Bài đăng phổ biến

Thứ Hai, 26 tháng 9, 2011

TÂN RAI: NHÀ MÁY KHAI THÁC BAUXITE HAY CĂN CỨ QUÂN SỰ

Lê Quốc Trinh - Radio CTM

Cây lộc vừng do TT Nguyễn Tấn Dũng trồng trước cổng nhà thờ Bác Hồ tươi tốt ( Ảnh Nguyễn Trọng Tạo )






Nhận thấy rằng mối quan hệ VN-TQ càng ngày càng căng thẳng, VN tiếp tục bị bao vây và bị đe doạ trên Biển Đông, hôm nay lệnh cấm đánh bắt cá của TQ trong vùng lãnh hải VN bắt đầu có hiệu lực, mà chính quyền Nhà Nước thì bó tay, bài phản biện này được xem như là một tiếng chuông gióng lên báo động tình hình khai thác khoáng sản trên Tây Nguyên. Trong bối cảnh thông tin công khai của báo chí trong nước không đầy đủ, bài viết này có thể chưa thể hội đủ dữ kiện chính xác và cập nhật, đành phải dựa trên những kinh nghiệm thực hành mà tôi từng thực hiện trong các công trường khai thác khoáng sản, xây dựng nhà máy tinh luyện kim loại ở Canada, mong các độc giả thứ lỗi, nếu có sơ sót.
Hồi cuối tháng Chạp năm ngoái đúng lúc Trang Mạng BauxiteVietNam bị tin tặc đánh phá điên cuồng thì tôi có đọc được một bài viết của nhà văn Phạm Viết Đào nói về chuyến lên thăm công trường khai khoáng Tân Rai trên Lâm Đồng, ngày 25-12-2009 đăng rộng rãi trên Blog Phạm Viết Đào (bài SỰ BÍ HIỂM CỦA VIỆC XÂY DỰNG NHÀ MÁY LUYỆN ALUMIN TÂN RAI-LÂM ĐỒNG) và nhiều Website, từ đó tôi xin phép sử dụng như một chứng tích (reference). Trong thiên phóng sự đó anh Đào đã chụp một lô ảnh khoảng 20 tấm, rất rõ ràng về quang cảnh xây cất nhà máy, nhà cửa, biệt thự, vườn tược, vv... Tôi hãy còn giữ những tấm ảnh đó trong hồ sơ để đối chiếu. Tôi xin đặt giả thuyết rằng những bức ảnh đó là chứng cớ thật của tình hình xây cất trên công trường Tân Rai đến cuối năm 2009.
Sau khi quan sát những bằng chứng đó, tôi giữ lại sáu (6) bức ảnh nổi bật gây nghi vấn nhiều nhất, như sau:
JPEG - 57.6 kb
1)- Hình #1: Tấm bảng vẽ sơ đồ khu công nghiệp đựng trước cổng ra vào, xem như cách quảng cáo về viễn ảnh nhà máy tương lai;
2)- Hình #2: Bức hình chụp hàng chục ống cống ximăng đừơng kính lớn (gần khoảng 1.5m) xếp hàng chờ đợi lắp đặt;
3)- Hình #3: Bức hình chụp những giao thông hào rộng và sâu, chắc là để chuẩn bị đón nhận những đường ống ximăng cho hệ thống cống thải?
4)- Hình #4: Bức hình chụp những nhà máy cỡ nhỏ đang được đúc cột bêtông giống như căn nhà lầu đang xây cất ở thành phố;
5)- Hình #5: Bức hình chụp chính diện căn nhà lầu biệt thự to lớn dùng cho Ban Quản Trị công trường, mỗi phòng có riêng một dàn máy điều hoà không khí gắn cạnh cửa sổ;
6)- Hình #6: Tấm hình chụp khu vườn hoa to lớn, xinh đẹp, hoa lá cắt tỉa rất công phu, chắc là dành riêng cho các ông lớn;
Phân tích và nhận xét kỹ thuật:
Sau đây là những phân tích và nhận xét kỹ thuật của tôi:
JPEG - 65.8 kb

1)- Hình #1: Khai thác khoáng sản là công nghiệp nặng, liên hệ đến những phương pháp xử lý chất rắn, từ lúc nổ mìn phá núi, khai quật mỏ, đào đất, xúc quặng, cho đến chuyên chở từ khu hầm mỏ đến nhà máy, và tinh luyện quặng, tất cả phải sử dụng những thiết bị nặng nề cồng kềnh chế tạo bằng hợp kim cứng rắn vì đụng chạm cọ sát với đất đá ở khối lượng lớn. Nhìn sơ qua tấm ảnh sơ đồ khu nhà máy, tôi thấy chẳng có gì tương xứng với một khu công nghiệp khai khoáng giá trị 400 triệu đô la, rời rạc, mơ hồ và thiếu sót rất nhiều chi tiết quan trọng, ví dụ:
- Đâu là khu nghiền đá sơ khởi (từ kích thước 50-60cm giảm xuống còn khoảng 10cm) bằng cỗ máy nghiền khổng lồ (gyratory primary crusher)?
- Đâu là trạm biến thế quan trọng (station électrique) để cung cấp điện năng cho toàn thể nhà máy?
- Đâu là những đường hầm nổi và ngầm (gallery) chứa những dàn băng tải chuyền (belt conveyor) để chuyên chở quặng nghiền từ nhà máy này qua nhà máy khác?
- Đâu là những bồn (Storage Bin) chứa hoá chất Sút (NaOH) cực độc, dễ ăn mòn, để sử dụng trong chu trình tinh lọc quặng Alumina?
- Đâu là những bồn ximăng (silo) cao to, đường kính lớn để chứa quặng Alumina sau khi tinh luyện?
- Đâu là những khu đất rộng lớn thênh thang để tích trữ quặng nghiền (đất đá) chuẩn bị đưa vào nhà máy?
- Đâu là những bồn tích trữ (storage tank) nước sạch xử lý hoá học để đưa vào nồi súp-de?
- Đâu là nhà máy chứa nồi súp-de để nâng nhiệt độ nước sạch lên đến 150 độ C, dưới áp xuất 5 atm?
- Đâu là những dàn ống (pipe rack) dẫn nước và hoá chất đi từ nhà máy này sang nhà máy khác?
- Đâu là xưởng cơ khí (garage) quan trọng, đồ sộ, để sửa chữa những thiết bị cơ khí nặng nề (xe ben, xe xúc đất, xe cào đất, cần cẩu, máy bơm, máy nghiền, máy sàng)?
- Đâu là nhà kho lớn chứa phụ tùng thay thế, hàng trăm ngàn linh kiện quan trọng cần lưu trữ, để thay thế khi khẩn cấp, nếu không muốn đóng cửa khu công nghiệp vài tháng để chờ đợi...giống như tình trạng nhà máy lọc dầu Dung Quất năm ngoái?
- Đâu là trạm bơm quan trọng để dẫn nước từ hồ chứa vĩ đại vào nhà máy?
- Đâu là những dàn ống dẫn bùn đỏ thải từ nhà máy sang hồ chứa để giải quyết vấn nạn môi trường?
- Đâu là nơi đặt đường rầy xe lửa và bồn chứa quặng Alumina để chất lên toa xe chở xuống bến cảng Kê Gà?
- Thông thường ở Canada người ta xây lên 1-2 nhà máy chính to lớn tập trung mọi máy móc thiết bị vận hành bên trong (máy bơm, máy nghiền, máy sàng, máy lọc, bồn lắng, thickener, cyclone, air compressor, Ball Mill, SAG Mill, concentrators) để dễ bảo trì, tránh mưa gió và tiết kiệm ngân sách, không ai lại dàn trải hàng chục nhà máy nhỏ biệt lập như trong sơ đồ, có lẽ kỹ thuật người TQ đặc biệt khác với người Tây Phương chăng?
JPEG - 44.2 kb
2)- Hình #2: Nhìn kỹ dàn ống cống ximăng đường kính khá lớn đang chờ đợi lắp đặt, tôi tự hỏi: "Nhà máy Tân Rai có bao nhiêu công nhân để phải cần đến một hệ thống cống thải đồ sộ, không khác chi một thành phố lớn (hơn trăm ngàn dân cư)?”. Có lẽ mỗi ngày có hàng trăm ngàn người cần tiểu tiện, đại tiện tắm rửa, vệ sinh, bếp núc luôn cho nên phải cần đến những ống cống to lớn đồ sộ như vậy?
JPEG - 46.5 kb
3)- Hình #3: Đến đây thì tôi không nghĩ rằng kỹ sư TQ sử dụng ống cống để thải bùn đỏ độc hại ra hồ chứa, bởi lẽ nếu vận tốc nước chảy không đủ cao thì chất rắn lắng đọng và làm nghẹt đường cống rất dễ dàng. Hơn nữa thành ximăng sẽ chịu không nổi lực ma sát của bùn đỏ và sẽ chóng mòn trong vài tháng. Thông thường trong khu công nghiệp nặng, xe vận tải hạng nặng chở đất đá giao thông thường xuyên làm sụt lún đường, nhà máy phát sinh nhiều chấn động rung chuyển mạnh có thể ảnh hưởng và làm nứt vỡ ống cống. Tôi tự nghĩ thầm có lẽ họ đang dự định xây cất một thành phố nhỏ thì đúng hơn!
JPEG - 56.2 kb
4)- Hình #4: Tấm ảnh cho thấy vài nhà máy nhỏ đang xây với cấu trúc bằng cột bêtông, không khác gì những căn hộ đang đúc tường gạch ở thành phố. Khôi hài thật! Nhà máy khai khoáng đâu phải là hộ kinh doanh nhỏ, máy móc hạng nặng chạy ầm ỹ suốt ngày đêm, chấn động rung cao thì cột bêtông làm sao chịu nổi. Đây chắc chắn không phải là khu công nghệ nặng rồi!
JPEG - 56 kb
5)- Hình #5: Căn nhà lầu đồ sộ, khang trang bằng bêtông rất ư bề thế, xứng đáng là trụ sở làm việc cho Ban Quản Trị công trình. Tuy nhiên nhìn kỹ những dàn máy lạnh gắn bên cạnh từng cửa sổ một, tôi ngạc nhiên. Vùng cao nguyên Lâm Đồng là nơi cao ráo, không khí mát lạnh, trong sạch, là khu du lịch nổi tiếng dành riêng cho người Sài Gòn trốn nắng nóng oi bức lên nghỉ ngơi, thế mà cần đến máy lạnh để làm chi? Thông thường người ta thiết kế một hệ thống điều hoà không khí chung cho cả toà nhà, với những đường ống dẫn không khí phân phát cho từng nơi (phòng họp, phòng Lab, phòng ăn (cafeteria), phòng thay quần áo, văn phòng, vv...). Cung cách xếp đặt mỗi phòng một máy điều hòa cho cảm tưởng rằng đây là một khách sạn, hay biệt thự dành riêng cho quan chức nghỉ mát, chứ không phải là cơ quan làm việc.
JPEG - 84.1 kb
6)- Hình #6: Vườn hoa xinh đẹp, to lớn, cây cối cắt tỉa đàng hoàng cho thấy người ta chú trọng đến nơi ăn chốn ở kỹ lưỡng hơn là xây dựng khu công nghiệp theo đúng tiến độ ghi trong hợp đồng, nếu tôi không lầm, ngày 18-11-2010 là thời điểm chót phải tiến hành bàn giao nhà máy Tân Rai cho chính phủ.
Xem hết tất cả các bức ảnh thì rõ ràng mức độ xây dựng mới chỉ mới đạt khoảng 20-30% (khởi công từ 18/11/2008 cho đến 25/12/2009), vắng bóng hàng ngàn thiết bị nặng nề đồ sộ, nhiều cỗ máy móc chưa bàn giao, chưa lắp đặt, đường tráng nhựa cho xe vận tải lưu thông chưa chuẩn bị xong, chứng tỏ nhà thầu TQ không muốn thực hiện lời cam kết chút nào. Theo đà tiến độ chậm như rùa này, thì có lẽ đến Tết Congo nhà máy mới hoàn tất! Có cảm tưởng rằng họ muốn "đặt cục gạch" giữ chỗ trước, chiếm lĩnh vị trí chiến lược quan trọng trên nóc nhà Đông Dương, nhập lậu hơn 700 lao động phổ thông để tạo thành một đặc khu TQ, ăn ở lâu dài, sinh con đẻ cháu, rồi hãy nghĩ đến chuyện xây dựng nhà máy khai khoáng sau. Ở Canada, lao động phổ thông chỉ được chấp nhận không tới 5% trong các khu công nghiệp cao, vì mỗi khâu làm việc đều cần đến nhân công lành nghề, kỹ thuật gia có bằng cấp, chuyên môn vững. Vậy thì nhà thầu TQ thật sự muốn gì? Phải chăng họ âm mưu muốn gây khó khăn tạo áp lực kinh tế, chính trị và quân sự để bắt ép nhân dân VN đi vào quỹ đạo của ĐCS TQ?
Mời quý vị lắng nghe lời tuyên bố của Thủ Tướng chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nhân dịp đặt viên đá khai trương công trình Nhân Cơ, ngày 28-02-2010 vừa qua (trích dẫn VietNamNet);
..."Phát lệnh khởi công gói thầu EPC Nhà máy sản xuất Alumin Nhân Cơ, Thủ tướng yêu cầu Tập đoàn Công trình quốc tế nhôm Trung Quốc Chalieco thực hiện đúng luật Việt Nam và qui định của địa phương sở tại. Đây là bước khởi đầu cho nền công nghiệp nhôm, dự án phải đảm bảo các yêu cầu về hiệu quả kinh tế, bảo vệ môi trường, an ninh trật tự và sự phát triển bền vững.
Chủ đầu tư và các nhà thầu phải nghiêm túc thực hiện, thi công đảm bảo chất lượng, tiến độ công trình, đem lại thành công theo như các báo cáo đã thẩm định, phê duyệt"…
Rõ ràng là tình cảnh "trống đánh xuôi, kèn thổi ngược". Đúng là bế tắc! Nhà nước VN muốn thúc đẩy tiến độ thi công bó buộc phải xuống nước chịu một số điều kiện nào đó, mà cứ để cù nhây kéo dài thì phí tổn xây dựng tăng dần, ai sẽ phải trả? Chưa hẳn khi nhà máy bàn giao thì chất lượng sản phẩm (tối ư quan trọng) cùng với năng xuất vận hành đáp ứng đúng tiêu chuẩn đề ra (nhìn gương Dung Quất), rồi phí tổn bảo trì nhà máy sẽ tăng theo cấp số nhân, thị trường tiêu thụ bão hoà, không ai chịu mua sản phẩm VN (ngoại trừ ông láng giềng TQ, ông sẽ ra điều kiện ép giá khắc nghiệt). Nợ ngân hàng ngập đầu, ai sẽ còng lưng trả nợ? Trước mắt đã thấy lỗ chỏng gọng, chưa nói đến những vấn nạn về môi trường gây ra bởi cái hồ chứa bùn đỏ độc hại...
Kết luận:
Bài viết này chủ yếu nêu lên những nhận xét tổng quát và đặt nghi vấn trên tính hiện thực của cái gọi là công trình khai khoáng Tân Rai do Nhà Thầu TQ đảm nhiệm. Vấn đề quan trọng bây giờ là làm sao giải quyết tình trạng “bế tắc” này, gọi là "thế cưỡi lưng cọp" cũng không sai? Làm sao chấm dứt hợp đồng khai khoáng Nhân Cơ, Tân Rai, đóng cửa nhà máy càng sớm càng tốt để bảo toàn vốn đầu tư, trang trải nợ nhà băng? Làm sao tống cổ được hơn bảy trăm dân lao động phổ thông nhập cư lậu (không biết nói tiếng Việt) mà không gây nên chiến sự đụng chạm gay gắt với người phương Bắc, bảo vệ an toàn cho vị trí chiến lược quân sự? Trong khi ngoài Biển Đông ngư dân VN bắt đầu bị TQ ra lệnh cấm đánh bắt cá trong vùng lãnh hải VN, hạm đội TQ tăng cường tuần tra trong hải phận HS-TS của VN. Làm sao đưa đất nước thoát khỏi trận thế "thập diện mai phục" nguy hiểm này?
Kết hợp với sự kiện chính quyền tỉnh Lâm Đồng xua đuổi 400 thiền sinh VN trong chùa Bát Nhã hồi năm ngoái, bằng tất cả mọi phương tiện bẩn thỉu nhất, chiếm đóng thiền viện, a dua nhắm mắt để cho lâm tặc cấu kết với nhà thầu sử dụng thiết bị hiện đại của công trường vào những vụ khai thác gỗ lậu quý hiếm trên cao nguyên, chứng tỏ lãnh đạo Nhà Nước đã buông lỏng kiểm soát trên vùng Tây Nguyên rồi, cũng như các tỉnh miền Bắc sát biên giới TQ (Lạng Sơn, Cao Bằng).
Cây trước sân nhà thờ Bác Hồ úa héo nhìn tôi như khóc ( Ảnh Nguyễn Trọng Tạo

Lê Quốc Trinh, Canada
(15-05-2010)

Tài liệu trích dẫn:
Blog Pham Viet Dao 25-12-2009
(SỰ BÍ HIỂM CỦA VIỆC XÂY DỰNG NHÀ MÁY LUYỆN ALUMIN TÂN RAI-LÂM ĐỒNG)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét