01/02/2015
Các nhà độc tài không ngăn hỗn loạn, họ khơi dậy tình trạng đó
Raniah Salloum, SPIEGEL: Dikatatoren schützen nicht vor Chaos - sie schüren es.
Phạm Kỳ Đăng dịch
Đối với một số người những thể chế quyền uy được coi như cái nôi của ổn định. Điều ngược lại mới đúng. Bởi các nền độc tài không thể giải quyết xung đột bằng hòa bình, nên tất yếu những nền độc tài ấy dẫn đến bạo lực và vô chính phủ.
Những gì còn lại ở Mùa xuân Ả Rập thật khủng khiếp. Bạo lực và cùng quẫn đe dọa xác quyết cuộc sống của con người bên lề châu Âu tới hàng nhiều thập kỷ. Phong trào cực đoan “Nhà nước Hồi giáo” lan rộng. “Thập kỷ vừa qua đã chỉ ra rằng, có thể còn có sự tàn tệ hơn là chuyên chế: Nội chiến và Hỗn loạn”, nữ đồng nghiệp Christiane Hoffmann viết như vậy trên tờ SPIEGEL và trang SPIEGEL ONLINE. Cứ như ổn định là một giá trị tự thân, và phải chăng nó được đảm bảo bởi những “nền chuyên chế có khả năng hoạt động”vậy?
Suy nghĩ này lảng tránh một vấn đề cơ bản: Đối với một giai đoạn nào đó, những nền độc tài chỉ bảo đảm cho một thứ ổn định – dựa trên xương máu của nhiều mạng người. Luôn rồi đến một lúc nào đó chúng sụp đổ. Thường chúng kết thúc trong tình trạng hỗn loạn mà chúng vốn hứa hẹn bảo toàn cho người ta tránh được.
Hỗn loạn và chiến tranh là hậu quả của các nền độc tài
Bởi vì trong các nền độc tài không có những cơ chế để giải quyết các vấn đề tranh chấp một cách hòa bình. Vấn nạn bị đè nén thật lâu cho tới khi hệ thống sụp đổ bởi sự thể ấy. Chỉ một xung đột nhỏ có thể đưa một nền độc tài đi tới bờ vực thẳm. Nhiều người trẻ tuổi đổ xô ra thị trường lao động không có đủ công ăn việc làm cho họ, thế là đủ. Quá sức các nhà độc tài.
Không thể biểu quyết bãi những kẻ áp bức. Nếu nhân dân chán ghét họ, sẽ chẳng còn gì nhiều ở những người không hài lòng. Nếu họ kéo ra đường, đạn bắn vào họ. Những nhà độc tài dạy cho dân họ rằng: Chỉ có bạo lực mới giải quyết xung đột. Đó là một tài sản gây độc đối với thời gian sau độc tài.
Nhà độc tài biến đi, thường nhà nước biến theo
Nơi đâu quyền lực không phải giải trình, nơi đó sự cám dỗ lạm quyền đặc biệt lớn. Thế vào chỗ đứng của nhà nước là những cơ cấu giống như Mafia. Tham nhũng khoét rỗng những thiết chế, cho tới lúc hầu như không còn gì để lại cả. Nhà độc tài biến đi, do đó cũng biến đi cả nhà nước nữa. Những nhà nước đình trệ luôn là kết quả của nền thống trị độc tài – và bây giờ chăng hẳn chúng phải phục vụ cho sự bao biện?
Vẻ như Christiane Hoffman tin tưởng rằng, hoặc con người vốn sinh ra đã là những người theo dân chủ hoặc là không. Đây là một sự nhầm lẫn. Phần nào ở nước Đức họ cũng vẫn là những con người ấy trong những năm ba mươi (của thế kỷ trước) từng để cho cuộc thử nghiệm dân chủ thất bại và sau này trong những năm năm mươi đã giúp thử nghiệm này đi đến thành công. Giữa hai khoảng thời gian đó là nền độc tài tàn tệ nhất của lịch sử loài người.
Rất khó gây dựng nên một nền dân chủ trên đống hoang tàn của sự thống trị quyền uy. Thế mà lịch sử dạy cho rằng điều này khả thể. Cho đến vài ba thập kỷ gần đây toàn bộ Đông Âu và phần rộng lớn của Nam Mỹ gồm nhan nhản những nền độc tài. Giờ đây là những nền dân chủ vận hành khá hơn hay tệ hơn, nhưng ít nhất còn xa mới đến tình trạng vô chính phủ được cho là đáng khiếp sợ.
R. S.
Về tác giả: Raniah Salloum, sinh năm 1984, nghiên cứu Chính trị và Kinh tế tại Đại học Tổng hợp Sciences Po Pháp và Cornell University, New York, Mỹ. Từ 2012 là Biên tập viên mục Chính trị của Spiegel Online.
Dịch giả gửi BVN.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét