CHUYỆN XƯA NAY MỚI NÓI - KỲ 11 : Hội nhà văn của nước ta – kỳ 2….
ĐẠI HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM 7 ( 23/25-4-05) :
( tiếp theo)
Chính “bóng tối” hiện đang bao phủ trên rất nhiều lĩnh vực trong nền kinh tế quốc dân đã che đậy tội lỗi cho những tên cán bộ tham nhũng và sa đoạ của Đảng và Nhà nước, giúp chúng lọt lưới trừng phạt của pháp luật và được hưởng đặc ân “xử lý nội bộ” vốn là một thủ đoạn ngạo mạn, ngồi xổm lên luật pháp.
Minh bạch hoá từ việc nhỏ như tài sản của cán bộ cho tới việc lớn như chi tiêu ngân sách Nhà nước là bước khởi đầu đi tới một xã hội dân sự .
Nhà văn Hoàng Quốc Hải đòi “minh bạch” ngay trong kiểm duyệt tác phẩm :
“ Chúng ta đang sống trong một xã hội công dân , đòi hỏi mọi sự phải giải quyết minh bạch. Vì vậy những tác phẩm bị kiểm duyệt toàn bộ hoặc kiểm duyệt một phần cần được công bố công khai . Và nói rõ tác giả đã vi phạm những điều nào , điều nào theo luật định. Nếu tác giả không chấp thuận, họ có quyền khiếu nại việc đó ra toà dân sự…”
Từ xưa tới nay, việc “chôn” một cuốn sách chỉ được thực hiện qua một cú phôn của một sếp lớn Ban tuyên huấn hoặc Cục an ninh văn hoá hoặc ở mãi trên thượng đẳng thiên tào Bộ chính trị của Đảng. Toàn bộ tác phẩm của Vũ Trọng Phụng bị cấm trong liền ba bốn thập kỷ là do lệnh miệng của ông Hoàng văn Hoan, Uỷ viên Bộ chính trị do nghe mấy anh quân sư quạt mo tán rằng Vũ Trọng Phụng nói xấu bố ông ta vốn là…ký ga.
Từ những tác phẩm “Vào đời” của Hà Minh Tuân, “Đống rác cũ “ của Nguyễn Công Hoan , “Sắp cưới” của Vũ Bão….đến “ Người con của đất” của Đỗ Văn Bàn, thơ “Chân dung” của Xuân Sách, “ Chuyện kể năm 2000” của Bùi Ngọc Tấn…tất cả đều bị chôn trong kho làm mồi cho mối hoặc xay thành bột giấy đều không do một quyết định thành văn nào hết, tất cả đều thực hiện trong “bóng tối” bằng những “ý kiến anh này”,” ý kiến anh kia” mà tuyệt nhiên chẳng “anh”nào chường mặt ra nhận lấy trách nhiệm chôn sách, xay sách.
Phép nước, luật đảng từ xưa tới nay và cả mai sau đã định như thế rồi, bởi vậy đề nghị của ông Hoàng Quốc Hải ngay tại diễn đàn công khai của Hội nhà văn khác nào một phạm thượng láo xược làm sao mà lọt được vào tai của đảng ? Tuy nhiên, ông cũng phải ngậm ngùi thừa nhận rằng muốn có tác phẩm đỉnh cao nhà văn phải “có tài năng lớn”,”trí tuệ siêu việt”,” nhân cách cao thượng”…những cái đó các nhà văn đều có cả, chỉ tiếc Thượng đế ban cho họ hơi bị…ít.
Một tham luận khác gây sôi nổi ở hội trường là của nhà thơ Trần Mạnh Hảo. Lâu nay ông này mang tiếng là “đầu gấu”, “gác chợ”, “cảnh sát văn nghệ của Đảng “ giờ bỗng dưng lại giở giọng “cấu Đảng” là sao ?
Nguyên là ông Tổng thư ký Hữu Thỉnh trong lúc làm công tác chuẩn bị đại hội nảy ra ý định có một tham luận có chút chút “đổi mới” cho có khí thế, kiểu như cắt thêm mấy lát ớt vào bát phở cho cay cay, ngon miệng, bèn điện vào Sàigòn nhờ cậy Trần Mạnh Hảo vốn là anh nói xuôi cũng được mà nói ngược cũng OK.
Nào ngờ bấy lâu nay bị thiên hạ chửi là “đồ trở cờ, quân bảo thủ” đến rát cả mặt, Trần Mạnh Hảo muốn lợi dụng dịp này tỏ cho thiên hạ thấy ta đây cũng “phản kháng” lắm đây, chứ chẳng như mấy thằng thối mồm kia đâu. Thế là nhảy lên diễn đàn đại hội, Trần Mạnh Hảo diễn vai “đối lập”. Anh ca ngợi vua Tự Đức ngày xưa “ không vì một câu thơ khi quân trong truyện Kiều mà ra lệnh đốt hết sách Nguyễn Du” và mượn xưa nói nay, Trần Mạnh Hảo thống thiết :
“ Oi, giá mà thời nay có được vài ông vua như Tự Đức thì mấy cuốn sách hiền như bụt kiểu “ Thượng đế thì cười” của Nguyễn Khải, “ Chuyện kể năm 2000” của Bùi Ngọc Tấn, “Đi tìm nhân vật” của Tạ Duy Anh…dù lục lọi mỏi tay, tìm bới mỏi mắt cũng chẳng thấy câu văn khi quân nào , đã không phải ném vào máy nghiền để thành bột giấy….”
So sánh vậy khác nào Trần Mạnh Hảo ca cẩm đảng ngày nay còn tàn ác hơn cả vua chúa phong kiến ngày xưa. Tiếp đó anh cho rằng “thi sĩ chính là Thượng đế là ông chủ của vũ trụ thi hứng, phải ứng xử như đấng toàn năng với nguyên tắc bất di bất dịch “ Dọc ngang nào biết trên đầu có ai…”…tuyệt nhiên không được phép để một ám ảnh sợ hãi nào quấy nhiễu mình “
Ay thế mà anh nhà văn lại :
“còn phải day dứt viết thế này, viết thế nọ mới được duyệt in; rằng đang có bao nhiêu đôi mắt soi mói vô hình kiểm duyệt anh từ xa ví như viết xong một câu văn là cứ phải mắc bệnh tương tư , nhớ đến anh Khổng Minh Dụ ( Cục trưởng Cục an ninh văn hoá), anh Đỗ Kim Cuông ( Vụ trưởng Vụ văn nghệ), anh Trinh Đình Khôi, anh Nguyễn Đình Nhã, anh Vũ Duy Thông , nhớ mấy anh canh cửa phê bình, nhớ anh giám đốc duyệt bài, anh biên tập viên cầm hai tay hai cái kéo , nhớ anh duyệt lưu chiểu hồi này với máy dò câu chữ nghe đồn còn kỹ hơn máy dò hành lý hải quan, thì than ôi, bằng ấy cơ chế kiểm duyệt đè nặng lên tâm lý sáng tạo của anh, nên vừa viết vừa run như thế, nghĩa là anh vừa viết vừa tự thiến đứa con tinh thần của mình, cho nên khi ra đời nó không được có cơ hội cuồng lên vì phát dục , xoá hết bản năng sinh tồn bùng sôi của nó đi , đẽo gọt chân nó sao cho vừa với đôi giày “chính trị” đi, thì nhà văn ơi, tự do sáng tác ơi, ta chào mi…”
Càng nghe Trần Mạnh Hảo tham luận, người ta càng ngạc nhiên như thấy lại một Trần Mạnh Hảo “ly thân” với Đảng ngày trước :
“Quá nhiều cơ quan và nhiều cá nhân quyết định sự sống còn của ngòi bút theo kiểu nhiều cha con khó lấy chồng. Quá nhiều người gác cửa , có thể bất cứ lúc nào vui thì cho anh qua, buồn thì giữ anh lại khám xét , lục vấn, xử lý cấm cản tuỳ tiện vô nguyên tắc như từng thô bạo xử lý bao nhiêu nhà văn, bao nhiêu tác phẩm chết oan vì vừa ra đời đã bị bóp mũi…”
Kết tội thẳng thừng chế độ kiểm duyệt của Đảng và Nhà nước đến như Trần Mạnh Hảo thì xưa nay chưa nhà văn nào làm được ngay trên diễn đàn đại hội chính thức của nhà văn Việt nam :
“ Với cơ chế luật pháp lằng nhằng , cấm thì bảo cấm, thu hồi thì bảo thu hồi, kiểm duyệt thì bảo kiểm duyệt y như thời Tây đi một nhẽ thì nhà văn sẽ mừng vô cùng. Nhưng đảng ta bảo chế độ ta tự do báo chí, tự do sáng tác không kiểm duyệt mà khi thực hiện thì than ôi, ai có qua cầu mới biết, gò bó cấm cản muôn phương…”
Vậy là về tự do báo chí, tự do sáng tác, đảng chỉ nói mồm, còn trong thực tế…”gò bó cấm cản muôn phương” - câu này nếu được trích dẫn trong báo cáo nhân quyền hàng năm của Bộ ngoại giao Hoa Kỳ thì còn lâu Việt Nam mới được đưa ra khỏi danh sách các nước cần quan tâm đặc biệt.
Đã chê Đảng “cấm cản” báo chí và sáng tác, Trần Mạnh Hảo lại khen khéo thời Tây ngày xưa :
“Thời Tây, nước ta mất, dân ta nhục, Tây nó bảo tao không cho mày tự do sáng tác, tự do báo chí , tao kiểm duyệt rõ ràng đây này ; luật nó khiếp hãi , gian ác là vậy mà dân ta xin nó ra báo tư, xuất bản tư thằng tây nó cho liền, anh này ra báo tư, anh kia ra xuất bản tư, mừng quá. Thời mặt trận Bình dân nó còn cho cả báo chí , xuất bản của đảng cộng sản ra công khai, mới có hàng loạt tiểu thuyết lớn xuất hiện , tố cáo chính chế độ gian ác , phản tự do, phản dân chủ của nó…”
Và Trần Mạnh Hảo giở giọng khích bác :
“ Mà thằng Tây gian ác cũng lạ, sách ra, có nhẽ nó cóc đọc được tiếng Việt nên nó cóc có cấm, cóc có Ban tư tưởng, cóc có A25. cóc có hàng chục cơ quan, hàng trăm người có thể thò tay thò chân vào nắn nắn từng con chữ như chế độ độc lập tự do bây giờ. Trong thời Tây nô lệ muôn vàn, gian ác muôn vàn, không hiểu các bố nhà văn ta hồi ấy lấy tự do sáng tác ở đâu ra mà sinh bao kiệt tác :” Số đỏ, Chí Phèo, Tắt đèn, Kép Tư Bền, Bỉ vỏ, Vang bóng một thời, “thơ mới 1932-1945”…truyền tới hôm nay….”
Đến đây, người ta thấy Trần Mạnh Hảo không còn chỉ cắt vài lát ớt mà đã đổ nguyên cả lọ tương ớt vào “ bát phở” của Đại hội nhà văn lần thứ 7.
(còn nữa)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét