Hạ Đình Nguyên
Bản chất của sự nói dối là biết sự thật nhưng cố ý nói
khác đi một cách có ý thức, với mục đích che giấu hay tránh né sự thật. Nói
khác sự thật, do tình thế cưỡng bức không thể nói sự thật, phải gượng lòng nói
dối, tạm gọi là nói dối cưỡng bức.
Sự nói dối cưỡng bức được lặp lại nhiều lần, rồi quen đi,
nó trở thành tính, thành nết, thành tật xấu, cuối cùng là hình thành sự ngụy
tín cho chính mình. Sự nói dối bấy giờ trở nên trơn tru, hồn nhiên, giống y như
nói thật, mà người nghe thì thấy nó trần trụi, nó gợi lên một cảm nhận trơ
trẽn.
Trẻ em nói dối thì bị quở mắng, có khi bị trừng phạt.
Người lớn – với tư cách là người dân bình thường – nói dối thì hàng xóm, bạn bè
tránh xa không muốn chơi, người thân thì không thể tin cậy. Người có cương vị
xã hội mà nói dối thì bị nhiều người coi khinh; cương vị xã hội càng lớn, thì
sự coi khinh càng nhiều, càng báo hiệu sự nguy hiểm.
Sự nói dối về dân chủ, nhân quyền ở nước ta ngày càng trở
thành đề tài thời sự nóng hổi trên các diễn đàn, cả ở diễn đàn quốc tế.
Cứ mỗi lần một nhân vật cao cấp nói về dân chủ, nhân
quyền là họ đã thảy một mồi lửa vào đống rơm khô, tức thì gây nên bất bình rộng
khắp và không cưỡng được.
Người ta không tin rằng những con người ấy có tính nói
dối bẩm sinh, cũng không thể tin rằng họ không biết sự thật, một sự thật mà
người dân thường cũng hiểu được, với nhan nhản sự kiện đầy ắp trên trang báo,
trang mạng mỗi ngày, mỗi tuần, mỗi năm và năm này qua năm khác. Chỉ có thể lý
giải rằng đây là sự nói dối cưỡng bức, tức là bị bắt buộc phải nói dối.
Thử đặt vài câu hỏi:
- Nhưng ai có thể cưỡng bức họ, khi họ có quyền lực cao?
- Điều gì khiến họ chịu sự cưỡng bức dài hơi, lâu ngày
đến thế?
- Và nó đã trở thành sự nói dối hồn nhiên?
1- Cách đây không lâu, bà Phó Chủ tịch nước nói: Dân chủ
của Việt Nam
là “cao hơn gấp vạn lần so với dân chủ tư sản”.
Câu nói ấy đã gây nhiều phản ứng, nhưng không phải là nói dối nếu so với giáo
trình Mác-Lênin [Thực ra, so với Lenin, bà Phó Chủ tịch nước đã rất khiêm tốn,
vì Lenin quả quyết: “Chế độ dân chủ vô sản so với bất cứ chế độ dân chủ tư sản
nào, cũng dân chủ hơn gấp triệu lần; chính quyền xô-viết so với nước cộng hoà
tư sản dân chủ nhất thì cũng dân chủ hơn gấp triệu lần.” (V. I. Lenin, Cách
mạng vô sản và tên phản bội Cau-xky, Nxb Tiến bộ, Matxcơva, 1974, tr. 39). Hay
đơn giản là vì bà không thuộc sách vở kinh điển Lenin? Khó tin, vì bà là Giáo
sư Tiến sĩ, có trình độ cao cấp về lí luận chính trị, trong
khi câu nói “nổi tiếng” trên đây của Lenin đã được đưa ra giảng dạy trong nhà
trường Việt Nam xã hội chủ nghĩa mấy chục năm nay, đến mức thầy giáo rất hay
lấy làm đề thi cho học trò, chẳng xem ở đây hay ở đây – BVN]. Còn so với thực tế, nó rất vô
nghĩa, một so sánh định lượng “quá mức tình cảm”, hoặc do quán tính thuần túy…
Nhưng câu nói ấy không gây nên sự phẫn nộ từ dân chúng, mà chỉ gây nên một nỗi
buồn đến kinh hoàng về sự tụt hậu của trình độ “suy thoái tư tưởng” mang tính
biểu trưng của tầng lớp lãnh đạo. Nếu hiểu về mặt đạo đức của sự “trung thành”
hay “kiên định” với ý thức hệ, thì cái đạo đức ấy cũng gây kinh hoàng không
kém. Chỉ vì cái đức tin đặt nhầm vào chỗ không phải của tôn giáo. Nó làm buồn
nhân dân suốt cả năm, cũng chỉ vừa mới nguôi ngoai.
2- Nay lại đến phiên ông Chủ tịch nước!
Người ta hỏi rằng bây giờ ông có đang đói bụng không, ông
trả lời một cách biện chứng rằng, vì hôm qua ông có ăn nên hôm nay không thể
đói được!
Vì rằng nước ông (Việt Nam) đã từng chống ngoại xâm giành
độc lập dân tộc cả trăm năm qua, nên đương nhiên có ý chí – thậm chí rất mãnh
liệt – về khát vọng dân chủ và nhân quyền. Và vì “có” khát vọng đó, nên đương
nhiên dân chủ, nhân quyền phải “có” thôi! Cái lý nó thế.
Phải mượn tạm lịch sử chứ biết nói sao! Cũng như mượn tạm
cái bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh cách đây 2/3 thế kỷ, khi sang Mỹ tháng
trước, để gởi cho ngài Obama.
Đây cũng không phải là lời nói dối thuần túy, mà chỉ là
nói tránh/trớ/né thôi. Tính của ông Chủ tịch như đã từng thể hiện, ít khi nói
thẳng, có lẽ không phải vì thiếu dũng khí, mà vì tính “nói khéo” có phần nổi
trội. Thí dụ, đồng chí X.
Nhưng cái dẫn chứng mà ông đưa ra, mới gây nên chuyện, vì
là nói dối đủ 100% . Nhiều báo trích nguyên văn, xin lặp lại:
“Chúng tôi có 86
triệu dân, trong đó trên 30 triệu người sử dụng internet hằng ngày, tỷ lệ đó
biến đổi hàng giờ, không có bất cứ sự ngăn cấm nào cả… Ngoài ra Việt Nam có khoảng
trên bốn triệu blogger, rất tự do. Do vậy, ở ngoài thì đồn đại rất nhiều nhưng
để hiểu Việt Nam nhiều hơn, hiểu về đời sống chính trị của Việt Nam thì xin mời
các bạn hãy đến Việt Nam. Mặc dù chúng tôi còn nghèo nhưng cũng có trên dưới
200 kênh truyền hình, 700 tờ báo và không dưới 17.000 phóng viên...” (Phát biểu
của Chủ tịch nước với báo chí tại Đan Mạch, đăng trên Thanh Niên, nhưng bị rút
xuống. Xin xem ở đây – BVN)
Biến đổi hàng giờ
vì phải liên tiếp thay hình đổi dạng, tự chết đi để tìm cách sống dậy. Mà dù có
sự phát triển, thì không phải là sự vui mừng, mà là nỗi lo ngay ngáy của phía
nhà nước. Rất tự do lại như một cơn gió độc quất vào mặt các blogger dù
họ đang ở trong nhà tù kín gió. Cái đội ngũ hùng hậu về người và phương tiện: 17.000
phóng viên, 700 tờ báo, 200 kênh truyền hình..., đúng là đất nước còn nghèo
(ông Chủ tịch khẳng định), nhưng rất thích chơi sang! Chừng ấy là chưa tính tới
bao nhiêu cái loa phường, mỗi phường một loa thôi, trên khắp đất nước, cũng quá
đủ để trấn áp hệ thần kinh người dân. Lực lượng hùng hậu mà Chủ tịch dẫn chứng,
có số người đông như bộ máy an ninh cảnh sát, có phương tiện truyền thông dồi
dào vô địch, được hiểu một cách hùng hồn chỉ là một bộ máy đàn áp. 17.000 phóng
viên ư? Trong đó biết bao nhiêu tiếng thở dài? Bao nhiêu tiếng hò reo cùng với
kèn trống? Với một nhà báo Nguyễn Đắc Kiên, chỉ một bài báo, trong chỉ một ngày
là bị đuổi việc. Nhanh và nhạy vô cùng. Nhưng còn bao nhiêu sự kiện, sự cố diễn
ra hằng ngày, cụ thể, ngoài sự phản ảnh của truyền thông và báo chí?
Nói không đúng sự thật như trên, kể ra ông Chủ tịch cũng
đã có dũng cảm. Nhưng dũng cảm nhất, và khách khí nữa, là “Mời các bạn đến Việt
Nam”
thì… biết liền! Có lẽ, không cần đến Việt Nam, họ cũng có khả năng biết liền.
Ông Chủ tịch còn hồn nhiên phản kích: “Ở ngoài [nước ngoài] thì đồn đại rất
nhiều, nhưng…”, có nghĩa là báo chí nước ngoài nói dối (đồn đại = thổi phồng,
nói càn, ít xít ra nhiều).
Ông Chủ tịch và các ông lãnh đạo khác không thể không
biết chính những điều mà các ông đã và đang làm, về dân chủ và nhân quyền bao
nhiêu năm qua, ở cái xứ sở khốn khổ này. Một đất nước tràn trề tham nhũng mà
lại có dân chủ và nhân quyền được sao, lạ thật!
Thế nhưng không thể nói thật.
Là “nói dối cưỡng bức” hay đã trở thành ngụy tín?
Hầu hết trong bộ máy nhà nước, từ cao đến thấp, đều như
thế!
Nghĩa là cùng trong tình thế cưỡng bức.
Và sự ngụy tín đã trở nên toàn diện, bao trùm.
Nhưng ai có thể cưỡng bức họ?
Câu trả lời là cơ chế của bộ máy này đã cưỡng bức họ,
buộc họ không thể nói thật. Vì cơ chế đó được đặt trên một tiền đề không có
thật nốt: “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Dân làm chủ”. Quả là bi hài! Bị kẹp
chặt và bẹp dí như con mắm, mà còn làm chủ được sao? Thế là sự nói dối “dân làm
chủ” cứ chễm chệ trên ngai, như lời hô vạn tuế trên môi các quan chức suốt gần
4 thập niên qua, cho cái ông vua “làm chủ” khốn khổ ấy, kể từ khi đất nước
thống nhất. Từ đó, mọi sự nói dối và suy đồi các loại phát triển, lan rộng và
nhanh như cỏ mọc, thành “tập thể nói dối cưỡng bức”, hùng hậu ở mọi lãnh vực:
dân chủ, nhân quyền, kinh tế, văn hóa xã hội, cả sự nói dối về đạo đức, tư
tưởng. Sự nói dối còn di căn sang một bộ phận thanh niên có quan hệ gần gũi với
bộ máy cầm quyền, trở thành dạng nói dối ngu muội hồn nhiên.
Một bộ máy có thể kẹp chặt người dân như thế, thì cán bộ
dù cao đến đâu, cũng không thoát khỏi thân phận chung của người dân, dù là lãnh
đạo của bộ máy. Vì cái thân phận lâu dài của anh ta vẫn là người dân, trước khi
làm quan và sau khi làm quan. Những người về hưu có thể rất cay đắng với một
quãng đời nói dối hồn nhiên hoặc nói dối cưỡng bức của mình, khi thoát được
khỏi tình trạng ngụy tín!
Nhưng vì sao họ có thể chịu đựng lâu dài, bền bỉ đến thế?
Câu trả lời thì dễ, nhưng vấn đề lại hết sức gay go.
Đó là quá trình hy sinh và gắn bó với nhiều ràng buộc của
quyền và lợi. Sự hy sinh của những ai đó có thể chưa nhiều lắm, mà sự gắn bó
thì nhiều hơn, nhất là những cái chức đã mua bằng tiền, hoặc bằng sự thân quen
nâng đỡ. Cách vận hành của lối sống này lại được sự bồi dưỡng tích cực của
triết học Mác-Lênin: “Vật chất quyết định ý thức”. Theo đà giục giã của vật
chất cứ thế tiến lên, tiến lên nữa… Riêng những người đã chết, và những Bà mẹ
Việt Nam anh hùng thì nằm lại thôi. Còn người dân, họ đang “làm chủ” theo thân
phận “con mắm”.
Đang làm quan mà nói thật, thì mất hết, thân có thể vào
nhà lao, tinh thần có thể bị giày xéo, nhục mạ, đã và đang có bao nhiêu là điển
hình!
Vì thế mà không thể nói thật.
Nói dối cưỡng bức, lâu ngày thành nói dối hồn nhiên, bạo
dạn, trơn tru…
Dân chủ, nhân quyền tuy là những danh từ chung, nhưng
không phải là trừu tượng. Nó có nội dung được thể hiện bằng những thiết chế cụ
thể, có hệ thống, được thừa nhận trong một Hiến pháp đúng nghĩa, trong hệ thống
luật pháp minh bạch. Vì thế không thể muốn nói gì thì nói. Các cách nói dối cần
được thẩm định, phê phán bằng truyền thông tự do để nhanh chóng chấm dứt nó.
3- Lại không công bằng nếu không đề cập đến một dạng “nói
dối đạo đức” (là nói dối về phương diện đạo đức) đang ồn ào diễn ra ở vị lãnh
đạo cấp cao.
“Các đồng chí cần
thường xuyên học hỏi, rút những bài học tốt từ những thế hệ trước để tiếp tục
đi xa. Bài học đó là: Khát vọng lớn lao, lý tưởng cao cả, hòa nhịp đập trái tim
mình với nhịp đập trái tim toàn dân tộc, lăn lộn với thực tiễn vĩ đại của cuộc
sống nhân dân, chứ không phải chỉ đi vào tâm trạng cá nhân, gặm nhấm tâm tư,
yếm thế, lấy tiểu xảo thay cho tài năng, nhìn đời bằng góc nhìn chật hẹp, thậm
chí coi văn nghệ như là thú vui, giải trí hoặc một cuộc chơi, một đam mê tầm
thường.” (Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Văn nghệ không chỉ là nơi cuộc sống
hiện hình)
Thật hiếm có một vị chính khách nào trên thế giới, như
Tổng thống, Thủ tướng, hay nguyên thủ quốc gia, dám cao giọng dạy cho ai đó với
kiểu cách của một thầy giáo, hay của bậc cha mẹ. Nếu vị ấy có học hàm học vị,
được tín nhiệm mời vào dạy ở một trường học, thì cũng chỉ được phép dạy chuyên
môn của mình có và dạy cho sinh viên của mình. Chính khách khi tham gia các hội
thảo khoa học cũng chỉ phát biểu quan điểm của cá nhân. Ai dạy ai trong thời
đại này trở nên vô cùng khó. Sự khiêm tốn đích thực đã là một trong những phẩm
giá quan trọng cho mỗi nhân cách.
Chỉ riêng trong hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa, thì
Tổng Bí thư Đảng Cộng sản luôn khả năng dạy tất cả mọi người, mọi lãnh vực, nếu
muốn. Lênin đã làm như thế, và mọi ông Tổng Bí thư đều có thể làm như thế. Ông
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa mới lên lớp về đạo đức trong sáng tạo văn học
nghệ thuật cho những người làm văn học nghệ thuật trong nước, cấp trung ương.
Hãy lắng nghe:
“Các đồng chí cần
thường xuyên học hỏi, rút những bài học tốt từ những thế hệ trước để tiếp tục
đi xa. Bài học đó là: Khát vọng lớn lao, lý tưởng cao cả, hòa nhịp đập trái tim
mình với nhịp đập trái tim toàn dân tộc, lăn lộn với thực tiễn vĩ đại của nhân
dân.”
Đoạn văn này khá văn hoa bay bổng. Cái “khát vọng lớn lao
và lý tưởng cao cả” khó ai dạy cho ai được. Ông Tổng Bí thư muốn áp đặt cái
khát vọng nào là lớn lao, lý tưởng nào là cao cả cho mọi người? Ông bổ sung làm
rõ thêm cho mệnh đề rất ư lửng lơ trên, là: “hòa nhịp đập trái tim mình với
nhịp đập trái tim toàn dân tộc”. Sự hòa nhịp đập trái tim của hai nam nữ yêu
nhau cũng đã khó, huống là! Nhà lý luận “nổi tiếng” về chủ nghĩa duy vật biện
chứng của học thuyết Mác-Lênin, bỗng trở thành duy tâm đến độ cao.
Muốn nói
đến sự thống nhất ý chí của toàn dân hướng đến cùng một mục tiêu chung, mà
không nói đến cơ chế dân chủ, công bằng được sao?!
Và ông yêu cầu “lăn lộn với thực tiễn vĩ đại của cuộc
sống nhân dân”. Nghe thế nào ấy! Vừa sáo rỗng, vừa có vẻ lấy lòng nhân dân, lại
vừa như châm biếm mỉa mai chứ không phải là ngợi ca. Đau khổ, chết chóc của
những “con mắm” chẳng bao giờ là vĩ đại cả. Thực tiễn vĩ đại của cuộc sống nhân
dân cần học hỏi, phải chăng là rút ra từ tiếng súng hoa cải của Đoàn Văn Vươn,
hay những phát súng đòi công lý của Đặng Ngọc Viết?
Nhưng không thể trách, vì ông đã sinh ra từ điều 4 Hiến
pháp thiêng liêng có tính mặc khải, đã men theo con đường Đảng mà “thành đạt”!
Vị trí đó cho ông mọi quyền, kể cả quyền mắng mỏ bất cứ ai ông muốn. Ông đã
từng mắng những người tham gia góp ý kiến về dự thảo sửa đổi Hiến pháp là “suy
thoái” và toan tính xử lý. Nay ông mắng các nhà làm văn học nghệ thuật (của
ông): “không chỉ đi vào tâm trạng cá nhân, gặm nhấm tâm tư, yếm thế, lấy tiểu
xảo thay cho tài năng, nhìn đời bằng góc nhìn chật hẹp, thậm chí coi văn nghệ
như là thú vui, giải trí hoặc một cuộc chơi, một đam mê tầm thường”.
Sao ông Tổng Bí thư có thể nói vậy được? Sao nói đội ngũ
ấy “gặm nhấm”? Vì sự gặm nhấm là chỉ của loài gặm nhấm. Cái đội ngũ cấp Trung
ương ấy đã “lấy tiểu xảo thay cho tài năng”. Thật thế sao? Lại “nhìn đời bằng
góc nhìn chật hẹp”. Trong bối cảnh nào mà cái xấu phát sinh như thế? Thật ra,
con người ai chẳng đi ra từ chỗ “chật hẹp”, và nhìn đời qua chỗ “chật hẹp” ấy?
Và từ đó trở nên bao la, có vợ chồng, có con cái, có anh em, có đồng bào, có
cái toilet, có mái nhà, có miếng ruộng vườn để cày xới… Thế mà tất cả trở thành
khó khăn, trở thành bấp bênh, vì có thể bị cưỡng đoạt bởi những người nhân danh
sự “lớn lao”, sự “cao cả”!
Ông băm vằm tiếp: “[…] thậm chí coi văn nghệ như là thú
vui, giải trí hoặc một cuộc chơi, một đam mê tầm thường”.
Thế là, văn nghệ không phải là thú vui, không phải là để
giải trí, cũng không phải là cuộc chơi. Thật thế sao? Tất cả chỉ là “đam mê tầm
thường”? Phải chăng, trong cái khát vọng lớn lao, trong cái lý tưởng cao cả,
trong cái lý luận mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã muốn giáo dục, “không có
bóng dáng con người” như lời của GS Trần Đức Thảo đã nói cách đây khá lâu?
Đảng đoàn Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam,
và đại diện lãnh đạo các Hội Văn học nghệ thuật chuyên ngành của Trung ương đã
ra nông nổi nào và xứng đáng chăng để nhận những lời giáo huấn như băm như vằm
nói trên? “Xứng đáng cao”, “xứng đáng”, và “xứng đáng thấp”, như ba cái bậc
thang tín nhiệm mà Quốc hội đã sáng tạo? Nó đang xoáy vào tim gan của những
người có lòng tự trọng, dù người có làm văn học nghệ thuật hay không.
Kẻ ngoại đạo này nghĩ rằng, trong số thành phần kể trên,
hẳn là có một số thuộc loài gặm nhấm (như sự ám chỉ của Tổng Bí thư), thì xin
hãy tiếp tục kiên trì “gặm nhấm” những lời giáo huấn của thầy Tổng Bí thư, và
cố thoát ra khỏi cái góc nhìn “chật hẹp” mà thầy đã công phu chỉ ra.
Riêng bài nói chuyện của Tổng Bí thư, đã là “sự sáng tạo
văn học nghệ thuật với tài năng, tâm hồn, nhân cách và bản lãnh” của ngài. Tôi
trộm nghĩ thế!
25-9-2013
H. Đ. N.
Nguồn: BVN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét