17/03/2014
Ra ngõ gặp… người Trung Quốc!
Đức Ngọc
Hàng ngàn lao động trái phép đang làm việc chui tại Khu Kinh tế Vũng Áng (Hà Tĩnh), gây ra nhiều hệ lụy về an ninh trật tự, văn hóa ở khu kinh tế lớn nhất Bắc Miền Trung này.
Vào những lúc cao điểm, Khu Kinh tế (KKT) Vũng Áng có đến 3.000 - 4.000 lao động nước ngoài làm việc, chủ yếu là người Trung Quốc. Con số này dự kiến sẽ còn tăng mạnh trong năm 2014 với khoảng 6.000 lao động nước ngoài đến làm việc tại KKT Vũng Áng.
Hàng ngàn người làm việc chui
Có mặt tại cổng ra vào công trình dự án Formosa (của Đài Loan) ở KKT Vũng Áng đầu giờ chiều 14-3, chúng tôi ghi nhận hàng chục ô tô khách chở công nhân người Trung Quốc tạm trú tại các xã lân cận vào đây làm việc. Tại khu nội trú bên trong khu dự án Formosa, nhiều tốp cán bộ, công nhân người Trung Quốc cũng đang khẩn trương ra công trường.
Một công trình trong khu vực dự án Formosa có rất đông lao động người Trung Quốc làm việc
Bên ngoài các công trường dự án Formosa, hàng ngàn lao động phổ thông người Trung Quốc đang làm việc. Tất cả lao động này là của các công ty Trung Quốc trúng thầu thi công những hạng mục của Tập đoàn Formosa.
Số lao động nước ngoài tập trung đông dẫn đến tình trạng rất nhiều người làm việc chui. Số liệu báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) Hà Tĩnh vào tháng 1-2014 cho thấy hiện trên địa bàn tỉnh có 54 tổ chức và cơ sở sử dụng 3.250 lao động nước ngoài (3.217 người tại KKT Vũng Áng). Trong đó, chỉ 1.340 người được cấp giấy phép lao động. Như vậy, có đến 1.910 lao động làm việc chui, không giấy phép. Theo một lãnh đạo Sở LĐ-TB-XH Hà Tĩnh, số lao động không phép chủ yếu là người Trung Quốc.
Trước đó, vào tháng 9-2013, Cục Quản lý xuất nhập cảnh thuộc Bộ Công an phối hợp với các cơ quan chức năng tỉnh Hà Tĩnh đã kiểm tra, rà soát lao động thuộc một số nhà thầu, doanh nghiệp nước ngoài ở KKT Vũng Áng, qua đó phát hiện hơn 570 người Trung Quốc không có giấy phép lao động.
Liên quan đến vấn đề lao động nước ngoài tại Hà Tĩnh, năm 2013, Thanh tra Sở LĐ-TB-XH tỉnh này cũng đã xử phạt 3 nhà thầu 35 triệu đồng, đề nghị cơ quan công an buộc xuất cảnh trước thời hạn 102 lao động Trung Quốc làm việc không có giấy phép.
Tại các xã Kỳ Trinh, Kỳ Thịnh, Kỳ Long, Kỳ Liên, Kỳ Phương… của huyện Kỳ Anh, rất nhiều lao động người Trung Quốc đăng ký tạm trú, có xã trên 1.000 người (tháng 1-2014, ở xã Kỳ Liên là 1.130 người). Có mặt tại các xã này, đến đâu chúng tôi cũng bắt gặp những tốp 5-7 người Trung Quốc trong quán xá hay đi lại trên đường. Đã từng có những vụ trộm cắp do người Trung Quốc gây ra hay những vụ va chạm giữa công nhân, người dân địa phương với lao động Trung Quốc.
Vào 4-2013, tổ công tác của Đồn Biên phòng Đèo Ngang (Hà Tĩnh) đã bắt quả tang Jiang Su (quốc tịch Trung Quốc) trộm cắp sắt thép tại công trường Formosa. Tháng 8-2013, một nhóm lao động Trung Quốc ẩu đả với người dân địa phương ở thôn Liên Phú, xã Kỳ Liên. Mới đây, ngày 6-3, ông Tiết Minh Hồng (SN 1963, người Đài Loan), kế toán đang làm việc cho dự án Formosa, đã bị đâm trọng thương tại khu nội trú...
Dọc Quốc lộ 1, đoạn từ thị trấn Kỳ Anh đến hầm Đèo Ngang, chúng tôi chứng kiến hàng trăm bảng hiệu công ty, bảng quảng cáo viết chữ Trung Quốc, chữ Việt lẫn lộn. Bảng hiệu chữ Trung Quốc còn xuất hiện nhan nhản tại các tuyến đường, khu dân cư ở huyện Kỳ Anh. Anh Trần Anh Dũng, trú tại xã Kỳ Phương, lo ngại: “Ở đây, hễ bước ra ngõ là gặp người Trung Quốc, đi tới đâu cũng thấy chữ Tàu treo đầy đường”.
Ông Nguyễn Lộc Hằng, Trưởng Phòng Văn hóa huyện Kỳ Anh, thừa nhận: “Nhiều công ty, nhà dân treo các biển viết chữ Trung Quốc sai quy định. Huyện đã tổ chức kiểm tra nhưng xử lý các trường hợp sai này chưa xong lại xuất hiện thêm các trường hợp khác”.
Quản lý sơ hở, đùn đẩy trách nhiệm
Theo Sở LĐ-TB-XH Hà Tĩnh, số lao động nước ngoài chưa được cấp giấy phép lao động chủ yếu là người làm việc dưới 3 tháng. Sau đó, họ xuất cảnh về nước và tiếp tục xin thị thực nhập cảnh Việt Nam để làm việc. Nhiều trường hợp lợi dụng nhập cảnh Việt Nam dưới hình thức du lịch, sau đó trốn ở lại làm việc.
“Nhiều đơn vị sử dụng lao động nước ngoài cố tình che giấu số người thực tế, trong khi biên chế của đội ngũ thanh tra, cán bộ ngành LĐ-TB-XH chưa bảo đảm thực hiện việc kiểm tra hằng quý theo quy định” - một cán bộ Sở LĐ-TB-XH Hà Tĩnh phân trần.
Ngoài ra, nhiều lao động người Trung Quốc tại KKT Vũng Áng sống phân tán trong các hộ gia đình, khu dân cư. Trong khi đó, việc theo dõi, quản lý của cơ quan chức năng còn nhiều kẽ hở. Ông Hoàng Xuân Huỳnh, Trưởng Công an xã Kỳ Liên, cho biết: “Việc cấp phép tạm trú trước giao cho xã nên mọi biến động của người lao động chúng tôi đều nắm rõ. Giờ thì công an huyện làm, lúc nào họ gửi danh sách về, chúng tôi mới nắm”.
Khi được hỏi hiện tại có bao nhiêu lao động nước ngoài, nhất là người Trung Quốc, đăng ký tạm trú trên địa bàn xã Kỳ Liên, ông Huỳnh cho hay: “Chúng tôi mới nhận được thông báo danh sách thống kê gửi ngày 7-1-2013 là có 1.130 lao động nước ngoài tạm trú tại xã. Tới nay (ngày 14-3), công an huyện chưa gửi danh sách về nên có bao nhiêu lao động ở trên địa bàn, chúng tôi không rõ”.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao động, ông Lê Tiến Dũng, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH Hà Tĩnh, thừa nhận tình trạng nhiều lao động người Trung Quốc làm việc trái phép tại KKT Vũng Áng. “Lao động trái phép chủ yếu là người Trung Quốc, họ làm ngắn hạn, sang Việt Nam bằng thị thực (visa) du lịch. Họ ở rất nhiều địa điểm nên rất khó kiểm tra và xử lý. Việc cấp giấy phép lao động là do Ban Quản lý KKT Vũng Áng làm. Hà Tĩnh đang thành lập đoàn liên ngành do Sở Nội vụ làm trưởng đoàn đi kiểm tra tình trạng sử dụng lao động nước ngoài tại KKT Vũng Áng” - ông Dũng cho biết
Ông Đặng Hoài Sơn, Trưởng Công an huyện Kỳ Anh, cũng cho rằng quản lý người lao động Trung Quốc là trách nhiệm của Ban Quản lý KKT Vũng Áng. “Mọi phát ngôn về vấn đề này là của ban quản lý, không phải của chúng tôi” - ông Sơn nói.
Trong khi đó, ông Ngô Đình Vân, Phó trưởng Ban Quản lý KKT Vũng Áng, lại khẳng định: “Trách nhiệm chính trong quản lý người lao động là của Sở LĐ-TB-XH. KKT Vũng Áng chỉ được ủy quyền cấp phép cho người lao động nước ngoài. Trong trường hợp phát hiện lao động làm việc chưa được cấp phép, chúng tôi sẽ báo cho các ngành chức năng. Ban quản lý KKT không có quyền xử phạt, trục xuất đối với người lao động trái phép. Việc này chỉ có bên ngành LĐ-TB-XH, công an mới được quyền xử lý”!
Tập đoàn Formosa đang đề xuất Thủ tướng Chính phủ và Bộ LĐ-TB-XH cho phép đơn giản hóa những thủ tục liên quan đến cấp phép cho người lao động làm việc tại KKT Vũng Áng.
L.T. – B.L.
Không khéo thành “làng Trung Quốc”
Đức Ngọc
Từ khi Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 được khởi công xây dựng vào tháng 8-2010, xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận cũng tập trung rất đông lao động Trung Quốc.
Lao động Trung Quốc ở huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận ra ngoài mua sắm Ảnh: BẠCH LONG
Theo quan sát của phóng viên Báo Người Lao Động, sau giờ tan tầm vào buổi chiều đến tối mỗi ngày, nhiều lao động Trung Quốc rủ nhau đi dạo quanh các khu dân cư lân cận nhà máy. Chủ một tiệm tạp hóa ở thôn Vĩnh Tiến, xã Vĩnh Tân cho biết những người Trung Quốc đang làm công nhân ở đây thường cử “đại diện” ra mua hàng hóa rồi đưa vào khu tập thể của họ bên trong nhà máy để dùng.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, số lao động Trung Quốc ở huyện Tuy Phong hiện lên đến khoảng 500 người. Anh Lý Văn Nam, một công nhân làm việc tại Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2, cho biết: “Tất cả công nhân Trung Quốc đều có nhà trọ và nơi ăn ở tập trung trong khuôn viên nhà máy. Họ rất ít quan hệ với công nhân Việt và sống khá bí ẩn”.
Đêm 14-3, ở ngã ba thôn Vĩnh Tiến, chúng tôi bắt gặp nhiều lao động Trung Quốc đi dạo. Thỉnh thoảng, vài người ghé vào quán cóc uống bia nhưng cũng chóng vánh rồi rút vào khu vực nhà máy. Thoáng nhìn, họ chẳng khác gì người Việt nếu không để ý gương mặt và giọng nói. Một chủ quán nhậu gần Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 cho biết lao động Trung Quốc thường ăn uống ở quán 68 vì chủ quán biết tiếng Trung.
Ông Ngô Dương, một người dân địa phương, phàn nàn: “Dù hầu hết người Trung Quốc đang làm việc tại nhà máy đều ăn ở bên trong nhưng nhiều nhóm 3-5 người vẫn thường ra ngoài ăn nhậu, sau đó gây gổ đánh nhau làm mất trật tự địa phương”. Chị Dung, chủ quán cơm gần nhà máy, cho biết một số nam công nhân Trung Quốc được “thả lỏng” thuê nhà trọ bên ngoài đã cặp bồ với thiếu nữ địa phương. “Không khéo khi nhà máy xây dựng xong, ở đây có cả làng Trung Quốc” - chị nói nửa đùa nửa thật.
Để tìm hiểu về tình hình lao động người Trung Quốc ở xã Vĩnh Tân, phóng viên Báo Người Lao Động đã liên hệ với công an địa phương nhưng bị từ chối cung cấp thông tin. Ông Trần Văn Dũng, Trưởng Công an xã Vĩnh Tân, cho rằng xã không được phép phát ngôn.
Đ.N.
Nguồn: http://nld.com.vn/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét