11/05/2014
Vụ bắt Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh: Phía trước là một cơn bão lớn
Thụy My
Ông Nguyễn Hữu Vinh tức blogger Anh Ba Sàm. DR
Sự kiện blogger nổi tiếng Nguyễn Hữu Vinh, người sáng lập trang điểm tin Anh Ba Sàm bị Bộ Công an bắt khẩn cấp vào ngày 05/05/2014 đã gây chấn động mạnh mẽ trong dư luận. Nhiều giả thiết được đặt ra: “Anh Ba Sàm” bị bắt vì thường đăng những bài chống Trung Quốc, những bài viết bất đồng chính kiến, hay vì có liên quan đến trang Quan Làm Báo trước đây, hoặc những vấn đề nội bộ ?
RFI Việt ngữ đã trao đổi với nhà bình luận Phạm Chí Dũng ở Thành phố Hồ Chí Minh để nhờ phân tích về sự kiện trên.
RFI: Xin chào nhà báo Phạm Chí Dũng. Ngay sau khi blogger Ba Sàm tức Nguyễn Hữu Vinh bị bắt khẩn cấp hôm 5/5, một số dư luận đang đối chiếu lại vụ anh đã từng bị bắt khẩn cấp vào tháng 7/2012. Có một số điểm tương đồng là ông Nguyễn Hữu Vinh và anh đều có thời gian dài làm việc trong ngành an ninh, đều hoạt động trong lĩnh vực thông tin báo chí, nhưng nhất là đều có vẻ liên quan đến một nhân vật “chống lưng” nào đó… Anh giải thích về sự trùng hợp, hay “đồng điệu” này như thế nào?
Nhà bình luận Phạm Chí Dũng: Thực ra, không thể né tránh sự hoài nghi của dư luận, nếu quả thực mỗi vụ bắt bớ lại lộ ra hàng loạt chuyện đáng nghi vấn, đặc biệt về nội tình chính trị. Ngay tại thời điểm mà tôi bị bắt khẩn cấp và sau khi tôi được đình chỉ điều tra cả năm trời, một số người vẫn nghi ngờ rằng đằng sau tôi là một “bức tường” lớn. Xin giải thích là từ “bức tường” là khái niệm tương hợp với từ “chống lưng”, nhưng có thể còn ý nghĩa ghê gớm hơn về cái giá chính trị. Có nghĩa là tôi bị cho rằng đã viết loạt bài “Tổng thống Nguyễn Tấn Dũng?” nhằm phục vụ cho động cơ tranh giành quyền lực một chính khách cao cấp nào đó, và cũng nhờ sự can thiệp của chính khách ấy mà tôi không phải nhận án tù.
Xét cho cùng, mối nghi ngờ của dư luận là có thể có một nửa cơ sở. Vì trong suốt quá trình bị cơ quan an ninh điều tra hỏi cung, tôi luôn có cảm giác là người ta muốn xoáy sâu và muốn truy ra mối quan hệ của tôi với giới chính khách, trong đó có một người giữ một chức vụ rất cao trong Nhà nước. Thời gian tôi nằm trong trại giam lại trùng với diễn biến của Hội nghị trung ương 6 mà sau này tôi được biết rằng đó là một hội nghị chưa có tiền lệ về xung khắc nội bộ, với sự nổi chìm của những nhân vật Y và X.
Tuy nhiên, nếu dư luận được tham khảo các tài liệu điều tra và hỏi cung tôi thì chắc hẳn sẽ nhận ra là tôi chẳng có bất kỳ mối liên quan mật thiết nào với bất kỳ nhân vật chính khách nào. Thậm chí ngay cả một số doanh nhân nổi tiếng nào đó mà giới an ninh điều tra hạ cố ngờ vực, tôi cũng chẳng có mối liên can. Cuối cùng thì hồ sơ điều tra đã cho thấy rằng vụ việc của tôi chỉ là viết báo, xuất phát từ nỗi bức bối của tôi trước hiện trạng xã hội đầy rẫy tham nhũng và sự lộng hành của các nhóm lợi ích, và tôi chỉ nhân danh chính tôi chứ không có mối quan hệ nào với bất kỳ tổ chức người Việt hải ngoại nào hay trang tin Quan Làm Báo.
RFI: Một điểm trùng hợp nổi bật giữa anh và ông Nguyễn Hữu Vinh là cũng như với anh, ông Vinh đang bị một luồng ý kiến ngoài lề nhận định là có liên quan đến trang tin Quan Làm Báo. Thậm chí ông Vinh còn bị cho rằng đã đạo diễn để lăng-xê trang tin này. Theo anh, ý kiến đó chỉ là suy diễn hay có tính xác thực nào không?
Khi chưa có gì chứng minh qua công tác điều tra thì tất cả chỉ là giả thiết và suy diễn. Với vụ việc của tôi thì sao? Một số người còn đồn đoán, thậm chí khẳng định tôi chính là người đã tổ chức ra trang Quan Làm Báo. Một bằng chứng mà họ nêu ra là sau khi tôi bị bắt, Quan Làm Báo lắng hẳn về số lượng và chất lượng bài so với trước đó. Thế thì với ông Vinh cũng có thể bị như vậy, và theo tôi chuyện đó chẳng có gì lạ.
Thiên hạ vẫn luôn đồn đoán và nghi ngờ, nhưng vấn đề là cơ quan an ninh điều tra, một khi đã dám bắt một blogger có tiếng ở Việt Nam như Nguyễn Hữu Vinh, thì phải đính kèm trách nhiệm là làm rõ ông ấy vi phạm cái gì, có đủ chứng cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự hay không.
Kể cả việc nếu ai hoặc tổ chức nào đó cho rằng ông Vinh liên quan đến trang Quan Làm Báo hay một chính khách cao cấp nào đó thì cũng phải có chứng cứ, vì nếu không thì Nguyễn Hữu Vinh hoàn toàn có thể kiện ngược lại người hoặc tổ chức đó nếu sau này ông ấy được trả tự do. Mà khả năng “hồi tố” của Nguyễn Hữu Vinh là rất dễ xảy ra, vì ông ấy đã từng có thâm niên lâu năm trong ngành an ninh và đã quá hiểu về chân tơ kẽ tóc của công tác điều tra và tố tụng hình sự.
RFI: Theo anh biết thì có dấu hiệu nào đáng chú ý trước khi ông Nguyễn Hữu Vinh bị bắt?
Về dấu hiệu này thì cần nhìn rộng sang các hoạt động thông tin khác. Có một điểm trùng hợp không thể bỏ qua là vụ bắt tôi xảy ra chỉ một tháng sau khi trang Quan Làm Báo ra đời, và gây ồn ào với nhiều bài viết dường như rất sâu vào vấn đề nội bộ và các vụ việc khuất tất trong ngành ngân hàng. Còn vụ bắt blogger Nguyễn Hữu Vinh lại xảy ra chỉ ít ngày sau khi xuất hiện loạt bài liên quan tới vấn đề đất nước bị khánh kiệt, đăng tải trên một trang tin có uy tín ở hải ngoại vào cuối tháng 4, đầu tháng 5/2014.
Nội dung loạt bài viết này cũng không khác gì những thông tin về nội bộ trên trang Quan Làm Báo vào năm 2012, nghĩa là đề cập không chỉ về nhiều góc tối của ngành ngân hàng mà còn về vô số câu chuyện nhân sự nơi cung đình chính trị, và đặc biệt là về điều mà bài viết này cho rằng đó là cuộc đấu đá giữa các phe nhóm chính trị đang đến hồi rất căng thẳng, có thể nói là sống mái.
Tôi hình dung rằng một số chính khách cao cấp khi đọc loạt bài viết này đã nổi xung và lập tức ra lệnh phải truy tìm bằng được tác giả của nó, nhất là khi Hội nghị trung ương 9 đang diễn ra.
RFI: Theo anh, liệu có mối liên hệ nào đó giữa loạt bài viết mà anh vừa đề cập với Hội nghị trung ương 9 và ông Nguyễn Hữu Vinh?
Chuyện đó hãy để cơ quan an ninh điều tra và các chính khách nghiên cứu. Chính trị không chừa ra một cái gì cả, kể cả những việc hồn nhiên ngây thơ nhất. Nếu cứ xét theo những gì mà tôi đã trải nghiệm, chắc chắn người ta phải đặt dấu hỏi về mối liên quan giữa người mới bị bắt và các bài viết rất sâu về nội bộ. Nhưng tất nhiên đó chỉ là giả thiết chứ chưa có gì chứng minh được ông Vinh tạo ra những bài viết ấy hoặc có liên quan gì đến chúng.
Vấn đề còn lại là tôi chỉ cảm thấy vụ việc bắt giữ Nguyễn Hữu Vinh trước Hội nghị trung ương 9 cũng gần tương tự như vụ việc của tôi trước Hội nghị trung ương 6, tức giống như một cái điềm báo trước một cơn bão lớn đang chờ đợi nền chính trị ở phía trước.
RFI: Xin bàn thêm về điều mà anh gọi là “Cơn bão lớn”. Trong một lần trả lời phỏng vấn đài RFI, anh đã nhận định rằng sau cái chết đột ngột của Thứ trưởng Bọ Công an Phạm Quý Ngọ, có khả năng đến 95% manh mối truy buộc đối với “Phe lợi ích” đã biến mất. Anh còn bảo lưu quan điểm đó hay không?
Trước hết, chúng ta hãy đối chiếu những gì xảy ra ở hai phiên tòa xử ông Dương Chí Dũng của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam. Tại phiên tòa sơ thẩm, ông Dũng bất chợt làm thơ và sau đó cung ra lời khai chấn động về ông Phạm Quý Ngọ, dù rằng án sơ thẩm là tử hình đối với ông ta. Còn trước phiên tòa phúc thẩm mới xử ngày 7/5 vừa qua, gương mặt ông Dũng vẫn rạng rỡ. Thế nhưng kết quả phúc thẩm thế nào? Vẫn y án tử hình.
Lời chúc của con gái về ngày sinh nhật 5/5 của ông Dũng, trùng với ngày sinh của Các Mác, hóa ra đã không có ý nghĩa nào cả. Người cha của cô gái vẫn không thoát khỏi tội chết. Kết quả đó cho thấy khác hẳn với phiên xử sơ thẩm, đã không có bất cứ thông tin mới mẻ và có giá trị nào được cung ra trong phiên tòa phúc thẩm. Tình hình này dẫn đến một kết luận rất quan trọng: những gì cần được che giấu liên quan đến “Phe lợi ích” vẫn còn nguyên trong vòng an toàn.
Tướng Phạm Quý Ngọ đã ra đi mãi mãi, còn Dương Chí Dũng thì không thể khai thêm gì được nữa, ít ra đến thời điểm này. Vậy thì còn gì phải quá lo lắng đối với các nhân vật chủ chốt của “Phe lợi ích”? Thậm chí vụ bắt ông Nguyễn Hữu Vinh lại còn xảy ra trước án tử hình của Dương Chí Dũng đến hai ngày.
Cá nhân tôi đánh giá sau các sự kiện bản thông điệp đầu năm 2014 của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, sự ra đi “vĩnh hằng” của Thứ trưởng Công an Phạm Quý Ngọ, lời khai và sau đó là án tử hình đối với Dương Chí Dũng, vụ bắt blogger Nguyễn Hữu Vinh cũng là một sự kiện mang tính bản lề đối với thế tương quan chính trị.
RFI: Như vậy, theo anh thì liệu có mối tương quan nào đó giữa số phận hai nhân vật Nguyễn Hữu Vinh và Dương Chí Dũng?
Nếu đúng như một số dư luận suy luận, thì khó có thể nói khác hơn là “Phe lợi ích” đã tạm đủ tự tin để chuyển sang thế phản công, sau một thời gian rơi vào tình thế co thủ bị động. Thế giằng co chính trị đã bắt đầu bị phá vỡ.
Còn có một luồng dư luận khác, tuy không đưa ra cơ sở nào, lại cho rằng sở dĩ ông Vinh cho tới giờ này mới bị bắt là bởi ai đó muốn “để dành” ông cho một dịp đặc biệt. Và người ta nghi vấn là Hội nghị trung ương 9 chính là “dịp đặc biệt” đó. Có thể một nhân vật cao cấp nào đó, người bị cho là “bức tường” của ông Nguyễn Hữu Vinh, sẽ bị đem ra mổ xẻ, kể cả bị truy tìm những mối quan hệ với các tổ chức người Việt hải ngoại – một lối truy xét mà các cơ quan an ninh Việt Nam rất “mê”.
Thêm vào đó, việc bắt ông Vinh ngay trong bối cảnh Nhà nước Việt Nam đang phải nhượng bộ trước áp lực về nhân quyền của cộng đồng quốc tế và ngay trước cuộc đối thoại nhân quyền Việt - Mỹ sẽ diễn ra vào giữa tháng 5/2014 cho thấy phải vì một lý do gì đó thật đặc biệt, nhà nước mới dám bắt ông. Dù tôi vẫn tin rằng ông là một người dám đấu tranh cho sự thật, trong đó có sự thật về những mảng màu tối từ Trung Quốc.
RFI: Như vậy có thể hiểu rằng những bài viết bất đồng chính kiến hay tinh thần chống Trung Quốc của ông Nguyễn Hữu Vinh không hẳn là nguyên cớ chính khiến ông bị bắt?
Theo tôi, hãy để cơ quan an ninh điều tra và các chính khách tự chứng minh giả thiết đó. Nhưng nói gì thì nói, những gì mà tôi biết về bài viết của Nguyễn Hữu Vinh cũng gần giống nhiều bài báo thể hiện bất đồng quan điểm và nói lên sự thật của blogger Trương Duy Nhất - người bị bắt đúng một năm trước đây, cũng vào tháng Năm như ông Vinh.
Mà nếu chỉ xét theo tư tưởng và nội dung bài viết thì sẽ khó để ghép ông Vinh vào tội danh điều 258, và càng khó để ghép vào điều 88 về “tuyên truyền chống nhà nước” hay điều 79 về “âm mưu lật đổ chính quyền” như tôi từng bị. Dù gì thì Nhà nước Việt Nam cũng đã gia nhập Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc và cần phải tuân thủ điều 19 của Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, trong đó có quyền tự do chính kiến và tự do biểu đạt.
RFI: Nếu giả thiết về động thái bắt ông Nguyễn Hữu Vinh là nhằm giải quyết vấn đề nội bộ, anh có cho rằng quyền tự do chính kiến của giới dân chủ và nhân quyền ở Việt Nam bị ảnh hưởng từ vụ bắt giữ này?
Đó là ẩn số rất đáng giải đáp, vào ngay lúc này chứ không thể muộn hơn. Nếu bài toán bắt ông Vinh chỉ chủ yếu tạo ra những xung lực về nhân sự, tất nhiên mục tiêu răn đe đối với những người phản kháng Trung Quốc chỉ là tác động phụ và nương theo mục tiêu chính. Tính trùng hợp về thời điểm bắt giữ ông Nguyễn Hữu Vinh và vụ giàn khoan Trung Quốc xâm phạm lãnh hải Việt Nam cũng có thể chỉ là ngẫu nhiên. Còn mục tiêu răn đe đối với giới bất đồng chính kiến nói chung ở Việt Nam cũng thu hẹp. Nghĩa là sẽ không xảy ra một đợt bắt bớ trên diện rộng sau vụ bắt ông Vinh.
Cần nhắc lại là sau khi ba blogger Trương Duy Nhất, Phạm Viết Đào và Đinh Nhật Uy liên tiếp bị bắt vào giữa năm 2013, tâm trạng phần lớn giới hoạt động dân chủ và nhân quyền ở Việt Nam đã hoang mang thật sự. Một số người đã chuẩn bị sẵn ba lô khăn gói để “lên đường”. Cùng lúc đó lại xuất hiện “bản danh sách 20” rất mơ hồ về nguồn gốc nhưng càng làm tình hình rối tung, làm cho nhiều blogger lo sợ mình sẽ nằm trong hai chục nhân vật bị “nhập kho”. Nhưng đến tháng 7/2013 thì tình hình đã lắng lại, lo âu dần qua. Thậm chí còn diễn ra việc trả tự do ngay tại tòa cho cô Phương Uyên.
Tôi cho rằng tình hình hiện thời cũng tương tự như thời điểm giữa năm 2013, tức chưa có gì đáng bi quan đối với giới bất đồng chính kiến. Còn khách quan mà xét, hầu hết mọi người đều thấy rằng tình hình nhân quyền năm nay so với năm trước đã thông thoáng hơn khá nhiều do các tác động và áp lực từ quốc tế. Dù gì thì khuynh hướng “xuất kho” cũng sẽ áp đảo cơ chế “nhập kho”, tức số người được thả sẽ nhiều hơn số người bị bắt. Từ đầu năm 2014 đến nay, tương quan như thế đã khá rõ: chính quyền đã thả năm tù nhân chính trị, lần lượt là Đinh Đăng Định, Nguyễn Hữu Cầu, Cù Huy Hà Vũ, Vi Đức Hồi và Nguyễn Tiến Trung; trong khi bắt ba người, gồm Bùi Thị Minh Hằng và hai người trong vụ ông Nguyễn Hữu Vinh, mà chưa biết số phận của họ sẽ ra sao.
RFI: Thế còn số phận của các chính khách sẽ thế nào trong một đại cục đầy xáo trộn mà anh cho là “cơn bão lớn” sẽ xảy ra tới đây?
Thực tình tôi không mấy quan tâm đến giới chính khách lãnh đạo đất nước, vì họ có vùng vẫy gì chăng nữa thì cũng không thoát khỏi quy luật đào thải.
Nhưng tôi vẫn tiếc cho một vài chính khách cao cấp. Có lúc họ đã có cả thiên thời lẫn nhân hòa, được khá đông người dân kỳ vọng. Tuy vậy, chỉ nói mà không làm lại chẳng có ý nghĩa gì với người dân, đặc biệt là với một số đông dân chúng đang chịu đủ chuyện khổ ải. Còn bây giờ thì đã muộn, quá muộn rồi ! Những chính khách từng được coi là đạo đức và tâm huyết đó đã gần như mất sạch cơ hội. Họ chỉ còn là cái bóng trong tâm trí người dân mà thôi. Ngược lại, cơn bão lớn trong và sau Hội nghị trung ương 9 đang chờ đón họ, một cơn bão mà có thể khiến họ mất rất nhiều quyền lực.
Về thực chất, Hội nghị trung ương 9 là một cuộc “tái cơ cấu nhân sự” mang tính bản lề, dọn đường cho cuộc đua đến đại hội đảng 12 vào năm 2016. Nếu mọi chuyện vẫn diễn ra theo logic hiện nay, nhữg người thuộc “Phe lợi ích” sẽ có nhiều cơ hội để mỉm cười.
Nhưng dù là phe nhóm chính trị nào, các chính khách đều đã biến mất trong tâm trí và cả con tim của nhân dân.
RFI: Nếu không quan tâm đến giới chính khách, những trí thức như anh sẽ làm gì?
Tôi cũng đang tự hỏi mình như vậy. Và tôi cũng tự hỏi rằng trong tình cảnh hỗn mang hiện thời, giới trí thức đứng ở đâu? Đáng tiếc là gần đây đã có một số trí thức tự chọn cho mình con đường thỏa hiệp với giới quan chức không thuộc phe này thì cũng phái kia.
Xin nêu rõ quan điểm của tôi: cách tốt nhất và có tâm nhất mà giới trí thức phản biện cần thể hiện tính độc lập và khách quan của mình là không nên dính dáng hoặc thỏa hiệp với bất cứ một phe phái chính trị nào. Đơn giản là “Bên nào thắng thì nhân dân đều bại”.
RFI: Chúng tôi xin chân thành cảm ơn nhà bình luận Phạm Chí Dũng đã vui lòng dành thì giờ trả lời phỏng vấn của RFI Việt ngữ.
T. M.
Nguồn: Viet.rfi.fr
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét