Bài đăng phổ biến

Thứ Sáu, 1 tháng 5, 2015

GIÁO SƯ TƯƠNG LAI

GS Tương Lai : Xúc tiến TPP,

thay vì rơi vào bẫy hội nghị

Thành Đô thứ hai

mediaTổng bí thư Việt Nam Nguyễn Phú Trọng (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh, 07/04/2015.REUTERS/China Daily
Vừa qua, trên 40 trí thức, nhà hoạt động tên tuổi và văn nghệ sĩ đã gởi thư lên Bộ Chính trị và Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, bày tỏ sự bức xúc trước diễn biến thời cuộc hiện nay.
Nhắc lại quá khứ và mưu đồ bành trướng của Trung Quốc, liên hệ với chuyến đi Bắc Kinh vừa rồi của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, các nhân sĩ cho rằng cần kiên quyết không để xảy ra một sự kiện « Thành Đô » thứ hai. Theo lá thư, vào thời điểm quyết định này, Việt Nam đang đứng trước một vận hội mới, trong đó hành động thiết thực là việc gia nhập TPP. Nhân danh những người đang ưu tư vì vận nước, các nhân sĩ đòi hỏi được hồi âm và đối thoại.
RFI Việt ngữ đã phỏng vấn giáo sư Tương Lai ở Saigon, một trong những người ký tên trong lá thư trên.

RFI Kính chào giáo sư Tương Lai. Thưa giáo sư, mới đây các nhân sĩ trí thức lại gởi thư lên Bộ Chính trị và Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. Theo như lá thư, đó là do những bức xúc về vận nước, mà trước mắt là chuyến đi Trung Quốc của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, trong tình hình Biển Đông đang hết sức sôi động vì tham vọng của Bắc Kinh ?
Giáo sư Tương Lai : Đúng là ông Nguyễn Phú Trọng đã vội vã lên đường theo lời mời của Tập Cận Bình. Chuyến đi vội vã đó có phải là vì Việt Nam đang đứng trước triển vọng gia nhập vào TPP, và ông Trọng cũng đang chuẩn bị đi Mỹ ? Có phải nhằm ý đồ ngăn chặn Việt Nam vào TPP mà có lời mời đó hay không ?
Vì thực ra Trung Quốc chưa hề có một cái gì thay đổi trong âm mưu của họ. Ngày mùng 8 thì ra thông cáo Việt-Trung nói lên tất cả những điều tốt đẹp, thì ngày mùng 9 Hoa Xuân Oánh - người phát ngôn Bộ Ngoại giao - đã nói rõ là việc họ xây những đảo nhân tạo trên biển là xây trên sân nhà họ, ở ngoài không được tham gia vào.
Đây không phải là lần đầu tiên, mà là sự lặp lại luận điệu của Vương Nghị. Chưa bao giờ cái bộ mặt ăn cướp lại được bộc lộ một cách trắng trợn như thế ! Vậy mà những lời hứa hẹn viển vông về cùng chung ý thức hệ xã hội chủ nghĩa này nọ, lại được lặp lại trong chuyến đi ấy.
Thì chúng tôi nghĩ, đã đến lúc chúng tôi phải vạch trần cái bộ mặt thật của Trung Quốc, đồng thời nói rõ : Đừng bị mắc mưu Trung Quốc để đánh mất cơ hội một lần nữa trong việc gia nhập TPP. Vì với việc tham gia TPP, Việt Nam có cơ sở mới, một nền tảng mới để thoát cái vòng kiềm tỏa của Trung Quốc.
Mà TPP chính là một đòi hỏi của cả Mỹ khi xoay trục sang châu Á. TPP là lời cam kết chiến lược của Mỹ về sự hiện diện ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương lâu dài, vì lợi ích của cả nước Mỹ. Cho nên trong phát biểu thường niên của Tổng thống Barack Obama trước Quốc hội Hoa Kỳ vào tháng Giêng năm 2014, ông nói rằng TPP là một cách để bảo đảm là Hoa Kỳ không đơn giản nhường lại quyền đặt ra quy tắc cho Trung Quốc.
Đây chính là lý do mà Tập Cận Bình vội vã mời Nguyễn Phú Trọng sang Trung Quốc, và bằng cái thông cáo đó, làm như mọi việc đều tốt đẹp cả. Nhưng mà người ta thấy những điều đó trên thực tế lại đang diễn ra rất xấu. Nên chúng tôi phải có ngay một cái thư gửi Bộ Chính trị là như thế.
RFI : Tức là không để cho có cơ hội xảy ra một Hội nghị Thành Đô thứ hai ?
Vâng. Cho nên tôi có nói, lúc này đây, khi mà Trung Quốc biết rõ nếu Việt Nam trở thành thành viên của TPP, thì sẽ có tiền đề để bước ra khỏi cái bóng của Trung Quốc. Mà đây là việc hết sức khó khăn, bởi vì Trung Quốc đã cài cắm người, cài cắm nhà máy, những khu đầu tư công nghiệp trên khắp Việt Nam từ phía Bắc cho đến tận Mũi Cà Mau ở phía Nam.
Thế thì vì lợi ích của cả Hoa Kỳ và Việt Nam trong TPP – hai lợi ích đó gắn với nhau – nên lúc này đây Việt Nam nếu không tranh thủ để gia nhập TPP, thì một lần nữa lại rơi vào cái bẫy của Trung Quốc. Và sẽ lặp lại nguy cơ của một « Thành Đô » thứ hai : lệ thuộc vào Trung Quốc không dứt ra được. Thế nên trong nội dung chúng tôi nói, gia nhập TPP là một trong những nhân tố góp vào quyết sách giữ nước và phát triển đất nước bền vững.
Hành động một cách thiết thực nhằm thúc đẩy tiến trình gia nhập TPP chính là đòi hỏi bức xúc của nhân dân Việt hôm nay. Đó cũng là đòi hỏi của lịch sử. Chúng tôi kêu gọi ông Nguyễn Phú Trọng cũng như những nhà ngoại giao đi sang Mỹ kỳ sắp tới, hãy đi vào lịch sử, như những người thúc đẩy lịch sử. Chứ không nên là tội đồ của lịch sử, nếu lại để vuột mất cơ hội một lần nữa.
RFI Dạ thưa giáo sư, có lẽ những người cầm quyền ở Việt Nam cũng rất muốn gia nhập TPP, nhưng cũng lo sợ người láng giềng phương Bắc lại ở sát bên. Nếu tỏ thái độ thân phương Tây quá, cụ thể là thân Mỹ, thì sẽ bất lợi ?
Đúng, tôi nghĩ có chuyện đó. Bất cứ một chính khách nào, bất cứ nhà cầm quyền nào cũng đều phải có sự khôn ngoan để nhìn nhận ra vị thế địa chính trị của Việt Nam, nằm sát với một nước láng giềng khổng lồ.
Nhưng tôi xin nhắc lại, không phải chỉ thế kỷ 21 này, nhiệm kỳ của ông Nguyễn Phú Trọng, của Nông Đức Mạnh, những người lệ thuộc vào Trung Quốc một cách quá hèn nhát, thì Việt Nam mới ở cạnh Trung Quốc. Mà người Việt Nam, đất nước Việt Nam là láng giềng của Trung Quốc hàng nghìn năm nay rồi.
Cái mộng xâm chiếm của chủ nghĩa bành trướng Đại Hán qua các triều đại Hán, Đường, Tống, Nguyên, Minh, Thanh cho đến Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình rồi đến Tập Cận Bình đều cùng một giuộc như nhau cả. Vậy mà Việt Nam vẫn tồn tại. Việt Nam tồn tại vì có đủ bản lĩnh chống trả lại âm mưu bành trướng của Trung Quốc.
Thế kỷ thứ 13 Trần Hưng Đạo và nhà Trần ba lần đánh tan đạo quân Nguyên. Thế kỷ thứ 15 đánh bại quân Minh của Minh Thành Tổ. Thế kỷ 18 đánh tan hơn mười vạn quân của Tôn Sĩ Nghị - quân Thanh, trong vòng mười ngày. Và lần nào cũng vậy, sau khi đánh tan giặc rồi thì lập tức lại có chính sách để hòa hợp, tạo nên những mối quan hệ.
Như Nguyễn Huệ trước khi ra Bắc mở trận phản công mười ngày đó, đã nói với Ngô Thời Nhiệm : Đánh như thế nào ta đã có, nhưng dù đánh tan giặc, đó vẫn là một nước lớn. Phải chuẩn bị làm sao để có tư lệnh, để dẹp bỏ can qua, không tiếp tục chiến tranh nữa. Vì thế sau khi đánh thắng quân Thanh, cho chôn xác giặc trên gò Đống Đa, Quang Trung lập tức xây dựng ngay mối hòa hiếu với nhà Thanh. Lịch sử ghi nhận rất rõ ràng như vậy.
Bây giờ đây, Việt Nam không phải ở vào thế cô lập như thời kỳ thế kỷ 13 của nhà Trần ; thế kỷ 15 của Nguyễn Trãi, Lê Lợi ; thế kỷ 18 của Quang Trung Nguyễn Huệ. Việt Nam bây giờ có cả một tư thế trong khối ASEAN, trong những mối quan hệ với nhiều nước lớn, và đặc biệt hiện nay chuẩn bị gia nhập TPP, trong bối cảnh Mỹ đang xoay trục sang châu Á.
Việt Nam đã từng bị những nước lớn biến mình thành con tốt đen, vì lợi ích của họ. Cho nên như trong thư chúng tôi đã nói, hiệp định Genève 1954 chính là chơi trên đầu chúng tôi giữa các nước lớn Mỹ, Pháp, Liên Xô, Anh, ép Việt Nam phải chia đôi đất nước ở vĩ tuyến 17. Thông cáo Thượng Hải của Nixon và Chu Ân Lai năm 1972 chính là viết bằng máu của người Việt Nam đấy, vì sau đó Mỹ tiến hành một cuộc chiến tranh ném bom ồ ạt…
Cho nên lúc này đây Việt Nam cần có bản lĩnh. Phải có những nước cờ cao để khi TPP mở ra một chương mới hợp tác liên minh với phương Tây, đồng thời phải có một chính sách hòa hiếu với nước láng giềng. Điều đó ông cha ta có đầy đủ bài học để làm. Nhưng muốn vậy phải biết đặt lợi ích của Tổ quốc lên trên hết, và phải dám kiên cường chứ không nhu nhược.
RFI : Có những ý kiến cho là những lời đó dù tâm huyết, trước đây đã có nhiều kiến nghị rồi. Bây giờ thay vì một lá thư gởi cho Bộ Chính trị và Trung ương Đảng, có thể là một tuyên bố để hiệu triệu được người dân, gây sức ép lên những người lãnh đạo Việt Nam. Giáo sư nghĩ thế nào về ý kiến này ?
Ý kiến đó cũng tốt thôi – trăm hoa đua nở, mỗi người có một cách làm, cách thể hiện. Làm cách nào để có lợi cho nước cho dân thì làm. Trước mắt, một nhóm chúng tôi - những người khởi xướng ra bức thư này, như đã ký tên ở dưới - thì chúng tôi nhận thức rằng lúc này đây đang trình bày tâm huyết của mình, với những người đang gánh chịu trách nhiệm của lịch sử đối với dân tộc.
Hiện nay chưa có một thế lực chính trị nào có thể thay thế Đảng Cộng sản Việt Nam được đâu. Và lúc này đây, khả năng tốt nhất chính là những người cộng sản Việt Nam hiểu rõ sứ mệnh của họ vào lúc này. Để lấy lại niềm tin của dân,  mà bộ phận lãnh đạo, do sự hư hỏng của họ, đã làm cho cái đảng của Hồ Chí Minh bị mất hết lòng tin trong dân rồi.
Thế thì bây giờ những người lãnh đạo hãy trở lại với bản lĩnh mà đảng Cộng sản đã có, trong quá trình lãnh đạo Cách mạng tháng Tám thành công, kháng chiến chống thực dân Pháp, chống Mỹ thành công. Đánh tan đạo quân Pôn Pốt - thực chất là bàn tay của Trung Quốc không muốn cho Việt Nam có một phút yên lành, mà muốn đánh Việt Nam gục ngay sau khi chiến tranh mới kết thúc. Và bằng cuộc chiến đấu đánh tan Pôn Pốt để cứu Campuchia ra khỏi họa diệt chủng, bị thua cái trận nặng nề đó thì Đặng Tiểu Bình phát động cuộc chiến tranh biên giới và bị Việt Nam đẩy lùi.
Chúng tôi khẳng định rằng khả năng tốt nhất, có ý nghĩa lớn nhất là tự những người lãnh đạo trong giới cầm quyền hiện nay tự chuyển biến, để họ biết đặt lợi ích của Tổ quốc, lợi ích của dân tộc lên trên hết. Từ sự chuyển biến đó, dần dần từng bước thay đổi thể chế chính trị, thay đổi cơ cấu kinh tế, thay đổi vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Nếu làm được như thế, họ sẽ lấy lại uy tín.
Và trên nền tảng mới của một luật chơi mới khi vào TPP - tức là Việt Nam xây dựng một nền kinh tế sạch khi tái cấu trúc lại kinh tế, tái cấu trúc về mặt chính trị - thì lúc bấy giờ mới có tiền đề để thực hiện những đòi hỏi về thượng tôn pháp luật, về nhân quyền, dân quyền và tất cả các mặt khác. Vì hai vấn đề này đi đôi với nhau nhưng phải trên nền tảng của một nền kinh tế mới, tái cấu trúc mới về các mặt, thì những đòi hỏi khác mới có cơ sở để thực hiện.
Chính trên ý nghĩa đó mà chúng tôi gửi thư này cho Bộ Chính trị và Ban chấp hành Trung ương Đảng. Vì chúng tôi biết rằng trong những người đó vẫn âm ỉ lòng yêu nước thiết tha. Và họ cũng âm ỉ mong muốn Việt Nam độc lập và tự cường. Chứ Việt Nam không phải nhục nhã như cam kết Thành Đô, để biến Việt Nam thành con tốt trong tay của Trung Quốc, Việt Nam chịu áp lực của Trung Quốc.
Với lực lượng đã có, bằng những biểu hiện cụ thể, chúng tôi tin rằng hẵng làm điều này. Tức là trình bày bằng một cách rất chân tình, mạnh mẽ với những người lãnh đạo. Để chúng tôi góp phần vào thúc đẩy cho những nhân tố tiến bộ, tích cực, dân chủ hóa trong nội bộ cho Bộ Chính trị, trong nội bộ Ban chấp hành Trung ương Đảng ; tạo nên một bước đột phá mới trong những Hội nghị trung ương mới của Đảng sắp tới đây tiến tới Đại hội 12.
Quan điểm của chúng tôi công bố một cách rành rọt, rõ ràng như thế. Đương nhiên sẽ gặp những ý này ý kia phản đối - thì đã gọi là đa nguyên về tư tưởng thì phải chấp nhận những sự khác biệt. Vậy thì những ai muốn làm cái gì tốt hơn hãy làm đi. Còn chúng tôi thì làm như vậy đấy.
RFI Thưa giáo sư, hy vọng các nhà lãnh đạo Việt Nam có thể tự chuyển biến liệu có là ảo tưởng không, khi mà những kiến nghị trước đây đều không được hồi âm ?
Đó là một câu hỏi đặt ra. Nhưng lịch sử không đứng yên, sự vật không đứng yên. Và không có nhà cầm quyền nào lại tự mình rời bỏ chiếc ghế quyền lực đâu, nhưng rồi cuối cùng họ vẫn phải tạo ra những điều để không bị áp lực càng ngày càng mạnh mẽ, biến họ trở thành tội đồ của lịch sử.
Chúng tôi vẫn tin rằng, trong những người cầm quyền hiện nay có rất nhiều những người yêu nước. Rất nhiều những người muốn thay đổi, và có thời cơ là sẽ thay đổi. Những diễn biến vừa qua cho thấy rằng từng bước từng bước một, chủ trương của lực lượng bảo thủ muốn kiên định đường lối, vì vậy mà muốn gắn chặt với Trung Quốc - gọi là nước cùng chung ý thức hệ - đã càng ngày càng tự thấy rằng mình mất uy tín quá nhiều rồi.
Bây giờ đây trước tình hình mới, chuyển biến mới mà TPP là một ví dụ, người ta thấy những nhân tố mới này đang có những chuyển biến. Chính vì thế mà có những người nói với chúng tôi rằng khoan ra bức thư này, đợi sau khi ông Nguyễn Phú Trọng đi về đã rồi hẵng ra. Đó cũng là một ý hay bởi vì các ông, các anh, các chị đó thấy có những nhân tố mới chưa rõ, nên muốn từ từ đợi cho rõ ra đã rồi mới làm.
Nhưng đối với chúng tôi, thì chúng tôi cho rằng các anh nghĩ như vậy, các anh đợi lúc bấy giờ mới làm, rất tốt, lúc ấy chúng tôi cũng sẽ tham gia. Nhưng bây giờ đây khi ông Nguyễn Phú Trọng chuẩn bị đi Mỹ, và đang có những nhân tố mới, đang có những chuyển biến mới, bàn bạc mới, thì chúng tôi tỏ rõ thêm thái độ cho rành rọt ra nữa.
Đây cũng là cách để tác động, giúp cho những người lãnh đạo biểt rằng họ cần hành động vì dân. Đặt lợi ích của dân tộc của Tổ quốc lên trên cái gọi là ý thức hệ, bởi vì không làm gì có mục tiêu đấu tranh cho một chủ nghĩa xã hội thắng lợi. Không đấu tranh cho chủ nghĩa A, chủ nghĩa B thắng lợi ; mà trước hết là đấu tranh cho một nước độc lập, cho một đời sống tự do và hạnh phúc của dân.
Như vậy mục tiêu của những người cộng sản, nói đúng ra không phải đấu tranh cho chủ nghĩa của họ, cho lý tưởng của họ. Vì trên thực tế cái học thuyết Mác nó đã tự phơi bày ra quá nhiều những sai lầm rồi. Người ta đã từ bỏ dần dần những sai lầm đó, và từ lâu hàng chục nước, hơn năm chục đảng Cộng sản đã vứt bỏ cái gọi là chủ nghĩa Mác-Lênin đi rồi.
Vậy thì đến bây giờ đây phải làm thế nào ? Đảng Cộng sản muốn giữ được vai trò họ đã từng có, thì một lần nữa hãy thể hiện mình. Đi với dân, trở về lại với dân, có như vậy họ sẽ giành được thắng lợi.
RFI : RFI Việt ngữ xin chân thành cảm ơn giáo sư Tương Lai ở Saigon, đã vui lòng dành thì giờ trả lời cuộc phỏng vấn hôm nay của chúng tôi.
  


Giáo sư Tương Lai - Saigon29/04/2015                                                    - Thụy My                                               nghe

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét