Tản mạn chuyện họp giải quyết khiếu kiện đất đai
Người Quan Sát
Kể từ sau vụ Thái Bình 1997 đến nay, đã có không biết bao nhiêu vụ việc khiếu kiện đất đai nổ ra và lan rộng trên toàn quốc, kéo theo vô số cuộc họp của các cấp chính quyền từ phường xã, quận huyện đến cấp tỉnh thành phố và trung ương để bàn về “giải pháp, biện pháp giải quyết vấn đề khiếu kiện đông người”.
1. Cho đến cơn sốt bất động sản năm 2007, làn sóng khiếu kiện đất đai đã lên đến mức cao điểm. Vào giữa năm 2007, một sự kiện hy hữu đã diễn ra, khi lần đầu tiên bức tranh khiếu kiện đất đai không còn mang màu sắc lẻ tẻ manh mún, mà đã quy tụ hơn mười tỉnh thành như Sóc Trăng, An Giang, Tây Ninh, Đồng Tháp, Đồng Nai…, và cả TP HCM, tạo nên một cuộc “biểu tình ngồi’ trước trụ sở Vụ Công tác phía Nam – Văn phòng Quốc hội tại TP HCM. Quy mô cuộc biểu tình này lên đến hơn 500 người, được tổ chức một cách khá khoa học và bài bản về các yêu sách đòi quyền lợi, hình thức băng rôn biểu ngữ, phân bố thời gian biểu tình, việc thiết lập mối liên kết giữa các nhóm biểu tình, công tác tổ chức của nhóm lãnh đạo biểu tình, công tác hậu cần…
Từ các khu vực đô thị lớn như Hà Nội và TP HCM, khiếu kiện đất đai đã lan dần về các khu vực tỉnh thành khác. Hiện tượng này là hệ quả của việc giải tỏa đất được nhà nước tiến hành từ đô thị đến vùng ven.
Giai đoạn 2007-2008 đánh dấu sự “thoái trào” của khối chủ đầu tư bất động sản liên quan đến sự án giải tỏa đất đai. Nếu như trước đó họ nhận được nhiều ưu đãi từ chính sách nhà nước và hoạt động cưỡng chế cũng được thi hành vô tội vạ, thì sau khi làn sóng khiếu kiện và biểu tình đất đai dâng lên quá mạnh, nhà nước đã phải siết lại phần nào đòi hỏi và lợi ích của nhóm lợi ích giàu có.
2. Mấy năm gần đây, dự án kinh doanh đất đai không còn là bữa tiệc thịnh soạn dành cho những kẻ ăn sẵn. Đã qua rồi cái thời chiếc bánh ngọt được chia năm sẻ bảy một cách hào phóng. Đã qua rồi cái thời cơ quan nhà nước tha hồ phác thảo, tưởng tượng ra đủ thứ quy hoạch, thản nhiên đóng dấu ấn cho cơ chế “quy hoạch thừa” mà chẳng mấy đếm xỉa gì đến những nơi không quá cần thiết phải giải tỏa, hoặc những địa chỉ rất có thể phát sinh khiếu kiện đông người nếu như giải tỏa. Cũng đã qua rồi cái thời của những chủ đầu tư đóng vai trò “tác động chính sách” - can thiệp trực tiếp vào công tác quy hoạch bằng những ý kiến hay ho nhất nhằm giành lợi thế đất đai phục vụ mục tiêu kinh doanh càng nhiều càng tốt cho họ.
Và cũng đã qua rồi cái thời người dân bị giải tỏa phải ngậm bồ hòn trước những quan chức quan liêu hoặc số chủ đầu tư quen cậy thế “quyền lợi nhà nước” hay “lợi ích quốc gia” để tống tiễn họ ra khỏi nơi đang cư trú hợp pháp theo cách thức chẳng mấy hợp pháp.
Giờ đây, phần lớn các cuộc họp về dự án đất đai đều âm thầm bầu không khí nặng nề, căng thẳng. Những khuôn mặt cau có, đăm chiêu, hoặc nghệt ra khi không biết làm cách nào tìm ra giải pháp để dự án, công trình có thể được thi công sớm và thu lợi nhanh. Vẫn đang có nhiều dự án nằm trong tình trạng oái oăm, bởi khi tiến đến một giai đoạn nào đó thì nó giống hệt một kẻ ngạo nghễ không tìm thấy lối ra trong đầm lầy mênh mông.
Không biết phải bắt đầu từ đâu nữa – đó là tình cảnh ngao ngán của một số người làm dự án hiện giờ. Vẫn là vài lý do chẳng xa lạ gì: đối tượng bị giải tỏa không chịu hiệp thương với giá cả bồi thường thấp hơn hẳn giá thị trường, thêm vào đó chủ đầu tư lại chưa bố trí được khâu tái định cư nên họ chưa biết đi đâu. Khi đó, những chủ đầu tư không biết vì quá nhiệt tình với nhiệm vụ chung hay bị áp lực của viễn tượng “phân lô bán nền” nên đã sốt sắng thúc ép và cả “vận động” chính quyền địa phương bằng một thứ “dịch vụ đặc biệt” để chính quyền có động lực thi hành biện pháp cưỡng chế đối với những hộ dân thuộc loại “chây lì”. Thế là nổ ra khiếu kiện, và hơn thế nữa, khiếu kiện đông người và dai dẳng, từ tháng này sang tháng khác, năm này qua năm kia.
Không còn nhiều thời gian giải trí cho những ông chủ đầu tư dự án và các thành phần “ăn theo”. Họ phải bỏ ra một lượng thì giờ kha khá để đi vận động, thuyết phục các cấp chính quyền địa phương hỗ trợ cho họ, kể cả họ phải tự thân vận động đi hiệp thương với người dân về giá cả bồi thường, rồi có khi họ cũng đành phải tự mình thay mặt cho cơ quan tư pháp mà “giải đáp thắc mắc” cho người dân. Mà thông thường đối với những dự án đất đai trong tình thế sa lầy, thắc mắc là một phạm trù có tính vô hạn.
3. Rõ là, thời nay không còn là thời buổi hoàng kim của các dự án địa ốc mười năm trước đây, không còn phải chuyện nhà đầu tư được ưu tiên đủ thứ, kể cả bỏ mặc tình cảnh khốn khổ của dân chúng đối với chuyện nhà cửa và kế sách sinh nhai của họ mà không bị xem xét trách nhiệm. Không, không còn phải như thế nữa, khi “mặt bằng dân trí” và tâm tư bức xúc của người dân bị giải tỏa đã được nâng lên nhiều so với những năm trước đây. Ở chỗ này một ít, chỗ kia một nhúm, nhưng chung quy lại là những đợt sóng dư luận cao thấp liên tiếp dội đến các cơ quan nhà nước. Sóng vỗ mãi thì đá cũng phải chuyển. Thế là người ta bắt đầu đúc kết về những bài học khiếu kiện – mà sau này gọi là khiếu tố đông người của dân chúng – tìm hiểu khá cặn kẽ những nguyên nhân gây nên khiếu tố đông người, nghe đâu còn có cả những đề tài nghiên cứu khoa học từ cấp trung ương đến địa phương về lĩnh vực khiếu kiện.
Hiển nhiên ở Việt Nam, nghiên cứu khoa học rất thường đi sau thực tiễn. Tuy nhiên những nghiên cứu này cũng có được một ích lợi nho nhỏ là tổng kết về nguyên nhân của khiếu kiện và biểu tình đất đai, trong đó ngoài giá cả bồi thường bất hợp lý còn là vấn đề tái định cư. Thế nên mấy năm gần đây, một số địa phương mới bắt đầu chú tâm đến chuyện an sinh của dân giải tỏa bằng cơ chế xây dựng nhà tái định cư.
Rõ là, những người dân buộc phải khiếu kiện (ở đây chỉ đề cập đến sự khiếu kiện có tình và lý) đã góp phần làm cán cân giữa họ với chủ đầu tư và cơ quan quản lý nhà nước về đất đai được hiệu chỉnh theo chiều hướng công bằng hơn. Cũng vì thế, một số ông chủ đầu tư kinh doanh địa ốc đã không còn thoải mái trong chuyện phân lô bán nền hay phết phẩy những gì mà họ thích, nhưng người dân bị giải tỏa không hề thích. Cơ chế nhà tái định cư ra đời và gần như một điều kiện bắt buộc đối với những chủ đầu tư còn muốn nhận dự án và muốn kiếm tiền từ dự án. Những người dân chẳng cần hiểu biết lắm cũng thẳng thừng đòi phải làm theo đúng chính sách của nhà nước, nghĩa là phải xây nhà tái định cư trước rồi mới tính đến chuyện nhận tiền bồi thường và di dời ra khỏi nơi chôn rau cắt rốn của họ.
Song tái định cư lại không đơn giản – nếu đúng thực chất của nó là tái định cư. Không phải bao giờ cũng có sẵn nhà hoặc mặt bằng để xây dựng, mà thường phải đi mua lại, rồi tự giải tỏa (lại giải tỏa!), rồi thi công. Mà thi công cũng phải với chất lượng tàm tạm để người dân bị giải tỏa bớt khó tính.
Thế nhưng vẫn có những chủ đầu tư vừa tung hô cơ chế thị trường song lại luôn đoái hoài và mong ngóng tha thiết đến sự đỡ đầu vô bờ bến của nhà nước, nên gần như giữ nguyên thói quen được chiều chuộng, được ve vuốt, họ vẫn làm theo lối cũ: làm dự án trước rồi mới lo nhà tái định cư cho dân. Nhưng đến lúc này, có thể nói mặt bằng dân trí của người dân đi khiếu kiện đã được đẩy lên một mức “ngang tầm khu vực”: họ không còn quá e ngại “chủ trương” cưỡng chế do một vài cá nhân nào đó trong chính quyền lôi ra để dọa dẫm, họ cũng khá đủ kinh nghiệm để hiểu kế sách “chia để trị” trong chuyện thỏa thuận bồi thường của chủ đầu tư, họ cũng biết có những trường hợp chủ đầu tư phải “mềm nắn rắn buông”, hay phương thức khiếu kiện nên như thế nào để vừa không bất hợp pháp lại vừa mang lại hiệu quả mong muốn. Nói tóm lại, người dân đi khiếu kiện đang thực hành bài học về dân chủ cơ sở, về các quyền được tham gia của nhân dân từ khâu quy hoạch đến tái định cư có khi còn bài bản hơn cả một số cơ quan dân vận.
4. Trở lại với cuộc họp giải quyết khiếu kiện đông người. Họ ngồi kia, trong một cuộc họp khẩn cấp, những người có trách nhiệm của chính quyền, trực tiếp hay gián tiếp có quyền lợi trong dự án đất đai. Và đươngnhiên có mặt chủ dự án. Tất cả dường như đang chờ một phép màu từ trên trời rơi xuống. Kẻ này cần người kia, và người kia lại cần đến kẻ nọ – một mối quan hệ hữu cơ hoàn hảo của những thân phận liên đới trực tiếp và gián tiếp đến vụ việc. Đằng nào cũng khổ, không khổ anh thì khổ tôi, nhiều khi lại khổ cả hai. Thế nhưng phép màu nào kia chứ, một khi những đối tượng bị giải tỏa cứng đầu cứng cổ kia đã không còn mấy niềm tin vào lời hứa hẹn của chính quyền và chủ dự án, vào mục tiêu phúc lợi xã hội được tô rồng vẽ phượng trong thiết kế nhưng thực tế lại thu được một con số siêu lợi nhuận?
Rõ là đã có một khoảng cách không nhỏ giữa hai khái niệm phát triển và tăng trưởng, giữa an sinh và mùi tiền bạc. Ở giữa khoảng cách ấy là những đoàn người rồng rắn kéo đi khiếu kiện.
Ngay tại Thủ đô, tương lai của hình ảnh rồng rắn khiếu kiện vẫn có thể tái hiện khi bản quy hoạch Hà Nội đến năm 2030 đã được phê duyệt với một mức độ hợp thức hóa cho vài trăm dự án dọc trục Hồ Tây – Ba Vì. Mà đã hợp thức hóa tức sẽ phải tiến hành giải tỏa dân, tiếp tục làm ảnh hưởng trầm trọng đến môi sinh của những người dân đã sinh sống trên đất của họ từ nhiều đời nay. Bỏ cái truyền thống để lấy cái phi truyền thống – phải chăng đó là một ngược ngạo của triết lý “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”?
Những cuộc họp giải quyết vấn đề khiếu kiện đất đai vào thời gian này không còn “đơn giản” là giá cả bồi thường hay nhà tái định cư nữa. Cùng với mức độ tinh vi hóa được nâng cao của các cấp chính quyền địa phương và của chủ đầu tư dự án, người dân bị giải tỏa cũng buộc phải tự làm tăng tiến trí thông minh của mình. Khiếu kiện đất đai – vì thế đã được nhà nước gọi chính xác là “điểm nóng chính trị xã hội”.
Hiển nhiên điểm nóng đó đã được kiểm nghiệm trong thực tế, khi vào tháng 3/2011, người dân xã Kỳ Lợi, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh đã bắt giữ 5 công an, khi những vị “quan chức dịch vụ” này dùng sức ép để đe dọa dân phải nhượng bộ cho dự án làm cảng nước sâu của công ty Đài Loan Formosa. Điểm đặc biệt nhất là người dân ở khu vực này chính là cộng đồng giáo dân Thiên chúa giáo – một đối tượng mà các cấp chính quyền rất e ngại. Thế nên sau vụ giáo dân bắt giữ công an, dự án cảng nước sâu của Formosa đã buộc phải đình lại. Nhà nước lại có thêm một kinh nghiệm về “điểm nóng chính trị xã hội”.
Cuộc họp vẫn chưa kết thúc.
Mà làm sao kết thúc được khi chuyện khiếu kiện vẫn chưa được giải quyết xong? Người có trách nhiệm của chính quyền – kẻ đã đút túi món “lại quả” được tính bằng trăm ngàn đô la hoặc hơn của chủ dự án, lo ngại sợ chủ đầu tư sẽ có cớ để đòi lại “phí dịch vụ”, nếu địa phương không cung cấp được “đất sạch” như đã hứa. Còn chủ đầu tư, mặt vô cùng khẩn thiết, nhưng trong bụng đầy căm tức, hướng về lãnh đạo của chính quyền và thầm so sánh: ở Indonesia, bọn nó “ăn” nhưng còn làm; còn ở xứ này, bọn nó rất chịu “ăn” nhưng coi chừng dễ nuốt lời lắm đó.
N.Q.S.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét