Bài đăng phổ biến

Thứ Năm, 25 tháng 8, 2011

không thể dùng tiền mua nhân phẩm...

25/08/2011

Bài học Gaddafi: Không thể dùng tiền mua nhân phẩm và quyền sống của đồng loại

Doãn Mạnh Dũng
image 1/9/1969 Trung úy Gaddafi thực hiện cuộc đảo chính chế độ quân chủ Vua Idris và xây dựng nước Gia-ma-hi-ri-a A-rập Li-bi nhân dân Xã hội chủ nghĩa Vĩ đại, gọi tắt là Libi.
Từ một nước nghèo đói, Libi đã trở thành một quốc gia giàu có. Dân số 6.173.579 người (2008). Thu nhập bình quân đầu người 13.100 USD/năm (2007). Tuổi thọ trung bình với nam 71 tuổi, nữ 76 tuổi (theo khảo sát của Liên Hiệp Quốc).
Đó là một quốc gia có mức sống mà nhiều nước trên thế giới thèm khát. Sự giàu có từ nguồn tài nguyên dầu lửa của Li bi đã làm chàng trai Gaddafi ngộ nhận về vị trí của cá nhân trong cộng đồng loài người. Dù rằng những năm Gaddafi nắm quyền hành, thế giới vẫn còn chia hai cực Xã hội chủ nghĩa và Tư bản chủ nghĩa, nhưng nền văn minh của loài người vẫn theo quy luật ngày càng tiến bộ.
Tổ chức sản xuất có xu thế ngày càng rõ theo quy luật liên kết và phụ thuộc lẫn nhau. Con người ngày càng yêu con người hơn. Con người ngày càng được tôn trọng không chỉ quyền được sống, quyền mưu cầu hạnh phúc, phẩm giá và cả tính cách riêng chính đáng của từng cá nhân. Trong thời kỳ chiến tranh lạnh, những luận thuyết cực đoan đã làm mê hoặc lãnh tụ Gaddafi, vì vậy ông đã hậu thuẫn các hành động khủng bố. Gaddafi đã gieo mầm độc từ những năm cuối thập niên 1980.
Năm 1988, chuyến bay 103 của hãng Hàng không Pan Am (Mỹ) bị đánh bom rơi xuống làng Lốc-cơ-bi ở Xcốt-len, khiến 259 người trên máy bay và 11 người trên mặt đất thiệt mạng. Chính quyền Lybia chấp nhận bồi thường 2,7 tỷ USD.
Năm 1989 chiếc máy bay DC-10 của hãng Hàng không UTA (Pháp) bị đánh bom trên bầu trời Ni-giê khiến 170 người thiệt mạng. Chính quyền Lybia phải bồi thường 170 triệu USD.
Mặt dầu số tiền bồi thường trên là rất lớn so với các tai nạn máy bay khác. Nhưng loài người khác với con vật là không chỉ cần miếng ăn mà rất cần quyền được sống, quyền được làm người.
Cái mầm độc do Gaddafi gieo ra cho cả thế giới tuy đã ẩn sâu nhưng vẫn sống và luôn chờ ngày trả lại cho chính Gaddafi.
Về đối nội, gia đình Gaddafi đã sử dụng quyền lực của nhà cầm quyền để chiếm các nguồn sinh ra lợi nhuận trong kinh doanh, trong chia chác các tài nguyên của đất nước. Tiền thu từ tham nhũng không từ lao động nên được sử dụng thiếu trách nhiệm với con người. Theo báo New York Times, Seif al. Islam el. Gaddafi, con trai của Gaddafi đã trả cho ca sĩ Mariah Carey 1 triệu Mỹ kim chỉ để hát 4 bài hát mà y thích trong một buổi tiệc ở đảo St. Bart ở vùng Nam Mỹ.
Sự khác biệt về thu nhập quá lớn cùng với sự phung phí khi sử dụng đồng tiền đã gây ra sự chống đối trong nước. Để giải quyết mâu thuẫn nội bộ, thay vì đối thoại và minh bạch với nhân dân khi dùng đồng tiền thuế của đất nước thì chính quyền Libi dùng bàn tay sắt. Những người phản đối trong nước bị đẩy vào tù. Hơn 1.000 tù nhân mà người ta tố cáo đã bị sát hại bởi lực lượng an ninh tại nhà tù Abu Salim ở Tripoli hồi năm 1996.
Trừ nhóm lợi ích gắn liền với chế độ Gaddafi, dưới họng súng, người dân buộc phải bầu Gaddafi. Nhờ vậy Gaddafi được ca ngợi như biểu tượng của những người cùng khổ và bị áp bức.
Nhưng mâu thuẫn nội bộ trong nước chỉ chờ có cơ hội để bùng lên. Vì sự đàn áp khốc liệt của chế độ Gaddafi, nên không thể hình thành các nhóm đối lập. Libi đã đưa ra một tiền lệ hiếm. Với một quốc gia độc tài, dù lực lượng nổi dậy không thủ lĩnh nhưng vẫn có cơ hội thành công vì họ không đơn độc, cả loài người văn minh bên họ.
Một chính quyền dựa vào vũ khí và quyền lực để kinh doanh, tham nhũng nhằm duy trì lợi ích nhóm, không vì phẩm giá và quyền sống của người khác, không vì lợi ích của cộng đồng thì chính quyền đó đã tự gieo mầm hủy diệt.
Lãng tránh đối thoại, đàn áp các ý kiến khác biệt là chất kích thích giúp mầm độc phát triển nhanh hơn. Theo thời gian, nền văn minh càng phát triển, mầm độc càng lộ diện nhanh và cái kết bi thương của Gaddafi là không tránh khỏi. Tất cả chỉ chờ cơ hội để “cái gì của Sezar thì trả lại cho Sezar”.
Vấn đề hậu Gaddafi là một bài toán lớn. Trước hết Libi cần một Hiến pháp tiến bộ vì lợi ích thật sự, chính đáng và lâu dài cho mọi tầng lớp nhân dân Libi. Những người có công và bị thương trong chiến tranh cần được xã hội trân trọng chăm sóc. Nếu Hiến pháp được thảo ra vì lợi ích của những người soạn thảo ra nó hay vì lợi ích của những nguời có công với cuộc cách mạng Libi thì chắc chắn xã hội Libi sẽ không thể tránh khỏi vòng xoáy bạo lực trong tương lai.
Số phận nghiệt ngã của Gaddafi là bài học lịch sử cho xã hội văn minh của nhân loại!
D.M.D.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét