Ông Võ Văn Thưởng có mở đường cho dân chủ hóa tại Việt Nam?
Mới đây, ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cho biết đang chờ Ban bí thư thông qua một văn bản hướng dẫn đối thoại với những người bất đồng chính kiến, phải chẳng một kịch bản từ Ba Lan sẽ được tái hiện ở Việt Nam.
Nhân dịp này, xin kể lại các cuộc đối thoại giữa chính quyền và những người bất đồng chính kiến tại Ba Lan thông qua Hội nghị Bàn tròn năm 1989, mở đường cho quá trình dân chủ hóa ở Ba Lan và các nước Đông Âu.
Sau 61 ngày đối thoại công khai, ngày 5/4/1989, Hội nghị Bàn tròn giữa đại diện Chính quyền Ba Lan và đại diện Công đoàn Đoàn kết đã kết thúc với thỏa thuận tổ chức một cuộc bầu cử (bán) dân chủ, mở đường cho quá trình cải cách ở Ba Lan.
Cuộc đối thoại công khai được mở đầu ngày 6/2/1989 trong Cung điện Radziwill ở trung tâm Vacsava, nơi ký kết Hiệp ước Vacsava vào tháng 5/1955, xung quanh một chiếc bàn tròn bằng gỗ bồ đề được đóng riêng cho hội nghị này. Bàn hội nghị được thiết kế hình tròn để khẳng định sự bình đẳng giữa những người tham gia đối thoại, dù là đại diện chính quyền hay những người bất đồng chính kiến.
Ngay từ năm 1980, Công đoàn Đoàn kết đã ra đời từ phong trào bãi công của công nhân. Ban đầu, công đoàn này được nhà nước cho phép đăng ký hoạt động, nhưng chỉ ít lâu sau, vào cuối năm 1981 lại bị cấm sau khi Ba Lan ban bố tình trạng chiến tranh. Nhưng vào cuối những năm 80, không một nước nào ở Đông Âu mà tình trạng phá sản của CNXH lại thấy rõ như ở Ba Lan: Hàng đoàn người xếp hàng hàng giờ đồng hồ trước các cửa hàng trống rỗng, chợ đen nở rộ khắp nơi, các cuộc bãi công làm tê liệt nền kinh tế, lạm phát và nợ công tăng chóng mặt. Đảng Công nhân Thống nhất Ba Lan hoàn toàn bất lực, không thể một mình tiến hành cải cách. Vì vậy, chính quyền cộng sản đã phải tìm kiếm đối thoại với Công đoàn Đoàn kết, khi đó vẫn còn bị cấm hoạt động. Các cuộc đối thoại Bàn tròn diễn ra từ tháng 2 tới tháng 4/1989 khi đó không những làm thay đổi thực tế chính trị của Ba Lan mà cũng mở đường cho sự sụp đổ của Chủ nghĩa Cộng sản ở khối Đông Âu.
Tổng cộng có gần 350 người tham dự vào các cuộc đối thoại trong Hội nghị Bàn tròn được chia thành ba nhóm theo các chủ đề: Về Chính sách kinh tế và xã hội, về đa nguyên công đoàn và về cải cách chính trị.
Hội nghị Bàn tròn đã chính thức kết thúc ngày 5/4/1989 với kết quả là cho phép Công đoàn Đoàn kết hoạt động trở lại, cho phép phe đối lập được sử dụng các phương tiện truyền thông đại chúng. Công đoàn Đoàn kết đồng ý với việc tổ chức bầu cử Quốc hội bán dân chủ, theo đó Đảng Công nhân Thống nhất Ba Lan (PZPR) và các đảng vệ tinh như Đảng Nông dân ZSL, Đảng Dân chủ SD và ba tổ chức Thiên chúa giáo thân cộng sản được bảo đảm là có 65% ghế trong Quốc hội. 35 % số ghế còn lại được phân chia theo bầu cử tự do. Nhưng việc bầu cử Thượng nghị viện tái lập lại được diễn ra hoàn toàn dân chủ. Chức vụ Tổng thống được dành cho ông Woichiech Jaruzelski, đương kim Chủ tịch Hội đồng Nhà nước khi đó. Trong cuộc bầu cử này, phe đối lập đã giành được chiến thắng ngoạn mục: Họ giành được toàn bộ 35 ghế có được trong Hạ viện và 99 trong tổng số 100 ghế trong Thượng viện.
Như vậy, Ba Lan đã trên con đường đi tới dân chủ không thể ngăn cản nổi. Mặc dù tháng 7/1989, Tổng thống Rumani Nicolae Ceausescu đã kêu gọi các nước trong Hiệp ước Vacsava can thiệp vào Ba Lan, nhưng lời kêu gọi đó đã không được hưởng ứng. Một tháng sau, Tadeusz Mazowiecki, một người Thiên chúa giáo, ứng cử viên của Công đoàn Đoàn kết đã trở thành thủ tướng không phải cộng sản đầu tiên ở Đông Âu khi đó.
Cuối năm 1989, khi toàn bộ khối Đông Âu sụp đổ, Bộ trưởng Tài chính Leszek Balcerowiecz đã đưa ra một kế hoạch cải cách, mở đường cho việc chuyển đổi nền kinh tế kế hoạch XHCN của Ba Lan sang nền kinh tế thị trường tự do. Ngoài ra, Hiến pháp được sửa đổi, xóa bỏ những điều khoản phải liên minh với Liên Xô và các nước XHCN khác, cũng như xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Tên của nhà nước Ba Lan cũng được sửa đổi từ „Cộng hòa Nhân dân Ba Lan“ thành „Cộng hòa Ba Lan“.
Như vậy, thông qua đối thoại, Ba Lan đã tiến hành cải cách, trở thành một nước dân chủ có nền kinh tế thị trường, năm 2010 trở thành nền kinh tế xếp thứ 20 trên thế giới tính theo Tổng sản phẩm quốc nội là 468,539 tỉ USD.
Trung Khoa/(Thoibao.de)
Chỉ đối thoại với Ông Thanh ba câu đã thua rồi ... này nhé: 1/ Cộng sản có thật cướp không.? 2 / Chữ Xã tiêu đề gì .? (XHCN) 3 / Có lửa dối dân chúng, xóa nền Văn Hiến lâu đời của Dân tộc Việt không..?
Trả lờiXóa