Thanh Hằng - Chuyện thật về những con sâu trong làng báo
Tôi không có bình luận gì về vụ việc bị nghi là cưỡng hiếp mà nhiều người đang nói tới, tôi không rõ thực hư.
1. Tôi tốt nghiệp năm 2001, đi thực tập tại báo Diễn đàn Doanh nghiệp. Cùng ban có anh làm phóng viên ngồi giảng giải phải làm nghề (kiểu của ảnh) ra sao, rủ tôi lên xe theo ảnh đi làm tin bài. Nào ngờ, chạy tới Gia Lâm thì ảnh rẽ ngang đẩy tôi vào nhà nghỉ (đã lấy chìa khóa). Tui cũng ngu nhưng chưa ngu đến thế, quyết không lên phòng. Ảnh quay ra, đẩy tiếp tôi vào cà phê vườn sát đó (hồi đó còn dạng cà phê chia ngăn).
Sau đó mấy năm, nghe tin báo đó có phóng viên bị bắt vì tống tiền doanh nghiệp. Đầu tui ngờ ngợ (vì đã từng nghe ảnh "giảng" nghề), chính là Nguyễn Hùng Sơn - nhân vật đẩy cô sinh viên thực tập trẻ măng là tôi hồi đó vào nhà nghỉ.
2. Một vài năm sau đó, lại có lần tui vào Tạp chí Truyền hình Việt Nam, có cô bạn cùng lớp viết bài ở đó. Ông Tổng biên tập bảo tui vào phòng hẻm biết có chuyện gì, tui ngáo ngơ đi vào thì thấy căn phòng chìm trong bóng tối, ông chú ôm chặt lấy tui hun hít. Chờ "chú" định thần lại, tui mới hiểu "chú" tự xếp tui vào nhóm tới xin lăng-xê trên sóng, muốn làm gì thì làm! "Chú" là Đậu Ngọc Đản, chân dung khả kính đây:
3. Giờ kể tiếp chuyện tui học nơi nao: Khoa Báo chí Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn, Chủ nhiệm là Giáo sư Hà Minh Đức đáng kính hồi đó cũng là Viện trưởng Viện Văn học Việt Nam. Tui đi cạnh thầy vài lần, thầy lén nhìn phía sau có ai hem, khoác vai tui rồi hỏi số điện thoại trao đổi việc học. Điện thoại kêu reng reng, là thầy gọi hỏi tui có cần gì hem, tui tới gặp thầy rồi tương lai xán lạn, mún gì thầy cũng chìu à!
Vì tui không tới, nên gần như đã quên chuyện đó.
Cho tới khi cô bạn học cùng cứ mãi không chịu tốt nghiệp, tôi mới hỏi tại sao. Bạn nợ môn của thầy (vì phải thi lại mà cuối cùng lại nhầm ngày thi lại), thành ra riêng bạn phải học lại với riêng thầy. Bạn ngại ngùng bảo "Vì thầy Đức... thế nào í", nên bạn không muốn đến. Tôi hiểu ngay vấn đề, hỏi tại sao không rủ ai đi cùng. Bạn nói đã rủ nhưng tới nơi thầy bảo hai người đi về, hẹn bạn lần sau tới một mình thôi!
Mấy năm sau đó tôi tới nhà Z. (tên cô bạn), môn học cuối cùng "chỉ với riêng thầy" bạn không tới "học", thành ra khóa học Cử nhân Báo chí mà bạn đã vui sướng biết bao lúc bắt đầu, bạn đã không bao giờ có thể hoàn thành (chỉ được bảo lưu kết quả trong hai năm). Mẹ bạn cố giấu, nhưng tôi biết lúc đó bạn đang điều trị tâm thần tại Bệnh viện Bạch Mai.
Chân dung "người thầy lớn của bao thế hệ" trên trang của Đại học Quốc gia :
Còn một vài chuyện khác tôi đang cố nhớ tên nhân vật và kiếm link. Mấy chuyện trên xảy ra với tôi ít năm đầu tiên, khi tôi tiếp xúc với những người/tờ báo thật dở. Mười mấy năm sau đó đủ cho tôi hiểu hơn bất cứ nghề nào, nghề báo là nghề mà đạo đức và tài năng gắn chặt.
Người làm nghề (báo) giỏi thì trong nghề và trong đời đều chính trực. Nghề báo cũng là nghề rất trân quý người giỏi, một người viết báo không cần trang điểm mỗi ngày hoặc cần pha trà cho sếp - chỉ cần tư duy chính xác và viết hay.
Cho nên góp một tiếng nói diệt các con sâu, tôi vẫn thật thương mến mảnh vườn. Mảnh vườn rộng lớn luôn có chỗ cho cành xanh tươi mát, Tuổi Trẻ là đóa hoa của vườn ấy (ít nhất tới giờ này). Có sâu (nếu có) thì bắt thôi à.
FB THANH HẰNG 20.04.2018 (Tựa do Thụy My đặt)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét