Nhà độc tài sắc máu và lãng mạn
Văn Biển
12-7-2018
Đền thờ TBT Lê Duẩn |
Trong các đời Tổng Bí thư Đảng tiền nhiệm hay kế nhiệm sau này, không ai ngồi ghế lâu như Lê Duẩn – 26 năm. Trong 26 năm đó, Lê Duẩn đủ thời gian để lại nhiều dấu ấn chủ yếu là di họa cho Đất nước và một vài câu chuyện đối với ông ta thì nghiêm túc nhưng với nhân dân lại trở thành hài hước.
Lê Duẩn có hai đặc điểm nổi bật. Vừa sắc máu, vừa lãng mạn. Tưởng như hai tính cách đó kỵ nhau như nước với lửa, nhưng lại hợp nhất trong con người ông.
Chưa có vị Tổng Bí thư nào “oách” như ông. Tự cho là mình có công đầu trong công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, nhiều lần chỗ này chỗ nọ ông thường chê ông Hồ nhát, sợ không dám đánh Mỹ.
Thép mới trong loạt bài “Thời thắng Mỹ” ca ngợi anh Ba ‘sáng láng hơn cả Bác Hồ’, ‘bản lĩnh hơn Bác Hồ’. Người ta tưởng Lê Duẩn là người chống Trung Quốc. Có chăng chỉ là sau này, khi dã tâm của họ ngày càng bộc lộ một cách trắng trợn. Trước đó, ông ta chính là người ca ngợi, sùng bái Trung Quốc.
Ông ta có câu “Thế giới có Lê-nin, phương Đông có Mao Trạch Đông”, cho rằng Mao Trạch Đông là mẫu mực, Việt Nam buộc phải học theo. Nếu chuyện chỉ có vậy thì không nói làm gì. Lê Duẩn cùng Sáu Thọ, một cặp bài trùng, sau Nghị quyết 9 đã mở ra một chiến dịch lớn chống bọn “xét lại làm tay sai cho địch” (Liên Xô), những người chủ trương hòa bình, sợ Mỹ, không dám đánh Mỹ giải phóng miền Nam. Trong số đó có Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp đứng đầu bảng, với hàng chục, hàng trăm, hàng ngàn vị tướng tá khác tràn sang cả lĩnh vực văn hóa, văn nghệ. Nạn khủng bố bao trùm cả miền Bắc, “Thiên đường xã hội chủ nghĩa” đang đói ăn, thiếu mặc trầm trọng.
Nhà báo Hồng Hà trong loạt bài đăng ở báo Nhân Dân có đoạn viết: “Khi con thuyền tam bản chở anh Ba trên sông nước Cửu Long thì vận mệnh Tổ Quốc đã được định đoạt từ đó”. Có phải cái không khí lãng mạn của sông nước Cửu Long đã làm nảy nở trong đầu người đứng đầu cả nước sau này cái ý tưởng “Làm chủ tập thể”?
Một hôm văn phòng anh Ba mời nhà Triết học nổi tiếng Trần Đức Thảo – lâu nay bị xếp xó vì dính dáng tới bài viết trên Nhân văn giai phẩm – tới gặp anh Ba. Sau một hồi sôi nổi trình bày ý kiến của mình về “làm chủ tập thể”, tác giả muốn nâng lên thành một học thuyết cách mạng. Nhà triết học ngồi im chăm chú nghe. Giảng giải một hồi anh Ba ngồi chờ ý kiến. Mãi không thấy đối phương nói gì, thư ký anh Ba giục, anh phải nói gì đi chứ. Nhà triết học mãi một hồi lâu mới thốt lên được một câu: “Tôi chẳng hiểu gì cả”.
Rốt cục, tội nghiệp thay cho nhà triết học. Bữa cơm thịt gà dự định đãi vị khách quý sau đó không dùng tới.
Nhà triết học không hiểu là phải. Cả nước không ai hiểu và thế giới cũng không ai hiểu nó – làm chủ tập thể là cái gì?
Chuyện không chỉ dừng lại ở đây.
Trong một buổi nói chuyện với cán bộ, vị Tổng Bí thư được gọi là anh Ba 200 nến(nghe đâu mỹ từ đó được Sáu Thọ tặng lúc hai người còn ở trong Nam) nói với thính giả: “Các đồng chí có biết lịch sử nhân loại có ba phát minh vĩ đại. Mỗi phát minh là một bước ngoặt thay đổi đời sống, một bước tiến nhảy vọt. Phát minh lớn thứ nhất là tìm ra lửa, thoát khỏi đời sống thú vật ăn thịt sống, sống trong tối tăm. Phát minh lớn thứ hai là tìm ra được kim loại và phát minh lớn thứ ba là… Các đồng chí thử đoán xem là gì?”
Chờ không thấy ai trả lời, anh Ba 200 nến thủng thẳng nói để gây nên hồi hộp cho đám thính khán giả: “Phát minh lớn thứ ba của nhân loại là làm chủ tập thể”. Cả hội trường im, ngơ ngác không hiểu và không biết nó là cái quái gì. Diễn giả bèn hùng hồn giải thích một hồi. Mặc dầu sau đó có một tràng vỗ tay an ủi nhưng chắc không một ai hiểu gì cả.
Anh Ba còn có những ý tưởng, những câu nói độc đáo. Giữa lúc đất nước kiệt quệ, dân không còn gạo ăn. Anh Ba nói: Chỉ trong 10, 15 năm nữa Việt Nam sẽ đuổi kịp Nhật (nước có nền kinh tế hồi đó đứng thứ nhì thế giới) và người dân Việt Nam sẽ đi trên thảm vàng.
Sau hơn một nửa thế kỷ, câu nói đó chỉ đúng một phần. Một bộ phận, một nhóm lợi ích nhỏ không phải đi trên thảm vàng mà sống trên đống vàng, đống đô la bằng cách rút ruột ngân sách, tiền bán các dự án và hàng trăm cách ám muội nhơ bẩn khác. Còn nhân dân thì vẫn ngày càng nghèo đói xác xơ.
Có hai câu chuyện tự tử thương tâm. Một người mẹ phải tự tử để có tiền bà con phúng điếu nuôi con và được xếp vào diện được “cứu trợ”. Còn người phụ nữ kia giết chết bốn đứa con rồi tự tử chết theo vì không còn cách nào sống. Mình chết rồi chúng nó càng khốn khổ hơn. Đúng như Đạt lai Lạt ma nói: Người cộng sản làm cách mạng không phải để đem lại hạnh phúc cho nhân dân, mà để nhân dân đem lại hạnh phúc cho họ. Điều đó ngày càng rõ thêm.
Anh Ba 200 nến còn nhiều ý tưởng và phát ngôn nổi tiếng khác. Ý tưởng xây dựng Pháo đài Huyện. Trong vòng 10 năm nữa mỗi nhà đều có ti vi, tủ lạnh… Làm như của cải tự nhiên trên trời rơi xuống.
Sau khi anh Ba ra đi, câu chuyện làm chủ tập thể và những điều lãng mạn bi hài khác không còn một ai nhắc đến nữa. Anh Ba trở về với cát bụi, những ý tưởng anh Ba cũng theo tác giả thành cát bụi. Nhưng những chuyện anh Ba làm trước và trong thời gian tại vị chức Tổng Bí thư để lại cho Đất nước nhiều di chứng, nhiều vết thương khó lành.
Có người nghĩ nếu anh Ba sống thêm mươi mười lăm năm nữa chắc anh Ba sẽ đưa đất nước Việt Nam trở lại thời kỳ đồ… đá.
Anh Ba và một số người có ảo tưởng hay hoang tưởng nghĩ rằng đánh giặc giỏi thì làm bất cứ chuyện gì cũng giỏi, từ kinh tế, văn hóa, giáo dục, cho tới triết học. Họ đánh giặc giỏi vì bạo gan dùng máu dân không thương tiếc. Và cũng không cần phải học hành, có học hàm, học vị. Cao tổ nhà Hán xuất thân từ anh mổ lợn. Nguyên Chương người sáng lập ra triều đại nhà Minh nguyên là đầu đảng của băng đảng cướp nổi tiếng. Còn có thể nêu ra nhiều dẫn chứng khác.
https://baotiengdan.com/2018/07/12/nha-doc-tai-sac-mau-va-lang-man/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét