Bài đăng phổ biến

Thứ Bảy, 3 tháng 11, 2012

Đại Nam Văn Hiến: đầy thơ "con cóc", thờ "hầm bà lằng"

Suy ngẫm từ Khu Du lịch Đại Nam

(Petrotimes) - Với một số người thì đồng tiền không thể khỏa lấp được cái vốn văn hóa yếu kém của bản thân và thế là họ trở thành trọc phú. Và thật buồn cho xã hội chúng ta là những trọc phú này lại mang vốn văn hóa thấp kém của họ ra phô diễn ở những công trình văn hóa công cộng.
Tôi biết Khu Du lịch Đại Nam từ khi vẫn còn đang là công trường cách đây 5 năm, lúc đó công trình này còn được mang cái tên vô cùng đại ngôn: “Đại Nam Quốc Tự”.
Tôi cũng đã được vào nơi thờ cúng ở gian điện chính và thực sự không còn có thể hiểu nổi đây là cái chốn gì.
Ông chủ Khu du lịch (có biệt danh là Dũng “lò vôi”, một người có thời kỳ được coi là người tài về làm kinh tế), đã cho đặt ở điện thờ một bên là dòng họ Huỳnh nhà ông ta, một bên là các bậc Thần, Phật, Thánh và cả những người như Trần Hưng Đạo, Hồ Chí Minh…, còn một bên nữa thì ông ta cho thờ bách gia trăm họ…
Nhưng gần đây khi tôi tới thì cái tên Đại Nam Quốc Tự đã được đổi đi, việc thờ cúng cũng đã được thay đổi tí chút.
Kinh hoàng nhất tại khu này là những loại thơ phú, câu đối cực kỳ nhảm nhí, thiếu văn hóa, mà nói một cách sòng phẳng thì đây là một công trình văn hóa lố bịch, kệch cỡm nhất Việt Nam. Phải công nhận đây là một khu công viên văn hóa được đầu tư khối lượng tiền khổng lồ, quy mô hoành tráng và cũng tạo ra một nơi thu hút được khách đến tham quan giải trí. Nhưng đã là một công trình văn hóa thì mọi thứ ở trong đấy đều phải được thể hiện là có văn hóa. Có như vậy ý nghĩa giáo dục, khai sáng, giải trí mới được phát huy. Việc đưa những câu thơ phú “ba lăng nhăng” chứng tỏ ông chủ của công trình này có một “phông” văn hóa rất hạn chế. Nếu như việc treo, in những câu đối, thơ phú đó trong nhà ông ta thì muốn làm gì thì làm, nhưng đây lại là công trình văn hóa phục vụ cho mục đích công cộng thì những tiêu chí tối thiểu về văn hóa cũng phải được đáp ứng. Việc lựa chọn chữ nghĩa treo ở những công trình này phải rất cẩn thận và phù hợp với mục đích của từng công trình. Còn không thể có một cái thứ công trình mà người ta cậy có tiền rồi muốn tô vẽ lên đó như thế nào thì tô vẽ, thậm chí muốn nhào nặn cả lịch sử theo ý của họ.
Thiết nghĩ, các cơ quan có trách nhiệm quản lý văn hóa ở địa phương cần phải có sự kiểm tra, giám sát và đặt ra những tiêu chí văn hóa của một công trình công cộng, chứ không thể để cậy có tiền thích làm gì thì làm.
Thời gian gần đây, do nền kinh tế nước nhà phát triển mạnh mẽ và có một tầng lớp người rất giàu, cực giàu. Trong những người này, không ít người từng khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng và họ làm giàu bằng trí thông minh bẩm sinh, bằng sự gan dạ (có chí làm quan, có gan làm giàu), và bằng cả sự may mắn nữa. Nhưng đồng tiền không thể khỏa lấp được cái vốn văn hóa yếu kém của bản thân và thế là họ trở thành trọc phú. Và thật buồn cho xã hội chúng ta là những trọc phú này lại mang vốn văn hóa thấp kém của họ ra phô diễn ở những công trình văn hóa công cộng. Rõ ràng để những công trình văn hóa mà phản văn hóa như ở Đại Nam là lỗi và trách nhiệm của cơ quan quản lý văn hóa tỉnh.
Bảo Sơn

Phản văn hóa ở một công trình… văn hóa!

(Petrotimes) - Nếu đến Đại Nam chỉ để vui chơi, giải trí thì không có vấn đề gì, còn đến để tìm hiểu thêm về văn hóa Việt Nam thì khách tham quan chắc chắn sẽ thất vọng. Một công trình mang tiếng văn hóa Việt nhưng chẳng thể hiện được nét văn hóa truyền thống của dân tộc, mà lại là sự cóp nhặt một cách thô thiển và thiếu hiểu biết về văn hóa Việt Nam.
Đến Khu Du lịch Đại Nam thuộc tỉnh Bình Dương, nhiều người sẽ ngỡ ngàng trước những công trình nhân tạo đồ sộ như các khu thờ tự, khu dã ngoại, khu vui chơi, ẩm thực, biển, vườn thú… Tất cả đều rất quy mô và lộng lẫy, làm choáng ngợp khách tham quan. Nhưng ngỡ ngàng bao nhiêu thì thất vọng bấy nhiêu bởi có quá nhiều thứ hỗn độn, lai căng ở một khu du lịch được cho là xây dựng nhằm hướng về văn hóa Việt Nam, nơi đánh thức lòng tự hào dân tộc.
Từ ngỡ ngàng…
Dù đã nghe và thấy nhiều hình ảnh về Khu Du lịch Đại Nam (Đại Nam Văn Hiến) nhưng đến tận nơi, chúng tôi cũng không khỏi ngỡ ngàng trước sự hoành tráng của các công trình. Được xây dựng trên khuôn viên 450ha với tổng kinh phí khoảng 6.000 tỉ đồng mà theo nhiều nguồn tin thì Đại Nam Văn Hiến sau khi hoàn thành sẽ là khu phức hợp vui chơi giải trí lớn nhất Đông Nam Á. Hiện nay, tuy mới hoàn thành giai đoại 1 trên 261ha nhưng cũng đủ làm choáng ngợp bao khách tham quan. Cái gì cũng to lớn, lộng lẫy ở mức được đưa vào kỷ lục Việt Nam.

Khu du lịch Đại Nam
Từ ngoài cổng vào đến địa điểm tham quan cả cây số, dọc hai bên đường là dãy khách sạn đạt chuẩn quốc tế được xây dựng giống như những bức tường thành. Khá hoành tráng là khu biển Đại Nam với quy mô 21,6ha, sức chứa lên đến 30.000 người và khuôn viên 12,5ha là vườn thú với nhiều loại quý hiếm như sư tử trắng, ngựa vằn, hổ trắng, hươu cao cổ, khỉ sóc Nam Mỹ. Khu giải trí hiện đại với hơn 40 trò chơi, hầu hết các trò chơi lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam như tàu lốc xoáy, vượt thác, thám hiểm bầu trời… Ngoài ra, ở đây còn có rạp chiếu phim vòm 4D là sự kết hợp kỹ thuật công nghệ phim 3D và màn hình vòm 180o, mang lại cảm giác như thật cho người xem.
Nhưng hoành tráng và được trau chuốt nhất phải kể đến khu thờ tự với đền Đại Nam (Kim điện) và núi Bảo Sơn, được sách kỷ lục Việt Nam ghi nhận là ngôi đền lớn nhất và dãy núi nhân tạo dài nhất Việt Nam. Kim điện là một đền thờ được dát vàng 24k. Các bức tượng và những bức tranh trên tường đều được dát vàng và chạm trổ tinh tế, công phu. Cái lư hương to đùng, nặng hàng trăm ký cũng được dát vàng; rồi cả 2 cây nến to đặt trong chính điện, nghe đồn có thể cháy đến 1.000 năm. Phía sau khu điện thờ là núi Bảo Sơn, bên trong có một tháp thờ được bao bọc bởi dòng Bảo Giang trong vắt nhìn được tận đáy, cá lội tung tăng và trên các vách Bảo Sơn thì chim yến rủ nhau về làm tổ. Đúng như lời quảng bá đây là khu du lịch thần tiên. Cảnh trí như trong cổ tích.
Việc xây dựng công trình Đại Nam Văn Hiến đã góp phần đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí cho người dân Việt Nam và tạo thêm công ăn, việc làm cho người dân nơi đây. Vào các dịp lễ, tết khách tham quan từ các nơi đổ về đông nghịt. Ngày cao điểm có thể lên đến 40.000-50.000 lượt khách tham quan.
Nhưng, nếu đến Đại Nam chỉ để vui chơi, giải trí thì không có vấn đề gì, còn đến để tìm hiểu thêm về văn hóa Việt Nam thì khách tham quan chắc chắn sẽ thất vọng. Những công trình to lớn, đồ sộ, rực rỡ trước mắt chỉ để lại cảm giác ngỡ ngàng, choáng ngợp ban đầu. Tìm hiểu kỹ mới thấy thật tiếc cho một công trình mang tiếng văn hóa Việt nhưng chẳng thể hiện được nét văn hóa truyền thống của dân tộc, mà lại là sự cóp nhặt một cách thô thiển và thiếu hiểu biết về văn hóa Việt Nam.
Đến thất vọng…
Được quảng bá “là một công trình tôn vinh và vọng ngưỡng những tinh hoa của dân tộc Việt Nam qua 4.000 năm văn hiến”, nhưng khác với những gì được quảng bá, cả công trình như là một mớ hỗn độn mà nhiều người nhận xét giống đống xà bần.

Một góc khu du lịch Đại Nam
Theo Kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thái, đối với giới kiến trúc chúng tôi thì khu du lịch này là một thất vọng lớn. Ở đây có sự lẫn lộn rất tai hại về tên gọi, ý nghĩa các công trình với kiến trúc xây dựng. Đây là khu du lịch, vui chơi giải trí, khu hành hương tôn giáo hay công trình văn hóa? Về mặt nghệ thuật, kiến trúc và trang trí, các công trình ở đây có rất nhiều điều đáng bàn. Nhất là khi chủ nhân tự xưng đã xây dựng một “công trình hướng về văn hiến Việt Nam”. Thử hỏi có gì là văn hóa, nghệ thuật Việt khi nhà cửa toàn mái cong, rồng phượng cóp nhặt kiểu Trung Quốc. Chạm trổ cũng sao chép thô thiển họa tiết trang trí Trung Hoa, từ chiếc đèn đá, phù điêu cho đến vườn cảnh, hòn non bộ… Hình tượng binh lính có mặt nơi đây cũng không có gì gọi là Việt Nam, chỉ rặt một sự cóp nhặt hình ảnh các phim cổ trang Trung Quốc.
Đến khu thờ tự người ta dễ dàng nhận ra các cầu dẫn đến điện thờ là những đường đá như những chiếc cầu rộng nối từ điện này đến điện kia, được mô phỏng theo kiểu đường dẫn vào các điện ở Cố Cung (Trung Quốc) và cầu thang đi lên điện có bệ rồng ở giữa cũng làm theo kiểu bậc thang vào Thiên đàn (Đàn tế trời ở Trung Quốc) chỉ có sự thay đổi một số họa tiết.
Về mặt thờ tự, đền thờ Đại Nam lại tiếp tục thách đố các nhà nghiên cứu văn hóa, tôn giáo, lịch sử, dân tộc học… Bởi ở đây thực hiện cách bài trí thờ tự có một không hai. Ở dãy bên phải của Kim điện thờ Ngô Quyền và bài vị của tất cả các triều đại trong lịch sử Việt Nam: Đinh, tiền Lê, Lý, Trần, Hồ, hậu Lê, nhà Mạc, nhà Nguyễn, nhưng không hiểu sao, ở bậc trên cùng lại thờ tượng Quán Thế Âm bồ tát, tượng Di Lặc và Phật mẫu Chuẩn Đề. Cách bài trí như vậy, có lẽ chỉ có chủ nhân mới hiểu, còn theo như cách nghĩ của chúng tôi, dưới thời Lý – Trần, Phật giáo hưng thịnh thì bài trí như vậy cũng được cho là có căn cứ, nhưng sang thời hậu Lê, nhà Lê lấy thuyết Nho giáo của Chu Tử làm mẫu mực cho cách cai trị của triều đại. Nho giáo trở thành quốc giáo và hệ tư tưởng chính thống của thời đại. Trong trường hợp này thì cách bài trí thờ tự như vậy không phải là có vấn đề hay sao?
GS-TS Ngô Văn Lệ cho rằng: Việc thờ các nhà nước phong kiến như trên vẫn có các giai đoạn bị đứt quãng. Vì trong lịch sử còn có những thời kỳ mà nhiều lực lượng khác nổi lên và bản thân của những lực lượng đó cũng đóng vai trò quan trọng như thời kỳ Trịnh – Nguyễn phân tranh… Do đó, ngay cả trưng bày trong một Bảo tàng Lịch sử cũng không có cách thờ như vậy. Đồng thời, trong tư duy của Việt Nam là “tam giáo đồng quy” (nho, phật, lão), chưa bao giờ người ta chỉ đề cao Phật giáo. Do đó, đặt Phật giáo lên trên cùng rồi phía dưới là các triều đại Việt Nam thì cũng không phù hợp.
Ở giữa Kim điện vị trí thờ được sắp xếp như sau: Theo chiều dọc trên cùng là Phật tổ, rồi đến Vua Hùng, rồi đến Trần Nhân Tông. Hai bên bàn thờ này là các bàn thờ Thần tài – Thổ địa – Tổ đức Thành hoàng, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hồ Chí Minh, Vua Hùng, Đức thánh Trần Hưng Đạo, Quốc mẫu Âu Cơ, Cửu huyền Thất tổ (thờ gần 2.000 dòng họ Việt Nam).
GS-TS Ngô Văn Lệ nhận định: “Cách thờ như vậy đúng là “tạp pí lù”, tôn giáo có, người trần mắt thịt có, nhân vật truyền thuyết có rồi tín ngưỡng dân gian cũng có. Thờ tự là phải có nguyên tắc chứ không phải có cái gì cũng bê hết lên ban thờ được. Ở chùa thường chỉ thờ phật, còn đền thì thờ thánh thần. Không ai lại để Phật tổ lên trên cùng rồi ở dưới là Vua Hùng rồi đến Trần Nhân Tông. Vì Phật tổ là một nhân vật thuộc về tôn giáo có nguồn gốc tận Ấn Độ còn vua Hùng thuộc về truyền thuyết, giả sử của Việt Nam, không liên quan gì đến nhau. Dưới phật thường là các đệ tử nhà phật và cũng có quy định rất rõ ràng vị trí thờ tự chứ không phải muốn đặt đâu thì đặt. Tôi chắc chắn các sư thầy mà nhìn thấy cách thờ tự như thế này cũng không đồng ý”.
Còn Thần tài là cách thờ tự của người Hoa du nhập vào Việt Nam, người Việt chủ yếu là dân kinh doanh buôn bán mới thờ chứ người làm các nghề khác ít khi thờ. Và thông thường Thổ địa, Thần tài, Thành hoàng có miếu thờ riêng. Thờ Cửu huyền, Thất tổ cũng là ảnh hưởng của Trung Hoa. Nhìn chung, cách phối trí thờ tự tại Đại Nam không tìm ra được một mối quan hệ gì để làm chuẩn chung những nhân vật được thờ ở đây. Nếu xét về tôn giáo thì thờ Phật tổ; tín ngưỡng dân gian thì thờ Thần tài, Thổ địa, Thành hoàng, Cửu huyền Thất tổ; xét về người có công với đất nước thì thờ Hồ Chí Minh, Trần Hưng Đạo; nhà thơ, nhà văn có ông Nguyễn Bỉnh Khiêm; truyền thuyết, giã sử thì Âu Cơ, Vua Hùng… Do đó, cách thờ ở Đại Nam không theo một truyền thống tôn giáo hay một logic nào cả.
Trong xã hội có thể cùng tồn tại nho, phật, lão và tín ngưỡng dân gian nhưng trong phối cảnh thờ cũng ít xảy ra trường hợp này. Ở gia đình có thể “thế nọ, thế kia” được nhưng ở phương diện cộng đồng không thể có chuyện thờ tự linh tinh như vậy được.
Ở đây, dường như chủ nhân khu du lịch muốn thờ tất cả, từ cổ chí kim, từ nhân vật trong truyền thuyết đến nhân vật hiện thực, từ tôn giáo, tín ngưỡng dân gian đến các vị anh hùng dân tộc, các nhà văn, nhà thơ… Đồ thờ tự cũng có thể do bản thân chủ khu du lịch tự nghĩ ra chứ không theo một chuẩn nào, rất tùy ý, ngẫu hứng, chưa thấy ở nơi nào có cách bố trí thờ tương tự như vậy. Thông thường khi xây một nơi thờ tự người ta đã định vị sẵn các vị trí thờ tự, cao thấp ra sao và tất cả có quy định của nó nhưng tại đây do không theo một chuẩn mực, một quy tắc nào nên vị trí thờ tự cũng thay đổi lung tung, lúc thờ ở đây, lúc dời sang nơi khác. Trước đây, ở giữa Kim điện thờ Phật tổ, rồi Vua Hùng, rồi đến Hồ Chí Minh; sau nay đổi lại là Phật tổ, Vua Hùng, Trần Nhân Tông, còn bàn thờ Hồ Chí Minh được dời sang bên trái. Ban đầu, ông chủ này còn đem cửu huyền thất tổ của họ Huỳnh nhà mình để thờ trong Kim điện nhưng chắc do dư luận gièm pha nhiều nên đã được dời riêng ra phía sau núi để thờ tự.
Theo PGS-TS Phan An, Khu Du lịch Đại Nam mang tính chất giải trí hiện đại nhiều hơn, những cái thể hiện văn hóa truyền thống dân tộc rất ít và mờ nhạt, có nhiều điều chưa đúng với truyền thống văn hóa dân tộc. Ngoài kiến trúc, thờ tự thì thơ văn, câu đối ở đây cũng rất “lung ta lung tung” nôm không ra nôm, hán không ra hán. Bởi vậy, không phải cứ dát vàng, dát ngọc là sang là quý phái. Để được người khác nhìn nhận, tôn trọng thì văn hóa thể hiện vẫn là yếu tố rất quan trọng.

Kinh hoàng văn chương ở khu Du lịch Đại Nam

(Petrotimes) - Đọc những tác phẩm văn thơ ở đây người ta mới “tá hỏa” vì nhiều câu không chỉ sai cơ bản về gieo vần, thanh điệu, rỗng tuếch về nội dung mà còn hỏng về mặt kiến thức một cách nghiêm trọng.



Khu du lịch Đại Nam
Đến Đại Nam Văn Hiến là một “biển thơ”, đâu đâu cũng thơ, văn, câu đối. Nếu không có thời gian để đọc, để hiểu kỹ thì có thể mua về “nghiên cứu” vì đã được in thành sách, chép ra đĩa. Nhưng đọc những tác phẩm văn thơ ở đây người ta mới “tá hỏa” vì nhiều câu không chỉ sai cơ bản về gieo vần, thanh điệu, rỗng tuếch về nội dung mà còn hỏng về mặt kiến thức một cách nghiêm trọng. Vậy mà tác giả của nó lại tỏ ra rất uyên bác, làm thơ nói về tất cả các vấn đề tự cổ chí kim… rồi đem trưng bày, quảng bá khắp nơi.
Những bài thơ kinh hoàng!
Bước vào cổng của Đại Nam thì đã thấy thơ, câu đối khắc đầy trên các cổng chào. Nhiều nhất là ở khu thờ tự. Hễ mảng tường nào còn trống là có thơ, câu đối. Hầu hết đều ghi tên 2 tác giả là Huỳnh Ngu Công và Huỳnh Uy Dũng. Được biết, Huỳnh Uy Dũng là tên được đổi lại sau của ông chủ khu du lịch này (trước đây là Huỳnh Phi Dũng), còn Huỳnh Ngu Công là ai nhiều người vẫn đang đặt câu hỏi. Có phải là một người họ Huỳnh lấy “bút danh” theo tích “Ngu Công di sơn” ở Trung Quốc? Nhưng điều quan trọng là chữ nghĩa, thơ văn của ông ta như thế nào mà lại được chạm trổ, sơn son thếp vàng, khắc lên các bức tường của một “công trình văn hóa” cho thiên hạ chiêm ngưỡng.
Kim điện được “bao vây” bởi thơ Huỳnh Uy Dũng. Nhưng đọc những bài thơ này thì mọi người mới hỡi ơi thất vọng vì “chỉ tổ hại não”.
Chưa nói về nội dung mà chỉ xét về cấu trúc, từ ngữ thì cũng đã “mệt” với cách làm thơ, làm câu đối của Huỳnh Ngu Công và Huỳnh Uy Dũng. Viết hoa lung tung, rồi Hán, Việt lẫn lộn. Mà Hán, Việt lẫn lộn là điều kỵ nhất trong thơ, văn. Đến những chuyên gia về Hán Nôm cũng đau đầu nhức óc vì không biết tác giả viết bài thơ có nội dung gì? Giảng viên Bộ môn Hán Nôm, Đại học KHXH&NV TP HCM, Thạc sĩ Nguyễn Văn Hoài nhận xét về một số bài thơ, câu đối ở Đại Nam như sau:
Bài thơ ký tên Huỳnh Ngu Công:
“Đại địa phương liên khai trí tuệ
Nam thiên hồng nhật chiếu quang minh
Văn kinh rạng rỡ phô hằng nguyệt
Hiến điểm huy hoàng tỏ đế minh”
Đang là bài thơ chữ Hán – Việt lại xen vô những từ thuần Việt là “tỏ, rạng rỡ”
Bài thơ “Kính dâng anh linh mười tám đời Vua Hùng” (Huỳnh Uy Dũng) lại là một sự so sánh khập khiễng, 18 đời Vua Hùng lại được so sánh giống như chiếc quạt của Tiên Dung?
“Mười tám đời vua một chữ Hùng
Y như chiếc quạt phất Tiên Dung”
Hoặc những câu như:
“Về thăm văn hiến Hàn Thuyên
Câu thơ lục bát điệu huyền Nam Ai
Về thăm văn hiến Như Lai
Khi về chở cả trúc mai Việt Thường”.
(Huỳnh Ngu Công)
Cả bài thơ đang nói về văn hóa Việt Nam đột nhiên lại xen “Như Lai” vào, không ăn nhập gì với những câu khác…
Những câu đối được in trên cột ở cổng chào cũng rất lung tung. Cụ thể như câu: “Đại hải thiên tâm phô nguyệt điện/ Nam thiên nhất trụ trổ liên đài”. Cả câu đối là từ Hán – Việt lại xen vào từ “trổ” là từ thuần Việt làm hỏng nguyên cả câu đối. Hay một câu khác tương tự là: “Văn tư bút thái kinh long phụng/ Hiến ý chương tình đẹp trúc mai”. Cũng đang là từ Hán – Việt lại xen vào chữ “đẹp” là thuần Việt. Tiếp tục câu đối: “Tâm đài nhật nguyệt ân quang chiếu/ Linh địa giang sơn hỷ khí lâm”. Vì không có nguyên tác chữ Hán nên không biết từ “lâm” có nghĩa là gì. Nếu “hỷ khí lâm” có nghĩa là “rừng không khí vui vẻ” thì chữ “lâm” là rừng không đối được với chữ “chiếu”, vì “lâm” là danh từ còn “chiếu” là động từ. Còn câu: “Đại Việt tứ phương tôn chính khí/ Nam Bang vạn đại niệm công thần”. Ở câu này phải đối là “thần công” thì đúng hơn vì “công thần” theo câu đối trên là kết cấu từ vựng tiếng Việt không phải là kết cấu từ Hán – Việt.
Ở những bài thơ này có nhiều lỗi nghiêm trọng về kiến thức. Hậu thế mà cứ dựa vào đây để học thì không biết sẽ tai hại đến mức nào. Đơn cử trong bài “Tam” của Huỳnh Uy Dũng có đoạn viết:
“Tam hữu tuế hàn”: Tùng, Cúc, Mai
Ba cây chịu lạnh giữa đêm dài
Kết duyên bầu bạn tam quân tử
Phản nại sương lăng tuyết ngạo hoài”
Tùng, trúc, mai là 3 loài hoa mộc được mệnh danh là “Tuế hàn tam hữu” (Ba bạn hữu trong gió rét). Là một cách biểu thị tình cảm của người Trung Quốc. Vì ở Trung Quốc trong gió bắc lạnh thấu xương thì chỉ có ba loại này vẫn tươi tốt, nó tượng trưng cho đức tính của người quân tử vượt lên trên nghịch cảnh. Trong thơ của Huỳnh Uy Dũng “Tuế hàn tam hữu” được đổi lại là “Tam hữu tuế hàn” cho nhất quán với cách viết của bài thơ “Tam” mà mở đầu mỗi đoạn thơ đều bắt đầu bằng chữ tam. Nhưng không hiểu vì sao qua thơ của ông Huỳnh Uy Dũng “Tuế hàn tam hữu” lại bị đổi thành 3 loại cây là: tùng, cúc, mai? Ngoài ra, đây cũng là những câu thơ rất lung tung đang từ Hán chuyển sang Việt rồi từ Việt lại đột ngột chuyển sang chữ Hán.

Cổng chào ở Đại Nam được khắc đầy thơ và câu đối của Huỳnh Ngu Công
Và có lẽ thấy “tài năng” của mình cũng không kém Đại thi hào Nguyễn Du nên ông Huỳnh Uy Dũng làm hai tập thơ lục bát cả ngàn câu có tựa đề “Những bước về Tâm” và “Những bước về Linh”. Không phải chỉ vì ông ta làm thơ lục bát mà chúng tôi nghĩ như vậy mà còn vì đọc 2 tập thơ này thấy rất nhiều câu trong “Truyện Kiều” được lấy lại như: “Trăm năm trong cõi người ta – Chữ Trung chữ hiếu ấy là đạo nhân” hay “Một khi lẽ đạo tỏ tường – Tâm linh Việt vượt Đoạn Trường Tân Thanh”, “Trăm năm trong cõi người ta – Mua vui cũng được một vài trống canh”, Lấy ngay câu mở đầu Kim Kiều, là: – Trăm năm trong cõi người ta – Đủ suy ra lý “Người – ta, ta – người”…
Nhưng đọc 2 tập thơ của ông Huỳnh Uy Dũng thì phải nói là khủng khiếp!
Chúng tôi dám chắc rằng ai đọc 2 tập thơ này cũng không thể chấp nhận được kiểu làm thơ như: “Cây kia ăn quả ai trồng/ Sông kia uống nước hỏi dòng từ đâu”, “Đâm đầu vào lỗ Châu Mai!”, “Thằng Bờm có cái quạt mo/ Chín trâu không đổi mười bò không trao”, “Sơn Tinh đáng mặt đàn anh/ Nước bao cao, núi dướn mình cao hơn”. “Truyện trầu cau một tấm lòng/ Hai anh em nọ yêu chung một nàng/ Người anh cưới được hồng nhan/ Người em buồn bã đi lang thang đời”, “Vó ngựa Mông Cổ tới đâu/ Nơi ấy chỉ còn đầu lâu hoang tàn”…
Ngoài ra, trong 2 tập thơ trên còn trích ca dao và thơ của nhiều tác giả một cách rất tùy tiện chẳng hiểu nhằm mục đích gì và để thể hiện được nội dung gì như: “Nhiễu điều phủ lấy giá gương/ Quê ta lấy chữ quê hương làm đầu”, “Chở bao nhiêu Đạo con đò/ Một kho gió biếc, một kho trăng vàng/ Ơi cô tát nước bên đàng/ Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi?”…
Những câu thơ chẳng thấy có liên kết gì về nội dung, hết sức vô nghĩa. Chưa kể hàng loạt câu rất lủng củng, chẳng biết phải xếp vào thơ, văn hay thứ gì khác, giống như chỉ đếm cho đủ câu 6, câu 8 như:
“Mà văn hóa dựng kỳ công
Với những nét đặc thù không tiệp màu
…Vì trong Văn Hóa diệu kỳ
Luôn có những bước chân đi tới hoài”
Kể ra chắc hết giấy cũng chưa nói hết được cái hỗn độn, bát nháo của thơ, văn ở Đại Nam Văn Hiến. Vì thơ, văn thì tràn ngập mà hầu như bài nào cũng “có vấn đề”.
Các nhà nghiên cứu nhức nhối
Tiến sĩ Nguyễn Nhã phải thốt lên “ông này chẳng hiểu gì về văn hóa Việt Nam” khi đọc những câu thơ của ông Huỳnh Uy Dũng nói về Việt Nam như sau: “Dù không thừa điệu cầm ca/ Dù không dư những tháp ngà văn chương/ Dù chưa lập thuyết, lập ngôn/ Dù nghèo lăng tẩm miếu đường uy nghi…”. Mặc dù, những câu sau là khen nhưng những câu “mào đầu” như vậy không đúng với văn hóa Việt Nam. Việt Nam ta rất phong phú các làn điệu âm nhạc chứ, riêng Nam Bộ đã có 300 điệu lý, quan họ cũng có 200 làn điệu, ca trù cũng có 46 thể loại… Lăng tẩm, miếu đường thì mình thiếu gì, mỗi làng là một đình uy nghi lắm chứ; còn lập ngôn, tháp văn chương cũng biết bao nhiêu người như Lý Thường Kiệt, Nguyễn Du, Trần Hưng Đạo…
Giáo sư Ngô Văn Lệ cũng bức xúc: Không biết sao thơ như thế mà được xuất bản. Thơ hay hay không là tùy vào khả năng của mỗi người cũng không ai trách nhưng đưa vào trong thơ những điều không chính xác là rất nguy hiểm vì thơ thường nằm lòng, tốc độ truyền bá rất nhanh, do đó phải rất thận trọng. Khi truyền tải một nội dung liên quan đến văn hóa, lịch sử đã quá rõ ràng thì không được làm sai.
Thạc sĩ Nguyễn Văn Hoài nhận xét: Đọc những bài thơ, câu đối ở Đại Nam thấy “lung ta lung tung” đủ thứ tư tưởng, ca ngợi đất nước, Nho giáo, Phật giáo, Đạo giáo đều có… Giống như cứ nghĩ gì thì bỏ vào mà không cần biết có quan hệ logic nội tại gì. Đây là những thứ thơ phổ thông thứ cấp không có giá trị về nghệ thuật. Mà thơ không đạt nghệ thuật thì chỉ như những câu vè thông tục. Dạng thơ kiểu này thì làm một lúc được cả đống. Thơ như vậy thì nên để trong nhà xem cho vui chứ đem ra cho thiên hạ xem chỉ tổ người ta cười cho.
Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Bảo Trâm, giảng viên Khoa Văn học và Ngôn ngữ Trường đại học KHXH&NV TP HCM cũng bức xúc khi đọc những bài thơ, câu đối ở Đại Nam: “Tôi thấy Khu Du lịch Đại Nam chán lắm. Nó tầm thường và không có gì nổi bật, chỉ được mỗi cái to, nhưng rỗng tuếch. Mớ câu đối, câu thơ được sơn son thếp vàng lộng lẫy in khắc trên các cột và bức tường thì gọi là thơ mà không phải là thơ, gieo vần, thanh điệu còn sai chứ đừng nói là nội dung. Không có ý nghĩa, không có giá trị. Còn tệ hơn những bài thơ con cóc”.
Ở đây, hình như có mốt của những người có tiền thích khoe chữ. Và có lẽ, ông chủ khu du lịch này cũng đang muốn khẳng định mình “có tài” về văn chương, am hiểu văn hóa Đông Tây Kim Cổ; để được mọi người nhìn nhận không chỉ là một “đại gia” mà còn là một người “uyên bác”. Nhưng có tiền là một chuyện còn văn hóa, học vấn lại là chuyện hoàn toàn khác mà chưa hẳn có nhiều tiền thì lấp được cái lỗ hổng ấy.
Nhưng dường như cái “dụng ý” của ông Huỳnh Uy Dũng cũng phần nào đạt được hiệu quả khi gần đây có nhiều bài báo ca ngợi ông không chỉ là một doanh nhân thành đạt mà còn là “tác giả của hàng nghìn câu thơ mang đậm chất giáo lý Phật học, chạm đến chất sử thi oai hùng của dân tộc 4.000 năm dựng nước và giữ nước”? làm cho nhiều bạn đọc “phục sát đất”…
Thiên Thanh – Mai Phương
 


Của xê ra, trả lại xê ra

Đi về còn chở là thế nào!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét