Bài đăng phổ biến

Thứ Sáu, 14 tháng 12, 2018

TIN BIỂN ĐÔNG

Tin Biển Đông
Mỹ lên tiếng vụ đại tá Trung Quốc đòi đâm tàu trên biển Đông, theo báo Người Lao Động. Ông Joseph Felter, phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách về Nam Á và Đông Nam Á, cho biết “việc Mỹ tiếp tục hiện diện ở biển Đông là động thái đáp trả tương xứng với hành vi hung hăng (của Trung Quốc)”.
Ông Felter nói thêm: “Nếu Mỹ lùi bước vì vụ này thì chẳng khác nào trao thưởng cho hành vi gây hấn. Do đó, chúng tôi sẽ tiếp tục thực thi quyền của mình theo luật quốc tế”. Và rằng: “Ý định của chúng tôi là đi lại ở vùng biển quốc tế, cả trên biển Đông lẫn những nơi khác của thế giới”.

Thêm hai cựu Thứ trưởng Bộ Công an vào “lò”
Chiều qua, cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an khởi tố cựu tướng công an Trần Việt Tân và Bùi Văn Thành. Bộ Công an quyết định khởi tố bị can, cấm đi khỏi nơi cư trú đối với cựu thượng tướng Trần Việt Tân, từng giữ chức Tổng cục trưởng tổng cục tình báo, và cựu trung tướng Bùi Văn Thành, cựu Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Kỹ thuật Bộ Công an về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Cả 2 ông đều từng giữ chức thứ trưởng Bộ Công an.
Cả hai nhân vật vừ bị khởi tố liên quan đến vụ án của Phan Văn Anh Vũ, tức Vũ “nhôm”. Cựu trung tướng Bùi Văn Thành, cấu kết, bán đất vàng cho Vũ “nhôm” với giá rẻ, sau đó ăn chia. Ông Thành cũng ký quyết định cấp hộ chiếu ngoại giao cho Vũ “nhôm”. Ông Trần Việt Tân bị cáo buộc “làm lộ bí mật nhà nước”, liên quan đến sai phạm động trời của Vũ “nhôm”.
BBC có bài: Khởi tố nguyên thượng tướng CA Trần Việt Tân và trung tướng Bùi Văn Thành. Bài báo cho biết: “Trước khi có quyết định khởi tố, ông Trần Việt Tân và ông Bùi Văn Thành đã bị tước danh hiệu Công an nhân dân… Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi đó cũng ký Tờ trình Chủ tịch nước” để giáng cấp hàm từ Thượng tướng xuống Trung tướng đối với ông Tân và từ Trung tướng xuống Đại tá đối với ông Thành.
Khi còn làm Thứ trưởng Công an, trực tiếp phụ trách Tổng cục Hậu cần – Kỹ thuật, ông Bùi Văn Thành đã “ký văn bản của Bộ Công an đề xuất bán chỉ định một số cơ sở nhà, đất an ninh không đúng quy định pháp luật; ký một số văn bản không thuộc trách nhiệm được phân công”.
Các vụ án lớn trong chiến dịch “đốt lò” của Tổng – Chủ Nguyễn Phú Trọng. Nguồn: BBC
“Củi” ở miền Nam
Song song với chiến dịch thanh trừng nội bộ công an, chiến dịch “đốt lò” ở miền Nam vẫn tiếp diễn. RFA đưa tin: Công ty Tân Thuận bị phát hiện thêm sai phạm. Đó là việc “chuyển nhượng dự án ở khu dân cư ven sông tại phường Tân Phong, quận 7 và sai phạm trong vụ bán cổ phần làm giảm tỉ lệ vốn góp của Công ty Tân Thuận, cũng như sai phạm trong việc thẩm định giá của các đơn vị liên quan”.
Bài viết lưu ý: Vụ Công ty Tân Thuận không thực hiện dự án ở quận 7 mà xin chuyển nhượng cho Quốc Cường Gia Lai đã được được Văn phòng Thành ủy đồng ý. Ngoài ra, “công ty này cũng bị chuyển cơ quan điều tra hồ sơ sai phạm trong việc bán 32ha đất ở Phước Kiển, huyện Nhà Bè, thành phố Hồ Chí Minh”.
Truyền thông “lề đảng” tiếp tục nêu những sai phạm của ông Tất Thành Cang, báo Tiền Phong có bài: Ông Tất Thành Cang liên quan thế nào đến sai phạm của Tân Thuận – IPC. Ông Tất Thành Cang tự ý ký duyệt bán khu đất của công ty Tân Thuận cho công ty Quốc Cường Gia Lai với giá rẻ. Ngoài ra, ông Cang còn thông đồng, chấp thuận cho IPC bán rẻ 9 triệu cổ phiếu Sadeco cho Nguyễn Kim, bỏ túi ít nhất hơn 150 tỷ đồng.
Vụ phân bón giả Thuận Phong
BBC có bài: Diễn tiến mới của vụ phân bón Thuận Phong. Vụ này kéo dài 4 năm nhưng vẫn chưa được điều tra xong, “dù đã có hai lần giám định, cùng văn bản liên quan của 6 bộ, ngành ở Việt Nam”. Ngày 31/10/2018, nó được khơi lại, khi Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí trả lời chất vấn của đại biểu về vụ này tại Quốc hội. Ông Trí cho biết, “đã yêu cầu VKSND tỉnh Đồng Nai ban hành quyết định huỷ quyết định không khởi tố vụ án hình sự và yêu cầu thụ lý theo tố tụng”.
Đến ngày 14/12/2018, có thông tin chưa chính thức nói rằng, Bộ Khoa học và Công nghệ sắp hoàn tất báo cáo trả lời vụ Thuận Phong. Cùng ngày, một số báo “lề đảng” bắt đầu có bài “đánh tiếng” về vụ này.
Cán bộ sai phạm
Báo Pháp Luật Việt Nam đưa tin: Chạy việc không thành, nguyên cán bộ bị bắt giam. Lê Thảo Nguyên, cựu cán bộ trường Đào tạo bồi dưỡng cán bộ quản lý thông tin truyền thông, thuộc Bộ Thông tin Truyền thông, bị bắt vì nhận 300 triệu của gia đình bà M.T.T để xin việc cho con trai bà này.
Báo Pháp Luật TP HCM đưa tin: Cựu giám đốc Sở Nông nghiệp Bến Tre bị khai trừ Đảng. Giai đoạn 2008 – 2012, ông Lê Phong Hải là giám đốc sở Nông nghiệp Bến Tre, làm thất thoát ngân sách hơn 6,8 tỷ đồng. Ông Hải được tòa án cho hưởng “án treo”. Đến nay, ông Hải bị tỉnh ủy Bến Tre khai trừ đảng.
“Luật của tao”
Báo Tuổi Trẻ đưa tin: Bắt nữ giám đốc ‘tố cáo cán bộ không đúng sự thật’. Bà Trần Thị Phương Mai, giám đốc một doanh nghiệp ở TP Cà Mau vừa bị bắt tạm giam về tội “vu khống”, với cáo buộc “tố cáo cán bộ nhưng được xác định không đúng sự thật”. Trước đó, “bà Mai đứng đơn tố cáo một số cán bộ và lãnh đạo phường 9, Phòng quản lý đô thị, lãnh đạo TP Cà Mau về việc tháo dỡ công trình xây dựng trái phép tại khóm 2, phường 9”.
Giới luật sư và người dân lên án hành động trả thù của chính quyền Cà Mau đối với bà Mai. Không xét xử theo đơn tố cáo, không có kết luận của tòa án mà công an đã bắt bà Mai. Đây là hành động ngồi trên pháp luật, đe dọa những người dám đứng lên tố cáo tiêu cực.
Chính quyền bao che, chỉ kỷ luật trưởng công an xã dùng bằng giả ở Cà Mau, theo báo Công Lý và Xã Hội. Trần Thanh Trường, Trưởng công an xã Tân Lộc (Cà Mau) sử dụng bằng bổ túc THPT giả, được tổ chức đảng cộng sản địa phương “kỷ luật cảnh cáo”, tiếp tục tại vị. Trước đó ông Trường cũng qua mặt cơ quan chức năng, lấy được bằng đại học Luật. Ông này từng là Phó chủ tịch xã.
Hành vi của ông Trường đủ cơ sở cấu thành “Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”, với mức phạt tù lên đến 5 năm. Tuy nhiên, do là đảng viên cộng sản và là công an, nên ông Trường không bị xử lý.
Tin nhân quyền
Việt Nam Thời báo đặt câu hỏi: Vì sao giới ngoại giao nước ngoài đọc tuyên ngôn nhân quyền LHQ ở Hà Nội? Bài viết lưu ý: Sự kiện 21 đại sứ và phó đại sứ nước ngoài tại Việt Nam đồng loạt đọc tuyên ngôn nhân quyền Liên Hiệp quốc ở Hà Nội vào ngày “Nhân quyền quốc tế” 10/12/2018 đã diễn ra ngay sau khi Bộ Ngoại giao Việt Nam nói dối trong bản báo cáo về nhân quyền của Việt Nam.
Trước đó, ngày 15/11/2018, Nghị viện châu Âu đã đưa ra nghị quyết 2018/2925(RSP) về nhân quyền Việt Nam. “Toàn bộ nội dung của bản nghị quyết 2018/2925(RSP) giống hệt một cáo trạng toàn diện và đanh thép lên án chính thể độc đảng ở Việt Nam về rất nhiều hành vi vi phạm nhân quyền trầm trọng”.
BBC đặt câu hỏi: LS Võ An Đôn sống thế nào sau một năm bị tước thẻ?  LS Đôn chia sẻ: “Đến nay đã nửa tháng từ ngày tôi nộp đơn kiện bộ trưởng Tư pháp nhưng tôi chưa nhận được phản hồi, dù theo luật thì tòa án phải trả lời trong 5 ngày… tôi tự biết khả năng mình thắng kiện trong vụ này không bao giờ xảy ra, vì tòa không thể nào bác quyết định của bộ trưởng”.
Ông Đôn nói thêm: “Sau khi bị tước thẻ, tôi vẫn cố gắng tư vấn pháp luật cho người dân trong một số vụ án dân sự… Ngoài ra, tôi mưu sinh bằng việc làm nông, làm vườn, chăn nuôi để nuôi vợ và ba con từ 2 đến 7 tuổi”.
Nhà báo độc lập Nguyễn Tường Thụy viết: Tù nhân lương tâm ở trại Ba Sao: Tù trong tù. Cô Nguyễn Huyền Trang, vợ tù nhân lương tâm Phạm Văn Trội kể rằng, trại tù này có cách khủng bố tinh thần rất tàn khốc đối với tù chính trị: Không cho tiếp xúc với các bạn tù khác, giờ giấc lao động cưỡng bức rất nghiêm, công việc lại tiếp xúc với nguyên liệu có hóa chất độc hại, điều kiện sinh hoạt rất thiếu thốn.
BOT “hút máu” dân
Nhằm chống lại nhân dân, bảo vệ trạm BOT thu phí sai trái, sở GTVT TP HCM đề nghị Công an theo dõi BOT An Sương – An Lạc, theo báo Đất Việt. Theo đó, sở GTVT đề nghị Công an TP, UBND quận Bình Tân bố trí lực lượng theo dõi; đề nghị CSGT xử lý các tài xế “dừng, đỗ sai quy định”. Sở GTVT cũng yêu cầu tuyên truyền cho trạm BOT thu phí.
Thay vì điều tra BOT thu phí sai quy định, “hút máu” dân và các nhóm lợi ích đứng đằng sau (rất có thể Sở GTVT TP đứng sau), thì công an lại nghe lệnh sở GTVT, lập kế hoạch đàn áp người dân, bảo vệ cho nhóm lợi ích chính quyền – BOT. Vụ này là dân sự, giữa người dân với nhà đầu tư, công an lấy quyền gì can thiệp?
Nếu thu phí không sai, sao phải miễn 100% vé cho người dân sống gần trạm BOT An Sương – An Lạc?  Báo Thanh Niên cho biết, trước phản ứng gay gắt của người dân, Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển hạ tầng IDICO thông báo về việc miễn, giảm phí qua trạm thu phí An Sương – An Lạc với lý do “góp phần vào công tác xã hội, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp”.
Mặc dù thu phí lố 31 tháng và lên kế hoạch thu thêm 16 năm với lý do làm thêm các cầu vượt, nhưng làm chưa xong, đã thu phí. Báo Diễn Đàn Doanh Nghiệp đặt câu hỏi: Cầu hơn 300 tỷ trễ hẹn do vướng mặt bằng? Dự án cầu Tân Kỳ Tân Quý được xây để tăng thời gian thu phí tại trạm BOT An Lạc – An Sương, dự kiến hoàn thành vào tháng 6/2018, nhưng đến nay vẫn chưa thấy đâu. IDICO viện lý do “vướng mặt bằng”.
Vụ thương lái Trung Quốc mua lúa non
RFA có bài: Chuyện lạ làm thuốc từ lúa non! Ông Nguyễn Thành Nhân, Chủ tịch UBND xã Đại Hòa Lộc, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre, xác nhận vụ thương lái đến địa phương “mua ruộng lúa với tổng diện tích gần 7.000 m2, rồi tổ chức thu hoạch khi lúa đang ngậm đòng hoặc vừa trổ bông”. Ông Nhân cho biết, “hiện vẫn chưa rõ về giá cả cũng như mục đích mua lúa non của thương lái, chỉ mới nghe người dân nói thương lái mua lúa non là để làm… thuốc nam”.
TS Đặng Kim Sơn nhận định: “Ở miền Nam, thì tôi có bao giờ thấy người ta thu hoạch lúa non để sản xuất thực phẩm hay làm thuốc hay làm thứ gì khác cả. Tôi cho rằng hiện tượng này là hiện tượng không bình thường, tôi nghĩ chắc là có vấn đề gì đó ở đây”.
Báo Dân Việt bàn về hiện tượng thương lái thu mua nông sản “lạ”: Cần cảnh giác! Theo đó, “thời gian gần đây, ở đồng bằng sông Cửu Long nói chung, tỉnh Cà Mau nói riêng lại xảy ra hiện tượng thương lái đến tận nhà dân lùng mua thân cây, lá nhàu tươi và cá lìm kìm gai”. Mới đây, thương lái Trung Quốc còn thu mua lúa non ở Bến Tre.
Hiện tượng thương lái Trung Quốc thu mua nông sản theo kiểu “lạ mà quen”, mua không phải để có lời mà để gây tác động xấu tới an ninh lương thực, nông nghiệp Việt Nam, đã diễn ra từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, đến giờ này, rất nhiều người vẫn chưa có ý thức cảnh giác trước thủ đoạn của “bạn vàng”.
Hiệu trưởng “yêu râu xanh”
Vụ lạm dụng tình dục hàng chục học sinh ở một trường học tỉnh Phú Thọ, công an xác nhận có việc hiệu trưởng lạm dụng tình dục nam sinh, theo báo Người Đưa Tin. Phó công an huyện Thanh Sơn (Phú Thọ) xác nhận: “Việc Hiệu trưởng trường PTDTNT THCS Thanh Sơn lạm dụng tình dục với hàng chục học sinh là có thật, tuy nhiên mức độ như thế nào thì phía công an đang điều tra, làm rõ”.
VTC có bài: Bị tố lạm dụng tình dục hàng chục nam học sinh, hiệu trưởng THCS ở Phú Thọ nói gì? Trên VTV24, hiệu trưởng Đinh Bằng My của trường Phổ thông dân tộc Nội trú THCS Thanh Sơn phủ nhận những thông tin tố cáo. “Tôi không hiểu tại sao lại có thông tin này. Với môi trường nội trú chúng tôi coi các em học sinh như con em của mình thì không bao giờ có chuyện đó xảy ra”.
Trước đó, trong phóng sự của VTV24, một số nam sinh được cho nạn nhân của thầy hiệu trưởng lên tiếng tố cáo ông này có hành vi lạm dụng tình dục, gọi các nam sinh lên phòng, yêu cầu thực hiện một số hành động để thỏa mãn nhu cầu tình dục của mình, như sờ soạng, cầm nắm bộ phận sinh dục… Mỗi lần như vậy, thầy hiệu trưởng cho kẹo và tiền (20 – 30 ngàn đồng). Các nam sinh không dám tố cáo vì ngại ngùng. Mời xem clip của VTV 24:
LS Lê Văn Luân cho rằng, cần khởi tố những giáo viên ở trường PT Dân tộc Nội trú Thanh Sơn, nơi đã chứng kiến và dung dưỡng cho hành vi dâm ô hàng loạt học sinh của hiệu trưởng, vì những giáo viên này biết việc phạm tội của ông Đinh Bằng My kéo dài, nhiều lần với nhiều người, chẳng những không tố giác, mà còn giễu cợt nạn nhân, là các trẻ vị thành niên.
Ông Luân viết: “Cái lối giáo dục biến con người trở nên ngoan ngoãn, cam chịu, một chữ là thày, nửa chữ là thày hay kiểu tôn sư trọng đạo nhất nhất đúng ấy đã biến các học sinh trở thành nô lệ cho mọi hành vi chà đạp lên nhân phẩm của con người. Còn bao nhiêu nơi nữa chưa bị lộ ra các hành vi đốn mạt và tồi bại nhất của chúng?
Hiệu trưởng Đinh Bằng My
Nói về các vụ bạo lực học đường gần đây, báo Giáo Dục Việt Nam có bài phân tích: Bạo lực học đường bắt đầu từ hiệu trưởng. Theo đó: “Trách nhiệm để xảy ra bạo lực học đường chính là hiệu trưởng, hiệu trưởng tốt, môi trường tốt, giáo viên tốt; hiệu trưởng xấu, ảnh hưởng đến giáo viên, khơi dậy bản năng xấu trong giáo viên xấu, học trò là nơi hứng hậu quả”. Bài viết nhấn mạnh: “Phải loại bỏ khỏi ngành những hiệu trưởng lạm thu, lạm quyền, chỉ vì danh hiệu, thành tích của trường mình mà quên đi học sinh”.
***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét