22/03/2014
“Minh bạch hóa” cái gọi là “Vụ Nhã Thuyên” – Thư cuối năm
(*) Theo thông tin mà Bauxite Việt Nam có được, thì Hội đồng chấm luận văn thạc sĩ của Đỗ Thị Thoan đã cho hạng xuất sắc (điểm 10), gồm các vị: PGS TS Nguyễn Văn Long, TS Chu Văn Sơn, TS Văn Giá, PGS TS Nguyễn Đăng Điệp, TS Nguyễn Phượng và PGS TS Nguyễn Thị Bình (người hướng dẫn). Còn “Hội đồng thẩm định” đã quyết định thu hồi luận văn và không công nhận học vị thạc sĩ của Đỗ Thị Thoan, gồm: Chủ tịch Hội đồng: PGS TS Đoàn Đức Phương, Chủ nhiệm khoa Văn học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội, thành viên Hội đồng Lý luận Phê bình Trung ương; Phản biện: GS Đặng Thanh Lê, chuyên gia về văn học trung đại; PGS TS Phan Trọng Thưởng, nguyên Viện trưởng Viện Văn học, thành viên Hội đồng Lý luận Phê bình Trung ương; PGS TS Lê Quang Hưng, Chủ nhiệm khoa Việt Nam học, Đại học Sư phạm Hà Nội; và PGS TS Nguyễn Duy Đức, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Tất cả thành viên của Hội đồng thẩm định chẳng ai có công trình gì đáng kể về Văn học đương đại. Hội đồng cũ không được đối thoại, trao đổi gì với “Hội đồng thẩm định”. (Chú thích của BVN)
Hanoi, 14.12.2013
THƯ CUỐI NĂM
Gửi những người bạn tôi
đây, đó, này, kia, ấy, nọ
Những ngày soi gương, bỗng nhiên hốt hoảng, tôi nhận thấy mình không thoát khỏi sự khắc nghiệt của ngày tháng và sự khắc nghiệt của chính tôi khi thử thách độ dẻo dai của cơ thể và tim óc mình: ngày ăn dần tôi từng chút một, tôi ăn dần tôi từng chút một. Tôi muốn viết một thư dài lời. Tôi muốn nói với bạn thật nhiều như một kẻ yếu đuối đòi được thở than.
Tôi muốn, theo đề nghị của bạn, “minh bạch hoá” cái gọi là “Vụ Nhã Thuyên”. Giờ đây, tôi cảm thấy nó như một giai thoại thê thảm, bi lẫn hài mà không ít nguy hiểm lẩn quất. Nó có thể cũng chỉ đủ dùng cho một cuộc nhậu suông nhân cách nơi vỉa hè… Nó thế nào, vì sao, kết luận của “họ” là gì, hình thức kỉ luật, hậu quả hữu hình và vô hình, những người trong cuộc khác ra sao, tôi phản ứng thế nào từ đầu tới cuối, tại sao tôi chỉ có một trả lời trên blog cá nhân “như thể viết văn”? Tôi đã, đang, sẽ ra sao? Bạn đừng giận khi tôi nói trời ơi, tôi là kẻ trong cuộc mà cũng là kẻ đứng ngoài, vừa bất an vừa mỏi mệt lơ đãng. Tôi không từ chối trả lời những câu hỏi cụ thể, nhưng cho phép tôi giữ sự bất tín của mình với những khái quát. Tôi không tin việc cố gạch vài đầu dòng rõ ràng về nguyên nhân, diễn biến, hậu quả có thể thoả mãn chút nào sự tò mò và mối quan tâm của bạn dành cho tôi, và nhất là có thể làm tôi thấy những câu trả lời đó là đáng tin. Làm sao tôi có thể minh bạch hoá một chuyện, trong vô vàn những câu chuyện về sự bất công thiếu minh bạch và những điều tồi tệ hơn thế, đã xảy ra ở đây từ quá khứ tới hiện tại mà rút cục, nó chỉ giúp tôi nhìn rõ hơn những hỗn loạn, những mù tối, những khuất lấp, những điều chán nản, mệt mỏi, những uể oải sống trong từng người cụ thể, trong từng nhóm người, sự xấu xí của các hệ thống cưỡng chế tồn tại cá nhân… Nhưng tôi sẽ gắng để bạn có một chút hình dung tôi đã làm gì từ đó, bởi hình như, đó là điều mà bạn đã băn khoăn nhiều hơn cả về tôi, đã lo lắng nhiều hơn cả cho tôi, và sự ân cần trìu mến lẫn trông đợi của bạn làm tôi muốn mở lời.
Tôi ngoài cuộc đấu đá, đâm chém, đổi chác. Tôi ngoài cuộc với chính tôi. Nếu tôi coi tôi là quan trọng, hẳn tôi sẽ ngồi săm soi từng bài viết tấn công tôi hoặc dùng tôi làm điểm tấn công, tôi sẽ huy động hết sức sự minh mẫn để phản bác, chất vấn một chiều, gạch đỏ bôi đen những từ ác độc, tố sự vu khống, đòi hỏi minh bạch, tôi sẽ chép lại trong sổ tay những kẻ ném đá và hả hê nhổ nước bọt lên mình; rồi sau đó, tôi cũng nên tận dụng cơ hội được biết đến, để góp tiếng nói phản biện về học thuật và văn chương, bày tỏ thái độ với báo chí hội đoàn trong nước, mong mọi người ủng hộ mình,… Tôi phải dành nhiều thời gian hơn nữa cho thất vọng, giận dữ, uất ức, tố cáo, kêu đòi. Tôi đã không đủ cuồng nộ để tham gia vào cuộc đấu tranh xã hội văn chương mà nhiều người đã khởi xướng. Tôi là kẻ trong cuộc, kẻ bị/được sử dụng. Tôi coi tôi, một cá nhân, là quan trọng. Khi không hồi đáp nhiệt tình những đòi hỏi lên tiếng của bạn, trước hết, tôi đòi hỏi tôi bình tĩnh và kiên nhẫn cho sự hiểu. Tôi chủ động tìm đến những người bạn có thể giúp tôi nhìn ra sự việc và lắng nghe lời khuyên, sự chia sẻ của họ. Tôi lắng nghe những tiếng nói phân tích, hướng dẫn, chất vấn, bảo vệ mình, ở trong hay ngoài nước. Tôi đón nhận những emails, điện thoại, tin nhắn, những chia sẻ từ những người bạn hay những người mà sau đó tôi may mắn được làm bạn… Tôi biết việc lắng nghe những tiếng nói đó là quan trọng, không phải chỉ bởi đó là những tiếng nói cho tôi hiểu về sự tồn tại của mình, mà còn bởi, nó bảo vệ niềm tin của tôi về một cộng đồng chia sẻ và phản biện. Câu chuyện một (vài) cá nhân luôn (cần) là một câu chuyện chung. Nếu không có sự cưu mang của cộng đồng những người tự tìm đến với nhau để chia sẻ tiếng nói nhiều phía ấy, có lẽ tôi đã ngã quỵ vì cái xấu, cái thảm bại. Tôi muốn gọi tên từng người bạn đã ở bên tôi, tôi muốn kể tên những người tôi chưa từng được dịp biết mặt, tôi muốn cảm ơn những người đã lên tiếng chỉ vì cảm giác của họ về “lẽ phải”, nhưng tôi biết sẽ là không đủ với một lời cảm ơn.
Thế rồi tôi đã, đang làm gì? Tôi biết bạn đã có lúc rất thất vọng.
Tôi, thoáng mỉa mai, tôi phải cảm ơn cuộc đời đã quyết định giùm tôi một số việc mà nếu để tự thân, tôi chưa hẳn dám bỏ đi thẳng băng sớm như thế: nó ném giùm tôi bằng đại học lẫn cao học để tôi khỏi phải sử dụng thêm, chặt đứt giùm tôi sự lưỡng lự và rút chân tôi ra khỏi một kết nối nhân duyên nặng nghĩa, nhiều xung đột và ít đam mê với công việc nghiên cứu. Tôi không còn mảy may bận tâm về các hội đoàn. Sự nồng nhiệt và thói hiếu động của tôi với đời sống văn chương tiếng Việt giảm đi nhưng tôi nghĩ điều đó không gây hại. Bây giờ, tôi không tưởng tượng thêm nữa về sự trung lập, độc lập của giáo dục, tôi không vẽ vời về sự thuần tuý của nghệ thuật. Rất nhiều điều lúc này lúc khác có vẻ cần thiết, tôi đã có thể đơn giản là bỏ qua chúng.
Tôi đã, đang, sẽ làm gì sau “tai hoạ”? Tôi có thể trả lời thành thật mà không xấu hổ: tôi hầu như chẳng làm gì. Tôi chưa cuống quýt tìm cách dùng mình vào việc gì đó. Tôi mất việc, và chẳng đi tìm việc. Tôi làm những thứ linh tinh vô hại. Tôi cắt giảm“đời sống xã hội” của mình. Tôi cũng không ngồi phòng tu kín mà viết lách hay đọc sách. Nếu tôi đã từng có tham vọng viết lách, giờ là lúc tôi muốn viết không tham vọng, nếu tôi đã từng thích thú ẩn dụ, giờ tôi sẽ viết những lời không ngụ ý, sẽ chụp những bức ảnh phi-ý niệm ghi lại những khoảnh khắc thoáng qua, sẽ làm những video thơ không nội dung không kết quả. Nếu tôi đã từng muốn đọc hết những tên tuổi, giờ tôi chỉ đọc bạn bè. Nếu tôi đã từng nghĩ mình muốn là một người viết “chuyên nghiệp”, giờ tôi kháng cự lại ý định đó. Tôi sẽ xuất bản mà không cần bận tâm về sự xuất hiện hay lượng người đọc. Tôi yêu những tình yêu không lề thói, không đòi hỏi, những tình bạn vô cầu. Tôi nuôi nấng vài ý tưởng riêng với vài bạn bè thân thiết về giáo dục và nghệ thuật. Tôi là cái gì đó, đang trở thành, đang chuyển hoá thành cái gì đó, và tôi không thấy mình cần phải thành một cái gì đó.
Tôi đã hầu như trần trụi, và sự trần trụi đó vẫn chưa đủ thành thực. Tận cùng của sự thành thực trong một cách sống thơ ca là gì?
Vài hôm trước, lần đầu tiên trong vô số các giấc mơ của tôi về người cha đã mất, ông (tôi nhắc tôi phải trở lại với cuộc đời ông, một con người bình thường đã đi trước và để lại cho tôi kinh nghiệm về sự bất công, đấu tranh và thất bại) xuất hiện tra khảo tôi về “vụ scandal”, lần đầu tiên trong mơ, tôi thấy ông thật xa lạ; và khi tỉnh dậy, thay vì buồn nhớ, tôi thấy mệt mỏi và trống rỗng. Ông hỏi: “Tại sao con không thực hiện điều công bằng với mình?” Tôi trả lời: “Làm thế nào con thực hiện điều công bằng khi con chưa thấy ý nghĩa của những việc đó?” Tôi đem giấc mơ kể với bạn, bạn tôi nói: “Ông ấy hích cậu.” Và bạn hỏi, sự công bằng với tôi là thế nào. Tôi trả lời bạn bằng một suy nghĩ dài, quyết định chọn lấy ba từ mà tôi cảm giác chúng giúp nắm bắt sáng rõ hơn ý tưởng của tôi, như một quả dọi cho quan niệm đạo đức cá nhân mà tôi lựa chọn có nó, nhưng không sống theo nó: thành thực (honesty), cảm thông (compassion), trân trọng (respect). Tôi gắng kiên nhẫn để cảm thông, hiểu và trân trọng những dạng ngôn ngữ khác nhau và thành thực trong những quyết định cá nhân. Còn lại, có lẽ tôi xa lạ với việc thực hiện lẽ công bằng theo lẽ phải quy ước nào đó.
Nhưng cả “lẽ công bằng cá nhân” này, tôi cũng không nhất định theo nó. Vì có thể, nó xung đột với tiếng nói bản năng của tôi, vì cơ thể tôi muốn nằm không nghĩ ngợi, muốn chìm đắm tự tại, muốn hoang dã, muốn kháng cự những đòi hỏi về trách nhiệm xã hội và lí tưởng công bằng, cơ thể tôi muốn đòi sự công bằng và tự do cho cảm giác của nó. Một lúc nào đó, có thể, tôi sẽ nghĩ lại và nghĩ khác. Lúc này, tôi chỉ còn muốn nghe được tiếng nhạc của cơ thể, của hơi thở mình. Tâm hồn tôi không ích kỉ một cách ích kỉ. Bây giờ, tôi nghĩ nhiều hơn về những điều tôi yêu, những điều tôi cần làm, những điều tôi có thể làm. Bây giờ, tôi chỉ thán phục những kẻ sống cho tình yêu. Bây giờ, tôi chỉ muốn dịch mọi ngôn ngữ sang ngôn ngữ của tình yêu. Tôi sẽ không còn đủ sức kháng cự nỗi tuyệt vọng trước cái xấu nếu cả tôi cũng bị đồng bộ hoá vào cỗ máy nặng nề của những thiết chế. Những giấc mơ của tôi sẽ bị nghiền nát. Và đó là điều tôi phải lựa chọn.
Tôi biết mọi sự vẫn mới (chỉ là) bắt đầu, thời gian coi ta là hạt bụi, thời gian sẽ chẳng đưa câu trả lời nào, nếu tôi không làm gì nữa cả. Thật may, tôi đủ kiêu ngạo để những lời độc địa không làm mình tủi giận, đủ khiêm nhường để không phàn nàn cuộc đời và đổ riệt cho “số phận”, đủ dẻo dai để không đay đả chuyện cũ, tôi yêu thương và không đóng cửa trái tim để nhận ra những tiếng nói yêu thương. Những lúc rệu rã, những lúc tôi thấy mình vô dụng nhất, tôi lại thấy những tên người, những khoảnh khắc ấm áp say mê của tình bạn, những ngây ngất của tình yêu, những cuộc trò chuyện, những gặp gỡ, những trái tim lạ lùng, những kẻ mở đường, những cuốn sách cũ, những người chết, những người đang sống… Nếu có lúc tôi từ chối lời ân cần, không thấy sự trông đợi của bạn, không nhìn ra gương mặt tình yêu, không cảm nhận được cơ thể tôi… thì bây giờ, tôi đang, lặng lẽ, nghe lại, cảm lại, hiểu lại, đang yêu, đang yêu lại, đang học cách yêu và làm đầy hành trình của mình, một lần nữa, một lần nữa, một lần nữa,….Tôi vừa trôi vừa nhìn tôi trôi. Tôi nhắc mình phải tin vào ngôn ngữ, thơ ca, tình yêu, tình bạn, kí ức, sự tồn tại của ý nghĩa, cái có thực của niềm vui, của say mê, tôi phải tin vào những giấc mơ và tiếng gọi của người chết. Tôi phải ôm mang cộng đồng của mình, cái cộng đồng nào đó tôi vẽ ra bằng tim óc, nhưng có hình hài trong những gặp gỡ may rủi. Và tôi muốn tiếp tục sống không hiệu quả, không năng suất, lười nhác, sống mỗi lúc một trần trụi, hân hưởng niềm vui, bảo vệ trái tim dễ tổn thương, giữ gìn sự im lặng và nuôi dưỡng nỗi cô độc, hào phóng tiêu thời gian vào những điều không lề luật, tôi muốn mở tim và buông tay, tôi muốn sống một cuộc đời yếu đuối, vô quyền lực, nhưng hướng về tự do, cái đẹp, và yêu thương. Tôi vẫn chưa cạn. Tôi chỉ để dành sự trống rỗng cho những thứ mới mẻ tràn vào.
Tôi không nói những lời này để kết thúc một sự việc, chỉ là để khép lại một đoạn đường. Và dù tôi đã làm bạn thất vọng lẫn lo âu, tôi chỉ muốn nói cảm ơn, cảm ơn, cảm ơn, cảm ơn, cảm ơn, cảm ơn, cảm ơn… Cảm ơn vì đã gặp, đã biết, đã nghe, đã va chạm, đã hiểu, đã yêu nhau, dù chỉ trong những khoảnh khắc.
Lúc này, tôi chỉ muốn nói yêu.
Nhã Thuyên
Nguồn: junglepoetry.wordpress.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét