Bài đăng phổ biến

Thứ Sáu, 17 tháng 6, 2016

CHẮC CHẮN PHI CƠ CASA 212 BỊ VA ĐẬP

‘Chắc chắn phi cơ CASA-212 bị va đập’

Posted by adminbasam on 17/06/2016
17-6-2016
Có thể loại trừ hoàn toàn ‘yếu tố chính trị’ trong vụ một phi cơ tiêm kích quân sự và một phi cơ tìm kiếm cứu hộ của Việt Nam vừa gặp nạn tại Biển Đông, đặc biệt là nguyên nhân ‘có tên lửa bắn lên’, theo một cựu phi công và quan chức Hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam.
Bình luận với BBC hôm 17/6/2016, trước hết ông Nguyễn Thành Trung, nguyên Phó Tổng Giám đốc Vietnam Airlines cho rằng chiếc CASA-212 ‘chắc chắn đã bị một va đập rất mạnh’ khi rơi xuống biển qua những thông tin mà ông biết được, trong đó có các hình ảnh về các mảnh xác của phi cơ tìm kiếm, cứu hộ của Cảnh sát biển Việt Nam.
Dựa trên những hình ảnh nhận được, ông Nguyễn Thành Trung nói, có thể khẳng định được là chiếc phi cơ CASA-212 đã bị tai nạn khiến vỡ ra.
“Nếu chủ động được thì đã có thể hạ cánh trên biển, và tôi nghĩ là phi cơ đã không vỡ như thế. Còn với các mảnh vỡ như thế thì chắc chắn đã có những va chạm rất mạnh của máy bay với mặt nước,” ông giải thích.
Vẫn về chiếc CASA-212 gặp nạn, ông Trung cho rằng cũng không loại trừ nguyên nhân ‘thời tiết thay đổi đột ngột’, tuy rằng theo ông khu vực Bạch Long Vĩ là một khu vực bay ‘bình thường’ như nhiều địa điểm khác dọc bờ biển Việt Nam.
Ông cũng cho rằng công tác cứu hộ ở khu vực phân định ranh giới trên biển, thậm chí có chồng lấn giữa Việt Nam với Trung Quốc, sẽ không gặp khó khăn gì.
“Trung Quốc sẽ ủng hộ, gửi tàu tới giúp thôi,” ông nói. “Một khi có tai nạn, tất cả các nước đều có trách nhiệm giúp cho nước kế bên, tạo điều kiện cho việc cứu hộ.”
Về việc lực lượng quốc phòng huy động nhiều sỹ quan chỉ huy cao cấp trong các chuyến bay cứu hộ như CASA-212, ông Nguyễn Thành Trung cho rằng rất có thể đây là lựa chọn cá nhân của cơ trưởng Lê Kiêm Toàn, Đại tá, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 918, lái chính chiếc CASA-212 gặp nạn.
“Thực ra, phi công nào cũng bay được, nhưng tôi nghĩ rằng các anh ở Lữ đoàn 918 cũng muốn cố gắng bằng mọi cách để cứu nạn cho đồng đội. Có lẽ Lữ đoàn trưởng 918 đã xung phong đi để chứng tỏ tinh thần đồng đội.”
Với trường hợp chiếc Su-30MK2 bị rơi mà hiện nay mới chỉ cứu hộ được một phi công và phi công còn lại Việt Nam đang tiếp tục tìm kiếm, ông Nguyễn Thành Trung cho rằng ‘tiếng nổ trong khoang lái’ có thể có nhiều nguyên nhân, nhưng ‘chắc chắn nghiêm trọng mới nhảy dù’.
Cựu phi công quân sự và dân sự này nói với BBC hôm thứ Sáu rằng dù thế nào thì tổn thất về người trong các vụ máy bay rơi cũng là điều ‘đau buồn’ đối với giới hàng không cả dân sự, lẫn quân sự, cũng như toàn thể người dân Việt Nam.
____

Xác định máy bay tuần thám của VN rơi ngoài khơi gần Hải Phòng

17-6-2016
H1Phó tham mưu Quân chủng phòng không Đỗ Đức Minh (phải) đứng trước một máy bay tìm kiếm cứu hộ CASA 212 chỉ đạo nhân viên tìm kiếm chuyến bay Malaysia Airlines MH370 mất tích năm 2014. Chiếc máy bay CASA-212 vừa bị rơi thuộc về lực lượng cứu hộ cứu nạn quốc gia Việt Nam. Ảnh: Reuters.
Nhà chức trách Việt Nam đã tìm thấy các mảnh vỡ của một chiếc máy bay tuần thám chở 9 người đã rơi xuống biển gần thành phố Hải Phòng ở miền bắc Việt Nam hôm 16/6 trong khi đang tìm kiếm một chiến đấu cơ bị mất tích trước đó.
Chiếc máy bay CASA-212 bị rơi thuộc về lực lượng cứu hộ cứu nạn quốc gia của Việt Nam. Bộ Quốc phòng Việt Nam nói với báo chí trong nước và quốc tế hôm 17/6 rằng chiếc máy bay đã biến mất trên màn hình radar khi nó đang cố giảm độ cao vì thời tiết xấu. Bộ cho hay chưa tìm được ai trong số những người trên máy bay.
Bộ công bố thông tin rằng nơi tìm thấy các mảnh vỡ của máy bay tuần thám nằm cách đường phân giới Vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc 3 hải lý và ở trong vùng của Trung Quốc.
Bộ Quốc phòng Việt Nam đã đề nghị Trung Quốc cho phép tàu của Việt Nam đi vào vùng của Trung Quốc cũng như giúp đỡ tìm kiếm chiếc máy bay rơi. Bộ cho biết phía Trung Quốc đã điều ít nhất 3 tàu đến địa điểm phát hiện các mảnh vỡ để giúp đỡ.
VOA Việt ngữ liên lạc với Thượng tướng Võ Văn Tuấn, Phó Tổng tham mưu trưởng của quân đội Việt Nam, vào lúc 8 giờ 15 phút tối ngày 17/6 để cập nhật tình hình và được ông Tuấn cho biết “chưa có thông tin gì mới hơn so với ngày hôm qua”.
Chiếc máy bay tuần thám đã bị gặp nạn trong khi tìm kiếm một chiến đấu cơ SU-30 do Nga sản xuất được cho là đã rơi ngoài khơi tỉnh Nghệ An ở miền trung hôm 14/6. Một trong hai viên phi công trên chiếc SU-30 đã được cứu sống hôm 15/6.
Một số trang tin điện tử ở Việt Nam vào lúc 8 giờ tối ngày 17/6 đăng tin nói rằng ngư dân ở tỉnh Nghệ An đã tìm thấy thi thể của viên phi công còn lại trong vụ rơi chiếc SU-30. VOA Việt Ngữ đã đề nghị Thượng tướng Võ Văn Tuấn xác nhận thông tin này. Ông cho biết:
“Hiện nay thì chúng tôi cũng có thông tin đó nhưng vẫn đang cho kiểm tra, mà thông tin này hiện nay là chưa khẳng định”.
Trong hai năm gần đây, Việt Nam đã gánh chịu một loạt vụ tai nạn với các máy bay trực thăng cũ kỹ nhưng hiếm có những vụ rơi máy bay cánh cố định. Vì vậy 2 vụ rơi máy bay loại mới vừa rồi đã làm chấn động dư luận, dẫn đến khả năng Việt Nam sẽ rà soát, chấn chỉnh các hoạt động huấn luyện bay cũng như các chuyến bay cứu hộ, cứu nạn. Thượng tướng Võ Văn Tuấn nói rõ hơn với VOA:
“Sau các vụ tai nạn bay bao giờ cũng phải kiểm tra, đánh giá và kiểm tra lại chất lượng, để xem là nguyên nhân từ đâu xảy ra. Nếu những nguyên nhân là do chủ quan thì sẽ phải kiểm tra chấn chỉnh, huấn luyện để đảm bảo cho tốt hơn”.
Khi được hỏi về khả năng Việt Nam đề nghị Mỹ giúp trong cứu hộ, cứu nạn và huấn luyện không quân, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, trả lời:
“Trong việc giúp đỡ tìm kiếm cứu nạn, chúng tôi đang thực hiện. Khi nào cần, chúng tôi đều mong muốn tất cả các bạn bè quốc tế có khả năng giúp đỡ. Thế còn huấn luyện thì vì là hiện nay các loại khí tài của chúng tôi, chúng tôi tự huấn luyện được”.
Lúc này thông qua mạng xã hội rất nhiều người trong công chúng Việt Nam đang bày tỏ hy vọng may mắn sẽ đến với 9 người trong vụ rơi máy bay tuần thám.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét