13/08/2011
Công trường nhà máy điện ở Quảng Nam: Tràn ngập lao động Trung Quốc
V. Hùng - Đ. Cường - T. Vũ - Đ. Nam
TT - Theo Phó giám đốc Sở Lao động - Thương binh & Xã hội tỉnh Quảng Nam Võ Duy Thông, tại tỉnh này công nhân Trung Quốc tập trung đông nhất ở hai công trình thủy điện Sông Bung 4 và nhiệt điện Nông Sơn.
“Sở đã nhiều lần thanh tra, lập biên bản, yêu cầu xử lý, xử phạt vi phạm về sử dụng lao động nước ngoài ở hai công trình này, nhưng các đơn vị thi công không chịu thực hiện. Chúng tôi đang phối hợp với công an và sẽ làm mạnh tay trong thời gian tới” - ông Võ Duy Thông khẳng định.
Làm công việc đơn giản
Hiện công trường thủy điện Sông Bung 4 (huyện Nam Giang) đang được nhà thầu Sinohydro Corporation Limited (Trung Quốc) khẩn trương thi công. Từ cổng vào công trường, các tấm biển chỉ dẫn về giao thông, an toàn lao động, trạm xăng, nhà vệ sinh... bên cạnh tiếng Việt còn chú dẫn thêm tiếng Trung Quốc. Tại bãi đậu xe thi công, nhiều công nhân Trung Quốc vừa lái xe kiêm luôn cả sửa chữa xe. Thậm chí có người còn đưa cả vợ con sang ở trong công trường. Phụ nữ và trẻ con Trung Quốc vui chơi ngay bên những lán trại được xây rất kiên cố. Anh Thành, một nhân viên làm ở xưởng sửa chữa xe, cho biết nhà thầu đưa cả lái xe chuyển đất, xe đào, xe xúc người Trung Quốc sang công trường. Tại công trình đê đập dâng, các công nhân Trung Quốc làm những công việc khá đơn giản như hàn ốc vít, lắp lan can, kéo dây điện.
Đi sâu vào phía trong, các lán trại và quang cảnh công nhân Trung Quốc nườm nượp ra vô. Tại đây, công nhân Trung Quốc ăn nghỉ và sinh hoạt theo từng tổ, mỗi căn hộ bốn giường tầng tám người kín căn phòng. Việc nấu ăn cũng do người Trung Quốc đưa sang phục vụ. Anh Lê Huy Khôi - chuyên viên kỹ thuật Ban quản lý dự án thủy điện Sông Bung 4 - cho hay toàn bộ số cán bộ, công nhân Trung Quốc đều ở nhà khung ghép trong công trường, cách xa với dân địa phương. Theo báo cáo của Ban quản lý dự án thủy điện Sông Bung 4, công trường có 296 người Trung Quốc, trong đó có đến 186 công nhân, 23 lái xe và 5 nấu ăn, số còn lại làm quản lý, thợ hàn...
Theo ông Trương Thiết Hùng - Trưởng Ban quản lý dự án thủy điện Sông Bung 4, trong bốn gói thầu chính của dự án có đến ba gói thầu do nhà thầu Trung Quốc đảm nhận. “Trong số 450 người đang có mặt ở dự án Sông Bung 4, có gần 300 người là Trung Quốc. Đối với dự án Sông Bung 4, chính sách của phía Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) - đơn vị tài trợ vốn - là khuyến khích sử dụng lao động địa phương nhưng không bắt buộc, nên các nhà thầu Trung Quốc có quyền đưa người của họ sang làm” - ông Hùng cho biết.
Liên quan đến việc nhiều lao động Trung Quốc đang làm việc trên địa bàn, ông Alăng Mai - Chủ tịch huyện Nam Giang - cho hay Huyện không biết và cũng không nắm được số lượng bao nhiêu, họ chỉ báo qua Công an. Theo ông Mai: “Thanh niên, người lao động địa phương từ lao động phổ thông đến người có tay nghề đang rất nhiều nhưng không có cơ hội làm việc tại công trình thủy điện bởi chủ đầu tư chưa hề tuyển. Chúng tôi đang mong Ban quản lý dự án có chủ trương, ưu tiên người lao động địa phương làm việc ở công trình để thực hiện việc an sinh xã hội vùng có dự án được tốt hơn”.
Chỉ đăng ký 10 lao động
Trong khi đó chiều 11-8, ông Nguyễn Văn Hải - Giám đốc Công ty cổ phần than điện Nông Sơn (Quảng Nam), đại diện chủ đầu tư - cho biết hiện có 181 công nhân người Trung Quốc đang làm việc tại công trình Nhà máy nhiệt điện Nông Sơn. Số công nhân này do nhà thầu chính là Tổng công ty Thiết bị nặng Trung Quốc đưa sang. Theo ông Hải, tất cả các công nhân này đều đã đăng ký lao động theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam.
Tuy nhiên, tin từ Phòng Quản lý an toàn lao động, Sở Lao động - Thương binh & Xã hội Quảng Nam cho biết công trình này chỉ đăng ký 10 lao động Trung Quốc.
Cũng theo ông Hải, tất cả công nhân Trung Quốc đều có tay nghề trên năm năm và thuộc hàng chuyên gia, nhưng thực tế trên công trường phần lớn chỉ là những người lao động chân tay như uốn sắt, vận chuyển vật liệu, phụ hồ...
Lý giải về số lao động “chui” người Trung Quốc đang làm việc tại công trường Nhà máy nhiệt điện Nông Sơn, ông Hải cho rằng nhà thầu đã nhiều lần đến Sở Lao động - Thương binh & Xã hội tỉnh Quảng Nam để đăng ký nhưng thủ tục hồ sơ phức tạp nên nhiều người không muốn đăng ký và họ chấp nhận lao động không phép.
V.H. - Đ.C. - T.V. - Đ.N.
Nguồn: uoitre.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét