Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung: Mỹ tung 4 đòn triệt hạ Trung Quốc?
Trung Quốc cần có những bước nhượng bộ với Mỹ, tránh cuộc chiến tranh tổng lực
của Tổng thống D. Trump trong thời gian tới (Nguồn: Sputnik)
|
Hai nền kinh tế lớn nhất thế giới (Mỹ, Trung Quốc) đã "lún sâu" vào cuộc chiến thương mại với những hình thức đáp trả theo kiểu "ăn miếng, trả miếng" suốt nhiều tháng qua. Tổng thống Mỹ D. Trump liên tục "tung đòn" áp thuế nhập khẩu hàng trăm tỷ USD lên hàng hóa Trung Quốc. Bắt đầu từ tháng 3-2018, ông Trump đã công bố kế hoạch áp thuế quan đối với hàng hóa đến từ Trung Quốc lên đến 60 tỷ USD. Mục đích nhằm chống lại sự mất cân bằng trong cán cân thương mại giữa hai nước.
Cho đến nay, Mỹ đã đánh thuế 10%, 25% cho hơn 6.000 mặt hàng của Trung Quốc xuất khẩu vào Mỹ với số tiến đánh thuế lên đến 250 tỷ USD và đang cân nhắc sẽ tăng mức thuế đối với lượng hàng hóa còn lại có trị giá trên 325 tỷ USD.
Đáp trả, Trung Quốc cũng đánh thuế hơn 5.000 mặt hàng của Mỹ xuất khẩu vào Trung Quốc, với trị giá 110 tỷ USD. Như vậy, Mỹ đã đánh thuế đến hơn 50% hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu vào Mỹ.
Trước những nguy cơ về một cuộc chiến thương mại diễn ra ngày càng khốc liệt, gây tổn hại to lớn cho cả hai nền kinh tế hàng đầu thế giới. Mỹ và Trung Quốc, đặc biệt là phía Trung Quốc đã đề nghị đàm phán để tìm ra giải pháp. Sau 10 vòng đầu tiên, có vẻ có dấu hiệu tích cực, song, trong vòng thứ 11 tại Washington D.C, phía Mỹ (10-5) đã tuyên bố áp thuế 200 tỷ USD với hàng Trung Quốc do cáo buộc Trung Quốc sửa những cam kết cốt lõi trong thỏa thuận hai nước.
Rõ ràng, quả bóng đang ở bên phần sân Trung Quốc, nếu nước này không kịp thời tìm ra giải pháp thì e rằng, Mỹ sẽ tiếp tục đẩy cao sức ép từ cuộc chiến thương mại. Cảnh báo của Chủ tịch Tập đoàn Alibaba, Jack Ma về việc chuẩn bị cho kịch bản một cuộc chiến thương mại với Mỹ kéo dài 20 năm hoàn toàn có thể xảy ra.
Đòn thứ hai: Chiến tranh công nghệ
Để chứng tỏ sẽ giữ lời hứa khi ra tranh cử, đó là kiềm chế sự trỗi dậy của ngành công nghiệp Trung Quốc, việc làm đầu tiên của Tổng thống D. Trump là ra những đòn "tấn công phẫu thuật", thông qua việc tăng thuế đối với các mặt hàng được nhắm đến trong kế hoạch "Made in China 2025".
Danh sách thứ nhất gồm 818 mặt hàng, trị giá 34 tỷ USD nhập khẩu, phải chịu thêm một khoản phụ phí 25% kể từ ngày 6-7-2018. Danh sách thứ hai (được lập từ sau cuộc điều tra trong khuôn khố của Điều 301 Luật Thương mại Mỹ) bao gồm 284 mặt hàng, với mức tăng thuế vẫn chưa được quyết định. Trong danh sách này, không có các mặt hàng tiêu dùng.
Huawei đang đứng trước thời điểm cực kỳ khó khăn bởi ảnh hưởng
|
Mới đây, Tổng thống D. Trump (15-5) đã liệt Tập đoàn công nghệ Huawei vào danh sách cấm mua sản phẩm từ Mỹ, đây là nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới và cũng là một trong những niềm tự hào của Trung Quốc. Trước đó, Mỹ cũng trừng phạt thẳng tay Công ty công nghệ ZTE của Trung Quốc do vi phạm luật bản quyền và "bắt tay" với Iran - nước vốn đang trong danh sách trừng phạt của Mỹ.
Đối với các mặt hàng công nghệ, mục tiêu của Tổng thống D. Trump còn đi xa hơn nhiều so với một số biện pháp trừng phạt. Đó là hạn chế những "bước tiến" của Trung Quốc bằng cách ngăn chặn các hoạt động chuyển giao công nghệ cho ngành công nghiệp này.
Thị trường Trung Quốc luôn là nơi được mơ ước vì mang lại nhiều lợi nhuận và Bắc Kinh cho phép doanh nghiệp nước ngoài tiếp cận với yêu cầu nhượng lại công nghệ. Nhưng kể từ khi Tổng thống Trump lên nắm quyền, ông kiên quyết thực hiện các chính sách chống lại việc Trung Quốc vi phạm, thâu tóm, mua bán bản quyền công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao của Mỹ.
Vì vậy, 2 năm qua, các doanh nghiệp Mỹ đã "do dự" hơn khi quyết định làm ăn với Trung Quốc. Còn về phía doanh nghiệp Trung Quốc, họ đầu tư ra nước ngoài nhằm mục tiêu tiếp cận nguồn tài nguyên và công nghệ cao của thế giới, trong đó có Mỹ.
Từ năm 2014-2018, các doanh nghiệp Trung Quốc đã đầu tư vào Mỹ nhiều hơn so với các doanh nghiệp Mỹ đầu tư vào Trung Quốc, kéo theo đó là việc Trung Quốc tiến hành các hoạt động gián điệp nhằm "ăn cắp" công nghệ cao. Vì vậy, Mỹ là nước đầu tiên ở phương Tây thực hiện cuộc tấn công mạnh mẽ vào kế hoạch "Made in China 2025". Điều này có thể thấy rõ qua vụ trừng phạt Tập đoàn Huawei.
Đòn thứ 3: Chiến tranh tài chính, tiền tệ
Ngay trong tuyên ngôn tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2016, ông Trump đã đặc biệt phê phán chính sách "thao túng tiền tệ" của Trung quốc, ông nói: "Trung Quốc đưa đến 3 mối đe dọa lớn đối với Mỹ khi thao túng tiền tệ quá đáng... với mục đích đẩy mạnh xuất khẩu của họ và hủy hoại các ngành công nghiệp của Mỹ. Với việc thao túng đồng NDT và định giá thấp nó, Trung Quốc có thể bán hàng cho các nước với mức giá thấp hơn rất, rất nhiều so với một công ty Mỹ".
Vì vậy, trọng trách của ông D. Trump là phải "chấm dứt trò thao túng tiền tệ" của Trung Quốc. Rất có thể Mỹ sẽ có cuộc chiến tranh về tỷ giá, tiền tệ, tài chính với Trung Quốc. Nếu điều đó xảy ra, kịch bản về cuộc khủng hoảng kinh tế sâu sắc đối với Trung Quốc hoàn toàn có thể xảy ra, bởi vì, hệ lịu của một cuộc chiến về tiền tệ, tài chính sẽ rất lớn.
Đòn kết liễu: Chiến tranh kinh tế toàn diện
Sau khi tiến hành các cuộc chiến tranh thương mại, công nghệ, tỷ giá tiền tệ, Mỹ sẽ phát động cuộc chiến tranh thứ 4, tiến hành "chiến tranh tổng lực" chống lại toàn bộ nền kinh tế Trung Quốc. Bởi theo quan điểm của Tổng thống Trump, Trung Quốc qua hơn 40 năm tiến hành cải cách mở cửa, tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị của họ đều dựa vào Mỹ, nhưng với sự khôn khéo, Trung Quốc đã làm giàu "trên lưng" nước Mỹ.
Với tốc độ phát triển chóng mặt (9,8%/năm), Trung Quốc từ một nước nghèo nàn, lạc hậu trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, chỉ đứng sau Mỹ và khoảng cách ngày càng bị rút ngắn. Theo dự báo của các chuyên gia, đến năm 2024, nếu tiếp tục tăng trưởng như các năm trước, thì tổng lượng kinh tế của Trung Quốc sẽ vượt Mỹ với 20.814 tỷ USD so với 20.600 tỷ USD của Mỹ.
Bắt đầu từ tháng 3-2018, Mỹ đã khai hỏa một cuộc chiến thương mại với Trung Quốc. Ông D. Trump liên tục áp thuế lên các mặt hàng Trung Quốc xuất khẩu vào thị trường Mỹ
|
Giới chuyên gia cho biết, cuộc chiến thương mại bắt đầu từ năm 2018 đã khiến nền kinh tế Trung Quốc trong năm qua bị sụt giảm nghiêm trọng: tăng trưởng kinh tế Trung Quốc thấp nhất gần 30 năm qua, chỉ đạt mức 6,6% GDP; mức nợ công lên đến 28.000 tỷ USD; đầu tư không hiệu quả; sản xuất dư thừa, hàng hóa tồn đọng và không tiêu thụ được.
Sự suy giảm kinh tế do hệ lụy của cuộc chiến tranh kinh tế với Mỹ đã buộc Trung Quốc phải thay đổi mô hình tăng trưởng, chấp nhận tăng trưởng chậm để "hạ cánh mềm", tăng trưởng bền vững, chuyển từ đầu tư lớn, xuất khẩu nhiều sang giảm đầu tư, đẩy mạnh tiêu dùng trong nước, phải thay đổi về chất... đó là cách lựa chọn duy nhất của Trung Quốc trong giai đoạn hiện nay.
Như vậy, từ khi đắc cử Tổng thống Mỹ đến nay, ông D. Trump đã thực thi các chính sách và biện pháp kinh tế rất mạnh mẽ nhằm chống lại Trung Quốc. Bắt đầu từ cuộc chiến tranh thương mại, đánh thuế gần 6.000 mặt hàng của Trung Quốc xuất khẩu vào Mỹ. Tiếp đó là cuộc chiến tranh công nghệ, buộc Trung Quốc phải từ bỏ các chính sách vi phạm bản quyền công nghệ cao của Mỹ, kế hoạch "Made in China 2025" có nguy cơ bị phá sản.
Thời gian tới, rất có thể Mỹ sẽ tiến hành cuộc chiến tranh tỷ giá, tiền tệ buộc Trung Quốc không được "trục lợi" thao túng tiền tệ thế giới, đồng thời tiến đến thực hiện cuộc "chiến tranh kinh tế tổng lực", chống lại toàn bộ nền kinh tế Trung Quốc. Cuộc chiến tranh kinh tế Mỹ-Trung liệu có kéo dài đến 20 năm như dự báo của Chủ tịch Tập đoàn Alibaba Jack Ma hay không, phần lớn phải trông chờ vào sự xuống thang, nhượng bộ từ phía Trung Quốc trong thời gian tới. -/-
Nhất Tuệ (Theo Vedomosti, Reuters, Economist)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét