Bài đăng phổ biến

Thứ Tư, 2 tháng 7, 2014

VÀI SUY NGHĨ

Vài suy nghĩ nhân phát biểu của
Tổng Bí thư
Trần Kinh Nghị
TBT Nguyễn Phú Trọng phát biểu trước cử tri HN ngày 1/7/2014
Hôm qua 1/7 Tổng Bí thư Nguyễn Phú  Trọng đã chọn buổi tiếp xúc cử tri quận Tây Hồ để nói lên quan điểm của  người đứng đầu cao nhất của đất nước về một chủ đề hệ trọng nhất của đất nước-đó là quan hệ Viêt-Trung và chủ quyền biển đảo. Vậy là sau một  thời gian im lặng bác Tổng đã lên tiếng. 

Công bằng mà nói, những lời của bác  Tổng là thực lòng và do đó có lẽ đã phần nào góp phần xua tan bớt nỗi  băn khoăn trăn trở cùng sự hoài nghi trong dư luận thời gian qua. Có lẽ  sẽ bớt đi phần nào những dị nghị trong dân chúng rằng ông kia bà nọ bán  nước, cầu vinh... Nhưng qua đó cũng cho thấy sự lúng túng bế tắc cùng  cực về cả chiến lược lẫn sách lược trong đối sách của Việt Nam trước  những bước đi quả quyết đến mức trắng trợn và ngang ngược của TQ. 
Trong phát biểu Tổng Bí thư có đoạn  nói: "Biển Đông là vấn đề lớn, quan trọng, hệ trọng, nhạy cảm, được toàn dân và nhiều nước trên thế giới quan tâm, cũng là vấn đề liên quan đến  sự ổn định, phát triển của đất nước sắp tới, cũng như việc giải quyết  quan hệ với TQ, “người bạn láng giềng lớn, muốn hay không cũng phải ăn  đời ở kiếp với nhau, có ai chọn được láng giềng đâu”.

  
Tiếp đó lại có đoạn “Trong lịch sử  đã nhiều lần, ta luôn phải tìm cách chung sống hòa bình, thân thiện, hợp tác, phát triển, đồng thời giữ được độc lập, chủ quyền”, và không quên  nhấn mạnh "Đây là việc khó".


Xem ra những gì vị lãnh đạo tối cao  của đất nước vừa nói đều đã được nói trước nay, không có gì mới, trong  khi tình hình TQ lấn chiếm biển đảo thì hoàn toàn mới và đang ngày càng  diễn biến rất khẩn trương và phức tạp. Đã có quá đủ bằng chứng để cho  thấy TQ đã dứt khoát vứt bỏ quan hệ hữu nghị láng giềng, anh em, thức hệ  ... nhằm đạt mục tiêu độc chiếm biển Đông mà trong đó VN là đối tượng  chính và trước tiên. Vậy mà người đứng đầu VN vẫn gọi TQ "bạn láng giềng lớn"... "muốn hay không cũng phải ăn đời ở kiếp với nhau, có ai chọn  được láng giềng đâu". 

Nếu là nhà ở thì có thể bán nhà dời  đến chỗ khác sống, nhưng với đất nước thì chỉ có cách giữ nước hoặc bán  nước ,và do đó nói là không thể chọn láng giềng là đúng. Nhưng chọn bạn  thì ai cấm? Vậy mà VN tự cấm mình khi các vị lãnh đạo thay nhau nhau  tuyên bố với thế giới "VN không liên minh với ai...". Làm sao phải "chưa khảo mà xưng" như vậy nhỉ, nếu không phải là do sợ bóng sợ gió? Đó là  bài bản gì nếu không phải là kế sách của kẻ bạc nhược? 

Cũng đừng đổ cho lịch sử bằng cách  cố tình hiểu sai lịch sử. Quên rồi sao Vua Quang Trung Nguyễn Huệ đã  từng mang quân đánh sang Quảng Đông-Quảng Tây nhằm bảo vệ kinh thành  Thăng Long. Cũng đừng quên khí phách của "Hịch tướng sĩ". Thử hỏi suốt  70 năm qua Lãnh đạo VN có mấy ai kế thừa được quá khứ như thế hay chỉ  toàn núp bóng tiền nhân để biện minh cho sự đớn hèn và sai lầm của mình? Xin hỏi các vị nào hay đề cao cái gọi là "mềm dẻo, khôn khéo": Tại sao  VN chỉ mất đất, mất biển đảo sau mỗi lần nhún nhượng trước TQ? Đó là  Công hàm Phạm Văn Đồng năm 1956 đã đặt VN vào thế khó đòi lại chủ quyền  Hoàng Sa; đó là "giải pháp đỏ" Thành Đô 1989 dẫn đến những thua thiệt  khi phân định lại biên giới Việt-Trung; đó là chủ trương "không được nổ  súng" để mất bãi Gạc Ma và 6 vị trí khác tại Trường Sa năm 1988. Với đà  này làm sao có thể tin VN sẽ ngăn chặn quân xâm lược TQ chỉ bằng sự khôn khéo mềm dẻo với kẻ thù! 
Khi đề cập đến chủ trương phân hóa  nội bộ giữa nhân dân, chính quyền và các thế lực hiếu chiến TQ... chẳng  lẽ bác Tổng không thấy rằng trường hợp TQ khác xa với trường hợp "đế  quốc Mỹ" ở chỗ tất cả đều theo sự chỉ đạo của Đảng CS Trung Quốc(?). Một kết quả thăm dò dư luận của TQ gần đây cho thấy "không dưới 80% người  dân cùng hô một tiếng "Đánh Việt Nam!". Vậy đâu dễ gì phân hóa  được  họ. 

Tổng Bí thư cũng có đề cập lướt qua  về việc chọn bạn/thù với câu (có vẻ như không coi đây là vấn đề quan  trọng): "Thời buổi này, ai cũng phải nghĩ đến lợi ích quốc gia dân tộc  mình, nên tạo sự ủng hộ của quốc tế cũng cần thực chất, thực lòng". Đúng vậy. Nhưng xin đừng vì thế mà chần chừ không dám chọn bạn xa để đối phó với kẻ thù gần. Thử hỏi, cả hai cựu thù Pháp, Mỹ có ai đã lấy được tấc  đất nào của VN.., hay chỉ có "bạn gần" TQ liên tục gậm nhấm lãnh thổ  biển đảo của VN? Với tham vọng bá chủ của  TQ hiện nay thì nguy cơ càng  lớn hơn nhiều.

Qua phát biểu công khai dù hiếm hoi  của người đứng đầu đất nước lần này cho thấy thêm dấu hiệu để lý giải  một vài động thái gần đây. Việc ông Phạm Bình Minh hoãn chuyến thăm Mỹ  theo lời mời của người đồng cấp Mỹ trước đó để tiếp khách "bạn láng  giềng" thì có thể hiểu được. Nhưng sẽ là một sai lầm lớn nếu tới đây ông Minh sẽ không đi thăm Mỹ. Việc VN trì hoãn phát đơn kiện TQ cho thấy  thái độ bị động và lo ngại không cần thiết mà tự tước mất một thế mạnh  hiếm hoi của VN. Những động thái trên đây không có gì khác là sự báo  hiệu về tình trạng bị động bế tắc của giới lãnh đạo đất nước trước mưu  đồ thâm hiểm của Bắc Kinh. 

Muộn còn hơn không, xin chân thành  khuyên Tổng Bí thư cùng Bộ CT hãy nhìn vấn đề một cách thực tế linh hoạt trên cơ sở cầu thị lắng nghe lòng dân và ý kiến của bạn bè quốc tế để  kịp thời thay đổi chính mình may ra vẫn còn cơ hội để cứu nước./

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét