Bài đăng phổ biến

Thứ Sáu, 26 tháng 8, 2011

Nhận ra bộ mặt hắn...

26/08/2011

Xã luận – Ta đã nhận ra bộ mặt hắn tự khi nào?

Phạm Toàn
Hà Nội có biểu tình lần thứ 10 vào ngày Chủ nhật 14-8-2011. Mãi đến ngày 19-08-2011 mấy cha Tuyên giáo Bắc Kinh nghĩ mãi mới rặn ra được bài báo “chỉ đạo tư tuởng” chẳng đánh lừa nổi ai đăng trên trang nhất Tuần báo Thế Giới Tân Văn (thuộc đài phát thanh quốc tế Trung Quốc). Chưa kể lũ ranh ma chúng mình thì còn thấy thương hại cho cái trí tưởng tượng tầm thường của những người đang định lãnh đạo và thiết lập chế độ thực dân mới trên phạm vi thế giới.
Chuyện đáng nói đối với từng cá nhân con người biết nghĩ là câu hỏi tự vấn này: “Ta đã nhận ra bộ mặt hắn tự khi nào”? Đây là vấn đề rất đáng đặt ra nhân có cái bài báo xưng xưng lên là “Ai Đang Xách Động Biểu Tình Chống Trung Quốc Tại Việt Nam? Bất luận là Việt kiều tham dự, hay phe cứng rắn trong chính giới, đằng sau biểu tình đều có bóng dáng của Mỹ” (bản dịch có ở đây, và bài điểm báo của BBC ở đây). Điều quan trọng không phải là ta đã nhận ra hay chưa nhận ra cái trò tuyên giáo lố bịch ấy. Điều quan trọng là lý giải vì sao những lời nói rẻ tiền ấy vẫn còn chui lọt lỗ tai những sản phẩm của chủ nghĩa ngu dân thuộc các nấc thang từ người mù chữ cho tới nhiều giáo sư, tiến sĩ, giảng viên đại học.
Câu hỏi tự vấn đó rất cần. Suy cho cùng vấn đề không phải là mấy cái tàu ngầm hạng ki-lô lặn sâu nhất là ba trăm mét, nhưng vấn đề là tại sao chúng vẫn nằm dưới những đầu óc viết ra những bài xã luận kêu gào quân đội nhân dân hãy biết rõ mục tiêu ngắm bắn, đừng để lỡ cơ hội.
Tốt nhất là tôi kể bạn nghe trường hợp của tôi, tin hay không tin, tùy bạn.
Cuối năm 1951, đơn vị bộ đội chúng tôi cho một loạt anh em đi học. Có anh sau ngày giải phóng thủ đô trở thành giám đốc đầu tiên của Xưởng phim hoạt họa đầu tiên khi đó. Có anh làm công việc in tiền. Có anh về làm Tổ chức của trường Đại học Bách khoa đầu tiên. Mấy anh em khác làm nghề dạy học.
Tôi còn nhớ mùa đông đầu tiên ở đất Trung Hoa xã hội chủ nghĩa. Các ông đầu bếp cực kỳ đáng yêu làm việc hết lòng, suốt ngày đêm hùng hục không khác gì những con trâu. Lần đầu tiên bỡ ngỡ thấy cài gì cũng mới, thấy khẩu hiệu Vì nhân dân phục vụ đã đổi đời cho mình vì đã cho mình một đôi mắt nhìn khác hẳn.
Ấy thế mà sự nghi ngờ đã xuất hiện ngay từ khi đó. Xuất hiện một buổi trưa rét mướt khi các ông đầu bếp khiêng cơm canh cho và nói với lũ học trò sư phạm “Bác Mao bảo các cháu ăn nhiều dầu cho ấm người”. Con người nhạy cảm bỗng khựng lại trước những lời lẽ như thế. Giá như anh ta cứ nói đó là ý kiến của riêng mình, “rét lắm, ở đây phải ăn nhiều dầu mỡ mới chống được rét, lũ ngu rõ chưa”? Giá như cứ nói năng cộc cằn vậy, thì những đôi tai này còn bị lừa dài dài. May là các người đó đã nói dối. Nhưng phản ứng lại vẫn chỉ âm thầm trong đầu óc. Cho đến một hôm tôi thay mặt lớp đi dự thi diễn thuyết bằng tiếng Hoa. Mới học có vài ba tháng, song tôi cũng được thưởng một pho tượng Mao bằng thạch cao có dễ hơn 1 mét. Thạch cao thì nặng. Trên đường ban đêm về ký túc xá, có ai đó hỏi xin, và tôi đã hào phóng sang tên liền (sang vai thì đúng hơn!).
Từ hôm đó tới hôm nay, thoắt cái thế mà sáu mươi năm trôi đi. Chuyện còn nhiều, và sự giác ngộ cứ diễn ra dần dần chỉ vì trong tâm hồn này, trong bụng dạ này, trong trí não này có một câu hỏi ngày ngày được khoáy sâu hệ thống dối trá ấy đã sống và sinh sôi như thế nào?
May mà ngay trong lúc mình còn sống, đã được thấy kết quả của sự dối trá: còn đâu Liên Xô với những lời lẽ quen thuộc Tass được quyền tuyên bố và lớp bè bạn chúng tôi lại có dịp nhìn nhau mỉm cười, hãy đọc ngược lại thì đó là sự thật. Ngay từ khi Liên Xô còn chưa sụp, chúng tôi vẫn nói với nhau “chủ nghĩa xã hội đâu nhỉ? Và trả lời Partout, et nulle part – đâu cũng có và chẳng thấy có ở đâu hết”!
Xin kể vài chi tiết con con để ai đó muốn ngẫm thì ngẫm. Ngẫm đi, thì ấm vào thân, chứ không phải dùng mọi kế sách (kể cả thói rẻ tiền “được quyền tuyên bố”) để bám lấy quyền lực thì ấm thân đâu. Lịch sử thời nay diễn biến rất nhanh đấy, các em ạ.
P.T.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét