Bài đăng phổ biến

Thứ Năm, 3 tháng 11, 2016

DỰ ÁN SÔNG HỒNG: NHỮNG CON SỐ BIẾT NÓI?

Dự án sông Hồng: Những con số biết nói?

Hà Nội có hơn 3 triệu dân, đã thu hút khoảng 30.000 người đến xem triển lãm Quy hoạch sông Hồng vào ngày 17/9/2007. Trong đó có 2.557 người ghi phiếu trả lời. 90,5% trong số đó đồng ý với dự án. Vậy, con số 90,5% ấy có đại diện được đại đa số ý kiến người dân Hà Nội hay không?
Từ ngày giải phóng Thủ đô 10/10/1954 , khi người lính viễn chính Pháp cuối cùng rút khỏi cầu Long Biên và khi Năm cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về, thì nhân dân ta, nhà nước ta đã rất kỳ vọng vào việc khai thác hữu ích hai bên bờ sông Hồng. Tuy vậy, do rất nhiều lý do khách quan và chủ quan, quy hoạch sông Hồng gần như bị bỏ ngỏ suốt nhiều năm.
Khoảng gần 10 năm trở lại đây, do điều kiện kinh tế khá giả hơn và do trình độ và ý thức công dân cao lên hơn, đã xuất hiện nhiều nhóm chuyên gia tự nguyện tổ chức nghiên cứu quy hoạch sông Hồng. 
Mở đầu, phải kể đến Nhóm nghiên cứu do Giáo sư Trần Nhơn, Chủ tịch Hội Khoa học Thủy lợi chủ trì. Nhóm này bao gồm các kiến trúc sư, kỹ sư thủy lợi, giao thông… cùng nghiên cứu đồng bộ từ năm 2002.
Tuy phạm vi nghiên cứu chưa rộng, chưa sâu, nhưng các ý tưởng ban đầu về một Thành phố Sông Hồng đã được trình lên UBND thành phố Hà Nội và đã được các cơ quan chức năng ghi nhận.
Năm 2005 và sang đầu năm 2006, xuất hiện đề xuất mới về Thành phố Sông Hồng của Họa sĩ Văn Thơ.
Chỉ là một họa sĩ, nhưng với tình yêu quê hương sâu đậm, họa sĩ Văn Thơ đã cố gắng hết mình, lập được một bộ hồ sơ khá hoành tráng, nhắc nhở các nhà chức trách, các cấp chính quyền quan tâm đến hai bờ sông Hồng hết đỗi thân thương này.
Rất tiếc, pháp lệnh đê điều không cho phép, luật đê điều chưa có, các đề xuất kể trên và nhiều đề xuất khác mới mở ra đều đã bị khép lại.
Ngày 22/11/2006, Luật đê điều đã được Quốc Hội thông qua. Đó là một tin rất vui cho tất cả những ai quan tâm đến sông Hồng nói riêng và sự phát triển của Hà Nội nói chung (thông tin theo báo Tuổi trẻ Thủ đô)Người dân Hà Nội càng vui hơn khi biết tin Chính quyền thành phố Seoul sẽ giúp Hà Nội 4 triệu USD để tổ chức nghiên cứu Quy hoạch sông Hồng cách đồng bộ và sau đó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội ra các chỉ thị quy hoạch sông Hồng quy về một mối.
Đó là những tin tốt lành mà mọi người dân Hà Nội, trong đó phải kể đến những người đã tự nguyện bỏ ra nhiều năm tháng của cuộc đời mình vào việc nghiên cứu sông Hồng, đặc biệt quan tâm.
Chính vì những lẽ đó, khi nghe tin Triển lãm quy hoạch sông Hồng sắp mở cửa, chính thức khai mạc hôm 17/9/2007, từ đầu giờ chiều là mọi người đã ngấp nghé, chen lấn, tìm mọi cơ hội được vào phòng Triển lãm 45 Tràng Tiền, dù chỉ là một lần.
Mọi người thấy gì tại phòng Triển lãm?
Mọi người thấy rất nhiều. Mọi người thấy Hà Nội được phù phép, hiện lên lung linh như một chốn thần tiên, ở một nơi nào xa lắm, lạ lắm. Những người đã có dịp ra nước ngoài nhiều lần cứ ngờ ngợ như đã thấy trong chuyến tham quan ở đâu đó ?
Và rồi, sáng ngày 14/11/2007 đồng loạt các báo đưa tin: Dự án quy hoạch đôi bờ sông Hồng : 90% phiếu ủng hộ?
Đọc chi tiết bản tin, mọi người được biết cụ thể hơn: Sáng 13/11/2007, tổ dự án Hà Nội - Seoul do ông Koo Yo Han báo cáo: Khoảng 30.000 người đã đến tham quan Triển lãm, đã gửi lại 2.557 phiếu trả lời trong đó 90,5% tán thành dự án, 85% tán thành giải pháp Thủy lợi, giao thông…
Đó là những con số rất thực, nhưng là những con số biết nói. Xin được “dịch” những câu nói đó:
1- Ai viết phiếu trả lời?
Hà Nội hiện có hơn 3 triệu dân, đã có khoảng 30.000 người đến xem Triển lãm, như vậy là có gần 1% dân Hà Nội đã đến xem Triển lãm.
Trong số đến xem, có 2.557 phiếu được gửi lại (rất chính xác là 2.557). Như thế tức là có dưới 10% người ghi phiếu, còn hơn 90% người khác, chen lấn để được vào xem, xem xong và không có ý kiến gì. Vậy con số 2.557 phiếu này chỉ đại diện cho dưới một phần nghìn dân cư Hà Nội .
2- Phiếu trả lời viết gì?
a - Về con số thông báo: Có 90,5% tán thành dự án.
Xin thưa, đầu bài viết này, người viết đã nói dân Hà Nội nhiều năm qua khao khát Dự án sông Hồng. Đáng lẽ khoảng 30.000 người len lỏi vào xem được phải là những người khao khát nhất. Tại sao hơn 27.000 người háo hức đến xem rồi lại bỏ đi không cho ý kiến, chỉ có 90,5% của 2.557 người tán thành dự án này?
Bởi vì dù mong mỏi vậy, nhưng dự án đã làm họ thất vọng quá, họ bỏ đi để tìm hiểu, để hỏi han, tranh luận, viết báo, viết đơn thư… gửi đến các cấp, phản đối dự án được đưa ra.
Chúng tôi được biết tại tổ dân cư khu An Dương, phường Yên Phụ quận Tây Hồ có thư của hơn 300 hộ dân gửi lên Thủ tướng phản đối dự án này, bức thư rất khúc chiết, tình lý phân minh. Đặc biệt dân các làng hoa Nghi Tàm, Quất Tứ Liên, Quảng Bá, làng Đào Nhật Tân thì 100% dân phản đối dự án.
b- Nội dung nữa của con số: Có 85% tán thành giải pháp công trình thủy lợi giao thông. Xin hỏi, thủy lợi, giao thông là vấn đề cực kỳ khó, vậy những người này biết gì về giải pháp công trình thủy lợi giao thông? 
Chắc ông đại diện Tổ dự án còn nhớ các chuyên gia của Viện KH Thủy lợi và của Hội KH Thủy lợi đã phát biểu gì tại Hội Thảo sáng ngày 17/9/2007? Xin nhắc nhỏ các ông, đó mới là những ý kiến đáng quan tâm.
Vậy 2.557 người viết phiếu gửi lại đây (tức dưới một phần nghìn dân Hà Nội) có thể là ai mà không đáng quan tâm?
Xin mời tổ dự án tổ chức một cuộc dạo chơi đêm đến xóm Chợ Long Biên, đến gầm Cầu Chương Dương… các vị sẽ thấy rất nhiều người vô gia cư. Cuộc sống của họ và gia đình con cái họ đang vạ vật quanh xóm chợ, gầm cầu. 
Hiện nay số người sống bất hợp pháp, đang muốn được hợp pháp nhiều lắm. Họ rất mong mỏi có cơ hội kiếm nhà ở để có hộ khẩu (không có nhà thì không có hộ khẩu).
Tất nhiên, hoàn cảnh của họ rất đáng quan tâm, nhưng họ không đại diện cho dân Hà Nội, càng không đại diện cho niềm tự hào của Thăng Long ngàn năm văn hiến. Vậy thì phiếu của họ có trọng lượng hay không? Xin nhắc lại, sông Hồng lại gắn liền với Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Trần Thanh Vân (Kiến trúc sư cảnh quan)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét