ĐBQH THỰC CHẤT LÀ CÁN BỘ HÀNH PHÁP, KHÔNG ĐẠI DIỆN CHO DÂN
Trần Đình Thu
11-11-2018
Vụ lùm xùm đại biểu Lưu Bình Nhưỡng tôi không đứng về phía ông Nhưỡng cũng như phía bên kia. Cũng như mọi vụ tương tự tôi không coi một đại biểu quốc hội đang nói tiếng nói của nhân dân theo nghĩa một nghị sĩ. Tôi coi họ là cán bộ hành pháp.
Quốc hội Việt Nam thật ra bản chất là một cơ quan thuộc hành pháp, là một “chính phủ mở rộng”. Việt Nam không có cơ quan lập pháp đúng nghĩa. Các văn bản luật được soạn thảo bởi các bộ ngành liên quan, bộ nào biên soạn của bộ đó, thí dụ Bộ lao động thương binh xã hội biên soạn Luật phòng chống mại dâm, Bộ công an biên soạn Luật an ninh mạng… Sau đó trình ra quốc hội thì cũng chính những cán bộ đang nằm trong hành pháp kiêm nhiệm đại biểu thảo luận và bấm nút.
Về mặt bầu cử, chúng ta thấy đại biểu được phân bổ cho các ngành, thí dụ như Bộ A được phân bổ 5 ghế, Bộ B được 6 ghế… Và những người này, có khi công tác tận Hà Nội nhưng đưa về Đồng Nai Tiền Giang Cà Mau để ứng cử, người dân chưa hề nghe tên và ứng cử viên có khi cũng không xuất hiện tại địa phương nhưng kết quả chín mươi mấy phần trăm, nên những kết quả này không nói lên điều gì.
Trừ một vài nhà sư hay linh mục, doanh nhân… chiếm không quá vài phần trăm, còn lại thì cán bộ hành pháp cả.
Cho nên đại biểu quốc hội đấu đá nhau trong nghị trường thực chất là bộ này đấu với ngành nọ mà thôi. Dĩ nhiên vẫn có chút kích thích sự minh bạch thông tin nhưng không nên kỳ vọng quá nhiều là những người đại diện cho dân đang đấu tranh với chính quyền.
Ví dụ như ông Nguyễn Sĩ Cương, có đôi lần phát biểu làm cho dân nghe bùi tai nhưng đó chỉ là làm màu, vì sau đó ông này đã kiến nghị Bộ công an xem xét khởi tố những người dân nào đã nói xấu bộ trưởng.
Các ông đại biểu khác cũng vậy. Gặp dịp thì nói vài câu làm quà cho vui còn bản chất vẫn là cán bộ hành pháp.
Ông Lưu Bình Nhưỡng cũng không hề ngoại lệ. Đừng luyến tiếc khi ông ấy dừng cuộc đấu, đừng tin nhiều khi ông ấy thề thốt này kia. Ngay cả những con số ông ấy đưa ra cũng thật giả khôn lường.
Tôi vừa đọc lại một bài viết trên báo Tuổi Trẻ vào năm 2015, khi ông Tập Cận Bình thăm quốc hội Việt Nam. Xem bài này để thấy ông Tập đang thăm một “chính phủ mở rộng” với tên gọi là “quốc hội”.
Tôi thật sự buồn và lo ngại trước tình hình này.