Bài đăng phổ biến

Thứ Ba, 20 tháng 8, 2019

CHIÊU TRÒ CỦA TRUNG QUỐC

CHIÊU TRÒ CỦA TRUNG QUỐC VÀ CÁCH ỨNG PHÓ CỦA VIỆT NAM

Chiêu trò của Trung Quốc 
và cách ứng phó của Việt Nam!

Kami
Chủ Nhật, 08/18/2019 

Tin tức về bãi Tư Chính trong thời gian gần đây, có lẽ là tin tức hàng đầu đối với những người quan tâm đến chủ quyền biển đảo của Việt Nam trên Biển Đông. Trước sự ngang ngược của phía Trung Quốc, bất chấp luật pháp quốc tế vi phạm thô bạo chủ quyền của các quốc gia khác trong khu vực, khi bắt ép Việt Nam cùng các quốc gia khác phải từ bỏ việc hợp tác với các công ty nước ngoài khác khai thác dầu khí trong khu vực cái gọi là đường đứt khúc 9 đoạn do Bắc Kinh tự vẽ ra.

Điểm mấu chốt quan trọng nhất trong vấn đề bãi Tư Chính lần này và cũng là điều tương đồng với đề nghị của Trung Quốc trong dự thảo Bộ Quy tắc về ứng xử ở Biển Đông (COC) đối với các quốc gia Asian tại hội nghị Bộ trưởng Ngoại Giao tại Băng cốc cuối tháng 7/2019 vừa qua. Cụ thể, về nội dung dự thảo COC, Trung Quốc đưa ra 3 đòi hỏi cực kỳ vô lý:
  1. Không đưa nội dung UNCLOS 1982 vào COC; 
  2. Không được tập trận chung với bất kỳ nước nào bên ngoài Asean (cộng Trung Quốc) nếu không được dự đồng ý trước của tất cả các nước Asean + Trung Quốc; và 
  3. Không được tiến hành các hoạt động kinh tế với bất kỳ nước nào bên ngoài mà không được sự đồng ý của tất cả các nước Asean và Trung Quốc.
Điều đó cho thấy, ngoài mục đích mang tính chiến lược dài hạn của phía Trung Quốc, nhằm khẳng định chủ quyền đường Lưỡi Bò phi pháp thì, về mặt trung hạn Trung Quốc muốn có sự độc quyền trong việc hợp tác khai thác tài nguyên với các quốc gia có chủ quyền trên Biển Đông, không ngoài mục đích tiến tới việc ép các nước đó phải khai thác chung. Nghĩa là vẫn là chiêu bài "nấu cháo bằng rìu" - biến không thành có, biến của người trở thành tình huống mình cũng có phần hết sức gian manh quỷ quyệt.

Chính vì lẽ đó khi biết Việt Nam chuẩn bị hợp tác với hai tập đoàn lớn của Nhật Bản là Sumitomo và Idemitsu khai thác dầu khí tại Mỏ Sao Vàng - Đại Nguyệt khu vực lô 05-1b và 05-1c, nằm tại khu vực nước sâu của bể Nam Côn Sơn thuộc thềm lục địa Việt Nam, cách bờ biển Vũng Tàu khoảng 300km về phía Đông Nam, thì đầu tháng 7/2019 Trung Quốc lại đưa tàu khảo sát Hải Dương Địa Chất 8 và nhiều tàu hộ tống có trang bị vũ khí vào khu vực này nhằm cản trở. Được biết sau khi tàu Haiyang Dizhi 8 và các tàu hải cảnh TQ rút khỏi bãi Tư Chính vào ngày 06/8, thì ngày 12/8 giàn chân đế nặng 14.000 tấn của dự án khai thác Mỏ Sao Vàng - Đại Nguyệt bắt đầu được phía Việt Nam cho rời cảng chuyên dụng ở Vũng Tàu để ra Tư Chính. Sau đó ngay lập tức ngày 13/8 thì có tin tàu Haiyang Dizhi 8 và nhiều tầu hải cảnh TQ lại quay trở lại Tư Chính.

Tuy nhiên, cuối ngày 18/8, một tin vui từ nhà báo Chu Vĩnh Hải cho biết, "Theo một nguồn tin cực kỳ khả tin, vào sáng ngày 18-8, chân đế giàn khoan dầu khí nặng 14000 tấn của dự án Sao Vàng- Đại Nguyệt đã được hạ đặt thành công tại khu vực bãi Tư Chính. Chân đế giàn khoan này được kéo ra Tư Chính từ cảng chuyên dụng Vũng Tàu vào sáng ngày 12-8.
Nguồn tin cho biết, trong quá trình kéo và hạ đặt chân đế giàn khoan này, phía Trung Quốc đã không có động thái quấy rối nào. Việc hạ đặt thành công chân đế giàn khoan này thể hiện ý chí của Việt Nam không thể lùi bước thêm nữa trước sự ngang ngược của Trung Quốc. Dự án Sao Vàng- Đại Nguyệt có sự tham gia của hai tập đoàn lớn của Nhật Bản là Sumitomo và Idemitsu. Thế đó, nếu Việt Nam cứng rắn và quyết liêt, Trung Quốc sẽ không dám làm gì."
Thông tin nói trên có lẽ liên quan đến việc ngày 15/8/2019 Việt Nam đã điều 02 tàu hộ vệ tên lửa hiện đại nhất, lớp Gepard 3.9 là các tàu Hộ tống Quang Trung số hiệu 016 và Lý Thái Tổ 012, ra bãi Tư Chính trên thềm lục địa của Việt Nam nhằm răn đe Trung Quốc. Đây có lẽ là nguyên nhân đã khiến các tàu Hải cảnh, tàu dân sự trá hình của phía Trung Quốc đã không có động thái quấy rối nào hòng cản trở việc hợp tác khai thác Mỏ Sao Vàng - Đại Nguyệt (Lô 05-1b và 05-1c).

Trên thực tế, việc Việt Nam sử dụng lực lượng hải quân để bảo vệ chủ quyền biển không phải là chuyện mới, lần đầu. Mà trên thực tế theo nhà báo Chu Vĩnh Hải cho biết, ngay từ năm 1992, khi Trung Quốc âm thầm cấp phép cho hãng dầu Crestone  của Mỹ hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí ở bãi Tư Chính, khi ấy Việt Nam đã điều động hai tàu chiến của Lữ đoàn 171 ra xua đuổi tàu thăm dò của Crestone và hai tàu chiến của hải quân Trung Quốc. Trước sự quyết liệt của hai tàu chiến Việt Nam, hai tàu chiến của Trung Quốc và tàu thăm dò của Crestone đã phải tháo lui. Và vào năm 1994, khi Trung Quốc âm thầm cấp phép cho hãng dầu Mobil của Mỹ hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí ở bãi Tư Chính, Việt Nam đã điều nhiều tàu chiến của Lữ đoàn 171 đóng tại Vũng Tàu thực hiện quyết liệt và mạnh mẽ xua đuổi khiến các tàu chiến Trung Quốc và tàu thăm dò địa chấn của Mỹ rút đi.

Giới phân tích chính trị đều có chung nhận định khi cho rằng, Việt Nam có một vị trí địa chính trị hết sức quan trọng trong vấn đề kiểm soát con đường hàng hải quan trong bậc nhất thế giới tại Biển Đông. Do vậy Việt Nam đã được cả Hoa Kỳ và Trung Quốc hết sức ve vãn để giành được sự ủng hộ. Tuy nhiên do các nhược điểm của vấn đề lịch sử giữa đảng CSVN và đảng CS Trung Quốc để lại, nhà cầm quyền Bắc Kinh đã thường xuyên có thái độ trịch thượng, lấn lướt, coi thường và bắt nạt đàn em Việt Nam trong quan hệ giữa hai nước, đặc biệt là vấn đề Biển Đông.

Sự lệ thuộc về chính trị và kinh tế với Trung Quốc đã khiến cho Hà Nội đã chịu cam chịu thậm chí là lệ thuộc Bắc Kinh trong nhiều giai đoạn khác nhau. Tuy nhiên không phải là không có những lúc, quan hệ Việt Trung đã trở thành quan hệ đối đấu và thù nghịch, mà các cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc năm 1979 là ví dụ điển hình. Trong thời điểm hiện nay đã có nhiều chỉ dấu Việt Nam ngày càng xa dần với Trung Quốc và có nhiều biểu hiện xích lại gần với Hoa Kỳ hơn về quan hệ chính trị, kinh tế, ngoại giao và quốc phòng. Đây chính là lý do Trung Quốc phải dè chừng và không dám có những hành động quá đáng đối với Việt Nam.

Có lẽ ban lãnh đạo Hà Nội đã đến lúc ý thức được điều đó và nhận thấy rằng tại thời điểm hiện tại, chính trị Trung quốc đang trong tình cảnh tứ bề thọ địch. Giữa lúc thương chiến Mỹ - Trung đang ở trong giai đoạn bế tắc nhất, khi nền kinh tế của Trung Quốc đang gánh quá nhiều hậu quả thì vấn đề Hong kong lại nổi lên. Và nguy hiểm hơn là Hong Kong hôm nay đã trở thành một miếng gân gà hết sức khó nuốt, khi dân chúng đảo quốc này hết sức đồng lòng bảo vệ quyền tự do dân chủ của họ. Chắc chắn Trung Nam Hải không dám khơi mào xung đột trên biển trong khu vực bãi Tư Chính tại thời điểm hiện tại.

Trước đó, Việt Nam đã rất thấm thía bài học thiếu kiềm chế dẫn đến việc mất bãi cạn Scaborough của Philippines vào năm 2012, khi phía Philippines đã chủ động sử dụng sức mạnh quân sự và nổ súng trước. Mặt khác, một nhược điểm trong chính sách ngoại giao pháo hạm của Trung Quốc là "mềm nắn, rắn buông", khi bị các quốc gia khác phản ứng mạnh, thì lập tức Bắc Kinh tỏ thái độ chùn bước. Cần phải nhắc lại vụ việc giàn khoan Hải Dương 981 hoành hành trên khu vực chủ quyền của Việt Nam năm 2014, đến khi Hà Nội hết chịu đựng nổi đã tính đến việc triệu tập Hội nghị bất thường Ban Chấp hành Trung ương để bàn vấn đề thoát Trung và lập tức giàn khoan Hải Dương 981 rút khỏi Biển Đông vô điều kiện.

Điều đó cho thấy, nếu Việt Nam có thái độ cứng rắn đối với Trung Quốc đúng thời điểm, tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế trong việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của mình, thì họ sẽ nhất định thành công.
Trước những phản ứng chậm trễ và hết sức dè dặt của phía Hà Nội trong thời gian qua, đã khiến cho dư luận hết sức bất bình và nghi ngại về thái độ của ban lãnh đạo Việt Nam trong vấn đề chủ quyền quốc gia. Tuy vậy đến thời điểm hiện tại thì thấy, cung cách và thái độ ứng xử của ban lãnh đạo Việt Nam là tương đối phù hợp. Duy có việc cung cấp đầy đủ, kịp thời các tin tức về diễn biến của vụ việc bãi Tư Chính còn quá chậm trễ cần phải khắc phục để làm tốt hơn. Hơn nữa việc tiến hành khởi kiện Trung Quốc là điều hết sức cần thiết và không thể chậm trễ hơn nữa.

Ngày 19 tháng 8 năm 2019

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét