Vài suy nghĩ lan man về thời cuộc
Ngụy Hữu Tâm
Từ khi bắt đầu, Thiên niên kỷ mới cũng chỉ mới có… 16 năm; 16/2000 – chẳng đến 1%, thời gian quá nhỏ, quá ngắn để luận bàn, nhưng xin phép cứ nêu vài suy nghĩ! Ít nhất là riêng với nước ta cho nó… gọn nhẹ. Chuyện thế giới phức tạp quá!
Cuối tuần ngồi đọc „Giăng lưới bắt chim“ của Nguyễn Huy Thiệp (NXB Trẻ tái bản nhưng tôi chưa từng được đọc nên với tôi, nó vẫn là mới), không giăng lưới nên chẳng bắt được con chim nào, nhưng thấy hay nên cũng xin hân hạnh giới thiệu với bạn đọc. Anh Thiệp là người viết rất sâu sắc, những vấn đề anh nên vẫn rất hợp thời – dù đã mấy năm nay, nhưng mấy năm là gì khi so với bốn ngàn năm lịch sử dân tộc? Từ cuốn sách này mà suy nghĩ triền miên để viết ra đây ít dòng:
„…trong các tri thức thì việc làm chủ ngôn ngữ, việc nắm bắt các ngôn từ là yếu tố hàng đầu. Không phải tự nhiên mà các nhà văn lớn đều khuyên chúng ta nên biết học ở tục ngữ, ca dao, dân ca, bởi đây thật sự là một kho tàng kinh nghiệm đời sống và kinh nghiệm tu từ. Cũng phải nói thêm, hình như cách học hành của các nhà văn cũng từa tựa như cách đào tạo các nhà chính trị. Tôi không dám coi các nhà chính trị là các nhà văn không thành đạt hoặc các nhà văn là các nhà chính trị không thành đạt…“.
Riêng cá nhân tôi, khi soi lại chính mình, chẳng dám gọi mình là nhà văn, càng không phải nhà chính trị, chỉ là một anh „cán bộ nghiên cứu“ quèn, không thành đạt, cuối đời cũng muốn làm một cái gì đó có ích cho xã hội mà cảm thấy điều đó khó quá, chẳng phải cứ cố mà được.
Thế nhưng đã làm „cán bộ nghiên cứu“ thì phải thử xem sao. Mà đã thử thì phải thử thật, không giả, cứ như thử điện ấy, không có bút thử điện thì… dùng ngón tay chắc cũng được, có khi cú điện giật ấy lại có ích cho thần kinh nói riêng và sức khỏe nói chung thì sao? Đã có bác sỹ nào chứng minh chưa? Tôi không dám nói về người khác, nhưng cơ địa tôi thì chuyện ấy chẳng hề hấn gì, hay là bệnh nghề nghiệp chăng? Chúng tôi làm laser đã từng chạm điện thế hàng ngàn Volt chứ không phải trăm Volt điện lưới mà chẳng sao! Dĩ nhiên là khi trời khô và chúng tôi đã được cách điện tốt!
…Cũng mới chỉ có 16 năm thôi. Ngày nay chúng ta dùng lịch Mặt Trời với năm 0 tính từ khi Chúa giáng sinh. Thấy 16 năm quá nhỏ nhoi. Nhưng so với cuộc đời cá thể một người trung bình cỡ 80 năm, thế đã là khá nhiều.
„Thiên niên kỷ mới“, chắc chắn phải có những cái thay đổi gì mới lắm, ghê gớm lắm đây. Chỉ riêng thế kỷ 21 đã thấy sự thay đổi đến chóng mặt sau phát kiến Thuyết tương đối của Einstein, làm cho thế giới thay đổi về mọi mặt, từ công nghệ, khoa học kỹ thuật, kinh tế… đến nghệ thuật, xã hội…
Đọan đầu thiên niên kỷ mới, đã thấy hiện lên những đốm sáng chói ngời. Nào toàn cầu hóa, thế giới phẳng… ở mặt xã hội; máy tính và số hóa, tự động hóa… ở công nghệ; giao hàng tận nhà ở kinh doanh; sắp tới tự động bằng máy bay không người lái… Con người hầu như hoàn toàn bị choáng ngợp bởi những đổi thay này.
Trong cả cái vũ trụ bao la này với bao nhiêu là Thiên hà, có nhiều cái cách xa chúng ta cả triệu triệu năm ánh sáng, nghĩa là những cái gì mà chúng ta nay nắm bắt được về họ thì cũng đã xảy ra cả triệu triệu năm rồi. Thế mới thấy chúng ta nhỏ nhoi làm sao. Nhưng nói vậy không phải để ta cứ nằm đấy chờ Thượng đế phán xét. Con người chỉ trong cái Trái Đất nhỏi nhoi này mà đã làm được biết bao nhiêu là việc, làm cho bộ mặt thế giới thay đổi.
Đấy là những mặt tích cực, thế nhưng cũng còn có những mặt tiêu cực. Nào biến đổi khí hậu với sự nóng dần lên của Trái Đất về mặt thiên nhiên, sự băng hoại về đạo đức xã hội về mặt con người … mà ở đây xin không đi sâu vào vì chắc chắn cũng sẽ phải tốn nhiều giấy mực lắm.
Chỉ xin nêu nhận xét, ông bạn đồng niên, cùng học Đại học Tổng hợp với tôi trên Đại Từ, Thái Nguyên – dù có vênh một khóa, vừa làm báo mạng rộ lên với lời nhắn nhủ về sự tự diễn biến, tự chuyển hóa, thấy thực nực cười.
Anh bạn này, dù cái tên là giàu có đấy nhưng về mặt trí tuệ thì có lẽ không sung túc cho lắm, trước đây đã lẩm cẩm lắm rồi, bây giờ lại càng ngày càng lẩm cẩm thêm. Diễn biến, chuyển hóa là quy luật vận động của vũ trụ, chẳng có điều gì phải nói cả, tự làm điều ấy thì càng tốt, càng góp phần cho những thay đổi cần thiết cho tự nhiên và xã hội sớm xảy ra, càng đáng trân trọng, vì sao phải lên án? Chỉ những kẻ ù lì, bảo thủ mới rụt cổ lại mà sợ hết tất cả mọi thứ, cứ như con đà điểu trong sa mạc vậy.
Thế giới, sau biết bao thăng trầm, gần đây nhất là hai cuộc thế chiến, họ đã rút được kinh nghiệm để thực hiện những thay đổi tích cực, hạn chế nhiều tiêu cực. Họ đi trước chúng ta hàng trăm năm, ngay các nước lân cận cũng đều đã đi trước chúng ta hàng chục năm khi chúng ta bận với hai cuộc chiến tranh „cho Liên Xô và Trung Quốc“. Thế nên để hội nhập, chúng ta phải cố gắng, phải nỗ lực gấp năm, gấp mười lần mọi người. Nhưng lại có những thế lực, vì quyền lợi ích kỷ của bản thân và phe lũ – nhóm lợi ích – ra sức ngăn cản.
Việt Nam ta từ một nước nông nghiệp lạc hậu đi lên càng khó. Vì vậy phải công nghiệp hóa, ai cũng rõ. Nhưng công nghiệp hoá không có nghĩa là công nghiệp nào cũng phải làm. Với Formosa, chúng ta muốn xây một trong những nhà máy thép lớn nhất thế giới? Có phải bệnh cuồng vĩ?! Có phải làm công nghiệp gang thép với kỹ thuật cũ nát để hủy hoại môi trường đến thế không? Nhân đây tôi xin đề nghị đóng cửa vĩnh viễn Formosa. Những hủy hoại môi trường mà nó gây ra ảnh hưởng hàng chục năm (nếu không phải là hằng trăm năm!) và không có gì biện hộ được (muốn làm thép hay muốn bắt cá!). Cái tội này của Formosa và những kẻ ăn theo xứng đáng với hình phạt đó!
Có những công nghệ cần cấm cửa nhưng có những công nghệ mà chúng ta nên đi tắt, đón đầu. Ví dụ rõ nhất là công nghệ thông tin, mà chúng ta đã đạt những thành tựu ngoạn mục. Thế nhưng lại vẫn có những điểm tối như vụ ‚flappy bird’ của Nguyễn Hà Đông. Thật buồn hết chỗ nói. Một tài năng trẻ trong ngành công nghệ đáng trân trọng như thế, mà người Việt chúng ta đang tâm vùi giập nó đi. Sai lầm này khó có gì cữu vãn.
Nhưng cũng phải nói, còn quá nhiều những cơ hội mà Việt Nam chúng ta đã để lỡ, trong quá khứ xa xưa và gần đây. Sao không để nó lặp lại! Chỉ mong sao Việt Nam ta, sau những bài học đó, sớm hội nhập với thế giới văn minh hiện đại, thoát khỏi nước nông nghiệp lạc hậu với những ngu dốt, đói nghèo, thế nhưng với cái đầu của các ‚quan’ u mê, trì trệ đến như thế thì biết bao giờ ước mơ nhỏ nhoi ấy thành hiện thực đây. Không có dân chủ sẽ chẳng bao giờ có vua quan tài giỏi cả!
Khi ông vua một đất nước 90 triệu dân mà cứ phát biểu những câu chứng tỏ mình bảo thủ, u mê như thế, răn dạy thần dân những câu tối nghĩa như thế thì không những đáng buồn mà còn đáng xấu hổ quá, nếu như người Việt còn có dây ,thần kinh xấu hổ’!
Năm 1995, sau khi lưu lạc gần chục năm ở đất trời Âu Phi về nước, tôi những hy vọng trong 5-10 năm đó đất nước ta sẽ thay đổi như Liên Xô và Đông Âu, vì đó là con đường đi tất yếu của lịch nhân loại. Thế nhưng nay 21 năm đã trôi qua, đất nước chỉ thay đổi về vật chất chứ về mặt tinh thần, sự thay đổi không theo chiều đi lên mà trái lại đi xuống, người dân càng ngày càng mất tự do dân chủ hơn. Vì sao như vậy? Vì những người lãnh đạo đất nước, cụ thể là những người lãnh đạo ĐCSVN, kể từ NVL, càng ngày càng thể hiện họ là những kẻ chỉ theo đuổi ‚lợi ích nhóm’ của nhóm mình, phản lại lợi ích dân tộc mà thôi. Ngày nay giới lãnh đạo vẫn theo vết xe đổ đó. Họ run như cầy sấy sợ ‘tự diễn biến, tự chuyển hóa’, thế nhưng đó lại là chuyển động, quy luật của thiên nhiên, của vũ trụ, của cuộc sống.
Là nhà vật lý, chúng tôi hiểu hơn ai hết là chuyển động là quy luật của không-thời gian, không ai ngăn cản được. Thế mà những ‚nhà lãnh đạo anh minh’ của đất nước, duy nhất chỉ vì sợ mất quyền lực (quyền lực tha hóa mà!) nên tìm mọi cách ngăn cản. Thế nhưng họ làm sao mà ngăn được bước tiến của lịch sử.
Rồi chẳng bao lâu nữa, dân tộc này sẽ vứt cả bọn họ vào hố rác của lịch sử! Thời gian đang gần chín muồi cho điều đó. Bây giờ chính đang là thời điểm đó. những xung đột đến gay cấn. Xem tranh luận trên basam mấy ngày qua, thấy giữa hai lãnh đạo Hội Văn nghệ Hà Nội đi đến quyết liệt. Đây là làn ranh (tôi nhớ hệt như trò chơi rất phổ biến cách đây ít thập niên có con vụ cứ chạy đến biên là quay lại!) để phân biệt giữa người dũng cảm và kẻ hèn nhát, người muốn theo bước tiến của toàn nhân loại hay kẻ trì trệ chỉ muốn bảo vệ lợi ích phe nhóm mình. Với tôi và nhiều bạn đọc, bài toán rõ như ban ngày, cái làn ranh đó rõ ràng như Thiện và Ác, như bóng tối và ban ngày. Giữa Ô và Tập phải lựa chọn, một bên là thế giới dân chủ, bên kia là thế giới của những kẻ độc tài toàn trị. không có lập lờ đánh lận con đen được đâu!
Đáng tiếc là lãnh đạo Việt Nam đã lựa chọn rồi, từ 1990 kia – vì quyền lợi ích kỷ của bọn họ chứ vì gì quyền lợi dân tộc? – nên cho đến nay những kẻ bảo thủ, đang tiếc có vị lãnh đạo kia của Hội Văn nghệ Hà Nội, mà cho đến mấy ngày hôm trước tôi vẫn hết sức trân trọng vì cũng là người có tài.
Đáng tiếc là ông chưa vượt qua được làn ranh. Nhưng tôi là người biện chứng, mọi sự luôn vận động. Ông cũng có thể thay đổi, hay là ‘tự diễn biến, tự chuyển hóa’, nếu như ông muốn, như câu nói nổi tiếng của anh bạn đồng niên của tôi.
N.H.T.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét