Bài đăng phổ biến

Thứ Tư, 27 tháng 3, 2019

NHỮNG BỨC TƯỜNG NGĂN CÁCH

Những bức tường ngăn cách "tinh hoa" và đại chúng


Xuân Dương
 

(GDVN) - Câu hỏi đặt ra là tại các khu dân cư cao cấp, việc cấm người dân ra vào tự do có được pháp luật cho phép? 


Quảng cáo cho dự án bất động sản đang xây dựng tại Thạch Bàn, Gia Lâm, Hà Nội, một tờ báo điện tử chạy tít: “Biệt thự ‘đẹp, độc, đỉnh’ dành cho giới thượng lưu Hà Nội”. [1]

Bài báo viết: “Trong một vài tháng trở lại đây, chỉ cần nhắc đến tên Elegant Park Villa là bất cứ ai cũng có thể hình dung về một cộng đồng tinh hoa bậc nhất Hà Nội - nơi sinh sống của tầng lớp thượng lưu như những người giữ địa vị cao trong xã hội, những lãnh đạo doanh nghiệp, những doanh nhân thành đạt, những người nổi tiếng… Elegant Park Villa được thiết kế dành cho những chủ nhân ưu tú có lối sống thời thượng và tinh tế”.

Vậy “Cộng đồng tinh hoa bậc nhất Hà Nội” hay “Những chủ nhân ưu tú” mà bài báo này đặc biệt “vinh danh” là những ai?

Theo tác giả, xếp đầu bảng trong cộng đồng “tinh hoa bậc nhất và ưu tú” này không phải doanh nhân hay người nổi tiếng mà là người có “địa vị cao trong xã hội”.

Với giá quảng cáo từ 12 – 30 tỷ đồng một căn biệt thự, vậy người có “địa vị cao” nào đủ tiền mua các căn biệt thự tại những khu đô thị được xem là chỉ dành cho “giới tinh hoa, ưu tú” nước Việt?


Giá biệt thự thấp nhất khoảng 12 tỷ đồng cao nhất là 30 tỷ đồng.
Xin điểm qua vài thông tin mà báo chí đề cập:

Báo Thanhnien.vn số ra ngày 07/12/2018 viết: “Ban chấp hành Đảng bộ Thành phố Đà Nẵng quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức khiển trách đối với ông Lê Văn Tam.

Trước khi nghỉ hưu theo chế độ, ông Lê Văn Tam dính đến lùm xùm về việc nhận biệt thự do Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ “nhôm”) biếu tặng”.

Ông Lê Văn Tam vốn là đại tá công an, nguyên Giám đốc Công an thành phố Đà Nẵng và căn biệt thự của ông mà một số người trên mạng xã hội, ngoài đời cứ đồn thổi nói có giá khoảng 100 tỷ đồng, dù không ai kiểm chứng.

Báo nld.com.vn ngày 14/12/2014 cho biết: “Ông Nghiên (cựu Chủ tịch Hà Nội) hiện đang sinh sống tại 1 căn biệt thự tại khu đô thị Ciputra hạng sang ở Hà Nội”.

Báo Nongnghiep.vn trong bài “Ông Trịnh Xuân Giới giải trình thế nào về khối tài sản liên quan đến Trịnh Xuân Thanh?” đăng ngày 08/08/2017 viết:

Gia đình ông Trịnh Xuân Giới vẫn sinh hoạt tại biệt thự số 24, C2, Khu đô thị Ciputra, Tây Hồ - Hà Nội. Biệt thự này cũng là nơi con ông - Trịnh Xuân Thanh ở trước khi bỏ trốn ra nước ngoài.

Các biệt thự trong khu này, hiện nay, theo đánh giá của các Văn phòng nhà đất ở Hà Nội có giá phổ biến từ 30 tỷ đồng trở lên”.

Báo Vietnamnet.vn trong bài “Mất trộm, quan chức lộ vàng khối, tiền tỷ” đăng tin:

“Giám đốc Sở Tài chính Kon Tum bị 'khoắng' 65 lượng vàng năm 2013; Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh mất trộm hơn 1,6 tỷ đồng; Nhà cán bộ thuế mất hơn 6 tỷ;…” [2]

Ông Nguyễn Xuân Tỷ, khi còn là Thiếu tướng - Phó Giám đốc Học viện Quốc phòng từng nói:

Làm cán bộ mấy năm mà trong nhà có vài ba trăm tỉ đồng, thậm chí cả ngàn tỉ đồng thì lấy ở đâu ra nếu không tham nhũng.

Có một đội ngũ giàu rất nhanh, cưỡi lên đầu nhân dân, còn kinh khủng hơn địa chủ, tư sản ngày xưa”.

Theo một khảo sát của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, tỷ lệ người lao động có khả năng tích lũy chỉ là 8%, số chi tiêu tằn tiện và không đủ sống là 51%, số còn lại chỉ đủ sống không có tích lũy.

Không khó để có thể nhìn thấy hiện nay, nhóm người giàu trong xã hội Việt Nam thuộc hai nhóm chính: làm kinh doanh và quan chức. [3]

Như vậy, ngoại trừ những doanh nhân và quan chức giàu có “đúng quy trình”, tất cả “sâu ông, sâu bà, sâu con, sâu cha, sâu chúa” đã và đang đục khoét đất nước, làm băng hoại đạo đức xã hội chỉ cần “chuyển khẩu” vào các khu đô thị đẳng cấp là mặc nhiên trở thành “tinh hoa, ưu tú” bất kể trước đó chỉ là bán nước, hại dân?

Trên thế giới, sự bất bình đẳng được thể hiện bằng “Chỉ số Gini” (Gini Index – được đặt theo tên nhà thống kê học người Ý, ông Corrado Gini). 

Một quốc gia có hệ số Gini càng gần 0 thì càng bình đẳng (về kinh tế) giữa người giàu và người nghèo, còn ngược lại hệ số này càng gần 100 thì càng bất bình đẳng.

Danh sách xếp theo chiều giảm dần chỉ số Gini của Liên hợp quốc cho thấy trong 175 quốc gia và vùng lãnh thổ, Việt Nam xếp thứ 111.

Việt Nam xếp thứ 111 về Chỉ số bất bình đẳng kinh tế (ảnh chụp màn hình)

Tổng thống Mỹ D. Trump đang phải đối đầu gay gắt với Quốc hội nước này trong kế hoạch xây bức tường biên giới.

Mục đích xây tường là ngăn dòng người từ các quốc gia nghèo phía nam xâm nhập nước Mỹ nhằm tìm kiếm công ăn việc làm, thoát cuộc sống bấp bênh với nguy cơ nạn đói lan rộng.

Tại Hà Nội và một số địa phương gần đây cũng xuất hiện những “bức tường biên giới” phân chia người Việt với nhau, có khác chăng là chúng được dựng lên với sự cho phép (hoặc làm ngơ?) của cơ quan hữu quan.

Đây thực sự là những “bức tường biên giới” bởi công dân Việt Nam, có đầy đủ giấy tờ tùy thân vẫn không được phép bước qua rào chắn bảo vệ dù các khu vực này là khu dân cư, không phải cơ quan, doanh nghiệp, khu vực quân sự hoặc vị trí liên quan đến an ninh quốc gia.

Bản thân người viết đã đến thăm một người quen ở khu đô thị ở quận Long Biên, Hà Nội, khách buộc phải chờ ngoài cổng bảo vệ, phải thông báo tên chủ nhà và tên căn hộ dự kiến đến thăm để nhân viên gọi điện thông báo.

Vì chủ nhà không nhấc máy nên bảo vệ không cho khách qua cổng dù giải thích rằng đã có hẹn với chủ nhà từ trước.

Tại một số quốc gia trên thế giới, nhà nước công nhận quyền sở hữu tư nhân về đất đai, người sở hữu có quyền lập hàng rào với cảnh báo “Đất tư nhân cấm xâm phạm”.

Tại Việt Nam đất đai thuộc sở hữu toàn dân, không có bất kỳ cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân nào có quyền sở hữu đất.

Thế nhưng thực tế cho thấy có một sự không bình thường khiến truyền thông quốc tế phải vào cuộc, đó là những khu dân cư tách biệt, được bao bọc bởi những bức tường dành cho giới nhà giàu – chủ yếu là người Việt và số ít người nước ngoài.

Những bức tường “biên giới” ngăn cách các khu dân cư ngay trong lòng các thành phố mà công dân Việt Nam không được bước vào tham quan hoặc đi dạo nói lên điều gì?

Báo The Guardian trong bài “Inside Hanoi's gated communities: elite enclaves where even the air is cleaner (Bên trong các cộng đồng khép kín của Hà Nội: nơi dành cho giới “ưu tú” với bầu không khí sạch) viết về khu đô thị Ciputra như sau:

Surrounded by thick concrete walls and guarded gates, it is a private enclave of ostentatious wealth – a paradise for the Vietnamese capital’s expatriate and local elite. Inside the gates, wide roads are flanked by luxury cars, palm trees and giant statues of Greek god”.

“Tạm dịch: Được bao bọc xung quanh bởi những bức tường bê tông kiên cố và cổng bảo vệ nghiêm ngặt, nơi đây (Ciputra – NV) được xem là thiên đường tại thủ đô của Việt Nam dành cho giới thượng lưu địa phương và nước ngoài.

Bên trong đó là những chiếc xe hơi sang trọng, những hàng cọ rợp bóng và những bức tượng thần Hy Lạp”. [5]

Sự tăng trưởng chóng mặt của giới siêu giàu Việt Nam đã cho ra đời những "lãnh thổ" tách biệt trị giá hàng tỷ USD nằm trên khắp thành phố Hà Nội”, cũng theo The Guardian.

Câu hỏi đặt ra là tại các khu dân cư cao cấp, việc cấm người dân ra vào tự do có được pháp luật cho phép?

Nói cách khác, công dân Việt Nam không được tự do đi lại trong các khu dân cư cao cấp dành cho người giàu có phải là chủ trương của chính quyền hay chỉ là sự lộng quyền của nhà đầu tư dành cho giới nhà giàu?

Đây có phải là một sự phân biệt đối xử?

Công dân Việt Nam ngày nay có phải được phân loại theo tiêu chí … biệt thự?

Điều 23 Hiến pháp 2015 quy định: “Công dân có quyền tự do đi lại và cư trú ở trong nước, có quyền ra nước ngoài và từ nước ngoài về nước”.

Với điều luật nêu trên, có thể hiểu rằng, việc tự do đi lại, tự do cư trú của mọi công dân Việt Nam ở bất kỳ nơi nào trên lãnh thổ Việt Nam đều là hợp pháp và hợp hiến.

Do vậy, không thể có bất cứ quy định nào có thể hạn chế quyền tự do đi lại và cư trú của công dân trái với quy định của Hiến pháp.

Xuất phát từ việc bảo vệ chủ quyền và an ninh quốc gia, quyền tự do đi lại của các cá nhân cư trú trên lãnh thổ của một quốc gia, dù là công dân của nước đó hay công dân nước ngoài đều chịu sự điều chỉnh của pháp luật quốc gia sở tại.

Điều bình thường này đang trở nên không bình thường tại một số khu đô thị cao cấp.

Tại Hà Nội từng xảy ra vụ việc lộn xộn giữa cư dân sinh sống tại hai khu chung cư Goldmark City và Vinaconex 7, phố Hồ Tùng Mậu, phường Phú Diễn quận Bắc Từ Liêm.

Theo cư dân Goldmark City, khi mua nhà, chủ đầu tư cam kết dự án là quần thể khép kín, hiện đại, có rào chắn ngăn cách với các khu vực bên ngoài. 

Vì thế, hơn tháng trước, khi thấy cư dân Vinaconex 7 đi vào làn đường bao quanh khu Goldmark City để ra đường Hồ Tùng Mậu, người dân đã dùng rào sắt, ghế đá, bêtông, ôtô ngăn cản. Nhiều cuộc xô xát đã xảy ra giữa cư dân hai chung cư”. [6]

Liệu có chuyện Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cho phép một số dự án khu đô thị  khép kín cấm người dân ra vào tự do?

Về câu hỏi này, xin trích ý kiến trong một bài báo:

Rất nhiều người mua nhà hiện nay đang hiểu cụm từ “khu đô thị khép kín” đồng nghĩa với việc được sống trong một khu đô thị đóng hoàn toàn về không gian, ngăn cách tách biệt với hẳn những khu vực khác. 

Bản chất của khu đô thị khép tín là có cơ sở hạ tầng, tiện ích đồng bộ và có sự tách bạch tương đối với các khu đô thị, khu dân cư xung quanh…”. [7]

Người mua nhà hiểu sai là một chuyện, chủ đầu tư xây tường, thuê bảo vệ ngăn cản người dân đi lại trong khu đô thị lại là chuyện khác.

Trên thế giới, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển có quy định việc tàu thuyền các quốc gia có quyền “đi lại vô hại” trong lãnh hải quốc gia khác.

Phương tiện vận tải thủy nước ngoài còn được phép “qua lại vô hại” trong lãnh hải quốc gia khác thì tại sao người dân lại không được phép “qua lại vô hại” ngay trong các khu dân cư trên đất nước mình?


Tài liệu tham khảo:

[1]https://thanhnien.vn/tai-chinh-kinh-doanh/biet-thu-dep-doc-dinh-danh-cho-gioi-thuong-luu-ha-noi-1060937.html

[2]https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/mat-trom-quan-chuc-lo-vang-khoi-tien-ty-401203.html

[3]https://www.thesaigontimes.vn/272082/phan-cuc-manh-giau--ngheo-goc-khuat-cua-tang-truong-.html

[5]https://www.theguardian.com/cities/2016/jan/21/inside-hanoi-gated-communities-elite-enclaves-air-cleaner

[6]https://vnexpress.net/thoi-su/ha-noi-pha-rao-chan-doan-duong-tranh-chap-giua-hai-chung-cu-3741884.html

[7] https://baotainguyenmoitruong.vn/kinh-te/can-hieu-dung-ve-khu-do-thi-khep-kin-1252359.html


Xuân Dương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét