Đại án 8.900 tỷ tại Mobifone: hồi chuông đã gióng (kỳ 8)
Posted by adminbasam on 06/08/2016
Nguyễn Văn Tung
5-8-2016
Mời xem lại: Kỳ 1: Lê Nam Trà – Tay trong con gái Thủ tướng phá hoại 20 năm phát triển bền vững của Mobifone — Kỳ 2: Lê Nam Trà và đại án tham nhũng ở Mobifone — Kỳ 3: Sau AVG, Lê Nam Trà và Nguyễn Thanh Phượng đang âm mưu những gì ở Mobifone? — Kỳ 4: Mobifone ngang nhiên thách thức các nỗ lực chống tham nhũng của Đảng và Chính phủ — Kỳ 5: Việc thanh tra toàn diện vụ tham nhũng AVG ở Mobifone liệu đã bắt đầu? — Kỳ 6: Cuộc điều tra tham nhũng AVG tại Mobifone đã thực sự bắt đầu — Kỳ 7: LÊ NAM TRÀ ĐANG PHÙ PHÉP VỤ AVG NHƯ THẾ NÀO?
Ngay sau khi kỳ họp Quốc hội khóa 1 kết thúc, căn cứ chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã ký văn bản chỉ đạo Thanh tra Chính phủ tiến hành thanh tra toàn diện dự án Tổng Công ty Mobifone mua 95% cổ phần của Đài truyền hình tư nhân AVG và “chuyển cơ quan điều tra xử lý nghiêm nếu có dấu hiệu vi phạm”.
Việc các lãnh đạo cao nhất của Đảng và Chính phủ quyết tâm điều tra toàn diện, xử lý nghiêm vụ đại án tham nhũng AVG (ngay trong ngày làm việc đầu tiên của Chính phủ mới) đã làm thỏa lòng dư luận cả nước, thể hiện thái độ quyết liệt của Đảng, Chính phủ mới với căn bệnh tham nhũng – căn bệnh ung thư vốn đã rất trầm kha sau giai đoạn 10 năm cầm quyền của đồng chí X. Điều đó cũng thể hiện: tiếng nói của nhân dân đã được Đảng và Chính phủ mới lắng nghe, sự đồng thuận của các lề báo trong sự nghiệp chống tham nhũng của cả dân tộc!
“Tam giác ma quỷ” Nguyễn Bắc Son, Phạm Nhật Vũ, Lê Nam Trà là điển hình của lợi ích nhóm (mafia kinh tế – quan chức chính phủ – lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước). Nguyễn Bắc Son (nguyên ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông) chính là người đã “ngoáy nát” cơ cấu tổ chức, bộ máy nhân sự chủ chốt của Bộ Thông tin Truyền thông, VNPT, Vinaphone, Mobifone và tạo nên nạn chạy chức, chạy quyền rầm rộ (tổng giá trị lên đến hàng trăm triệu USD) trong ngành viễn thông suốt 3 năm qua. Phạm Nhật Vũ (chủ tịch công ty AVG, em trai của Phạm Nhật Vượng) chính là “cánh tay bạch tuộc” của Vincom (tập đoàn này nổi tiếng cả nước vì luôn giành được quyền khai thác các lô đất vàng tại các tỉnh, thành phố lớn với mức giá rẻ mạt một cách rất khó hiểu). Lê Nam Trà (chủ tịch Mobifone) nổi tiếng là giàu có nhất trong giới chủ tịch các tập đoàn tổng công ty nhà nước, nuôi gần một chục công ty sân sau đang ngày đêm hút máu Mobifone trong mọi lĩnh vực (dịch vụ kỹ thuật, cung cấp thiết bị, dịch vụ giá trị gia tăng…).
Trong đại án AVG, Nguyễn Bắc Son và Lê Nam Trà đã sử dụng chiêu trò “quân xanh, quân đỏ” với 4 công ty tư vấn “tung hứng” để định giá công ty AVG (đang thua lỗ ngập ngụa) thành mức giá cả tỷ USD. Cũng đừng quên rằng, mức giá mà các công ty tư vấn đưa ra chỉ là để tham khảo, Mobifone (với tư cách là chủ đầu tư) là chủ thể sẽ quyết định mức giá mua bán và chịu trách nhiệm về quyết định của mình trước Pháp luật. Tham chiếu với SCTV, một công ty truyền hình cáp với 2.5 triệu thuê bao, mạng lưới truyền hình cáp bao phủ gần cả nước cũng chỉ được định giá cỡ khoảng 4.000 tỷ đồng. Vậy một công ty truyền hình DTH/DTT công nghệ lạc hậu như AVG với 400.000 thuê bao thực, hạ tầng truyền dẫn gần như bằng không đang lỗ hàng trăm tỷ đồng/năm, được định giá ở mức 9.300 tỷ đồng theo phương pháp “chiếu khấu dòng tiền” thì có phải là điều bình thường không? Một điều quan trọng nữa là hai băng tần vô tuyến 700 mhz của AVG là tài nguyên quốc gia, phải trả lại cho Nhà nước vào năm 2017 (để đấu giá lại) và không thể được coi là một tài sản để định giá theo phương pháp “tài sản ròng”.
Cơ sở để các công ty tư vấn “xanh đỏ” định giá AVG cao chót vót là kế hoạch kinh doanh “không tưởng, thậm chí là hoang đường” của Lê Nam Trà sau khi Mobifone mua lại AVG, cụ thể: trong 2016 thì doanh thu thuần của AVG đạt 1.251 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 91 tỷ đồng và đến năm 2020, dự kiến doanh thu thuần của AVG sẽ là trên 7.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế sẽ đạt 1.876 tỷ đồng. Thực tế, sau 6 tháng đầu năm 2016, Lê Nam Trà mạnh miêng tuyên bố AVG (Mobi TV) đã phát triển 168 nghìn thuê bao mới và có lợi nhuận 6,4 tỷ đồng.
Với những người trong cuộc, đây là những con số “đầy đau đớn” cho Mobifone. Một AVG “nát như tương” được mua về thậm chí còn không có tiền để mua đầu thu để phát triển thuê bao mới, Mobifone phải tự lập dự án mua hơn một triệu đầu thu bằng tiền của mình và “cho không” AVG để AVG phát triển thuê bao. Nhân viên cũ của AVG bị cho nghỉ việc hoặc chuyển sang ký hợp đồng cộng tác viên với Mobifone để cắt giảm Opex cho AVG. Nhân viên Mobifone, nhận lương Mobifone nhưng phải gồng mình đi kinh doanh, phát triển thuê bao và lắp đặt đầu thu cho AVG. Nhân viên Mobifone, vốn đã phải chịu đựng nhiều đợt giảm lương, thưởng do phải gánh thua lỗ từ AVG, nay phải cắn răng mua vài bộ đầu AVG về để xó nhà chỉ để đạt chỉ tiêu phát triển thuê bao mới mà cấp trên giao. Mobifone dồn rất nhiều dịch vụ VAS sang AVG với mức chia sẻ doanh thu cao hơn 10-15% so với các CP bên ngoài. Mobifone dồn toàn bộ nguồn lực để tẩy thua lỗ cho AVG, không phải vì mục tiêu phát triển, mà chỉ để trong ngắn hạn làm đẹp con số cho Lê Nam Trà báo cáo.
Phát luật nào cho phép Lê Nam Trà dùng tiền của Mobifone (cũng là tiền của Nhà nước) để tẩy lỗ cho công ty con? Đạo đức nào cho phép Lê Nam Trà ép buộc nhân viên của mình mua đầu thu AVG rồi xếp xó nhà chỉ để phát triển thuê bao “ảo”? Với 8.900 tỷ, nếu không mua AVG, Mobifone chỉ cần gửi tiết kiệm thì sau 6 tháng cũng có 450 tỷ tiền lãi. Còn giờ đây, sau khi bỏ 8.900 tỷ để mua AVG, Mobifone phải chấp nhận rủi ro, vi phạm pháp luật để chuyển lợi nhuận từ mảng di động của mình (mỗi tháng hơn 30 tỷ, sáu tháng gần 200 tỷ) sang AVG, như vậy AVG mới có thể báo lãi 6,4 tỷ đồng trong 6 tháng. Quả là một con số đầy đau đớn.
Việc Mobifone mua AVG đã vi phạm nghiêm trọng quy định của Nhà nước: không lập dự án nhóm A để trình Bộ Tài Chính, Bộ Kế hoạch Đầu tư thẩm định giá và trình Thủ tướng phê duyệt mức giá mua bán (việc mua bán chỉ dựa vào văn bản phê duyệt chủ trương chung chung của một vài cơ quan hữu quan), như vậy, Bộ Thông tin Truyền thông và Mobifone phải chịu trách nhiệm về việc này.
Điều nực cười là các văn bản Mobifone “xin ý kiến” một vài bộ ngành đều được đóng dấu “mật”. Có vẻ như Nguyễn Bắc Son, Lê Nam Trà đã quên một điều cơ bản: tiền vốn của Mobifone là tài sản của Nhà nước và việc mua bán tài sản Nhà nước cần công khai và minh bạch, đây không phải là tài sản của riêng họ (và họ muốn làm gì thì làm).
Lê Nam Trà cũng đang tâm ép buộc một loạt cán bộ Mobifone phải ký đồng thuận vào hồ sơ dự án AVG (một số Trưởng Ban, Ban Tổng Giám đốc và các thành viên của Hội đồng thành viên) với dã tâm “chết thì cùng chết” và “xử lý hết thì lấy ai làm việc”. Hơn lúc nào hết, các cán bộ này cần đồng loạt tố cáo Lê Nam Trà thì may ra họ mới thoát khỏi vòng lao lý.
Nguyễn Bắc Son, Lê Nam Trà, Phạm Nhật Vũ đã liều lĩnh vượt qua các quy định của Nhà nước, cùng một số cá nhân khác bỏ túi chia nhau hơn 7.000 tỷ đồng từ vụ đại án AVG, chà đạp lên mồ hôi nước mắt của hơn 4.000 cán bộ nhân viên VMS/Mobifone bao thế hệ và tham ô những đồng tiền thuế của nhân dân. Với 7.000 tỷ đồng này có thể xây hàng nghìn trường học, trạm xá, bệnh viện cho người nghèo trên cả nước (đặc biệt là các khu vực miền núi khó khăn) hoặc có thể mang lại cho Nhà nước hàng tỷ USD khi cổ phần hóa Mobifone. Việc chia số tiền 7.000 tỷ đồng cho những quan chức nào, chỉ cần Thanh tra Chính phủ đề nghị Bộ Công an bắt khẩn cấp Phạm Nhật Vũ, Lê Nam Trà là sẽ điều tra ra ngay!
Cả nước đang trong giai đoạn chấn chỉnh kỷ cương, tổng tấn công nạn tham nhũng và nạn chạy chức chạy quyền. Việc Đảng, Nhà nước, Chính phủ nỗ lực xử lý nhanh chóng, nghiêm minh các vụ án điểm: “ô nhiễm môi trường Formosa, Trịnh Xuân Thanh PCV, Mobifone AVG, vỡ đường ống nước Vinaconex…” trong quý 3 năm 2016 sẽ lấy lại phần nào niềm tin của nhân dân.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét