- Rất cảm ơn tác giả, đã yêu quý và tin cậy gửi cho trang nhà Nguyễn Đào Trường tiểu thuyết "DÒNG ĐỜI", tiền thân của tiểu thuyết"LŨ". Xin được đưa lên blogs mời quý độc giả thưởng lãm (Xin bấm vào mũi tên bên phải cuối bài để đọc các phần tiếp)
NGUYỄN TRUNG
DÒNG ĐỜI
Tiểu thuyết
TẬP I
DÒNG XOÁY
1.
Cuốn theo dòng đời cùng năm tháng
Một mảnh tình riêng ta trong ta…
Trung tá Phạm Trung Nghĩa vóc người cao lớn, thời thanh xuân vốn nổi tiếng là đẹp trai và có duyên. Trong đám nữ sinh cùng học ngày xưa, trong đám bè bạn con gái trên đường đời sau này, không biết đã bao nhiêu người yêu thầm nhớ vụng Nghĩa trong lòng. Đám bè bạn con trai tị nạnh về hình dáng ưa nhìn của anh phần nào, nhưng nhiều người thực sự vừa ghen vừa mến dáng điệu nói năng hiền từ và hình như không bao giờ vội vã của Nghĩa.
Bây giờ tóc ông đã ngả sang màu muối tiêu, đuôi mắt nheo lại sâu hơn nữa sau cặp kính trắng. Những gì còn lại của nét mặt thanh tú thuở xưa hình như chỉ tăng thêm sự đôn hậu cho giọng nói tiếng cười của ông.
Đám bè bạn đồng chí thân thuộc thời chinh chiến gọi ông là công tử bột. Vì lính tráng gì mà to lớn, trắng như Tây, mặt mũi chẳng một chút dấu vết phong sương hay khói lửa của chiến trường.
- ...
- Cha mẹ sinh ra thế, da dẻ mình không bắt nắng mà...
- Béo tốt thế này, thủ trưởng cắt bớt khẩu phần của anh Nghĩa giành cho thương binh đi!
- ...
- Anh Nghĩa, cho em xin một đứa con làm giống!
- ...
- Đừng cho nó! Cho mình em thôi!
- Không, em cũng xin một đứa, nhỡ anh hy sinh mất thì hoài...
- ...
Những giai thoại, những khoảnh khắc như thế nhiều lắm. Nghĩa nhớ không xuể.
Nhiều lúc thiếu ăn hay sốt rét trong rừng, hoặc sau những chiến dịch dài ngày, Phạm Trung Nghĩa gầy rộc đi rất nhanh, xanh như tàu lá, chứ không sạm nắng. Được chăm sóc, anh cũng lại người rất nhanh.
Nghĩa còn được đồng đội và cấp trên tặng cho danh hiệu “lính tạch tạch xè”(*) [(*)Tạch tạch xè: “tts” = tiểu tư sản], vì học thức và cách sống nho nhã phần nào, con nhà giáo nòi mà. Song điều mọi người đều thấy là Nghĩa rất thích âm nhạc, như một niềm đam mê, đam mê đến lãng mạn.
Những lúc cùng đơn vị nằm ém quân hàng ngày, hàng tuần trong vùng đường 9 Nam Lào hay vùng rừng núi Quảng Trị – Thừa Thiên, những lúc nằm im chịu phi pháo địch đánh cầm chừng hoặc cấp tập dội xuống từng đợt, từng đợt, mặc... Những lúc trận đánh lắng xuống, những đợt đơn vị nghỉ xả hơi và củng cố lại sau mùa chiến dịch, những khoảnh khắc thư giãn chờ lệnh cấp trên giữa những buổi họp hành. Nghĩa là khi nào được rỗi rãi, thích thú nhất đối với Nghĩa là bật cái bán dẫn National lên, dí sát vào tai để khỏi làm phiền những người chung quanh, dò dò tìm tìm. Để tâm hồn trầm bổng theo âm nhạc.., nhất là đôi khi Nghĩa bắt được đài tiếng nói Việt Nam phát đi một bản giao hưởng nào đó... Ôi, đấy là những lúc thế giới riêng của Nghĩa trở nên bất khả xâm phạm. Cũng vì thói quen này, đối với Nghĩa quà thưởng của cấp trên, hoặc những thứ nhân dân địa phương tiếp tế cho, không gì quý bằng mấy cục pin. Ba-lô Nghĩa nặng đến mấy, lúc nào cũng phải có vài cục pin Văn Điển dự trữ.
Trong những giây phút như thế, nằm giữa chiến trường, có lúc Nghĩa thả những suy tư của mình bay đi đâu đó, có lúc như đang tâm sự với Nguyệt, vui đùa với hai con mình, nhớ đến bố mẹ, gia đình, những bước đường đời... Đấy là cách Nghĩa cố quên đi những nỗi nhớ thương da diết. Những lần như thế, không hiếm trường hợp anh phải chuốc lấy nhiều điều day dứt hơn, về thân phận biết bao nhiêu con người anh đã giáp mặt giữa sống và chết trong chiến tranh, về đất nước...