Bài đăng phổ biến

Thứ Ba, 12 tháng 5, 2015

ĐẤT VÀ NGƯỜI LÀNG NHÂN KIỆT


ĐẤT VÀ NGƯỜI LÀNG NHÂN KIỆT

百代地靈高仰望
萬年仁傑永流傳
Phiên âm:
Bách đại địa linh cao ngưỡng vọng
Vạn niên Nhân Kiệt vĩnh lưu truyền
Nghĩa: Đất thiêng trăm đời ngưỡng vọng
Người hiền vạn thủa lưu truyền.
Nuyễn Đào Trường
            Làng Nhân Kiệt, xã Hùng Thắng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương cũng giống như bao làng quê Việt Nam.  Nghề thuần nông là chính, có chợ nhỏ họp ngay đầu làng, hai dẫy quán xây gạch lợp ngói, vài ba lều quán tre lá, còn đại bộ phận mua bán ngoài trời. Chủ yếu phục vụ nhu cầu thiết thực cho dân trong làng và mấy làng lân cận như Hoà, Ché, Lý Đỏ, Tuấn. Trong làng được chia ra các xóm, xung quanh đều có luỹ tre bao bọc, mỗi xóm chỉ một cổng duy nhất ra vào, ban đêm được tuần đinh đóng chặt phòng trộm cướp. Diện tích: 172.000m2, đất canh tác: 456 mấu bắc bộ, tương đương 174 ha và khoảng 5 ha đất thổ cư với tổng số dân 2600 người (Số liệu cách đây trên 10 năm).
            Tên cũ là làng Thanh Trung 清忠 có nghĩa: (Giữ lòng trung quân  như nước trong không một gợn đục) được hình thành từ thời xa xưa(Khoảng thế kỷ X) sau công nguyên. Thuộc tổng Bằng Giã bao gồm thôn Hồ Liễn, Tuấn Kiệt, Nhân Kiệt. Địa dư cũ  của làng khu Ba Đống, xứ đồng trong phía Nam sông Sặt. Khi xưa quan Đại Tư Đồ Đinh Điền(910 - 979) cùng dẹp loạn 12 sứ quân là một giai đoạn loạn lạc của lịch sử Việt Nam, xen giữa nhà Ngô và nhà Đinh. Giai đoạn này phát triển mạnh từ khi Dương Tam Kha cướp ngôi nhà Ngô, các nơi không chịu thuần phục, các thủ lĩnh nổi lên cát cứ một vùng và đem quân đánh lẫn nhau. Loạn 12 sứ quân kéo dai hơn 20 năm (944-968) và chỉ kết thúc khi Đinh Bộ Lĩnh thống nhất đất nước, lập ra nhà nước Đại Cồ Việt, nhà nước phong kiến tập quyền đầu tiên trong lịch sử dưới triều Đinh Bộ Lĩnh. Vua Đinh  bị quan nội hầu Đỗ Thích ám hại, nhà Đinh suy tàn, Thái Hậu Dương Vân Nga nhiếp chính trao áo bào cho Lê Hoàn. Nhà tiền Lê ra đời, Lê Hoàn lên ngôi Vua, một số tướng lĩnh cũ của nhà Đinh không theo, họ một mực trung quân ái Quốc không thờ hai Vua. Lập căn cứ chống lại Lê Hoàn trong đó các ông Nguyễn Bặc, Đinh Điền, Lưu Cơ, Trịnh Tú. (4 ông có bài vị hiện đang thờ "Tứ trụ" trong đền Vua Đinh Tiên Hoàng ở Hoa Lư, Ninh Bình). Đinh Điền lui về vùng Ba Đống, Thanh Trung(Nhân Kiệt)năm 971 thế kỷ X(Tư liệu bảo tàng tỉnh Hải Dương) chống lại Lê Hoàn, nuôi trí phục quốc. Vị thế khu Ba Đống, Thanh Trung nơi ngã ba sông, phía bắc qua Cẩm Giang, đi Gia Bình, Bắc Ninh. Phía đông đi thị xã Hải Dương thông ra sông Thái Bình. Phía tây đi Yên Mỹ Hưng Yên thông với sông Hồng. Bên kia sông, phía Bắc có đường bộ Quốc lộ số 5, phía Tây đi Hà Nội, phía Đông đi Hải phòng, mặt Nam có con đê cao to, phía Tây nối với thị trấn Kẻ Sặt đi Ân Thi, phía Đông đi làng Cậy thông xuống Gia Lộc. Địa điểm này bãi rộng đất cao, có 3 đống núi tự nhiên, tổng diện tích vào cỡ gần 100 ha, khu triều bãi sông, rộng sang tới rộc tuần Ché nơi đắc địa quẻ ly ( ), hai hào dương kẹp giữa hào âm, tượng hoả cương cường, hanh, lợi, trinh, bốn phương hướng về phía Nam. Lợi dụng vùng sông nước rất tiện cho việc dụng binh, quân lính lên chiến thuyền chèo đi thoăn thoắt như xuất quỷ nhập thần, đỡ tốn sức, nhanh hơn nhiều lần hành quân đường bộ, tiến có thể đánh, lui có thể giữ.  Nhiều địa danh tên gọi mang tính quân sự vẫn còn tới ngày nay người làng Nhân Kiệt ai ai đều biết như: Khu nhà cơ, khu Vườn Hồng, khu Nội Trại cánh đồng ruộng Lính, cánh Bờ Du cùng ba ngôi chùa: Chùa Pheo, chùa Đống, chùa Vậm(có tên chữ chùa Thanh Vân) và ngôi Nghè thờ tiến sỹ Phạm Đỉnh Chung 范鼎鍾 người xã Tuấn Kiệt, huyện Đường An, Điền Hạ, đỗ tiến sỹ khoa thi năm Giáp Thìn niên hiệu Bảo Thái thứ 5(1724), tất cả đều xây bằng gạch đất nung, tường bao xung quanh, cổng ngõ chu đáo, bia đá ghi sự tích rõ ràng, từ xa xưa hàng năm hai làng Tuấn Kiệt, Nhân Kiệt(Vốn cùng làng Thanh Chung cũ) vẫn mở hội rước kiệu, cúng tế thờ chung tại Nghè, tên được gọi chung Nghè xã Tuấn Kiệt. Chỉ sau này Nghè bị phá, san phẳng, bia đá đem nung vôi, đất nghè biến thành ruộng lúa làng Nhân Kiệt, không dấu tích và hết cả nghi lễ rước kiệu thờ cúng chung từ đấy.  Ngoài ra làng Nhân Kiệt còn có các bậc túc nho  cụ tú tài Nguyễn Trường Phớt, nho sinh cụ Nguyễn Đức Tuỵ… Các cánh đồng làng đều có quán cột đá tường xây lợp ngói, để người dân làm đồng, khách vãng lai tránh mưa nắng nghỉ trưa, quán đá cánh đồng Cầu Kiêu, Đường Cả, Chùa Vậm, Mả Giầu, Ngã Tư, đặc biệt quán đá Ngã Tư xây 5 gian to đẹp trên diện tích gần một sào Bắc Bộ, chính đường thập đạo phía Đông đường từ làng ra, phái Tây đi làng Đỗ Xá, phía Nam đi làng Lý Đỏ, phía Bắc đi làng Tuấn Kiệt, ngay cạnh quán có chuôm nước sâu rộng chừng 5 sào lấy nước tưới, tiêu cho cánh đồng rất tiện lợi cho làm nông nghiệp. Nhà Cơ: chắc chỗ cơ, đội lính đóng quân, Vườn Hồng chắc hẳn là khu gia binh, Nội Trại là trung tâm chỉ huy doanh trại, còn cánh đồng ruộng Lính thì hẳn là ruộng dành cho binh lính cầy cấy, với tinh thần ngụ nông ư binh(寓農於兵) bình yên thì cày cấy, động thì cầm gươm giáo chiến đấu chống giặc, bờ Du có thể nơi vui chơi, thể thao giải trí cho binh lính. Vì thế đình làng Nhân Kiệt(tin rằng nhiều sác phong của các triều đại phong kiến đương thời), rất tiếc ngày nay không còn. Thờ Thành Hoàng làng là vị quan Đai Tư Đồ Đinh Điền, triều đại Vua Đinh Tiên Hoàng. Đinh Điền không những thờ ở đình Nhân Kiệt mà còn rất nhiều nơi khác thờ ông, ví như đình làng Đông Xá, xã Liêm Cần, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam vẫn còn nhiều sắc phong, thần tích liên quan đến xã Tuấn Kiệt, tỉnh Hải Dương qua bài thơ cổ:
Anh linh phổ chấn cửu lai
Ninh Bình tám xã xứ Đoài mấy hương
Xã Tuấn Kiệt, tỉnh Hải Dương
Cùng làng Đông Xá quý hương đất nhà
Lập đền phụng sự nguy nga…
              Vì thực hiện chủ trương tiêu thổ kháng chiến, trong cuộc chống Pháp(1946 - 1954) xoá bỏ những cái gọi là tàn dư đế quốc phong kiến, thế kỷ XX đình làng Nhân Kiệt 仁傑 to đẹp, hoành tráng, bề thế nhất vùng bị phá huỷ chỉ còn gian hậu cung sập sệ dột nát, bia đá cũng đập sạch, không còn đạo sắc phong nào của các triều đại trước. Ba cổng lối vào đình bị phá, duy nhất còn cổng lớn 3 tầng nhưng hư hại nhiều, xuống cấp nặng, các cột trụ lớn vẫn còn  đôi câu đối chữ Hán cổ như:
 志氣壯山河十二使軍和會聚
明精玄日月雄強萬勝合開邦
Phiên âm: Chí khí tráng sơn hà, thập nhị sứ quân hoà hội tụ
Minh tinh huyền nhật nguyệt, hùng cường vạn thắng hợp khai bang.
Tạm dịch nghĩa: Tập hợp được mười hai sứ quân , sức mạnh bao trùm sông núi
Cao minh sâu sắc huyền diệu, anh hùng vạn thắng mở giang sơn.
             Ngoài ra đình làng Nhân Kiệt còn thờ phối thần một vị: Cụ Nguyễn Đức Nhuận 阮德潤(1672 - 1727) quan tổng Thái Giám, Nhị phẩm, chuẩn Quận Công, tước Hầu, người huyện Đường Hào, tỉnh Hải Dương, khu lăng tẩm bằng đá, 2 khối bia lớn ghi rõ sự tích công lao cống hiến cho dân cho nước của cụ, cùng nhiều linh vật bằng đá tạc nguyên khối rất tinh diệu, thần thái. Hiện vẫn còn tại khu di tích thôn Đạo Khê, xã Trung Hưng, Yên Mỹ, Hưng Yên. Khi xưa dòng họ Nguyễn Đức con cháu cụ tới cư trú  sinh lập cơ nghiệp ở làng Nhân Kiệt, đương thời cụ đã về Nhân Kiệt một thời gian. Cụ mua hiến làng 5 mẫu ruộng tốt, hàng năm lấy hoa lợi chi dùng vào việc cúng tế, góp phần tích cực gìn giữ nề nếp văn hoá, làm vẻ vang cho địa phương, với công lao to lớn nên làng dựng bia phối thần thờ cụ tại đình. Năm 1986 dân làng làm lại  đình mới hoàn toàn trên nền cũ, năm 1994 trùng tu cổng chính và giếng nước. Ngày nay chỉ thờ vọng theo truyền thống, không còn thần phả, đạo sắc bút tích nào.  Do thiên tai, địch hoạ lại có truyền thuyết nói làng ở gần bờ sông, hay bị bọn trộm cướp lợi dụng đường sông lên tấn công cướp bóc xong dễ rút chạy, tẩu thoát theo sông nước. Làng chuyển vào trong đê và mang tên làng Nhân Kiệt từ đấy, có thể còn một bộ phận người làng Thanh Trung vì lý do nào không chuyển đi nên sau đổi tên thành làng Tuấn kiệt. Từ Thanh Trung trở thành hai làng Tuấn Kiệt, Nhân Kiệt một bước ngoặt lịch sử không dấu tích, vấn đề đặt ra cho hậu thế suy ngẫm.  Hình thành từng xóm 1,2,3,4,5 cho tới ngày nay. Làng Nhân Kiệt bây giờ(Tức làng Thanh Trung xưa) chắc chắn có dấu ấn sơ khai của cụ Đinh Điền cùng binh lính, dân binh khi cụ lập căn cứ đóng tại đây dẹp loạn 12 xứ quân, khi ấy vùng Hải Đông(Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh) đang có xứ quân của tướng Phạm Bạch Hổ tức Pham Phòng Át(910-972) chiếm đóng, chỉ sau vài lần giao tranh, tướng Phạm Phòng Át đã đầu hàng và quy phục quân tướng của Đinh Bộ Lĩnh. Lúc cụ Đinh Điền hành binh về Ninh Bình hợp với quân Nguyễn Bặc chống Lê Hoàn. (Tất nhiên phải để số vợ con, cha mẹ, cùng những người già yếu ở lại làng Thanh Trung Nhân Kiệt). Khi giao chiến trên sông bị Lê Hoàn dùng kế hoả công theo chiều gió thuận đốt sạch đoàn thuyền chiến của Đinh Điền, Nguyễn Bặc. Đinh Điền tử trận(năm Kỷ Mão 979), Nguyễn Bặc bị bắt sau cũng bị giết, đoàn quân phục quốc tan rã. Làng Nhân Kiệt từ xưa đến nay vẫn là làng to nhất trong vùng, dân số hiện thời trên 3.000 người, trong số này bao nhiêu là hậu duệ mang dòng máu quan, lính Đinh Điền xưa kia, có nhẽ đấy cùng là lý do cho thấy làng Nhân Kiệt to, đông người, nhiều dòng họ. Chưa kể những người có gốc từ làng đi học tập, công tác, làm ăn sinh sông định cư các địa phương khác trong toàn quốc. Gần 30 dòng họ khác nhau trong làng, nhiều họ không rõ nguồn gốc xuất xứ từ đâu. Đã 10 thế kỷ đi qua, cá biệt có họ chỉ khoảng trên chục gia đình. Đặc biệt không gia đinh nào mang họ Đinh.
 Cổng Đình mới trùng tu, đôi câu đối cổ:
志氣壯山河十二使軍和會聚
明精玄日月雄強萬勝合開邦
Đình làng Nhân Kiệt làm mới hoàn toàn
Mả Giầu: 18/2/1953 nơi Pháp đỗ trực thăng lấy xác
ĐINH ĐẠI VƯƠNG TỪ
Cánh đồng Mả Giàu làng Nhân Kiệt

VỊ TRÍ ĐỊA GIỚI
LÀNG NHÂN KIỆT
         - Bắc giáp sông Sặt, bên kia sông là huyện Cẩm Giàng
         - Nam giáp cánh đồng làng Lý Dỏ, xã Tân Việt. Làng Lý Dương, xã Vĩnh Hồng
         - Đông giáp cánh đồng làng Hoà, Ché
         - Tây giáp cánh đồng làng Tuấn Nam cùng xã. Làng Lý Đông, xã Tân Hồng
         Thời kỳ kháng chiến chống Pháp thế kỷ XX(1946-1954)mảnh đất con người làng Nhân Kiệt đã anh dũng kiên cường đào hào đắp luỹ, rào làng chiến đấu đánh nhau với quân Pháp rất nhiều trận làm quân địch thiệt hại nặng nề, có những cuộc địch càn quét tới vài ngày, dân quân du kích trong làng mưu trí, anh dũng chống trả địch quyết liệt, chúng không thể vào được làng, địch phải gọi máy bay trực thăng đậu xuống Mả Giầu tha ma ở cánh đồng cạnh làng để chở lính bị thương, xác chết. Lần khác địch bố trí lực lượng mạnh hơn, có đại bác từ xa chi viện, quân ta kháng cự không nổi, đó là trận càn ngày 18/2/1953, vào được làng chúng đốt phá sạch không sót nhà nào, thậm chí đến cả nhà ngói 2 tầng như nhà ông ký Sách, chúng cho mìn giật nổ tan tành, 18 du kích làng bị địch bắt. Vì sự tàn ác giã man của địch, chúng càn đi quét lại bắn giết không tha một ai nếu không may rơi vào tay chúng, một số làng bên cạnh giao động đã tạm thời quy phục chịu lập làng tề để đỡ tổn thất, riêng làng Nhân Kiệt kiên quyết chống trả không bao giờ khuất phục, không chịu lập làng tề, mặc dù làng bị triệt hạ tan nát, nhiều người bị bắt, bị giết tang tóc đau thương ảm đạm bao trùm, cũng không làm nhân dân nản lòng, căm hờn biến thành sức mạnh, cuối cùng làng Nhân Kiệt đã chiến thắng hoàn toàn. Cuộc kháng chiến chống Pháp 9 năm kết thúc thắng lợi, xã Hùng Thắng trong đó có làng Nhân Kiệt được nhà nước phong tặng danh hiệu "Anh hùng lực lượng vũ trang". Duy nhất toàn tỉnh Hải Dương, trên gác 2 nhà Bảo Tàng tỉnh còn lưu giữ, trưng bày mô hình làng chiến đấu chống Pháp(1946 - 1954) đó chính là làng nhân Kiệt, xã Hùng Thắng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương. Các bậc tiền bối cha ông người làng đã để lại dấu ấn đậm nét oai phong, lẫm liệt trong lịch sử huy hoàng chống ngoại xâm của toàn dân tộc Việt. Rõ ràng người làng Nhân Kiệt ngày nay mang trong mình dòng máu kiên trung bất khuất, anh dũng hùng cường của những quan lính, binh sỹ thời Đinh Điền làng Thanh Trung khi xưa. Trong niềm kiêu hãnh, tự hào ngẩng cao đầu cho các thế hệ mai sau của làng.

           Trong công cuộc chống chiến tranh phá hoại bằng không quân của Mỹ trên toàn miền Bắc, đánh Mỹ nguỵ ở miền Nam, làng Nhân Kiệt tuy không trực tiếp đối mặt chiến trường. Nhưng với tinh thần cháy bỏng thống nhất giang sơn tổ quốc, vì miền Nam ruột thịt, thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người đã vận động, tự nguyện đưa hàng nghìn con em trai trẻ hăng hái lên đường nhập ngũ, chiến đấu trên khắp các chiến trường miền Nam, cùng nhân dân cả nước làm lên chiến thắng lưng lẫy địa cầu mùa xuân năm 1975 thống nhất đất nước. Cả hai cuôc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ(1946-1975) làng Nhân Kiệt có 67 liệt sỹ hy sinh vì Tổ Quốc, hàng trăm thương bệnh binh. Được nhà nước tặng thưởng nhiều huân huy chương các loại, hàng trăm dũng sỹ, chiến sỹ thi đua. Nhất là sản sinh ra thế hệ vàng tiêu biểu như các cụ: Nguyễn Ngọc Sơn nguyên bí thư tỉnh uỷ Hải Dương. Phạm Lê Bình nguyên tỉnh uỷ viên, trưởng ty thông tin văn hoá. Nguyễn Đăng Diễn đại tá nguyên phó ty công an tỉnh Hải, cùng nhiều cán bộ trung cao cấp trong hội đồng hương chúng ta.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét