Bài đăng phổ biến

Thứ Năm, 29 tháng 11, 2012

Nhật Bản tăng liên kết quân sự, đối phó Trung Quốc

Nhật Bản nỗ lực nâng vị thế bằng một cách hoàn toàn mới: lần đầu tiên trong nhiều chục năm, Nhật cung cấp viện trợ quân sự cho nước ngoài, xây dựng mối liên kết với những nước đang đối phó với Trung Quốc.

Trong bối cảnh Trung Quốc trỗi dậy ngày càng mạnh về kinh tế và quân sự, đặc biệt là quân lực trên biển, nơi đang có tranh chấp với Nhật, Tokyo đã thầm lặng liên kết với các đối tác láng giềng. Nhật lần đầu tiên vượt rào kể từ sau Thế chiến II, cung cấp viện trợ quân sự cho nước ngoài, chuẩn y một gói viện trợ trị giá 2 triệu USD cho lực lượng công binh sang huấn luyện lính của Campuchia và Đông Timor về cứu nạn thiên tai và các kỹ năng khác như xây dựng đường sá.
Tàu chiến của Nhật Bản không chỉ tham gia các cuộc tập trận chung với quân đội của nhiều nước trong khu vực châu Á Thái Bình Dương, mà còn bắt đầu đến thăm cảng của các nước vốn lâu nay lo sợ sự hồi sinh về quân sự của Nhật Bản.
Sau khi đẩy mạnh các chương trình viện trợ dân sự để huấn luyện và trang bị cho lực lượng bảo vệ bờ biển của các quốc gia khác, các quan chức quốc phòng và các nhà phân tích Nhật Bản dự báo rằng nước này sẽ sớm tiến đến một mốc mới: bán các trang thiết bị quân sự như thủy phi cơ, hoặc có thể cả những chiếc tàu ngầm tàng hình chạy bằng dầu diesel thích hợp với các vùng biển cạn nơi mà Trung Quốc đang gia tăng đòi chủ quyền lãnh thổ.

Ranh giới giữa phòng vệ và tấn công

Tất cả các động thái trên, tuy còn khiêm tốn, nhưng chứng tỏ một sự thay đổi ở Nhật Bản. Nước này từng bác bỏ những lời kêu gọi liên tiếp của Mỹ về việc trở thành một cường quốc thực thụ ở khu vực, vì lo ngại rằng làm như vậy sẽ đi quá xa so với chủ nghĩa hòa bình thời hậu chiến mà Nhật đã xác định cho mình.
Quyết tâm thầm lặng vượt qua sự do dự để trở thành một thế lực trong khu vực đến vào lúc này, khi cả Mỹ và Trung Quốc đang quyết cạnh tranh để khẳng định quyền lực của họ ở châu Á. Đây cũng là lúc mà các tham vọng chủ quyền của Trung Quốc đang làm dịu nỗi cay đắng của một số nước Đông Nam Á từng bị người Nhật thống trị trong thế kỷ trước.

Tàu chiến và máy bay Nhật trong một cuộc tập trận tháng trước.
Động lực làm Nhật Bản thay đổi chiến lược an ninh quốc gia chính là cuộc tranh chấp căng thẳng với Trung Quốc về những hòn đảo không người trên biển Hoa Đông. Cuộc tranh chấp này làm gia tăng mối quan ngại của người Nhật rằng sự yếu kém của mình, và các cuộc đấu đá về tài chính của nước bảo trợ là Mỹ, đang làm cho Nhật ngày càng dễ bị tổn thương.
Keiro Kitagami, cố vấn đặc biệt về an ninh cho Thủ tướng Yoshihiko Noda, nói: “Trong thời kỳ chiến tranh Lạnh, mọi thứ Nhật Bản phải làm là theo Mỹ. Với Trung Quốc, thì giờ đây đã khác. Nhật Bản cần phải có lập trường của riêng mình.”
Những động thái này của Nhật Bản hoàn toàn không có nghĩa là Nhật có thể sẽ chuyển hóa quân đội, vốn đang hoàn toàn đóng vai trò phòng vệ, để sớm thành một lực lượng tấn công. Công chúng Nhật trong quá khứ từng chống lại nỗ lực của một số chính khách muốn sửa đổi hiến pháp hòa bình, và món nợ khổng lồ của đất nước sẽ hạn chế số lượng viện trợ quân sự của Nhật Bản cho nước ngoài.
Tuy nhiên, thái độ ở Nhật Bản ngày một chuyển chuyển hóa một cách rõ ràng khiTrung Quốc tiếp tục tăng mức chi phí quốc phòng hai con số hàng năm và khẳng định rằng họ sẽ tiếp quản các đảo hiện đang dưới sự kiểm soát của Nhật Bản, cũng như một loạt đảo khác ở Biển Đông mà một số nước Đông Nam Á nói rằng thuộc quyền kiểm soát của họ.
Các nhà lãnh đạo Nhật Bản đã kiên quyết đối đầu với thách thức từ Trung Quốc tại các đảo người Nhật gọi là Senkaku còn người Trung Quốc gọi là Điếu Ngư, và các cuộc thăm dò dư luận cho thấy lập trường này được dư luận ngày càng ủng hộ. Cả hai chính đảng lớn đang công khai nói về việc diễn giải linh hoạt hiến pháp, theo đó sẽ cho phép Nhật Bản được phép bảo vệ các nước đồng minh - chẳng hạn như bắn hạ bất kỳ tên lửa nào của Triều Tiên nhằm vào Mỹ - và như vậy sẽ xóa nhòa ranh giới giữa quân đội tiến công và phòng vệ.
Lực lượng phòng vệ của Nhật Bản đã bắt đầu ngả theo xu hướng như vậy ở Iraq và Afghanistan khu vực mà Nhật ủng hộ các chiến dịch hành quân do Mỹ lãnh đạo bằng cách triển khai các tàu chở dầu của hải quân để tiếp nhiên liệu cho các tàu chiến tại Ấn Độ Dương.

Tìm đồng minh 'cùng chí hướng'

Các quan chức Nhật nói rằng chiến lược của họ không phải để khơi dậy một cuộc chạy đua tranh giành ảnh hưởng với Trung Quốc, nhưng nhằm xây dựng các mối quan hệ với các quốc gia khác cùng chia sẻ nỗi lo về nước láng giềng hay áp đặt của mình. Họ thừa nhận rằng việc xây dựng khả năng cho lực lượng bảo vệ bờ biển của các quốc gia khác cũng là một cách tăng cường khả năng của các nước đó để chống lại bất kỳ mối đe dọa nào từ Trung Quốc.
“Chúng tôi muốn xây dựng liên minh cùng chí hướng ở châu Á nhằm ngăn chặn Trung Quốc không được lấn át chúng tôi.” Yoshihide Soeya, Giám đốc Viện nghiên cứu Đông Á tại đại học Keio ở Tokyo nói.
Hoặc như Thứ trưởng quốc phòng, Akihisa Nagashima, nói trong cuộc phỏng vấn rằng: “Chúng tôi không thể để cho Nhật Bản đi vào suy yếu một cách thầm lặng.”
Mỹ nói chung đã hoan nghênh những nỗ lực như vậy của Nhật Bản vì chúng phù hợp với chiến lược củng cố các nước châu Á về quân sự của Mỹ, để các nước này có thể đối phó với Trung Quốc, cũng như mở rộng sự hiển diện về quân sự của Mỹ tại khu vực.
Tàu hải quân Nhật và các nước tham gia cuộc diễu binh trên biển nhân kỷ niệm 60 năm thành lập lực lượng phòng vệ trên biển của Nhật, tháng 10/2012.
Trung Quốc, nước vốn bị thiệt hại nặng nề bởi các cuộc xâm chiếm lãnh thổ của đế quốc Nhật trong thế kỷ 20, đã phản ứng xu thế trên, nói rằng Nhật Bản đang muốn đảo ngược kết quả của chiến tranh thế giới lần thứ 2. Tại một cuộc họp về quốc phòng tại Australia tháng trước, trung tướng Ren Haiquan của Trung Quốc đã cảnh báo nước chủ nhà không nên liên minh chặt chẽ với cái mà ông ta gọi là một nước phát xít đã từng ném bom thành phố Darwin của Australia.
Tuy nhiên, với mức độ thay đổi địa chính trị đang sôi sục tại khu vực, những mối lo ngại về sự phục hồi của chủ nghĩa quân phiệt Nhật Bản dường như đang mờ dần tại một số nước có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc. Các nhà phân tích ở các nước này và trong khu vực nói rằng nước họ hoan nghênh và đôi khi còn kêu gọi sự giúp đỡ từ phía Nhật Bản.
“Chúng tôi đã gạt những cơn ác mộng về Chiến tranh thế giới lần thứ 2 sang một bên, vì mối đe dọa từTrung Quốc”, Rommel Banlaoi, một chuyên gia về an ninh tại Viện nghiên cứu Hòa bình, bạo lực và khủng bố tại Manila, Philippines nói.
Nhật Bản được coi là nước duy nhất trong khu vực có lực lượng hải quân đủ mạnh để kiềm chế Trung Quốc. Mặc dù chi phí quốc phòng của Nhật Bản giảm, ngân sách quốc phòng của nước này, theo nhiều cách tính khác nhau, đứng hàng thứ 6 thế giới. Để phù hợp với lập trường hòa bình của mình, Nhật Bản không có các loại tên lửa tầm xa, tàu ngầm hạt nhân hoặc các tàu sân bay cỡ lớn cần thiết cho việc triển khai sức mạnh thực của mình. Tuy nhiên những chiếc tàu ngầm chạy điêzen của Nhật được coi là loại tốt nhất trên thế giới. Hải quân Nhật Bản cũng có các tàu tuần dương được trang bị tên lửa Aegis tiên tiến có khả năng bắn hạ tên lửa đạn đạo, và hai tàu khu trục chở máy bay lên thẳng lớn có khả năng sửa chữa để chở các máy bay chiến đầu có khả năng cất cánh thẳng đứng.
Hải quân Nhật Bản đã có một bước tiến lớn về mở rộng liên kết quốc phòng, khi năm 2009 đứng ra tổ chức một cuộc tập trận chung với Australia – cuộc tập trận đầu tiên với một nước ngoài Mỹ. Kể từ đó, hải quân Nhật đã tham gia một số cuộc tập trận hải quân đa quốc gia ở Đông Nam Á, và tháng 6 vừa qua đã có cuộc tập trận hỗn hợp đầu tiên với Ấn Độ.
Các nhà phân tích và cựu quan chức nói rằng giới quân sự Nhật Bản cho đến nay vẫn rất thận trọng trong việc viện trợ trong các lĩnh vực không liên quan đến chiến sự như cứu trợ thiên tai, chống cướp biển và y tế. Nhưng thậm chí những biện pháp hạn chế này cũng giúp xây dựng các mối quan hệ quốc phòng. Một kế hoạch đang được thương lượng là đào tạo nhân viên y tế cho lực lượng hải quân một quốc gia Đông Nam Á, để họ phục vụ các thủy thủ của nước này làm việc trên các tàu ngầm mới mua của Nga.
Tetsu Kotani, một nghiên cứu viên tại Viện nghiên cứu quốc tế tại Tokyo nói rằng chiến lược của Nhật là tạo ra các lực lượng tuần duyên và phòng vệ mini kiểu Nhật trên Biển Đông.
Theo chương trình viện trợ dân sự trong thập kỷ qua nhằm xây dựng các lực lượng bảo vệ bờ biển, quan chức Nhật nói rằng họ đang ở giai đoạn cuối của gói viện trợ liên quan đến an ninh lớn chưa từng có – cung cấp cho Lực lượng phòng vệ bờ biển của Philippines 10 tàu đổ bộ trị giá khoảng 12 triệu USD mỗi chiếc. Bộ Quốc phòng Nhật nói họ có thể sẽ viện trợ những tàu tương tự cho một quốc gia Đông Nam Á khác.
Theo cựu bộ trưởng quốc phòng Nhật, Toshimi Kitazawa, Bộ Quốc phòng Nhật Bản nói rằng họ có kế hoạch tăng gấp đôi chương trình viện trợ quân sự vào năm tới để giúp các nước ven Biển Đông, và có thể còn bán tàu ngầm cho những nước này. Ông Kitazawa nói thêm rằng Australia và Malaysia cũng có thể là các khách hàng tiềm năng.
Phát biểu trong một cuộc phỏng vấn gần đây, ông Kitazawa nói: “Nhật Bản từng không nhạy cảm với nhu cầu an ninh của các nước láng giềng trong khu vực. Chúng tôi có thể cống hiến được nhiều để giúp họ thảnh thơi tâm trí.”
Phạm Ngọc Uyển (theo IHT)
http://vnexpress.net/gl/the-gioi/2012/11/nhat-ban-tang-lien-ket-quan-su-doi-pho-trung-quoc/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét