10 năm nhìn lại biển Đông: Trung Quốc từng bước leo thang
(PL)- Sự kiện bãi Tư Chính mới đây đánh dấu một bước leo thang mới của Trung Quốc trong chiến lược “tằm thực” mà nước này áp dụng suốt thập niên qua.
Chuyên gia Gregory Poling, Giám đốc Tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI), nhận định Trung Quốc (TQ) cử tàu tiến hành khảo sát trái phép trong vùng biển gần bãi Tư Chính - Vũng Mây nhằm bày tỏ thái độ không hài lòng của Bắc Kinh trước quyết tâm thực hiện hoạt động kinh tế (phù hợp với Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, UNCLOS 1982 - PV) của Việt Nam (VN).
Vụ Tư Chính là bước đi ngắn…
“Dường như việc khảo sát của tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 là một phản ứng của TQ đối với hoạt động khai thác dầu khí của VN gần bãi Tư Chính. Cho đến lúc này, lực lượng cảnh sát biển TQ đã cố gắng và đồng thời cũng thất bại trong việc ngăn cản hoạt động khai thác dầu khí (hợp pháp) của VN, tương tự như thất bại trong việc ngăn cản hoạt động khai thác dầu khí của Malaysia vào cuối tháng 5-2019. Việc thực hiện chương trình khảo sát (gần bãi Tư Chính) lần này là cách TQ gia tăng áp lực và chuyển tải thông điệp không hài lòng đối với VN” - ông Gregory Poling trả lời Pháp Luật TP.HCM.
Đây không phải là lần đầu TQ tiến hành một bước leo thang gây ra phản ứng mạnh của các quốc gia ở biển Đông nói riêng và cộng đồng quốc tế nói chung. TS Ngô Hữu Phước, Phó Trưởng khoa Luật quốc tế, Trưởng bộ môn Công pháp quốc tế, ĐH Luật TP.HCM, nhận định “trong 10 năm qua, TQ đã nhiều lần xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền trên biển Đông của VN”. Cụ thể, TQ đã tuyên bố yêu sách đường chín đoạn “nuốt” gần trọn biển Đông, xây dựng cái mà TQ gọi là “thành phố Tam Sa”, hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam, chiếm và cải tạo trái phép các thực thể ở Trường Sa và Hoàng Sa...
“Tâm điểm để TQ thị uy sức mạnh ở biển Đông chính là nhằm thực hiện mưu đồ “độc chiếm biển Đông”. Để đạt được tham vọng phi lý đó, TQ đã bất chấp luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS; sẵn sàng phá bỏ các cam kết chính trị với ASEAN và VN, trong đó có Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC)” - ông Phước nói.
Tuy nhiên, tất cả hoạt động gây hấn của Bắc Kinh đều có tính toán cường độ và thời điểm nhằm đảm bảo “chiến lược vùng xám” của họ đạt hiệu quả. Hiểu nôm na, Bắc Kinh dùng các biện pháp ngoại giao, quân sự, bán quân sự trên biển Đông nhằm o ép, cưỡng bức các quốc gia khác nhưng không để tình hình nghiêm trọng đến mức xung đột lớn.
“Từ vụ bãi Tư Chính có thể thấy TQ thích sử dụng chiến thuật đe dọa, bắt nạt chứ không động đến lực lượng quân đội thật sự của nước này để bảo vệ yêu sách của mình” - ông Gregory Poling nhận định. Chính vì vậy, ông Gregory Poling cho rằng khi VN và các nước có yêu sách khác ở biển Đông (như Malaysia) phản kháng và quyết tâm khẳng định chủ quyền của mình bất chấp lực lượng cảnh sát biển và dân quân biển TQ dọa nạt thì Bắc Kinh sẽ xuống thang chứ không dùng đến quân đội để đối phó.
“TQ đã không dùng lực lượng quân sự để tấn công hoạt động kinh tế của VN với nước khác, bởi lẽ việc làm đó sẽ đẩy tình hình khu vực leo thang nhanh chóng và làm tổn hại nghiêm trọng hình ảnh của TQ đang muốn xây dựng - “lãnh đạo toàn cầu”” - ông Gregory Poling khẳng định.
10 năm nhìn lại biển Đông: Trung Quốc từng bước leo thang - ảnh 1
Hòa bình ở biển Đông cần sự vào cuộc của cộng đồng quốc tế. Ảnh: REUTERS
Trong một kế hoạch thập niên của Trung Quốc
TQ rõ ràng đã có tính toán “thập niên” hoặc thậm chí dài hơi hơn khi họ “gặm nhấm” từng phần biển Đông (hay còn gọi là chiến lược “tằm thực”). Chiến lược “vùng xám” là giải pháp để Bắc Kinh từng bước chinh phục biển Đông mà không dùng đến quân đội.
“Chiến lược của TQ là rất rõ ràng: Họ muốn dùng các chiêu bài bắt nạt, đe dọa để từng bước đẩy tất cả quốc gia láng giềng ra khỏi biển Đông, từ đó thiết lập sự thống trị với vùng trời và vùng biển tại khu vực này” - theo chuyên gia Gregory Poling.
10 năm nhìn lại biển Đông: Trung Quốc từng bước leo thang - ảnh 2
 
Leo thang căng thẳng ở biển Đông không liên quan gì đến cuộc chiến thương mại Mỹ-TQ.
Bắc Kinh đã bắt đầu leo thang căng thẳng ở biển Đông trong suốt thập niên qua. Mặc dù TQ giả vờ đổ lỗi rằng hành động của họ xuất phát từ sự can dự gần đây của Mỹ nhưng điều đó hoàn toàn không đúng.
Chuyên gia GREGORY POLING, Giám đốc AMTI
10 năm nhìn lại biển Đông: Trung Quốc từng bước leo thang - ảnh 3
 
Đánh giá trên tất cả phương diện pháp luật, chính trị và quan hệ quốc tế, các hành vi của TQ đã trực tiếp và gián tiếp vi phạm Hiến chương Liên Hiệp Quốc và UNCLOS, những thành quả pháp lý quốc tế vĩ đại nhất của thế giới được xây dựng trong thế kỷ 20
TS NGÔ HỮU PHƯỚC, ĐH Luật TP.HCM
Cùng quan điểm trên, TS Ngô Hữu Phước cho rằng đây chính là chiến lược “xâm lược mềm” của TQ. Các hành vi này được Bắc Kinh thực hiện một cách bài bản, có hệ thống nhằm từng bước thay đổi hiện trạng ở biển Đông, cụ thể hóa âm mưu và tham vọng độc chiếm biển Đông. “Thiết lập vành đai liên hoàn với ba điểm tiền tiêu chiến lược từ bắc xuống nam gồm: Đảo Hải Nam, quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa để từ đó kiểm soát, khống chế toàn bộ tuyến đường hàng hải, hàng không và mọi hoạt động trên biển Đông, biến biển Đông thành “ao nhà” của TQ” - ông Phước nhận định.
TQ “ném đá dò đường”, thăm dò phản ứng của các nước và dư luận quốc tế để có thể chọn thời điểm, địa điểm tiến hành các hoạt động gây hấn, lấn lướt ở biển Đông. Việc Bắc Kinh gia tăng cải tạo các thực thể, không ngại các va chạm nhỏ với tàu đánh cá, hay dọa nạt các hoạt động khai thác kinh tế,... rơi vào thời điểm (i) kinh tế TQ phát triển hùng mạnh, quân đội và dân quân biển được tăng cường; (ii) vai trò của Mỹ tại khu vực suy yếu và thiếu vắng thể chế pháp lý giữa TQ-ASEAN tại biển Đông.
Chuyên gia Gregory Poling cho rằng “cả chính quyền Tổng thống Donald Trump và người tiền nhiệm Barack Obama đều không có giải pháp đối phó chiến lược lấn biển của TQ một cách hiệu quả”. Cả hai tổng thống Mỹ đã phụ thuộc quá nhiều vào Bộ Quốc phòng. Trong khi đó, vấn đề cốt lõi tại biển Đông vốn không chỉ là vấn đề quân sự và không thể giải quyết bằng quân đội, khí tài. Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao đang thiếu những nỗ lực cấp cao, đó mới chính là giải pháp cần thiết cho biển Đông.
Biển Đông thuộc chủ quyền của từng quốc gia đơn lẻ, trong đó có Malaysia, Philippines, Việt Nam,.... nhưng lại chứa đựng quyền lợi to lớn của phần đông thế giới, không loại trừ Mỹ, châu Âu, Úc, Nhật, Hàn Quốc,... Các nước này cần có một chiến lược ngoại giao tổng thể nhằm thúc đẩy các chương trình pháp lý, kinh tế lẫn quân sự để ngăn cản TQ thực hiện chiến lược “vùng xám”, từng bước “gặm nhấm” biển Đông.
10 năm nhìn lại biển Đông: Trung Quốc từng bước leo thang - ảnh 4