Bài đăng phổ biến

Thứ Bảy, 3 tháng 2, 2018

DI SẢN TÂM LINH

DI SẢN TÂM LINH NẶNG TRĨU


Di sản tâm linh nặng trĩu 

Ngyễn Tiến Tường
2-2-2018

Tôi chỉ có thể thốt lên như thế với quy hoạch nghĩa trang quốc gia 1.400 tỷ đồng cho cán bộ cao cấp. Nghìn tỷ trong bối cảnh hiện tại, là một miếng khi đói, là nắm thóc mùa giáp hạt. Là bao nhiêu trường học bệnh viện. Nơi nghĩa trang tọa lạc, rồng chầu hổ phục, phong thủy hữu tình. 105 hộ dân phải nhường chỗ cho người nằm xuống. 

Làm Yên Trung, cũng đồng thời nâng cấp mở rộng Mai Dịch thành công viên quốc gia. Tôi nghĩ đến viễn cảnh một trăm hoặc hai trăm năm nữa, đất nước đã dành dụm được những gì. Nhưng chắc chắn, sẽ có thêm nhiều công trình như vậy. Người sống dần nhường chỗ để tôn vinh người mất. Không bà con họ hàng, không thọ ơn hưởng phước!

Bao giờ thì lãnh đạo mới chịu hiểu nơi an nghỉ ấm cúng nhất, thiêng liêng nhất là giữa lòng dân? Bao giờ mới thôi tự ru ngủ bằng việc lấy lăng tẩm đền đài nguy nga để mưu cầu sự thán phục của nhân dân? Đó là một não trạng vô cùng phong kiến.

Quan nhất thời dân vạn đại, làm quan cởi áo về dân, được dân đón đã là may. Vinh phúc chút thì có chỗ đứng trong lịch sử. Lịch sử ấy, được kết bằng câu chuyện trong lòng dân, vô tư và sòng phẳng.

Quan hay người thường, còn đang sống mà đã mưu cầu một nơi an nghỉ nguy nga tráng lệ, thì đó là tư duy vụ lợi. Cụ Hồ nằm xuống có mong lăng tẩm đền đài đâu? Tướng Giáp nằm xuống ở nơi xa xôi cách trở, bao nhiêu con dân nước Việt lặn lội tìm. Một Nguyễn Bá Thanh chưa quyền cao vọng trọng, vẫn an nghỉ lung linh trong câu chuyện của người dân.

Những Sáu Dân, Kim Ngọc… trước đây còn sống cũng như mất, đơn sơ giản dị. Những bậc anh hùng nhân kiệt, khai quốc công thần người bỏ thây sa trường, người nhập hồn mộ gió, họ vẫn sống mênh mông giữa lòng nhân dân, nhân dân chưa quên họ một ngày nào.

Đất nước qua chiến chinh đau khổ rồi, đất nước ấy rừng vàng biển bạc mà dân vẫn nghèo. Mong một nơi an nghỉ xa hoa, có hỗ thẹn với tiền nhân không? Có thấy ái ngại với nhân dân không?

Đất nước nợ nần ngập đầu, tham nhũng tràn lan, sâu mọt đục khoét “ăn của dân không từ một cái gì”. Một người lãnh đạo cao cấp có thể vô can, đứng ngoài lợi ích nhóm. Nhưng để xảy ra sự nhiễu nhương ấy, cũng đã là chưa làm tròn chức sự. Sống không vĩ đại, đừng đòi chết phải vinh quang!

Quốc gia bệ rạc, lòng dân rã rời. Lãnh đạo sống lụa là gấm vóc, chết mong lăng tẩm đền đài. Ai trong số những người lèo lái đất nước hiện tại có thể đứng giữa nhân dân mà nói rằng mình xứng đáng được tôn vinh? Hãy trả lời câu hỏi đó trước khi nghĩ đến công trình nghìn tỷ.

Làm nghĩa trang cấp quốc gia tức là đại diện cho nhân dân. Nhưng nếu nhân dân không tìm đến thì cũng sẽ trơ trọi buồn bã. Đó không khác gì một sự “cô lập” với nhân dân, đào sâu thêm khoảng cách, giống như khi đang sống.

Một di sản tâm linh nặng trĩu! 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét