Bài đăng phổ biến

Thứ Tư, 6 tháng 5, 2015

BÁC TRỌNG LÀM THEO AI

07/05/2015

Bác Trọng làm theo lời dạy của Bác Hồ hay lời dạy của các bác khác?

Vũ Cao Đàm
Thưa Bác Nguyễn Phú Trọng.
Từ nay đến Đại hội XII đã không còn xa nữa.
Tôi viết bài này với mong muốn được góp phần với Bác để Bác cùng với bộ máy tham mưu của Đảng chuẩn bị cương lĩnh chính trị cho Đại hội XII.
Tôi là giảng viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, nơi Bác Nguyễn Phú Trọng đã từng theo học. Với tinh thần anh em cùng trường với nhau, tôi xin có vài lời tâm tình ruột gan gửi Bác. Tôi học trước Bác tám khóa, vì vậy tôi hơn Bác một số tuổi cũng kha khá. Vì vậy Bác cho phép tôi tếu táo vui vui một chút, vì tôi vốn không quen bẩm báo thưa gửi quá trịnh trọng với các chính khách, nhất là chính khách thượng thặng như Bác.
Tôi xin nêu vài câu hỏi hơi có vẻ ngây ngô để Bác Trọng suy ngẫm: “Bác Trọng có ý định đi theo Bác Hồ hay theo Bác Duẩn, Bác Linh, Bác Mười và các bác khác?”.
Sở dĩ tôi nêu câu hỏi ngớ ngẩn này, là vì tôi thấy các bác này đã đi quá đà, rất xa so với con đường Bác Hồ đã chọn.
Trong khi các bác cổ xúy rất mạnh các phong trào “Làm theo lời Bác”, “Học tập tư tưởng Hồ Chí Minh”, “Đi theo con đường Bác Hồ đã chọn”, v.v., nhưng các bác lại không làm như nói.
Tôi theo dõi các phong trào này có nhận xét như sau:

Nhận xét thứ nhất, thanh thiếu niên, phụ nữ, mỗi đợt thi học tập Bác Hồ thì họ phân công một người văn hay chữ tốt, viết đại một bài dăm bảy trang, rồi cho đánh máy, photocopy cho một chục, hai chục, hàng trăm người. Cuối cùng đếm bài ăn điểm thi đua. Về sau các vị mò ra là dân láu cá, các vị ra điều kiện phải viết tay, thì họ lại viết tay. Viết nhăng viết cuội, vẫn chép của nhau. Tôi cũng đã một lần được mời tham gia hội đồng chấm trong một cuộc thi. Chúng tôi thấy họ chép của nhau tùm lum. Phân vân quá, định hủy cuộc thi. Nhưng các bác khác sợ như thế thì ảnh hưởng phong trào, nên chúng tôi quyết định treo giải cho ai chép được dài nhất và chữ nghĩa ngay ngắn nhất. Chúng tôi lý giải, họ viết nhăng cuội vì họ biết thừa chẳng có ai đọc. Phong trào này tốn tiền tốn của, có hàng nghìn hàng vạn người tham gia, lấy đâu ra nhiều giáo sư tiến sĩ chấm bài.
Đấy là tôi quan sát quần chúng nhân dân.
Nhận xét thứ hai. Tôi không thấy đài báo đăng tin các vị lãnh đạo, như Bác Trọng, Bác Sang, Bác Hùng, Bác Dũng và các vị bí thư, chủ tịch các tỉnh/thành phố học tập Bác Hồ, nên tôi sinh nghi, không rõ các bác và các vị ấy có học tập không. Tôi đoán là các vị không học Bác Hồ, mà nhắm mắt đi theo các bác khác. Tôi xin lấy dẫn chứng những việc sau đây:
Thứ nhất, Bác Hồ gọi tên nước là “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”, Bác Duẩn lại gọi là “Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Tuốt luốt là các bác làm theo lời Bác Duẩn, không ai làm theo lời Bác Hồ nữa. Chắc Bác Hồ buồn lắm.
Thứ hai, Bác Hồ gọi tên Đảng là “Đảng Lao Động Việt Nam”, và có hồi năm 1951 tôi đã được đội thiếu niên dạy bài hát có lời cho dân dễ nhớ: “Đảng Lao Động Việt Nam, đảng của công, nông và muôn lớp người lao động”. Bác Duẩn lại tùy tiện đổi tên Đảng là “Đảng Cộng sản Việt Nam”. Vậy là các bác sau này đã làm theo lời Bác Duẩn, không làm theo lời Bác Hồ nữa.
Thứ ba, Bác Hồ ghi rành rành trong di chúc là xây dựng nước ta thành nước “Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”; ngay sau khi Bác Hồ mất, Bác Duẩn tổ chức Đại hội IV đã không nghe Bác Hồ nữa, mà viết lại là “Xây dựng nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa”. Các bác sau này cứ theo Bác Duẩn suốt, không còn ai làm học trò trung thành của Bác Hồ nữa.
Thứ tư, Bác Hồ bật đèn cho Đảng Dân chủ và Đảng Xã hội hoạt động, đến Bác Linh thì giải tán các đảng này luôn. Bây giờ Bác Trọng định theo Bác Linh, hay quay trở lại theo Bác Hồ đây?
Thứ năm, Bác Hồ đưa ra bản hiến pháp tuyệt vời, là Hiến pháp 1946, thể hiện một nhãn quan chính trị rất hiện đại. Đó là hiến pháp của một nhà nước tam quyền phân lập. Không biết có “thế lực thù địch” nào xúi giục Bác Hồ không, hay đó là bản lĩnh chính trị của bản thân Bác Hồ. Từ Bác Duẩn trở đi, các bác đã vứt Hiến pháp 1946 vào bảo tàng (tất nhiên chưa dám vứt vào sọt rác), quên hẳn lời Bác Hồ răn dạy.
Thứ sáu, tôi có xem một clip Bác Hồ đàm đạo bằng tiếng Pháp với bà phóng viên Pháp Madeleine Riffaud, khi được hỏi Việt Nam có định lệ thuộc Nga Xô hoặc Tàu Cộng hay không, thì Bác Hồ nói một cách dứt khoát, chỉ nói có một (01) từ thôi: “Jamais”, tức là “Không bao giờ”. Bác Hồ không nói vòng vo như các bác khác... thế này, thế nọ, song le, đồng thời, một mặt, mặt khác, v.v. Còn Bác Đồng, Bác Linh, Bác Mười thì tự nguyện đi với Tàu tại Hội nghị Thành Đô, Bác Mạnh thì ba lần mời Tàu vào Tây Nguyên. Đến Bác Trọng thì Tàu vào ồ ạt hơn: chiếm 300 ngàn hecta rừng đầu nguồn, vào cảng sâu Vũng Áng, nắm 80-90% các công trình công nghiệp. Hình như Bác Trọng đang có ý đi theo Bác Linh, Bác Mười, Bác Mạnh chứ không theo Bác Hồ.
Thứ bảy, khi thấy người Pháp gây hấn để tái chiếm Đông Dương, Bác Hồ ra lời kêu gọi kháng chiến, ai có súng dùng súng, ai có gươm dùng gươm... Còn khi Tàu Cộng chiếm Hoàng Sa thì mấy ông tuyên huấn của Bác Duẩn lại báo tin mừng cho chúng tôi biết, là “bạn” đã giúp ta lấy lại Hoàng Sa “từ tay quân ngụy”. Đoạn này Bác Duẩn lẫn to rồi. Bác bảo là người Tàu là giúp ta đánh “quân ngụy”. Hỏi quân ngụy là ai mà dám chiếm đóng Hoàng Sa, thì mới tá hỏa ra là bọn họ cũng là người Việt Nam, đang cầm súng chiến đấu bảo vệ đảo của nước ta. Còn nghe ông tuyên huấn của Bác Duẩn báo tin mừng xong, thì thấy “bạn” đã mang đảo của ta về bên nước Tàu. Tôi trộm nghĩ là chính là ý của Bác Duẩn, vì mấy ông tuyên huấn đi báo cáo thời sự mà nói sai ý Bác Duẩn, thì chắc chắn sẽ bị khai trừ Đảng luôn tú suỵt, chứ không ai tha đâu. Bác Duẩn là quân phiệt lắm đấy. Đảng ta cũng nghiêm minh lắm đấy. Đúng thời kì ấy, Bác Chính, Bác Huỳnh, hai Bác Giang, Bác Nghĩa, và một lô các bác khác khi nghe hơi vài câu nói có mùi xét lại, là phải đi học tập cải tạo cả mấy chục năm ròng.
Bác Linh còn đi xa hơn Bác Duẩn, là đúng thời khắc quân Tàu tấn công Gạc Ma, thì Bác Linh bật đèn cho Bác Lê Đức Anh ra lệnh cho bộ đội đang trấn giữ Gạc Ma phải buông súng để quân Tàu bắn giết, không được kháng cự; ngay cả sau khi quân xâm lược đã chính thức chiếm đảo, Bác Linh lại bò sang Thành Đô xin ngậm vành cắn cỏ hầu hạ Thiên Triều.
Đến Bác Mạnh là còn “hậu sinh khả úy”. Không chờ Tàu đánh, Tàu chiếm, mới hạ lệnh cho bộ đội buông súng, mà ba lần chủ động mời Tàu vào Tây Nguyên.
Các thế lực thù địch nói xấu các bác, bảo là bọn Tàu nó đút lót các bác mấy triệu mấy triệu đô. Tôi không tin, vì các bác là lãnh tụ tối cao của Đảng, đời nào các bác ăn của đút của quân xâm lược ngoại bang. Mà nếu các bác liêm khiết không ăn của đút, thì là (tôi trộm nghĩ) các bác tự nguyện tự giác kéo dân ta vào vòng nô lệ của bọn giặc Tàu khốn nạn.
***
Từ các sự việc trên đây, tôi phân vân xin hỏi: Bác Trọng thực tâm muốn đi theo Bác Hồ, hay thực tâm đi theo Bác Duẩn, Bác Linh, Bác Mười và Bác Mạnh?
Để kết luận bài này, tôi xin được nêu mấy điểm nghĩ gì nói vậy sau đây:
Một là, tôi quán triệt tư tưởng Bác Hồ, hưởng ứng lời kêu gọi của các bác, là phải đi theo con đường Bác Hồ đã chọn, phải làm việc theo gương Bác Hồ vĩ đại. Chính vì vậy tôi mới viết bài này giúp các bác cùng tôi ôn lại mấy bài Bác Hồ đã dạy.
Hai là, tôi đề nghị Bác Trọng cũng phải làm theo lời chính các bác nói, là phải đi theo con đường Bác Hồ đã chọn, phải học tập tư tưởng Hồ Chí Minh, phải làm việc theo gương Bác Hồ vĩ đại, phải làm theo di chúc Bác Hồ. Cụ thể, trong Đại hội XII, phải làm theo những điều sau đây của Bác Hồ:
Thứ nhất, lấy lại tên nước của Bác Hồ, là “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, không dùng cái tên nước của Bác Duẩn, là Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam nữa. Bác Duẩn hơi nóng vội. Bác Trọng là giáo sư chắc giỏi hơn, nhìn xa hơn: Bác Trọng bảo, cuối thế kỷ 21 cũng chưa có chủ nghĩa xã hội đâu. Ý Bác Trọng rất sáng suốt, phù hợp với tư tưởng của Bác Bình (Đặng Tiểu), là thời kỳ quá độ kéo dài một trăm năm, và cũng phù hợp di chúc Bác Hồ, không xây dựng nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Thứ hai, lấy lại tên đảng của Bác Hồ, là “Đảng Lao Động Việt Nam”, không dùng cái tên đảng của Bác Duẩn, là “Đảng Cộng sản Việt Nam” nữa. Cái này Bác Duẩn quá lãng mạn. Bác Trọng tuyệt vời hơn: Đến cái chủ nghĩa xã hội, cái phòng chờ vào chủ nghĩa cộng sản (Lênin) còn chưa có, mà đã gọi tên Đảng là Đảng Cộng sản, thì thật quá ư hấp tấp. Bác Trọng giáo sư, lại là tiến sĩ ngành Xây dựng Đảng, chắc hiểu biết sâu sắc hơn hẳn Bác Duẩn, mải làm cách mạng, thiệt thòi không được học hành nghiên cứu nhiều như Bác Trọng.
Thứ ba, lấy lại Hiến pháp năm 1946 mà Bác Hồ đã cùng với các bậc trí thức thời đó soạn thảo, không dùng các bản hiến pháp của các bác sau này nữa. Tôi nói các bác đừng giận, các bác cứ theo nhau xa rời Hiến pháp 1946, càng ngày càng xa với tư tưởng chính trị của Bác Hồ. Một lần nữa, tôi dám khẳng định đây là tư tưởng chính trị thật sự của Bác Hồ, nó theo Bác đến tận cái ngày Bác viết di chúc, chứ không phải cái bọn thế lực thù địch nào nó xúi bẩy Bác Hồ đâu. Bác Hồ là vững vàng quan điểm lập trường lắm, chứ không như bọn học trò hư đốn của Bác.
Thứ tư, các bác cho lập lại hai cái đảng mà Bác Hồ cùng với Bác Xiển và Bác Yêm xây dựng, trong đó, dù ra quyết định giải tán, Bác Linh cũng phải đã đánh giá cao công lao của hai đảng này, nhưng Bác Linh hơi vội, nói rằng hai đảng này đã hoàn thành nhiệm vụ lịch sử. Ơ! Hoàn thành đâu mà hoàn thành? Bác Linh quên là trong giai đoạn lịch sử mới, vai trò các đảng này của Bác Hồ và Bác Xiển, Bác Yêm còn quan trọng hơn nhiều.
Thứ năm, đặt cương lĩnh xây dựng một nước “Việt Nam hòa bình thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh” đúng như di chúc Bác Hồ, không làm theo tư tưởng của Bác Duẩn ở Đại hội IV (năm 1976), hồi đó gọi là cương lĩnh xây dựng chủ nghĩa xã hội, mà các bác sau này cứ theo nhau làm theo Bác Duẩn mãi. Công nhận Bác Duẩn giỏi, át hết cả vía Bác Hồ. Làm mọi người quên hẳn những lời dạy của Bác Hồ.
Thứ sáu, các bác hãy học cái lời dạy đơn giản của Bác Hồ, là “jamais” trong ý định lệ thuộc Tàu Cộng. Bác hãy lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối Quốc Hội, tuyên bố xóa bỏ mọi hiệp ước bất bình đẳng với Tàu, kiên quyết tống khứ giặc Tàu ra khỏi Tây Nguyên, thu hồi 300 ngàn hecta rừng đầu nguồn, cảng nước sâu Vũng Áng, 80-90% các công trình công nghiệp mà hiện nay vẫn trong tay bọn Tàu thao túng.
***
Làm được sáu việc đó, chắc Bác Hồ vui lắm, chắc Bác Hồ sẽ xoa đầu các bác mà bảo: “Các cháu làm như thế mới là làm theo lời dạy của Bác Hồ, đi theo con đường Bác Hồ đã chọn, mới thực sự làm theo gương Bác Hồ vĩ đại, mới thực sự là học trò trung thành của Bác Hồ, mới xứng đáng cháu ngoan Bác Hồ, chứ chỉ kêu gọi nhân dân mà bản thân mình không làm là không nghiêm túc”.
Tôi đưa bài này cho nhiều bạn xem trước khi gửi Bauxite Việt Nam, thì họ chê tôi là vẫn còn hữu khuynh lắm, phải thực hiện những bước xa hơn nữa. Tôi hiểu. Nhưng thôi, làm được như thế cũng là quí lắm rồi. Trước mắt cứ làm y xì theo Bác Hồ cái đã.
Bác Trọng ạ. Bác cứ nói là “Tao làm theo Bác Hồ”, thì tôi thề, không đứa nào dám cãi Bác Trọng đâu, mà Bác Trọng lại được lòng dân. Bác Trọng lại được Bác Hồ gọi là đệ tử ruột, là học trò trung thành. Bố thằng nào dám đánh Bác Trọng. Đứa nào đánh Bác Trọng, dân tôi, anh em Trường Đại học Xã hội và Nhân văn chúng tôi sẽ xông ra bênh vực Bác Trọng. Tất nhiên chúng tôi chỉ có võ mồm. Nhưng võ mồm cũng được việc lắm đấy.
Còn nếu Bác Trọng có tài như Bác Duẩn, dám át cả vía Bác Hồ và vía Bác Duẩn, thì hãy dám làm mạnh tay như Bác Gorbachev. Liệu Bác Trọng dám làm hay không? Chắc không đâu. Vì Bác Trọng vốn nhân hậu. Chúng tôi nhớ cái hôm đánh đồng chí X không được, Bác Trọng đã khóc trên ti-vi, giống như hồi Bác Hồ khóc ở sân Hàng Đẫy. Hơn nữa, Bác Trọng còn ngại các bác khác. Bác ngại các bác khác bảo là mắc mưu thế lực thù địch.
Xin Bác Trọng và các bác làm đúng như các bác vưỡn kêu gọi toàn Đảng toàn dân, là học tập làm theo tấm gương Bác Hồ vĩ đại.
Tấm gương lời hay ý đẹp của Bác Hồ còn sờ sờ ra đấy: Có đủ các văn kiện trong kho tư liệu lịch sử Đảng, mà các bác không học những việc làm này của Bác Hồ thì chẳng còn nói được ai nữa đâu.
Thưa Bác Trọng.
Vài lời tâm huyết gửi Bác. Mong đến tai Bác và bộ tham mưu của Bác.
Tôi không dám viết lí luận về xây dựng Đảng với Bác, chỉ dám viết dưới dạng vui vui để mọi người tếu táo quanh bàn trà mỗi sáng trước giờ làm việc.
Kính chào Bác.
V. C. Đ.
Tác giả gửi BVN.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét