Bài đăng phổ biến

Chủ Nhật, 4 tháng 6, 2017

NGẪM MÀ HỔ THẸN

Ngẫm mà hổ thẹn với “Chân dung 99 nhà văn đương đại” của Nguyễn Khôi *


Bình luận Văn học của Lê Mai
Chẳng hiểu sao, đột nhiên trên “mạng” @ và trong xã hội hồi này lại ồn ĩ lên chuyện “Chân dung các Nhà văn”…hết Xuân Sách, đến Trần Nhương, Đỗ Hoàng rồi lại Nguyễn Khôi… Lê Mai tôi thấy có cái gì đó bức xúc, không bình thường trong đời sống xã hội, mà cụ thể là trên Văn đàn đương đại của ta  hôm nay. Đó là ngẫu nhiên hay tất nhiên của dòng chảy lịch sử ? Thiển nghĩ, văn chương của cái thời minh họa – trại lính- “tố cáo”, “nâng bi” lừa mị đến trơ trẽn … thứ văn chương đó đã đóng góp được gì cho Nhân dân, cho Tổ Quốc ? có xứng đáng cho người đời khắc họa Chân dung các Nhà văn ? Phải chăng đó là hiện tượng “tự sướng”, đầy ngộ nhận của các Văn nghệ sĩ?
Tuy nhiên,  khi ta đọc Xuân Sách và Nguyễn Khôi (cách nhau 25 năm, mỗi người một vẻ) thì tưởng vậy mà không phải vậy!
Chân dung đầu tiên mà Lê Mai tôi tìm đọc là Hồ Chí Minh- nhà thơ lớn của dân tộc, tác giả của “Ngục trung nhật kí”, người đã sáng tác bài chữ Hán “NGUYÊN TIÊU” hay đến mức được ông Hữu Thỉnh tôn vinh là bài thơ Việt hay nhất thế kỉ và làm tiêu chí tổ chức ngày Thơ Việt Nam…. nhưng ở Xuân Sách thì tìm mãi không thấy chân dung Hồ Chí Minh. Tìm ở Nguyễn Khôi thì… chính danh cũng không thấy, chỉ thấy bóng ông thấp thoáng trong chân dung nhà thơ :

HOÀNG VĂN HOAN
Anh Ba quy : Việt gian
Sang nương vây lão Đặng
Xuống địa phủ viết văn
Gặp cụ Hồ đặng đặng ?
Đọc đến đây, tôi chưa hiểu Nguyễn Khôi định nói gì ? Hoàng Văn Hoan xuống địa phủ viết văn gặp nhà thơ Hồ Chí Minh sao lại “đặng đặng” – được được hay đặng đặng  Đặng Tiểu Bình … Nhưng thôi, OK, cho qua…
Nhưng sự thấp thoáng của Cụ lại thấy trong chân dung nhà thơ Bút Tre:
BÚT TRE
Người bút lông, bút sắt
Lão quê mùa Bút Tre
Dám “biên tập” lời Bác
Vào đền Hùng khắc bia.
Thế là có chuyện rồi!  Cái tấm bia trên đền Hùng khắc câu ” Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước” là do Bút Tre (Phó Ty văn hóa Phú Thọ) đã “văn bản hóa” những câu nói tản mạn của cụ Hồ mà ra. Vậy thì, theo luật bản quyền, câu này phải thuộc về Bút Tre cớ sao lại gán cho Cụ. Trên tinh thần của người cộng sản: Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, Lê Mai tôi đề nghị dời tấm bia đó ra khỏi khu Di tích Đền Hùng.
Chân dung Nhà thơ TỐ HỮU (nguyên Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban tuyên huấn Trung ương) người lãnh đạo, chỉ đạo công tác tư tưởng / văn hóa nghệ thuật của đất nước trong một thời gian dài. Xuân Sách vẽ  khá chuẩn :
Ta đi tới đỉnh cao muôn trượng
Mắt trông về tám hướng phía trời xa
Chân dép lốp bay vào vũ trụ
Khi trở về ta lại là ta.
Từ ấy tim tôi ngừng tiếng hát
Trông về Việt Bắc tít mù mây
Nhà càng lộng gió thơ càng nhạt
Máu ở chiến trường, hoa ở đây.
Xuân Sách “định luận” về  Tố Hữu ngay cả khi nhà thơ còn sống, thì phải nói là ông rất dũng cảm, đáng khâm phục. Câu “Nhà càng lộng gió thơ càng nhạt” là nói thẳng: Thơ đó là thơ “diễn ca chính trị” thùng rỗng kêu to, nặng về hô hào, tuyên huấn, nghèo chất văn chương; và cái kết: “máu ở chiến trường , hoa ở đây”, làm tôi nhớ tới Việt Phương trong “Cửa mở”:
“Anh dâng em
bài thơ anh mà em là
tác giả
Đóa hoa anh mà em là
sắc hương
Thanh gươm anh mà em là
chất thép.”
của cái thời “dãi thây trăm họ làm công một người”.
Tuy vậy, ở Xuân Sách, chân dung Tố Hữu mới chỉ là đặc tả được cái hiện tượng bên ngoài “cây táo ông Lành” mà thôi! Đến Nguyễn Khôi tôi thấy ông đi thẳng vào chân tướng, vào bản chất của nhà thơ cầm quyền toàn trị này:
TỐ HỮU
Tự nhận mình là Lành
Mọi người thấy rất dữ
mác lê bọc bằng Thơ
Đã đâm chỉ có “tử”.
*
Tung hoa máu xung trận
là Hịch chống xâm lăng
lời Thề với Đảng, Bác
“Từ ấy” “Sáng tháng 5”.
Sao thế nhỉ? Mác lê sao lại viết thường mà không viết hoa, có ẩn ý gì ở đây không? Mác Lê viết hoa bọc bằng thơ hay cái mác cái  lê được Tố Hữu bọc bằng thơ, cái này thì phải hỏi ông Nguyễn Khôi thôi, còn Lê Mai tôi thì mác lê bằng chữ thường hay chữ hoa cũng chỉ là một thứ vũ khí sắc bén “ Đã đâm chỉ có “tử””. Không tin mọi người hãy hỏi “bè lũ Nhân văn Giai phẩm” mà xem.
Chân dung Nhà thơ CHẾ LAN VIÊN  được Xuân Sách khắc họa:
Điêu tàn ư ? đâu chỉ có Điêu tàn
Ta nghĩ tới Vàng Sao từ thuở ấy
Chim báo bão, lựa chiều cơn gió dậy
Lựa ánh sáng trên đầu mà thay đổi sắc phù sa
Thay đổi cả cơn mơ
ai dám bảo con tàu không mộng tưởng
Mỗi đêm khuya không uống một vầng trăng
Lòng ta cũng như tàu, ta cũng uống
Mặt anh em trong suối cạn
Hội Nhà văn.
Khắc họa như thế là tài, nhưng chưa nói được bản chất của một thi sĩ tài bậc nhất, xảo trá bậc nhất, hãnh tiến bậc nhất, tráo trở bậc nhất…của văn đàn Việt Nam đương đại. Ta hãy xem lúc ông được  trọng dụng thì thơ ông ca ngợi Đảng, Bác hết lời: “Người thay đổi đời tôi, Người thay đổi thơ tôi”. Khi thất sủng thì “trở giáo” bằng những bài thơ trong “DI CẢO”:
* Chưa cần cầm lên nếm, anh đã biết là Bánh vẽ
Thế nhưng anh vẫn ngồi vào bàn cùng bè bạn
cầm lên nhấm nháp
Chả là nếu anh từ chối
Chúng sẽ bảo anh phá rối
đêm vui…   (BÁNH VẼ)
*Sau này anh đọc thơ tôi thì nên nhớ
có phải tôi viết đâu ! một nửa
cái cần đưa vào thơ, tôi đã giết rồi (TRỪ ĐI)
*Tôi viết bằng xương thôi, nhưng không có
cái thịt của mình.
Biết rõ những điều này, chúng ta hãy xem Nguyễn Khôi vẽ chân dung nhà thơ:
CHẾ LAN VIÊN
Tài thơ đến như Chế
Đời thật khó khen chê
Bẻ cành Phong lan bể
“con cá Song cầm đuốc dẫn Thơ về ”
*
Bắn pháo hoa Tư Tưởng
Vờ khóc nước non Hời
Tháp Bay On bốn mặt
Giấu đi mặt ma trơi.
Hình như Nguyễn Khôi vẫn chưa tin ông, ngay cả “Di cảo”!
Chân dung PHẠM TIẾN DUẬT, ta xem Xuân Sách vẽ:
Trường Sơn đông em đi hái măng
Trường Sơn tây anh làm thơ cho lính
Đời có lúc bay lên vầng trăng
Lại rơi xuống Chiếc xe không kính
Thế đấy ! giữa chiến trường
Nghe tiếng bom cũng mạnh.
Ông xứng đáng là Nhà thơ anh hùng thời chống Mỹ, được Tố Hữu, Xuân Diệu gọi là “con Đại bàng non” với câu thơ được truyền thông, báo chí thời ấy quảng bá hết cỡ “Đường ra trận mùa này đẹp lắm”. Nhưng khi trải qua lửa đạn, máu xương của các chiến sĩ, thì ông đã tỉnh ngộ viết “Vòng trắng”, bị Tố Hữu coi là “rễ thối”, bị loại bỏ. Bi kịch này của Duật đã được Nguyễn Khôi kết thành vành tang đưa thơ Duật vào Trường Sơn để tạ lễ đám trai làng mà ông từng lừa mị:
PHẠM TIẾN DUẬT
“Đường ra trận…đẹp lắm”
Lừa mị lũ trai làng
Chết hồn kết “vòng trắng”
đưa Thơ vào Trường Sơn.
Nhưng thôi, anh Duật đã mất rồi nên chúng ta không cần nói đến “luật nhân – quả” ở đây, vì kết cuộc anh đã bị trời báo ứng!
Ngoài Chân dung các nhà thơ, nhà văn đã kể  trên, Lê Mai tôi còn chú ý tới Chân dung các vị bị xếp vào loại Nhân văn- Giai phẩm (chống đối chế độ) … tìm  ở Xuân Sách thì không thấy! Có cái gì “nhậy cảm”, kỵ húy chăng mà ông phải né tránh? Nhưng may quá, tìm ở Nguyễn Khôi lại có :
HOÀNG CÔNG KHANH
Tù Tây, lại tù Ta
“Quyền được rên” chẳng có
Bởi luôn đòi Tự Do
Gánh văn là gánh khổ.
Theo chỗ chúng tôi biết, nhà văn Hoàng Công Khanh có một số phận kì lạ. Mọi diễn biến của đời ông đều gắn chặt với hai chữ tự do. Nhớ khi Hoàng Công Khanh bị tù Tây ở Sơn La
Ông Tô Hiệu, đã gợi ý ông Khanh vào Đảng, nhưng ông đã khéo léo từ chối “anh cho em ở ngoài tổ chức, để có tự do mà viết văn”. Nhớ lần trong  Hội nghị chỉnh huấn “đánh” Nhân văn- Giai phẩm, ông lại buột miệng nói: “Viết văn không có tự do thì không thể viết được!” Thế là ông lại được đi tù. Lại nhớ lần đang ở tù ông được viên giám thị trại giam gọi  lên cho tự do để ngồi viết kịch phục vụ Hội diễn văn nghệ giữa các nhà tù. Nhờ “thành tích” sáng tác đó mà Hoàng Công Khanh được ra tù về với gia đình ở Hà Nội, để rồi lại được  “tự do” thất nghiệp(! !!???) Và đời ông, đến cái quyền “tự do” tối thiểu nhất của con người là “Quyền được rên” cũng không có!
Đến thời kỳ Đổi Mới  mở cửa, tưởng rằng Văn nghệ sĩ đã được “cởi trói”, sự ấu trĩ tàn khốc của thời Nhân Văn – Giai phẩm tưởng không bao giờ tái diễn lại nữa. Nào ngờ, lúc này Xuân Sách đã mất được trên 20 năm, thế thì Nguyễn Khôi lại phải khắc chân dung :
NHÃ THUYÊN
“Nhà xuất bản Giấy vụn”
Mấy thầy cô muốn “nghiên”
cánh “Phê bình chỉ điểm”
“Chém” cô trò Nhã Thuyên.
Cái này thì phải thông cảm với Xuân Sách thôi, sự kiện này nó  mới xảy ra, mong vong linh ông siêu thoát và mỉm cười nơi Tây phương cực lạc!
Nguyễn Khôi nhắc đến “vụ Nhã Thuyên” phải chăng ông muốn nhắn nhủ chúng ta, đổi mới là sự nghiệp cực kì khó khăn phức tạp, đặc biệt là đổi mới tư duy. Công cuộc đổi mới đã tiến hành vài chục năm mà ngay trong đội ngũ trí thức tiên tiến vẫn còn những loại người như:
NGUYỄN VĂN LƯU
Hơn lão Vũ Đức Phúc
Vượt trên tầm Đông La
“Luận chiến văn chương”…hả ?
Chỉ điểm bãi tha ma.
Chúng tôi đã khóc khi biết về thân phận hiện nay của các nạn nhân trong vụ Nhã Thuyên. Họ  chỉ là những  người phụ nữ đẹp và tài, trung thực, tử tế vốn chỉ biết mưu sinh, và khát khao cống hiến cho nền khoa học nước nhà. Họ có tội gì? Thôi thì đành nhờ Nguyễn Du “Trăm năm trong cõi người ta / Chữ tài chữ chữ mệnh khéo là ghét nhau” cho lòng mình thanh thản! Còn thực chất Nguyễn Văn Lưu ra sao? Xin mọi người hỏi những nhà văn dự Đại hội Nhà văn Hà Nội (lần 1, năm 2016) thì sẽ rõ chân tướng ông ta. N hưng thật buồn, ngay tại thời điểm hiện nay, loại phê bình chỉ điểm ấy vẫn còn đất dụng võ, vẫn tác oai tác quái. Ta hãy xem chân dung số 57 của nhà thơ Nguyễn Khôi:
VI TÙY LINH
Chẳng cần tốc váy đỏ
“Quốc sư” vẫn say thơ
Văn em không có sex
Đếch ai thèm tìm mua.
Chúng nó chỉ ông nào là “Quốc sư” của cái nước Việt  nghìn năm văn hiến này. Tôi nhớ, đóng góp to lớn của ông là việc đề xuất lấy hoa mào gà làm “quốc hoa” cho đất nước chúng ta. Đề xuất ngớ ngẩn tới mức một tiến sĩ rất khát khao cống hiến phải bật thét lên: – Thưa cụ, con đã đi khắp đất nước này, con thấy hoa mào gà đéo có thuộc tính nào có thể vin vào làm biểu tượng quốc hoa được. Họa chăng chỉ có mào con gà trống oai hùng (Đêm nằm thì gáy o o / Sáng ra đạp mái không lo trả tiền). Xin tiến sĩ hãy bình tâm trên đất nước này hoa mào gà có thể là không tiêu biểu, nhưng bệnh sùi mào gà thì chắc chắn sẽ rất đặc trưng. Bài chân dung Vi Thùy Linh mở đầu tôi thấy rất lạ. Sao chẳng cần tốc váy đỏ “Quốc sư” vẫn say thơ”? Nguyễn Khôi muốn khắc họa chân dung Vi Thùy Linh hay chân dung quốc sư? Hay ông muốn mượn việc khắc chân dung để nói lên cái nhí nhố của thời cuộc kiểu Xuân tóc đỏ của Vũ Trọng Phụng hay:
Trên ghế bà đầm ngoi đít vịt
Dưới sân ông cử ngỏng đầu rồng
Viết đến đây, Lê Mai tôi giật mình nhận thấy phải thế chăng mà Nguyễn Khôi còn khắc họa Chân dung của một số nhà văn trong “Ban vận động Văn đoàn Độc lập” mà người đứng đầu là:
NGUYÊN NGỌC
Chết rồi Anh hùng Núp
Rừng Xà nu bị nghiền
lập “Văn đoàn Độc lập”
mơ “Đất nước đứng lên”.
Ta hãy xem lại 25 năm trước, Xuân Sách nói về Nguyên Ngọc :
Mấy lần Đất nước đứng lên
Đứng lên cũng mỏi cho nên phải nằm
Hại thay một Mạch nước ngầm
cuốn trôi Đất Quảng lẫn Rừng Xà nu.
Ở đây chúng tôi thấy có sự đồng điệu về cách đánh giá khi tạc Chân dung Nguyên Ngọc của Nguyễn khôi và Xuân Sách. Nhưng đến Trần Đĩnh thì ta lại phải thông cảm với ông Xuân Sách thôi, Lại xin ông mỉm cười nơi chin suối!
TRẦN ĐĨNH
Chính sự theo “Đèn Cù”
“Bất khuất” nên bị thiến
Đang diễn Hề hầu vua
Hí trường đột tai biến.
Đọc “Chân dung 99 Nhà văn Việt Nam đương đại” của Nguyễn Khôi, còn nhiều điều khiến chúng ta phải suy ngẫm ở cái thì hiện tại  với “Chính sự theo Đèn Cù”/ “Quyền được rên” chẳng có!… Ông Nguyễn Khôi ơi! Đọc “Chân dung 99 Nhà văn Việt Nam đương đại” của ông, chúng tôi không chỉ thấy chân dung chân tướng các nhà văn
mà còn thấy sự xoay vần của thế cuộc. Nguyễn Khôi thực sự là “Người thư ký của Thời đại” mà chúng ta đã và đang sống qua khắc họa bằng Thơ. Là nhà văn đọc tác phẩm “Chân dung 99 nhà văn Việt Nam đương đại” của ông tôi ngẫm mà hổ thẹn!
Hà Nội , ngày 2-6-2017
LÊ MAI
( Nhà văn Hà Nội)

* CÁI TỰA CỦA MỘT BÀI BÌNH LUẬN VĂN HỌC
Ngẫm mà hổ thẹn với “Chân dung 99 nhà văn đương đại” của Nguyễn Khôi.
Đọc cái tựa một bài bình luận khá dài của nhà văn Lê Mai tôi chợt giật mình. Nghe nói nhà văn Lê Mai và nhà thơ Nguyễn Khôi thân nhau lắm mà sao giờ một nguời viết về tác phẩm của người kia mà ngay từ cái tựa đã dùng lời lẽ “nặng nề” như vậy.
Vâng! Tôi hiểu cái tựa ấy như sau: nhà văn Lê Mai “Ngẫm Mà Hổ Thẹn” khi đọc (tác phẩm) Chân Dung 99 Nhà Văn Đương Đại của Nguyễn Khôi. Suy ra là tác phẩm ấy quá kém cỏi (hoặc có điều gì đó tệ hại) khiến người đọc (Lê Mai) phải hổ thẹn giùm cho tác giả.
Nhưng đọc hết bài bình luận ấy thì thấy không phải vậy. Ý của nhà văn Lê Mai hoàn toàn khác.
Theo tôi, nhà văn Lê Mai nên chọn cái tựa khác. Nếu để như vậy, sau này trong một khung cảnh văn học nào đó, người ta chỉ nhắc đến tựa đề mà không có bài viết đi kèm thì “oan” cho nhà thơ Nguyễn Khôi lắm lắm.
Phạm Đức Nhì

2 nhận xét:

  1. Góp kiến chút thôi : đoạn đầu. TRỒNG NGƯỜI CÓ ĐƯỢC KHÔNG :
    Trồng Người là cái gi ? Trước tiên phải định nghĩa được đúng vị . Con người không thể như muôn vật khác được . Gốc của nó là giời sinh. Cũng như muôn loài , có bản chất riêng biệt khác hẳn muôn loài . bởi có tiếng nói có từ ngữ mạch lạc.. khi tinh thông đã nhìn được nguồn gốc cặn kẽ của mình..Đã soi mói lại được vũ trụ bao la vô cùng bí mật . Nếu dùng từ ngữ ( trồng người ) là vô cùng ngu xuẩn .Tạm xem thử lại Câu đàn ông đựng nhà đàn bà dựng nghiệp từ đâu ra ..? Nguồn gốc của sinh có phải từ đơn bào đến đa bào không .? Nguồn gốc sự sống có luân hồi không, căn cứ đâu để tin.? Các loài động vật loài nào có tri tuệ cao nhất, Sao vậy .? Hiểu tông giống dòng dõi là gì ? để làm gì ? Có làng rồi có nước, hay có nước rồi mới có làng, từ bao giờ ? Luật nào định cá lớn ăn cá bé bắt đầu từ đâu.? Khi nào xuất hiện đạo đức ? nghĩa là gi? Luật vua thua lệ làng đúng hay sai ? Định nghĩa thế nào là lạc hậu ? Cội nguồn từ đâu đẻ ra các thành ngữ ( vợ chồng là nghĩa tao khang , sao vậy.? ) Luật nào định người đàn bà sống quê cha chết làm ma quê chồng .? ý nào trái .? Thường nhật trong cái chung có cái riêng không . riêng lớn hay chung lớn cái gì định.
    Một con người có số giầu phận nghèo thật sự không.? Kẻ trên người dưới giời định hay người định . lấy gì chứng minh loài người bình đẳng .? Trong con người lực lượng nào mở mang phát triển xã hội. Khi con người toàn quyền sử dụng tiền có tệ không .? mọi người đều có tuệ hay chỉ rất ít .? Trọng tuệ hay trọng nhân .? Thưa qúi vị tạm khơi thoáng chút ngẫm đã .Còn nhiều vấn đề nan giải khác …
    Đề cập đến con người lấy màu mỡ gì để trồng cho sống tử tế .
    Thử xem việc dạy dỗ con người :
    Con người là giời sinh, Giời đã sinh là giời dưỡng ,Giời dưỡng thì giời dạy . Trái ý giời thì phải trừ . Nhìn lại nền giáo dục Việt Nam từ cách mạng tháng tám năm 1945 đến nay Trái đạo giời. Ra vô số những đạo luật đều nông cạn .Thứ nhất từ “cách mạng” là phi lý : Bất kể một sự sinh nào cũng phải có thời gian lịch sử, từ ủ khí thấm ẩm đến đột phá nảy mầm, động vật thực vật đều vậy cả, làm sai là trái đạo giời . Con người là sự vật đặc biệt có hành động biết thiệt hơn: Rất ích kỷ, tham lam. Đó là bẩm sinh. Từ các biểu tượng, hình ảnh đến thực dụng đời sống, giời cho nét để đánh dấu lại những sự qua, đó là chữ gọi chữ Thánh hiền của những vĩ nhân hiền triết để lại. Chữ phải có nghĩa ngọn nguồn, dù có học mà không nghiên cứu say sưa thẩm nghiệm thì Vô ích. Với muôn vàn tiến triển của thời đại ngày nay, chứng minh thẩm nghiệm đó. Trong một nước từ dốt, đói kẻ thù luôn nhòm ngó sơ hở để tiêu diệt . Cứ gọi ông anh ruột đi, Việt Nam đã có nhiều truyện cổ ( ba sợi tóc vàng là một điển hình ) Phải hiểu rõ câu tục ngữ ( Anh em kiến giả nhất phận ) Vậy anh ruột ác thì giời trị sao phải lụy.Từ thuở Hồng Bàng người Việt đã dùng Âm Dương Thành thục rồi. Sao bây giờ lại bảo chữ nho của Tàu. Vậy việc dạy dỗ con người phải đất lề quê thói chứ ? Tập tục địa phương đem phá hủy . Thế thì hiểu sao được tôn ti. Đã vô tôn ti thì phải rối rắm . Lấy cớ nào để dạy : Tốt, xấu định nghĩa lung tung. Thưa quí vị cả nước các trường học thi nhau chương biểu ( TIÊN HỌC LỄ HẬU HOC VĂN ) Rõ ràng treo đầu dê bán thịt chó , có hiểu nghĩa ngữ đâu .? Lại còn lấy chương trình lớp cao xuống dạy lớp sơ.
    Thôi chớ dở trò tiên tiến lạc hậu ra nữa . Phải thấy đây là quá bịp bợm . Không thể nào có toàn dân đi học được, một sự hão huyền . Vĩnh viễn không bao giờ có vật chất quyết định tinh thần được. Ai đã chứng minh được thái cực của Vũ trụ .? Ai định được con số lớn nhất , bé nhất .? .
    Muốn dạy người phải truyền từ đời này đến đời sau chứ . nhẩy cẫng sao được . Tiên học lễ, nhà trường như kiểu hiện nay sao dạy được ?

    Trả lờiXóa
  2. Tiếp đoạn 2 : góp kiến ... ? nhớn mới học văn . để biết nguồn gốc tích mình .sau học toán để nuôi sống mình . Xuất phát từ máu tham của con người nên luôn luôn tàn ác . phải biết gốc tích này mới lần ra cái lành cái thiện được .
    Không thể nhầm việc gửi trẻ với dạy trẻ được . Phải tìm thầy giáo hiền lành dạy con.
    Dạy chữ nhân chi sơ tính bản thiện là lỗi thời rồi, không thể có, học cao hiểu rộng mới thấy lỗi này… Học cao của tiền nhân là : ( Trên thông thiên văn ,dưới tường địa lý ) Lớp trẻ ngày nay sao hiểu được nghiã này. Thế thì phải dạy chứ .? Trồng làm sao được ? Không biện luận bịp người được . Một học sinh đương học cấp ba thôi có phải bẩm sinh tự giời không ? mà nói lưu loát đến thế ở Facebook nền giáo dục Việt Nam đồi bại thưa quý vị.? Nhà nước bây giờ tự xưng đào tạo học cao hiểu rộng kiểu thế à .? Cha mẹ phải dạy con đến lúc xuôi tay vẫn chưa yên cơ mà ,,, ( cá không ăn muối cá ươn, con không nghe lời cha mẹ trăm đường con hư ) Sai à .? Thật rõ một sự hỗn độn của giáo dục bảo trồng người. Trồng thành bịp bợm lừa đảo ăn cướp giết người ư .?
    Dạy thì phải dạy ăn cho ngon ngọt, gọn gàng chứ, không tham lam,bốc bải, vụng trộn phi nhân hư người …Lớn lên phải biết tổ tông, giống nòi từ nguồn nào . ai là trưởng, ai là thứ, Ai là cô, ai là dì . Nội ngoại ăn ở phân minh nghĩa ra sao . Rồi học lên nhìn xa trông rộng, biết lạch, sông, biển lớn, vũ trụ bao la, thiêng linh hồn Việt . Sau học toán, học tính để nuôi sống mình, đến bảo vệ lợi ích cá nhân, dòng tộc, bản làng, đất nước …
    Biết chắc con người giời sinh, có dòng có giống người lành kẻ dữ . không thể có tinh bản thiện tưởng tượng được. dòng ác đi theo kẻ ác , dòng lành theo người lành, không thể bình đẳng ai cũng như ai được. người sáng có hạn kẻ ngu thì nhiều, đây là bẩm sinh . Nên có thành ngữ ( Một người lo bằng kho người làm.) thẩm nghiệm được sống khôn, chết thiêng, vì lòng tín của mình . biết chắc lễ nghi tập tục quê hương bản quán chứ …
    Nuôi phải chăm sóc bú mớm dỗ dành , Dạy cho có thói phép căn cơ ,Không xiêu đảo, không mất gốc, Bản lề quê thói khắc sâu vào lòng, cho đến già cũng không quên được lời khuyên, lời răn . Dùng từ “cách mạng” , “tiến bộ” là sự xúc phạm lòng tâm linh. Trái với cương thường đao lý chân chính, Những biện luận “cách mạng”, Những lý luận sáo rỗng phải loại trừ khỏi ảo vọng. Đưa một tràng khẩu hiệu “ lợi ích trăm năm thì trồng người , lợi ích mười năm thì trồng cây,” thật hão huyền .
    . Không được dạy luân thường đạo lý cặn kẽ của gia đình tông giống , đã lệch hẳn một bên lộn bậy tôn ti loài người . Không thể nực cười câu chuyện ( nhà của bố là nhà của con được.) phải thấy được gốc sự đời bé vun bón, nhớn đánh ra. Vậy phải dạy dỗ hướng tầm nhìn trời xanh bao la. Vật chất có ở trên trời không .? Phải mò mẫm mà tìm chứ. ( Khổng tử đã mở bao nhiêu chữ T. T. T…đang ở trên không trung đó …tinh tính tình tịnh tĩnh …vv . Có phải là thần hóa ra vật chất không . Lá to ra, quả lớn lên có phải từ đây không . Cặn bã đó có dầy thêm ở trái đất không. Vậy phải học rồi nghiền ngẫm, thực nghiệm mới ra kết quả chứ. Đặt ra trồng người có phải lếu láo không . ?

    từ 1/10 - 15/11 năm 2016
    Ngọc Châu Hải Dương
    Bùi Quang Thanh

    Trả lờiXóa