Những ghi chép có thực về nhân quả báo ứng của các tướng lĩnh xưa nay
Lịch sử trải qua các thời đại, có rất nhiều tướng lĩnh đã dùng chính quyền lực và địa vị của mình để hành ác và lạm sát người vô cớ, từ đó nhận lấy trừng phạt và quả báo. Những ghi chép về họ có rất nhiều, khiến người đời sau không khỏi cảm thán: “Thiện ác mà không báo, càn khôn thiên vị chăng?”.
Quả báo khác nhau của hai danh tướng triều Minh
Trong Minh Sử có ghi chép: Từ Đạt và Thường Ngộ Xuân đều là đại tướng quân của Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương. Thường Ngộ Xuân khi công hạ thành trì thì mặc cho quân lính sát hại người; trong khi đó Từ Đạt mang binh đến đâu cũng đều cẩn trọng, không hề sách nhiễu bá tánh. Từ Đạt về sau được phong làm Trung Sơn Vương, con cháu kế tục tước vị của ông. Thường Ngộ Xuân đến 40 tuổi gặp bạo bệnh mà chết, được truy phong là Khai Bình Vương, con trai là Thường Mậu kế thừa tước vị, nhưng không lâu sau gặp chuyện phải giáng chức, bị biếm đến Long Châu.
Những ban thưởng mà Trung Sơn Vương Từ Đạt nhận được kéo dài đến đời con cháu, mấy đời con cháu được hưởng ân sủng và vinh diệu của triều đình. Còn Khai Bình Vương Thường Ngộ Xuân thọ mệnh không dài, con cháu cũng suy bại. Sự tôn quý và công lao như nhau, nhưng vì sao quả báo nhận được lại trái ngược? Minh Thái Tổ đã từng nói với các tướng rằng: “Làm tướng quân thì không thể tùy tiện sát nhân, làm được như thế không chỉ quốc gia lợi ích thôi, mà thật ra con cháu các khanh cũng được phúc báo đó!”. Xác thực là như vậy!
Trung Sơn Vương Từ Đạt là khai quốc công thần triều Minh. Minh Thái Tổ khen ngợi Từ Đạt như sau: “Không tự cao, không ngạo mạn, không cưỡng đoạt phụ nữ, không chiếm giữ tiền của, lòng dạ ngay thẳng không tì vết, sáng trong như nhật nguyệt”. Con cháu ba đời đều kế thừa chức tước vương hầu, Nhân Hiếu Từ hoàng hậu của Minh Thành Tổ cũng là con gái của Từ Đạt.
Nghiệp báo của đại tướng quân nước Tần Bạch Khởi
Sử ký – Bạch Khởi truyện chép rằng, vào thời Chiến quốc, trong trận chiến ở Trường Bình, đại tướng quân Bạch Khởi của nước Tần đã dùng thủ đoạn lừa gạt chôn sống toàn bộ 40 vạn hàng binh của nước Triệu, chỉ để lại 240 người trẻ trở về nước Triệu báo tin.
Về sau Tần vương nhiều lần phái những tướng quân khác đánh nước Triệu nhưng đều không thành công, vì vậy Tần vương muốn bổ nhiệm Bạch Khởi làm tướng quân đi đánh Hàm Đan. Bạch Khởi khước từ không nhận, đích thân Tần vương bắt buộc ông phải đi. Bạch Khởi vẫn lấy cớ bản thân đang bệnh mà khước từ. Tần vương giận dữ, tước bỏ hết tước vị của Bạch Khởi, giáng chức làm binh sĩ, lưu đày đến Âm Mật. Khi Bạch Khởi mới ra đến cổng phía tây của Hàm Dương, Tần vương sai sứ giả ban kiếm cho ông để tự kết liễu đời mình.
Bạch Khởi nói: “Ta đã đắc tội với ông Trời thế nào, đến nỗi rơi vào kết cục như thế này?”. Ông suy nghĩ hồi lâu rồi thở dài nói rằng: “Ta vốn đáng chết, mấy chục vạn binh lính đầu hàng của nước Triệu trong trận chiến ở Trường Bình, ta đã lừa dối họ để chôn sống toàn bộ, với tội này thôi cũng đủ để ta chết rồi”. Nói xong liền tự kết liễu mình.
Lại theo Di Kiên Chí có viết: Ở Giang Nam có một người con gái họ Trần 17 tuổi, trước nay chưa từng đọc qua sách sử, thân mắc trọng bệnh. Trước khi lâm chung, cô bỗng nói với người trong nhà rằng: “Ta là tướng quân Bạch Khởi của nước Tần, năm xưa khi còn sống đã từng giết bảy, tám chục vạn người. Sau khi chết, ở địa ngục chịu đủ mọi tra tấn hành hạ, gần đây mới được phép đầu thai chuyển sinh làm người. Nhưng mỗi lần đầu thai đều chỉ có thể làm thân nữ, thọ không quá hai mươi tuổi, cái chết ngày hôm nay, là ta đáng nên bị như vậy”. Nói xong rồi tắt thở qua đời.
Bởi vậy có thể thấy rằng, “thiện ác hữu báo” là lẽ thường của trời đất, là điều nghiêm túc hiển nhiên. Từ thiên tử cho đến thứ dân, lành dữ họa phúc của đời người đều không rời khỏi hai chữ “nhân quả” này vậy.
Quả báo của tướng quân Lý Quảng nhà Hán
Lý Quảng là danh tướng nhà Hán, có khả năng chiến đấu tuyệt vời, giỏi cưỡi ngựa bắn cung, được người đời xưng tụng là “Phi tướng quân”. Khi còn tại vị, Hán Vũ đế phái Lý Quảng trấn thủ ở Hữu Bắc Bình, dân tộc Hung Nô nghe nói Lý Quảng đã đến, đều sợ hãi trốn tránh, nhiều năm không dám xâm phạm đến biên cương.
Nhưng Lý Quảng cả đời vận mệnh không thông, từ đầu đến cuối không được phong tước, trong khi khá nhiều thuộc hạ dưới trướng của ông lại được phong tước hầu. Lý Quảng từng hỏi một người chuyên xem bói là Vương Sóc rằng: “Tài năng và công trạng của các vị tướng lĩnh cũng thuộc hạng bình thường mà lại được phong hầu, số ấy cũng tới vài chục người. Ta chiến đấu dũng mãnh không thua kém ai, lập nhiều công trạng mà lại không được phong tước hầu, đây là do đâu? Chẳng lẽ tướng mệnh của ta không tốt, không đáng được phong hầu hay sao? Hay là số mệnh của ta đã định sẵn là không có duyên được nhận tước vị?”.
Vương Sóc trả lời: “Tướng quân hãy tự mình suy nghĩ một chút, từ trước đến nay, tướng quân đã làm điều gì đáng tiếc mà thấy xấu hổ với chính mình không?”. Lý Quảng nói: “Quá khứ khi ta trấn thủ ở Lũng Tây, người Khương tạo phản, ta đã sử dụng chiêu thuật dụ dỗ hơn 800 hàng binh người Khương ra hàng, rồi lại giết chúng ngay chính ngày hôm đó. Đến nay mỗi lần nghĩ lại đều hối tiếc không kịp, cũng là vì sự việc ấy”. Vương Sóc nói: “Tai họa lớn nhất không có gì hơn là giết hại người mà đã quy hàng mình, đây là nguyên nhân xưa nay tướng quân không được phong hầu đó!”.
Về sau dân tộc Hung Nô xâm phạm biên giới, Vũ Đế ra lệnh Đại tướng quân Vệ Thanh mang quân đi đánh Hung Nô, Lý Quảng tự nguyện theo quân xuất chinh. Vệ Thanh ra lệnh cho ông vây đánh con đường phía Đông, Lý Quảng bởi vì không quen địa hình nên bị lạc đường, hội quân trễ với các cánh quân khác và vô tình tạo điều kiện cho thiền vu Hung Nô trốn thoát, nên bị đưa ra xét xử. Do cho đó là một sự sỉ nhục, Lý Quảng đã tự sát.
Về sau cháu của Lý Quảng là Lý Lăng nhận lệnh đem binh xâm nhập vào vùng đất người Hung Nô, binh lính gần hết đồng thời lương thực cũng cạn nên đã hàng Hung Nô. Vũ Đế biết được đem cả nhà Lý Lăng xử chém (Theo Sử Ký – Lý tướng quân truyện).
Có thể thấy rằng, làm võ tướng mà giết hại người vô tội, có rất ít người có thể sống yên ổn đến cuối đời, nghiêm trọng thì bị tru di cả gia tộc, nhẹ thì cũng rơi vào kết cục tự vẫn mà chết.
Quả báo vây khốn hãm thành phố Trường Xuân của tướng Lâm Bưu
Trong lịch sử Trung Quốc hiện đại, những ví dụ thực tế về quả báo thiện ác đâu phải là hiếm thấy?
Lâm Bưu là một trong mười đại tướng của chính quyền Trung Quốc. trong chiến dịch Trường Xuân năm 1948, Lâm Bưu đã triệu tập hội nghị những người phụ trách của quân khu Đông Bắc và Cục Đông Bắc, quyết định dùng phương châm vây chặt và hạ lệnh: “Hãy khiến Trường Xuân trở thành thành phố của sự chết chóc!”, hòng dùng sự đói khát làm tan rã sĩ khí của quân dân ở Trường Xuân. Kết quả đã khiến cho mấy trăm nghìn người chết vì đói khát bệnh tật, thi thể khắp nơi, nhìn sơ qua là thấy mấy nghìn bộ hài cốt.
Theo thống kê sau này của chính quyền Trung Quốc: Người dân Trường Xuân chết vì đói khát, bệnh tật tổng cộng là 120 nghìn người. “Trung Ương Nhật Báo” đưa tin ngày 24 tháng 10 năm 1948, ở ngoại thành có “không dưới 150 nghìn bộ hài cốt”. Đoàn Khắc Văn lúc bấy giờ là một sĩ quan quân tiên phong của quân cách mạng Quốc Dân trong thành thời ấy, năm 1975 được thả ra đã viết trong cuốn hồi ký của mình rằng, ước chừng chết đói 650 nghìn người”.
Lúc cuối đời Lâm Bưu mắc một căn bệnh kỳ quái, sợ lạnh, sợ nóng, đầu nhức lưng đau, mất ngủ, suốt ngày không sao an tĩnh được, cần phải vận động không ngừng, đến tối lại càng khủng khiếp hơn. Về sau không dám ra ngoài ánh sáng, sợ nước, sợ gió. Đi bệnh viện lại không tra ra bệnh, dường như vong linh ở cõi âm muốn đến đòi mạng.
Cuối cùng, vào ngày 13 tháng 9 năm 1971, Lâm Bưu cùng vợ là Diệp Quần và con trai là Lâm Lập Quả, trong lúc ngồi máy bay bỏ trốn đã chết vì sự cố rơi máy bay ở Öndörkhaan, Mông Cổ. Quả báo cùng với sự trừng phạt đã ứng nghiệm với vị tướng khát máu giết hại vô số người vô tội này.
Nhưng không chỉ riêng Lâm Bưu, mà trong số những “khai quốc công thần” của chính quyền Trung Quốc, mấy ai có thể sống yên bình đến cuối đời? Bởi chính quyền Trung Quốc tôn sùng đấu tranh giai cấp, bạo lực cách mạng, dùng thủ đoạn và giết người để giành lấy quyền lực. Sau khi đoạt chính quyền, lại dựa vào vận động Chỉnh Phong, giết người để duy trì chính quyền. Trong quá trình này, họ đã tích rất nhiều ác nghiệp, vận may dẫu có cũng không bù đắp được ác nghiệp đã tạo, cuối cùng vẫn phải nhận báo ứng của nghiệp lực nhân quả.
Theo Đại Kỷ Nguyên tiếng Trung
Lý Minh biên dịch
Lý Minh biên dịch
Có thể bạn quan tâm:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét