng lên là “Ai Đang Xách Động Biểu Tình Chống Trung Quốc Tại Việt Nam? Bất luận là Việt kiều tham dự, hay phe cứng rắn trong chính giới, đằng sau biểu tình đều có bóng dáng của Mỹ” (bản dịch có ở đây, và bài điểm báo của BBC ở đây). Điều quan trọng không phải là ta đã nhận ra hay chưa nhận ra cái trò tuyên giáo lố bịch ấy. Điều quan trọng là lý giải vì sao những lời nói rẻ tiền ấy vẫn còn chui lọt lỗ tai những sản phẩm của chủ nghĩa ngu dân thuộc các nấc thang từ người mù chữ cho tới nhiều giáo sư, tiến sĩ, giảng viên đại học.
Câu hỏi tự vấn đó rất cần. Suy cho cùng vấn đề không phải là mấy cái tàu ngầm hạng ki-lô lặn sâu nhất là ba trăm mét, nhưng vấn đề là tại sao chúng vẫn nằm dưới những đầu óc viết ra những bài xã luận kêu gào quân đội nhân dân hãy biết rõ mục tiêu ngắm bắn, đừng để lỡ cơ hội.
Tốt nhất là tôi kể bạn nghe trường hợp của tôi, tin hay không tin, tùy bạn.
Cuối năm 1951, đơn vị bộ đội chúng tôi cho một loạt anh em đi học. Có anh sau ngày giải phóng thủ đô trở thành giám đốc đầu tiên của Xưởng phim hoạt họa đầu tiên khi đó. Có anh làm công việc in tiền. Có anh về làm Tổ chức của trường Đại học Bách khoa đầu tiên. Mấy anh em khác làm nghề dạy học.
Tôi còn nhớ mùa đông đầu tiên ở đất Trung Hoa xã hội chủ nghĩa. Các ông đầu bếp cực kỳ đáng yêu làm việc hết lòng, suốt ngày đêm hùng hục không khác gì những con trâu. Lần đầu tiên bỡ ngỡ thấy cài gì cũng mới, thấy khẩu hiệu Vì nhân dân phục vụ đã đổi đời cho mình vì đã cho mình một đôi mắt nhìn khác hẳn.
Ấy thế mà sự nghi ngờ đã xuất hiện ngay từ khi đó. Xuất hiện một buổi trưa rét mướt khi các ông đầu bếp khiêng cơm canh cho và nói với lũ học trò sư phạm “Bác Mao bảo các cháu ăn nhiều dầu cho ấm người”. Con người nhạy cảm bỗng khựng lại trước những lời lẽ như thế. Giá như anh ta cứ nói đó là ý kiến của riêng mình, “rét lắm, ở đây phải ăn nhiều dầu mỡ mới chống được rét, lũ ngu rõ chưa”? Giá như cứ nói năng cộc cằn vậy, thì những đôi tai này còn bị lừa dài dài. May là các người đó đã nói dối. Nhưng phản ứng lại vẫn chỉ âm thầm trong đầu óc. Cho đến một hôm tôi thay mặt lớp đi dự thi diễn thuyết bằng tiếng Hoa. Mới học có vài ba tháng, song tôi cũng được thưởng một pho tượng Mao bằng thạch cao có dễ hơn 1 mét. Thạch cao thì nặng. Trên đường ban đêm về ký túc xá, có ai đó hỏi xin, và tôi đã hào phóng sang tên liền (sang vai thì đúng hơn!).
Từ hôm đó tới hôm nay, thoắt cái thế mà sáu mươi năm trôi đi. Chuyện còn nhiều, và sự giác ngộ cứ diễn ra dần dần chỉ vì trong tâm hồn này, trong bụng dạ này, trong trí não này có một câu hỏi ngày ngày được khoáy sâu hệ thống dối trá ấy đã sống và sinh sôi như thế nào?
May mà ngay trong lúc mình còn sống, đã được thấy kết quả của sự dối trá: còn đâu Liên Xô với những lời lẽ quen thuộc Tass được quyền tuyên bố và lớp bè bạn chúng tôi lại có dịp nhìn nhau mỉm cười, hãy đọc ngược lại thì đó là sự thật. Ngay từ khi Liên Xô còn chưa sụp, chúng tôi vẫn nói với nhau “chủ nghĩa xã hội đâu nhỉ? Và trả lời Partout, et nulle part – đâu cũng có và chẳng thấy có ở đâu hết”!
Xin kể vài chi tiết con con để ai đó muốn ngẫm thì ngẫm. Ngẫm đi, thì ấm vào thân, chứ không phải dùng mọi kế sách (kể cả thói rẻ tiền “được quyền tuyên bố”) để bám lấy quyền lực thì ấm thân đâu. Lịch sử thời nay diễn biến rất nhanh đấy, các em ạ.
P.T.