Bài đăng phổ biến

Thứ Sáu, 11 tháng 7, 2014

GS TƯƠNG LAI

11/07/2014

Nước xa & lửa gần (*)

Tương Lai
Nước xa không cứu được lửa gần. Đó là nỗi ám ảnh nặng nề trong tâm lý ‎của không ít người, nhất là những người yếu bóng vía. Câu này là của Hàn Phi, một mưu sĩ Trung Quốc thời nhà Tần thế kỷ thứ ba trước công nguyên, triều đại từng sai Đồ Thư đem 50 vạn quân sang xâm lược nhà nước Văn Lang vào buổi đầu thời kỳ các Vua Hùng dựng nước. “Lửa gần” đã từng thiêu cháy bao sinh linh, làng mạc, thành quách, chùa chiền, miếu mạo của nước láng giềng sát nách ngay từ thuở dựng nước cho đến những thập kỷ đầu của thế kỷ XXI!
Số phận trớ trêu đã đặt bán đảo hình chữ S đứng nhìn ra Biển Đông này cạnh đế chế Trung Hoa suốt mấy ngàn năm chưa bao giờ nguôi tham vọng khuất phục Việt Nam. Vị thế địa chính trị oái oăm khiến bao thế hệ người Việt thấm thía mối lo giữ nước trước nanh vuốt của kẻ xâm lược khổng lồ.
Thế rồi khi nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa thành lập, với một ảo tưởng lớn là vì chung một ý thức hệ, sẽ mở đầu một kỷ nguyên mới. Đó là kỷ nguyên của tình hữu nghị vừa là đồng chí vừa là anh em! Chính cái gọi là “cùng chung ý thức hệ” ấy là liều độc dược đầu độc bao thế hệ người Việt cả tin và lú lẫn! Thậm chí, khi “người cùng chung ý thức hệ” ấy đã tự phơi bày dã tâm xâm lược hết sức tàn bạo với cuộc chiến tranh biên giới phía Tây Nam, rồi chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979, thì để bảo vệ cái gọi là “ý thức hệ xã hội chủ nghĩa”, một bộ phận những người cầm quyền Việt Nam đã tìm chỗ dựa vào chính kẻ thù của đất nước mình. Hội nghị Thành Đô năm 1990 là một ví dụ đau đớn, bước dấn sâu vào con đường đưa đất nước ngày càng phụ thuộc vào Trung Quốc với ảo tưởng nhằm giữ được “chủ nghĩa xã hội” đang trên đà tan rã và sụp đổ không gì cứu vãn được. Cần nhắc lại câu nói toát lên nỗi đau tận cùng của Nguyễn Cơ Thạch, vị Bộ trưởng Ngoại giao có bản lĩnh và trí tuệ bậc nhất trong ngành ngoại giao Việt khi biết tin về việc ký kết Thành Đô nhục nhã: “Một thời Bắc thuộc lần thứ hai bắt đầu!”.
Lẽ nào kể từ ngày ấy, đã 24 năm trôi qua của thời Bắc thuộc lần thứ hai để rồi ngày càng tệ hại hơn dưới triều Đặng Tiểu Bình, Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào, Tập Cận Bình?
Những người ký mật ước Thành Đô‎ đã quên mất sự cảnh báo của Hồ Chí Minh khi trả lời câu hỏi của nhà báo Pháp Danielle Hunebel, Cơ quan Phát thanh-Truyền hình Quốc gia Pháp ORTF ngày 5-6-1964: “Có một vài ý kiến cho rằng miền Bắc Việt Nam đang ở trong hoàn cảnh khá cô lập và nói một cách chính trị, khó có thể tránh khỏi trở thành một thứ vệ tinh của Trung Quốc. Có thể nói gì về việc này?”, Hồ Chí Minh đã không một giây do dự, dằn giọng trả lời: “Không bao giờ”!

Không một giây do dự, vì Hồ Chí Minh vốn thấm thía lời nguyền lịch sử từng khắc sâu vào tâm thế của dân tộc thường trực cảnh giác chống lại nguy cơ đồng hóa của chủ nghĩa bành trướng đại Hán vốn cũng thường trực trong não trạng các thế lực cầm quyền Trung Quốc. Một lần trả lời đài RFA cách đây 3 năm, ngày 29.8.2011 người viết bài này đã nhắc lại hình ảnh con voi cụt đầu ở vùng đồi trung du miền Bắc trong truyền thuyết về 100 ngọn đồi, 99 còn nguyên vẹn, một bị sạt lở mất đỉnh, đấy là hình ảnh con voi bị chém vì đã lìa đàn quay đầu về phương Bắc. Lịch sử Việt Nam dày đặc những trang chống ngoại xâm. Các thế hệ Việt Nam đã tạc vào hình thể núi sông những chứng tích trường tồn cùng năm tháng để răn dạy con cháu bài học cảnh giác mà truyền thuyết nói trên chỉ là một ví dụ. Hòn Vọng phu là một ví dụ khác.
Chiến tranh chống ngoại xâm diễn ra triền miên, hình ảnh người vợ đứng ngóng chờ chồng trở về từ chiến trường đã hóa đá là một biểu tượng bi tráng của dân tộc này. Mà chiến tranh, thì ngoài những cuộc tranh bá đồ vương khiến người dân buộc phải làm đá lát đường cho những cỗ xe quyền lực lăn bánh, phần lớn là chiến tranh chống xâm lược đến từ phương Bắc của các vương triều Trung Hoa từ Tần, Hán, Tùy Đường... Tống, Nguyên, Minh, Thanh, đến Mao, Đặng và hậu duệ của chúng hôm nay là Tập Cận Bình.
Trước họa xâm lăng, bao giờ cũng nảy sinh câu hỏi “hòa hay chiến” phân hóa hàng ngũ lớp cầm quyền. Vị lợi ích riêng tư nhỏ hẹp, không quá hiếm những kẻ hèn nhát và rồi trở thành phản bội tổ quốc, muôn đời bị nhân dân nguyền rủa. Thế nhưng, nhìn lại lịch sử, sự hèn nhát, nhu nhược tự trói mình trước âm mưu, thủ đoạn và những hành động trắng trợn của kẻ thù chưa bao giờ lại tai quái, oái oăm, kéo dài trong một phần tư thế kỷ, từ thế kỷ XX bước sang thế kỷ XXI như hiện nay. Có chuyện đó vì người ta đã đặt vấn đề “‎ ‎‎ý thức hệ” lên trên Tổ quốc nên đã coi kẻ xâm lược là bạn chỉ vì cùng chung ý thức hệ.
Cũng vì thế người ta đã làm biến thái nội hàm của khái niệm “nước xa” trong câu tục ngữ “nước xa không cứu được lửa gần” càng xa hơn nữa khi bị khúc xạ qua lăng kính méo mó của sự “kiên định giữ vững lập trường”. Bộ máy toàn trị áp đặt chế độ “chuyên chính vô sản” lên guồng máy vận hành xã hội, bằng mọi phương tiện của truyền thông đại chúng, của văn hóa giáo dục, trong chừng mực nào đó, quả thực đã thành công trong việc ru ngủ, đầu độc não trạng của một bộ phận không ít dân chúng mơ hồ về “nước” và “lửa”, về bạn và thù.
Tự ru ngủ vì ảo tưởng về chuyện “bốn phương vô sản đều là anh em” vì cùng chung một ýthức hệ, cũng còn vì “sự kiêu ngạo cộng sản” đã khiến cho những người lãnh đạo của một thời quên mất truyền thống ứng xử của ông cha, đã không có được bản lĩnh như người Nhật, biết nuốt nỗi đau Hiroshima và Nagasaki vào lòng để tranh thủ thực lực của một quốc gia duy nhất vào buổi ấy có đủ điều kiện kinh tế và nhất là khoa học và công nghệ giúp một nước Nhật kiệt quệ có thể đứng dậy và chấn hưng.
Lòng hận thù pha trộn với sự trung thành và “lập trường kiên định” về ý thức hệ xã hội chủ nghĩa đã tiếp tục củng cố trong tư tưởng, tình cảm của không ít người sự kỳ thị và định kiến với những giá trị của dân chủ, tự do và quyền con người gắn liền với trình độ kinh tế của nền kinh tế thị trường lành mạnh, nhất là khoa học và công nghệ mà các nước công nghiệp phát triển ở Phương Tây, trong đó có nước Mỹ là đại diện. Người ta đã quên mất rằng, những giá trị đó là thành tựu của nền văn minh mà nhân loại đạt được, và đây cũng là nỗi sợ hãi lớn nhất mà Trung Quốc sợ Việt Nam sẽ đi trước họ, vứt bỏ chế độ toàn trị phản dân chủ, hội nhập vào quỹ đạo phát triển của thế giới văn minh. Vì vậy, Trung Quốc đang tìm mọi cách ngăn chặn tiến trình hội nhập ấy, ra sức gây áp lực không cho Việt Nam tìm đồng minh mới nhằm thoát khỏi sự kìm kẹp của chúng.
Trong bối cảnh hiện nay càng hiểu sâu sắc hơn rằng, hoàn toàn không là ngẫu nhiên khi mở đầu cho Tuyên Ngôn Độc lập 2.9.1945, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã long trọng nhắc đến “lời bất hủ” trong Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ, và tiếp đó là Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp 1791. Ngay khi mới thành lập, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã công khai tuyên bố sự lựa chọn những giá trị cao cả của dân chủ, tự do, những thành tựu văn minh mà loài người đạt được. Cần nhắc lại rằng người Mỹ đã từng là lực lượng nước ngoài duy nhất sát cánh cùng với Hồ Chí Minh trong cuộc chiến tranh chống phát xít ở Đông Dương. Vào lúc sục sôi chuẩn bị tổng khởi nghĩa tháng 8.1945, ngày 2/11/1944, trung úy R. Shaw được cứu thoát ở vùng núi Cao Bằng, theo chỉ thị của Hồ Chí Minh, ông ta được đưa trở lại Côn Minh. Tiếp theo đó, những người Mỹ trong nhóm OSS (Cục Công tác Chiến lược) đã tổ chức huấn luyện và thành lập đơn vị bộ đội Việt-Mỹ. Mc Govern, ứng viên tranh cử Tổng thống với Nixon năm 1972 từng cho biết: “Trong thời Thế chiến hai, tôi là một phi công ném bom của không quân Mỹ ở vùng Đông Nam Á, tôi được biết rằng Hồ Chí Minh là đồng minh đang tổ chức việc cứu phi công Mỹ nếu bị phát xít Nhật bắn rơi ở Đông Dương”.
Trong bức thư gửi Tổng thống Hoa Kỳ Harry Truman ngày 16/2/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói rõ: “Mục tiêu của chúng tôi là độc lập hoàn toàn và hợp tác toàn diện với Mỹ. Chúng tôi sẽ làm hết sức mình để làm cho nền độc lập và sự hợp tác này trở nên có lợi cho toàn thế giới”. Đáng tiếc là cơ hội đã bị bỏ lỡ.
Cho dù vậy, cũng phải nói thêm rằng, người Việt Nam đã quá hiểu về chuyện các nước lớn vì lợi ích của họ đã từng đi đêm với nhau, bắt tay nhau nhằm biến Việt Nam thành một quân cờ trên bàn cờ quốc tế. Dân tộc này, đặc biệt là tầng lớp trí thức Việt Nam biết cách ứng xử cần có, không thể mơ hồ và cả tin đặt vận mệnh dân tộc mình vào trong tay của bất cứ ai vì họ thấm thía câu nói của Winston Churchil: “Trên thế giới này không có bạn bè vĩnh viễn hay kẻ thù vĩnh viễn, chỉ có lợi ích quốc gia mới là vĩnh viễn”.
Thế nhưng, sẽ là ngu dại nếu không biết kết bạn và chọn đồng minh, đặc biệt là đồng minh chiến lược trong những thời điểm lịch sử nhất định nhằm đánh bại kẻ thù. Tự cô lập mình, nhất là trong thời đại toàn cầu hóa, là tự trói mình trước nanh vuốt của bọn xâm lược. Còn gì xuẩn ngốc hơn khi kẻ cướp hung tợn đã đạp rào vào đến sân nhà, nhưng vì một “quan điểm đã được công khai nhiều lần” (theo cách mà ông Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội giải thích) nên nhất quyết thà để cướp tràn vào giết cả nhà mình mà không kêu gọi hàng xóm góp sức đánh cướp. Ngược lại, vẫn trấn an hàng xóm rằng “về tổng thể trên các mặt đang phát triển tốt đẹp” khiến cho những bạn bè muốn giúp giúp chủ nhà đánh cướp ngỡ ngàng! Chẳng những thế, vẫnphải kiên trì gìn giữ mối quan hệ hai nước đã xây dựng được từ lâu đời cho dù Tập Cận Bình đã nói toạc ra “quyết không từ bỏ các lợi ích quốc gia cốt lõi” trong đó có việc độc chiếm Biển Đông vì “đại dương và biển ngày càng có vị trí chiến lược quan trọng trong cuộc cạnh tranh toàn cầu ở các lĩnh vực chính trị, phát triển kinh tế, quân sự, khoa học và công nghệ.”
Tại sao lại có sự lú lẫn, mê muội đến thế? Định học kế Câu Tiễn nếm phân Ngô Phù Sai để kéo dài thời gian chuẩn bị lực lượng chăng?
Nếu vậy thì người ta quên mất rằng những hậu duệ của Phù Sai thời hiện đại không những quá thành thục với những kế sách thâm hiểm cổ truyền từ thời XuânThu - Chiến Quốc của những binh pháp Tôn Tử với quyền mưu trong chính trị, ngoại giao và các thủ đoạn ly gián, mua chuộc được hiện đại hóa. Những bí sách cổ truyền ấy lại được tăng thêm uy lực khi pha vào đó liều độc dược mạnh về “‎ý thức hệ xã hội chủ nghĩa”, tạo thuận lợi cho mạng lưới tình báo chui sâu vào mọi ngõ ngách để hiểu rõ thực lực và mọi động thái của đối phương từ những rối ren nội bộ xoay quanh cái ghế quyền lực đến thực trạng kinh tế, chính trị, xã hội, quốc phòng, ngoại giao... Vào thời điểm vận nước đang lâm nguy mà vẫn còn định làm vừa lòng Trung Quốc với luận điệu không liên minh, liên kết, đồng minh với nước nào, không dùng nước thứ ba, để chống lại nước khác” như ông Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội vừa trấn an dư luận là tự mình tước bỏ khả năng chống trả kẻ thù. Mong rằng đây không phải và không thể là nhận thức của đại bộ phận những người trên danh nghĩa là đại biểu của “cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân”!
Muốn “không khuất phục trước đe dọa, áp đặt hay một lệ thuộc nào” thì phải bằng mọi cách tạo ra nội lực ngày càng mạnh đủ sức đánh bại kẻ xâm lược. Nội lực ấy được hình thành và phát triển không chỉ bằng ý chí và hành động tự lực tự cường mà còn là biết cách linh hoạt và tỉnh táo tranh thủ sự liên minh với bên ngoài để biến sức mạnh đến từ bên ngoài ấy trở thành nhân tố cấu thành của nguồn lực bên trong nhằm nâng cao sức mạnh và vị thế của đất nước chứ không phải là sự ỡm ờ nước đôi!
Mà thật ra, để tồn tại và phát triển trong một thế giới đầy biến động của những thế lực khác nhau với những đụng độ, những thỏa hiệp, những hợp tác vì lợi ích của quốc gia, của phe nhóm, giáo phái... thì tìm liên minh nhằm tăng cường sức mạnh của chính mình là một đòi hỏi sống còn của mọi quốc gia, dân tộc. Ngay “Phong trào không liên kết” do Thủ tướng Ấn ĐộNehru, cựu tổng thống Ai Cập Nasser và Chủ tịch Nam Tư Tito khởi xướng năm 1955, từng phát triển lên đến 118 nước thành viên, thì về thực chất sự “không liên kết” này chính là tập hợp lực lượng, liên kết lại để đấu tranh cho “sự độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và an ninh của các quốc gia không liên kết” như đã ghi trong “Tuyên bố La Habana năm 1979”! Vậy là, cái tổ chức được gọi là “phong trào không liên kết” này đã thu hút vào mình gần hai phần ba thành viên Liên Hiệp Quốc và 55 phần trăm dân số thế giới, đặc biệt là những quốc gia được xem là đang phát triển hoặc thuộc thế giới thứ ba.
Sẽ là quá ngây thơ nếu không muốn nói là dại dột khi biến những ngôn từ và thủ thuật ngoại giao nhất thời trở thành quyết sách có tầm chiến lược quốc gia theo cách “kiên trì gìn giữ mối quan hệ hai nước”. Phải chỉ rõ rằng, chìm sâu trong quyết sách đó là sự nhu nhược, hèn nhát, sợ làm tổn hại đến “tình hữu nghị truyền thống” và kéo theo đó là những đòn trừng phạt của “người anh em cùng chung ‎‎ý thức hệ”! Rõ ràng việc hô hào “kiên trì gìn giữ mối quan hệ hai nước” trong bối cảnh Trung Quốc “có những hành vi ngày càng dã man” thì thực chất là xóa nhòa ranh giới bạn và thùlà dẹp bỏ lòng yêu nước và truyền thống bất khuất quật cường của nhân dân không cam chịu khuất phục trước mọi kẻ thù cho dù chúng hung hãn và xảo quyệt đến thế nào. Khi cam tâm dẹp bỏ những điều thiêng liêng đó thì những lời động viên “chừng nào ngư dân còn bám biển thì còn giữ được đảo” vừa mù mờ vừa thiếu trách nhiệm! Làm sao “bám biển” khi chưa đuổi được kẻ cướp được trang bị đến tận răng đang hoành hành trên vùng lãnh hải thuộc chủ quyền của mình, đâm chìm tàu đánh cá của ngư dân mình! Cái cách động viên cũ rích và hết sức mù mờ hoặc lấp lửng “phải đấu tranh bằng mọi biện pháp hòa bình – kể cả những biện pháp luật pháp quốc tế, phải đề phòng kẻ xấu kích động…” vừa bộc lộ môt lối tư duy thiếu minh bạch vừa thể hiện sự bối rối trong nhận thức. Một khi chưa dứt khoát từ bỏ những đồng minh đã nhiều lần phản bội mình, phản bội một cách nham hiểm kín đáo hay phản bội một cách trắng trợn và tàn bạo để tìm đồng minh chiến lược mới thì mọi kế sách hoặc giải pháp nếu không mang tính nửa vời thì cũng bế tắc không có lối ra.
Vấn đề đặt ra cần minh bạch: chọn ai là đồng minh chiến lược?
Bản lĩnh của nhà chính trị sáng suốt và hết lòng vì tổ quốc và nhân dân, đặt lợi ích của dân tộc lên trên hết và trước hết, sẽ trả lời đúng được câu hỏi ấy. Họ sẽ đi vào lịch sử như một người biết thúc đẩy lịch sử đi tới chứ không phải là kẻ cản trở bước tiến của lịch sử. Những trải nghiệm của dân tộc Việt Nam trong trường kỳ dựng nước và giữ nước đã đúc kết được bài học ấy, đặc biệt là trong vòng năm mươi năm qua của thế kỷ XX bước sang thế kỷ XXI. Bài học cay đắng ấy chính là bài học về chọn đồng minh chiến lược.
Bên cạnh nước láng giềng khổng lồ “núi liền núi, sông liền sông”, bên này bên kia biên giới các tỉnh cực bắc của Việt Nam kề với lãnh thổ Trung Quốc, người dân vẫn qua lại thăm hỏi nhau. Nhưng điều đó không phải là tiêu chí của sự lựa chọn Trung Quốc là bạn đồng minh theo cách ứng xử thực dụng “bán anh em xa mua láng giềng gần”. Mà thật ra, không phải ai khác, chính Trung Quốc từng không giấu diếm ‎ý đồ của họ ngay trong Hội nghị Thành Đô 1990 “liên minh nhưng không phải là đồng minh, đồng chí chứ không đồng minh…”.
Thảm họa dân tộc này phải gánh chịu chính là điểm quy chiếu của sự lựa chọn đồng minh chiến lược của một bộ phận quan trọng và quyết định trong những người cầm quyền là đồng chí cùng ý thức hệ xã hội chủ nghĩa. Sự lựa chọn ấy đã đưa đất nước này đi vào ngõ cụt, tự đặt mình vào thế cô lập với thế giới. Những quốc gia cùng chung ý thức hệ với Trung Quốc và Việt Nam chỉ còn có Lào, và Cuba, là Bắc Triều Tiên của thể chế toàn trị cha truyền con nối. Bi kịch lịch sử khởi nguồn từ chỗ này đây.
Như đã nói, những thỏa thuận ngầm trong Hội nghị Thành Đô 1990 đã đẩy những người cầm quyền Việt Nam hiện nay lâm vào thế bí “nhả chẳng ra cho, nuốt chẳng vào” cái món quà lừa mị và bịp bợm của Bắc Kinh về bốn điều tốt đẹp “sơn thủy tương liên, lý tưởng tương thông, văn hóa tương đồng, vận mệnh tương quan” và phương châm mười sáu chữ: “ổn định lâu dài, hướng tới tương lai, láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện”!
Nanh vuốt của chủ nghĩa bành trướng Đại Hán ngày càng thòi ra cùng với những thủ đoạn thâm hiểm trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa như một cái gọng kìm thít chặt đất nước mà cái giàn khoan Hải Dương 981 ngang ngược cắm vào vùng lãnh hải và thềm lục địa thuộc chủ quyền Việt Nam ngày 1.5.2014 chỉ là hệ lụy tất yếu theo logic của tham vọng bành trướng của một siêu cường đang nổi lên trong sự nghi ngờ của cả thế giới. Rồi sẽ không chỉ một cái giàn khoan tai ngược này, mà sẽ còn nhiều giàn khoan khác nữa sẽ khoan sâu vào trái tim phẫn uất của dân tộc Việt Nam vốn biết rõ rằng kẻ thù đang tìm mọi cách để độc chiếm Biển Đông, chặn đứng con đường phát triển của quốc gia hình chữ S bên mép nước Thái Bình Dương.
Quả đúng như lời Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng trả lời Hãng thông tấn AP và Reuters vừa rồi: “Những gì mà Trung Quốc đang làm khác rất xa những gì mà Trung Quốc nói”, điều mà đức Đạt Lai Lạt Ma đã từng chỉ ra khi trả lời Tạp chí Le Point ngày 22 tháng 1 năm 2007: “Người Trung Quốc là bậc thầy trong nghệ thuật nói thế này làm thế khác, việc làm hoàn toàn trái ngược với lời nói”. Cùng với việc lột cái mặt nạ gian dối của Trung Quốc, Thủ tướng cũng dứt khoát khẳng định: “Việt Nam luôn mong muốn có hòa bình, hữu nghị nhưng phải trên cơ sở bảo đảm độc lập, tự chủ, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, vùng biển, và nhất định không chấp nhận đánh đổi điều thiêng liêng này để nhận lấy một thứ hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc nào đó”. Đây là một thông điệp rõ ràng, minh bạch đánh dấu một chuyển động mới trong ứng xử với Trung Quốc. Đây chính là cái mốc quan trọng trong việc rút bài học đau đớn về chọn đồng minh chiến lược để không tiếp tục bỏ lỡ những cơ hội đáng tiếc đã từng có trong quá khứ.
Hãy lấy nước Nhật làm một ví dụ sống động như vừa nói. Từ một nước bại trận và kiệt quệ, nhờ biết chọn đồng minh, vươn lên trở thành một cường quốc từng đứng thứ hai thế giới về kinh tế khoa học và công nghệ. Hiểu quá rõ mưu toan của Trung Quốc, thủ tướng Shinzo Abe đang chủ động chìa bàn tay bè bạn với Việt Nam, nước hiện ở vào vị thế địa-chính trị đặc biệt của Đông Nam Á đang kiên quyết chống những hành động hiếu chiến của Trung Quốc. Phát biểu của ông tại Hội nghị thượng đỉnh an ninh châu Á, Shangri-La ngày 30.5.2014 “trong bối cảnh hiện nay, không một nước nào có thể đơn độc mà gìn giữ được hòa bình. Nhật Bản cũng không là ngoại lệ” mang ý ‎ nghĩa của một lời kêu gọi liên minh, điều mà Nhật đang làm để có sức mạnh và tư thế đáp trả hành động chính trị, ngoại giao cường quyền của Trung Quốc.
Bắc Kinh hung hăng nhưng cũng đủ tỉnh táo để hiểu được sức mạnh của liên minh Nhật - Mỹ nên không dám liều lĩnh và ngang ngược như đang hành xử với Việt Nam. Với Hàn Quốc, Đài Loan, Philippines cũng vậy. Tổng thống B. Aquino của Philippines rất quyết liệt và kịp thời biểu tỏ thái độ lên án hành động ngang ngược của Trung Quốc trên Biển Đông, vì ông hiểu những gì Trung Quốc làm đối với Việt Nam rồi cũng sẽ xảy ra với nước ông. Song, điều quan trọng cần nói chính vì ông hiểu nước ông không đơn độc, người bạn đồng minh chiến lược đang ở bên cạnh ông. Một Ấn Độ của 1,2 tỷ người có nhiều khả năng trở thành một quốc gia châu Á cân bằng sự trỗi dậy chiến lược của Trung Quốc đang để ngỏ những khả năng mới cho cục diện châu Á nói chung và các nước Đông Nam Á đối phó với tham vọng bành trướng và chính sách ngoại giao pháo hạm của Trung Quốc. Cho nên, chọn ai là đồng minh chiến lược đang là vấn đề có ‎ nghĩa sống còn của dân tộc ta vào lúc này, lúc mà thế nước chông chênh đang đòi hỏi những bản lĩnh dám đưa ra những quyết sách táo bạo nhằm xoay chuyển tình thế.
Cần nhớ rằng, không có một hành động mang ý nghĩa lịch sử nào có thể hiểu được một cách đầy đủ và thuyết phục nếu không hiểu biết những hành trình đã đi qua, những giá trị được thừa hưởng và những kinh nghiệm đã sống. Vì vậy, có lẽ cần phải quay trở lại những tọa độ cũ có ý nghĩa biểu trưng. Hãy nhớ lại một trong những tọa độ cũ đầy tính bi kịch ấy: chỉ riêng hai năm 1945-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có 8 thư và điện gửi Tổng thống Harry Truman, 3 thư và điện gửi Bộ trưởng Ngoại giao James Byrnes, trong đó, biểu tỏ sự “tha thiết mong muốn tạo được mối quan hệ với nhân dân Mỹ là những người mà lập trường cao quý đối với những ý tưởng cao thượng về công lý và nhân bản quốc tế”. Đáng tiếc là lịch sử đã phải chứng kiến sự thờ ơ, lạnh nhạt của những người thiếu một tầm nhìn cởi mở và đúng đắn bởi vẫn mang nặng những định kiến sai lầm.
Vậy là, đâu chỉ là chuyện “nước xa không cứu được lửa gần” mà là người ta đã không có sự trân trọng đúng mức đối với những giá trị cao cả mà dân tộc Việt Nam theo đuổi, vì thế đã khước từ một cách dại dột những ý tưởng cao thượng về công lý và nhân bản quốc tế mà người Việt Nam hướng đến, để rồi lịch sử phải chứng kiến những sai lầm khủng khiếp để cho hội chứng Việt Nam vẫn chưa nguôi hẳn trong lòng nước Mỹ. Nhưng lịch sử thường không lặp lại, nhất là khi nước Mỹ đang xoay trục sang châu Á và vấn đề Biển Đông cũng đang gắn liền với lợi ích của Mỹ và của nhiều nước trong khu vực cũng như với thế giới.
Thì ra, chuyện chọn đồng minh không thể chỉ là ‎ ý chí của một phía. Đâu phải chỉ Việt Nam nêu lên điều đó. Trong câu chuyện ngụ ngôn về con chim hải âu của S.T. Coleride mà Archimedes L.A. Patti, tác giả của “Why Vietnam” từng lấy làm đề từ cho cuốn sách của ông đã diễn đạt rất tế nhị vấn đề này: “Người thủy thủ già đã bắn bỏ một cách không thương tiếc Hải Âu, con chim biển thành kính mang điềm lành tới những người vượt biển, đã xuyên qua bão táp để đến và bay theo con tàu đang lênh đênh tìm đường trên đại dương dậy sóng... Và sau đó con tàu đã gặp không biết bao gian nan hiểm họa...”.
Hình như chim hải âu có khi còn gọi là chim báo bão. Để rồi, “khoảng giữa mây đen và biển rộng, chim báo bão kiêu hãnh bay lượn tựa hồ một ánh chớp đen... Trong tiếng sấm gầm giận dữ, chim tinh ý đã từ lâu nghe ra nh‎ững âm thanh mệt mỏi, chim biết chắc mây đen sẽ không che nổi ánh mặt trời, không bao giờ che nổi”! (M. Gorki)
1.7.2014
T. L.
Tác giả gửi BVN.
(*) Bài viết gửi cho một tờ báo nước ngoài.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét