Bài đăng phổ biến

Thứ Hai, 13 tháng 4, 2020

TRONG ĐẠI DỊCH QUAN HỆ VIỆT MỸ THÊM NỒNG ẤM

TRONG ĐẠI DỊCH, QUAN HỆ VIỆT - MỸ THÊM NỒNG ẤM

dai su my: "my luon sat canh cung viet nam doi pho dai dich covid-19" hinh 1
 Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink.



Đại sứ Mỹ: “Mỹ luôn sát cánh cùng Việt Nam đối phó đại dịch Covid-19”



Đây là lời khẳng định của Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink trong cuộc phỏng vấn với VOV diễn ra chiều 13/4. VOV xin trân trọng giới thiệu nội dung bài phỏng vấn:

Phóng viên: Đại dịch Covid-19 đang tác động tiêu cực đến hàng triệu người, đến nhiều nền kinh tế và nhiều xã hội ở khắp mọi nơi, trong đó có Việt Nam. Ông đánh giá như thế nào về công tác phòng chống dịch bệnh tại Việt Nam thời gian qua?

Đại sứ Daniel Kritenbrink: Chúng tôi cho rằng, Việt Nam đang làm rất tốt công việc của mình trong việc ứng phó với Covid-19. Chính phủ và nhân dân Việt Nam đã rất chủ động, tích cực, hợp tác và minh bạch trong việc này.

Chúng tôi hết sức ấn tượng về cách thức ứng phó của Việt Nam và rất cảm kích về điều này. Ngay từ ban đầu, Việt Nam đã triển khai các nỗ lực mang tính quốc gia để xác định những người mắc bệnh, cách ly những người tiếp xúc với họ và thực hiện xét nghiệm. Cung cấp các thông tin kịp thời, chính xác tới cộng đồng. Huy động toàn bộ nguồn nhân lực và vật lực nhằm hỗ trợ các bệnh viện và cơ sở y tế để đạt được một kết quả tích cực trong ứng phó với dịch bệnh.

Nếu nhìn vào kết quả hiện tại, chúng ta có thể nói rằng, những nỗ lực của Việt Nam đang được đền đáp. Việt Nam về cơ bản đã kiểm soát được dịch bệnh, số ca mắc Covid-19 khá thấp và chưa có ca tử vong. Một lần nữa, tôi muốn khẳng định rằng, Việt Nam đang làm rất tốt công việc của mình và như tôi đã nói trước đây, chúng tôi rất tự hào được làm đối tác của Việt Nam và chúng tôi luôn sát cánh cùng Việt Nam trong công tác ngăn chặn dịch bệnh này.

Phóng viênCác cơ quan và chuyên gia y tế hai nước đã có nhiều hình thức trao đổi thông tin, số liệu để cùng ứng phó với dịch bệnh như thế nào?

Đại sứ Daniel Kritenbrink: Tôi có thể tự hào nói rằng, Việt Nam và Mỹ có mối quan hệ hợp tác y tế lâu dài. Nhóm công tác lớn nhất làm việc trong các phái bộ của Mỹ chính là nhóm công tác về y tế với hơn 100 nhân lực hợp tác cùng các đối tác Việt Nam. Đó là những đại diện từ Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC), Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID), Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao cùng nhiều cơ quan khác…

Mục tiêu hợp tác của Mỹ với Việt Nam là nhằm giúp Việt Nam xây dựng năng lực y tế, bao gồm năng lực theo dõi và phòng chống dịch bệnh. Chúng tôi thực hiện việc này trong khuôn khổ Chương trình Nghị sự An ninh Y tế Toàn cầu và chúng tôi phải nói lại rằng, Việt Nam là một đối tác tuyệt vời.

Trong vòng 20 năm qua, Mỹ đã hỗ trợ trên 700 triệu USD cho Việt Nam nhằm xây dựng năng lực y tế. Mới đây nhất, USAID đã cung cấp thêm 2,9 triệu USD cho Việt Nam để giúp nước này đối phó với đại dịch Covid-19. Đó là chưa kể sự ủng hộ của Mỹ thông qua Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và hợp tác giữa Mỹ với Bộ Y tế Việt Nam. Hợp tác giữa WHO và Bộ Y tế Việt Nam sẽ giúp triển khai việc giám sát, xét nghiệm y tế, ứng phó với đại dịch, đào tạo nhân lực trong kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh.

Tuy nhiên, quan điểm của Mỹ là chúng tôi không chỉ hỗ trợ về tài chính để Việt Nam xây dựng năng lực y tế mà còn cả hỗ trợ về kỹ thuật. CDC Mỹ có một đội ngũ chuyên gia rất mạnh đang làm việc trực tiếp với Bộ Y tế Việt Nam trong rất nhiều lĩnh vực. Chúng tôi cung cấp hỗ trợ về kỹ thuật trong việc giám sát dịch bệnh, phân tích dữ liệu, xét nghiệm và điều tra thực địa, kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh… Sự hợp tác này đã được triển khai tại 20 tỉnh, thành của Việt Nam. CDC Mỹ đã có mặt tại nhiều bệnh viện, phòng thí nghiệm tại các địa phương.

Một lần nữa, tôi rất tự hào về mối quan hệ đối tác mạnh mẽ và lâu dài về y tế giữa Mỹ và Việt Nam và chúng tôi cũng rất tự hào vì hai nước đã cùng chung tay trong cuộc chiến đẩy lùi dịch Covid-19.

Những dòng cảm ơn của Tổng thống Mỹ trên trang Twitter cá nhân

Phóng viên: Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 8/4 lên Twitter cảm ơn ngay sau khi chuyến bay chở hàng trăm ngàn trang phục bảo hộ phòng chống Covid-19 từ Việt Nam hạ cánh tại Mỹ. Điều này đã chứng minh cho sức mạnh của quan hệ đối tác Mỹ-Việt Nam. Vậy trong lĩnh vực kinh tế thì hoạt động này sẽ được thúc đẩy như thế nào trong giai đoạn tới đây?

Đại sứ Daniel Kritenbrink: Tôi muốn làm rõ hai điểm chính sau. Thứ nhất, chúng tôi rất tự hào được làm việc với đối tác Việt Nam cũng như hai công ty lớn của Mỹ là DuPont và FedEx đã triển khai các nỗ lực chung để có thể nhanh chóng chuyển hàng trăm nghìn thiết bị bảo hộ từ Việt Nam sang Mỹ. Điều này đã đóng góp trực tiếp cho cuộc chiến chống Covid-19 tại Mỹ và bảo vệ cho các nhân viên y tế Mỹ.

Chúng tôi cũng rất tự hào vì những trang phục bảo hộ này được sản xuất tại Việt Nam và nhờ có sự hợp tác của Chính phủ Việt Nam, FedEx đã có thể chuyển những trang phục bảo hộ của DuPont sang Mỹ.

Nhưng, quan điểm chính thứ 2 của tôi là, các bạn đã đề cập đến hợp tác kinh tế. Chúng tôi cho rằng, hợp tác kinh tế, thương mại chính là trọng tâm trong mối quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ. Chúng tôi tin tưởng rằng, mối quan hệ kinh tế, thương mại sẽ vẫn là nền tảng chính trong quan hệ giữa hai nước và mối quan hệ này sẽ được duy trì và thúc đẩy trong tương lai.

Tuy nhiên, chúng tôi đặc biệt tự hào vì trong giai đoạn rất khó khăn này, chúng ta vẫn có thể hợp tác để đưa những bộ trang phục bảo hộ này sang Mỹ. Chúng tôi rất cảm kích trước sự ủng hộ của Việt Nam về sự hợp tác này.

Phóng viên: Năm 2020 đánh dấu kỷ niệm 25 năm ngày bình thường hóa quan hệ kinh tế giữa Hoa Kỳ và Việt Nam. Trong thời gian tới cần có những chính sách gì để doanh nghiệp, nhà đầu tư hai nước tiếp tục thúc đẩy hợp tác phát triển, đặc biệt là vượt qua những khó khăn do đại dịch Covid 19 gây ra?

Đại sứ Daniel Kritenbrink: Đây là một câu hỏi rất quan trọng. Chúng tôi rất vui mừng về dấu mốc này. Trong 25 năm qua, Mỹ và Việt Nam đã có mối quan hệ đối tác gần gũi. Việt Nam là đối tác quan trọng nhất của Mỹ trong khu vực và chúng ta đã hợp tác trong rất nhiều lĩnh vực rộng lớn như kinh tế, thương mại, an ninh, phát triển, giáo dục, y tế và năng lượng. Chặng đường 25 năm qua là thật đáng kinh ngạc.

Các bạn có đề cập cụ thể đến việc chúng ta cần làm gì để thúc đẩy mối quan hệ thương mại đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 như hiện nay. Tôi muốn nói rằng, hai nước cần duy trì những gì đã đạt được hiện nay và tập trung mở rộng hợp tác thương mại trong những lĩnh vực hai bên có đủ khả năng thực hiện.

Cụ thể, trước những thách thức hiện nay do dịch bệnh Covid-19 gây ra, tôi nghĩ rằng, lãnh đạo và nhân dân hai nước cần hợp tác để tìm ra cách thức làm thế nào để “tái khởi động” nền kinh tế toàn cầu và vượt qua những thách thức của dịch Covid-19.

Tôi tin tưởng rằng, Mỹ và Việt Nam sẽ hợp tác tích cực trong vấn đề này. Mỹ sẽ tiếp tục là đối tác của Việt Nam và tôi biết rằng, các đối tác của tôi ở USAID cũng sẽ tiếp tục triển khai các chương trình của họ để ủng hộ mạnh mẽ Việt Nam trong việc chống lại đại dịch này, đặc biệt là các dự án hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Phóng viên: Xin cảm ơn ông!./.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét