Bài đăng phổ biến

Thứ Năm, 9 tháng 1, 2020

ĐỒNG TÂM ĐỔ MÁU NGƯỜI ĐÃ CHẾT

BBC: ĐỒNG TÂM - MÁU ĐÃ ĐỔ VÀ NGƯỜI ĐÃ CHẾT


Tranh chấp đất Đồng Tâm: Máu đổ, Người chết
 
BBC
09-01-2020

Nhân chứng nói dân ném bom xăng khi hàng ngàn cảnh sát đổ về Đồng Tâm đêm 9/1. Bộ Công an xác nhận 3 cảnh sát, 1 người dân thiệt mạng. 
 
"Hàng ngàn" cảnh sát đổ về trong đêm

Trao đổi với BBC News Tiếng Việt qua điện thoại sáng 9/1, một phụ nữ yêu cầu không nêu danh tính do lo sợ bị trả thù, cho hay chị là dân Đồng Tâm, đang ẩn nấp tại một nhà dân trong làng. Chị nói:

"Khoảng ba giờ sáng nay, rất đông người của chính quyền trong trang phục cảnh sát cơ động, cầm theo gậy gộc, dùi cui, súng, khiên, đổ về làng."

"Theo thông tin mà dân làng chúng tôi được mật báo từ trước thì lần này có khoảng 8.000 người. Còn theo quan sát của tôi thì rất đông, đổ về các ngõ trong làng."

Để xác minh thông tin, BBC News Tiếng Việt đã gọi điện đến số điện thoại di động mà ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP Hà Nội, từng công khai qua báo chí, tuy nhiên, ông không nhấc máy. 

Trong khi đó, nhân chứng mô tả vụ việc với BBC Tiếng Việt:

"Họ ném pháo sáng, bắn đạn hơi cay, chặn hết các ngõ ngách, đánh đập thâm tím mặt mày cả phụ nữ, người già - những người đi ra khuyên bảo họ."

"Trước khi tôi chạy đi được, tôi đã thấy họ khiêng đi một số thanh niên, không biết sống chết ra sao."
 
 BBC cố gắng liên hệ với ông Lê Đình Công, người thường đại diện cho dân Đồng Tâm lên tiếng về vụ việc tranh chấp đất với chính quyền, nhưng không liên lạc được. 

"Gia đình ông Công, gồm vợ chồng cháu nội đã bị bắt. Ông Công vẫn đang cố thủ, tôi không rõ hiện giờ ông đã bị bắt hay chưa. Riêng cụ Kình (bố ông Công), thì gia đình đã đưa cụ đi giấu ở chỗ khác từ mấy hôm trước," nhân chứng ở Đồng Tâm nói với BBC News Tiếng Việt.

Nhân chứng cũng cho hay là điện không bị cắt nhưng internet thì bị cắt hoàn toàn. 

"Họ đánh úp chứ không hề đọc lệnh. Dân làng chúng tôi cũng chỉ nghe ngóng tin ngầm nên biết họ sẽ về, chứ không hề được chính quyền thông báo. Cách đây chục ngày thì xã bắt đầu phát loa cỡ lớn hàng ngày, tuyên truyền trong xã rằng gia đình ông Trần Đình Công, cụ Trần Đình Kình là những phần tử chống phá, mua chuộc người dân để lấy tiền." 

"Cả gia đình tôi là nông dân, Gia đình tôi cũng lên tiếng về vụ việc này từ lâu, nên tôi tin là họ sẽ không cho vợ chồng và ba con tôi có tương lai. Giờ tôi biết phải làm gì đây," nhân chứng nói với BBC từ Đồng Tâm. 
 
Người dân đáp trả bằng gạch đá, bom xăng

Video mà BBC Tiếng Việt có được cho thấy cảnh đêm tối và có đèn pha rọi ra từ một ngõ, có tiếng nổ. Trong video, giọng một người đàn ông nói với "đồng bào cả nước" rằng "chúng nó đang vào đàn áp dân, súng bắn và lựu đạn cay ném vào dân..."

Nhân chứng cho BBC News Tiếng Việt hay rằng người dân đã đáp trả lại lực lượng cảnh sát bằng gạch đá, bom xăng, nhưng "không lại" vì "họ quá đông và trang bị vũ khí".

"Dân làng chúng tôi vẫn chuẩn bị tinh thần từ trước nhưng vẫn bị bất ngờ khi họ đổ về rạng sáng nay. Chúng tôi cũng chuẩn bị chiến đấu từ trước, nhưng là dân nghèo, chúng tôi chỉ có gạch đá, bom xăng. Còn họ có lựu đạn cay, súng. Chúng tôi không thể chống cự được."

Người phụ nữ cho biết, nhà cụ Lê Đình Kình và ông Lê Đình Công đã bị nổ mìn làm sập tường, hỏng nhà. 

Chị cũng nói với BBC News Tiếng Việt từ nơi ẩn nấp, rằng chị "đang rất lo sợ, buồn chán, và căm hận..."

"Tôi không tin Đảng, chính quyền, nhưng hiện thời tôi cũng không biết tin ai trong làng, không biết ai là chính nghĩa. Tôi không dám ra, cũng không chạy được ra khỏi làng, vì trong làng có chỉ điểm. Tôi không biết chồng và em chồng tính mạng ra sao. Tôi đã đem con đi gửi từ trước nhưng cũng không dám gọi về nhiều vì sợ bị phát hiện."

Cũng trong sáng 9/1, nhà hoạt động Trịnh Bá Phương có livestream trên Facebook cá nhân từ hơn 4 giờ sáng tường thuật lại những gì xảy ra ở Đồng Tâm. Trong đó ,anh Phương có trao đổi với một người được cho là dân làng Đồng Tâm, tường thuật lại vụ việc mà họ gọ là "đàn áp" này. Tuy nhiên sau đó vài giờ đồng hồ, có tin ông Trịnh Bá Phương bị bắt.

Trên Facebook cá nhân, em trai của ông Phương là Trịnh Bá Tư sau đó tiếp tục livestream về tình hình Đồng Tâm. Ông Tư cho hay con trai ông Lê Đình Công bị bắn gẫy tay. Vợ chồng con trai ông Công sau đó bị bắt đi cùng hai con nhỏ. 

Ông Tư cũng xác nhận anh trai là nhà hoạt động Trịnh Bá Phương đã bị Công an quận Hà Đông đánh và bắt đi từ khoảng 6 giờ 20 sáng 9/1, sau khi ông Phương livestream về tình hình Đồng Tâm. 
 
Chính quyền nói gì?

Bộ Công an đã đăng tải trên website "Thông báo về vụ việc gây rối tại xã Đồng Tâm" trong sáng 9/1. 

Theo đó, Bộ này cho hay đây là vụ việc "chống người thi hành công vụ tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội." 

Thông báo này cũng cho hay một số đơn vị của Bộ Quốc phòng phối hợp với lực lượng chức năng tiến hành xây dựng tường rào bảo vệ Sân bay Miếu Môn, TP. Hà Nội "theo kế hoạch" từ ngày 31/12/2019. 


Thông báo nói trong sáng 9/1, đã có một số người ở Đồng Tâm "có hành vi chống đối, sử dụng lựu đạn, bom xăng, dao phóng... tấn công lực lượng chức năng, chống người thi hành công vụ, gây rối trật tự công cộng". 

Bộ Công an xác nhận trong thông báo rằng đã có bốn người chết trong vụ đụng độ tại Đồng Tâm rạng sáng 9/1, trong đó có ba cảnh sát và một dân thường. 

"Các đơn vị chức năng đã khống chế và bắt giữ các đối tượng vi phạm pháp luật nghiêm trọng, khởi tố vụ án, khởi tố bị can, tiến hành xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Hiện nay, các đơn vị liên quan đang tiến hành xây dựng tường rào Sân bay Miếu Môn theo kế hoạch,' thông cáo cho hay.
 
Tranh chấp đất đai Đồng Tâm diễn ra như thế nào?

Từ cách đây chục ngày, trên mạng xã hội lan truyền thông tin rằng cảnh sát sắp về đàn áp tại Đồng Tâm. 

Một số nguồn tin trên mạng cho hay người dân Đồng Tâm đã bị cắt điện và internet trong vài ngày.


Vụ tranh chấp đất đai Đồng Tâm giữa người dân và chính quyền nổi lên từ năm 2016.

11/2016: Tranh chấp giữa dân Đồng Tâm và chính quyền bắt đầu căng thẳng từ khi UBND huyện Mỹ Đức căng dây khắp khu vực 59h ở tây Đồng Sênh, san gạt một số mặt bằng và cắm biển 'Vùng cấm - Khu vực quân sự'".

2/2017: Người dân thu dây, nhổ biển báo "Khu vực quân sự" và đưa máy móc vào canh tác, dẫn đến việc giới chức huy động hàng trăm công an, cảnh sát, an ninh dân phòng, xe vòi rồng, xe cứu thương đến nơi.

15/4/2017: Mâu thuẫn lên đến đỉnh điểm khi chính người dân Đồng Tâm bị bắt giữ và khi được giới chức mời ra khu đất có tranh chấp để 'làm việc', và bị đưa về Hà Nội, trong đó có ông Lê Đình Công và cụ Lê Đình Kình. Dân Đồng Tâm đáp trả bằng cách bắt giữ 38 cán bộ và cảnh sát, giam tại nhà văn hóa thôn trong 7 ngày.

22/4/2017: Ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch TP Hà Nội phải về Đồng Tâm đối thoại với bà con. Tại đây ông Chung ký vào bản cam kết viết tay về việc sẽ làm rõ nguồn gốc khu đất sân bay Miếu Môn, đồng thời không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với toàn thể nhân dân xã Đồng Tâm. Đổi lại ông Chung được 'trả người'.

13/6/2017: Công an Hà Nội khởi tố vụ án hình sự liên quan việc dân Đồng Tâm bắt giữ 38 người thi hành công vụ.

Cụ Lê Đình Kình sau đó nói với BBC rằng ông Nguyễn Đức Chung "phản bội ý kiến và danh dự của chính ông ấy".

7/2017: Thanh tra Hà Nội công bố kết luận: "Toàn bộ diện tích đất sân bay Miếu Môn thuộc địa giới hành chính xã Đồng Tâm là đất quốc phòng".

2017-2019: Ông Lê Đình Kình (đại diện cho dân Đồng Tâm) nhiều lần gửi đơn lên Thanh tra Chính phủ đề nghị xem xét tính chính xác của kết luận của Thanh tra Hà Nội, khẳng định 59ha đất Đồng Sênh là đất nông nghiệp của Đồng Tâm từ bao đời nay, không phải đất quốc phòng. Mảnh này tiếp giáp với mảnh 47,36ha đã được giao cho Bộ Quốc phòng từ lâu như một phần của sân bay Miếu Môn.

Theo người Đồng Tâm, các cán bộ địa phương đã lập lờ khi báo cáo về hai khu đất này khiến chính quyền hiểu nhầm khu 59ha cũng trùng với khu .

Dân Đồng Tâm tổ chức các buổi họp truyền hình trực tiếp trên Facebook hàng tháng để thông báo diễn biến mới trong vụ tranh chấp đất đai với chính quyền.

26/3/2018: Quân đội cho đào hào quanh khu 47,63ha để phân định với khu đất nông nghiệp Đồng Sênh khiến dân Đồng Tâm rất phấn khởi. Ông Lê Đình Công nói với BBC vào thời điểm đó rằng "Quân đội đã có chiều hướng ủng hộ nhân dân Đồng Tâm".

25/4/2019: Thanh tra Chính phủ khẳng định nội dung kết luận thanh tra đất đai tại xã Đồng Tâm (huyện Mỹ Đức) của Thanh tra Hà Nội là chính xác, khiến khơi lại tranh chấp vốn đã nóng bỏng giữa chính quyền với người dân nơi đây.

Ông Lê Đình Công nói với BBC News Tiếng Việt ở thời điểm đó rằng "dân Đồng Tâm sẵn sàng đổ máu để giữ đất".

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét