07/01/2018
Cựu và Nguyên: sao cựu quan chức - lãnh đạo chỉ thích nguyên?
Phùng Hoài Ngọc (VNTB)
Cựu và Nguyên, căn bản đồng nghĩa chỉ một chức vụ quan chức đã trải qua, nay không làm nữa.
Nhưng cách dùng hai chữ đó thì khác nhau, tuỳ vào hoàn cảnh của quan chức và nội dung mục đích của người nói/viết.
Khi một ông quan đã nghỉ việc hay nghỉ hưu, nếu nhắc đến thì dùng “cựu” như một định ngữ gắn liền họ tên. Ví dụ nhắc đến Nông Đức Mạnh người ta sẽ nói “cựu TBT. Nông Đức Mạnh”, hay là “cựu chủ tịch Nước Trương Tấn Sang”… tham gia hoạt động nào đó”.
Tuy nhiên, đài báo vẫn đưa tin các ông ấy là “nguyên…”.
Những bản tin nhắc đến hoạt động của các ông lãnh đạo cao cấp hết thảy đều viết “nguyên”. Chẳng hạn “Nguyên TBT Lê Khả Phiêu, nguyên TBT Nông Đức Mạnh, nguyên chủ tịch Nước Trương Tấn Sang, nguyên thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. v.v…”.
Tất cả là sai lầm hết
Trong tất cả các trường hợp trên, đều phải nói và viết là “cựu + chức vụ + họ tên”.
Người đầu tiên làm con dê thí điểm cho hình thức kỷ luật “cách chức nguyên” là ông Vũ Huy Hoàng cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương. Ông Hoàng bị tuyên bố cắt tất cả các “nguyên chức vụ” liên quan thời gian làm bộ trưởng. Ông Hoàng đã có vinh dự làm “nhân vật đầu tiên” trong chương Kỷ luật của cuốn lịch sử Đảng CSVN rồi.
Báo Dân Trí ngày 19/10 đưa tin: “PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng vừa đưa ra đề xuất thành lập ‘Viện nghiên cứu và giáo dục đạo đức cách mạng’ nhằm dạy cán bộ đạo đức và những chuẩn mực đạo đức trong Đảng”.
Đáng lẽ phải viết “Nguyễn Trọng Phúc, cựu Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng”.
Nhân đây xin mạn phép bàn về các từ ngữ trên trong truyền thống ngôn ngữ dân tộc.
Các từ ngữ nêu trên đều có gốc Hán, đã được Việt hoá nhuần nhuyễn từ bao đời.
Cựu: gọi đầy đủ là Cựu nhiệm (旧任).
Cựu + Nhiệm (chức vụ) + họ tên
Dùng “cựu” hô gọi một nhân vật đã thôi quan chức, về làm dân.
Nguyên: gọi đầy đủ là nguyên nhiệm (原任), khi bàn về, nhắc đến một ông quan hiện đã cải nhiệm đến nơi khác, hoặc làm chức vụ khác. Có khi cũng nói “tiền nhiệm” nhằm nhắc nhở bàn về ông “đương nhiệm”. Không dùng “nguyên” tả nhân vật ấy làm chủ ngữ trong câu. Chẳng hạn không thể nói “Nguyên TBT Nông Đức Mạnh đi dự hội nghị gì đấy”.
Công thức: Nguyên + nhiệm (chức vụ) + họ tên
Đương: gọi đầy đủ là “đương nhiệm” (當任): người đang giữ một chức vụ. Tuy nhiên theo mặc định ngôn ngữ, khi nói về quan chức đương nhiệm thì không cần kèm định ngữ “đương nhiệm”. Ví dụ: Bí thư Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa.
Bàn về cách gọi các quan chức cựu/nguyên
Nói về ông Thăng đang “công tác” ở trại giam Bộ CA, nếu cần nói/viết đến giai đoạn trước, CA sẽ nói/viết như sau “Ông Thăng nguyên là Phó ban Kinh tế Trung ương, hiện đang ở trong vòng tay chăm sóc của chúng tôi”.
Báo chí cũng có thể nói “Ông cựu Phó ban KTTW Đinh La Thăng sẽ hầu toà ngày 8 tháng Giêng năm 2018”. Vì “cựu” mang ý nghĩa chức vụ chót chấm dứt (dù chưa hoàn thành, vào thời điểm bị bắt).
Lúc trước, khi Đinh La Thăng đang làm Bí thư TP.HCM, nếu cần nhắc lại quá trình, người ta sẽ nói: ông Thăng là nguyên Bộ trưởng Bộ GTVT. Ngược lên nữa, khi ông Thăng đang làm Bộ trưởng GTVT, cần nói về giai đoạn trước của Thăng thì nói “ông Thăng là nguyên Chủ tịch Dầu khí Việt Nam”.v.v…
Lưu ý rằng không thể dùng “Nguyên Phó ban KTTW Đinh La Thăng” làm chủ ngữ của một câu nào đó.
Khi bàn về ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, cần nói đến quá trình công tác thì người ta nói “ông Nguyễn Phú Trọng, nguyên Chủ tịch Quốc hội”. Không thể nói “Nguyên Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng đang hành động chi đó” như một ngữ danh từ đóng vai chủ ngữ.
Bây giờ Đảng tuyên bố “cắt” chữ “nguyên” thì biết ăn nói thế nào cho đúng với sự thật lịch sử? Lý lịch con cháu sẽ ghi về ông cha thế nào? Ghi theo Kỷ luật Đảng thì CA lại báo khai man lí lịch? Ghi theo thực tế thì lại bị vu là ngoan cố chống Đảng?
Quyền nhiệm 權任: tạm thay việc của một chức quan, nguyên từ gốc: 權變 (quyền biến): Xử trí linh hoạt, tạm thời ứng phó.
Ông Hồ Chí Minh đi sang Pháp đàm phán năm 1946, bổ nhiệm cụ Huỳnh Thúc Kháng lúc ấy đương nhiệm Bộ trưởng Nội vụ, nay kiêm nhiệm Quyền Chủ tịch nước. Cụ Huỳnh chỉ làm “Quyền Chủ tịch nước” hơn một tháng, sách lịch sử Việt Nam mãi mãi ghi danh cụ là “Quyền Chủ tịch nước Huỳnh Thức Kháng”.
Trường hợp tương tự, ông Đinh Thế Huynh UVBCT giữ chức vụ Thường trực Ban Bí thư bị bệnh nghỉ điều trị khá dài, ông Trần Quốc Vượng tạm thay đã mấy tháng nay, nhưng không được gọi là “Quyền thường trực BBT” mà lại là “Tham gia thường trực BBT”. Ô hay! chức vụ “tham gia” mới lạ thật, chả hiểu thế nào nữa!
Dẫn chứng thêm cái chức vụ cổ xưa “bí thư” (祕書: chức quan giữ các giấy tờ, cam kết bí mật gọi là "bí thư") đã chết từ lâu vì không còn tồn tại trong thực tiễn thì Đảng lại moi ra dùng sai, thậm chí vô nghĩa (chức vụ “bí thư” chỉ có một mình Việt Nam sử dụng, đáng lẽ dùng “thư ký” như mọi nước). Việt Nam chỉ dùng “bí thư” cho Đảng, Đoàn và các đại sứ quán, như để tôn trọng đặc biệt ba chức vụ trên. Trung Quốc đất nước sinh ra chức vụ “bí thư” đã bỏ từ khi lập nước 1949, nay đều đang dùng thư ký 書記.
Kể từ khi “đời ta có Đảng”, rất nhiều từ ngữ “lạ” cùng khái niệm kỳ dị cứ mọc ra trong tiếng Việt với cách dùng tuỳ nghi bừa bãi. Vì sao Đảng không tiếp nối truyền thông ngôn ngữ dân tộc nữa?
Đảng muốn phá bỏ từ pháp và ngữ pháp Việt Nam, để tạo ra một hệ thống “thuật ngữ đảng” hay sao? Như thế sao gọi là danh chính ngôn thuận!
Cắt “nguyên” hay không xưng hô “cựu” đều là xuyên tạc sự thật.
Không thể cắt bỏ hoặc thay đổi được quá khứ.
Tại sao các báo chí toàn dùng “nguyên” thay cho “cựu”?
Thực ra, chắc là do các lãnh đạo đã dùng trước trong các hội nghị và thông báo, nên các nhà báo, dù biết là sai, vẫn phải “thuật” theo đúng văn bản gốc. Biết sai không dám sửa. Riết rồi thành quen.
Vậy hoá ra, quan chức lãnh đạo nghỉ hưu vẫn thích được gọi là “nguyên” tức là mọi thứ “vẫn còn nguyên”, không mất mát gì. Họ rất sợ chữ “cựu” nghe có vẻ xưa xưa, cũ cũ, qua rồi, chẳng còn gì trong hiện tại, sẽ chẳng còn ai nể nang, tôn trọng. Họ không thể quen được khi trở về đời thường, dân thường. Họ chỉ muốn, đã làm quan thì một đi không trở lại làm dân.
Quan chức bị kỷ luật cắt “nguyên” thực tế nghĩa là “cắt bổng lộc quyền lợi, không còn nguyên vẹn”. Đương sự chỉ được lĩnh lương của cán bộ thường, không được lĩnh phụ cấp chức vụ và chế độ chính sách của “nguyên chức vụ”.
Đảng muốn kỷ luật như thế thì tại sao không ghi rõ hình thức kỷ luật là: “Cắt hết mọi phụ cấp và chế độ chính sách của chức vụ X”. (nghĩa là: chức vụ khác trong quá khứ vẫn được hưởng chế độ chính sách). Ghi rõ như thế mới là minh bạch. Dù cắt “nguyên” nhưng vẫn phải còn “cựu”, cho tới khi thành “cố”.
“Cựu “ và “nguyên” đều dùng khi nhân vật đang còn sống. Khi nhân vật ấy qua đời, sẽ gắn thêm chữ “cố”. Như cố Bộ trưởng Quốc phòng VNG.
Trường hợp cắt phéng cái “nguyên” cũng sẽ gây phiền phức không nhỏ khi đương sự chuyển thành “cố”.
Về ông Vũ Huy Hoàng, tháng 4/ 2006, được phân công làm Bí thư. Tháng 8/2007, ông được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bổ nhiệm làm bộ trưởng). Nay ông bị cách cái “nguyên Bộ trưởng GTVT” thì cái chức “nguyên” kế trước đó sẽ đôn lên thành danh xưng chính thức của ông: cựu Bí thư Tỉnh uỷ. Vậy là, ông vẫn được lãnh tất cả phụ cấp lương bổng và các chế độ khác dành cho “Bí thư Tỉnh uỷ”, ông chỉ mất hết phụ cấp chế độ “Bộ trưởng” mà thôi.
Nói dại, xin lỗi ông Vũ Huy Hoàng, tôi chỉ mượn tên ông nêu thí dụ cho bà con dễ hiểu. Khi ông hết lộc hoặc “thất lộc” (tức qua đời), người ta sẽ phải ghi họ tên chức vụ ông trên cáo phó. Căn cứ theo kỷ luật của Đảng đã tuyên năm 2017, cáo phó sẽ ghi là “cố Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn”.
Còn ông Ngô Văn Tuấn phó chính quyền xứ Thanh, hiện tại bị “cách hết mọi chức vụ trong Đảng” (mọi nguyên trong Đảng), chờ xem bên Chính phủ sẽ cách tiếp cái “nguyên nào”. Sau đó ông Tuấn sẽ lấy cái chức vụ kề cận trước “nguyên” - cái chức vụ bị cách, để gọi xưng tên và nhận phụ cấp tương ứng.
Đảng CSVN xưa nay đã dùng rất nhiều “thuật ngữ” lạ, khó mà kể hết.
Làm chính trị trước hết và thực tế là hành vi ngôn ngữ. Từ xa xưa cổ nhân đã yêu cầu mọi chuyện đều phải 'danh chính ngôn thuận' là như vậy.
P.H.N.
VNTB gửi BVN.
Có nên hợp tác với cơ quan an ninh?
Lê Anh Hùng (VNTB)
“Làm việc với cơ quan an ninh” là một mệnh đề đã trở nên quá quen thuộc với giới bất đồng chính kiến, hay với bất cứ người Việt quốc nội nào cất lên tiếng nói của lương tri và lý trí trước những vấn đề của xã hội và đất nước.
Quen thuộc là vậy nhưng có lẽ đến tận bây giờ, hầu hết những ai bị cơ quan an ninh “mời” hay “triệu tập” lên làm việc vẫn còn phải cân nhắc rất thận trọng giữa việc hợp tác hay bất hợp tác với đại diện của chính quyền.
“Hợp tác” ở đây được hiểu là chấp hành giấy mời, giấy triệu tập của cơ quan an ninh; sẵn sàng trả lời các câu hỏi của họ; thừa nhận mình là chủ nhân của các tài khoản Gmail, Facebook hay blog cá nhân và dĩ nhiên là những bài viết, phát ngôn hay bình luận đăng trên đó.
“Bất hợp tác” được hiểu là một hành vi “bất tuân dân sự”, không chấp hành giấy mời hay giấy triệu tập, và khi bị cưỡng chế đến “làm việc” với cơ quan an ninh thì sử dụng quyền im lặng, không trả lời các câu hỏi của họ, không thừa nhận hay phủ nhận việc làm hay lời nói cũng như các tài khoản mạng hay blog cá nhân là của mình.
Giữa “hợp tác” và “bất hợp tác” còn một hình thức thứ ba là hợp tác nửa vời. Tức là, người bị công an mời hoặc triệu tập giả vờ hợp tác với họ, sẵn sàng đến trụ sở công an để “làm việc”, trả lời một số câu hỏi “vô hại”, nhưng lại từ chối hoặc phủ nhận những gì “nhạy cảm” liên quan đến bản thân.
Vậy những người được cơ quan an ninh “mời” hoặc “triệu tập” nên hợp tác, bất hợp tác hay hợp tác nửa vời với họ?
“Đồng xu nào cũng có hai mặt”. Lựa chọn nào cũng có ưu điểm và nhược điểm riêng. Từ kinh nghiệm và hiểu biết của bản thân, dưới đây chúng tôi sẽ đánh giá ưu nhược điểm của từng cách thức ứng xử.
Hợp tác
Ưu điểm:
Lựa chọn thái độ hợp tác thể hiện sự “quang minh chính đại” của người đấu tranh. Theo nhà báo Nguyễn Vũ Bình, một người đấu tranh dân chủ kỳ cựu, việc công khai tên tuổi, địa chỉ khi viết bài hoặc khi thực hiện hoạt động đấu tranh và sẵn sàng thừa nhận điều đó nghĩa là người đấu tranh tin tưởng việc làm của mình là đúng, là chính nghĩa, không có gì phải che giấu, phải chối bỏ và hay nói dối.
Nhược điểm:
(i) Người đấu tranh dễ tạo điều kiện cho các cơ quan tố tụng lập hồ sơ kết tội mình.
Chúng ta biết, ánh sáng của cuộc cách mạng Internet và cuộc cách mạng truyền thông xã hội đang từng ngày từng giờ xua tan bóng tối của quyền lực độc tài và phơi bày những sự thật trần trụi của chế độ cộng sản. Trong bối cảnh đó, bộ máy đàn áp của nhà cầm quyền CSVN không còn mù quáng và dễ sai khiến như trước kia. Vì thế, nếu trung thực với an ninh, người đấu tranh có thể đẩy các cơ quan tố tụng cũng như bản thân mình vào tình thế “án tại hồ sơ”.
(ii) “Mềm nắn rắn buông”. Khi thấy đối tượng tỏ ra “mềm”, cơ quan an ninh có thể sách nhiễu người đấu tranh bằng cách “mời” hoặc “triệu tập” bất cứ lúc nào họ muốn, khiến họ mất thời gian, tốn công sức rồi đi tới chỗ nản chí.
(iii) Khi làm việc với những người bất đồng chính kiến, an ninh thường “khích” những ai bất hợp tác hoặc hợp tác nửa vời bằng những câu như: “Hoá ra anh cũng chỉ là anh hùng bàn phím thôi à?” hay “Dám làm mà không dám nhận là hèn!”, v.v.
Vậy nhưng, những câu trả lời của họ sẽ được an ninh ghi vào “Biên bản lấy lời khai”. Tức là, lời nói của người bị thẩm vấn lúc này dù trung thực và khảng khái đến đâu đi nữa cũng bị coi là “lời khai” - một cụm từ đủ khiến bất kỳ một người chính trực nào cũng cảm thấy bị xúc phạm.
Chưa hết, khi một người bất đồng chính kiến bị bắt, thái độ trung thực, khảng khái của họ sẽ được “chuyển hoá” thành những câu như “Đối tượng đã phải khai nhận” hay thậm chí “đối tượng đã thành khẩn khai báo” trong hồ sơ vụ án. Hình ảnh hiên ngang của người đấu tranh sẽ bị các cơ quan tố tụng và bộ máy tuyên truyền cộng sản hạ thấp bằng những lời lẽ xuyên tạc như vậy.
Bất hợp tác
Ưu điểm:
(i) Gây khó khăn cho các cơ quan tố tụng lập hồ sơ kết tội. Như chúng tôi đã trình bày ở trên, điều này ít nhiều cũng giúp nhà đấu tranh tự bảo vệ mình, dù dĩ nhiên là không hoàn toàn đảm bảo rằng họ sẽ không bị bắt.
(ii) Không phải mất thì giờ nghĩ cách đối phó với cơ quan an ninh.
(iii) Tránh được việc cơ quan an ninh cứ hứng lên thì lại phát giấy mời hay giấy triệu tập, khiến mình mất thời gian, công sức.
Với giấy mời thì theo luật, người được mời có quyền từ chối chấp hành.
Với giấy triệu tập mà không ghi rõ là liên quan đến vụ án nào đã khởi tố, người bị triệu tập cũng có quyền từ chối vì trái luật.
Với giấy triệu tập liên quan đến một vụ án nhân quyền đã khởi tố, người bị triệu tập nêu lý do chính đáng: (a) Tôi đã phản đối vụ án đó nên tôi không có lý do gì phải chấp hành giấy triệu tập liên quan đến nó; (b) Bản chất hoạt động của tôi không giống như những gì được quy định tại Điều 258, Điều 88 hay Điều 79 Bộ luật Hình sự - những điều luật mà với tư cách công dân tôi đã phản đối - nên tôi không liên quan đến một vụ án nào như thế; (c) Những gì tôi đã và đang làm là quyền tự do cơ bản của công dân đã được quy định trong Hiến pháp Việt Nam cũng như các công ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết. Tôi không có nghĩa vụ hay trách nhiệm phải trình bày với ai, càng không phải xin xỏ ai về các quyền bất khả xâm phạm đó. Ngoài ra, công dân không có nghĩa vụ phải chứng minh mình vô tội.
Nhược điểm:
Có thể khiến cho mối quan hệ với cơ quan an ninh trở nên căng thẳng. Tuy nhiên, sự căng thẳng không cần thiết vẫn có thể giải toả được bằng những lý lẽ xác đáng như trên.
Lưu ý, bất hợp tác không có nghĩa là chúng ta tuyệt đối không nói chuyện gì với đại diện của chính quyền, đặc biệt là không tận dụng cơ hội để tuyên truyền, cảm hoá họ. Nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam rất sợ hiện tượng “tự diễn biến, tự chuyển hoá” lây lan trong bộ máy đàn áp, bởi một khi lực lượng này không còn sẵn sàng thực thi ý chí tội ác của cấp trên một cách mù quáng nữa thì hệ thống tự khắc sụp đổ.
Hợp tác nửa vời
Ưu điểm:
Cho phép người đấu tranh tỏ “thiện chí” hợp tác với cơ quan an ninh mà không rơi vào cảnh “lạy ông tôi ở bụi này”.
Nhược điểm:
(i) Dễ tạo điều kiện cho cơ quan an ninh dễ bề sách nhiễu, gây khó khăn cho mình bằng cách “mời” hay “triệu tập” mỗi khi họ muốn.
(ii) Dễ mắc “bẫy” của an ninh, bởi họ thường thuộc lòng những mánh khoé quỷ quyệt, trong khi người nói dối thì hay gặp cảnh “đường tắt hay tối, nói dối hay cùng”. Đặc biệt, khi cơ quan an ninh đưa ra những bằng chứng xác thực, như hình ảnh hay phim ảnh, nếu người đấu tranh vẫn cứ phủ nhận thì khó thuyết phục. Trong khi đó, nếu chúng ta chọn giải pháp im lặng ngay từ đầu thì không sao.
(iv) Vi phạm nguyên tắc đạo đức trung thực. Vẫn theo nhà báo Nguyễn Vũ Bình, Việt Nam là một nạn nhân của quan điểm “mục đích biện minh cho phương tiện”. Những người đấu tranh vẫn thường xuyên lên án chính quyền cộng sản là dối trá, bịp bợm. Vậy nên, việc vi phạm nguyên tắc đạo đức trung thực là điều mà những người vẫn mong muốn xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn nếu không tránh được khi phải đương đầu với bạo quyền thì cũng cần hạn chế tối đa, không nên coi đấy là chuẩn mực ứng xử và càng không nên tự hào về điều đó.
Kết luận
Phong trào đấu tranh dân chủ Việt Nam vốn dĩ là tập hợp của những thành phần đa dạng, mỗi người có một khả năng, trình độ, nhận thức và điều kiện khác nhau. Vì thế, mỗi người cần tự chọn cho mình cách ứng xử với cơ quan an ninh phù hợp nhất với hoàn cảnh và đặc biệt là mức độ dấn thân của mình.
Bản thân tôi trước kia từng chủ động tìm đến cơ quan công an để tố cáo một số vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, sau khi nhận thấy mọi nỗ lực nhằm bảo vệ đất nước của mình đều hoài công, trong khi bản thân lại thường xuyên bị khủng bố, trả thù mà không được bảo vệ hay thậm chí là bị rình rập để chụp vào đầu những tội danh vu vơ, tôi không còn niềm tin vào lực lượng “chỉ biết còn Đảng còn mình” nữa. Thế nên, tôi quyết định bất hợp tác với họ.
L.A.H.
__________
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả về vấn đề được nêu.
VNTB gửi BVN.
‘Quy trình’ - nghiệt ngã của xã hội Việt Nam
Đào Đức Thông (VNTB)
Thứ nhất hậu duệ, thứ nhì tiền tệ, thứ ba quan hệ, thứ tư trí tuệ là câu nói ám chỉ thứ tự ưu tiên trong việc bổ nhiệm cán bộ hiện nay trong xã hội Việt Nam, là thứ tự những tiêu chí trong việc xét bổ nhiệm các vị trí trong công tác nhân sự, phổ biến là ở các cơ quan công quyền, như việc bổ nhiệm cán bộ.
Theo đó thì thứ tự ưu tiên của việc bổ nhiệm công tác nhân sự sẽ là:
1. Thứ nhất hậu duệ, tức là con ông cháu cha, con cháu của những người đang làm ở các vị trí đương thời.
2.Thứ nhì là phải có tiền để chạy công việc.
3. Thứ ba là phải có quan hệ với những người đang làm ở các vị trí trong cơ quan đấy.
4. Thứ tư mới xét đến năng lực trí tuệ của người đó.
Tư duy này vốn xuất phát từ văn hoá làng của người Việt. Ngày xưa cùng quê, đồng hương, cùng họ là có thể nâng đỡ nhau. Tất cả cùng chung sức đầu tư để đẩy một ai đó lên cao rồi tất cả bám vào và cùng trèo lên hưởng lộc. Khi bản thân đã có lộc thì lại lo cho con cháu, cứ thế mà xoay vần thành quy luật, thế nên những cô chiêu cậu ấm vắt mũi chưa sạch đang còn trong tuổi ham ăn mải chơi thì đã được bố dúi cho cái quyết định làm cán bộ vào tay. Phụ huynh không cần biết chất xám và bản lĩnh của con mình thế nào nên mới sinh ra một lũ cán bộ non lố nhố đầu tôm đuôi tép nhưng vẫn “đúng quy trình”.
Tại phiên họp ngày 22/5/2017 Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV, một con số được đưa ra chứng minh cho hậu duệ, quan hệ là, có 9 địa phương đã bổ nhiệm tổng cộng 58 người nhà gây bức xúc dư luận thời gian qua gồm: Hà Giang, Nghệ An, Thừa Thiên - Huế, Đắk Lắk, Bình Định, Cần Thơ, Bà Rịa - Vũng Tàu, Yên Bái, Đà Nẵng.
Hiện này có nhiều cán bộ được bổ nhiệm vào vị trí lãnh đạo cơ quan Nhà nước, đứng phát biểu thao thao bất tuyệt nhưng nói không ai hiểu gì, rời tờ giấy ra là trí tuệ không thể hiện được, viết sẵn đọc còn khó khăn, đó là do năng lực tư duy hạn chế, điều hành sao đặng. Đây không còn là hiện tượng riêng lẻ, mà khá phổ biến. Cứ xếp ghế cho ngồi thoải mái, dư có Nhà nước chịu. Năng lực như vậy mà điều hành thì chỉ có rối loạn đất nước.
Từ khi có cái quy trình đã làm cho văn hoá thứ nhất hậu duệ, thứ nhì tiền tệ, thứ ba quan hệ, thứ tư trí tuệ trong xã hội Việt Nam được mùa phát triển, quy trình bồi dưỡng cán bộ nguồn, quy trình luân chuyển, quy trình giới thiệu vào các vị trí chủ chốt, quy trình đại hội để bầu ra những người xuất sắc đã có trong quy trình.
Bất kì ai không nằm trong cái quy trình ấy sẽ không có cơ hội, dù có tài thế nào. Thật là quan ngại trong cách điều hành quản lý, công tác tổ chức cán bộ ở ta hiện nay. Những hạn chế bởi quy trình khiến cho các cán bộ công chức trẻ có năng lực thật sự, có mưu cầu cống hiến cho quê hương cảm thấy hoang mang. Thế là với tiêu chí nhất hậu duệ, nhì tiền tệ, ba quan hệ, bốn trí tuệ, người ta bằng mọi hình thức để làm thế nào chui được vào cái “lồng quyền lực” vậy thì tham nhũng phải xảy ra là điều tất yếu trong bộ máy công chức Nhà nước Việt Nam.
Cái lồng quyền lực và quy trình đó nhốt toàn chó sói, cáo mũi nhọn, chuột thành tinh, v.v… Và đó là nguồn để bầu cán “thó” đào tường khoét nghạch của dân.
Biết bao trí sỹ nhân tài thực thụ thì cơ hội không có, nằm hết ngoài quy trình!
Chống tham nhũng thì phải đập bỏ cái quy trình mà phát triển tự do. Công chức Nhà nước phải thi cử tranh cử công khai, ai có tài thì được mời vào làm việc khi họ vào vị trí rồi thì bồi dưỡng chính trị cho họ để gọi là đúng quy trình. Các cụm từ “đúng quy trình”, “ bổ nhiệm thần tốc” gần đây xuất hiện với tần suất rất lớn gây ra sự mệt mỏi không hề nhỏ đối với người dân khi nói đến phương thức quản lý Nhà nước, những sai phạm ở một số lĩnh vực, bộ ngành.
Bởi cái quy trình theo lối văn hoá Việt mà bao nhiêu quan chức tham nhũng vướng vào lao lý, quan to ăn to quan bé ăn nhỏ từ trung ương đến địa phương cứ có cơ hội là ăn cắp, chiếm đoạt tài sản của Nhà nước mà tài sản của Nhà nước đó chính là tiền thuế bằng mồ hôi công sức của nhân dân là tài nguyên đất nước đào bới lên bán lấy tiền.
Bao nhiêu doanh nghiệp quả đấm thép của Nhà nước Việt Nam là bấy nhiêu doanh nghiệp thua lỗ nợ nần chồng chất để đến nỗi cả cái thể chế lung lay đến mức báo động cho sự sụp đổ đương nhiên mà không có lối thoát.
Mang tiếng toàn là những cái đầu lãnh đạo gọi là “tinh hoa” tự nhận là dân bầu mà không nhìn ra được cái gốc của sự sụp đổ nhưng lại tuôn tự sướng ca ngợi công lao và sự thành công của mình.
Khi bao anh tài của đất nước chúng ta hiện nay ra trường còn chạy grap, uber thì đất nước Việt Nam sẽ còn tuột hậu. Nhìn lại nhà Trần mấy trăm năm trước, ba lần chiến thắng đội quân hùng mạnh số 1 thế giới, đến lúc chúng ta phải lên án “quy trình”.
Nếu quy trình đúng, mà việc bổ nhiệm vẫn chỉ xảy ra đối với người nhà thì quy trình đó đang bị lợi dụng. Còn nếu người ta thực tâm muốn tìm kiếm người tài, nhưng quy trình lại chỉ dẫn đến được việc bổ nhiệm người nhà, thì quy trình đó sai và cần được sửa đổi.
Việc bổ nhiệm người nhà chắc chắn gây ra bất công và bất bình xã hội. Nếu tất cả quyền lực công đều rơi hết vào tay người nhà, thì còn cơ hội gì cho quảng đại quần chúng nhân dân? Ngoài ra, việc bổ nhiệm người nhà còn làm tổn hại đến chất lượng của nền quản trị quốc gia.
Thứ nhất, việc cha làm quan trên, con làm quan dưới là biểu hiện trần trụi nhất của sự xung đột lợi ích. Cha quá nghiêm khắc với con, thì mọi nhà được nhờ, nhưng nhà mình lại mất nhờ và ngược lại.
Thứ hai, đưa quan hệ ruột thịt vào công vụ, sẽ rất khó xác lập kỷ cương. Không chỉ ông bố rất khó nghiêm khắc với ông con, mà tất cả các ban ngành có liên quan muốn làm gì cũng ngại. Đó là chưa nói tới chuyện ông con có thể dựa bóng ông bố mà làm cho các cơ chế kiểm tra, giám sát bị mất hết tác dụng.
Ngày xưa mỗi năm bốn mùa các vị vua thường đăng đàn làm lễ tế Trời Đất cầu cho Quốc thái Dân an.
Qua đó cũng thể hiện được cái Tâm đối với Giang sơn Xã tắc. Đó gọi là cái tâm hành động vì Dân.
Ngày nay diễn văn của lãnh đạo rất sâu nhưng cái Tâm không hiện diện.
Thời nào cũng vậy. Nếu Quốc gia trên thuận ý Trời dưới hợp lòng Dân thì thái bình thịnh trị lâu dài. Và ngược lại tất sẽ sụp đổ, không mau cũng lâu.
Cái văn hóa quy trình dựa vào hậu duệ, tiền tệ, quan hệ ấy tạo thành một dây, bè phái tham nhũng. Đau nhất không ở đó không có chỗ đứng cho các quan thanh liêm vì dân. Cái quy trình lợi ích nhóm luôn tồn tại ấy khiến nên văn hóa Việt Nam suy đồi, kinh tế suy thoái, chính trị thiếu ổn định. Những người phải gánh hậu quả là dân đen và con cháu đời sau. Dân chúng đã chán ngắt một hệ thống chính trị mà trong đó họ rất ít khi nhìn thấy mình. Lòng khát khao thay đổi đã làm cho không ít người dân nhẹ dạ cả tin suýt nữa trở thành thành quách chở che những kẻ vơ vét sạch sành sành của họ.
Đã đến lúc hệ thống chính trị Việt Nam cần phải được thay máu để hy vọng xây dựng một đất nước Việt Nam: Dân chủ, Tự do và Hưng thịnh đúng nghĩa.
Để kết thúc bài này, chúng tôi xin mượn lời của nhà báo Huy Đức: “Giật mặt nạ những kẻ tham nhũng dùng vật liệu dân túy để xây lô cốt là rất cần thiết. Nhưng không thể chỉ làm việc đó bằng một quy trình chính trị nội bộ. Nơi người dân chỉ có thể đứng ngoài la ó hoặc vỗ tay. Cái quy trình đó lệ thuộc rất nhiều vào ý chí của những cá nhân. Khi những kẻ tham nhũng vận hành cái quy trình ấy đông hơn thì nhân dân bó tay…
Nếu không có nhà nước pháp quyền. Nếu các cơ quan tố tụng luôn phải chờ đợi quy trình chính trị này để túm cổ bọn sâu mọt thì những thành tích chống tham nhũng sẽ rất tạm thời và đất nước rất dễ rơi trở lại cái vòng luẩn quẩn.”
Đ.Đ.T.
VNTB gửi BVN.
Điều đáng lo sợ của vụ Vũ Nhôm nằm ở đâu?
Bùi Quang Vơm
Đến bây giờ, người ta vẫn cứ tranh cãi với nhau về việc Vũ Nhôm có vai trò gì đối với vụ Trịnh Xuân Thanh, chỉ vì ngay từ quyết định khởi tố của Tổng cục An ninh điều tra Bộ Công an cũng ghi rõ là “tiết lộ bí mật quốc gia” mà không phải là “lợi dụng chức quyền để chiếm đoạt tài sản công”. Tại sao vậy? Trong khi, trước khi biết đến Trịnh Xuân Thanh, người ta đã biết Vũ Nhôm là một trùm bất động sản tại Đà Nẵng. Có một chủ trương đánh lận con đen, lôi Vũ Nhôm ra chỗ khác, tung hoả mù che đậy sự thật? Vậy có thể là sự thật nào?
Trước hết Vũ Nhôm là Giám đốc công ty bình phong của chính Tổng cục An ninh điều tra Bộ Công an, nghĩa là cơ quan này quyết định khởi tố bắt giam chính người của mình.
Chức năng của công ty bình phong là giả danh doanh nghiệp để trà trộn theo dõi thu thập chứng cứ vi phạm luật pháp của các tổ chức kinh doanh, một loại cảnh sát, mật vụ và đặc tình trong lĩnh vực kinh tế.
Cái đáng được chú ý là Bộ Công an bắt người của Bộ Công an. Sẽ phải đặt ra một câu hỏi, ai trong Bộ Công an bắt người của ai trong Bộ Công an? Tính nghiêm trọng của sự vụ nằm ở câu hỏi này, không phải việc tiết lộ bí mật quốc gia. Một ông trùm bất động sản nếu có được bí mật quốc gia thì cũng do có kẻ khác cung cấp, và nếu ông Vũ có ý định tiết lộ thì cũng chỉ để phục vụ cho “kẻ khác ấy”. Nên chính “kẻ ấy” mới đúng là đối tượng truy nã.
Nhưng nếu khởi tố Vũ Nhôm do tội tham nhũng thì Bộ Công an tự phơi ra một sự thật rằng, các công ty bình phong thực chất chẳng giúp gì cho việc chống tham nhũng, mà chính ngay các công ty bình phong này là thủ phạm gây ra và trực tiếp tham nhũng, tức là tham nhũng ngay trong cơ quan chống tham nhũng, một thứ bệnh của hệ thống, “bệnh Đảng”, như đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc nói. Chủ trương là của Đảng, của Bộ Chính trị, các tổng cục, hay ngay cả cấp bộ chỉ là cấp thực hiện. Việc đẻ ra hàng trăm công ty “bình phong” chứa đựng mưu toan tham nhũng.
Thứ hai, tội danh tham nhũng chỉ có giá trị nội bộ, không có gía trị quốc tế, trong trường hợp Vũ Nhôm thoát ra được nước ngoài và lao đơn xin tị nạn chính trị, giống như vụ Trịnh Xuân Thanh. Nhiều quốc gia không thừa nhận Luật chống tham nhũng của Việt Nam vì không cùng quan niệm về tội tham nhũng. Chế độ độc đảng toàn trị vẫn được cho là hệ thống tham nhũng quốc gia. Tham nhũng là sản phẩm tất yếu của thể chế, nên chế độ không có tư cách xử tội tham nhũng. Mặt khác, dưới chế độ phi dân chủ, luật pháp không có tính độc lập, sự tuỳ tiện giải thích luật và lạm quyền của hệ thống xét xử có thể là nguyên nhân của các án tử hình oan sai, vi phạm đạo đức nhân loại. Đó là lý do mà rất nhiều quốc gia, đặc biệt với các quốc gia dân chủ đích thực, không có hiệp định dẫn độ tội phạm với Việt Nam, Trung Quốc và nhiều quốc gia phi dân chủ khác.
Vũ Nhôm đã bị khởi tố bằng tội “tiết lộ bí mật quốc gia”, mục đích để dù trốn ở đâu, Chính phủ Việt Nam đều có quyền can thiệp trên danh nghĩa bảo vệ an ninh quốc gia, nội dung phạm tội không rơi vào khung tử hình.
Cái đau đầu của câu chuyện Vũ Nhôm không phải chỉ là chuyện tham nhũng đơn thuần hay có trong tay hồ sơ tài liệu tuyệt mật, chẳng hạn như “kế hoạch bắt cóc Trịnh Xuân Thanh tại Berlin”. Nghĩa là nếu bộ hồ sơ này lộ ra, thì không những Chính phủ Việt Nam không còn đường lấp liếm rằng Trịnh Xuân Thanh tự về đầu thú, và lộ diện người chủ trương và toàn bộ hệ thống cấp tổ chức thực hiện, không chỉ mất thể diện quốc gia mà có khả năng bị liệt vào danh sách của Luật Magnitsky.
Thực chất những bí mật này đã trở thành không còn giá trị từ nhiều tháng nay rồi. Nhà nước Đức đã có đủ tài liệu để kết luận vụ bắt cóc và lãnh đạo cao nhất của hai nhà nước có thể cũng đã đi đến cách giải quyết thống nhất. Việt Nam chịu nhận tất cả và làm tất cả để thoả mãn yêu cầu của Chính phủ Đức, nhưng ngược lại, Chính phủ Đức cũng chấp nhận quyền của Chính phủ Việt Nam trong việc bắt và xử án các tội phạm của chế độ như một nhà nước có chủ quyền với công dân của mình. Có thể Chính phủ Việt Nam đã tiết lộ với Chính phủ Đức những bằng chứng chi tiết chứng minh Trịnh Xuân Thanh là con bài liên quan tới những khuôn mặt cao cấp nhất của chế độ, ảnh hưởng trực tiếp tới nền tảng an ninh quốc gia. Mức độ quan trọng đủ để Chính phủ Đức thấy rằng việc vi phạm pháp luật Đức là cái giá không thể khác.
Như vậy, Vũ Nhôm có ý nghĩa quan trọng hơn nhiều. Điều quan trọng này liên quan trực tiếp tới bản chất chế độ. Vũ Nhôm là công ty được lãnh đạo Bộ Công an lập ra và trực tiếp chỉ đạo. Ngoài những nhiệm vụ phải thực hiện, Vũ Nhôm cũng như tất cả các công ty bình phong khác còn làm nhiệm vụ cung cấp nguồn kinh phí cho các hoạt động của Bộ, và cung cấp nguồn thu nhập ngoài lương cho bộ máy lãnh đạo, trước hết là bộ máy những quan chức cấp trên trực tiếp của Vũ Nhôm. Nói cách khác, bản chất hệ thống các công ty này là làm kinh tài cho Bộ.
Sở dĩ hệ thống kinh tài này thường là đầu mối gây ra nạn tham nhũng ngay trong chính cái ngành có chức năng tiêu diệt tham nhũng, nhưng vẫn nghiễm nhiên tồn tại, vì lý do đặc biệt. Với nhiệm vụ bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, đội ngũ công an, đặc biệt mật vụ chìm nổi cài cắm mọi chỗ, bành trướng không thể kiểm soát, đã khiến kinh phí từ ngân sách chỉ đủ để chi trả cho một nửa hệ thống. Lương cơ bản không đảm bảo đời sống là nguyên nhân của những tệ nạn tham nhũng của toàn hệ thống. Quỹ lương thiếu hụt, khiến lương và thưởng giành cho đội ngũ cán bộ, nhất là các cán bộ cao cấp đầu ngành không thể cải thiện so sánh với thu nhập bên Quân đội. Cùng cấp bậc, nhưng lương và thu nhập ngoài lương của bên quân đội có thể gấp hàng chục lần bên Công an. Tự kinh tài nuôi bộ máy, là một cố gắng không ai có thể bác bỏ, và người ta buộc phải bỏ qua hay làm ngơ những hiện tượng gọi là tiêu cực. Với thâm niên hai mươi năm, hệ thống kinh tài này đã trở thành một lực lượng ma, một thứ hội kín, một thứ Bộ trong Bộ.
Vũ Nhôm bị khởi tố, tất nhiên phải bởi bộ phận An ninh điều tra “không được gì” từ chia chác của Vũ Nhôm. Vũ Nhôm là người thuộc biên chế của Tổng cục An ninh điều tra, như vậy, nếu chính Tổng cục An ninh điều tra khởi tố, thì người ký lệnh không thể là thủ trưởng của Vũ Nhôm, tức là ông tướng phụ trách toàn bộ hệ thống công ty bình phong, trong đó có Vũ Nhôm. Và nếu Vũ Nhôm đã được báo trước để thu gom tiền vốn từ cách đây hai tháng, thì cái phe chống lại quyết định khởi tố đương nhiên đã có kế hoạch. Không ai khác có thể làm trước cho Vũ Nhôm cả 3 hộ chiếu, trong đó gồm một hộ chiếu giả.
Người ta biết lệnh khởi tố do ai ký, và không khó tìm ra hệ thống những kẻ báo trước cho Vũ Nhôm từ rất sớm do ai cầm đầu và gồm những ai?
Đấy là chưa kể, ngay bộ hồ sơ mật mà Vũ Nhôm đang có trong tay, tố cáo vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, chính An ninh điều tra là người cung cấp, một là hy vọng tầm quan trọng của hồ sơ có thể giúp Vũ Nhôm có vé máy bay đi Đức, mặt khác lại có thể do chính bộ phận chống lại chủ trương bắt cóc lợi dụng Vũ Nhôm để lật tẩy phe chủ trương, trong đó chắc chắn có liên quan tới chính Tổng Bí thư. Nếu điều này xảy ra, thì có thể nghĩ rằng tập hồ sơ đó do chính Tô Lâm hoặc người của Tô Lâm cung cấp.
Người ta đã biết từ lâu rằng có hai bộ trong Bộ Công an. Một bộ gắn kết với hệ thống kinh tài, các công ty bình phong, và một bộ không “xơ múi gì” từ các nguồn lợi đó. Nhưng vụ án Vũ Nhôm có điểm tương tự như vụ Trịnh Xuân Thanh, đều xuất phát từ lỗi cá nhân. Trịnh tự lộ vì máu hưởng lạc, còn Vũ chết lại vì thói “coi trời bằng vung”. Tưởng là ngẫu nhiên, nhưng thực chất thì không thoát khỏi quy luật: “quái sinh thì sớm muộn cũng phải chết”.
Tương tự như vậy, người ta cũng biết từ gần ba chục năm nay, luôn có hai bộ rõ rệt trong Bộ Quốc phòng. Một bộ gắn với các tập đoàn kinh tế, và một bộ chỉ làm công tác chính trị, đào tạo và huấn luyện. Bắt đầu từ chủ trương cho quân đội làm kinh tế. Hết chiến tranh, nền kinh tế đứng trước nguy cơ sụp đổ với lạm phát tới 1800%. Ngân sách ngoài tiền tước đoạt của “tư bản tư nhân”, không có nguồn thu nào. Một đội quân trên 2 triệu miệng ăn là một thứ không thể nuôi nổi. Giải ngũ một đội quân vừa về từ cõi chết mà không có việc làm, không nghề nghiệp, không thu nhập thì xã hội không thể không loạn, chế độ không thể không sụp đổ.
Quyết định tổ chức quân đội đi lập khu kinh tế, đi khai hoang, đi trồng rừng, trông lúa, trồng dứa v.v. làm bất cứ gì có thể tự nuôi nhau. Nhưng khốn nạn nằm ở Công ty Sư đoàn 319, là một loại công ty kinh doanh. 319 có tất cả các lợi thế về nhân công, về phương tiện thiết bị quân sự, về các ưu thế địa điểm và ưu tiên quốc phòng. Không giống các công ty kinh doanh khác, 319 lập lờ giữa ngân sách quốc phòng với nguyên tắc hạch toán kế toán. Những năm đầu tiên, lợi nhuận quá dễ dàng đã làm lãnh đạo Đảng tối mắt. 319 không những không cần tới ngân sách, mà ngược lại nộp lên cấp trên những khoản tiền không ai ngờ!
Nhưng với thời gian, 319 trở thành một thứ tập đoàn lũng đoạn. Cậy thế quốc phòng bất chấp luật pháp và khai thác tất cả những nguồn tài nguyên thuộc quốc phòng quản lý để tạo ra lợi nhuận. Đặc biệt là những khu đất do quốc phòng quản lý ngay từ những ngày đầu tiếp quản từ chế độ cũ, mặc dù với thời gian tính chất quân sự không còn giá trị, nhưng Bộ Quốc phòng kiên quyết giữ lại chia chác, phân phối cho nhau, hoặc bán cho các nhà đầu tư nước ngoài, giành những khoản ngoại tệ kếch xù.
Những hoạt động như vậy làm cho một loạt các sĩ quan cấp cao trở nên giàu có, xa hoa và sa đoạ, trong khi những sĩ quan chỉ hương lương thì vật vã tìm kiếm cách nuôi sống gia đình. Cũng cùng hàm cùng cấp, nhưng thu nhập có thể chênh nhau hàng chục, thậm chí hàng trăm lần. Và đặc biệt là hàng ngũ các sĩ quan này lại thăng quan tiến chức nhanh kỳ lạ.
Ngân hàng Quân đội và đặc biệt là siêu Tập đoàn Viettel là những tổ chức kinh tài của quân đội theo khuôn mẫu của 319. Hàng ngũ tướng tá giàu có là nhờ những tập đoàn siêu lợi nhuận này.
Ba chục năm, hàng ngũ những quan chỉ huy cao cấp nhất trong quân đội không một người nào có thể còn nguyên vẹn trong sạch, tức là tay không thể một lần nhúng bùn hoặc nhận bùn từ tay người khác. Không một ai, không một thế lực nào được phép đụng đến lãnh địa đó. Chế độ, nếu đụng đến sẽ không tránh khỏi sụp đổ. Nhưng ba chục năm đủ để biến Bộ Quốc phòng thành hai bộ không có gì chia sẻ với nhau được, và không sớm thì muộn sẽ “sống mái” với nhau.
Vụ Út Trọc có nguy cơ khơi mào cho một cuộc chiến nội bộ, vì thế lập tức nhận được chỉ thị cấm các báo được nhắc đến và xoá mọi dấu vết có thể. Nhưng đó là điều không thể. Vì mâu thuẫn giữa “hai bộ” là chuyện từ nhiều chục năm nay, không thể một chốc một lát hay chỉ vì cùng phải “trung thành” với Đảng mà bỏ qua hoặc nhân nhượng cho nhau, vả lại, một sự thật khi chui ra khỏi bọc thì không thể thu hồi. Báo chí có thể không nói gì, nhưng chuyện xảy ra thì vẫn cứ xảy ra. Nó có thể không ầm ĩ, nhưng âm thầm để bùng ra thành một vụ nổ vào lúc nào đó.
Ở đây xuất hiện một loại nghịch lý đặc biệt. Hệ thống các “bộ đen” trong bộ máy công an và quân đội là một thực tế tồn tại từ rất lâu và ai cũng biết, nhưng không ai trong số những người ăn lộc của chế độ muốn để lộ ra những mụn ghẻ đó. Ông Trọng không thể và không dám nhận gì từ phía các “bộ đen” đó, nhưng ông Trọng biết chúng vẫn chia nhau sau lưng ông và ông buộc phải làm bình phong che chắn cho chúng, để người ta không thấy cái chế độ mà ông bảo vệ bằng được là một thứ chế độ thối ruỗng từ trong. Nhưng nếu ông nhận, thì dù một thứ “nhận” không ra gì, ông cũng thành thằng hề cho chúng giật dây. Cho nên trong tư cách người đúng đầu chế độ, ông càng được tiếng trong sạch càng lợi cho chúng, càng tạo ra lá chắn an toàn cho lòng tham đốn mạt của chúng. Ông đang là một con ngoáo ộp cho Ngô Xuân Lịch để ông này công khai chống lại chủ trương quân đội thôi làm kinh tế. Ông ta đang che chắn cho Viettel, và muốn nhân lên, tạo ra hai, ba Viettel nữa. Nhưng do được “Đảng lãnh đạo trực tiếp”, ông ta sẽ phá nát quân đội nhân danh ông Tổng Bí thư Đảng.
Ông Trọng có thể học ở Trung Quốc rất nhiều, đặc biệt là cách sử dụng Ban Kiểm tra Trung ương kết hợp với Ban Tổ chức Trung ương, vừa dùng quyền kỷ luật để tước bỏ, vừa dùng quyền sắp đặt để ban phát và quyết định sinh mệnh của hệ thống. Nhưng ông Trọng quá sợ hãi bạo lực. Ông không dám sờ tới những kẻ có vũ khí trong tay. Trong khi Tập ưu tiên trấn áp hàng ngũ tướng tá, dùng cải tổ quân đội để loại bỏ và thiết lập trật tự, ban phát theo ý mình, thì ông Trọng như câm như điếc trước sự ngông nghênh, ngạo mạn của ông Ngô Xuân Lịch.
Vũ Nhôm là bom nổ trong lòng Bộ Công an, đó là một sự kiện quan trọng, nhưng người ta sẽ phải để mắt nhiều hơn tới ông Ngô Xuân Lịch, bởi vì, Út Trọc được xử lý như thế nào, sẽ cho thấy chế độ mà ông Trọng cố ra sức gồng giữ cho nó đứng, có đủ sức tồn tại tiếp hay sụp xuống cùng với sức khoẻ của ông. Và bởi vì, sức người không cản được bước đi của lịch sử, sự mục ruỗng của một chế độ chính trị có nguyên nhân từ cơ cấu của thể chế, không phải do ý chí chủ quan của con người. Cái chế độ độc đảng phi dân chủ sẽ tự nó tiêu vong bất chấp sự cưỡng lại của ông.
05/01/2018
B.Q.V.
Tác giả gửi BVN.
ĐÓN MỪNG MẬU TUẤT
Trả lờiXóa2018
Còn gì hạnh phúc hơn nay
Chúng nó phơi bày Ăn Tết ngon vui
Cả Dân tộc cùng phanh phui
Tội Ác chúng rồi … ( 6 tội )
Tôi đã chỉ xưa…
Giết người cướp của cùng trò
Cụ “Trạng” đã chỉ ai to mồm vùi
Hỡi Dân tộc Việt Nam Ơi !
Cùng nhau cụm lại trong ngoài đồng tâm
Dựng lên nước Việt anh hùng
Đánh Tàu, xua giặc nội sâm nan tràn … ( đảng )
7giờ 40 phút ngày 31/12/2017
Bùi Quang Thanh Ngọc Châu Hải Dương