Việt Nam trong chiến lược Hoa Kỳ
Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump đọc diễn văn tại buổi họp cấp tổng giám đốc tham dự Hội Nghị Thượng Đỉnh APEC tổ chức tại Đà Nẵng ngày 10 Tháng 11, 2017. (Hình: Anthony Wallance/AP) |
Vậy là cả bốn tổng thống Mỹ đã chính thức thăm viếng Việt Nam. Cái khác nhau là hai TT Clinton và Obama đã tới Hà Nội vào năm thứ tám, năm cuối cùng của nhiệm kỳ hai (Clinton: 16/11/2000 và Obama: 20/5/2016).
TT Bush công du vào năm thứ sáu (17/11/2006). Lần này, TT Trump chính thức thăm viếng nội trong 11 tháng kể từ khi dọn vào Tòa Bạch Ốc. Việt Nam lại là nước đầu tiên trong nhóm quốc gia ở Biển Đông trên lộ trình công du của ông. Sự sắp xếp về thời điểm thăm viếng, và thứ tự trước sau trong các chuyến đi của một lãnh đạo luôn có một ý nghĩa sâu xa về chính sách ngoại giao.
Việc ông Trump muốn xích lại gần Việt Nam thì đã lộ rõ ngay từ khi ông phát biểu tại APEC ở Đà Nẵng: “Tôi rất vinh dự được có mặt tại Việt Nam, ở trung tâm của vùng Ấn Độ – Thái Bình Dương.” Từ trước đến nay, các lãnh đạo Mỹ luôn nói đến Việt Nam trong khung cảnh Đông Nam Á hay vùng Biển Đông. Bây giờ, bất chợt, nói đến Việt Nam trong bối cảnh của cả khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương: và đặt Việt Nam vào ngay trung tâm. Khu vực này về tên gọi thì không mới nhưng về thực chất đối với ông Trump là mới, và ông đang cố gắng để quảng bá.
Tại Hà Nội, bản Tuyên Bố Chung nhắc tới khu vực này hai lần. Cũng vậy, trong bài phát biểu cám ơn thịnh tình của Việt Nam ông Trump lại nhắc tới hai lần nữa.
Theo tờ Forbes ngày 12/11/2017 thì “Việt Nam là nước có lợi nhiều nhất trong chuyến đi. Việt Nam nhận được cả hai cái YES từ ông Trump. Việt Nam muốn hai điều:
-Thứ nhất, Mỹ thực sự quan tâm đến sự lo ngại của VN về tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông. Trước công du, ông Trump đã cho chiến hạm đi xuyên qua biển, sát cạnh những hòn đảo TQ đang xây dựng hoặc tranh chấp. Ngày Chủ Nhật, ngay trước chuyến thăm Hà Nội của ông Tập Cận Bình, ông Trump lại đề nghị có thể giúp làm trung gian hay trọng tài về tranh chấp Biển Đông. Forbes cho rằng ông Trump biết rõ TQ luôn chống lại vấn đề trọng tài do một trung gian thứ ba chứ đừng nói tới Mỹ (thật vậy, ngày 13/11/2017 báo South China Morning Post từ Hồng Kông đã bình luận rằng việc ông Trump đề xuất làm trung gian tranh chấp Biển Đông sẽ khiến Bắc Kinh khó chịu và phủ bóng xuống quan hệ của ông Trump với ông Tập). Sở dĩ ông Trump cứ đề nghị như vậy là “để cho thấy rằng Mỹ thừa nhận sự lo lắng của Việt Nam và tối thiểu là không phải là không đứng về phía Việt Nam;” và
– Thứ hai, Mỹ tiếp tục ngoại thương tự do đối với Việt Nam mặc dù đã rút khỏi TPP, vì ngoại thương chiếm tới 89% tổng sản xuất GDP của nước này ($201 tỷ, năm 2016). Dù ông Trump tấn công các nước (nhất là TQ) tại APEC về mậu dịch bất công đối với Mỹ, nhưng tại Hà Nội ông đã nhân nhượng, dù cán cân thương mại Mỹ – Việt càng ngày càng thâm thụt đối với Mỹ (nguyên 9 tháng đầu của năm 2017 đã lên tới gần $29 tỷ so với $32 tỷ của cả năm 2016 và $31 tỷ, năm 2015). Về điểm này ông chỉ nói rằng sẽ chờ mong để tiến tới thương mại hai chiều một cách “công bình và hỗ tương” (fair and reciprocal)’ và kêu gọi phải “minh bạch hơn” (more transparent).
Tại sao bất chợt, Mỹ chú ý và ưu đãi Việt Nam? Để tìm câu trả lời, hãy
Nhìn lại cuộc chiến Việt Nam
Tiền đề của tiểu luận là như thế này: ngày nào mà Trung Quốc (TQ) là đối thủ nguy hiểm của Mỹ ở Biển Đông thì ngày ấy Việt Nam là địa điểm chiến lược quan trọng nhất đối với Mỹ tại nơi đây. Ngược lại, khi TQ hết là thù địch thì vai trò chiến lược của Việt Nam đối với Mỹ cũng chấm dứt.
Khi đồng minh nhảy vào
Trong Thế Chiến II, Hoa Kỳ không để ý tới Việt Nam vì Trung Hoa Quốc Gia dưới trướng Thống chế Tưởng Giới Thạch là đồng minh gần gũi nhất của Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương.
Mùa Thu, 1949 khi Hồng quân tiến vào Bắc Kinh thì chuông báo động ở Washington rung lên.
Sang Đông, Hội Đồng An Ninh Quốc Gia (National Security Council – NSC) nhóm họp tại Toà Bạch Ốc dưới quyền chủ toạ của Tổng Thống Truman để duyệt xét một văn bản rất dài và quan trọng do NSC soạn về ‘Lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ về Á Châu’ trước sự đe doạ của Cộng sản, kèm theo là những hành động cần thiết và thiết lập một chính sách rõ rệt về Á Châu để thực hiện ba mục tiêu, quan trọng nhất là để “ngăn chận bất cứ liên minh quyền lực nào (Liên Xô-Trung Quốc) có thể đưa tới sự đe doạ an ninh của Hoa Kỳ phát xuất từ khu vực này” (xem Khi Đồng Minh Nhảy Vào – KĐMNV, Chương 3).
Tiếp theo là công hàm của Bộ Ngoại Giao (ngày 7/3/1950) xác nhận Việt Nam là địa điểm quan trọng nhất về chiến lược tại Đông Nam Á.
Ngày 25/6/1950 Bắc Hàn tràn xuống Nam Hàn. Tháng 10/1950 Trung Quốc nhảy vào chiến trường. Mỹ phản ứng mạnh: TT Truman đưa quân sang tham chiến. Nhìn vào Việt Nam, Mỹ bắt đầu viện trợ cho Pháp để chiến đấu thay cho mình. Huấn lệnh NSC 124 – ngày 13 tháng 2, 1952 còn xác định: Đông Dương còn quan trọng hơn cả Triều Tiên rất nhiều” (KĐMNV, trang 103).
Sau Hiệp định Geneva (21/7/1954), Pháp quyết đinh rút lui, lập tức Mỹ nhảy vào Miền Nam để ngăn chận TQ. Hiệp Định Geneva vừa ký xong tháng 7, 1954 thì tháng 8, 1954 Hoa Kỳ “Hoạch định toàn bộ những hoạt động, gồm cả chính trị, tâm lý, quân sự, và kinh tế để có thể áp dụng nhằm bảo đảm cho Miền Nam được tồn tại là một quốc gia tự do, đồng thời giúp củng cố đất nước này thành một hàng rào vững chắc để ngăn chận sự bành trướng của cộng sản.”
Từ đó Miền Nam trở thành tiền đồn của thế giới tự do.
Kết thúc năm 1954, ngày 24 tháng 12, sau khi TT Eisenhower đã có lập trường dứt khoát, Ngoại trưởng Dulles khẳng định: “Đầu tư vào Việt Nam là đúng lý, dù chỉ là để mua thêm thời gian giúp xây dựng sức mạnh ở những nơi khác trong vùng.” Rồi ông còn chọn ngày để nhảy vào Việt Nam: “Chúng ta phải tiến hành như đã dự định, và ta phải lao vào (take the plunge), bắt đầu từ ngày 1 tháng 1, 1955.”
Trong thời gian 1955 – 1970: nói chung thì Miền Nam nhờ Mỹ giúp để vừa bảo vệ cho chính mình vừa giữ vai trò tiền đồn canh gác Trung Cộng (Mỹ gọi là Red China) khỏi tràn xuống Biển Đông.
Khi đồng minh tháo chạy
Tới năm 1971 thì Mỹ đảo ngược về chính sách. TT Nixon thay đổi lập trường, muốn biến đổi Trung Quốc từ thù thành bạn. Ông thuyết phục Quốc Hội: “Chúng tôi đang chuẩn bị để thiết lập một cuộc đối thoại với Bắc Kinh. Chúng ta không thể chấp nhận giáo điều của họ, hoặc quan niệm rằng Trung Cộng phải thực hiện quyền bá chủ Á Châu. Nhưng chúng tôi cũng không muốn áp đặt lên Trung Quốc một vị trí quốc tế phủ nhận các lợi ích quốc gia hợp pháp của mình.” Rồi ông thêm: “Trung quốc và Hoa kỳ chia sẻ nhiều quyền lợi song hành và có thể cùng nhau hành động để làm cho đời sống của nhân dân hai nước thêm phong phú.”
Khi TQ không còn là thù địch đe dọa Mỹ và đã thành bạn đồng phường thì Miền Nam Việt Nam hết còn là tiền đồn của Thế giới Tự Do. Mở cửa Bắc Kinh thì tất phải đóng cửa Sàigòn.
Sau khi rời bỏ Miền Nam thì Mỹ cũng ngoảnh mặt đi khỏi Biển Đông vì khu vực này cũng hết còn bị đe dọa. Tại sao? Vì TQ tuyên bố chính sách đối với các quốc gia trong vùng là dung hòa, không quan tâm nhiều tới tranh chấp mà chỉ nhắm vào cộng tác để phát triển “ zhu quan zai wo, ge zhi zheng yi, gong tong kai fa” – chủ quyền ở ta, gạt bỏ tranh chấp, hợp tác khai thác.
Trung Quốc lật thế cờ, Mỹ quay lại Việt Nam
Từ khi nối lại bang giao với Mỹ, TQ đã phát triển, tiến bộ vượt bực về hết mọi mặt: quân sự, kinh tế, tài chính nhờ vào kỹ thuật, tiền bạc, thị trường Mỹ. Ngày nay thì TQ đã mạnh đủ để lật ngược thế cờ, ra mặt đối đầu với Mỹ. Ngay từ năm 2000 TQ đã có những hành động khiêu khích: tuyên bố chủ quyền về khu vực khí đốt gần đảo Natura phía đông bắc Sumatra (Nam Dương) và tranh chấp với Nhật về quần đảo Senkaku ở Đông hải. Tháng 4, 2000 máy bay khu trục J-811 của TQ đụng ngay vào máy bay trinh sát của Hải quân Mỹ khoảng 70 dậm cách đảo Hải Nam: phi công TQ tử nạn và máy bay của Mỹ buộc phải đáp xuống Đảo Hải Nam. Toàn bộ phi đoàn bị bắt. Cho nên cũng vào năm 2000 Mỹ đã quay lại, nhìn thật kỹ vào Việt Nam:
Tháng 11/2000 TT Clinton là tổng thống đầu tiên sang Việt Nam kể từ chuyến viếng thăm Sài Gòn của TT Nixon năm 1969.
Tháng 11/2006 đến lượt TT Bush. Cả hai ông đều kêu gọi quên đi quá vãng và hướng về tương lai để cùng chung nhau xây dựng hòa bình và thịnh vượng
Việt Nam trở về chỗ đứng lịch sử
Tới năm 2011 thì Mỹ bắt đầu thi hành chiến lược xoay trục về Á Châu, về Biển Đông. Và khi Mỹ trở về Biển Đông thì Việt Nam lại trở về chỗ đứng lịch sử: vị trí chiến lược quan trọng nhất tại khu vực này.
Tháng 11/2016 TT Obama sang thăm Việt Nam. Trong dịp này ông tuyên bố “sẽ đưa mối quan hệ hợp tác an ninh Việt – Mỹ lên tầm cao mới” và “với chuyến thăm này, chúng ta đã đặt mối quan hệ Việt – Mỹ lên một nền tảng vững chắc hơn trong nhiều thập kỷ tới.”
Tháng 11 năm nay (2017) thì Việt Nam là quốc gia đầu tiên trong vùng Biển Đông TT Trump đến viếng thăm.
Khác với muc đích thăm viếng Trung Quốc, Nhật, Nam Hàn, Phi Luật Tân, đến Việt Nam TT Trump không phải chỉ để thuyết pháp về ‘mậu dịch công bằng đối với Mỹ,” hay chống lại hiểm họa Bắc Hàn. Mục đích chính là chiến lược: làm sao để Việt Nam nghiêng về Mỹ trong bối cảnh mới theo sáng kiến có thể nói là lịch sử của Ông: “giấc mơ Ấn Độ – Thái Bình Dương”
Tại Đà Nẵng-APEC 2017, ông nói “tất cả có thể cùng nhau phát triển thịnh vượng trong tự do và hòa bình.” Nhưng xét ra cho kỹ thì ta thấy rằng “cùng nhau phát triển thịnh vượng” thì dễ nhưng “trong tự do và hòa bình” thì khó. Khó vì TQ gây hấn ngày một mạnh. Bởi vậy, quyền lợi hỗ tương quan trọng nhất đối với Việt Nam và Hoa Kỳ là ngăn chận sự bành trường mau lẹ của Trung Quốc.
Nếu như trong chuyến thăm Việt Nam ông Obama chỉ khéo léo thúc đẩy Việt Nam qua việc nhắc lại câu thơ của Lý Thường Kiệt, rằng:
“Sông núi nước Nam vua Nam ở” thì ông Trump – con người bộc trực, nghĩ sao nói vậy – đã nhắc rằng:
“Hai Bà Trưng đã đánh thức tinh thần của người dân vùng đất này. Đó là lần đầu tiên người dân Việt Nam đứng lên đấu tranh cho sự độc lập và niềm tự hào của các bạn.”
Trong hội trường gồm lãnh đạo của cả 21 thành viên và ngay trước mặt ông Tập Cận Bình mà nhắc đến như vậy thì cũng không phải là chỉ để nói bâng quơ. Chắc cố vấn ông Trump cũng đã cho ông biết câu chuyện về người thủ tướng lỗi lạc nhất của TQ là Chu Ân Lai đã nói về Hai Bà Trưng (như chúng tôi đã đề cập trong bài “Chu Ân Lai và Hoàng Sa”): “Hai nghìn năm trước đây, Trung Quốc đã xâm lược Việt Nam, và Trung Quốc đã bị đánh bại. Lại bị đánh bại bởi hai người đàn bà, hai nữ tướng.”
Câu hỏi được đặt ra là liệu “Việt Nam có được thuyết phục hay không?” Ngoài áp lực nặng nề, khuyến dụ, răn đe từ Phương Bắc, lại cỏn vấn đề khả tín của Hoa Kỳ. Chắc rằng Việt Nam cũng đã có câu hỏi: làm sao chúng tôi tin được rằng các ông sẽ không bỏ rơi chúng tôi như các ông đã tháo chạy khỏi Miền Nam? Đây là vấn đề nhức nhối nhất cho nước Mỹ không những đối với Việt Nam mà còn đối với các quốc gia khác trong vùng.
Để trả lời phần nào câu hỏi này thì TT Obama đã xác nhận: “Khi đến Việt Nam, tôi ý thức được quá khứ, ý thức được lịch sử khó khăn, nhưng mặt khác cũng hướng đến tương lai, đến sự thịnh vượng, đến những mục tiêu an ninh và ổn định để hai nước có thể thúc đẩy lẫn nhau. Rồi một cách tế nhị, như để cam kết sự chung thủy, ông trích tryện Kiều :
“Rằng trăm năm cũng từ đây.
Của tin gọi một chút này làm ghi”
TT Trump thì không mấy văn hoa, phát biểu tại Hà Nội, ông đặt thẳng vấn đề quyền lợi hỗ tương: “Chúng ta đã gắn kết dần với nhau để tìm được những mục tiêu chung, những lợi ích chung. Và đó là điều đang diễn ra. Chúng tôi tới đây hôm nay để tái khẳng định những gắn kết đó.” Rồi Thông Cáo Chung cũng nhắc lại việc “mở rộng quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước trên cơ sở …các lợi ích và mong muốn chung.” Ta có thể giải thích rông ra điều Trump muốn nói : lợi ích quan trọng nhất của cả hai bên Việt – Mỹ là ngăn chận tham vọng của Trung Quốc. Mà tham vọng này thì từ bây giờ sẽ không bao giờ chấm dứt, cho nên chúng tôi sẽ không bao giờ làm cái lầm lỡ thứ hai là ôm ông TQ vào lòng (và bỏ rơi Việt Nam nữa). Đầu thập kỷ 1970 chúng tôi ôm TQ mà không e ngại vì lúc ấy nước này còn đứng vào hàng nghèo nhất thế giới, chưa mạnh về quân sự: năm 1969 xuýt nữa bị Liên Xô tấn công nguyên tử nếu không có sự can thiệp của Mỹ.
Thật vậy, tất cả cũng chỉ là quyền lợi: chẳng có bạn bè vĩnh viễn (và cũng chẳng có kẻ thù vĩnh viễn) mà chỉ có quyền lợi vĩnh viễn, như Lord Palmerston, Thủ tướng Anh đã từng nhấn mạnh (xem KĐMNV, Phần Kết).
Về quyền lợi thì phía Việt Nam cũng đã biết rõ hai điều: thứ nhất, từ Thế Chiến II, không một nước nào từ Âu tới Á đã giầu mạnh lên được mà không phải nhờ Mỹ; và thứ hai, chỉ có Mỹ mới đối lại được với TQ.
Để đáp lại thịnh tình của TT Trump trong chuyến công du này, Việt Nam cũng đã có ba hành động tương đối là tượng trưng:
1. Về kinh tế: ký hợp đồng $12 tỷ mua sản phẩm của Mỹ;
2. Về quân sự: “hoan nghênh hàng không mẫu hạm Mỹ lần đầu tiên tới thăm một hải cảng (Cam Ranh) của Việt Nam trong năm 2018” và “khẳng định kế hoạch hợp tác quốc phòng Việt – Mỹ trong giai đoạn 2018-2020.” (Ông Trump nhấn mạnh sẽ bắt đầu ngay việc sửa soạn chiến thuật này).
3. Về chính trị, ngoại giao: đã sắp xếp mời ông Trump đến Hà Nội, dự yến tiệc, phát biểu, ra thông cáo chung một ngày trước khi ông Tập tới (cũng từ Đà Nẵng) tuy dù đón tiếp ông Tập long trọng hơn ông Trump nhiều.
Điểm thứ 2 và 3: nghe thì đơn giản nhưng là những điểm rất nhạy cảm đối với ông Tập. Một điều đáng chú ý là về phía người dân thì chỉ hoan hô ông Trump mà không để ý tới ông Tập. Để biết rõ hơn liệu Việt Nam có được thuyết phục hay không, ta phải theo rõi những hành động có thực chất của cả hai bên trong những ngày tháng sắp tới./.
Nguyễn Tiến Hưng/(Người Việt)
---------------
* Nhưng : đánh giá cùng 1 v/đ có vô số góc nhìn, không chỉ duy nhất có góc nhìn từ nước Mỹ, vậy ta thử xem 1 góc nhìn khác từ phần còn lại của thế giới (ngoài Mỹ), xem thế nào ?
Thật vắn tắt :
1, Ngay trong giai đoạn lịch sử gần ,quãng thế kỷ 18, nước Trung hoa của Càn long đã có giai đoạn phát triển cực thịnh, thách thức trật tự được thiết lập bởi các đại ca thực dân đế quốc Anh, Hà lan, Tây ban nha,...đang làm mưa làm gió trên thế giới. Từ cách đây hơn 200 năm, Napoleon Bonaparte, đã có nói : "Trung Hoa là một con sư tử đang ngủ. Hãy để nó ngủ, khi nó thức dậy nó sẽ rung chuyển thế giới".
- Với tầm vóc của nó, khi nó trỗi dậy, Trung Quốc từ Càn Long, Tưởng Giới Thạch,.. cho đến Tập Cận Bình bây giờ, luôn là thách thức đối với trật tự mà 1 nước hay 1 nhóm nước nào đó cố thiết lập. Trước đây là Anh,..bây giờ là Mỹ,.. Bất kể Trung Quốc dưới chế độ chính trị xã hội nào.
- Cao nhân tắc hữu cao nhân cao.
Ở tầm thế giới hay tầm quốc gia hay tầm gì gì...cũng vậy. Luôn luôn có xu hướng cân bằng. TQ đã và sẽ là đối trọng ngang ngửa hoặc hơn của Mỹ. Ở mức thấp hơn 1 chút , các đối trọng tiềm tàng là Nga, Ấn độ,...
- Thế giới phát triển xu hướng là toàn cầu hóa, thế giới là "phẳng", thế giới đa cực với xu hướng không có chỗ cho thế giới đơn cực hay lưỡng cực như trước đây. Có nghĩa là không "đơn cực" cho cả Mỹ hay Trung Quốc hay bất cứ nước nào khác.
Xu hướng chống độc tài, độc quyền phải ở cả ở tầm thế giới hay tầm quốc gia.
2, Nguyễn Tiến Hưng (NTH) viết : "...Chắc rằng Việt Nam cũng đã có câu hỏi: làm sao chúng tôi tin được rằng các ông sẽ không bỏ rơi chúng tôi như các ông đã tháo chạy khỏi Miền Nam?.."
- Khái niệm "Miền Nam" theo ý của NTH ở trên, xin không bàn tới ở đây, nhưng chắc chắn không phải là khái niệm "Việt Nam" hôm nay, 2017, khi 1 TT Mỹ tới thăm VN. Quan hệ của nước VN thống nhất với Mỹ hôm nay không phải là quan hệ của Mỹ với "miền Nam" ngày trước.
- NTH viết : "...Về quyền lợi thì phía Việt Nam cũng đã biết rõ hai điều: thứ nhất, từ Thế Chiến II, không một nước nào từ Âu tới Á đã giầu mạnh lên được mà không phải nhờ Mỹ..".
Lối lý luận (của nước Mỹ) của tay NTH này sẽ dẫn đến suy nghĩ cứ "nhờ" Mỹ ắt sẽ giàu lên !!!
- NTH cố ý bỏ qua 1 mệnh đề quan trọng còn lại :
Và đa số các nước còn lại , cũng "nhờ" Mỹ nhưng không những không giàu nổi, thậm chí nghèo đi, tan hoang. Vô số thí dụ. Gần nhất : Afghanistan, Irak, Ai cập, Lybia, Tunisia, Syria, Yemen,...
- Vế thứ 2 của NTH "...và thứ hai, chỉ có Mỹ mới đối lại được với TQ..." thực tế phải là "chỉ có TQ mới đối lại được với Mỹ", phá vỡ sự "đơn cực" Mỹ trên bàn cờ thế giới hiện nay.
* Về quan hệ VN- TQ-Mỹ xoay quanh bàn cờ biển Đông và khu vực, có bài viết của Ngô Di Lân ,nghiên cứu sinh tiến sĩ Đại học Brandeis, Hoa Kỳ. (Để tham khảo và cũng còn nhiều v/đ cần bàn, dù khá khách quan, thực tế. )
Tôi xin dẫn lại bên dưới.
Ngô Di Lân.
Nói đến nước Mỹ, người ta sẽ lập tức nghĩ đến các bang lớn và nổi tiếng như California, Texas hay New York. Thế nhưng về mặt chính trị, đây không phải là những bang chủ chốt. Bằng chứng là số tiền các ứng viên tổng thống rót cho các chiến dịch tranh cử ở những bang lớn này thường thấp hơn nhiều so với số tiền được đổ vào những “bang chiến trường” (battleground state) như Michigan, Ohio, Pennsylvania, v.v… Trong khi đa số các bang còn lại gần như luôn luôn bỏ phiếu ủng hộ một đảng duy nhất thì những bang chiến trường có thể nghiêng về bất kỳ bên nào và do đó cả hai đảng buộc phải cạnh tranh quyết liệt tại những bang này để giành chiến thắng.
Xét trên phương diện này, chính trị quốc tế không khác chính trị Mỹ là bao. Ở bất kỳ khu vực nào trên thế giới đều có những quốc gia quan trọng hơn và các quốc gia kém quan trọng hơn. Tương tự, ở đâu cũng có những nước nằm chặt trong bán cầu ảnh hưởng của một cường quốc nhất định và có những nước có thể ngả về bất kỳ bên nào tùy thuộc vào hoàn cảnh.
Ở khu vực Biển Đông hiện nay, Việt Nam đang là một trong những nước chiến trường có vai trò đặc biệt quan trọng nhờ vị trí địa-chính trị trung tâm và mối quan hệ đặc biệt với cả hai siêu cường là Mỹ và Trung Quốc. Do đó, Việt Nam có thể tận dụng vị thế đặc biệt của mình hiện nay để mặc cả với cả hai siêu cường trong vấn đề Biển Đông, song điều này cũng tiềm ẩn không ít rủi ro mà các nhà làm chính sách Việt Nam sẽ phải lường trước để chuẩn bị kế sách ứng phó.
Việt Nam trên bàn cờ Biển Đông
Không phải tình cờ mà Việt Nam trở thành tâm điểm của khu vực Đông Nam Á trong gần như suốt thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Ngoại trừ Trung Quốc thì Việt Nam là nước duy nhất vừa nằm trên lục địa Á Châu, vừa có phần lãnh thổ trải dài, gần như bao quanh trọn một cạnh của Biển Đông. Trong khu vực Đông Nam Á chỉ có duy nhất Việt Nam vừa có chung biên giới trên đất liền với Trung Quốc, vừa có phần lãnh thổ tiếp giáp với Biển Đông. Thế nên xét về mặt địa lý, Việt Nam có vị trí vô cùng thuận lợi để tiếp cận với Biển Đông và các đảo, đá đang có tranh chấp.
Bên cạnh đó, tuy Việt Nam là một nước nhỏ nhưng lại là nước đông dân thứ ba trong khu vực (chỉ sau Indonesia và Philippines). Quân đội Việt Nam nổi tiếng thiện chiến và là nước duy nhất từng đánh bại nhiều cường quốc khác nhau qua các thời kỳ. Hiện nay, Việt Nam đang sở hữu một trong những nền kinh tế năng động bậc nhất ở khu vực Châu Á và nền chính trị Việt Nam cũng hết sức ổn định.
Về mặt ý thức hệ, Việt Nam gần gũi hơn với Trung Quốc so với những nước như Mỹ, Nhật Bản, v.v… Tuy nhiên về mặt an ninh, sự song trùng lợi ích lại lớn hơn giữa Việt Nam và Mỹ cũng như một số quốc gia láng giềng khác. Hơn nữa, từ trước đến giờ chính sách đối ngoại của Việt Nam luôn nhấn mạnh tính độc lập, thể hiện qua nguyên tắc đối ngoại – quốc phòng “ba không”. Vì vậy, không có lý do gì để bất kỳ ai nghĩ rằng Việt Nam “thuộc” về bất kỳ cường quốc nào. Tùy vào tình thế cụ thể, Việt Nam có thể là lực lượng trấn giữ con đường nam tiến của Trung Quốc, là tiền đồn cho bất kể thể lực nào muốn kiềm chế sự bành trướng của Trung Quốc, mà cũng có thể là một nước láng giềng hữu nghị và là một vùng đệm để Trung Quốc ngăn chặn sự tiếp cận của các thế lực thù địch.
Nhà địa chính trị nổi tiếng Halford MacKinder từng viết rằng “Ai kiểm soát được Vùng đất trung tâm, sẽ chỉ huy được đảo-thế giới; ai kiểm soát được đảo-thế giới, sẽ chi phối được cả thế giới”. Ngày nay, chúng ta có thể đưa ra nhận định rằng “Ai kiểm soát được Việt Nam, sẽ chỉ huy được Biển Đông; ai kiểm soát được Biển Đông sẽ chi phối được khu vực Châu Á”. Vì lẽ đó, chừng nào Mỹ-Trung còn cạnh tranh quyền lực ở Biển Đông thì cả hai còn phải coi trọng mối quan hệ của mình với Việt Nam. Đây chính là con át chủ bài của Việt Nam vào lúc này.
(còn tiếp)
Hàm ý đối với chính sách đối ngoại Việt Nam
Trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ diễn ra căng thẳng, các nhà lãnh đạo Việt Nam khi đó đã khéo léo khai thác mâu thuẫn Trung-Xô, tránh nghiêng quá về bên nào nhưng cũng không hoàn toàn trung lập, nhằm tranh thủ sự ủng hộ của cả hai. Lúc này hơn bao giờ hết, với vị thế là một nước chiến trường, Việt Nam nên tiếp tục duy trì chính sách đối ngoại “đu dây” giữa hai siêu cường Mỹ-Trung thay vì liên minh với một bên để chống lại bên còn lại. Lý do bởi một khi chúng ta chọn gắn mình với một siêu cường duy nhất thì chúng ta sẽ đánh mất vị thế của mình và không còn sức mặc cả với cả hai siêu cường nữa. Điều này rất có thể sẽ gây nguy hại đến an ninh quốc gia khi hai siêu cường đạt được thỏa thuận với nhau hay một bên rút về và không tiếp tục can dự vào khu vực Châu Á nữa.
Mặt khác, để bảo toàn được vị thế này Việt Nam luôn phải để ngỏ khả năng sẵn sàng nghiêng về một bên nếu bị đẩy vào đường cùng. Nếu như chúng ta tuyên bố rằng Việt Nam sẽ kiên trì theo đuổi chính sách “ba không” dù bất kỳ chuyện gì xảy ra thì rất có thể sẽ gửi đi tín hiệu sai lệch đến các nước láng giềng và khiến một số nước hành xử hung hăng hơn. Các cường quốc sẽ hành xử một cách có kiềm chế đối với Việt Nam ngày nào họ còn tin rằng chúng ta có thể sẽ bắt tay với một bên khác để chống lại họ.
Tuy nhiên cũng cần lưu ý rằng vị thế then chốt của Việt Nam chỉ được đảm bảo ngày nào Mỹ-Trung còn cạnh tranh ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương nói chung và Biển Đông nói riêng. Nếu như Mỹ-Trung mặc cả thành công như khi Nixon đến Trung Quốc hay Mỹ không thể tiếp tục duy trì sự hiện chính trị – quân sự của mình ở khu vực này thì Việt Nam rất có thể sẽ lâm nguy.
Chính vì vậy, một trong những mục tiêu đối ngoại lớn trong thời gian trước mắt là duy trì được sự quan tâm của chính quyền Trump đối với khu vực Biển Đông. Trong chuyến thăm tới Việt Nam mới đây, Tổng thống Trump đã nói với Chủ tịch nước Trần Đại Quang rằng Mỹ sẵn sàng đóng vai trò “trung gian hòa giải” trong tranh chấp Biển Đông. Việc Mỹ đóng vai trò trung gian hòa giải không đảm bảo sẽ mang lại kết quả có lợi cho Việt Nam nhưng Trump luôn tự hào rằng mình là một nhà đàm phán “thượng thặng”, việc Việt Nam bật đèn xanh đối với mong muốn trở thành nhà trung gian hòa giải của Trump rất có thể sẽ duy trì được sự quan tâm của vị tổng thống Mỹ đối với khu vực này và giảm thiểu rủi ro Mỹ rút lui khỏi Châu Á hoặc dùng Việt Nam làm con bài để mặc cả với Trung Quốc về vấn đề Triều Tiên.
Hết.
Nguồn : http://nghiencuuquocte.org/2017/11/19/viet-nam-nuoc-chien-truong-tren-ban-co-bien-dong/
Dầu năm 1990 Nguyễn v Linh ký kết hiệp định cầu hoà với TQ , cam tâm thuần phục . Nhưng Đảng không thể che đậy nỗi nhục thân phận bề tôi trước từng đợt sức ép mỗi ngày mỗi tăng của TQ nhằm lấn chiếm thêm đất đai và biển đảo .
Dụng thế cầu hoà vì VN nhược tiểu nhằm tránh chiến tranh gây tang thương chết chóc , nhiều đời Tổng Bí Thư đã bị chống đối ngay từ Bộ chính trị lẫn Ban chấp hành trung ương ương .
Tuy nhiên càng cố gắng ngăn chận tinh thần thoát Trung thì bộ mặt giả tạo hữu nghị của Đảng càng tiến dần đến chổ khiếp nhược và phạm tội bán nước cho Tàu .
Nghe Trump phát biểu tinh thần chống Tàu của Hai Bà Trưng khiến Đảng phải thẹn , dân chúng được dịp hả hê ! Dầu phong trào chống Tàu , thoát Trung bị quy chụp là khuấy rối xã hội , chống phá nhà nước .
Con đường phải tiến gần đến Mỹ và xa cách dần TQ là con đường bắt buộc . Ông Trọng , ông Phúc , ông Quang đều tạo thế lực bằng cách đi đêm với TQ để tránh tiếng bắt tay với kẻ thù , ngược lại đi ngày với Mỹ đã trở nên bình thường vì chẳng có thằng dân nào chưởi , chẳng có anh em họ hàng bạn bè thân thích nào chưởi .
Vì hôm nay rõ ràng " Chống Tàu xâm lược " đã thay thế cho câu " Chống Mỹ xâm lược " đã lỗi thời .
Mỹ hiểu được , nắm rõ được tinh thần chống Tàu từ đại bộ phận nhân dân Việt cũng như tất cả các nước khác tại Đông Nam Á . Hôm nay Mỹ đã rảnh tay ở Đông Nam Á , mới thấy TQ đã bị
Mỹ chơi xỏ cho TQ chiếm Hoàng Sa năm 1974 , khiến TQ lộ dần tham vọng tiến tới tuyên bố đường Lưỡi bò , chiếm thêm và xây dựng các đảo ngầm ơn Trường Sa , xây dựng chính quyền và căn cứ quân sự . Tất cả những việc làm này coi như khiến TQ bị cả thế giới nghi ngại , đề phòng .
Trung Quốc muốn thay Mỹ nhưng lại mất niềm tin với thế giới về tính hoà bình trung thực , chắc chắn nào Con đường tơ lụa hàng hải hay Một vành đai một con đường có hình thành rồi cũng thất bại .
Mỹ hôm nay chọn con đường đối thoại trực tiếp song phương . Vậy VN sẽ được chọn lựa dễ dàng nếu muốn lánh xa TQ khi một Vành đai một con đường lâm vào hỗn loạn .
Nên nhớ mọi chính sách về kinh tế hay quân sự của Mỹ không phải ông Trump toàn quyền . Nếu nói theo thuyết âm mưu , ông Trump vẫn phải lệ thuộc vào một tổ chức ngầm vĩ đại đàng sau giựt dây chứ không phải muốn làm gì thì làm . Rút khỏi TPP , bỏ VNCH 1973 , rút khỏi vai trò lãnh đạo thế giới ...! Tất cả hình như đã được tính toán từ lâu .
Cũng giống như Tàu và Nhật có hành động tuyên bố lo ngại sự di dân từ Triều Tiên đồng nghĩa chế độ Bắc Triều Tiên sắp cáo chung trong lộn xộn sắp xảy ra .
Nói cách khác với TQ hôm nay VN không nên tiếp tục quan hệ theo khuôn khổ Mười sáu chữ vàng và Bốn tốt . Phải tuyên bố thẳng thừng với TQ về biển đảo bị xâm chiếm như cách làm của Phi và Campuchia tuyên bố với Mỹ . VN phải độc lập về chính trị , sự độc lập này có thể kéo dài tính chất lãnh đạo của Đảng khi dân tin tưởng .
Đảng còn luồn cuối TQ , nhân dân còn tiếp tục khi dễ Đảng . Còn chuyện Chống tham nhũng hối lộ thì đối với nhân dân chỉ là chuyện thường ngày ở huyện mà thôi .
điều mà ngài Reagan tiên liệu đã đến đang đến và sẽ đến.
THỐNG MĨ
+ + + + +
Đến nay tỏ rõ đôi đường
Âm Dương phân biệt còn tơ vương gì ?
Khựa Tàu thừa hiểu khó chi ...?
Giết người cướp của chính my đầu trò
Kia đất cát , kìa biển bờ
Lắng nghe tổng Mĩ vang tô diễn dàn
Họ mở việc , họ bàn làm
Lợi cùng chung cả, tân toan chia đều …
Buộc cho Mĩ lắm điều điêu …
Hóa ra Tàu lại nhiều điều thâm gian
Hại người đoạt nghệ Tàu ban
Say đi ăn cắp nhân gian xứ người
Khứ Tàu ơi ! rõ gian đời
Thuộc dòng tăm tối hỡi ơi giỏi gì ?
Nước Mĩ rực sáng thực thi
Bao nhiêu nhật lộ Mĩ đi đường hoàng …
Ngọc Châu Hải Dương 10/ 11/ 2017
Bùi Quang Thanh
Đ. T. 0914209894