Bài đăng phổ biến

Thứ Bảy, 6 tháng 10, 2018

CON ĐƯỜNG TẤT YẾU

Con đường tất yếu


Xuân Dương
 

 (GDVN) - “Tam dân hợp nguyện” mới là cái gốc bền vững muôn đời mà bất kỳ thể chế chính trị nào, bất kỳ vị quân vương nào cũng không được phép làm trái.


“Đảm nhiệm chức danh” không giúp nhiều cho tinh giản biên chế nếu không đi kèm việc sáp nhập các đơn vị hành chính, “Hợp nhất bộ máy” và “xã hội hóa” các tổ chức chính trị - xã hội.

Muốn “xã hội hóa” các tổ chức chính trị xã hội, Quốc hội cần ban hành Luật về hội, điều đã được quy định trong Hiến pháp từ năm 1946 và nhắc lại tại điều 25, Hiến pháp 2013:

Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”.

Ủy ban nhân dân phường Quang Hanh (Thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh) thực hiện tinh gọn biên chế, tăng hiệu quả giải quyết các thủ tục hành chính trên địa bàn. (Nguồn: sggp.org.vn)



Tại điều 9 Hiến pháp 2013 danh sách 6 tổ chức chính trị xã hội là được nêu đích danh là: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Công đoàn Việt Nam, Hội nông dân Việt Nam, Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Hội cựu chiến binh Việt Nam, tuy nhiên chỉ có Công đoàn là có những quy định cụ thể tại điều 10.

Đã là tổ chức chính trị - xã hội do công dân tự nguyện lập ra theo quy định của pháp luật thì quyền và nghĩa vụ là như nhau. Sự phân biệt không giúp cho tổ chức đó tăng uy tín hơn tổ chức khác.

Một điều đã ghi trong Hiến pháp hơn 70 năm vẫn chưa được thực hiện, điều này đặt ra các câu hỏi cần sớm có câu trả lời.

Nếu trong giáo dục Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết 29-NQ/TW “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo…” thì cũng nên đặt lịch trình ban hành một nghị quyết “Về đổi mới căn bản, toàn diện hệ thống chính trị…”.

Đâu là nguyên nhân cấp bách cho sự ra đời một nghị quyết như vậy?


Thời gian là hàng hóa


Loài người đã trải qua ba cuộc cách mạng công nghiệp và hiện đã bắt đầu cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (cách mạng công nghiệp 4.0).

Đây là cuộc cách mạng đang diễn ra không phải trên các đại công trường hàng trăm ha đất, hàng vạn lao động mà là những văn phòng nhỏ bé, những tòa nhà tiện nghi nằm trong “Thung lũng Silicon” (Silicon Valley - Thung lũng Điện tử) ở Hoa Kỳ.

Cuộc cách mạng này cần chất xám, cần người giỏi, cần nhân tài chứ không phải lao động cơ bắp.

Với cách mạng công nghiệp 4.0, cách điều hành và quản lý xưa cũ không còn phù hợp nếu không nói là biến thành rào cản tiến bộ xã hội.

Bỏ thói quen điều hành (lãnh đạo) và quản lý cổ hủ, bước vào kỷ nguyên kỹ thuật số, kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo chỉ có thể nếu hệ thống chính trị được thay đổi đồng bộ.

Muốn thế không thể chờ vài tháng, thậm chí cả năm để nghị quyết từ văn phòng cấp ủy được thực hiện tại văn phòng chính quyền.

Chừng nào người ban hành quyết sách chỉ làm nhiệm vụ soạn thảo còn thực hiện là của người khác thì chừng đó thời gian chưa trở thành hàng hóa (nói chính xác là thời gian chưa được lượng hóa thành tiền).

Trong nền kinh tế hội nhập thời 4.0, nếu không tận dụng thời gian các đơn hàng sẽ ngay lập tức chuyển hướng sang quốc gia khác chỉ bởi một cú nhấp chuột.


Sức sáng tạo bị kìm hãm


Người Việt kém sáng tạo hay sức sáng tạo của người Việt bị kìm hãm?

Người Việt không phải là dân tộc kém sáng tạo, tuy nhiên khả năng sáng tạo không được phát huy là một thực tế không thể phủ nhận.

Với gần 100 triệu dân, Việt Nam xếp thứ 14 trên thế giới về dân số trong khi xếp thứ 49 theo GDP (năm 2018 khoảng 240 tỷ USD).

Nhiều năm qua, số bằng phát minh, sáng chế của Việt Nam thua cả Singapore, một nước có chưa đến 10 triệu người.

Sự phát triển kinh tế mà chúng ta coi là thần kỳ giai đoạn vừa qua chủ yếu dựa vào giá nhân công rẻ, bán nguyên liệu thô (than, dầu mỏ, khoáng sản,…).

Hàm lượng chất xám trong các sản phẩm “Made in Việt Nam” khá thấp. Lượng hàng hóa xuất khẩu do các doanh nghiệp Việt Nam làm ra chiếm một tỷ lệ nhỏ so với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Sự yếu kém ấy bắt nguồn từ tư duy quản trị quốc gia, từ một nền giáo dục lấy “thành tích” làm thước đo, từ đội ngũ cán bộ lãnh đạo nhiều bằng cấp nhưng chưa (hay không?) đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế và đội ngũ công chức “cắp ô” chiếm tỷ lệ khá lớn.

Rừng không còn là vàng, biển không còn là bạc trong khi tài năng, trí tuệ của con người chưa được đánh giá đúng mức, đó là thực trạng hiện tại của đất nước.

Thay đổi tư duy quản trị chỉ có thể nếu hệ thống chính trị có những thay đổi mang tính đột phá, người dân được tự mình lựa chọn và bãi miễn người lãnh đạo thông qua bầu cử trực tiếp.

Nhiều văn bản, nhiều phát biểu thừa nhận hệ thống chính trị tồn tại các “nhóm lợi ích” nhưng chỉ ra cụ thể đặc điểm nhận dạng của các nhóm lợi ích đó hình như quá khó.

Các nhóm lợi ích không thể ngang hàng theo kiểu “cá mè một lứa”, nhất định phải có “Nhóm lợi ích độc quyền về kinh tế và chính trị thâu tóm, lũng đoạn (Nhà nước - NV)” như ý kiến của một vị Phó Ban tuyên giáo được đăng trên Tạp chí Cộng sản số ra ngày 2/6/2015. [3]

Một trong những “nhóm lợi ích” nguy hại nhất hiện nay chính là nhóm lợi ích hình thành từ đội ngũ quan chức và doanh nhân mà người viết từng đề cập dưới cái tên “Tế bào quan doanh” trong bài “Đâu là tế bào gốc của xã hội “nhóm lợi ích”? [4]

Khai phóng dân trí đòi hỏi một hệ thống chính trị minh bạch, cởi mở, những người đứng đầu tài năng, dũng cảm và đương nhiên không thể thiếu một hệ thống pháp luật được thượng tôn.

Chừng nào một triệu người kê khai tài sản chỉ có vài người bị phát hiện chưa trung thực thì chừng đó niềm tin của người dân vào đội ngũ cán bộ, công chức chưa thể cải thiện.

Người không biết làm giàu cho bản thân thì không thể làm giàu cho cộng đồng.

Người sợ làm giàu thì không thể làm lãnh đạo, những điều đơn giản ấy nhiều người biết song không phải ai cũng dũng cảm thừa nhận bởi lẽ xã hội Việt Nam ngày nay tồn tại một bộ phận không nhỏ quan chức giàu có bất minh, một bộ phận (cũng không nhỏ) doanh nhân làm giàu phi pháp.

Sáng tạo khoa học yếu kém nhưng “sáng tạo” trong việc bòn rút tài sản công, che giấu các vụ làm ăn phi pháp lại rất thịnh hành. Khi nghỉ hưu mới “phát lộ” khối tài sản khổng lồ là điều mà không ít quan chức đã thể hiện.

Người giàu có một cách minh bạch làm lãnh đạo chẳng có gì phải dị ứng.


Dân số sẽ già hóa


Quy mô dân số trong vài ba năm nữa sẽ đạt con số 100 triệu người. Cơ cấu dân số thay đổi theo thời gian, nếu số người trong độ tuổi lao động (tại Việt Nam theo quy định trong Luật Lao động là từ 15-64) lớn gấp đôi số người phụ thuộc (trẻ em dưới 15 và người già từ 65 trở lên) thì cơ cấu dân số đó được gọi là “Cơ cấu dân số vàng”.

Từ năm 2012, nhóm dân số có độ tuổi từ 15-64 chiếm khoảng 69% tổng số dân và đó là điểm khởi đầu của thời kỳ “dân số vàng”.

Khi tỷ lệ sinh giảm và số người già tăng thì tỷ lệ người lao động trực tiếp sẽ giảm, lúc đó muốn đảm bảo nhu cầu vật chất cho dân chúng và tốc độ tăng trưởng không có cách nào khác là phải tăng năng suất lao động, điều này chỉ có thể với nền sản xuất tự động hóa ở mức cao, máy móc thay thế phần lớn lao động của con người.

Theo Ngân hàng thế giới (World Bank):“Tốc độ già hoá tại Việt Nam hiện nằm trong nhóm nhanh nhất thế giới, nhưng nó lại diễn ra trong bối cảnh mức thu nhập thấp hơn nhiều các nước cũng già hoá khác”.

Nói tóm lại, Việt Nam chưa giàu đã già và khoảng 70% người già không có lương hưu, nếu không thay đổi nền quản trị quốc gia thì đây sẽ là gánh nặng, là điểm khởi đầu cho những hệ lụy khó lường đối với thể chế chính trị.

Tệ tham nhũng trong cán bộ, công chức rất trầm trọng và chưa có chuyển biết rõ rệt theo chiều hướng giảm thiểu.

Mỗi thể chế chính trị thường chỉ có hai lựa chọn “Phân quyền” hay “Tập quyền”.

“Tập quyền” nghĩa là người lãnh đạo cao nhất có quyền quyết định mọi vấn đề quan trọng của tổ chức (nhà nước) với sự tham gia rất ít của cấp dưới hoặc cố vấn.

“Tập quyền” cho phép người lãnh đạo kiểm soát các hoạt động của các thành viên và cả tổ chức dễ dàng hơn, giảm thiểu chi phí hành chính,… nhưng cũng tăng nguy cơ cho việc đầu cơ quyền lực.

Vì lý do đó, việc “Đảm nhiệm chức danh” và “Hợp nhất bộ máy” trong giai đoạn này là cần thiết, là con đường tất yếu mà hệ thống chính trị Việt Nam hướng tới, song đi kèm với nó phải là một cơ chế kiểm soát quyền lực.

Tại các nước tư bản phát triển tồn tại mô hình “Nhị tam”, đó là “Tam quyền phân lập” và “Tam vị nhất thể”.

Tam quyền phân lập là ba nhánh quyền lực Lập pháp, Hành pháp và Tư pháp độc lập với nhau trong khi đó “Kinh tế thị trường”, “Xã hội dân sự” và “Nhà nước pháp quyền” hợp thành một “chỉnh thể” khác và được một số tác giả gọi là “Tam vị nhất thể”.

Bất kỳ mô hình nào cũng tồn tại những khiếm khuyết, khắc phục các khiếm khuyết đó không phải là đặc quyền của các nhà lý luận mà là trách nhiệm của người thực hiện.

Trong binh pháp cổ điển, thế chân vạc (ba điểm tựa) luôn là thế vững chãi nhất, hình học cổ điển cho thấy qua ba điểm có thể tạo nên một mặt phẳng, vậy nên “Nhị tam” cũng không phải là tối ưu mà phải là “Tam tam”, trong đó “tam” thứ ba tạm gọi là “Tam dân hợp nguyện” nghĩa là ba đòi hỏi của dân chúng: “Của dân, do dân, vì dân” phải được thực thi trong thực tế.

Đức Quốc công tiết chế Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn từng nói: “Cái gì mà dân muốn thì trời cũng phải thuận theo”, suy ra “Tam dân hợp nguyện” mới là cái gốc bền vững muôn đời mà bất kỳ thể chế chính trị nào, bất kỳ vị quân vương nào cũng không được phép làm trái.


Tài liệu tham khảo:

[1]https://vov.vn/chinh-tri/thoi-diem-chin-muoi-de-thuc-hien-tong-bi-thu-lam-chu-tich-nuoc-821526.vov

[2]http://www.qdnd.vn/chinh-tri/cac-van-de/bai-4-loi-giai-nao-cho-bai-toan-nhat-the-hoa-519040

[3]http://www.tapchicongsan.org.vn/Home/Nghiencuu-Traodoi/2015/33662/Loi-ich-nhom-va-Chu-nghia-tu-ban-than-huu-canh.aspx

[4]http://giaoduc.net.vn/Goc-nhin/Dau-la-te-bao-goc-cua-xa-hoi-nhom-loi-ich-post171210.gd


Xuân Dương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét