Bài đăng phổ biến

Thứ Ba, 2 tháng 5, 2017

VÌ SAO ĐINH LA THĂNG BỊ ĐÁNH

Vì sao Đinh La Thăng bị đánh?


Duy Đức
Có lẽ chưa bao giờ báo chí lề phải “tiến bộ” như mấy hôm nay, khi đồng loạt đưa tin trên trang nhất tin UBKTTW đề nghị kỉ luật ông Đinh La Thăng, ủy viên BCT, đương kim Bí thứ thành ủy thành phố Hồ Chí Minh. Nhiều người, trong đó có cả những giáo sư nước ngoài được coi là có kinh nghiệm về Việt Nam như ông Jonathan London, cũng tưởng bở là Việt Nam sắp có dân chủ, có tự do ngôn luận bởi đã bắt đầu “giây phút quan trọng”. Ông giáo sư chủ yếu đoán sai này lại còn nhầm tưởng tai hại là thông tin trên mạng công cộng đang được lắng nghe? Nó chỉ được lợi dụng để hạ nhục nhau, sau khi xong việc, mạng xã hội lại là thế lực bị bọn phản động giật dây trong cái nhìn quen thuộc của giới cai trị.

Dẫu sao cũng nên cảm ơn thái độ lạc quan tếu chân thành của ông về nền chính trị Việt Nam.
Câu hỏi đặt ra là, tại sao “vụ ông Thăng” lại được tung ra vào lúc này? Về nguyên tắc việc kết luận ông Thăng có sai phạm hay không, kỷ luật ở hình thức nào, phải do Hội nghị TW5 quyết định, rồi báo chí mới được phép đăng tin. Nhưng cái hội nghị này, đến thời điểm báo chí rầm rộ “bêu” khuyết điểm của ông Thăng, vẫn chưa họp?
Có một hiện tượng lạ là lần đầu tiên, việc bêu một nhân vật quan trọng lại được Ban tuyên giáo nhắn tin đồng loạt cho các tổng biên tập, yêu cầu lập tức đưa lên trang nhất?
Có chuyện gì bí ẩn ở đây?
Trước hết, chuyện ở Đồng Tâm, Mỹ Đức vừa xảy ra, làm xấu hổ không chỉ chế độ, mà còn khiến báo chí thấy nhục nhã, có thể là cú nhục nhã nhất từ trước đến nay. Sự bóp méo thông tin, mạ lị người dân lành, a dua chính quyền cơ sở vốn phần lớn là những kẻ bất hảo, không chỉ là vô đạo đức trong nghề báo, mà còn phải chịu trách nhiệm hình sự. Ai cũng biết báo chí được điều hành bởi Ban tuyên giáo. Nghĩa là tội trạng lịch sử này Ban tuyên giáo phải chịu. Và để xóa đi ấn tượng về một cú lừa gạt trắng trợn, thì đưa ông Đinh La Thăng, nhân vật cộm cán của chế độ (chứ không phải đầu sỏ phản động), nằm trong mục tiêu thanh trừng đã lâu của một phe nhóm quyền lực nào đó, giống như nhất cử lưỡng tiện: Vừa tỏ ra trung thành tuyệt đối với ai đó, nhóm nào đó, vừa rửa được phần nào mối nhục Đồng Tâm. Giờ đây, lãnh đạo báo chí có thể nói to lên rằng, đấy, các vị xem, có vùng cấm nào cho báo chí đâu? Ủy viên BCC chúng tôi còn không ngán, thì đừng ai nói báo chí bị bịt miệng nữa nhé.
Trước khi ông Thăng bị đưa lên bàn mổ, cứ như là ngẫu nhiên, bỗng dưng hàng chục triệu con lợn của Việt Nam bị Trung Quốc bỏ rơi! Vừa mới bị vụ Formosa khiến hàng triệu nông dân đang lăm le nổi loạn vì nghèo đói, hàng triệu nông dân khác thì điêu đứng bởi hạn hán, nay thêm vụ rớt giá lợn, có thể cũng khiến thêm vài triệu người sắp bán xới. Cộng lại là một con số không thể đùa! Tính toán này của Trung Quốc là kết quả của cả một quá trình mai phục rình rập công phu, tìm kiếm cơ hội, tất nhiên là có tay trong tư vấn. Và cơ hội ấy đã đến. Chỉ sau một cú ra đòn nhẹ nhàng, hoàn toàn thõng tay vô can của Trung Quốc, các bộ ngành của Việt Nam phải chạy long tóc gáy để cứu lợn, nếu không nông dân sẽ có cớ làm lớn? Cái giá mà Trung Quốc đưa ra là Ba Đình phải hy sinh kẻ đã dám làm nhục Thiên đình! Và họ tỏ ra là kẻ biết giữ lời, bởi chỉ ba hôm sau khi ông Thăng chính thức bị đề nghị kỷ luật, Trung Quốc bắn tiếng muốn được xắn tay xông vào giải cứu heo Việt!
Thực ra Trung Quốc nuôi mối hận với Đinh La Thăng từ lâu. Việc chỉ định thầu một số công trình quan trọng của dầu khí (tất nhiên chỉ với sự cho phép của Chính phủ lúc ấy) đã loại mất của Trung Quốc nhiều cơ hội thắng thầu những công trình gắn với an ninh quốc gia của Việt Nam. Bởi vì cứ ở đâu Trung Quốc đấu thầu là họ thắng, vì lợi nhuận với họ nhiều khi không phải là tiền nên họ sẽ bỏ giá thấp đến mức không thể không thắng theo luật đấu thầu quốc tế. Cứ ở đâu Trung Quốc thắng thầu, là ở đó chính quyền và người dân thành con tin, không chỉ của công nghệ rởm, sự cù nhầy trong tiến độ, thái độ lật kèo trong tiền bạc (bạn đọc có thể kiểm tra tình trạng này ở hàng chục nhà máy nhiệt điện, nhà máy gang thép Thái Nguyên, đạm Ninh Bình, đường sắt trên cao Cát Linh-Hà Đông…) mà quan trọng nhất là khống chế an ninh quốc gia. Khi ông Thăng chỉ mặt đám cai đầu dài Thiên triều, chửi cho bõ tức, cả Trung Nam Hải nghiến răng kèn kẹt. Con chó Hoàn cầu thời báo sủa phun cả rãi rớt sang đến tận Hà Nội, yêu cầu phải có động thái với Thăng. Nhưng thời thế lúc đó còn chưa đến với đám tay chân của họ được cài lại. Tội của Thăng cứ được cộng lại để đấy, trong đó có cả việc Thăng nghênh ngang là quan chức cao cấp ra Trường Sa ôm đàn hát động viên quân sĩ, thầy tu, ý Thăng muốn bảo chẳng việc gì phải sợ cái thằng Tầu, nó đến cứ nện bỏ cha nó đi.
Thời điểm ông Thăng bị bêu tên trên báo chí, chỉ cách ngày kỉ niệm 30 tháng tư mấy hôm. Việc ông Thăng có xu hướng thân Mỹ (qua hàng loạt động thái co kéo mời đầu tư, bắn tiếng kết bạn với các chính khách Hoa Kỳ, trong đó rõ nhất là bài trả lời phỏng vấn về vấn đề Bob Kerry làm cho không ít lãnh đạo nổi xung) khiến nhiều người “ghét Mỹ đến chết” căm tức, trong đó có toàn đảng toàn quân và toàn dân Trung Quốc. Mà số người này thì, khi chưa gộp thêm một tỉ ba, đã đủ đông như kiến cỏ tại cái xứ Đại Việt, lại đang là thành phần sắc dân hạng trên của chế độ. Những người này rõ ràng cảm thấy bị tổn thương, nếu người Mỹ lại được chào đón nồng nhiệt ở đúng cái nơi mà họ đã liều chết để xua đuổi. Họ chỉ có giá khi Mỹ vẫn là kẻ thù của dân tộc, tức là muốn đất nước này cứ tiếp tục nghèo đói!
Thăng còn một tội lớn là công khai hô hào cấp dưới học theo văn hóa lãnh đạo của Obama, chấp nhận để người dân chỉ trích mỗi ngày mới mong tiến bộ. Đáng lẽ ông ta khôn ngoan thì phải thay Obama bằng Trương Tấn Sang, thay vì để người dân chỉ trích thì bịt miệng họ lại như cách ông Trương Tấn Sang vẫn làm. Nhưng nếu thế thì đã không là Đinh La Thăng!
Việc tìm cách hạ uy tín ông Thăng cũng không thể thiếu sự can dự của những kẻ thao túng ở Chợ Lớn, với các băng đảng làm ăn ngầm nhưng thâu tóm phần xương sống của nền kinh tế thành phố Hồ Chí Minh. Thời ông Trương Tấn Sang và sau này là ông Lê Thanh Hải, các băng nhóm tha hồ lộng hành trong hành lang của họ, nghĩa là họ và chính quyền có thỏa thuận ngầm mi không động đến ta thì ta cũng không động đến mi. Thậm chí như tin đồn, ta còn nuôi béo mi nữa cơ? Thế lực bảo kê cho họ là cả Chính phủ Trung Quốc hùng mạnh, nên họ chả việc gì phải sợ. Khi Đinh La Thăng vào thành phố Hồ Chí Minh, đã có vài người chân thành nhắc ông ta là chớ có phá bỏ quy ước không thành văn đó, kéo dài nhiều năm và có thể mãi mãi giữa Chợ Lớn và chính quyền thành phố, nhưng ông Thăng bỏ ngoài tai. Với bản tính có phần hung hăng, tự tin thái quá vào bản lĩnh, vào năng lực sắp xếp lại trật tự của mình, ông ta cho lập lại “quả đấm thép” ở tầm mức quy mô gấp nhiều lần đội săn bắt cướp trước đây. Có vẻ như đó là tín hiệu đe dọa vi phạm thỏa ước ngầm và mặc dù đối tượng ông Thăng nhằm vào không bao gồm họ, nhưng với những kẻ luôn biết phòng xa, thì họ không bao giờ chịu ngồi yên để một kẻ quê Nam Định có thể sẽ phá nát nỗ lực hàng trăm năm của họ. Chắc chắn họ đã cầu cứu Bắc Kinh và Bắc Kinh gộp luôn chuyện đó vào một gói điều kiện với Ba Đình là Thăng phải cuốn gói về Bắc. Nếu khiến được ông ta thân bại danh liệt thì còn có thưởng lớn.
Thời gian Thăng bị quy là có trách nhiệm ở Tập đoàn Dầu khí chỉ hơn một năm (chỗ này UBKTTW chơi tù mù, đáng lẽ phải ghi rõ từ năm 2009 đến tháng 8-2011, lúc Thăng sang làm Bộ trưởng Bộ GTVT, thì họ lại ghi là 2009-2011). Cứ cho là Thăng ký hàng loạt văn bản như đã nêu, thì tại sao ông ta lại phải chịu trách nhiệm với những sự việc xảy ra sau khi ông ta đã chuyển công tác? Nên nhớ là mô hình Tập đoàn kinh tế đa ngành, đa nghề từng được coi là sáng tạo tuyệt vời của Đảng và Chính phủ, muốn chứng tỏ sức sống mãnh liệt của kinh tế Nhà nước ngay cả trong nền kinh tế tư bản, tức là chủ nghĩa xã hội lúc nào và ở đâu cũng vẫn đầy sức sống. Thăng lúc ấy chả là cái đinh gỉ gì để có thể đặt ra được một chủ trương khủng như vậy. Hàng loạt tập đoàn sau đó ra đời, rồi phá sản, phá sản luôn mô hình kinh tế đa ngành đa nghề, thì sao lại quy lỗi cho Thăng như trả lời của ông Nguyễn Đình Hương? Còn hơn cả chuyện gắp lửa bỏ tay người. May mà ông Hương thất thời sớm, là người thích nói tào lao, vô thưởng vô phạt.
Cứ thử hỏi Thăng không chấp hành, quyết chống lại việc thành lập tập đoàn đa ngành đa nghề, liệu ông ta có ngồi lại được tại cái ghế chủ tịch HĐQT của Tập đoàn Dầu khí, chứ nói gì còn lên tận Bộ chính trị?
        Liên quan đến Tổng công ty PVC thì tại thời điểm 2009,“doanh thu của Tổng công ty này đạt trên 3.700 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi năm 2008. Lợi nhuận trước thuế là 245 tỷ đồng, nộp Ngân sách Nhà nước trên 172 tỷ đồng, tăng gần gấp 2 lần so với năm 2008.
Tháng 11/2010, PVC tiếp tục được nhận Huân chương Lao động hạng nhất do đã hoàn thành tất cả các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh năm 2010. Năm đó, tổng doanh thu PVC đạt hơn 7.000 tỷ đồng, tăng hơn 200% so với năm 2009. Lợi nhuận trước thuế đạt gần 840 tỷ đồng, tăng trên 300% so với năm 2009” (Theo báo Dân trí).
Vậy là mọi bung bét của Công ty PVC chỉ xảy ra khi Thăng đã đi khỏi Dầu khí. Cũng tương tự như vậy, sau khi Thăng rời Dầu khí gần 4 năm, Nhà máy sơ sợi Đình Vũ mới khánh thành và đi vào sản xuất. Nếu giả sử tận khi đó Thăng vẫn ở dầu khí, thì mới có thể quy trách nhiệm cho ông ta. Chủ trương đầu tư thì phải thông qua ba bốn bộ, rồi còn thẩm định, phê duyệt, rồi còn phải được sự đồng ý của Thủ tướng, mình Thăng làm gì được. Nếu hôm nay sơ sợi Đình Vũ đang ngày ngày nhả ra cả đống tiền thì chắc chắn có khối kẻ nhảy vào tranh công, Thăng còn xa mới đến lượt?
Tóm lại, đến lúc Thăng phải bị đem ra tế. Đó có thể là số phận của kẻ thăng tiến quá nhanh mà lại không phải là đối tượng con ông cháu cha. Nhưng ai là người chủ mưu đánh Thăng? Đến nay nhiều người vẫn nghĩ oan cho ông Trọng. Ông Trọng không ưa Thăng có thể là điều có thật. Nhưng ông Trọng cũng đã có lúc biết dùng Thăng. Bằng chứng là thời Thăng làm Bộ trưởng Bộ GTVT, ông Trọng rất khen Thăng. Mà ông không thể không khen, khi tay cấp dưới đó tạo cho chế độ của ông bộ mặt quá đẹp! Chỉ sau 5 năm làm Bộ trưởng, Thăng làm được số đường, cầu, công trình giao thông bằng vài đời bộ trưởng trước ông cộng lại. Khi Thăng vào Bộ Chính trị, ông ta nhanh chóng đưa ra quyết định cử Thăng vào thành phố Hồ Chí Minh. Lý do mọi người cho rằng Thăng bị ông Trọng đánh vì Thăng là thủ túc của ông Nguyễn Tấn Dũng, càng sai. Thăng được cơ cấu vào Bộ Chính trị thuộc loại sớm, nếu không nói là sớm nhất. Nhưng đến Hội nghị TW 14 thì Thăng chính thức bật bãi. Mọi người đều khen Thăng, nhưng khi đưa ra bầu thì Thăng rớt vì hết suất. Cũng trong Hội nghị ấy, khi nhóm tứ trụ mỗi ông được quyền đề cử trực tiếp một người (không cần qua bầu) vào Bộ Chính trị, thì Thăng không nằm trong dự kiến của ông nào. Mọi người nhìn cả vào Thăng khi ông Dũng phát biểu đề cử, nhưng người mà ông Dũng xướng tên lại là Nguyễn Văn Bình. Một bà ủy viên TW khi thấy Thăng không có trong danh sách cơ cấu, bèn đứng dậy nói bằng giọng cay đắng: “Những người mải làm thì không có thời gian để chạy chọt nên mới bị trượt”
Thăng là trường hợp duy nhất trong lịch sử Đảng cộng sản VN được bầu vào Bộ Chính trị mà trước đó không thuộc diện cơ cấu. Ban chấp hành TW khóa mới đã giới thiệu bổ sung Thăng vào danh sách (theo quy định Thăng phải xin rút, nhưng cũng theo quy định việc có được rút hay không là do Ban chấp hành TW và họ không cho Thăng rút). Khi  bầu Bộ Chính trị, hàng loạt ông, bà được cơ cấu thì trượt, còn Thăng lại trúng. Nhiều người nuôi mối ghen tức với Thăng từ đấy.
Không phải ông Trọng, vậy ai là người quyết tâm đánh Thăng đến cùng? Đó là ông Trương Tấn Sang. Khi ông Sang và ông Trọng song kiếm hợp bích đấu lại ông Dũng và thắng nhọc nhằn, tuy không nói ra nhưng ông Sang có ý chia đôi sơn hà với ông Trọng. Miền Nam thì để người miền Nam cai trị. Nhưng ông Trọng đã không hiểu hoặc cố ý không hiểu tâm nguyện đó của ông Sang, hoặc thấy ở ý định ấy một nguy cơ lớn cho đất nước. Sau đại hội, trong khi ông Sang và thủ túc của ông khấp khởi chờ để đón ông Võ Văn Thưởng, như một thỏa thuận chia phần của công cuộc diệt Dũng, thì lại thấy ông Đinh La Thăng được cử vào, trong sự chào đón quá mức của dân chúng. Chưa biết hay dở thế nào, nhưng rõ ràng ông Thăng sức vóc hơn, ăn nói mạnh mẽ, thẳng thắn hơn, dám đối đầu với các loại lì lợm trong bộ máy. Chỉ thế thôi, hoặc tưởng tượng ra thế thôi, người dân đã tung hô ầm ĩ. Báo chí các loại còn làm cho tên tuổi ông nổi đình nổi đám gấp bội. Ngồi trong một căn phòng dù rất sang trọng để luôn ý thức vì về vị thế của mình, thấy cảnh đó qua tivi, đọc qua báo chí, chắc chắn ông Sang rất chạnh lòng và cảm thấy cay đắng vì bị qua mặt. Đó là lý do ông phải mất khá nhiều thời gian để tìm chứng cớ thuyết phục ông Trọng là Thăng không xứng đáng ngồi ngôi cao nhất tại thành phố mang tên Bác.
Và ông đã phải dùng đến cả những người thuộc “thế lực thù địch” như cách phân loại của chính ông khi còn là Thường trực Ban bí thư! Chẳng hạn nhà báo Huy Đức là người luôn kiên nhẫn và quyết liệt đòi phải giải thiêng ông Hồ, trả ông ta về với lịch sử như một con người có đúng có sai, nếu bình thường thì chắc chắn là kẻ thù không đội trời chung với ông Sang, tác giả của Cuộc vận động học tập và làm theo tác phong đạo đức Hồ Chí Minh. Nhưng để đánh ông Thăng, ông Sang đã đồng ý hợp tác với “kẻ thù” Huy Đức. Huy Đức có thể vô tư, còn ông Sang thì không. Đúng là khi cần đạt mục đích, mọi phương tiện đều tốt.
Sau gần một tuần Thăng bị đề nghị kỉ luật, như một điều trớ trêu nằm ngoài mong muốn của cả Thăng và những người đánh ông, người dân, sau phút căm phẫn vì cảm thấy bị lừa (vì họ coi Thăng như thần tượng, nay nếu theo báo chí thì hóa ra họ bị nhầm?) đã tĩnh tâm lại và đồng loạt quay ra thương cảm kẻ bị đánh hội đồng. Họ có lý do để nghi ngờ động cơ của cuộc đấu tố. Bao nhiêu cái tốt của Thăng, họ không hề nhắc tới, chỉ nhằm vào gần hai năm ông lãnh đạo Dầu khí? Điều đê tiện ở chỗ, có thế lực nào đó đang cố làm dân chúng hiểu rằng, ông Thăng bị điều tra vì tham nhũng? Nhưng đúng là không thể lừa được người dân. Họ nhanh chóng nhận ra thủ đoạn man trá này. Ngồi đâu họ cũng đồng lòng tiếc cho Thăng, mà oán Vượng theo voi hít bã mía, vùi dập người tử tế! Những sai phạm liên quan đến Đinh La Thăng, được nêu ra trong bản kết luận của UBKTTW, thoạt đọc qua, thấy nó hùng hồn, đầy logic, chặt chẽ về câu chữ, khúc chiết về ý tứ, vô tư trong sáng. Nhưng nếu đọc kỹ lại chỉ hơn một lần, thấy nó cố lắp ghép chuyện nọ sang chuyện kia, cả vú lấp miệng em, vô căn cứ, thấm đẫm sự hả hê của cá nhân ai đó, hơn là vì mục đích thượng tôn quốc pháp hay vì sự tồn vong của đất nước này.
Advertisements

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét