13/05/2014
“Bắt cá nhiều tay” và “Không chốn dung thân”
Phạm Chí Dũng
Giàn khoan HD-981 của Trung Quốc đang neo đậu trái phép tại vùng biển của Việt Nam. Ảnh sưu tầm từ Internet.
Trong số các quốc gia mà cần phải gây hấn để hướng dư luận Trung Quốc ra bên ngoài, Việt Nam đương nhiên ở vào thế yếu nhất và dễ bị o ép nhất. Chính sách “Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước” từ nhiều năm qua đã trở nên phản tác dụng đến mức kế hoạch tính toán bắt cá nhiều tay đã trở nên một bài học kinh điển về hậu quả mà rốt cuộc Hà Nội không còn bất cứ đồng minh và càng không thể nói đến bạn hữu nào.
Cho dù nhiều khả năng chiến dịch xâm phạm chủ quyền lãnh thổ Việt Nam của Trung Quốc mới chỉ tạm dừng ở mục tiêu thăm dò và chiến thuật khiêu khích, nhưng phản ứng của toàn bộ ban lãnh đạo đảng cầm quyền ở Việt Nam đã trở nên nhu nhược chưa từng thấy. Tình hình đó đang phát triển nhanh đến mức mà một số giới quan sát cho rằng trong thời gian tới, Bộ Chính trị Việt Nam có thể bỏ mặc cho người Hán muốn làm gì thì làm ở khu vực biển Đông – PCD.
|
“Không chốn dung thân”
Rất ít khả năng Trung Quốc tấn công Việt Nam ngay tại thời điểm này.
Nhưng bất chấp thái độ khiêm nhường quá đáng của chính quyền Hà Nội, hình ảnh khổng lồ của giàn khoan mang số hiệu 981 của người bạn “Bốn Tốt” ngạo nghễ trấn ngự ngay trong vùng lãnh hải Việt Nam vẫn trở thành tiêu điểm dư luận trong tuần qua.
Nếu cần phải nhìn lại, người ta sẽ không mấy khó khăn nhận ra một hệ thống dấu hiệu: cứ mỗi khi nội tình Nội Hán có hiện tượng động loạn, Bắc Kinh lại mở ra một chiến dịch gây hấn nho nhỏ với các quốc gia láng giềng như Philippines, Việt Nam và cả Nhật Bản. Logic này đã diễn biến gia tăng ở Việt Nam từ giữa năm 2011, khiến nổ ra 11 cuộc biểu tình chống Trung Quốc của người dân hai thành phố Hà Nội và Sài Gòn, và cho đến cả giờ đây khi đã có gần hai chục cuộc biểu thị phản đối lòng tham Trung Nam Hải.
Hàng loạt nguy cơ xuất hiện từ làn sóng phản kháng của người Duy Ngô Nhĩ và khu vực Tây Tạng, cộng với cường độ sức ép mạnh mẽ của bất ổn xã hội ngay trong lòng Nội Hán, đã khiến Bắc Kinh một lần nữa phải hướng dư luận trong nước ra bên ngoài vào cuối tháng 4, đầu tháng 5/2014. Không gian bên ngoài đó, hữu hiệu và mang tính dân tộc chủ nghĩa nhất, chính là biển Đông. Đây cũng là điểm nối giữa các đời Tổng bí thư – Chủ tịch nước ở Trung Quốc, và cho tới giờ là sự thể hiện cực quyền của nhân vật được coi là quyền uy thứ hai trên thế giới – Tập Cận Bình.
Trong số các quốc gia mà cần phải gây hấn để hướng dư luận Trung Quốc ra bên ngoài, Việt Nam đương nhiên ở vào thế yếu nhất và dễ bị o ép nhất. Chính sách “Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước” từ nhiều năm qua đã trở nên phản tác dụng đến mức kế hoạch tính toán bắt cá nhiều tay đã trở nên một bài học kinh điển về hậu quả mà rốt cuộc Hà Nội không còn bất cứ đồng minh và càng không thể nói đến bạn hữu nào.
Cho dù nhiều khả năng chiến dịch xâm phạm chủ quyền lãnh thổ Việt Nam của Trung Quốc mới chỉ tạm dừng ở mục tiêu thăm dò và chiến thuật khiêu khích, nhưng phản ứng của toàn bộ ban lãnh đạo đảng cầm quyền ở Việt Nam đã trở nên nhu nhược chưa từng thấy. Tình hình đó đang phát triển nhanh đến mức mà một số giới quan sát cho rằng trong thời gian tới, Bộ Chính trị Việt Nam có thể bỏ mặc cho người Hán muốn làm gì thì làm ở khu vực biển Đông.
Ngược hẳn với ý chí tự tôn bất chấp của Đại Hán, đất nước Giao Chỉ năm xưa đang luôn cúc cung một thái độ không thể khác hơn là quỵ lụy. Thái độ phản đối quá sức yếu ớt của Phó thủ tướng Phạm Bình Minh đối với Quốc vụ viện Trung Quốc đã khiến dư luận và giới quan sát phải đặt dấu hỏi nặng chịch về năng lực thực chất của vị ứng viên này nếu ông ta muốn vươn đến chức vụ Thủ tướng trong tương lai.
Vụ dùng giàn khoan dầu khí xâm phạm lãnh hải Việt Nam còn phát ra một linh cảm rất tệ về dã tâm thôn tính của Bắc Kinh trong vài ba năm tới. Hầu như chắc chắn, dã tâm đó sẽ chyển sang hành động rất cụ thể vào bất cứ khi nào chế độ chính trị Hà Nội đủ phân hóa đến mức tê liệt sức đề kháng, cộng hưởng bất ổn và phản kháng xã hội sôi trào.
Không còn đồng minh, cũng chẳng còn bạn bè, lại phải đối diện với tình cảm bất mãn quá sâu xa và chỉ chực chờ bùng nổ của dân chúng, giới lãnh đạo nhìn sang nhiều phía ở Hà Nội đang nghĩ gì về tác phẩm văn học “Không chốn dung thân”?
“Thoát Trung” hay còn gì khác?
Một động thái khác cũng rất đáng lưu tâm trong tuần qua là cùng thời gian xảy ra vụ giàn khoan 981 của Trung Quốc, một trong những tiếng nói “thoát Trung” mạnh mẽ ở Hà Nội là blogger Ba sàm Nguyễn Hữu Vinh đã bị bắt khẩn cấp. Tuy điều luật bắt giữ blogger này không hề đề cập đến yếu tố Trung Hoa, và chắc chắn sẽ không có chuyện đó, nhưng dư luận về sự khuất tất của động cơ bắt bớ có thể đã là quá đủ.
Tất nhiên, không thể trách cứ dư luận khi đã từng xảy ra những tiền lệ – ít nhất hai blogger là Phạm Viết Đào và Đinh Nhật Uy đã bị bắt và bị truy tố vào năm 2013 mà mọi người đều biết ít nhiều có liên quan đến “tội” phản kháng Trung Quốc. Còn trước đó, Điếu Cày Nguyễn Văn Hải là một trường hợp tiêu biểu, và thân phận của ông vẫn còn nằm nguyên trong chốn lao tù chưa biết đến khi nào.
Nhìn sang một khía cạnh khác, một luồng dư luận bổ sung lại nghi vấn động thái bắt giữ blogger Ba Sàm có liên quan đến những động thái ngày càng phức hợp và có vẻ mang tính kích nổ trên chính trường. Một chi tiết rất đáng chú ý là thời điểm bắt Ba Sàm chỉ trước khi khai mạc Hội nghị trung ương 9 có ba ngày. Chi tiết này càng trở nên có tính tham khảo nếu đối chiếu lại vụ bắt giữ một cán bộ nội chính của Thành ủy TP.HCM vào tháng 7/2012, cũng chỉ trước hội nghị trung ương 6 một thời gian ngắn.
Cùng thời gian xảy ra các vụ giàn khoan 981 và vụ bắt giữ Ba Sàm, nguyên Tổng giám đốc Vinalines Dương Chí Dũng vẫn phải nhận án tử hình tại phiên xử phúc thẩm đúng vào ngày kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ. Trái ngược với vẻ tươi cười tự tin trước đó, dường như nhân vật có tên “Ụ nổi” đã mất hẳn hy vọng được sống. Tình cảnh trái ngược như thế không thể không khiến phát sinh một luồng dư luận rất đặc thù: khi không còn khai thêm được bất kỳ thông tin nào có giá trị, đặc biệt là giá trị nội bộ, số phận của Dương Chí Dũng đã bị phủi tay. Nhưng ngược lại, số phận của “Phe lợi ích” lại trở nên khả quan nhất từ sau cái chết của viên Thứ trưởng công an Phạm Quý Ngọ vào ngày 18/2/2014.
Nối vòng tay lớn
Trong bối cảnh chính trường sôi động khúc bi ca, hoạt động của xã hội dân sự cũng không hề trầm lắng. Ngày 4/5/2014, lần đầu tiên trong lịch sử hình thành xã hội dân sự ở Việt Nam, 13 hội đoàn dân sự độc lập đã cùng ký tên vào một bản tuyên bố chung, đòi hỏi thái độ minh bạch của chính quyền đối với quyền lập hội và công khai phản ứng không khí sách nhiễu không thể chấp nhận của một số cơ quan an ninh đối với các thành viên của xã hội dân sự.
Sau vụ bắt giữ blogger Ba Sàm, dường như nhu cầu nối vòng tay lớn giữa các hội đoàn dân sự đang tăng tiến vượt bậc. Trước những khó khăn gây ra từ phía chính quyền, hầu hết các hội đoàn dân sự đều cảm thấy rủi ro có thể xảy đến với bất kỳ ai, và việc chia sẻ rủi ro với nhau trước khi nói đến những việc lớn lao và vĩ đại hơn, là một đức tính không thể thiếu của con dân nước Việt trong cơn hoạn nạn.
Chủ đề thành lập Hội nhà báo độc lập Việt Nam cũng bởi thế đang được khơi lại và có thể thành hình trong một tương lai không quá xa.
P.C.D.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét