Bài đăng phổ biến

Thứ Tư, 18 tháng 6, 2014

CHUYỆN XƯA NAY MỚI NÓI

CHUYỆN XƯA - NAY MỚI NÓI : Hội nghị lý luận phê bình VĂN HỌC – Kỳ 5

                    TP Hồ Chí Minh 9-2007

                  Đảng ơi, xin cứu chúng tôi
                                                                                    

Phải nói ngay rằng ngày xưa, thời bao cấp, các nhà phê bình văn học nằm trong lực lượng chiến sĩ cảnh vệ trên mặt trận văn hoá văn nghệ của Đảng nên “quyền” lớn  và “lợi” cũng lớn lắm.
Ngày đó làm công tác “ nghiên cứu lý luận phê bình” dễ dàng và thuận lợi biết chừng nào. Cứ đón gió, lắng nghe ý kiến các anh Năm ( tức Trường Chinh), anh Lành ( tức Tố Hữu)…rồi thì cứ mang tính đảng, tính giai cấp , tính nhân dân ra mà “giã” thì thằng nào cũng chết.
Còn nhớ vào cái thời huy hoàng rực rỡ đó, cứ mỗi lần đồng chí Sóng Hồng( tức Trường Chinh),đồng chí Lê Đức Thọ, đồng chí Xuân Thuỷ, đồng chí Tố Hữu ra tập thơ là mấy nhà “phê bình văn học” cấp quốc gia như Hoài Thanh, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Vũ Đức Phúc, Phan Cự Đệ, Hà Minh Đức…lại tranh nhau “thổi” lên mây xanh. Rồi đối với  dân sáng tác, chẳng may anh nào bị cấp trên chê một câu là các nhà phê bình xúm vào đánh đòn hội chợ , thật chẳng khác gì quạ ngửi thấy mùi xác chết. Trên bảo đánh một, các phê bình gia của đảng thừa thế xông lên đánh gấp hai ba khiến các nhà văn, nhà thơ “phạm huý” coi như cầm chắc gác bút đi cầm cuốc dăm bảy năm.
Điển hình là vụ Nhân văn- Giai Phẩm – thật đúng là một bữa tiệc vĩ đại cho các con kên kên “phê bình lý luận”. Lục lại hồ sơ vụ này, người ta thấy ngoài những cây bút phê bình “gạo cội” của Nhà nước, còn có các văn thi sĩ  tầm cỡ quốc gia như Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Khải, Nguyễn Đình Thi, Chế Lan Viên… cũng nhảy vào “đánh hôi” để lấy điểm với Đảng.
Sau Nhân văn Giai Phẩm tới vụ “Phá Vây” của Phù Thăng, “Đống rác cũ” của Nguyễn Công Hoan, “ Vào đời” của Hà Minh Tuân, “Sắp cưới” của Vũ Bão, “ Đêm đợi tàu” của Nguyễn Đỗ Phú, “ Vòng trắng” của Phạm Tiến Duật, “ Cây táo ông Lành” của Hoàng Cát…
Ngày nay nhìn lại “sự nghiệp” của các nhà phê bình lý luận “gạo cội” như  Như Phong, Vũ Đức Phúc, Phan Cự Đệ, Hà Minh Đức, Trần Trọng Đăng Đàn…. người ta đều thấy có xương máu các nhà văn nhà thơ bị họ xẻ ra làm thịt dâng đảng thời đó.
Sang thời kinh tế thị trường, văn học ngày càng nhạt mùi tính đảng, tính giai cấp, càng mất dần vai trò “vũ khí trên mặt trận văn hoá và tư tưởng của đảng”, ngày càng biến tướng  trở thành một loại hình giải trí tào lao, vô thưởng vô phạt, bớt nguy hiểm cho đảng và bởi vậy việc canh gác, kiểm soát cũng không còn gắt gao như trước , khi “thỏ bị giết thì chó săn cũng bị diệt” – các nhà lý luận  phê bình mác xít tuy không bị tuyệt diệt nhưng có sự phân hoá dữ dội.
 Một số lớn thức thời, đa số là những người trẻ, chạy sang “phò” các ông chủ mới : các ông đầu nậu sách hay sang trọng hơn gọi theo cách “thời thượng ” : các nhà đầu tư. Vậy là xuất hiện hàng loạt các nhà phê bình trẻ xây dựng nên hẳn một “công nghệ lăng xê” mỗi khi mấy ông đầu nậu xuất bản ra sách mới. Những năm qua, người ta được  chứng kiến không ít các “hiện tượngvăn học”, các tập thơ, các tập truyện ngắn, tiểu thuyết được kéo lên chót vót để rồi sau khi sách được  bán hết , tác phẩm cũng rơi vào quên lãng.
Tuy nhiên không phải nhà phê bình, lý luận nào cũng “phò” các ông đầu nậu, phần lớn các bác già, các bác “phê bình lý luận gạo cội” vẫn kiên trì ‘chủ nghĩa Mác Lênin”, vẫn cần mẫn làm người lính gác cho Đảng trên mặt trận văn học, vẫn lớn tiếng hô hào bảo vệ truyền thống cách mạng, giữ vững phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa trong sáng tác văn học.
Tiếc thay, thời thế đã đổi thay, sự đối đầu giữa tư tưởng  của đảng và tư tưởng phản kháng không còn diễn ra trên mặt trận văn học nghệ thuật nữa mà chuyển sang trực diện trên các diễn đàn mạng lưới thông tin toàn cầu qua các bài viết trực tiếp bằng luận lý chứ chẳng cần nhờ tới thứ văn chương “bóng gió xỏ xiên” như thời bao cấp nữa.
 Sang thời đại IT, vai trò “gác chợ” của các “phê bình gia” quốc doanh ngày càng trở nên kém quan trọng, do vậy “quyền” càng ngày càng nhỏ đi, “lợi” mỗi ngày cũng đội nón ra đi khiến cho các cây bút lão thành ngày càng chán nản, càng cảm thán thân phận “múi chanh đã vắt hết nước”, “chim chết cung cũng xếp xó”. 
Mới đây ngày 22 tháng 9 – 2007, hơn 30  nhà phê bình lý luận “lão thành” đã họp nhau lại tại trụ sở Hội nhà văn TP Hồ Chí Minh để đồng loạt phát đi tín hiệu “kêu cứu” với đảng :” chúng tôi đang…sống trong sợ hãi”.
Ong nhà văn Lê văn Thảo, Chủ tịch Hội nhà văn TP HCM thẳng thắn  mào đầu:

“ Suốt mấy năm qua, cả công chúng và giới cầm bút đều e ngại cho sự buồn tẻ của các nhà lý luận phê bình trong đời sống văn học. Sự thật này không thể quay mặt đi và không thể im lặng mãi. Đời sống lý luận phê bình văn học hiện nay, các cây bút chuyên nghiệp rất ít xuất hiện, còn các cây bút nghiệp dư thì nhan nhản. “

Một cây bút nổi tiếng sát phạt đồng nghiệp, giáo sư Mai Quốc Liên nổ phát súng đầu tiên :

 "Hơn 30 năm qua, người đọc thay đổi quá nhiều, văn hoá tiếp nhận đã khác. Vậy mà, không ít nhà phê bình mang tư duy "bất biến", không chịu "ứng vạn biến" nên cách viết cũ, không đủ sức thuyết phục độc giả khó tính".

Ong Giáo sư than rằng công tác phê bình lý luận tại thành phố mang tên bác  Hồ cực kỳ yếu kém và kêu gọi các nhà phê bình “quốc doanh” hãy tử vì đạo :

” Giới lý luận phê bình phải quyết liệt hơn nữa, phải luôn giữ tâm niệm: "Sáng nghe được đạo lý thì chiều chết cũng cam lòng".

Giáo sư  lão thành , Trần Thanh Đạm dẫu ở tuổi 75 cũng vẫn rất hăng hái thở than và đòi quyền phát ngôn :

Chúng ta cứ ủng hộ nhau bằng miệng như anh Mai Quốc Liên dù rất hùng hồn, cũng chưa đủ đâu. Xin hỏi, bây giờ một bài phê bình tử tế thì in ở đâu? Tình hình văn học có nhiều điều rất tiêu cực, mà tôi cảm thấy cô độc lắm. Tôi không dám so với Lỗ Tấn, nhưng vài năm nay tôi có cái buồn "người biết chữ thường hay lo nghĩ" giống ông ấy. Nhìn đi nhìn lại, đội ngũ lý luận phê bình vẫn còn đây, nhưng không có diễn đàn, nên đành im lặng ôm lòng ngồi đấy thôi".

Giáo sư Đạm ngậm ngùi:

"Tôi e rằng, người nào đó trực ngôn nhận xét về cuộc gặp gỡ này, chỉ cần một câu "toàn mấy ông già nói với nhau" thì tan nát cả cái hội thảo”.

Ong nhà báo lão thành Đinh Phong, nguyên Chủ tịch Hội nhà báo TP HCM , về hưu mấy năm nay rồi mới “xót xa nhận thiếu sót” :

"Nhiều năm làm Chủ tịch Hội nhà báo TP HCM kiêm Phó Chủ tịch Hội nhà báo VN, tôi thấy xấu hổ vì báo chí vinh danh nhiều tác phẩm văn học không có giá trị gì. Hơn nữa, tôi đề nghị Hội nhà văn phải tổ chức những hội thảo lý luận phê bình thường xuyên để có những đánh giá kịp thời về đời sống văn học, chứ không thể xuân thu nhị kỳ mới gặp nhau để than thở".

Nhà văn “lão thành mácxít lêninít” Đoàn Minh Tuấn thì bày tỏ bức xúc về hiện tượng các nhà văn trẻ viết quá sexy :

"Tôi qua Ấn Độ, ở ngay quảng trường New Dehli có bức tượng diễn tả một người đàn bà thoảmãn cho bốn người đàn ông, nhưng nó thanh cao lắm, biểu cảm lắm, nhân văn lắm. Còn thứ văn chương viết về sex ở Việt Nam không ra gì cả, nhầy nhụa và bẩn thỉu".

Bà nữ văn sĩ Nguyễn Thuý Ai  thì ví von :

 "Làm lý luận phê bình bây giờ giống như giữ rừng, nhiều lâm tặc mà ít cán bộ kiểm lâm. Đau đớn hơn là cán bộ kiểm lâm không có phương tiện gì trong tay. …”

Và kết thúc cuộc “than vãn” của các ông bà già kéo dài trong suốt 4 giờ đồng hồ, bà nhà văn này phát đi một lời kêu cứu :

“Những nhà lý luận phê bình thực sự đang sống trong sợ hãi".

Liệu các đồng chí Tô Như Rứa, Trưởng ban tư tưởng văn hoá , đồng chí Phan Xuân Biên , Trưởng ban văn hoá tư tưởng thành uỷ TP HCM có nghe thấy những lời kêu cứu thống thiết này không ?
Chắc chắn là có nghe đấy, nhưng tiếc thay thời thế đã thay đổi, đảng chẳng cần tới “mấy ông bà già” cứ lặp đi lặp lại “sáu câu ba điều” tính đảng, tính giai cấp chung chung như ngày xưa nữa. Bởi vậy các cụ có kêu rên tới tận đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đi chăng nữa thì cũng thế mà thôi.
Vì rằng thưa các cụ : “ For such is life” mà…

                            


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét