Bài đăng phổ biến

Thứ Bảy, 29 tháng 7, 2017

KIỂU CÁCH HIẾU CHIẾN MỚI CỦA TQ

Kiểu cách hiếu chiến mới của Trung Quốc?


Carlyle Alan Thayer: Leo thang đáng báo động ở biển Đông: Trung Quốc dọa vũ lực nếu Việt Nam tiếp tục thăm dò dầu khí ở Trường Sa. (Một bài rất đáng đọc của một học giả quốc tế chuyên nghiên cứu về Biển Đông)

Dịch giả: Song Phan
Kiểu cách hiếu chiến mới của Trung Quốc?
Ngày 15 tháng 7, các nguồn thông tin am tường ở Hà Nội cho biết, Việt Nam đã yêu cầu Repsol, một công ty con của Tây Ban Nha, ngừng hoạt động khoan dầu tại lô 136-03 ở biển Đông. Chín ngày sau đó, một bài báo trên BBC của Bill Hayton cuối cùng đã xác nhận điều này.
Theo BBC, Việt Nam thông báo cho các giám đốc điều hành của Repsol tuần trước rằng “Trung Quốc đã đe dọa tấn công các căn cứ của Việt Nam trên quần đảo Trường Sa nếu không ngừng việc khoan thăm dò“. Các quan chức chính phủ Việt Nam đã chỉ thị cho Repsol rời khỏi khu vực.

Mặc dù đã có một số tranh cãi giữa các nhà quan sát về khả năng khai thác thương mại của lô 136-03, BBC tường thuật rằng Repsol xác nhận đã phát hiện ra một mỏ khí lớn chỉ cách đây vài ngày.
Trong hai năm rưỡi qua, Việt Nam đã thận trọng khi tiến hành các hoạt động thăm dò dầu khí ở Trường Sa sau cuộc khủng hoảng [giàn khoan] HD 981 giữa năm 2014. Đầu năm nay đã có một sự thay đổi rõ rệt. Việt Nam đã ký hợp đồng thăm dò khí đốt lớn nhất với Exxon Mobil, thăm dò Dự án Cá voi Xanh và Việt Nam đã dỡ bỏ các hạn chế về thăm dò ở lô 136-03.

Thỏa thuận của Exxon Mobil đã được công khai, trong khi việc cho Repsol xấn tới vẫn được giữ kín.
Hành động của Việt Nam làm dấy lên cơn thịnh nộ của Trung Quốc. Theo các nguồn tin riêng thì tướng Phạm Trường Long, Phó Chủ tịch Quân Uỷ Trung ương, đã viếng thăm Madrid vào tháng 6 và nêu các hoạt động thăm dò của Repsol. Sau đó, tướng Long đã bay đến Hà Nội để thảo luận kế hoạch cho các hoạt động giao lưu hữu nghị biên giới lần thứ tư. Trong cuộc gặp lãnh đạo cao nhất của Việt Nam, tướng Long yêu cầu ngừng thăm dò dầu khí. Ông nói hai bên cần “tuân thủ nhận thức chung quan trọng đã được lãnh đạo hai Đảng, hai Nhà nước nhất trí“.
Được biết, các nhà lãnh đạo Việt Nam đã phản bác lại, bảo vệ quyền quyền tài phán chủ quyền của Việt Nam trong vùng Đặc quyền Kinh tế của mình. Điều này đã khiến tướng Long tức giận, hủy việc tham gia vào các hoạt động giao lưu biên giới Trung Quốc và đột ngột rời khỏi nước này.
Bài báo của BBC cho rằng, Trung Quốc đe doạ tấn công các thể địa lý mà Việt Nam đang đóng ở biển Đông, nếu việc khoan dầu không dừng lại, là một sự leo thang đáng báo động về sự quyết đoán của Trung Quốc và tạo thành một phần của một kiểu cách hiếu chiến gia tăng đang trỗi dậy của Trung Quốc.
Chẳng hạn, ngày 19 tháng 5, Reuters tường thuật cuộc trò chuyện sau đây giữa Tổng thống Rodrigo Duterte và chủ tịch Tập Cận Bình ở Bắc Kinh bốn ngày trước đó:
“Chúng tôi dự định khoan dầu ở đó, nếu đó là của ông thì đó là quan điểm của ông, nhưng theo tôi, tôi có thể khoan dầu, nếu có dầu trong lòng đất vì đó là của chúng tôi“, Duterte nói trong một bài phát biểu , nhớ lại cuộc nói chuyện của ông với Tập Cận Bình.
“Ông ấy trả lời tôi, chúng ta là bạn, chúng tôi không muốn cãi nhau với ông, chúng tôi muốn duy trì mối quan hệ nồng ấm hiện có, nhưng nếu ông ép buộc tới vấn đề đó thì sẽ có chiến tranh”.
Vào tháng 7, Trung Quốc đã công khai phản đối khi Việt Nam cho phép ONGC của Ấn Độ được thuê lô 128 ở biển Đông.
Việc Trung Quốc đe dọa sử dụng vũ lực đối với Việt Nam và Philippines có những hậu quả lớn cho an ninh năng lượng ở hai nước này. Cả hai cần phải phát triển dầu khí để đáp ứng nhu cầu năng lượng trong nước đang tăng lên.
Việc Trung Quốc đe dọa sử dụng vũ lực cũng làm tăng nguy cơ cho các công ty dầu lửa nước ngoài hiện đang hoạt động tại biển Đông. Nếu họ không thể tin cậy nước chủ nhà trong việc bảo vệ mình, họ có thể sẽ bỏ cuộc và chạy đi vì rủi ro tăng cao.
Sự đe dọa của Trung Quốc tạo ra một tình huống ác mộng đặc biệt đối với các nhà lãnh đạo Việt Nam, bởi vì nó sẽ là một thử nghiệm về chính sách vừa hợp tác vừa đấu tranh với Trung Quốc. Các nhà lãnh đạo của Việt Nam sẽ nhanh chóng hiểu rằng, nhường Trung Quốc một bước sẽ dẫn tới việc Trung Quốc đòi tiếp một bước khác.
Bất cứ cuộc tấn công vào một thể địa lý Việt Nam đang đóng ở biển Đông, sẽ dẫn đến sự bùng nổ tình cảm chống Trung Quốc ở Việt Nam. Điều này có thể làm suy yếu nghiêm trọng uy thế chính trị của chế độ hiện nay và một ban lãnh đạo chống Trung Quốc sẽ dẫn đến một mối quan hệ song phương ghẻ lạnh kéo dài.
Ví dụ, trong cuộc khủng hoảng giàn khoan HD 981 hồi năm 2014, sáu mươi mốt quan chức cao cấp nghỉ hưu của Việt Nam đã kêu gọi lãnh đạo Việt Nam tiến hành hành động pháp lý chống lại Trung Quốc, thoát khỏi quỹ đạo của Trung Quốc và loại bỏ chính sách ba không (không là đồng minh quân sự của bất kỳ nước nào, không cho bất cứ nước nào đặt căn cứ quân sự ở Việt Nam và không dựa vào nước này để chống nước kia).
Bất cứ cuộc tấn công nào của Trung Quốc vào Việt Nam sẽ là chuông báo động khắp khu vực. Các quốc gia trong vùng sẽ chia thành những nước sẵn sàng chiều theo Trung Quốc và những nước tìm kiếm sự ủng hộ của các cường quốc bên ngoài để duy trì sự cân bằng quyền lực.
Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) sẽ khó có thể đưa ra phản ứng ngoại giao nào khác ngoài việc kêu gọi các bên liên quan giải quyết tranh chấp hòa bình. Những kẻ đầu hàng như Duterte có thể làm suy giảm nghiêm trọng sự đồng thuận của ASEAN. Một trong những thiệt hại đầu tiên sẽ là Quy tắc Ứng xử ở biển Đông.
Mỹ có thể buộc phải hành động nếu Trung Quốc đe dọa Exxon Mobil. Khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp tổng thống Donald Trump tại Nhà Trắng ngày 31 tháng 5, họ đã đưa ra một tuyên bố chung trong đó có một đoạn dài về biển Đông:
“Hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh tầm quan trọng của quyền tự do đi lại trên biển và bay ngang qua trên không và các hoạt động sử dụng biển hợp pháp khác, và lưu ý với quan ngại về những tác động bất ổn mà những hạn chế bất hợp pháp về tự do trên biển gây ra đối với hòa bình và thịnh vượng ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Hai bên cũng khẳng định sự ủng hộ hoàn toàn việc giải quyết hòa bình các tranh chấp mà không có sự đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, hoặc cưỡng chế, theo luật pháp quốc tế … Tổng thống Trump nhấn mạnh rằng Hoa Kỳ sẽ tiếp tục bay, cho tàu bè đi lại và hoạt động bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép”.
Bất kỳ cuộc tấn công nào của Trung Quốc vào Việt Nam cũng giống như việc lột găng tay thách thức Hoa Kỳ, Nhật Bản và các cường quốc biển khác. Các nước này sẽ phải đối mặt với một số câu hỏi khó khăn: liệu họ có thực sự bảo vệ nền công nghiệp dầu mỏ của Việt Nam hay đánh nhau với Trung Quốc về một vài bãi đá nhỏ ở biển Đông?
Việc Trung Quốc đe dọa sử dụng vũ lực đối với Việt Nam sẽ thúc đẩy cuộc tranh luận chiến lược đang diễn ra ở Hoa Kỳ và các thủ đô đồng minh khác về việc làm thế nào để ngăn lại nếu không đảo ngược được việc Trung Quốc tiếp tục quân sự hóa biển Đông.
© Copyright Tiếng Dân – Bản tiếng Việt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét